Thiền Tông Việt Nam
Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải (1996)
Lời Bạt

Dịch:

Thượng Sĩ là ngọn đèn của Phật Hoàng, lấy tâm truyền tâm.

Đức Phật bỏ ngôi vị vương giả, đến ngồi dưới cội bồ-đề thành Chánh giác, diễn nói thừa Vô thượng, độ vô lượng chúng sanh, làm thầy trời người, người xưa thật được khai ngộ.

Thượng Sĩ làm Bồ-tát tại gia, chấn hưng gia phong của Phật, đề khởi câu nói, dẫn dắt người hậu học, được ánh sáng siêu việt, Phật Hoàng thật được thành tựu chỗ này. Noi theo Phật Thích-ca được Phật Nhiên Đăng thọ ký thành Đẳng chánh giác, Phật Hoàng lấy đây ghi thành quyển Lục. Bác Lăng Vương hỏi Thiền sư Dung đến chỗ cứu kính, Thượng Sĩ lấy đó làm chỗ tựa.

Bởi vì tâm Phật Hoàng khởi từ cảnh giới Phật Tổ; lời của Thượng Sĩ cùng tột nguồn tâm tánh. Song Thượng Sĩ không thể làm thành đại báo cho Phật Hoàng, Phật Hoàng cũng không thể lên được chỗ uẩn tích của Thượng Sĩ, mà hay khiến người tối được sáng, kẻ điếc được nghe. Đây là sự trợ lực lớn lao cho Phật giáo vậy.

Một hôm Phật Hoàng sai người mang quyển Lục này đến, bảo rằng: “Duy trì Phật pháp là nhiệm vụ của Quốc vương Đại thần, hãy viết riêng lời tựa và khắc bản in, để cho sự truyền bá được sáng tỏ.” Nay Thượng hoàng đế (Trần Anh Tông) sai thần Trần Khắc Chung làm lời bạt ở sau, tức là noi theo vầng ngân hán chói lọi ở trước. Thần Trần Khắc Chung bái nhận quyển Lục này, thắp hương kính đọc. Mới đầu như say, kế đó như tỉnh, rốt sau tâm mắt sáng rỡ, không tự biết vì sao mà được vậy.

Thần kính cẩn đặt bút viết lời bạt.

TRẦN KHẮC CHUNG

Giảng:

Thượng Sĩ là ngọn đèn của Phật Hoàng lấy tâm truyền tâm.

Phật Hoàng là chỉ cho Trúc Lâm Đại Đầu-đà hay vua Trần Nhân Tông. Đây là niềm hãnh diện lớn lao của Phật tử Việt Nam khi học đến lịch sử Phật giáo đời Trần. Ở Ấn Độ đức Phật Thích-ca là vị Thái tử, không muốn làm Vua, bỏ ngai vàng đi tu, thành đạo, đi giáo hóa khắp nơi được mọi người từ vua quan cho đến thứ dân đều kính trọng. Còn ở Việt Nam vua Trần Nhân Tông đang ở ngôi vua mà học đạo và ngộ đạo rồi nhường ngôi lại cho con để đi tu. Ngộ đạo là giác, nên gọi là Phật, Vua gọi là Hoàng, Phật Hoàng là Vua Phật. Ở Ấn Độ thì Thái tử tu thành Phật, ở Việt Nam thì ông Vua tu giác ngộ, nhưng không xưng danh Phật, chỉ xưng là Trúc Lâm Đại Đầu-đà. Song, người đương thời quá kính trọng, nên gọi Ngài là Phật Hoàng. Trần Khắc Chung nói Thượng Sĩ là ngọn đèn của Phật Hoàng. Như vậy, Thượng Sĩ là người cầm đèn rọi đường cho vua Trần Nhân Tông học đạo, ngộ đạo và Ngài đã dùng tâm ấn tâm cho Phật Hoàng.

Đức Phật bỏ ngôi vị vương giả, đến ngồi dưới cội bồ-đề thành Chánh giác, diễn nói thừa Vô thượng, độ vô lượng chúng sanh, làm thầy trời người, người xưa thật được khai ngộ.

Trần Khắc Chung dẫn chứng đức Phật từ một ông Hoàng bỏ ngôi vị, để đến dưới cội bồ-đề tu được thành Phật. Sau khi thành Phật Ngài diễn nói những thừa Vô thượng để độ vô số chúng sanh, làm thầy trời người và chúng sanh được giáo hóa khai ngộ rất nhiều.

Thượng Sĩ làm Bồ-tát tại gia, chấn hưng gia phong của Phật, đề khởi câu nói, dẫn dắt người hậu học, được ánh sáng siêu việt, Phật Hoàng thật được thành tựu chỗ này.

Thượng Sĩ là một cư sĩ thọ Bồ-tát giới tu tại gia chớ không cạo tóc xuất gia. Ngài đã làm cho gia phong của Phật được phát triển mạnh mẽ và dùng những câu nói khéo làm phương tiện để hướng dẫn cho người ngộ được lý Thiền. Vua Trần Nhân Tông cũng nương nơi sự giáo hóa của Thượng Sĩ mà ngộ đạo. Đoạn này nêu lên công giáo hóa của Thượng Sĩ đối với Vua và với mọi người.

Noi theo Phật Thích-ca được Phật Nhiên Đăng thọ ký thành Đẳng chánh giác, Phật Hoàng lấy đây ghi thành quyển Lục. Bác Lăng Vương hỏi Thiền sư Dung đến chỗ cứu kính, Thượng Sĩ lấy đó làm chỗ tựa.

Vua Trần Nhân Tông noi theo Phật Thích-ca được Phật Nhiên Đăng thọ ký, ghi lời dạy của Thượng Sĩ làm quyển Lục. Như vậy quyển Lục này là do vua Trần Nhân Tông ghi lại lời của Thượng Sĩ dạy để cho đời sau đọc. Còn Thượng Sĩ thì lấy lời Bác Lăng Vương hỏi Thiền sư Pháp Dung làm chỗ tựa để dạy người sau. Thiền sư Pháp Dung ở núi Ngưu Đầu, Sư họ Vi, quê ở Duyên Lăng, Nhuận Châu. Năm mười chín tuổi, Sư đã học thông kinh sử, tìm xem bộ Đại Bát-nhã hiểu thấu lý Chân không.

Một hôm, Sư tự than:

- Đạo Nho sách đời, không phải pháp cứu kính. Bát-nhã chánh quán là thuyền bè xuất thế. Sư bèn vào ở ẩn núi Mao theo thầy xuất gia học đạo.

Sau, Sư đến núi Ngưu Đầu ở trong thất đá trên ngọn núi phía bắc chùa U Thố. Lúc đó, có các loài chim tha bông đến cúng dường. Các loài thú dữ quanh quẩn bên Sư không ngớt.

Khoảng niên hiệu Trinh Quán nhà Đường (627-650 TL) Tổ Đạo Tín nhân thấy khí tượng lạ tìm đến gặp Sư. Nhân đó, Sư được khai ngộ.

Từ khi đắc pháp về sau, nơi pháp tịch của Sư đại thạnh. Khoảng niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường (650-656 TL) đồ chúng thiếu lương thực, Sư phải sang Đơn Dương hóa duyên. Đơn Dương cách núi Ngưu Đầu đến tám mươi dặm. Sư đích thân mang một thạch (tạ) tám đấu, sáng đi chiều về để cúng dường ba trăm Tăng. Như vậy, mà ngót ba năm, Sư cung cấp không thiếu.

Quan Huyện tên Tiêu Nguyên Thiện thỉnh Sư giảng kinh Bát-nhã tại chùa Kiến Sơ. Thính giả vân tập. Sư giảng đến phẩm Diệt Tĩnh, đất chấn động.

Bác Lăng Vương hỏi Sư:

Khi cảnh duyên sắc phát,
Không nói duyên sắc khởi;
Làm sao biết được duyên,
Muốn dứt cái khởi ấy?

