Thiền Tông Việt Nam
Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải (1996)
Đối Cơ 4 (Trả Lời Người Hỏi)

Dịch:

Có vị hỏi:

- Thế Tôn nói: “Suốt bốn mươi chín năm, ta chưa từng nói một chữ.” Vậy mười hai phần giáo từ đâu mà được?

Thầy đáp:

Hơi xông khỏi hộp mong về lại,
Thuốc báu mở bình muốn bệnh tiêu.

Lại hỏi:

- Thế nào là Phật của chính mình?

Thầy đáp:

Chẳng đến rượu bồ đào
Khó gặp người đập hũ.

Lại hỏi:

- Làm sao lý hội?

Thầy đáp:

Nhà lớn một đêm ngủ
Sông dài chung đò qua.

Lại hỏi:

- Thế nào là tâm cổ Phật?

Thầy đáp:

Trọn nói khắp thành không quốc sắc
Đâu hay cửa tía có thuyền quyên.

Lại hỏi:

- Cổ nhân nói “tức tâm tức Phật” vì sao Phật không hiện tiền?

Thầy đáp:

Phanh trai tìm ngọc dù khó gặp
Mổ cá cầu châu uổng công thôi.

Lại hỏi:

- “Không thể dùng trí biết, không thể dùng thức hiểu” thì thế nào?

Thầy đáp:

Người gỗ vào biển hát vô sanh
Gái đá xuyên mây thổi tất lật.

Lại hỏi:

- Thế ấy thì không hiểu cũng không biết?

Thầy đáp:

Khổng Nhân chưa đến, truy phong biết
Tiết Chúc chẳng nhờ, tiệt vũ hay.

Lại hỏi:

- “Thấy sắc liền biết tâm”, ý chỉ thế nào?

Thầy đáp:

Vào nước lõa thể nên cởi khố
Chớ học Hàm Đan quên ngọc đào.

Giảng:

Câu “suốt bốn mươi chín năm, ta chưa từng nói một chữ” trích dẫn từ kinh Lăng-già. Nếu Phật nói suốt bốn mươi chín năm hoằng hóa, Ngài chưa từng nói một chữ, Phật đã không nói một chữ, như vậy thì mười hai phần giáo từ đâu mà được?

Mười hai phần giáo theo luận Trí Độ nguyên chữ Phạn gồm có:

1- Tu-đa-la, 2- Kỳ-dạ, 3- Già-đà, 4- Ni-đà-na, 5- Y-đế-mục-đa, 6- Xà-đà-già, 7- A-phù-đạt-ma, 8- A-ba-đa-na, 9- Ưu-ba-đề-xá, 10- Ưu-đà-na, 11- Tỳ-phật-lược, 12- Hòa-già-la. Đây là mười hai chủng loại của tất cả kinh điển mà đức Phật đã thuyết trong đời Ngài.

1- Tu-đa-la dịch theo tiếng Trung Hoa là Khế kinh, là những lời Phật dạy khế hợp với chân lý phù hợp với căn cơ của chúng sanh.

2- Kỳ-dạ dịch theo tiếng Trung Hoa là Trùng tụng, là văn kệ lập lại ý của đoạn văn xuôi ở trên. Thể loại này có rất nhiều trong kinh Pháp Hoa.

3- Già-đà dịch theo tiếng Trung Hoa là Phúng tụng. Phúng tụng và Trùng tụng khác nhau ở chỗ, Trùng tụng là phần văn kệ lập lại ý của đoạn văn kinh ở trên, còn Phúng tụng là phần kệ tụng riêng, không lập lại ý của đoạn kinh ở trên.

4- Ni-đà-na dịch theo tiếng Trung Hoa là Nhân duyên; trước sau tương sanh là nhân, hiện tướng trợ thành là duyên. Trong các kinh do nhân duyên Phật vì người khác diễn nói. Ví dụ trong nước Xá-vệ có một chàng trai giăng lưới bắt chim, bắt được chim nhốt trong lồng, cho ăn lúa uống nước rồi lại thả đi. Đức Thế Tôn biết nhân duyên đó mà nói kệ:

Chớ khinh tội nhỏ
Cho là không họa
Giọt nước dầu nhỏ
Lần đầy lu lớn.

5- Y-đế-mục-đa dịch theo tiếng Trung Hoa là Bản sự, là thể loại kinh kể lại tiền thân của đệ tử Phật. Thí dụ ngài A-nan đa văn bậc nhất là do đời trước Ngài tu hạnh tụng kinh đúng thời khóa qui định, không lơi lỏng biếng trễ.

6- Xà-đà-già dịch theo tiếng Trung Hoa là Bản sanh, là thể loại kinh kể lại tiền thân của đức Phật. Ví dụ khi chưa thành đạo, đức Phật Thích-ca có một kiếp làm Quốc vương thực hành hạnh từ bi và bố thí lóc thịt cứu con bồ câu đói.

7- A-phù-đạt-ma dịch theo tiếng Trung Hoa là Vị tằng hữu, là thể loại kinh kể những việc kỳ đặc chưa từng có trong hàng đệ tử Phật, từ hàng xuất gia đến cư sĩ. Ví dụ trưởng giả Úc-già một hôm dẫn một đoàn thể nữ vào rừng hoan lạc. Ông uống rượu say túy lúy đi lạc đường, từ xa trông thấy đức Thế Tôn ở giữa rừng cây uy nghi đẹp đẽ, các căn thanh tịnh, tức thì ông tỉnh rượu, liền đảnh lễ Thế Tôn. Đó là việc thứ nhất chưa từng có của trưởng giả Úc-già. Sau đó, ông nghe Thế Tôn thuyết Tứ diệu đế, nghe xong, tại chỗ ngồi ông thấu suốt được lý khổ, tập, diệt, đạo. Đó là việc thứ hai chưa từng có của trưởng giả Úc-già. Sau đó, ông đắc pháp dứt nghi, qui y Phật Pháp Tăng, giữ năm giới, trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, chưa từng phạm giới. Đó là việc thứ ba chưa từng có của trưởng giả Úc-già. Sau khi qui y Phật Pháp Tăng xong, về nhà họp hết các thể nữ tuyên bố trả tự do cho họ, tùy ý ai muốn đi đâu thì đi, hoặc muốn lập gia đình với những người đàn ông khác tùy ý, ông sẵn lòng gả cho không chút lòng hối tiếc. Đó là việc thứ tư chưa từng có của trưởng giả Úc-già. Khi ông đến chúng Tỳ-kheo thực hành hạnh bố thí, dù có chư thiên trụ ở giữa hư không bảo ông nên cúng dường vị Tỳ-kheo này, không nên cúng dường vị Tỳ-kheo kia, nhưng ông luôn luôn cúng dường với tâm vô phân biệt. Đó là việc thứ năm chưa từng có của trưởng giả Úc-già...

8- A-ba-đa-na dịch theo tiếng Trung Hoa là Thí dụ, là thể loại kinh mượn thí dụ làm sáng tỏ ý Phật nói. Kinh Pháp Hoa có nhiều thí dụ như Gã cùng tử, Dược thảo, Hóa thành...

9- Ưu-ba-đề-xá dịch theo tiếng Trung Hoa là Luận nghị, là thể loại kinh văn Phật lý luận với ngoại đạo, hoặc lý luận với những vị công thần vua chúa như kinh Tu-nhàn-đề, kinh Sa-môn quả...

10- Ưu-đà-na dịch theo tiếng Trung Hoa là Tự thuyết, là thể loại kinh văn Phật thấy cần dạy bảo cho đệ tử điều gì, nhóm chúng lại giảng cho nghe, không đợi các Tỳ-kheo thắc mắc thưa hỏi mới giảng dạy.

11- Tỳ-phật-lược dịch theo tiếng Trung Hoa là Phương quảng, là thể loại kinh văn nói rộng thênh thang diễn đạt nghĩa lý cao siêu mầu nhiệm cho hàng Thượng căn nghe.

