Thiền Tông Việt Nam
Tông Môn Cảnh Huấn 3
21. Giới căn bản

Ngày 13/03/ Tân Tỵ - 06/04/2001

Trong bản Thanh quy của thiền viện, về phần giới luật trước là đọc lại 10 giới căn bản, sau là lời dạy của ngài Pháp Loa. Trong chúng có nhiều người mới vào chưa hiểu hết ý nghĩa, nên hôm nay tôi sẽ giải thích cho toàn chúng được rõ thêm. 

Ỏ đây đa số là Tỳ-kheo, nhưng sao mỗi tháng chúng ta chỉ tụng lại 10 giới căn bản của Sa-di, mà không tụng giới Tỳ-kheo? Bởi vì, giới Sa-di là giới thấp nhất trong hàng xuất gia mà đôi khi người tu lâu giữ cũng không tròn, huống là đối với những phần nhỏ nhặt của giới Tỳ-kheo, làm sao có thể giữ được. Chúng ta không nói những điều cao siêu khó làm, mà nói những gì chúng ta làm được. Nếu nói rộng hoặc nói nhiều chi tiết quá, mà không giữ hết thì không tốt. Do đó mỗi tháng tôi cho đọc lại 10 giới căn bản, để nhắc toàn chúng nhớ mà ứng dụng tu tròn đủ. Tất cả phải giữ cho được, 10 giới này là căn bản cho tất cả giới khác.

Kế đến là lời dạy của ngài Pháp Loa, ngài nói:

Giới thượng thừa: Tịnh giới là trong 12 giờ ngoài dứt các duyên, trong tâm không dấy động.

Ngoài dứt các duyên là đối với sáu trần chúng ta không đuổi theo, không để dính mắc. Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sở dĩ phạm giới luật là do bị dính mắc, nếu không dính mắc sáu trần là đã giữ giới rất cẩn thận. Nếu ở ngoài không dính mắc, trong tâm không dấy động thì đó là định. Không dính với sáu trần, nội tâm an định, đó là gốc của sự tu hành, cũng là gốc của giữ giới. 

Trong tâm không dấy động nên cảnh đến vẫn an nhàn. Mắt không vì sở duyên thức ra, thức không vì sở duyên cảnh vào. Ra vào không giao thiệp gọi là ngăn dừng, tuy gọi ngăn dừng mà chẳng phải ngăn dừng. Nên biết tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế.

Trong tâm không dấy động nên cảnh đến vẫn an nhàn. Bởi tâm không dấy động, nên tài sắc danh lợi có đến cũng vẫn thảnh thơi nhẹ nhàng, không bị lôi cuốn không bị dính mắc. Đó là tinh thần giữ giới tuyệt vời, chứ không phải tầm thường.

Mắt không vì sở duyên thức ra, thức không vì sở duyên cảnh vào. Sở duyên của mắt là sắc, tức là mắt không đuổi theo sắc nên thức không dấy khởi. Ra vào không giao thiệp gọi là ngăn dừng, tuy gọi ngăn dừng mà chẳng phải ngăn dừng. Nên biết tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế. Các căn kia cũng vậy.

Nếu sáu thức không chạy theo sáu trần, thì sáu trần không thể tự chui vào trong tâm thức được. Nói một cách đơn giản hơn, chúng ta tu là giữ sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà không giao thiệp, tức tâm không chạy theo. Không bị ở trong chạy ra ở ngoài chui vào, tức là không dính mắc bên nào hết. Sáu căn không nhiễm, không dính sáu trần thì tâm tự yên định, nên nói đâu có gì gọi là ngăn dừng.

Đây gọi là giới Đại thừa, gọi là giới Vô thượng. cũng gọi là giới Vô đẳng đẳng. Tịnh giới này dù Tiểu tăng cho đến Đại tăng đều phải gìn giữ. 

Tâm không nhiễm mới được thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì giới mới thanh tịnh. Người tu lâu hay mới tu đều phải gìn giữ, không để sáu căn dính mắc sáu trần. Gìn giữ được như vậy là tu cẩn mật, là giữ giới thanh tịnh. Nên gọi giới này là giới thượng thừa, tất cả Tiểu tăng hay Đại tăng cũng đều phải gìn giữ.

Nếu để tâm mình phóng loạn chạy theo sáu trần thì dù nói giữ giới cũng không giữ được. Thế nên người tu phải luôn gìn giữ nội tâm, đừng đuổi theo ngoại trần. Sáu căn đối với sáu trần không dính kẹt, đó là thiền. Tâm không chạy theo cảnh, đó là định. Cảnh không dính vào tâm nên tâm rất an nhàn, hay nói cách khác là đã có trí tuệ nên không bị ngoại trần lôi cuốn. Do đó tâm được sáng suốt. Vì vậy người tu ráng giữ căn trần đừng cho dính mắc với nhau, đó là gốc tu mà cũng là giới đức cao siêu thanh tịnh của chính mình.

Tôi nói tóm lược để cho toàn chúng ý thức gìn giữ tâm mình, đừng để chỉ tu cho có hình thức, còn nội tâm không thanh tịnh thì không tốt. Mong tất cả trong chúng tu hành thanh tịnh, được như lời dạy của ngài Pháp Loa.

Mục Lục
Tông Môn Cảnh Huấn 3
Phần I - Giáo huấn chư Tăng nội viện
Phần II - Giáo huấn chư Ni nội viện
Danh sách chương: