Tông Môn Cảnh Huấn 3
1. Dẫn nhập
Đạo Phật Việt Nam, Thiền tông Phật giáo Việt Nam, hai mối lương duyên này đồng hành trôi chảy, hình thành gắn bó xuyên suốt trên mảnh đất quê hương mãi tự thuở nào. Lịch sử Việt từ thời ban sơ, tràn dâng một sức sống uy linh, thấm đẫm giống nòi con rồng cháu tiên. Bản lĩnh Việt tồn tại đậm nét hào hùng, cuối cùng đuề huề với năm châu. Nòi giống Việt trân kính quý báu văn miếu, có thể sánh bước cùng các nguồn văn minh sáng chói khắp châu lục lãnh thổ. Buổi sơ khai các thiền tăng có mặt và gầy dựng Phật pháp Thiền tông tại nước ta. Bước chân các đoàn du tăng mang dấu ấn đạo Phật đi vào nước Việt, đương thời hội ngộ tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu, có thể sánh vai với Đông Ngô, Bành Thành, Lạc Dương… Bắc Quốc. Thời này một thiền tổ mang dấu ấn tông thừa là Tỳ-ni-đa-lưu-chi, vừa từ phương Bắc quảy tích sang Đại Việt hoằng dương Thiền tông. Phật pháp của ngài cắm sâu và phát triển vào khoảng thế kỷ thứ 6. Sau đó, thiền sư Vô Ngôn Thông (? - 826) học trò đắc pháp của tổ Bách Trượng sang Đại Việt, trụ tại đạo tràng chùa Kiến Sơ, hoằng truyền đạo Tổ, hóa độ chúng sanh. Hồi này nhiều đoàn du tăng từ Bắc Ấn, Tây Hạ, Trung Hoa, trong đó có những vị thiền tăng Việt Nam cùng truyền thừa Thiền tông. Những kỷ nguyên liên tiếp nơi quê hương chúng ta liên tục phát triển đạo thiền. Hoàng đế Lý Thánh Tông (1023 - 1072) sau thắng lợi cuộc chiến Việt - Chiêm, trong đoàn người hồi triều có thiền sư Thảo Đường. Đây là vị thiền sư thuộc dòng thiền Vân Môn, ngài sang hóa đạo Chiêm Thành, cùng về đất Việt và mở mang Thiền phái Thảo Đường, một thời uy chấn đất kinh đô. Các quân vương sĩ tứ đương thời quy hướng học pháp tu hành nơi ngài. Thiền tông Lý - Trần thời kỳ hội nhập phát triển bền vững. Thời kỳ này những danh tăng nước Việt như thái sư Khuông Việt, thiền sư Vạn Hạnh, tổ sư Lý Khánh Vân, hòa hội cùng các minh quân hoàng đế Đại Việt hợp xướng tông phong, mở mang phát triển Thiền tông đạo Phật mang đậm bản sắc Việt. Từ đây mở ra một thời kỳ vàng son của dân tộc Việt Nam, Phật giáo Việt Nam, Thiền tông Việt Nam. Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308) Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tiếp nối phát triển Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm, Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử một thời huy đại toàn cõi Đại Việt, người người tin Phật, tu Phật, hành thiền. Các thiền tăng tiếp nối liên tục truyền bá Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử. Thời này Tam tổ Trúc Lâm tục diệm tông Tổ, thiền sư Hiện Quang, quốc sư Viên Chứng, Đại Đăng, Phù Vân… nhất tề truyền bá đạo thiền. Bao nhiêu công hạnh công đức dâng về cho đạo pháp, dân tộc hưng thịnh mãi ngàn sau. Tuy nhiên, đất nước bước vào hồi thịnh suy, dòng sinh mạng của chúng sanh cũng không dừng một chỗ. Thịnh rồi suy, suy để rồi phấn đấu, cùng hình thành gầy dựng. Xưa nay luôn là như vậy. Bánh xe thời gian là thứ gì ghê gớm nhất, luôn nghiền nát mọi thứ, trong đó cũng không thể giấu giếm nổi chất liệu làm nên, hiện thành. Dẫu sao thời kỳ trung hưng, tổ Chân Nguyên Huệ Đăng cùng một số môn hạ chân tu thật học cùng chung phụng sự, thắp lại đèn Tổ, khiến tông phong Phật giáo thiền Trúc Lâm thời này sống dậy. Thế là nhân duyên sự kiện mọi thứ chìm lắng, trải dài suốt bao nhiêu thế kỷ. Chính đây là thời kỳ yên lắng mà hoằng truyền. Căn cơ phúc duyên của chúng