Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải (1996)
Trúc Lâm Tổ Sư - Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục (Giảng)
Giảng: Quyển Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục nằm trong bộ “Trần Triều Dật Tồn Phật Điển Lục”, đó là bộ Phật điển còn sót của đời nhà Trần. Trong bộ này gồm có Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, Tam Tổ Thực Lục... “Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục” do Điều Ngự Giác Hoàng khảo đính, Thiền sư Pháp Loa biên tập. Tập sách này rất quan yếu trong nhà Thiền, nhất là Thiền tông Việt Nam. Chư Phật ba thuở, các vị Tổ sư nhiều đời, vì một đại sự nhân duyên xuất hiện ra đời: Cốt chỉ cho chúng sanh ngộ được Phật của chính mình, tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, người người vốn đủ, mỗi mỗi viên thành. Bởi vì chúng sanh không ngộ chân Phật của mình, nên bị các Kinh Lục lừa gạt mất một đời, săn đuổi theo cái thấy nghe, có lợi ích gì? Do chẳng rõ muôn pháp như hoa đốm trong không, chỉ một tâm dựng lập. Kinh Kinh Lục Lục trùng trùng điệp điệp, nhiều như lá trong rừng, số như cát biển, giấy mực văn từ không thể kể hết. Dù nói tám muôn bốn ngàn (84.000) pháp môn, mỗi môn trọn như người gỗ múa may, tên tuy khác mà thể vẫn đồng. Tên khác là, phương tiện khai (mở) giá (đóng) có muôn ức Kinh Lục. Thể đồng là, chỉ trở về chỗ gốc, một tánh thái hư. Người học thấu rõ một thì muôn việc đều xong, đâu có nhiều thứ văn tự bìm sắn, ngôn ngữ chương cú, đối đãi cơ quan kỳ đặc ấy vậy. Nhưng Thượng tổ Đại đức Tiêu Dao, duy chỉ một sự thật, chẳng dùng phương tiện quyền xảo. Vừa đến nước ta, Ngài cởi trần không áo (thoát thể vô y) cầm cần câu không lưỡi, đi vào kinh thành, dùng thần cơ ăn xong đập bát. Ý này cốt tìm được người pháp khí, để chỉ dạy Thiền tông, chữ “bát” đã mở, hai tay trao cho. Tỳ-kheo Huệ Nguyên là vị Thiền sư ở thời Hậu Lê, Ngài đọc được bản Ngữ lục này rồi phát nguyện in lại nên viết lời tựa. Lời tựa chúng ta đang đọc đây không phải của Tuệ Trung Thượng Sĩ, hay những vị đồng thời với Ngài, mà là một vị Thiền sư sau này cách Ngài khoảng năm trăm năm từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18. Như vậy lời tựa này có sau quyển Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục đã in ở đời Trần tới năm trăm năm. Nhưng tại sao người đời sau lại thích quí bản Ngữ lục này mà in tái bản? Đây, tôi trích từng đoạn để chỉ cho quí vị thấy rõ ý của người sau khi lãnh hội được yếu chỉ: Đầu tiên Ngài dẫn: Chư Phật ba thuở, các vị Tổ sư nhiều đời, vì một đại sự nhân duyên xuất hiện ra đời. Ngài nói từ Phật cho tới Tổ, ra đời chỉ có một duyên lớn là: Cốt chỉ cho chúng sanh ngộ được Phật của chính mình. Nhân duyên lớn mà Phật Tổ ra đời là chỉ cho chúng sanh nhận được Tánh Phật có sẵn nơi mình. Phật tánh đó như thế nào? Tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, người người vốn đủ, mỗi mỗi viên thành. Tánh Phật có sẵn nơi mỗi người không thừa không thiếu, trùm khắp tất cả, ai ai cũng đều có đủ, không phải riêng một cá nhân nào; đó là trọng tâm như tôi đã nói. Phật và Bồ-tát thương chúng sanh phải khô cổ đắng miệng chỉ dạy nhiều năm tháng, để cho mọi người biết và nhận ra Tánh Phật nơi mình. Bởi mỗi người chúng ta đã có sẵn Tánh Phật, nên tu thì thành Phật. Nếu không có Tánh Phật thì dù có dụng công tu bao lâu cũng không thể thành Phật. Cũng như trong đá trong gỗ, nếu không có sẵn tánh lửa thì dù có cọ hay chọi cũng không ra lửa. Song, vì nó có tánh lửa sẵn, nên cọ hay chọi liền sanh lửa. Trong đá trong gỗ có sẵn tánh lửa, nếu không cọ không chọi, để nguyên thì kiếp kiếp đời đời vẫn là đá là gỗ, không có lửa, nhưng nếu khéo cọ khéo chọi thì đá gỗ liền phát ra lửa. Cũng vậy ở tất cả mỗi người chúng ta có sẵn Tánh Phật, nếu chúng ta khéo tu khéo thanh lọc gạn bỏ vô minh vọng tưởng thì Tánh Phật sẽ hiển lộ. Đức Phật, trước đó Ngài cũng là con người như chúng ta. Song, Ngài khéo tu nên đã thành Phật. Chúng ta cũng là con người, nếu chúng ta khéo tu thì sẽ thành Phật như Ngài. Đó là một lẽ thật mà đức Phật đã kinh nghiệm qua, đã chứng được, nên Ngài chỉ dạy cho đồ đệ sau này. Đồ đệ sau này là chư Tổ, các ngài cũng đã kinh nghiệm qua, cũng đã chứng được, tuy không bằng Phật, nhưng các ngài cũng tiếp tục con đường đó để chỉ dạy cho người sau nữa. Vậy, người tu Phật mục đích cuối cùng là thành Phật, không ai nói tôi tu Phật để tôi thành Tiên, cũng không ai nói tôi tu Phật để tôi được sanh lên cõi trời. Trọng tâm tu Phật là để thành Phật, vì đã có sẵn Tánh Phật, bây giờ tu để Tánh Phật nơi mình hiển lộ sáng tỏ; khi Tánh Phật sáng tỏ hiển lộ tròn đầy tạm gọi là thành Phật. Chúng sanh thì mê, Phật thì giác. Chúng ta vì mê (vô minh) chạy theo vọng tưởng điên đảo, nên làm chúng sanh, bây giờ chúng ta dừng không chạy theo vọng tưởng điên đảo, hết mê, đó là chúng ta trở về với Tánh Phật. Hai hướng rõ như ban ngày, không có gì bí ẩn. Mục đích của Phật của Tổ ra đời giống nhau không khác. Bây giờ chúng ta ngồi đây học để tu, mục đích cũng không khác. Nhưng nghe nói tu thành Phật thì ngán, vì thấy quá xa vời, không gần gũi với mình. Sự thật, bây giờ chúng ta tu là để thành Phật, rồi sau chỉ dạy cho mọi người tiến lên con đường đó. Thế nên trên đường tu không có mục đích nào khác hơn là nhận ra Tánh Phật nơi mình. Tánh Phật trùm khắp ai cũng có đầy đủ, không người nào không có. Đó là hướng duy nhất của tất cả người tu. Thế mà có những vị Tăng Ni được hỏi: “tu có hi vọng thành Phật không”, họ trả lời: “tu thì tu chớ biết khi nào thành Phật”. Như vậy họ đủ lòng tin chưa? Họ có tin rằng mình có sẵn Tánh Phật không? Chính câu trả lời đó bộc lộ tâm tư của họ, tu mà không hi vọng thành Phật. Không hi vọng thành Phật thì tu làm gì? Họ tu cầm chừng, tu lấy có, tu gieo nhân, tới đâu hay tới đó. Đây là khuyết điểm lớn của người tu. Chúng ta tu là phải khẳng định tu để thành Phật. Nỗ lực tu, thành công viên mãn tùy điều kiện đủ thì thành, chưa đủ thì chưa thành, chớ không có lối nào khác hơn nữa. Bởi vì chúng sanh không ngộ chân Phật của mình, nên bị các Kinh Lục lừa gạt mất một đời, săn đuổi theo cái thấy nghe, có lợi ích gì? Vì không nhận ra Tánh Phật (Chân Phật) có sẵn nơi mình nên bị Kinh điển của Phật và Ngữ lục của Tổ lừa gạt mất một đời. Quí vị có thấy Phật Tổ lừa gạt quí vị không? Chúng ta thường nghe nói chư Phật ba đời chưa từng nói dối, chẳng những ba đời mà vô số đời cũng chưa từng nói dối, sao đây dám nói Phật, Tổ (đệ tử Phật) lừa gạt mình? Tôi dẫn chứng cho quí vị thấy: Kinh Phật lừa gạt như thế nào? Đọc kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy những phẩm đầu Phật đề cao Tri kiến Phật, tới phẩm Tùng Địa Dũng Xuất nói vô số Bồ-tát ở phương khác đến lễ Phật bạch rằng: “Thế Tôn! Nếu bằng lòng cho chúng con lúc sau khi Phật diệt độ ở tại cõi Ta-bà này siêng tu tinh tấn, giữ gìn, đọc tụng, biên chép, cúng dường kinh điển này, thời chúng con sẽ ở trong cõi đây mà rộng nói đó.” Phật bảo: “Thiện nam tử! Thôi đi, chẳng cần các ông hộ trì kinh này. Vì sao? Vì cõi Ta-bà của ta tự có chúng đại Bồ-tát đông như cát sông Hằng và quyến thuộc cũng vô số, những vị đó có thể sau khi ta diệt độ hộ trì đọc tụng rộng nói kinh này.” Lúc Phật nói lời đó, cõi Ta-bà trong tam thiên đại thiên cõi nước, đất đều rúng nứt, trong đó có vô lượng ngàn muôn ức vị đại Bồ-tát đồng thời vọt ra... Chúng ta hiểu sao về câu chuyện này? - Quá huyền bí khó hiểu! Bồ-tát đâu ở dưới đất vọt lên đông quá vậy? Có phải Phật kỳ thị Bồ-tát ở phương khác, nên nói: “thôi đi, chẳng cần các ông hộ trì kinh này”, mà cho các Bồ-tát cõi Ta-bà từ đất vọt lên trì tụng kinh Pháp Hoa? Nếu chúng ta không thông hiểu lý kinh, đọc chuyện này thấy quá huyền bí không tin là chuyện thật. Như vậy là bị kinh gạt. Theo lý mà hiểu thì Bồ-tát là giác, mà giác là trí tuệ; Bồ-tát từ phương khác đến là trí tuệ ngoài mình, trí tuệ ngoài mình tức là sự hiểu biết học ở thầy bạn hay sách vở, nhà Phật gọi là Trí hữu sư, trí này nhận từ bên ngoài vào, nó không thể bảo hộ được Tri kiến Phật, nên chư Bồ-tát phương khác tới xin bảo hộ kinh Pháp Hoa Phật không chấp nhận. Vô sư trí là cái biết do tu, tâm thanh tịnh, sáng ra mới bảo hộ được kinh Pháp Hoa, vì nó chính là Tâm thể của mỗi người nên Phật hứa khả. Hiểu như thế thì không bị kinh gạt, còn nếu hiểu theo hình tướng thì bị kinh gạt. Như vậy, nếu người nào tu mà cứ mong nhờ bên ngoài thì không bao giờ ngộ được ông Phật nơi mình, mà phải thắp sáng Tự tâm thì mới ngộ được ông Phật nơi mình. Cho nên nói: Tại không ngộ được chân Phật mới bị kinh lừa. Ngữ lục của Tổ lừa gạt như thế nào? Đọc “Thiền Sư Trung Hoa” chúng ta thấy Chu Kim Cang (Đức Sơn Tuyên Giám) khi chưa là Thiền sư, Ngài là Giảng sư chuyên giảng kinh Kim Cang. Ngài họ Chu nên gọi là Chu Kim Cang. Khi Ngài đầu phục Thiền sư Long Đàm hết lòng hầu hạ. Một đêm tối trời, Ngài đứng hầu thầy trong thất cho tới khuya. Thiền sư Long Đàm bảo: - Đêm đã khuya sao chẳng xuống? Ngài kính chào bước ra, lại trở vào, thưa: - Bên ngoài tối đen. Thiền sư Long Đàm thắp đèn cầy đưa Ngài. Ngài toan tiếp lấy, Thiền sư Long Đàm liền thổi tắt. Ngay đó Ngài đại ngộ liền lễ bái. Thiền sư Long Đàm hỏi: - Ngươi thấy cái gì? Ngài thưa: - Từ nay về sau chẳng còn nghi lời nói chư Lão hòa thượng trong thiên hạ. Đầu lưỡi của các vị Hòa thượng lừa là Hòa thượng nào? - Là các vị Thiền sư. Chu Kim Cang đã thấy được lẽ thật, không còn bị các Thiền sư lừa nữa, nên được truyền tâm ấn. Thường thường trong nhà Thiền, Thiền tăng hỏi đông thì Thiền sư đáp tây, Thiền tăng hỏi nam thì Thiền sư đáp bắc, hỏi bên này đáp bên kia, đó là cái thuật khai ngộ của các Thiền sư, các ngài rất thường dùng nên Thiền tăng Thiền khách bị lừa rất nhiều. Ngài Đức Sơn ngay đây không còn bị lừa nữa. Đó là ý nghĩa Kinh Lục lừa gạt mất một đời. Săn đuổi theo cái thấy nghe có lợi ích gì? Chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không có lợi ích. Tại sao? Vì sáu trần là tướng vô thường sanh diệt, đuổi bắt vô thường sanh diệt thử hỏi cuối cùng có lợi ích gì? Ai đó tuy được thỏa mãn những ngoại trần mà họ khao khát, nhưng tới bảy tám mươi tuổi thì tất cả những cái họ được đó cũng đều bại hoại, cho nên nói là vô ích. Còn cái chân thật của chính mình hiện có đây thì không biết. Như vậy cuộc đời là vô thường, chính bản thân mình vô thường, vạn vật cũng vô thường; những cái ưa thích mà mình được thọ hưởng hợp lại cũng thành một khối vô thường. Ngay nơi thân vô thường này có chân Phật là cái không vô thường mà chúng ta không thức tỉnh nhận ra thì uổng đi một kiếp người. Thế nên, tu cốt nhận cho ra cái thật ở ngay nơi cái giả. Ngay trong cái giả có cái thật, thế mà chúng ta chỉ đuổi theo cái giả quên đi cái thật, cho nên bao nhiêu năm tháng chìm trong mê muội. Nay chúng ta thức tỉnh mới thấy cái thật quí giá vô cùng. Nhận được cái thật thì sống không vô ích, nếu không thì cuộc đời trở thành vô nghĩa. Do chẳng rõ muôn pháp như hoa đốm trong không, chỉ một tâm dựng lập. Chữ “Pháp” là chỉ cho vạn vật ở cõi đời này, nó giống như hoa đốm trong hư không; khi trời nắng gắt nhìn ra ngoài trời, mắt chấp chóa chúng ta dụi mắt, mở ra nhìn thấy hoa đốm nhảy nhót lăng xăng. Hoa đốm lăng xăng từ đâu có? Có thật không? - Vì nắng gắt khiến mắt lòa nên thấy có hoa đốm nhảy nhót lăng xăng. Cũng như muôn pháp muôn vật hiện có trước mắt chúng ta là do tâm mê mà thấy có. Kinh Kinh Lục Lục trùng trùng điệp điệp, nhiều như lá trong rừng, số như cát biển, giấy mực văn từ không thể kể hết. Tổng số kinh trong Đại tạng có trên năm ngàn quyển, còn Ngữ lục cũng mấy trăm quyển, rất nhiều, bây giờ nếu ngồi học cho hết thì chừng nào mới hết? Già khụ cũng chưa xong. Chúng ta học chỉ nắm được phần căn bản để tu hành, trở về cái chân thật thì không mắc kẹt ở Kinh Lục, ở văn tự nhiều như cát biển đó. Dù nói tám muôn bốn ngàn pháp môn, mỗi môn trọn như người gỗ múa may, tên tuy khác mà thể vẫn đồng. Hồi xưa thì nói người gỗ múa, bây giờ nói “rôbô” (người máy) múa, nó lăng xăng chạy nhảy. Tuy lăng xăng làm những công tác khác nhau, nhưng chung qui đều do bộ máy bên trong phát ra điều khiển. Cũng vậy mỗi pháp môn tuy thực hành khác nhau nhưng mục đích chỉ có một. Tên khác là, phương tiện khai giá có muôn ức Kinh Lục. Phương tiện khai là mở, giá là ngăn đóng. Đồng là kinh của Phật nói, song, có kinh Phật nói trắng ra gọi là khai, có kinh nói ẩn gọi là giá. Thí dụ kinh Kim Cang không chỉ thẳng Thể chân thật, mà chỉ phá chấp gọi là giá. Còn kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm chỉ thẳng Thể chân thật gọi là khai. Vì