Sư đáp:

Cảnh sắc khi mới khởi
Sắc cảnh tánh vẫn không.
Vốn không người biết duyên
Tâm lượng cùng tri đồng.
Soi gốc phát chẳng phát
Khi ấy khởi tự dứt.
Ôm tối sanh hiểu duyên
Khi duyên, tâm chẳng theo.
Chí như trước khi sanh
Sắc tâm không nuôi dưỡng.
Từ không vốn vô niệm
Tưởng thọ ngôn niệm sanh.
Khởi pháp chưa từng khởi
Đâu cầu Phật chỉ dạy.

Hỏi:

Nhắm mắt không thấy sắc
Cảnh lự lại thêm phiền.
Sắc đã chẳng quan tâm
Cảnh từ chỗ nào phát?

Sư đáp:

Nhắm mắt không thấy sắc
Trong tâm động lự nhiều.
Huyễn thức giả thành dụng
Há gọi trọn không lỗi.
Biết sắc chẳng quan tâm
Tâm cũng chẳng quan người.
Tùy đi có tướng chuyển
Chim bay trông không thật.

Hỏi:

Cảnh phát không chỗ nơi
Duyên đó hiểu biết sanh.
Cảnh mất hiểu lại chuyển
Hiểu bèn biến làm cảnh.
Nếu dùng tâm kéo tâm
Lại thành biết bị biết.
Theo đó cùng nhau đi
Chẳng lìa mé sanh diệt.

Sư đáp:

Tâm sắc trước sau giữa
Thật không cảnh duyên khởi.
Một niệm tự ngừng mất
Ai hay tính động tịnh.
Đây biết tự không biết
Biết, biết duyên chẳng hợp.
Nên tự kiểm bản hình
Đâu cầu tìm ngoại cảnh.
Cảnh trước không biến mất
Niệm sau chẳng hiện ra.
Tìm trăng chấp bóng huyền
Bàn dấu đuổi chim bay.
Muốn biết tâm bản tánh
Lại như xem trong mộng.
Ví đó băng tháng sáu
Nơi nơi đều giống nhau.
Trốn  không trọn chẳng khỏi
Tìm không lại chẳng thành.
Thử hỏi bóng trong gương
Tâm từ chỗ nào sanh?

Hỏi:

Chính ngay lúc dụng tâm,
Làm sao được an ổn?

Sư đáp:

Chính ngay lúc dụng tâm,
Chính là không tâm dụng.
Bàn quanh danh tướng nhọc,
Nói thẳng không mệt phiền.
Không tâm chính lúc dụng,
Thường dụng chính là không.
Nay nói chỗ không tâm,
Chẳng cùng có tâm khác.

Hỏi:

Người trí dẫn lời diệu
Cùng tâm phù hợp nhau.
Lời cùng tâm đường khác
Hiệp thì trái vô cùng?

Sư đáp:

Phương tiện nói lời diệu,
Phá bệnh đạo Đại thừa.
Bàn chẳng quan Bản tánh
Lại từ không hóa tạo.
Vô niệm là chân thường
Trọn phải bặt đường tâm.
Lìa niệm tánh chẳng động,
Sanh diệt chẳng trái lầm.
Cốc hưởng đã có tiếng
Bóng gương hay ngó lại.

Niên hiệu Hiển Khánh năm đầu (656 TL) nhà Đường, quan huyện Tiêu Nguyên Thiện thỉnh Sư xuống núi trụ trì chùa Kiến Sơ. Sư hết lời từ chối mà không được. Bất đắc dĩ, Sư gọi đệ tử thượng thủ là Trí Nham truyền trao pháp ấn và dặn dò tiếp nối truyền dạy tại núi này.

Sư sắp xuống núi bảo chúng:

- Ta không còn bước chân lại núi này.

Lúc đó chim thú kêu buồn gần suốt tháng không dừng. Trước am có bốn cây ngô đồng, giữa tháng hè bỗng nhiên rụng lá.

Năm sau (657 TL) ngày 23 tháng giêng, Sư thị tịch tại chùa Kiến Sơ, thọ sáu mươi bốn tuổi, tuổi hạ được bốn mươi mốt. Ngày 27 đưa quan tài lên núi Kê Long an táng, số người tiễn đưa hơn vạn.