sanh khắp thế giới nói chung, dân tộc Việt cùng cộng hưởng cũng không ngoại lệ. Cứ như vậy mà tạo dựng, mà sống còn, vươn lên, cống hiến thăng hoa. Các bậc long tượng cũng tùy duyên xuất thế bằng vào đại nguyện đại lực, tùy phần mở mang chánh đạo. Giá trị đạo pháp trong sự nghiệp truyền thừa, nhân đó lợi lạc quần sanh. Thực sự mà nói thế sự thăng trầm, đạo pháp cũng chìm nổi. Cứ vậy mà thể hiện, hành trì, bảo vệ, tôn vinh. Chúng sanh cần Phật pháp có, nối nắm thừa đương mãi mãi. Tuy vậy, đâu đó cũng phát tín hương tín hiệu trỗi dâng, duyên lành hội tụ mọi thứ thông suốt. Thời cận đại phong trào chấn hưng Phật giáo, con thuyền vận mệnh Phật pháp thời cơ hội đủ nhất tề dâng lên. Thời kỳ đương đại nhiều bậc chân tăng xuất hiện khắp ba miền đất nước. Bắc phần thì có chốn Tổ Vĩnh Nghiêm phát động phong trào. Miền Trung chư Tổ Tây Thiên, Phước Huệ, Báo Quốc cũng mở hội Tăng học sinh, cư sĩ học Phật hăng hái cầu pháp, siêng năng tu tập. Miền Nam sáng dậy, chư Tổ Huệ Quang, Khánh Hòa, Tổ Tổ thừa đương mở hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học, Lưỡng Xuyên Phật học. Đây là thời kỳ Phật pháp được khởi động, vun vén, chính là lúc người con Phật khắp nơi thức giấc, làm tốt nhiệm vụ truyền trì mạng mạch Phật tổ, lợi lạc quần cơ. Đèn Phật sáng tỏ, mạch thiền lung linh, dòng thiền Trúc Lâm cũng theo đó mà phục sáng. Thiền sư Thích Thanh Từ cả đời hành trì Phật pháp, nhận thấu yếu chỉ tông thừa, từ xa vạn vọng phát đại nguyện vận thuyền đại từ, xiển dương đại pháp, thừa thâm ân cảm hóa của liệt tổ liệt tông, thắp sáng ngọn đuốc Phật tâm, lợi lạc khắp nơi. Tại miền Nam nước Việt, ngài khôi phục và truyền thừa Thiền tông Trúc Lâm. Thừa tư công đức mong báo đáp thâm ân Phật tổ, lịch đại Tổ sư, chuyển tải mạng mạch Trúc Lâm Yên Tử, dâng lên cúng dường mười phương Tam bảo, các bậc hiền thánh, hòa nguyện lợi lạc quần sanh, khiến đèn thiền Trúc Lâm sáng dội mai sau. Hướng nguyện tâm huyết của ngài, tâm hành và Phật pháp nơi ngài tuôn chảy khắp chốn tùng lâm. Từ thiền viện Chơn Không - Vũng Tàu, núi lớn Tương Kỳ, Lão nhân Tương Kỳ đinh ninh mở hội dạy thiền cho Tăng Ni tứ chúng và đạo tràng Phật tử cùng về tu học. Giai đoạn chuyển tiếp ngài về đạo tràng Thường Chiếu mở rộng thiền pháp, xiển hóa cùng khắp. Đồng thời ngài khai mở đạo tràng thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng ở cao nguyên vào thập niên 90. Tại đây, khu nội viện cũng được thành lập cho đại chúng cùng tu học. Không lâu, nơi này trở thành trung tâm hướng dẫn tu thiền Trúc Lâm của ngài. Thời gian ở thiền viện Trúc Lâm, mỗi tháng ngài vẫn trở về Tổ đình Thường Chiếu giảng dạy hướng dẫn Tăng Ni tứ chúng tu học. Chư Tăng Ni Phật tử pháp hữu về tu học rất đông. Đây, lời hướng dẫn của ngài cho chư hành giả tu thiền vào những mùa An cư và lời khai thị cho những Phật tử đến cầu pháp tu học: Ba tháng an cư của Tăng Ni là ba tháng tu hành miên mật, chín chắn. Thời gian này, Phật tử đem hết tâm hướng về Tăng Ni. Trách nhiệm của chúng ta là phải nỗ lực, không tiến nhiều cũng tiến ít, không thể lơ là được. Tu chẳng những lợi ích cho mình mà còn gầy dựng niềm tin cho Phật tử. Nếu nói an cư mà cũng như những ngày bình thường, tu hành lơ là cho qua ngày đoạn tháng, nhận đồ cúng dường của Phật tử, đó là việc xấu hổ đáng buồn. Tất cả Tăng Ni ở thiền viện hay các am thất chung quanh phải nhớ, chúng ta không tu thì thôi, tu thì phải thực hành cho đúng, nói