12- Hòa-già-la dịch theo tiếng Trung Hoa là Thọ ký, là thể loại kinh văn Phật thọ ký cho hàng đệ tử sau này sẽ thành Phật do nhờ tu hạnh Bồ-tát.

Trong kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy có nhiều thể loại kinh văn như Khế kinh, Trùng tụng, Phúng tụng, Nhân duyên, Bản sanh, Bản sự, Thí dụ, Thọ ký... Như vậy, trong một bộ kinh có nhiều thể loại (phần giáo), chớ không phải nói mười hai phần giáo là mười hai bộ kinh.

Phật nói kinh đủ mọi phần giáo, mọi lãnh vực, thế mà Ngài nói Ngài chưa từng nói một chữ, làm cho vị này thắc mắc hỏi Thượng Sĩ. Thượng Sĩ đáp:

Hơi xông khỏi hộp mong về lại,
Thuốc báu mở bình muốn bệnh tiêu.

Ý Ngài nói tất cả ngôn ngữ Phật nói ra khỏi miệng cho đệ tử nghe, chẳng khác nào hơi xông ra khỏi hộp. Tuy Ngài nói rất nhiều cho người nghe, nhưng qui lại không ngoài Tự tâm. Thượng Sĩ ví pháp được Phật nói ra như là thuốc báu đựng trong bình vàng, vì muốn cho chúng sanh hết bệnh, nên mới mở nắp bình lấy ra cho người uống, để được hết bệnh. Tất cả công dụng làm cho chúng sanh hết bệnh gốc từ trong bình mà ra. Như vậy dù cho nói bao nhiêu kinh điển, rốt cuộc cũng không ngoài khai thị cho mọi người nhận ra Tâm thể thanh tịnh có sẵn nơi mình. Thế nên mười hai phần giáo đức Phật nói xong, Ngài phủ nhận là Ngài chưa từng nói một chữ. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện không phải là cái thật, Thể thanh tịnh có sẵn nơi mỗi người mới là chân thật cứu kính. Đứng về Thể chân thật thì không có ngôn ngữ nào diễn tả được, không có văn tự nào ghi được, nên mới nói chưa từng nói một chữ. Đây Thượng Sĩ nói hơi xông ra từ cái hộp, nhưng hơi là cái tạm chớ không phải cái thật. Cũng như thuốc báu đem ra trị hết bệnh, gốc từ cái bình chớ không phải cái ra ngoài, cái trị bệnh. Nói tóm lại, tất cả ngôn ngữ Phật nói ra chỉ là phương tiện không phải cứu kính chân thật, cứu kính chân thật chỉ là tâm.

Hỏi:

- Thế nào là Phật của chính mình?

Thầy đáp:

Chẳng đến rượu bồ đào
Khó gặp người đập hũ.

Thượng Sĩ dạy, nếu muốn biết Phật của chính mình thì phải ngộ; ngộ là nhận ra ngay, không cần hỏi, giống như muốn thấy những gã say thì phải tới quán rượu; tới đó sẽ thấy không cần hỏi.

Hỏi:

- Làm sao lý hội?

Thầy đáp:

Nhà lớn một đêm ngủ
Sông dài chung đò qua.

Phật của chính mình là ở ngay nơi mình. Thiền sư Phó Đại Sĩ nói: “Đêm đêm ôm Phật ngủ.” Vậy là Phật và mình không xa lạ, không cách biệt. Nhưng, chúng ta ôm Phật ngủ mà không biết Phật. Lúc nào cũng cùng đi với Phật, cũng cùng ngủ với Phật mà hỏi Phật ở đâu, yêu cầu chỉ, có ngớ ngẩn không? Đa số chúng ta ai cũng ngớ ngẩn hết.

Hỏi:

- Thế nào là tâm cổ Phật?

Thầy đáp:

Trọn nói khắp thành không quốc sắc
Đâu hay cửa tía có thuyền quyên.