Phái thiền của Sư truyền, sau này gọi là Ngưu Đầu thiền, vì lấy tên núi mà đặt tên. Số môn đồ khá đông, lưu truyền thạnh hành đến sáu đời mới dứt.

Đọc qua đoạn sử của ngài Pháp Dung, chúng ta thấy tinh thần quên mình vì đạo của người xưa thật chúng ta không thể bì kịp. Vì nuôi Tăng chúng mà Ngài phải đích thân đi quyên tởi nhọc nhằn. Tuệ Trung Thượng Sĩ không phải chỉ học với Thiền sư Tiêu Dao, mà Ngài còn lấy lời dạy của Thiền sư Pháp Dung để làm chỗ tựa. Bác Lăng Vương hỏi Thiền sư Pháp Dung mười câu Ngài trả lời mỗi câu bằng một bài kệ, câu hỏi dài bài kệ cũng dài nên ở đây tôi chỉ trích và giải thích một số câu thôi.

Bác Lăng Vương hỏi:

Khi cảnh duyên sắc phát,
Không nói duyên sắc khởi;
Làm sao biết được duyên,
Muốn dứt cái khởi ấy?

Ý hỏi rằng: Các hình sắc nương nơi cảnh mà phát ra, bây giờ không nói các hình sắc đó từ nơi cảnh khởi, mà chỉ làm sao biết được duyên của nó và dứt cái khởi của nó. Các sự vật ở thế gian này đều từ duyên mà khởi, từ duyên mà thành. Như cái nhà từ các duyên như gạch, ngói, gỗ v.v... (cảnh) tạo thành cái nhà (sắc). Như vậy duyên nơi cảnh mà tạo thành hình sắc đẹp xấu v.v... Nhưng nếu không nói cái duyên sắc khởi, nói sự vật này không phải tự nó duyên nơi cảnh, tức là những yếu tố tạo thành các hình sắc, làm sao biết được cái duyên của nó, làm sao dứt được cái khởi của nó? Nói tóm lại cho dễ hiểu là tất cả sự vật là do duyên hợp mà thành hình sắc, làm sao biết được cái duyên của nó để dứt cái nguyên nhân tạo nên sự vật đó.

Thiền sư Pháp Dung trả lời:

Cảnh sắc khi mới khởi
Sắc cảnh tánh vẫn không.
Vốn không người biết duyên
Tâm lượng cùng tri đồng.
Soi gốc phát chẳng phát
Khi ấy khởi tự dứt.
Ôm tối sanh hiểu duyên,
Khi duyên, tâm chẳng theo.
Chí như trước khi sanh
Sắc tâm không nuôi dưỡng.
Từ không vốn vô niệm,
Tưởng thọ ngôn niệm sanh.
Khởi pháp chưa từng khởi,
Đâu cầu Phật chỉ dạy.

Cảnh sắc khi mới khởi
Sắc cảnh tánh vẫn không.

Cảnh là những nguyên nhân những yếu tố hợp thành sắc. Ví dụ như ngói gạch là cảnh, hợp thành cái nhà là sắc, cả hai đều là Tánh không. Tại sao vậy? Vì ngói gạch... cũng do duyên hợp nên nói Tánh không, cái nhà thì do các duyên ngói, gạch, xi măng v.v... hợp lại, nên nói là Tánh không.

Vốn không người biết duyên.

Nói cái nhà và ngói, gạch đều không thật, do duyên hợp, vậy người biết cái nhà có thật không? Con người cũng do duyên hợp, cho nên nói vốn không nguời biết duyên. Cả ba đều là không thật nên:

Tâm lượng cùng tri đồng.

Nghĩa là tâm lượng của mình cùng cái biết đồng.

Soi gốc phát chẳng phát
Khi ấy khởi tự dứt.

Nghĩa là nhìn lại tâm mình coi nó khởi hay không khởi, nhìn thẳng như vậy thì tâm niệm dừng lại không khởi nữa.

Ôm tối sanh hiểu duyên,
Khi duyên, tâm chẳng theo.
Chí như trước khi sanh,
Sắc tâm không nuôi dưỡng.