cái gì phải làm cho được cái đó. Nói ba tháng an cư thanh tịnh tu hành, thì phải cố gắng thanh tịnh tu hành. Làm sao qua một mùa An cư chúng ta có những bước tiến rõ ràng, khác với khi chưa vào an cư. Được như vậy mới xứng đáng tăng thêm một tuổi đạo, là một tuổi công đức. Người xưa nói “Tu hành cốt yếu tại tâm”, nhưng biết tu tâm nào? Có người cho rằng nghĩ thiện là tâm tốt nên giữ, nghĩ ác là tâm xấu bỏ đi, đó là tu tâm. Sự thật đến chỗ cứu cánh của nhà thiền thì thiện ác đều buông. Bởi vì thiện ác thế gian chỉ mang tính tương đối, không cố định. Tâm chân thật thì không còn thiện ác, hai bên. Chúng ta tu nên bỏ tâm hơn thua, phải quấy, tốt xấu, được mất, trở về chỗ an tĩnh chân thật. Tu thiền bắt phải ngồi nghiêm trang, đau nhức dữ dội vẫn phải chịu đựng một tiếng rưỡi, hai tiếng đồng hồ. Đó là để tự mình khắc phục cho được sự khó khổ trên thân. Thân cực khổ vẫn dễ thắng hơn tâm. Trong tâm lăng xăng muốn ngừng nhưng vẫn cứ chạy, không dừng bao giờ. Vọng tưởng là bóng dáng của các trần đã ghi sâu trong tàng thức, sẵn sàng xuất hiện bất cứ lúc nào, không thể ngăn cản, ngừa đón. Thực sự muốn thắng tâm vọng tưởng trước phải thắng thân. Hàng phục thân thành công mới có khả năng hàng phục tâm. Thân nhọc nhằn một chút chịu không nổi, như thế sẽ không bao giờ hàng phục nổi tâm. Làm khách phong trần tha phương, càng đi càng xa quê nhà. Mỗi lần chúng ta sanh ra là một lần tạo thêm nghiệp và càng xa rời bản tâm chân thật. Người tu thức tỉnh trở về quê hương, phải làm sao mỗi ngày tiến gần hơn với chính mình. Về tận nhà mới xong việc. Đời này nếu chưa chấm dứt dòng sanh tử, ít ra cũng bớt khổ nhiều. Muốn được vậy thì đừng chạy theo vọng tưởng, danh lợi, tài sắc của thế gian. Vọng tưởng chỉ là cái áo phong trần nhiều bụi bặm, ngang đây rũ sạch để trở thành con ông trưởng giả ngồi trong nhà cai quản sự nghiệp. Chúng ta tu là đi trên đường giải thoát, là con đường diệu vợi. Đi một ngày mệt thì ghé trạm nghỉ, ngày thứ hai đi tiếp. Có đi là có tiến, đi chậm thì tiến chậm, đi mau tiến mau. Dù chưa tới nơi nhưng luôn luôn cố gắng nỗ lực, chưa đến đích cũng vẫn cứ đi. Đi mãi cho tới cứu cánh mới thôi, đừng tính ngày tính tháng, tính năm này năm nọ, cứ thẳng một đường chăm bẫm đi mãi, nhất định có ngày sẽ đến. Thiền sư Thích Thanh Từ - Thầy chúng tôi - thế danh Trần Hữu Phước, ngài ứng thế vào thập niên 20, tiền bán thế kỷ 19 tại làng Tích Thiện, quận Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình trung nông thuần Việt. Năm lên 9 tuổi mà ngài đã cảm tác lời thơ: Non đảnh là nơi thú lắm ai, Đó cảnh nhàn du của khách tài, Tiếng mõ công phu người tỉnh giấc, Chuông hồi văng vắng quá bi ai. Quả là chủng duyên tu hành từ nhiều đời của ngài đã sớm khai phát. Năm 1949, ngài được tổ Thiện Hoa thế phát xuất gia vào ngày 15 tháng 7 tại chùa Phật Quang - Bang Chang, Trà Ôn. Tại đây ngài đã cần mẫn chuyên tâm tu học. Năm 1953, ngài theo Tổ lên Sài Gòn tu học tại Phật Học đường Nam Việt chùa Ấn Quang. Vừa học vừa lưu giảng tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ theo sự chỉ giáo của Giáo hội và chư Tổ tại chùa Ấn Quang. Năm 1957, ngài về chùa Phước Hòa - Trà Vinh thừa hành Phật sự. Năm 1961, ngài nhập thất hành thiền tại Thiền Duyệt Thất - Bảo Lộc, Lâm Đồng. Thời gian này ngài cùng với các pháp hữu hình thành giáo trình Cao trung Phật học và Đại học Phật giáo Việt Nam. Năm 1963, ngài cùng với hai hòa thượng Bửu