Tâm cổ Phật là tâm Phật xưa. Tâm Phật xưa là cái gì? Thượng Sĩ nói: hỏi tâm cổ Phật giống như nói cả thành không có người nào đẹp cả, nhưng đâu ngờ trong thành có nhiều nhà sang trọng, trong đó có lắm người đẹp. Như vậy đâu có nơi nào thiếu người đẹp. Người hỏi thế nào là tâm cổ Phật, tức là người đó không nhìn nhận nơi mình có Tánh Phật, nên Thượng Sĩ nói nhà giàu nào mở cửa cũng có các cô tiểu thơ đẹp, có thiếu đâu mà đi tìm kiếm?

Hỏi:

- Cổ nhân nói “tức tâm tức Phật”, vì sao Phật không hiện tiền?

Thượng Sĩ đáp:

Phanh trai tìm ngọc dù khó gặp
Mổ cá cầu châu uổng công thôi.

Thượng Sĩ nói muốn cho Phật hiện tiền thì phải ngay nơi sáu căn mình mà nhận, cũng như muốn lấy ngọc trai thì phải ngay con trai mà mổ để lấy mới có, chớ còn mổ cá để lấy ngọc trai thì không bao giờ được. Qua lời đối đáp của Thượng Sĩ, chúng ta thấy Thiền sư Việt Nam thật là nên thơ, hỏi câu nào cũng đáp thành thơ hết.

Hỏi:

- “Không thể dùng trí biết, không thể dùng thức hiểu” thì thế nào?

Thượng Sĩ đáp:

Người gỗ vào biển hát vô sanh
Gái đá xuyên mây thổi tất lật(1)
.

Chỗ cứu kính là Thể chân thật không hình không tướng nên không thể dùng trí để biết, dùng thức để hiểu, thế mà Thiền khách muốn biết muốn hiểu, đến hỏi Thượng Sĩ, nên Thượng Sĩ đáp: “Người gỗ vào biển hát vô sanh, gái đá xuyên mây thổi tất lật.” Người gỗ có tri thức không mà hát bài vô sanh? Nếu hát được thì không còn là gỗ. Đây Thượng Sĩ nói người gỗ vào biển hát được lời vô sanh, chớ không phải người gỗ vô tri vô giác. Và, gái đá xuyên qua mây thổi kèn tất lật. Gái đá thổi kèn là sao? - Tới chỗ rốt ráo dường như không có trí để nhận xét, không có thức để phân biệt, nhưng lại bình an, dường như là vô tri mà có đầy cả diệu dụng, giống như người bằng gỗ biết hát vô sanh, gái bằng đá biết thổi kèn tất lật. Ý Thượng Sĩ nói người tu đến chỗ cứu kính giống như người gỗ, giống như gái đá dường như vô tri nhưng có những diệu dụng không thể lường.

Chỗ này trong Thiền sử, có đoạn Thiền khách hỏi ngài Thần Hội: “Tới chỗ không còn có trí biết thức hiểu thì thế nào?” Và, một vị Tăng hỏi ngài Nam Nhạc: “Như gương đúc tượng, sau khi tượng thành không biết cái sáng của gương đi về chỗ nào?” Ngài bảo: “Như Đại đức tướng mạo lúc trẻ thơ hiện giờ ở đâu?” Tăng hỏi: “Tại sao khi thành tượng không chiếu soi?” Ngài nói: “Tuy không chiếu soi, nhưng dối y một điểm cũng không được.” Ý nói người tu tới chỗ cứu kính không dùng trí để quán, không dùng thức để phân biệt, song cái gì cũng biết, không dối gạt được những bậc này. Nên tôi thường dụ cái gương sáng để ở trước, gương tự nó không phân biệt, không hiểu biết. Nhưng người mặc áo vàng đứng trước gương, thấy bóng người mặc áo vàng hiện trong gương; người mặc áo tím đứng trước gương, thấy bóng người mặc áo tím hiện trong gương, không lẫn lộn, hình nào hiện ra bóng nấy. Như ở trước tôi nói thấy con cọp nói là con cọp, nghĩa là tới chỗ cứu kính không dùng trí cũng không dùng thức để phân biệt so sánh, mà vẫn có cái biết hiện tiền. Cái biết hiện tiền không có đối đãi so sánh, mà thấy cái gì là cái nấy, thấy cọp là cọp. Nếu không biết làm sao nói là cọp? Song, không so sánh khác với mèo, khác với chó. Như vậy, ý câu này nói khi chúng ta tu đến chỗ cứu kính thì không dùng trí để biết, không dùng thức để hiểu mà vẫn có cái giác sáng rỡ, không phải là vô tri.