Ôm ấp cái tối tăm mờ mịt mà sanh cái hiểu biết thì khó mà hiểu biết cho chính xác. Khi nào gặp duyên mà tâm mình không dính mắc, và sống với cái tâm trước khi nó khởi niệm, tức là khi thấy sắc chỉ biết mình có tánh thấy, không khởi niệm chạy theo sắc.

Từ không vốn vô niệm,
Tưởng thọ ngôn niệm sanh.
Khởi pháp chưa từng khởi,
Đâu cầu Phật chỉ dạy.

Nếu chúng ta biết các pháp vốn không tự tánh thì tâm không dấy động, sở dĩ dấy động là tại tưởng tượng thọ nhận, rồi phát ra lời nói, do đó mà niệm sanh, những niệm đó vốn trước chưa từng có, nếu biết rõ như vậy thì đâu cần cầu xin Phật chỉ dạy làm gì.

Hỏi:

Nhắm mắt không thấy sắc,
Cảnh lự lại thêm phiền.
Sắc đã chẳng quan tâm,
Cảnh từ chỗ nào phát?

Như chúng ta ngồi thiền mắt ngó xuống, không thấy hình sắc bên ngoài mà lúc đó tâm nghĩ tứ tung. Lẽ ra không thấy cảnh thì không nghĩ, sao lại nghĩ nhiều? Khi đi ngó trời, mây, đồi thông, hồ nước thì không nghĩ, còn khi ngồi nhắm mắt lại nghĩ nhiều. Lúc đó cảnh sắc bên ngoài mình không thấy, vậy cảnh ở đâu mà hiện ra trong đầu mình hoài vậy? Câu hỏi này rất thiết thực và rất gần với chúng ta.

Thiền sư Pháp Dung đáp:

Nhắm mắt không thấy sắc,
Trong tâm động lự nhiều.
Huyễn thức giả thành dụng,
Há gọi trọn không lỗi.
Biết sắc chẳng quan tâm,
Tâm cũng chẳng quan người.
Tùy đi có tướng chuyển,
Chim bay trông không thật.

Nhắm mắt không thấy sắc,
Trong tâm động lự nhiều.
Huyễn thức giả thành dụng,
Há gọi trọn không lỗi.

Trong lúc chúng ta ngồi thiền nhắm mắt không nhìn cảnh, mà tâm có nhiều vọng lự có nhiều hình ảnh hiện ra, đó là do huyễn thức giả thành những hình ảnh đó, như vậy là có lỗi rồi.

Biết sắc chẳng quan tâm,
Tâm cũng chẳng quan người.
Tùy đi có tướng chuyển,
Chim bay trông không thật.

Khi chúng ta ngồi thiền có những vọng niệm hình ảnh dấy lên đừng có quan tâm, nó khởi mặc nó, chúng ta không theo. Không theo nó thì nó không dính dáng gì tới mình. Cũng như chúng ta bước đi, tùy theo bước đi mà có tướng chuyển động, hai chân bước thì hai tay tự lay động để lấy trớn gọi là chuyển động, giống như chim bay trong hư không. Thiền sư Pháp Dung trả lời câu hỏi, tại sao khi ngồi yên ngó xuống lại có nhiều nghĩ ngợi lăng xăng. Ngài nói cái nghĩ lăng xăng là huyễn thức, nếu chúng ta theo nó thì có lỗi, nếu tâm không dính dáng thì không có lỗi lầm gì cả.

Hỏi:

Cảnh phát không chỗ nơi,
Duyên đó hiểu biết sanh.
Cảnh mất hiểu lại chuyển,
Hiểu bèn biến làm cảnh.
Nếu dùng tâm kéo tâm,
Lại thành biết bị biết.
Theo đó cùng nhau đi,
Chẳng lìa mé sanh diệt.

