Thiền Tông Việt Nam
Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải (1996)
Thi Ca 7

Dịch:

THỜI TIẾT AN ĐỊNH

Sanh tử do đâu chớ hỏi han
Nhân duyên thời tiết tự nhiên thành.
Mây núi nào không thế mây núi
Nước khe đâu có tiếng đổ ghềnh.
Năm tháng hoa tùy xuân nở nụ
Đêm đêm gà gáy lúc canh năm.
Ai hay nhận được gương mặt mẹ
Mới hiểu trời người thảy giả danh.

Giảng:

Mọi sanh hoạt trong cõi đời này đều do nhân duyên thời tiết quyết định, chớ không phải bỗng dưng mà có. Chính nhân duyên khiến cho mọi sự mọi vật đổi dời có hợp có tan.

Sanh tử do đâu chớ hỏi han
Nhân duyên thời tiết tự nhiên thành.

Người đời thường thắc mắc tại sao có sanh tử? Nhưng đối với Thượng Sĩ thì Ngài bảo chúng ta đừng để ý thắc mắc điều đó. Tại sao? Vì sanh tử là do nhân duyên thời tiết mà có, không ai bảo chúng ta sanh ra đây và cũng không ai bắt chúng ta phải chết. Sanh ra hay chết đi, chẳng qua tùy theo nhân duyên, tùy theo thời tiết biến chuyển kết hợp mà có thành có hoại, chớ không do bàn tay nào tạo nên hay phá đi. Đủ duyên sanh ra đó là duyên tụ hợp, trải qua thời gian năm bảy mươi năm, duyên ly tán thì thân hoại diệt là tử. Không có một đấng nào tạo lập, hay phá hoại mà có sanh có tử. Đó là lý do mà Thượng Sĩ bảo chúng ta chớ thắc mắc về sanh tử.

Mây núi nào không thế mây núi.

Hằng ngày chúng ta thấy có những vầng mây bay ấp trên những ngọn núi. Vì sao có mây ấp núi vậy? Dưới sức nóng của mặt trời, nước bốc hơi bay lên gặp lạnh tụ lại thành mây, quyện lấy nhau thành từng cụm từng cụm, bay cao bao phủ những ngọn núi, chúng ta gọi là mây phủ núi. Cái thế của mây núi theo duyên mà có.

Nước khe đâu có tiếng đổ ghềnh.

Nước khe chảy không to tiếng như tiếng thác đổ. Sở dĩ tiếng thác đổ nghe to hơn nước khe chảy là vì nước từ trên cao đổ xuống thấp kêu ầm ầm. Người đời gọi tiếng này là tiếng đổ ghềnh. Tóm lại hai câu này chỉ cho sự thế của núi mây, của khe thác. Tất cả đều tùy duyên mà có hình tướng này hình tướng nọ, hoặc có những biến động như tiếng thác đổ hay tiếng suối reo.

Năm tháng hoa tùy xuân nở nụ
Đêm đêm gà gáy lúc canh năm.