vậy nói kinh Phật có khai giá khác nhau. Ngữ lục cũng vậy, có Tổ chỉ thẳng cho người ngay đó trực nhận, có Tổ thì nói ẩn để cho người tìm. Thể đồng là, chỉ trở về chỗ gốc, một tánh thái hư. Dù cho muôn ngàn cách nói khác nhau, nhưng cũng trở về một gốc là chỉ cho mọi người nhận ra Tánh giác thênh thang như thái hư nơi mình. Như bây giờ ở Việt Nam, Phật giáo phát triển rõ nhất là Tịnh độ và Thiền. Đứng về mặt phương tiện truyền bá thì khác nhau. Tịnh độ chuyên về niệm Phật, niệm cho đến nhất tâm bất loạn từ một đến bảy ngày thì Phật A-di-đà hiện tiền. Còn Thiền Nguyên thủy thì tu quán Tứ niệm xứ, tu từ một đến bảy ngày mà tâm không rời pháp quán, người đó sẽ chứng từ Tu-đà-hoàn cho tới A-la-hán. Còn Thiền tông thì chư Tổ thường có lời khẳng định rằng căn không đuổi theo ngoại cảnh từ một đến bảy ngày thì kiến tánh. Như vậy, lời nói, phương tiện tuy có sai khác, nhưng kết quả không khác, đó là tâm thanh tịnh trí tuệ sáng, nhận ra Tánh Phật nơi mình, nên nói “thể đồng là, chỉ trở về chỗ gốc, một tánh thái hư”. Người học thấu rõ một thì muôn việc đều xong, đâu có nhiều thứ văn tự bìm sắn, ngôn ngữ chương cú đối đãi cơ quan kỳ đặc ấy vậy. Người tu nếu ngộ được Một Tâm là thấu đáo tất cả, tức là thông suốt hết những phương tiện tu của những tông phái khác, không phải mất thì giờ nghiên cứu. Không còn quan trọng những sự lạ lùng kỳ đặc, cho nên thấu một thì tất cả đều thấu. Ở đây không hướng dẫn quí vị học cho nhiều mà chỉ hướng dẫn quí vị đi sâu vào việc chuyên tu, một mình chuyên tu tới nơi tới chốn về sau sẽ biết được tất cả phái khác. Nhưng Thượng tổ Đại đức Tiêu Dao, duy chỉ một sự thật, chẳng dùng phương tiện quyền xảo. Đây nói về thầy của Thượng Sĩ là Thiền sư Tiêu Dao(1). Trong luật dùng chữ Đại đức để chỉ cho vị Tăng đức cao lớn hơn hết. Chẳng hạn như Đại đức Nàrada là một vị Cao tăng của Phật giáo Tích Lan. Đức cao lớn hơn hết được gọi là Đại đức, chớ không phải Hòa thượng. Đại đức là danh từ chỉ cho những vị đức lớn. Ngày nay chúng ta lại dùng chỉ cho những vị Tỳ-kheo mới thọ đại giới vài ba năm, còn những vị thọ đại giới trên hai mươi năm gọi là Thượng tọa, trên bốn mươi năm gọi là Hòa thượng. Như vậy Thượng tọa lớn hơn Đại đức, nhỏ hơn Hòa thượng. Đó là lối sắp xếp theo từ ngữ tạm chớ không có lẽ thật. Thế mà, nếu mình được gọi là Thượng tọa, Hòa thượng, có ai kêu là Đại đức thì không chịu, buồn lắm! Điều đó cho chúng ta thấy chúng ta hiểu Phật pháp rất là nông cạn. Ngài Huệ Nguyên nhấn mạnh Thiền sư Tiêu Dao làm có một việc là chỉ thẳng sự thật không dùng phương tiện. Vừa đến nước ta Ngài cởi trần không áo, cầm cần câu không lưỡi, đi vào kinh thành, dùng thần cơ ăn xong đập bát. Mấy từ này nghe trái với lối dùng chữ của Việt Nam. Thường thường ở Việt Nam ai là kẻ phản bội thì bị gọi “con người ăn xong đá bát”. Tại sao Thiền sư Tiêu Dao là bậc đạo cao đức trọng mà ngài Huệ Nguyên dám nói “dùng thần cơ ăn xong đập bát”? Nói như vậy có vô lễ có phản bội tiền bối không? Đây tôi giải thích cho quí vị hiểu, vì Ngài mới đến nước ta Ngài cởi trần không áo (thoát thể vô y). Thiền tông nói đến Thể chân thật là chỗ không còn che đậy, nếu còn che đậy thì chưa bày Thể chân thật. Cởi trần không áo là hiện bày Thể chân thật, nếu còn mặc áo là còn che đậy, Thể chân thật chưa hiện bày. “Cầm cần câu không lưỡi.” Cầm cần câu là để câu cá, nhưng cần câu không lưỡi mắc mồi vào đâu và câu cái gì? Thiền sư nói pháp cốt chỉ cho người nhận ra Thể chân thật, không để cho người dính mắc một cái gì hết. Giống như câu mồi nhử cá, cá đớp mồi ăn mà không bị mắc lưỡi câu. Ngài hướng dẫn người tu theo Ngài, mà không cho người dính kẹt một pháp nào, nên nói cầm cần câu không lưỡi. “Đi vào kinh thành” là vào xứ Việt Nam. “Dùng thần cơ ăn xong đập bát.” Con người chúng ta có cái bệnh là làm việc gì cũng muốn lưu lại dấu vết, giống như người ăn cơm xong rửa bát cất. Ngài là người làm xong việc không để lại dấu vết. Nghĩa là hướng dẫn cho người tu xong rồi thôi, không để lại một cái gì làm cho người ta dính mắc với pháp đã dạy. Ý này cốt tìm được người pháp khí, để chỉ dạy Thiền tông. Cái ý chỉ ra Thể chân thật mà không dính không kẹt, cốt là tìm người có