Thiền Tông Việt Nam
Tông Môn Cảnh Huấn 3
43. Hết lòng vì Tăng Ni

Ngày 28/08/ Canh Thìn - 27/09/2000

Lúc mới đi tu, Thầy vô công quả ở chùa Phật Quang, với tâm nguyện thiết tha xuất gia cầu giải thoát sanh tử. Vào chùa, Thầy được hòa thượng Thiện Hoa nhận làm đệ tử và ở lại đó tu một thời gian. Trong chùa có chia ra Đông đường và Tây đường, lớn nhỏ ở chung. Tây đường với nhà bếp dành cho quý cô, Đông đường là chỗ của quý thầy. Sư ông rất nghiêm khắc, có gì sơ hở là bắt quỳ hương Quá đường, cho nên trong chúng tu học rất nghiêm chỉnh.

Sư ông nghiêm như vậy, nhưng do thời đó còn xay lúa bằng cối, giã gạo bằng chày, chứ không có nhà máy xay lúa như bây giờ. Quý thầy phụ trách phần xay lúa giã gạo, còn quý cô thì sàng gạo... Bởi làm việc chung qua lại như vậy, nên thời gian sau hai bên nảy sinh cảm tình với nhau. Một hôm, Sư ông bắt được một lá thư, liền đưa cho Hòa thượng xem. Thấy cảnh đó, Thầy buồn. Nghĩ mình đi tu là tránh những tình cảm trói buộc phiền hà, để chấm dứt các nghiệp chướng. Với chí nguyện tu hành là phải đạt đạo mà vô chùa thấy người tu còn tình cảm dạt dào quá, như vậy làm sao tu? Thầy rất buồn!

Thầy đắp y lên đảnh lễ Hòa thượng, thưa:

- Bạch Thầy, Thầy cho phép con lên núi tu.

Hòa thượng hỏi: 

- Tại sao?

Thầy thưa:

- Con thấy huynh đệ tu mà còn tình cảm qua lại như vậy, con buồn chán quá! Con nghĩ, mình tu phải làm sao để giải thoát sanh tử mới được. Cho nên con xin phép Thầy, cho con lên núi tu.

Hòa thượng hỏi:

- Thanh Từ lên núi tu cách nào, làm sao tu?

Thầy không trả lời được, vì lúc ấy Thầy mới học Phật pháp được một năm, biết cách tu đâu mà trả lời. Hòa thượng dạy: 

- Phàm người tu Phật, trước phải học hiểu sâu kinh điển, thấy được lý đạo rồi, chừng đó ra ở riêng tu mới tiến, mới đúng đường lối Phật tổ dạy. Còn không biết gì hết, lên núi tu thì tu cái gì? Không khéo tu sai lệch, đi theo tà ma.

Được nghe Hòa thượng quở dạy, Thầy sám hối rồi rút lui luôn, không dám khởi niệm đi nữa. Thầy phát nguyện phải học cho tới nơi, hiểu cho thấu đáo để sau này việc tu được thành tựu. Nhờ sự dạy dỗ của Sư ông mà Thầy hiểu biết rõ ràng và phát tâm mạnh mẽ được như vậy. Đó là kinh nghiệm đầu tiên của Thầy.

Kinh nghiệm lần thứ hai cũng là kinh nghiệm đau lòng của Thầy. Sau năm 1975, bên cạnh tu viện Chơn Không là tu viện Bát Nhã. Chơn Không là viện Tăng, Bát Nhã là viện Ni. Thời gian ấy kinh tế rất khó khăn, Tăng Ni phải tự túc để có phương tiện mà tiếp tục tu hành, nên phải bày ra tổ hợp tương. Tăng Ni ở hai tu viện cùng làm tương, rồi gánh xuống chợ bán. Lúc đó Thầy đồng ý cho Tăng Ni làm chung, vì tu viện Chơn Không ở trên núi nên công việc làm tương khá vất vả, nhất là khâu vận chuyển lên xuống, cần phải có người mạnh hợp tác với người yếu thì mới làm được. Khi làm chỉ nghĩ là để có phương tiện sinh sống mà tu, chứ không nghĩ đến bất cứ việc nào khác. Thế nhưng khi hợp tác lâu ngày, Tăng Ni gần gũi nên cũng phát sinh việc không hay.

Thầy thấy mình cố tình tạo việc làm để Tăng Ni có kế sinh nhai mà tiếp tục đường tu, nhưng vô tình lại tạo duyên cho những người sức tu còn yếu tu không được. Điều này làm Thầy đau lòng lắm! Thầy nghĩ, vị lãnh đạo là người chịu trách nhiệm tất cả những chuyện hay dở của thiền viện, mà Thầy không sắp xếp được việc sinh nhai trong chúng, để Tăng Ni nảy sinh duyên xấu khiến cho việc tu bị dở dang. Tự thấy mình không tròn bổn phận, Thầy rất buồn.