Bác Lăng Vương hỏi: Cảnh phát ra (cảnh này là cảnh trong tâm mình) không có nơi chốn, duyên nơi cảnh đó chúng ta có cái hiểu biết phân biệt. Nếu cảnh lặng thì cái hiểu biết lại dời đổi biến thành cảnh. Ví dụ như cảnh trong mộng, vậy cảnh trong mộng từ đâu ra? Cảnh trong mộng dấy lên không có chỗ nơi. Nhưng khi tỉnh mộng chúng ta vẫn còn nhớ hình ảnh trong mộng, nên ở đây nói:

Cảnh phát không chỗ nơi,
Duyên đó hiểu biết sanh.
Cảnh mất hiểu lại chuyển,
Hiểu bèn biến làm cảnh.
Nếu dùng tâm kéo tâm,
Lại thành biết bị biết.

Như chúng ta vừa dấy niệm liền khởi niệm diệt nó, gọi là tâm kéo tâm và thành ra cái hay biết và cái bị biết đối đãi.

Theo đó cùng nhau đi,
Chẳng lìa mé sanh diệt.

Tu như vậy là còn đi trong sanh diệt.

Thiền sư Pháp Dung nói:

Tâm sắc trước sau giữa,
Thật không cảnh duyên khởi.
Một niệm tự ngừng mất,
Ai hay tính động tịnh.
Đây biết tự không biết,
Biết, biết duyên chẳng hợp.
Nên tự kiểm bản hình,
Đâu cầu tìm ngoại cảnh.
Cảnh trước không biến mất,
Niệm sau chẳng hiện ra.
Tìm trăng chấp bóng huyền,
Bàn dấu đuổi chim bay.
Muốn biết tâm bản tánh,
Lại như xem trong mộng.
Ví đó băng tháng sáu,
Nơi nơi đều giống nhau.
Trốn không trọn chẳng khỏi,
Tìm không lại chẳng thành.
Thử hỏi bóng trong gương,
Tâm từ chỗ nào sanh?

Tâm sắc trước sau giữa,
Thật không cảnh duyên khởi.

Tâm và sắc trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai đều không thật.

Một niệm lại ngừng mất,
Ai hay tính động tịnh.

Niệm dấy lên rồi tự lặng đi thì cái động cái tịnh ai mà biết được.

Đây biết tự không biết,
Biết, biết duyên chẳng hợp.

Khi cái động tịnh lặng rồi, cái biết này biết, mà không phải là cái biết của dấy niệm chạy theo các duyên bên ngoài, nên nói “biết, biết duyên chẳng hợp”.

Nên tự kiểm bản hình,
Đâu cầu tìm ngoại cảnh.

Nên nhìn lại chính mình, không nên đuổi theo cảnh bên ngoài.

Cảnh trước không biến mất,
Niệm sau chẳng hiện ra.

Cảnh trước tự nó như vậy, niệm sau cũng không hiện, nghĩa là chúng ta không phải quán cho cảnh mất, mà cảnh là cảnh tâm không dấy động.

Tìm trăng chấp bóng huyền,
Bàn dấu đuổi chim bay.

Nếu chúng ta cứ đuổi theo cảnh bên ngoài, như người tìm trăng mà cứ nhìn cái bóng dưới nước, hay như chim bay không để lại dấu vết, mà cứ bàn dấu nó ở chỗ này chỗ kia. Đó là những việc làm rỗng vô ích.

Muốn biết tâm bản tánh,
Lại như xem trong mộng.

Muốn biết Bản tánh của mình mà xem cảnh trong mộng, làm sao mà biết?

Ví đó băng tháng sáu,
Nơi nơi đều giống nhau.

Ở các nước Tây phương mùa Đông mới có băng, tháng sáu là mùa Hạ làm sao có băng? Bản tánh chân thật mà khởi niệm muốn biết thì giống như xem cảnh trong mộng, hay muốn thấy băng tháng sáu, hai điều đó không thể có.

Trốn không trọn chẳng khỏi,
Tìm không lại chẳng thành.

Bây giờ chúng ta chạy trốn hư không có được chăng? Và tìm hư không có được chăng? Chúng ta đang ở trong hư không mà trốn và tìm hư không là vô lý.

Thử hỏi bóng trong gương,
Tâm từ chỗ nào sanh?