khả năng thừa nhận chánh pháp. Nhà Thiền gọi người đó là Pháp khí; pháp là chánh pháp, khí là món đồ; món đồ đựng chánh pháp. Tìm được người này mới chỉ dạy Thiền tông. Chữ “bát” đã mở hai tay trao cho. Nhà Thiền dụ hai chân mày là chữ “bát”. Con người ai cũng thấy cái mũi của kẻ khác, mà không thấy cái mũi của mình; nó ở sờ sờ trước mặt mà không thấy. Cái mũi biểu trưng cho chân Phật của mỗi người, lúc nào cũng sờ sờ đó mà người không nhận ra. Giống như cái mũi là cái thiết yếu cho sự sống, nằm ngay trên mặt người mà người không thấy nó. Hai chân mày ở hai bên trên mũi; hai chân mày nằm dang ra, sờ xuống là đụng mũi. Hình ảnh này nói lên ý nghĩa người tu nương lời nói ý chỉ của Tổ, nhận ra Thể chân thật nơi mình, đó là chữ “bát” đã mở. “Hai tay trao cho” tức là trao truyền tâm ấn. Nhưng trao tâm ấn là trao cái gì? Chẳng có gì để trao, chẳng qua là trò nhận ra Thể chân thật của mình, nên thầy ấn chứng cho trò, gọi là trao truyền tâm ấn. Thế nào là trao cho? Nghĩa là “Bính Đinh đồng tử”. Lửa đã khắp người, chẳng cầu tìm bên ngoài, phải quan sát lại tánh mình (phản quan tự tánh). Hỏi thế nào là trao cho? Đáp: “Bính Đinh đồng tử.” Ý này phát xuất từ câu chuyện: Một hôm Thiền sư Pháp Nhãn hỏi: - Giám viện Tắc sao chẳng vào thất? Tắc thưa: - Hòa thượng đâu không biết con ở chỗ Thanh Phong đã có chỗ thâm nhập. - Ông thử vì ta cử xem? - Con hỏi thế nào là Phật, Thanh Phong đáp: Đồng tử Bính Đinh đến xin lửa. - Lời khéo ngại ông hiểu lầm, nên nói lại xem? - Bính Đinh thuộc về lửa, đem lửa đi xin lửa, như con là Phật lại đi tìm Phật. - Giám viện quả nhiên hiểu lầm rồi. Tắc nổi xung, bỏ ra đi, giữa đường tự xét: Pháp Nhãn là thiện tri thức của năm trăm người, há lại gạt ta sao? Bèn trở lại tái tham vấn. Pháp Nhãn bảo: - Ông hỏi ta, ta sẽ vì ông đáp. - Thế nào là Phật? - Đồng tử Bính Đinh đến xin lửa. Tắc liền đại ngộ. Giám viện Tắc ngộ như thế nào? - Ở câu nói của Thiền sư Thanh Phong ông chỉ hiểu mà chưa đủ lòng tin. Khi ông đến với Thiền sư Pháp Nhãn, Ngài biết ông hiểu mà chưa dám khẳng định, nên bảo hỏi lại để Ngài nói một lần nữa cho ông ấy dứt nghi ngờ. Đó gọi là hai tay trao cho. Trao cái gì? Có cái gì để trao đâu? Đây giải thích: lửa đã khắp người chẳng cầu tìm bên ngoài, phải quan sát lại tánh mình. Phật Phật chỉ truyền tâm ấn, Tổ Tổ thầm trao tâm ấn, đều khiến chúng sanh ngộ Phật của mình. Ví như trong cây có lửa, lý này cũng vậy. Con người được nói có tánh, tánh tức là Bồ-đề, vốn tự tròn đủ, chẳng từ nơi khác mà được. Tin được chính mình là chữ “bát” đã mở, hai tay trao rồi vậy. Ở trước tôi đã giảng ý nghĩa của câu “chữ ‘bát’ đã mở hai tay trao cho”. Tới đây Ngài nói chư Phật chư Tổ đều nhằm vào chỗ chủ yếu là truyền tâm ấn khiến cho mọi chúng sanh ngộ được Phật của mình. Giống như lý nghĩa trong cây có lửa. Thiền sư Việt Nam là ngài Khuông Việt có làm bài kệ: Mộc trung nguyên hữu hỏa, Dịch: Trong cây vốn có lửa, Ngài nói trong thân cây vốn có lửa sẵn, bởi có lửa sẵn nên dùi cọ lửa mới phát ra. Nếu trong cây không có lửa, dùi cọ làm sao lửa phát ra? Nơi cây, chúng ta dùi cọ thấy lửa phát ra thì biết trong cây sẵn có lửa. Cũng vậy, mỗi người chúng ta có sẵn Tánh Phật. Bởi có Tánh Phật, nên khéo tu khéo dẹp phiền não thì Tánh Phật sáng ra. Nếu không có Tánh Phật sẵn thì lấy gì mà sáng? Không sáng, nói tu thành Phật làm sao thành? Vì vậy, biết rõ nơi mình có Tánh Phật, bởi có Tánh Phật nên khéo tu thì sẽ thành Phật. Quí vị đã tin mình có Tánh Phật chưa? Chắc chưa tin! Nếu tin chắc chắn rồi thì tu chắc chắn sẽ thành Phật, mặc dù thời gian không định trước là bao lâu. Chúng ta tu không có làm chuyện hoang đường, cốt chỉ tìm cho ra cái chân thật. Cái chân thật đó thiết yếu, quí hơn tất cả danh lợi vàng bạc ngọc ngà... ở thế gian. Tại sao quí? Vì vàng bạc ngọc ngà thuộc tướng vô thường, còn Thể chân thật ở nơi mình không bị vô thường chi phối, nó thanh tịnh sáng suốt không sanh không diệt. Khi tìm ra Thể chân thật thì mới biết mình là “cái gì”. Bây giờ nói mình thế này, nói mình thế kia là lối nói ảo tưởng, không đúng lẽ thật. Cái thân xác này tồn tại mấy chục năm, rã tan rồi đi đâu? Ngày nay còn tồn tại chứa đựng máu huyết da thịt