Thiền Tông Việt Nam
Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải (1996)
Tụng Cổ 3

Dịch:

Cử:

Trần Tôn Túc hỏi vị Tăng:

- Ở đâu đến?

Vị Tăng trợn mắt nhìn Sư. Sư nói:

Kẻ lừa trước ngựa sau
Nói thử một câu xem?

Vị Tăng lặng câm.

Tụng:

Ngựa sau lừa trước chớ ngược ngang
Lừa đá ngựa giày lại thế nào?
Đêm trước trong mơ người ướm hỏi
Hai thây chôn dưới một mồ sâu.

Giảng:

Ông Tăng này tỏ ra oai, được hỏi ở đâu đến chỉ trừng mắt nhìn lại mà không trả lời. Nếu không phải là Thiền sư chánh hiệu thì cho ông Tăng này ngộ rồi, nên mới có thái độ kỳ đặc như thế. Nhưng ngài Trần Tôn Túc là một Thiền sư chánh hiệu biết rõ người, nên hỏi:

Kẻ lừa trước ngựa sau
Nói thử một câu xem?

Vị Tăng không trả lời được nên làm thinh. Như vậy là bị Ngài phá vỡ. Trần Tôn Túc chỗ khác gọi là Trần Bồ Hài, hiệu Đạo Minh, Thủ tọa trong hội Hoàng Bá, là Sư huynh của Thiền sư Lâm Tế.

Ngài Trần Tôn Túc nói “lừa trước ngựa sau”, bây giờ Thượng Sĩ nói:

Ngựa sau lừa trước chớ ngược ngang
Lừa đá ngựa giày lại thế nào?

Tăng bị hỏi một câu, trả lời không trôi, làm sao đây?

Đêm trước trong mơ người ướm hỏi
Hai thây chôn dưới một mồ sâu.

Ý nói vị Tăng này giống như người mơ bắt chước. Thấy các Thiền sư có khi trừng mắt có khi làm thinh, tưởng đâu làm như thế là hay nên bắt chước, nhưng rốt cuộc rồi thì “hai thây chôn dưới một mồ sâu”. Hai thây là thây trợn mắt, thây lặng câm nói không được, nên chôn dưới mồ sâu. Đây là chỉ cho người dốt mà làm cao tưởng như mình giỏi lắm, không ngờ bị các ngài bẻ lại, điên đầu đáp không được.

Dịch:

Cử:

Thiền sư Cảnh Thông về sau trụ trì ở Hoắc Sơn có cư sĩ đến hỏi:

- Thế nào là đại ý Phật pháp?

Sư liền lễ bái. Cư sĩ nói:

- Hòa thượng vì sao lễ người thế tục?

Sư nói:

- Ngươi chẳng nghe nói tôn trọng đệ tử sao?

Thầy nói:

Vâng, dạ và ừ
Cách nhau bao nhiêu?

Lại Cảnh Thông hỏi vị Tăng:

- Từ đâu đến?

Vị Tăng đưa tọa cụ lên. Sư nói:

- Đầu rồng đuôi rắn.

Thầy nói:

- Bóng trăng không phải là sanh kế một nhà.

Lại vị Tăng hỏi Cảnh Thông:

- Thế nào là Phật?

Sư liền đánh. Vị Tăng đánh lại. Sư nói:

- Ông đánh ta có đạo lý, ta đánh ông không đạo lý.

Vị Tăng lặng câm. Sư liền đuổi ra.

Thầy nói:

Một bên dùng bạo binh, sẽ vô nghĩa vậy,
Một bên đem gà bẫy chồn, chó con chạm cọp.

Tụng:

Tướng quân ba trận chẳng thành công
Hoàng đế lệnh truyền sáu nước xong.
Vừa buông ngàn giáo trận chiến dứt
Lại nghe muôn ngựa tiếng thu vang.

Giảng:

Ngài Cảnh Thông là đệ tử của Thiền sư Ngưỡng Sơn. Một hôm Ngài đến tham vấn, Thiền sư Ngưỡng Sơn ngồi nhắm mắt. Sư nói:

- Như thế, như thế! Hai mươi tám vị Tổ ở Tây thiên cũng như thế! Sáu vị Tổ ở Trung Hoa cũng như thế! Hòa thượng cũng như thế! Cảnh Thông cũng như thế!

Nói xong, Ngài đến bên phải đứng một chân, Thiền sư Ngưỡng Sơn đứng dậy lấy gậy mây đánh cho bốn gậy. Nhân đây, Ngài tự xưng Tập Vân Phong Hạ Tứ Đằng Điều Thiên Hạ Đại Thiền Phật.