Hỏi:

- Thế ấy thì không hiểu cũng không biết?

Thượng Sĩ đáp:

Khổng Nhân chưa đến, truy phong biết
Tiết Chúc chẳng nhờ, tiệt vũ hay.

Người hỏi thắc mắc nếu như vậy thì như không hiểu không biết, vì có trí mới biết, có thức mới hiểu. Thượng Sĩ đáp rằng con ngựa truy phong là con ngựa chạy nhanh như gió, Khổng Nhân tuy mắt chưa thấy con ngựa, chỉ nghe người diễn tả cũng có thể biết là ngựa truy phong. Và ông Tiết Chúc tuy mắt chưa thấy cây gươm tiệt vũ nhưng nghe người diễn tả cây gươm, ông cũng biết đó là gươm tiệt vũ. Chuyện này lấy từ điển tích Khổng Phương Nhân là người có tài xem ngựa, khi ngựa chưa chạy mà Khổng Nhân đã thấy cái thế chạy nhanh ở chân ngựa, ngựa nào chạy nhanh như gió, nhìn chân ngựa là Khổng Nhân biết ngay không đợi thấy ngựa chạy. Còn Tiết Chúc là người giỏi xem kiếm, kiếm chưa chém vật trên cạn hay sợi lông nhẹ ở dưới nước, mà Tiết Chúc đã thấy sắc bén của kiếm. Ý Thượng Sĩ nói tuy không hiểu không biết, tức là không dùng trí không dùng thức để đối chiếu so sánh, mà vừa nghe qua là đã nắm được rồi, không đợi phải thấy và phân biệt mới biết. Đó là cái dụng phi thường của người tu tới chỗ cứu kính.

Hỏi:

- “Thấy sắc liền biết tâm”, ý chỉ thế nào?

Thượng Sĩ đáp:

Vào nước lõa thể nên cởi khố
Chớ học Hàm Đan quên ngọc đào.

Hàm Đan là kinh đô nước Triệu, người dân ở đây đi bộ rất tài. Những người tuổi trẻ ở nước Yên muốn học đi bộ phải qua Hàm Đan học. Nhiều người nước Yên qua Hàm Đan học đi bộ chưa giỏi, mà đã quên nước Yên nên nói quên ngọc đào. Người hỏi “thấy sắc liền biết tâm” ý chỉ thế nào, Thượng Sĩ dạy vào nước lõa thể nên cởi khố cùng lõa thể như người ta. Vì thấy sắc liền biết tâm; khi nhìn cái hoa này quí vị liền biết tâm chưa? Tâm ở chỗ nào? - Tâm ở ngay nơi thấy hoa đó. Từ lâu tất cả chúng ta cứ nghĩ tâm là cái gì xa lạ ngoài mình, chớ không ngờ ngay khi thấy sắc là tâm; tâm thấy. Vậy muốn biết tâm thì đừng tìm kiếm ở đâu xa mà ngay khi thấy liền biết tâm đang thấy. Vậy nên Thượng Sĩ dạy vào nước lõa thể nên lõa thể theo. Và, muốn tới xứ Hàm Đan học nghề thì chớ quên quê hương của mình.

(1) Kèn của một giống dân xưa, thổi nghe rất buồn.

Mục Lục