Huệ, Thiền Tâm chịu trách nhiệm khai giảng trường Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm. Năm 1966, Phật sự vừa xong ngài giã từ Sư tổ, các pháp hữu, lên núi Tương Kỳ dựng Pháp Lạc Thất, chính thức hành thiền. Năm 1968, ngài sáng lý sắc không, mở ra chân trời thông thống, thấu tột yếu chỉ Thiền tông đặc biệt qua lời giảng giải của thiền sư Khuê Phong Tông Mật trong tác phẩm Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự. Năm 1970, ngài chính thức khai quang thiền viện Chơn Không. Năm 1974, ngài thành lập thiền viện Thường Chiếu và sau đó các thiền viện ni Viên Chiếu, Linh Chiếu, Huệ Chiếu, Phổ Chiếu, Tịch Chiếu, Chơn Chiếu... cũng lần lượt ra đời. Tứ chúng khắp nơi đề huề tu học. Có thể nói Thường Chiếu là một đạo tràng lớn, thiền sư Thích Thanh Từ chủ hóa hoằng truyền Thiền tông Trúc Lâm Việt Nam. Năm 1993, ngài thành lập thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng - Đà Lạt. Đây là nơi lý tưởng tối hậu của ngài. Mạch nguồn Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đến đây là thời kỳ phục hưng và phát triển mạnh mẽ. Ngài nói: Hoài bão của tôi là khôi phục Thiền tông Việt Nam. Bởi vì người Việt Nam lập thành một hệ phái Thiền tông chỉ có ở đời Trần, còn những đời trước và đời sau đều lấy theo hệ phái của Trung Hoa. Chúng ta là kẻ hậu học, tự hãnh diện ở Việt Nam xuất hiện một hệ phái thiền Việt Nam trọn vẹn, mang dấu ấn của chư Tổ tiền bối và dung hội tài tình đường lối tu hành của người xưa, làm kim chỉ nam cho hành giả Việt Nam. Thế là các thiền viện khắp nơi trong đất nước lần lượt ra đời, và phát triển sang cả ngoài nước. Bước chân của ngài tới đâu là ánh sáng Phật pháp lan tỏa tới đó, đem an vui đến cho muôn người. Đặc biệt ngài đã trở về chốn Tổ, nơi phát tích dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, dựng lập thiền viện và đạo tràng Thiền tông nơi đây. Thiền phong một thuở bừng sống dậy nơi chốn Tổ non Yên, làm tiêu bảng cho thiền tăng Việt Nam, giữ vững cương lĩnh và mạch nguồn Thiền tông nước Việt muôn thuở. Tông Môn Cảnh Huấn được kết tập từ công đức giáo hóa một đời của ngài. Bao nhiêu tâm huyết, công phu, trí tuệ và lòng từ bi của ngài thể hiện trọn vẹn trong bộ sách này. Tăng Ni Phật tử hữu duyên với pháp tu thiền, thích tu thiền, có thể lấy đây làm cẩm nang trên con đường hành thiền. Đó cũng chính là hoài bão của Ân sư, mong muốn truyền bá dòng thiền nước Việt rộng sâu trong lòng dân tộc và Phật giáo quê nhà, đồng thời mở mang rộng khắp năm châu bốn bể, lợi lạc quần sanh, đền ân Phật Tổ. Nơi đây, Chúng môn hạ đệ tử của ngài, có những vị đã nhiều năm theo Thầy học đạo hành thiền, có niềm tin và niềm vui nơi pháp thiền. Quý kính, tưởng nhớ đến thâm ân cao vời của Ân sư, đồng thời vâng theo chí nguyện Thầy tổ, huynh đệ cùng nhau biên tập bộ Tông Môn Cảnh Huấn này, ghi lại lời giáo huấn của Thầy, làm kim chỉ nam cho hành giả tu thiền. Bao nhiêu công đức có được cung kính dâng lên cúng dường Thầy tổ, kính mừng bách thọ khánh tuế Ân sư. Nguyện Thầy cửu trụ Ta-bà, trí tuệ viên mãn, truyền tải Phật pháp Thiền tông, làm lợi ích khắp nhân gian.
TM. Ban Văn Hóa Thường Chiếu Khể thủ,
Pháp tử Thích Nhật Quang Mục Lục
|
Tông Môn Cảnh Huấn 3
Phần I - Giáo huấn chư Tăng nội viện
Phần II - Giáo huấn chư Ni nội viện
|
1. Dẫn nhập
Phần I - Giáo huấn chư Tăng nội viện
Phần II - Giáo huấn chư Ni nội viện
39. Sự khác biệt giữa hồi quang phản chiếu và phản quan tự kỷ