Mỗi năm vào mùa Xuân hoa kết nụ nở bông. Hoa kết nụ nở bông là do tới thời đúng tiết nó mới nở. Thông thường người đời hay có quan niệm hoa nở tươi và đẹp là để cho người ta ngắm. Nhưng sự thật có phải để cho người ngắm không? Hoa nở là do đúng thời tiết nó tự nở. Nếu hoa nở để cho người ngắm, thì trong rừng sâu không có người sao hoa vẫn nở? Vậy, hoa nở là tùy thời tiết chớ không nở vì ai. Gà đến canh năm là nó gáy, chớ không phải nó gáy kêu mình thức dậy. Thế mà có nhiều người cứ nghĩ gà gáy là để đánh thức mình dậy, sợ mình ngủ quên. Con người có cái tật là lúc nào cũng qui mọi sự vật chung quanh trở về bản ngã mình, cái gì cũng cho mình cả. Hoa nở vì mình, gà gáy cũng vì mình, chó sủa cũng vì mình nữa. Chó có đặc tính thấy người lạ là sủa, nên người ta nuôi chó để giữ nhà. Có những trường hợp, ban đêm chủ nhà ngủ say, ăn trộm vô nhà lấy đồ hết, sáng ra họ giận đánh mấy con chó, nói: “Tại sao ăn trộm vô nhà mầy không sủa?” Nếu chó biết nói sẽ hỏi lại: “Ông là chủ nhà tại sao không thức để giữ của, ông cứ ngủ, để mất đồ rồi đánh tôi?” Thật lạ, của mình mà không chịu giữ, để mất, rồi đánh chó, không chịu đánh mình. Cái ngã của con người quá lớn, muốn mọi vật chung quanh đều vì mình, đều bảo vệ mình, đều nuôi dưỡng mình, nên cái gì có ra là vì mình. Con cá sanh ra đâu có nói: “Tôi sanh ra để cho người ăn thịt.” Cá sanh là cứ sanh, tại loài người có sức mạnh và khôn hơn, nên bủa lưới giăng câu bắt nó để ăn, rồi nói cá sanh ra để cho con người ăn và cho đó là việc làm hợp lý. Sự thật đó là việc làm của kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, chẳng có gì hợp lý cả. Thế nên ở đây Thượng Sĩ nói, từ núi sông mây nước cho tới cây cối thú vật đều tùy duyên mà có thành có hoại, chớ không vì ai hết, đừng nói vì mình.

Ai hay nhận được gương mặt mẹ
Mới hiểu trời người thảy giả danh.

Gương mặt mẹ là chỉ cho Thể chân thật có sẵn nơi mỗi người. Người tu ai nhận được Thể chân thật có sẵn nơi mình rồi, mới thấy các cõi trời người đều giả tạm không thật. Vì mê, từ Thể chân thật khởi tạo nghiệp đi trong sanh tử. Ở đây Thượng Sĩ gọi là “gương mặt mẹ”, Trần Thánh Tông gọi là “cái khố mẹ sanh”, kinh Kim Cang gọi là “mẹ ba đời của chư Phật”. Vì nó là cái có sẵn muôn đời, coi như là cha là mẹ. Đây Thượng Sĩ nhắn gởi chúng ta: Trọng tâm của người tu là phải làm sao nhận cho được Thể chân thật, mới thấy rõ mọi sự vật chung quanh đều giả có, không thật.

Dịch:

DƯỠNG CHÂN

Thân hình suy yếu kể đủ chăng?
Hạc lão tránh gà việc chẳng can.
Ngàn xanh muôn tía lầm hương quốc
Góc biển chân trời để dưỡng chân.

Giảng:

Thân hình suy yếu kể đủ chăng?

Thân này tới tuổi già, mặt nhăn, má cóp, gối mỏi, lưng còng, mắt mờ, tai điếc... cái suy yếu của thân này kể không hết. Già rồi đủ thứ bệnh tật hiện ra, nên nói suy yếu kể không đủ.

Hạc lão tránh gà việc chẳng can.

Câu này trích trong sách Nho, từ thành ngữ “Hạc lập kê quần” tức là chim hạc đứng giữa đàn gà; chim hạc ví cho người cao thượng quân tử, gà ví cho kẻ thường tình tiểu nhân. Chim hạc trước được loài gà quí trọng nể sợ, giờ đây hạc đã già, thời đã hết, nên phải tránh bầy gà, không dám đứng giữa bầy gà nữa. Xưa, khi còn trẻ khỏe, hạc uy nghi đứng giữa bầy gà, không có gà nào dám chọi, bây giờ hạc già yếu thế rồi, phải tránh bầy gà không dám gần. Cũng vậy, người quân tử khi già yếu thất thế rồi, phải tránh những kẻ tiểu nhân vì không ở gần họ được. Thượng Sĩ lấy ý “hạc lão tránh gà việc chẳng can” ngầm nói Ngài già yếu ở một chỗ để ẩn tu, chớ không giống như quan niệm của nhà Nho, người quân tử khi già thất thế phải tránh kẻ tiểu nhân. Hai câu này nói, khi thân hình già yếu suy kém thì có đủ thứ bệnh tật, vì vậy muốn tránh mọi người để tìm chỗ an dưỡng tâm thần, chớ không giống như thái độ nhà Nho là người quân tử khi thất thế, phải tránh kẻ tiểu nhân.