Qua các kinh nghiệm đó, khi xuống khu Thường Chiếu, lập các thiền viện, Thầy chủ trương ở đâu lo ở đó, không cho làm chung nữa. Tuy nhiên, mấy năm đầu kinh tế thiếu hụt, Tăng Ni cũng phải qua lại để giúp đỡ những việc khó khăn nặng nhọc, nên Thầy vẫn chưa được toại nguyện. Sau này lập thiền viện Trúc Lâm, Thầy quyết tâm tạo điều kiện tốt cho Tăng Ni tu, không để xảy ra việc xấu dở nữa. Ngày trước vì hoàn cảnh quá khó khăn nên không làm được như ý nguyện, bây giờ hoàn cảnh tương đối dễ dàng, phương tiện sống đầy đủ, mọi công tác trong chúng đều ổn định rồi. Thầy tin rằng, Thầy đã tạo điều kiện tốt cho Tăng Ni tu, nếu trong chúng quyết tâm tu thì chắc chắn không xảy ra chuyện đáng tiếc. Đó là sở nguyện, là tâm tư của Thầy.

Thầy luôn nghĩ mình là người đi trước, Tăng Ni là người đi sau, nên Thầy có bổn phận hướng dẫn Tăng Ni tu tới nơi tới chốn. Vì vậy Thầy quyết tâm làm sao cho Tăng Ni tu được tốt, không để xảy ra những chuyện làm trở ngại việc tu của mình. Làm sao đến khi Thầy nằm xuống, Tăng Ni có thể thay thế Thầy, gánh vác trách nhiệm của Thầy, làm cho Phật pháp tốt đẹp không bị lu mờ. Mỗi người đều đủ tư cách, xứng đáng làm Thầy cho những lớp sau. Đó là niềm hy vọng và trông đợi từng ngày, từng tháng của Thầy. Mong muốn tha thiết như thế, nên Thầy trông đợi ở Tăng Ni rất nhiều.

Trong cuộc sống tu học, Thầy ráng lo đủ phương tiện yên ổn cho Tăng Ni tu tiến. Nếu Thầy đã lo cho đủ điều kiện tốt mà Tăng Ni không giữ tâm tu, để những việc không tốt xảy ra khiến phải thối lui thì Thầy đau lòng lắm! Tất cả phải hiểu, phải thấy cho rõ. Mình đến đây tu là chuẩn bị vươn lên, đang vươn lên chứ không phải dừng lại. Đã vươn lên thì những gì lợi cho sự tu hành, chuyện gì có ích cho huynh đệ thì phải toàn tâm làm cho trọn vẹn, đừng để có chỗ sơ hở khiến các duyên xấu chen vào. Nếu làm cho huynh đệ thối tâm, bản thân mình cũng không tu được, đó là lỗi lớn. Vì vậy, Thầy mong tất cả phải cố gắng tu hành nhiều hơn.

Đối với công việc của thiền viện, ở viện ni phải tự lực, đừng ỷ lại nhờ vả bên Tăng qua làm. Việc gì bên Ni làm được thì làm, nếu không được thì nhờ thợ làm. Thiếu tiền không đủ trả công thợ, Thầy sẽ cho. Không nên mỗi việc lớn nhỏ gì cũng đều nhờ chư Tăng qua giúp. Vì nhờ nhiều quá, giúp nhiều quá thì ơn nghĩa cột trói, từ đó sanh ra lôi thôi. Không những ở nội viện Trúc Lâm Ni, mà dưới nhà khách nữ Hương Vân cũng phải như vậy. Tất cả nên nhớ, dù làm bất cứ điều gì cũng vì sự tu, không có cái khác.

Thầy chăm lo cho đời tu của Tăng Ni được tốt đẹp là để sau này truyền bá đạo đức lâu dài. Mỗi người trong chúng đều phải cố gắng giữ gìn và nỗ lực hơn, đừng để những sơ sót xảy ra làm cho uy tín của mình suy giảm. Nếu uy tín suy giảm rồi, thì một là công lao của Thầy thành vô ích, hai là phụ lòng trông đợi của Phật tử. Đó là tội lớn. Vì vậy trong chúng, từ nhỏ tới lớn đều phải cẩn thận dè dặt, lo gìn giữ để sự tu lúc nào cũng cao quý và tốt đẹp. Người lớn phải làm gương cho người nhỏ, tất cả cùng một hướng, cùng nhau cố gắng tu tiến, đừng để lui sụt.