Có một lần Ngài đến Thiền sư Bí Ma (Bí Ma có cây gậy trên đầu gậy có cái nạng. Thiền khách đến tham vấn, Bí Ma lấy gậy đè cổ, Thiền khách nói được hay không được cũng đều bị ông đập, thành ra ai cũng ngán) trụ trên ngọn núi ở Ngũ Đài Sơn. Bí Ma thấy Ngài liền nói:

- Ma quỉ nào dạy ông đi xuất gia? Ma quỉ nào dạy ông đi hành cước? Nói không được cũng bị nạng đập chết, nói được cũng bị nạng đập chết. Nói mau! Nói mau!

Ngài Cảnh Thông nhảy vào lòng Bí Ma ngồi, Bí Ma vỗ vào lưng Cảnh Thông ba cái. Cảnh Thông chạy ra nói:

- Lừa dối tôi cách ba chục ngàn dặm.

Đó là cái kỳ đặc của ngài Cảnh Thông. Vì thế mà Thiền tông đời Tống gọi Ngài và Trí Thông là hai Đại Thiền Phật. Ngài Trí Thông ở trong hội Thiền sư Trí Thường, bỗng một hôm, giữa đêm Ngài la lên: “Tôi ngộ rồi! Tôi ngộ rồi!” Hôm sau Thiền sư Trí Thường gọi lên hỏi: “Hôm qua ông nói ông ngộ là ông ngộ cái gì?” Ngài đáp: “Ni cô nguyên là cô gái.” Thiền sư Trí Thường gật đầu. Vì lý do đó mà ngài Trí Thông có biệt hiệu là Đại Thiền Phật. - Ngài Cảnh Thông có phong độ mà người đời không lường nổi. Khi Ngài trụ ở Hoắc Sơn có cư sĩ đến hỏi:

- Thế nào là đại ý Phật pháp?

Ngài không nói gì hết, sụp xuống lạy cư sĩ. Cư sĩ thắc mắc hỏi:

- Hòa thượng vì sao lễ bái người thế tục?

Ngài nói:

- Ngươi chẳng nghe nói tôn trọng đệ tử sao?

Câu nói của Ngài là câu nói qua lề. Nếu là Thiền sư Hoàng Bá thì đánh bằng gậy. Thay vì đánh bằng gậy thì Ngài lạy. Đó là cái đặc biệt của Ngài. Ông cư sĩ không lãnh hội được ý chỉ, tưởng Ngài lạy ông, nên ông hoảng sợ, hỏi lại: “Hòa thượng vì sao lễ bái người thế tục?” Hỏi thì Ngài đáp: “Ngươi chẳng nghe nói tôn trọng đệ tử sao?” Kỳ thật cái lạy của Ngài không mang ý nghĩa tôn trọng đệ tử, mà có ý nghĩa như tôi đã nói ở trên.

Thượng Sĩ bình:

Vâng, dạ và ừ
Cách nhau bao nhiêu?

Vâng, dạ và ừ là ba từ cùng một ý nghĩa. Nhưng, thông thường người đời thích đáp vâng hay dạ chớ không thích đáp ừ. Vì vâng, dạ thì cung kính, còn ừ thì ngang ngược. Ý Thượng Sĩ nói cung kính và ngang ngược cách nhau bao nhiêu? Cũng như đứng thẳng người hay lễ bái chỉ là hình tướng tạm bợ thôi.

Cảnh Thông hỏi vị Tăng:

- Từ đâu đến?

Vị Tăng đưa tọa cụ lên. Sư nói:

- Đầu rồng đuôi rắn.

Thượng Sĩ bình:

- Bóng trăng không phải là sanh kế một nhà.

Về đêm, nhà không có đèn mà muốn ăn cơm, người ta phải dọn cơm ở ngoài sân, nếu mặt trăng thật hiện trên không thì mới thấy để gắp thức ăn mà ăn. Nếu là bóng trăng trong gương hay bóng trăng trong nước thì không phải là chỗ để chúng ta dọn cơm ăn, vì không có ánh sáng. Ý nói vị Tăng đưa tọa cụ lên giống như bóng trăng chớ không phải mặt trăng thật, đó là hành động bắt chước.

Tăng hỏi Cảnh Thông:

- Thế nào là Phật?

Sư liền đánh, Tăng đánh lại. Sư nói:

- Ông đánh ta có đạo lý, ta đánh ông không đạo lý.

Tăng lặng câm.

Tăng hỏi thế nào là Phật, Ngài đánh để khai ngộ là có đạo lý, tại sao Ngài nói không đạo lý? Còn vị Tăng đánh Sư là vô lễ sao Sư nói có đạo lý? Trong nhà Thiền nói để cho người suy gẫm đạo lý là câu nói chết, là tử ngữ. Nói không để cho người suy nghĩ gì được là câu nói sống, là hoạt ngữ. Ngài đánh cốt để khai ngộ cho vị Tăng, mà vị Tăng này không ngộ, lại suy lường đánh lại Ngài, nên Ngài nói “ta đánh ông không đạo lý, ông đánh ta có đạo lý” vị Tăng không đáp được nên bị đuổi ra.

Thượng Sĩ bình:

Một bên dùng bạo binh, sẽ vô nghĩa vậy,
Một bên gà mái đá chồn, chó con bắt cọp.

Vị Tăng không thông lý Thiền được khai ngộ bằng cái đánh, đánh trả lại Thiền sư là dùng bạo binh nên vô nghĩa. Còn Thiền sư Cảnh Thông thì nói lừa: Ông đánh ta có đạo lý. Ví như gà mái đá chồn, chó con không biết nguy hiểm nên chạm phải cọp, đó là vị Tăng vấp phải lỗi với Ngài.

Tướng quân ba trận chẳng thành công.

Tướng quân chỉ cho vị Tăng, ba trận: trận thứ nhất hỏi đại ý Phật pháp, trận thứ hai đánh lại ngài Cảnh Thông, trận thứ ba lặng câm không đáp được. Hành động, nói, nín của vị Tăng đều không hợp đạo, nên nói ba trận không thành công.

Hoàng đế lệnh truyền sáu nước xong.

Ngài Cảnh Thông chỉ ra lệnh một chút là muôn việc đều yên ổn.

Vừa buông ngàn giáo trận chiến dứt.

Nghĩa là hai bên đối đáp.

Lại nghe muôn ngựa tiếng thu vang.

Vào mùa thu nghe tiếng muôn ngàn con ngựa nó ré vang, biểu hiện quang cảnh thanh bình. Thượng Sĩ ca ngợi tán thán Thiền sư Cảnh Thông.

Dịch:

Cử:

Hòa thượng Đàm Không có vị Ni đến xin phép khai đường thuyết pháp. Ngài nói:

- Hàng Ni phụ nữ không nên khai đường.

Ni thưa:

- Long nữ tám tuổi thành Phật, là sao?

Sư bảo:

- Long nữ có mười tám pháp biến hóa, ngươi biến một pháp cho Lão tăng xem?

Ni thưa:

- Biến được chỉ là loài chồn thành tinh.

Sư liền đánh đuổi ra.

Thầy nói:

- Phải thì phải, còn kẹt một mối.

Tụng:

Thương thay diệu pháp muốn bàn huyền
Đâu chỉ cầm lam (giỏ) hay buông lam (giỏ)
Đánh đuổi hồ tinh là chỉ yếu
Trước ba ba sau lại ba ba.

Giảng:

Tôi không có tài liệu về lịch sử của Hòa thượng Đàm Không. Thượng Sĩ nêu lên, có một cô Ni đến xin Ngài khai đường thuyết pháp, Ngài ngăn không cho Ni giới khai đường thuyết pháp, nên cô Ni mới nhắc Long nữ tám tuổi thành Phật và hỏi tại sao Ngài không cho cô thuyết pháp. Ngài nói Long nữ có mười tám pháp biến hóa, bảo cô hãy biến một pháp cho Ngài xem. Cô Ni này bắt chước lời của Thiền sư, cô nói “biến được chỉ là loài chồn thành tinh”, nên bị Hòa thượng đánh đuổi đi. Sự việc này Thượng Sĩ bình:

- Phải thì phải còn kẹt một mối.

Đánh đuổi thì phải, nhưng kẹt một mối là thấy nam thấy nữ. Thượng Sĩ mới làm tụng:

Thương thay diệu pháp muốn bàn huyền
Đâu chỉ cầm lam hay buông lam.

Diệu pháp muốn giảng giải đâu phải chỉ có người cầm giỏ hay bỏ giỏ mới làm được. Ý nói không phải chỉ có người nam mới làm được, người nữ làm không được.

Đánh đuổi hồ tinh là chỉ yếu.

Nói biến hóa hay nói hồ tinh, bị đánh là phải, nhưng:

Trước ba ba sau lại ba ba.

Tới chỗ tuyệt đối không thể dùng lời để diễn tả. Thượng Sĩ nói Hòa thượng Đàm Không còn thấy có tướng nam tướng nữ nên còn kẹt chút đó.

Đối với tất cả Thiền sư mà chúng ta được đọc qua thấy vị nào đã thâm nhập được Bản thể chân thật thì chỗ nhắm không khác. Nhưng sở dĩ thấy có sai biệt là tùy cơ người hỏi cao hay thấp, các ngài dùng phương tiện khác nhau. Vì vậy mà những lời đối đáp có lúc thấy rất bạo, có lúc thấy rất từ bi nhẹ nhàng. Các Thiền sư Việt Nam thường thì đối đáp nhẹ nhàng, lâu lâu mới có vài câu bạo như “đạp lão Cồ-đàm cóng lạnh”. Nhưng đó chỉ bạo trên ngôn ngữ, chớ không bạo ở hành động như các Thiền sư Trung Hoa đấm đá. Phương tiện các ngài dùng cốt làm sao cho người đương cơ tỏ ngộ là mục đích chánh.

Mục Lục