Ngàn xanh muôn tía lầm hương quốc
Góc biển chân trời để dưỡng chân.

Ngàn xanh muôn tía là bao nhiêu thứ màu sắc xanh, tía, đỏ, vàng... làm lòa mắt người đời, khiến cho người đời quên mất quê hương đất nước. Nhà Thiền thường dùng chữ quê hương cũ để chỉ cho Tâm thể chân thật có sẵn nơi mỗi người. Quê hương cũ thì muôn đời không đổi thay, mới là cái chân thật của người tu. Mắt đối diện với muôn ngàn màu sắc, phân biệt đẹp xấu, khởi lòng ưa thích chọn lựa thì đâu còn nhớ đến quê hương nữa. Thượng Sĩ dùng chữ ngàn xanh muôn tía để nói lên ý: người nào bị màu sắc chi phối cuốn lôi thì không còn nhớ đến cố hương, tức là không thể nào nhận ra Tâm thể chân thật của mình. Vì vậy mà phải “góc biển chân trời để dưỡng chân”. Muốn nuôi dưỡng Tâm thể chân thật của mình, phải vào rừng lên núi ra đảo, để tránh bớt duyên mà lo tu hành. Ở đây quí vị vào Thiền viện, tôi giới hạn tối đa việc tiếp khách và đi lại là để cho quí vị dưỡng chân. Cả ngày chỉ nhìn đồi thông và nhìn hồ nước Tuyền Lâm là cảnh thiên nhiên cho tâm hồn nhẹ nhàng dễ nhớ cố hương.

Bài Dưỡng Chân hàm súc ý nghĩa thật hay. Theo Thượng Sĩ thì bây giờ Ngài già yếu rồi, phải tránh mọi người để an dưỡng tinh thần; tránh không phải vì sợ người ta khinh khi hiếp đáp, mà tránh vì muốn nhớ lại cố hương của mình chớ không có gì lạ. Bởi vì ở giữa thành thị có bao nhiêu thứ che lấp làm mờ mắt, khó nhớ lại cố hương, nên phải tìm chỗ thanh vắng, tránh người tránh cảnh mà lo dưỡng chân. Dưỡng chân là không để trần cảnh che lấp làm mờ Tâm thể chân thật, mà luôn an tịnh để cho Tâm thể chân thật hiển lộ tròn sáng.

Dịch:

VÀO CÁT BỤI

Xăm xăm cất bước vào bụi đời
Vàng óng đầu mi, mở khơi khơi.
Xóm bắc rong chơi vào bụng ngựa
Nhà đông cười nói nhập thai lừa.
Roi vàng đánh đuổi trâu đất chạy
Dây sắt lôi đầu cọp đá về.
Rồi một ngày mai băng giá hết
Trăm hoa như cũ rộn xuân đài.

Giảng:

Vào cát bụi là vào cõi trần ai, tức là vào cõi đời nhiều bụi bặm nhớp nhơ.

Xăm xăm cất bước vào bụi đời
Vàng óng đầu mi, mở khơi khơi.

Đi nhanh một mạch vào cõi đời nhiều cát bụi, không ngại ngùng e sợ. Tuy vào vòng bụi bặm nhớp nhúa, mà đầu chân mày vẫn óng ả ánh sáng. Người đi vào đời mà ánh sáng mở rộng như vậy thì không bị nghiệp lôi dẫn, nên nói “vàng óng đầu mi, mở khơi khơi”. Cùng đi vào cõi trần mà người mê thì đi trong đen tối, người tỉnh thì đi trong sáng suốt.

Xóm bắc rong chơi vào bụng ngựa
Nhà đông cười nói nhập thai lừa.