Chúng ta đang sống với cái Thể chân thật tức là sống với Bản tánh của mình, tức là lúc nào nó cũng đang hiện hữu, nhưng mà tìm thì không thể thấy, giống như chúng ta đang sống trong hư không, mà muốn chạy trốn, hoặc muốn tìm hư không để rờ mó nó thì không được. Hai câu kết Ngài nói:

Thử hỏi bóng trong gương,
Tâm từ chỗ nào sanh?

Kêu cái bóng ở trong gương hỏi xem tâm từ chỗ nào sanh, bóng có trả lời được không? Bóng làm sao trả lời.

Tóm lại, lời hỏi của Bác Lăng Vương và những câu trả lời của Thiền sư Pháp Dung rất là thâm thúy, Thượng Sĩ lãnh hội được ý chỉ ấy, nên lấy đó làm chỗ tựa để tu và giảng dạy lại cho người sau, nên nói đây là sự trợ lực lớn lao cho người sau vậy.

Bởi vì tâm Phật Hoàng khởi từ cảnh giới Phật Tổ; lời của Thượng Sĩ cùng tột nguồn tâm tánh.

Tâm Phật Hoàng thấu suốt được ý chỉ của Phật Tổ, tức là Ngài đã ngộ đạo, còn Thượng Sĩ thì cũng tột nguồn tâm tức là Thượng Sĩ cũng ngộ đạo.

Song Thượng Sĩ không thể làm thành đại báo cho Phật Hoàng, Phật Hoàng cũng không thể lên được chỗ uẩn tích của Thượng Sĩ, mà hay khiến người tối được sáng, kẻ điếc được nghe. Đây là sự trợ lực lớn lao cho Phật giáo vậy.

Thượng Sĩ tuy có công làm cho Phật Hoàng thấy lối đi, nhưng Ngài không làm thành đại báo cho Phật Hoàng. Đại báo là quả báo lớn: một là do sự ngộ đạo rồi làm lợi ích cho chúng sanh, hai là thân này phát triển tốt đẹp. Nghĩa là Thượng Sĩ không làm thành được cái ngộ đạo và làm lợi ích chúng sanh cho Điều Ngự Giác Hoàng. Ngộ là tự Giác Hoàng ngộ, chớ Thượng Sĩ không làm thế được, cũng như làm lợi ích cho người khác thì tự Giác Hoàng phát tâm làm, chớ Thượng Sĩ không làm thế được. Lý uyên áo mà Thượng Sĩ thấu suốt tích lũy, Điều Ngự Giác Hoàng không đến được. Vì của ai thì người đó tự biết, người này không thể thấy của người kia được. Nhưng nhờ Điều Ngự Giác Hoàng ghi lại lời dạy của Thượng Sĩ, mà người sau được sáng mắt được thông tai. Đó là điều lợi ích lớn cho Phật giáo vậy.

Một hôm Phật Hoàng sai người mang quyển Lục này đến bảo rằng: “Duy trì Phật pháp là nhiệm vụ của Quốc vương Đại thần, hãy viết riêng lời tựa và khắc bản in, để cho sự truyền bá được sáng tỏ.” Nay Thượng hoàng đế (Trần Anh Tông) sai thần Trần Khắc Chung làm lời bạt ở sau tức là noi theo vầng ngân hán chói lọi ở trước. Thần Trần Khắc Chung bái nhận quyển Lục này, thắp hương kính đọc. Mới đầu như say, kế đó như tỉnh, rốt sau tâm mắt sáng rỡ, không tự biết vì sao mà được vậy.

Thần kính cẩn đặt bút viết lời bạt.

Điều Ngự Giác Hoàng đưa quyển Ngữ lục này cho vua Trần Anh Tông, bảo đề tựa để khắc bản in. Vua Trần Anh Tông sai ông Trần Khắc Chung viết lời bạt ở sau. Trần Khắc Chung nói, ông nương theo lời của Thượng Sĩ ở trước mà viết, chớ không phải tự ý viết được. Khi nhận quyển Ngữ lục này, Trần Khắc Chung kính cẩn đọc, ban đầu ông thấy mù mịt nhưng sau ông có tỉnh.

Đó là lời bạt của ông Trần Khắc Chung.

Mục Lục