gân xương... thì nói là ta. Mai kia nó tan hoại, chừng đó cái ta ở đâu? Ta là cái gì? Chẳng lẽ ta là những miếng thịt thúi? Ta là những khúc xương hôi? Bây giờ nó tồn tại được che đậy bên ngoài dễ coi thì gọi là ta, nói ta một cách thật khôi hài! Vậy mà tự lấy làm hài lòng thỏa mãn! Ngay trong cái tạm bợ đó có Thể chân thật không hề sanh diệt mà chúng ta không biết, chỉ biết cái ta giả dối tạm bợ, đó là mê. Nhận ra cái ta chân thật mới là người giác. Mê, giác là ở chỗ đó. Tôi hỏi quí vị, quí vị thích cái ta nào? Thích cái ta bằng da thịt hôi hám, lăng xăng lộn xộn này phải không? Chỉ biết có nó, còn cái ta chân thật thì lơ là không biết tới. Như vậy là mình tự phản bội mình; tôn trọng cái giả tạm không đáng giá, bỏ quên cái chân thật đáng quí. Mỗi lần nhìn cảnh chết chóc, sao tôi thấy con người mê lầm đáng thương. Ai kia mới vừa tới lui, qua lại, ăn nói xử sự khéo léo mọi người ưa mến, giờ đây tắt thở, nằm đó, những cái xử sự khéo léo, khôn ngoan lịch duyệt đâu rồi? Nếu không mai táng kỹ lưỡng, mà để chán chường chừng năm ba ngày trên mặt đất thì mọi người đi ngang qua đó phải bịt mũi. Vô lý làm sao! Bây giờ chúng ta ăn nói khôn ngoan, xử sự khéo léo, làm việc giỏi giang, khi tắt thở nằm sáu bảy ngày ai thấy cũng ghê sợ. Vậy cái khối xương thịt nằm sáu bảy ngày ai thấy cũng ghê sợ đó có phải là ta không? Thế mà muôn người như một chỉ biết cái đó thôi! Chúng ta do không chấp nhận sự mê lầm đó, nên mới vô chùa cạo đầu tu. Vậy tu để làm gì? - Để tìm cho ra cái ta chân thật, thế nên mới miệt mài ngày này qua tháng nọ, ngồi yên lặng để tìm cho ra cái chân thật. Đó là mục đích của sự tu hành. Không phải chúng ta vào chùa, cơm ngày hai bữa lơ lơ lửng lửng, chờ tới ngày chết thành cái thây thúi, mà phải đem hết tâm lực phăng tìm cho ra cái ta thật. Rồi sau đó nhắc nhở chỉ dạy cho những người chưa biết tìm ra như chúng ta, đó là truyền pháp lợi sanh. Nếu đi tu mà chúng ta không biết ta là cái gì, truyền pháp lợi sanh là truyền cái gì, chỉ biết học lóm nói cho vui tai thì chẳng có lợi ích. Giá trị của người tu là ở chỗ đó. Hiểu cho thật sâu thấy cho thật rõ, chúng ta mới thấy trách nhiệm của người tu không phải thường. Ai mà lơ lửng, tu cầm chừng, tu cho có tu, để cho qua ngày tháng, thật là uổng một đời hi sinh cho cái không đáng hi sinh. Chúng ta phải xả thân mạng không chút luyến tiếc, để tìm cho ra cái ta chân thật của chính mình và sau đó chỉ dạy cho mọi người. Ngài Huệ Nguyên nói: “Tin được chính mình là chữ ‘bát’ đã mở hai tay trao cho rồi vậy.” Tin được chính mình có Thể chân thật không còn nghi ngờ, đó là chữ “bát” đã mở hai tay trao cho. Truyền tâm ấn chưa? - Hai tay trao cho là được truyền tâm ấn. Tâm ấn chỉ truyền được khi nào chúng ta tự tin chắc ở nơi chúng ta có ông Phật thật đang ngự trong chúng ta. Không còn nghi ngờ không còn tìm kiếm ở đâu nữa, một bề sống với ông Phật của mình, đó là được “chữ ‘bát’ đã mở hai tay trao cho”. Lục này là Đại đức Tiêu Dao nói cho Thượng Sĩ Tuệ Trung. Thượng Sĩ Tuệ Trung nói cho Điều Ngự Giác Hoàng đệ nhất Tổ Trúc Lâm. Điều Ngự Giác Hoàng nói cho Đại sư Pháp Loa đệ nhị Tổ Trúc Lâm. Đại sư Pháp Loa nói cho Tôn giả Huyền Quang đệ tam Tổ Trúc Lâm. Tôn giả Huyền Quang nói cho tông phái Trúc Lâm và Thiền tông khắp thiên hạ. Xưa qua nay lại, truyền trao cho nhau. Ngữ lục này do Đại đức Tiêu Dao nói cho Thượng Sĩ, Thượng Sĩ nói cho Sơ tổ Trúc Lâm. Từ đó thầy dạy cho trò khắp cả tùng lâm. Quyển Lục này là phương thuốc hay khéo đối trị các bệnh, nhanh chóng đốn ngộ thành Phật, thẳng suốt nguồn tâm, nhảy vọt vào biển giác, giết chết vọng thức, phá sạch danh tướng, là tông không không, siêu Tam thừa, vượt Phật thừa là yếu chỉ thượng thượng. Theo lời tán thán của Thiền sư Huệ Nguyên thì quyển Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục này là phương thuốc hay khéo đối trị được các bệnh. Ai có bệnh gì đọc hay nghe giảng Ngữ lục thì các bệnh đều hết. Ngay đó “nhanh chóng đốn ngộ thành Phật”, tức là nhận ra Tánh Phật nơi mình. Do nhận nơi mình có Tánh Phật, nên tin sâu sớm muộn gì mình cũng thành Phật không còn nghi nữa. “Thẳng suốt nguồn tâm” là đi thẳng vào nguồn tâm tức là nhận ra cái chân thật. “Nhảy vọt vào biển giác”, là thấy được nguồn tâm, nhận ra được Tánh giác. “Giết chết vọng thức, phá sạch danh tướng.” Tất cả vọng thức đều chết sạch, danh tướng cũng không còn, ấy là “tông không không”. Tại sao vọng thức chết, danh tướng không còn gọi là “tông không không”? Không không là trong không còn chấp tâm, ngoài không còn chấp cảnh. Người thế gian thì nặng chấp về thân và cảnh. Còn người biết tu thì nặng chấp tâm, chấp thức, vì họ nghe Phật dạy thân này do tứ đại giả hợp mà thành, không thật, họ tin như thế, song họ cứ cho cái hiểu biết, nghĩ suy tính toán là tâm mình, họ chấp chặt vào đó. Ngữ lục này đập chết những vọng thức và phá sạch những danh tướng bên ngoài. Vì sạch danh tướng chết vọng thức, hoặc không vọng thức không danh tướng nên nói là không không. “Siêu Tam thừa, vượt Phật thừa là yếu chỉ thượng thượng.” Ba thừa là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa. Theo kinh Pháp Hoa thì ba thừa này là những Hóa thành không phải là chỗ cứu kính. Chỗ cứu kính là Phật thừa, nên Ngài nói siêu Tam thừa vượt Phật thừa là yếu chỉ Thượng thượng thừa, hoặc gọi là Tối thượng thừa hay Thượng thượng thừa mà Thiền tông chủ trương. Vì chỉ thẳng nơi mỗi người có sẵn Tánh Phật để cho chúng ta nhận ra, chớ không theo thứ tự quanh co, nên mới nói đốn ngộ, nói siêu việt. Đó là trọng tâm tu để thành Phật theo tinh thần của Thiền tông. Song, Tỳ-kheo Huệ Nguyên tôi một phen xem quyển Lục này, chữ “bát” liền mở toang, nói nín đều quên, tam không thông suốt. Tôi tịnh tọa tại sơn am, cầm sách lên tán tụng rằng: Ngài Huệ Nguyên thuật lại khi Ngài đọc quyển Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, liền nhận ra nơi mình có chân Phật nên nói “chữ ‘bát’ liền mở toang, nói nín đều quên”, tức là Ngài không còn mắc kẹt hai bên nữa và thông suốt cả tam không. Tam không nói theo tinh thần Bát-nhã thì tu pháp bố thí không thấy có người thí, không thấy có kẻ thọ thí, không thấy có vật để bố thí; tức là ngã, nhân, pháp đều không. Ta, người, vật cả ba đều không. Bởi thông suốt được lẽ đó nên ngồi tịnh tại sơn am, cầm sách lên tán tụng rằng: Thiền là tâm của Phật, Ngài Huệ Nguyên nói: Thiền là tâm của Phật. Vì Thiền tông chỉ thẳng cho Thiền sinh trực ngộ Tâm chân thật của mình, Tâm chân thật đó là Phật, nên nói Thiền là tâm của Phật. Giáo là mắt của Phật. Giáo lý Phật nói ra, chúng ta đọc hiểu nên thuộc về mắt của Phật. Pháp là thuốc của Phật. Nhằm bệnh cho thuốc, chúng sanh bị bệnh tham, sân, si... ứng dụng pháp Phật để tu thì hết bệnh nên nói Pháp là thuốc của Phật. Đó là ý nghĩa Thiền là tâm, giáo là mắt, pháp là thuốc. Mắt xem tâm ngộ. Mắt xem giáo lý, tâm ngộ Thiền; tức là người tu nhờ xem giáo lý mà thấu suốt được Thiền. Bệnh lành thuốc bỏ. Thầy thuốc chế ra thuốc là để trị bệnh, bây giờ bệnh đã lành không cần thuốc nữa nên bỏ không dùng. Chừng đó: Cởi trần không áo, Khi hết vô minh pháp Phật không cần nữa. Thể chân thật hiện bày sờ sờ, thân tâm an ổn tự tại không còn bận rộn vướng mắc vật gì. Đã được tự lợi, Khi tự mình đã được lợi ích rồi, liền nghĩ tới việc làm lợi ích cho người, vì vậy mà chí luôn luôn an trú nhất tâm để làm cho Tam Bảo hưng thạnh. Lý không một vật, Đứng về mặt thể (lý) thì không có một vật, vì thể không hình không tướng, nên nói không một vật. Về mặt sự thì có muôn hình vạn trạng. Tiếp ánh sáng: Là “truyền đăng tục diệm”, biển chữ này được treo trên Thiền đường Tăng. Nối mùi hương: Là “đức hoá lưu phương”, biển chữ này được treo trên Thiền đường Ni. Đây là tông chỉ của Thiền viện Trúc Lâm, quí vị phải hiểu cho rõ để đừng quên bổn phận và trách nhiệm của mình. Làm rạng bậc trước, Đối với người trước thì làm rạng rỡ cho họ, đối với người sau thì thúc giục họ cùng đi cùng tiến. Gánh vác Phật pháp, Đó là bổn phận của người đã được tự lợi thì phải nghĩ tới lợi tha. Nguyện nắm vững ngọn đèn Tổ, Ngài Huệ Nguyên nguyện nắm vững ngọn đèn Tổ và mặt trời Phật luôn luôn sáng ngời ở thế gian, cho chúng sanh hết lầm mê, vì là trọng trách của người tu Phật. Tôi khắc bản để lại, truyền lâu ức kiếp gương xưa mãi sáng, tiếp nối sáng không cùng, khiến chúng sanh khắp thế giới đại thiên, cùng rõ thấu pháp môn bất nhị, truyền bá trong nước được muôn đời, đồng chứng Phật quả Nhất thừa. Canh khuya giờ tốt xin chúc tán rằng: Ngài Huệ Nguyên nói sở dĩ Ngài khắc bản Ngữ lục của Tuệ Trung Thượng Sĩ là mong quyển Ngữ lục này truyền bá lâu đến ức kiếp, vì đây là gương sáng của người xưa để lại. Chúng ta phải tiếp nối để ánh sáng đó không dứt, khiến cho chúng sanh khắp thế giới đại thiên cùng thấu rõ Thiền. Ngày nay chúng ta cũng đang tiếp nối công việc của ngài Huệ Nguyên là làm sáng tỏ Thiền tông. Có như thế mới không cô phụ, không tủi hổ với người xưa. Vì Tuệ Trung Thượng Sĩ, Điều Ngự Giác Hoàng... cũng như ngài Huệ Nguyên đều muốn truyền bá ánh sáng của Thiền tông còn mãi trong đời nhất là ở nước nhà. Nhược bằng không thì bao nhiêu cái hay cái quí của người xưa, người sau không thấy, không nghiên cứu, không truyền bá, đó là cái lỗi lớn. Nghiệp vua vĩnh cửu, Người sống trong thời quân chủ, làm việc gì cũng cầu nguyện cho ngôi vua bền vững. Sau đó Ngài cầu nguyện cho dòng Thiền được Phật truyền từ núi Linh Thứu, đạo của chư Tổ, nguồn Thiền Yên Tử dài lâu chảy mãi không dứt. Cung kính đề tựa: Đầu nẻo Trúc Lâm đưa đuốc tuệ, Theo ngài Huệ Nguyên thì người tu chúng ta có trách nhiệm là phải nêu cao ngọn đuốc Thiền Trúc Lâm cho mọi người được sáng. Luôn luôn đem lòng từ bi để đánh thức mọi người, cũng như chèo thuyền đưa người qua sông. Khéo tạo mọi phương tiện mọi thắng duyên để cho mọi người biết hòn ngọc Biện Hòa. Ngọc Biện Hòa xuất xứ từ chuyện cổ Trung Hoa. Biện Hòa được hòn ngọc quí đem dâng vua Lệ Vương. Vua sai thợ ngọc xem, thợ ngọc nói: “Đá, không phải ngọc.” Vua cho Biện Hòa nói dối sai chặt chân trái. Khi vua Vũ Vương nối ngôi, ông lại đem hòn ngọc ấy dâng. Vua cũng sai thợ ngọc xem, thợ ngọc cũng nói: “Đá, không phải ngọc.” Vua Vũ Vương cũng cho ông nói dối, sai chặt luôn chân phải. Đến khi vua Văn Vương lên ngôi Biện Hòa ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi suốt ba ngày ba đêm đến chảy máu mắt. Vua biết được việc này, sai người đến hỏi. Biện Hòa thưa: “Lão khóc đây không phải khóc vì bị chặt chân, mà khóc vì ngọc quí mà người ta cho là đá, đó là cái đau khổ của lão nên lão khóc.” Vua nghe nói, ngạc nhiên bèn cho người lấy viên ngọc vô thử, quả là viên bích ngọc. Khi Vua nhận ra viên ngọc quí thì Biện Hòa đã cụt hết hai chân! Để thấy, viên ngọc ẩn trong đá có người biết, lấy đem tới dâng, mà Vua không thèm nhận lại còn hành phạt chặt chân! Cũng vậy, tất cả chúng ta, ai cũng có hòn ngọc quí mà không biết, có người chỉ cho cũng không thèm nhận, như trường hợp Bồ-tát Thường Bất Khinh đi đâu cũng nói: “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài sẽ thành Phật.” Vậy mà có người chống cự hoặc đánh đập Ngài nhưng Ngài vẫn cứ làm. Hiểu vậy mới thấy người xưa biết được của quí, dù khổ mấy cũng đem chỉ dạy cho mọi người, dù mình có chuốc lấy tai họa cũng cam chịu không trách không hại lại. Bây giờ Tăng Ni chúng ta có đi giáo hóa chỉ dạy đạo lý cho người, mà bị đánh hay chửi thì buồn chán, chớ không được như ông Biện Hòa không buồn giận vì bị chặt chân, chỉ buồn vì có hòn ngọc quí mà người ta không biết. Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (1763) năm Quí Mùi, tiết Đông, ngày tốt khắc bản in lại. Ngài Huệ Nguyên là người đã ngộ đạo thấy quyển Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục có giá trị, muốn làm lợi ích cho người sau nên cho khắc bản in lại vào mùa Đông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 24 (1763). (1) Thiền sư Tiêu Dao, Thiền sư Nhất Tông, Thiền sư Giới Minh, Thiền sư Giới Viên ngang với cư sĩ Ứng Thuận đệ tử Thiền sư Tức Lự (theo Thiền Uyển Tập Anh). Song theo bản đồ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử thì Thiền sư Tiêu Dao là đệ tử cư sĩ Ứng Thuận, trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang cũng nhận như thế. Như vậy khẳng định Thiền sư Tiêu Dao là người Việt Nam. Thiền sư Huệ Nguyên lầm Thiền sư Tiêu Dao là người Trung Hoa. Dưới đây tôi giảng theo lời tựa của Thiền sư Huệ Nguyên. Mục Lục
|
Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải (1996)
|
Trúc Lâm Tổ Sư - Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục (Giảng)