Hàng Bồ-tát phát nguyện lợi sanh, đi vào xóm làng phía bắc thác sanh nhập vào thai ngựa sanh ra thân ngựa, đi về phía đông vào nhà người cười nói, thác sanh vào thai lừa sanh làm lừa. Bồ-tát sanh làm ngựa làm lừa là lăn lộn trong trần ai, chấp nhận trầm luân trong sanh tử, nay nơi này mai chốn nọ. Các ngài đi vào cảnh giới xấu, nhưng các ngài đi với bản nguyện lợi sanh, đến với cuộc đời bằng mắt trí tuệ, chớ không phải đi theo nghiệp dẫn. Thế nên, tuy có lăn lộn trong cõi trần ai, nhưng đến một ngày nào đó thức tỉnh thì:

Roi vàng đánh đuổi trâu đất chạy
Dây sắt lôi đầu cọp đá về.

Khi ấy rất trí dũng cầm roi vàng đánh trâu đất, trâu đất cũng phải chạy, dùng dây sắt lôi cổ cọp đá, cọp đá cũng phải quay đầu. Để thấy rằng Bồ-tát vì hạnh nguyện lợi sanh dù đi vào cõi trần, lăn lộn trong vòng bụi bặm. Khi thức tỉnh, các ngài vẫn có diệu dụng không thể nghĩ lường. Các ngài có thể xoay ngược lại tất cả những gì mà từ lâu nay người đời bị cuốn hút chao đảo.

Rồi một ngày mai băng giá hết
Trăm hoa như cũ rộn xuân đài.

Người tu khi công hạnh tự lợi đã xong, phát nguyện độ đời, giáo hóa chúng sanh, kéo họ ra khỏi dòng sanh tử xong rồi thì giá băng đông lạnh không còn nữa, bấy giờ đứng trên đài xuân thấy trăm hoa đua nở đầy cả bầu trời, thật đẹp đẽ vui tươi.

Mở đầu bài thơ, Thượng Sĩ chống gậy đi vào đời đầy cát bụi với ánh sáng và từ bi mở rộng. Đối lại, cuối bài thơ thì công hạnh lợi sanh viên mãn, tất cả những tác nhân gây đau khổ, tới đây tan vỡ, không còn giá trị nữa, chừng ấy mới thấy bầu trời mùa Xuân, trăm hoa nở rộ, vui tươi đẹp đẽ vô cùng. Đó là giờ phút công hạnh tự giác, giác tha viên mãn của người tu, lúc đó là lúc an nhàn tự tại.

Quí vị dám vào cát bụi không? Thoạt đầu thấy đen tối quá! Nhưng ở đây đi vào cõi đời cát bụi với ánh sáng óng ánh ở đầu mi mở rộng, nên không bị cát bụi làm ô nhiễm. Nếu vào đời mà tối tăm không có ánh sáng thì sẽ bị bụi trần làm nhiễm ô, không lợi ích gì. Bồ-tát hay Thiền sư có lúc các ngài thị hiện ở những nơi rất lôi thôi để lợi sanh. Như ngài Huyền Sa Sư Bị, trước khi tu cũng ở trong cảnh mê muội, thường hay giăng câu bắt cá, khi thức tỉnh, liền đem thuyền lên bãi cát bỏ, xuất gia tu hành. Kiểm lại, lúc chúng ta còn nhỏ chưa hiểu đạo, đâu có hơn người thế tục chút nào. Người đời ăn thịt mình cũng ăn thịt, người đời cười giỡn ca hát mình cũng cười giỡn ca hát, cái gì quyến rũ mình đều ưa thích. Nhưng khi thức tỉnh mình mới khác người đời. Đâu quí vị xét lại mình coi có khác người đời chưa? Tất cả chúng ta phải đánh dấu hỏi chỗ này. Khi mê thì mình cũng như ai, nhưng khi tỉnh thì phải khác. Nói tỉnh mà không khác thì chưa thật tỉnh. Chỉ mang tiếng tỉnh mà không tỉnh. Vậy nên chúng ta phải tu cho thật tỉnh, để xứng đáng với danh nghĩa mà mình đã mang. Và, nhớ tỉnh rồi thì không được mê lại, mê lại là tội lỗi. Hai câu kết của bài này quá hay:

Rồi một ngày mai băng giá hết
Trăm hoa như cũ rộn xuân đài.

Mục Lục