Ở đây, mình làm gì đều có người giúp đỡ đầy đủ, hô đâu có đó. Thiếu gạo thì có gạo, thiếu tiền thì có tiền, thiếu áo thì có áo... Phật tử dành tình cảm cho mình quá tốt. Tại sao Phật tử thương Thầy? Vì thấy Thầy đem hết tâm tư lo cho đạo, trải lòng lo cho Tăng Ni từ sự tu học cho đến tất cả mọi thứ, đều được yên ổn để tu học. Bởi thấy Phật tử tin tưởng như thế nên Thầy rất lo, vì lo mà Thầy thường rầy nhắc. Thầy khó với Tăng Ni là do như vậy, chứ không phải để lo cho Thầy hay làm cho Thầy có danh tiếng. Nếu vị nào quý Thầy, trọng đạo, thương cho duyên phúc của mình được xuất gia tu học thì phải nỗ lực cố gắng lên, đừng thả trôi.

Mỗi khi đến ngày giỗ của Sư ông, Thầy vừa cầm hương lên là xúc động. Tại sao Thầy xúc động? Thầy nghĩ, nếu không có Thầy mình thì ngày nay mình là cái gì, không biết sẽ ra sao? Chính nhờ Thầy mà ngày nay mình biết được đường tu, nhờ Thầy mà ngày nay mình làm được nhiều Phật sự, nhờ Thầy mà mình từ người không ra gì, ngày nay trở thành người có ích cho đời, cho đạo. Nếu Thầy mình không thương không lo thì mình sẽ như thế nào? Bởi nghĩ như thế nên mỗi khi cầm hương lên nguyện là Thầy nghẹn ngào.

Thầy nhớ người trước có công lớn với mình chừng nào, thì Thầy càng có trách nhiệm với người sau nhiều chừng ấy. Do đó đối với Tăng Ni, Thầy đem hết sức lực, tâm tư chỉ dạy dìu dắt đường tu. Thầy mong tất cả hiểu thấu đáo điều đó. Những ngày Thầy còn ở đây dạy bảo thì phải đem hết tâm tư lo học hành, nhớ hiểu và ứng dụng tu cho có kết quả. Khi nào Thầy nghỉ, Tăng Ni có đủ khả năng để tiếp tục giáo hóa thì đó là biết đền ơn Thầy. Mong tất cả hiểu rõ những gì Thầy trông đợi, mỗi người đều phải cố gắng. Đừng chần chừ, đừng lôi thôi, đừng để mất thời gian quý báu. Nếu cứ thả trôi thì chẳng những uổng công nhắc nhở của Thầy, mà cũng là uổng đi đời tu của mỗi người.

Sau đây là Thầy có ít lời nhắc riêng cho những người mới xuất gia. Hiện tại tụi con mới cạo tóc xuất gia tuy tu chưa tới đâu, nhưng đã đến đây nhập chúng tu học là đã nói lên ý chí dứt khoát, muốn tu hành để tâm thảnh thơi, tức là ngang đây đã có một hướng đi thật rõ ràng rồi. Lúc chưa cạo tóc là chưa có hướng đi nhất định, ai rủ đâu thì theo đó. Bây giờ có hướng đi rồi thì chỉ quyết tiến trên con đường này cho tới cùng, không nghĩ gì khác hơn nữa. Thế nên khi bắt đầu cạo tóc, là cuộc đời đã chuyển hướng, tức mình phải sống theo một hướng mới. Lúc đầu hơi ngỡ ngàng một chút, nhưng lâu ngày sẽ quen. Ai ban đầu cũng vậy thôi, có ai bỗng dưng mà trở thành người tu thuần thục được.

Người xuất gia phải tập có một cái nhìn tích cực. Khi làm điều gì không hợp lý, bị rầy thì sửa đổi. Lòng thầm mang ơn người rầy nhắc, đừng buồn. Người làm sai, bị rầy mà buồn là không muốn sửa. Muốn tiến tu thì phải chịu khó sửa đổi từ từ những thói xấu. Sửa được rồi mới thấy giá trị của người tu. trước đây vui đâu nói đó không cần dè dặt gì hết, nhưng bây giờ ăn nói phải lựa lời. Nhờ vậy mai kia mới làm thầy dạy người được.

Từ một người thường mà tu hành hoàn thiện bản thân để một ngày kia làm thầy thiên hạ, thật không dễ chút nào. Nếu thích la lối, giỡn cười, không có chút tư cách thì mai kia chắc chắn không được quý trọng. Cho nên ngay bây giờ phải cố gắng tập sửa từ từ, khi quên được nhắc nhở thì phải ráng sửa đổi. Làm sao để mình có một lối sống hay, một tư cách tốt thì sau này mới được mọi người kính mến. Phải nhớ, đi tu là việc lớn, nên cố gắng làm tốt việc bổn phận của mình.

Mục Lục
Tông Môn Cảnh Huấn 3
Phần I - Giáo huấn chư Tăng nội viện
Phần II - Giáo huấn chư Ni nội viện
Danh sách chương: