Thiền Tông Việt Nam
Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải (1996)
Thi Ca 12

Dịch:

BẢO CHÚNG (1)

Thôi tìm Thiếu Thất với Tào Khê
Thể tánh sáng ngời chửa từng mê.
Trăng cổ chiếu soi nào cận viễn
Gió trời thổi mát thấp cao chê.
Ánh thu đen trắng tùy duyên sắc
Sen nở thơm hồng bùn chẳng hề.
Diệu khúc xưa nay cần cứ hát
Chớ tìm nam bắc với đông tê.

Giảng:

Bài này Thượng Sĩ nhắc nhở chúng ta tu, nên gọi là Bảo Chúng. Chúng ở đây gồm có hai hạng xuất gia và tại gia, là những người đến học với Ngài. Ngài khuyên rằng:

Thôi tìm Thiếu Thất với Tào Khê
Thể tánh sáng ngời chửa từng mê.

Thượng Sĩ khuyên chúng ta muốn tu muốn đạt được đạo, không phải tìm tới Thiếu Lâm chỗ Tổ Bồ-đề-đạt-ma ở, hay phải tìm tới Tào Khê chỗ Lục tổ Huệ Năng trụ xứ giáo hóa mới tu được. Vì hai nơi đó tuy là chỗ của Sơ Tổ và Lục Tổ nhưng nó là cảnh tướng, có chỗ nơi không phải là gốc của sự giác ngộ. Gốc của sự giác ngộ là “Thể tánh sáng ngời chửa từng mê”. Mỗi chúng ta ai cũng có Thể tánh sáng suốt lúc nào cũng hiện tiền chưa từng bị mê, vậy mà chúng ta không nhận ra. Sở dĩ chúng ta không nhận ra Thể tánh sáng suốt của chính mình là, tại những vọng niệm lăng xăng tiếp nối lôi kéo chúng ta cứ chạy theo nó, mà quên mất Thể tánh sáng suốt của mình. Như vậy muốn được giác ngộ không phải tới Tào Khê hay Thiếu Thất, mà phải khéo buông bỏ những vọng niệm lăng xăng nơi tâm mình thì Thể tánh sáng ngời hiện tiền, chớ không tìm kiếm đâu xa.

Trăng cổ chiếu soi nào cận viễn
Gió trời thổi mát thấp cao chê.

Mặt trăng xưa chiếu ánh sáng xuống mọi vật một cách đầy đủ và bình đẳng, không câu nệ xa gần. Gió từ phương trời thổi lại, nó không chê chỗ thấp chọn chỗ cao, cao thấp nó đều thổi bình đẳng. Tuy nhiên, chỗ khuất lấp thì gió thổi tạt lên chỗ cao, đó là tại chỗ nơi chớ không phải tại gió lựa chọn. Đó là hai hình ảnh trăng cổ gió trời không phân biệt xa gần cao thấp.

Ánh thu đen trắng tùy duyên sắc
Sen nở thơm hồng bùn chẳng hề.

Bầu trời mùa Thu có ánh trăng sáng trong, nhưng ánh sáng ấy không nhất định màu vàng, màu xanh hay màu trắng, mà tùy duyên. Nếu cảnh vật trắng thì nó hiện sắc trắng. Cảnh vật xanh nó hiện sắc xanh, đỏ thì nó hiện sắc đỏ. Ánh sáng vàng, xanh v.v... là tại những hình sắc bên ngoài: Như ánh sáng đang chiếu mà chúng ta để hạt lưu-ly ở trên miếng giấy đỏ thì thấy ánh sáng màu đỏ, để trên miếng giấy xanh thấy ánh sáng màu xanh v.v... Như vậy phản ảnh màu này màu nọ là tại màu sắc chớ ánh sáng không có màu này màu nọ. Hoa sen nở ra từ dưới bùn mà nó không hề bị bùn làm cho hôi hám. Đó là những hình ảnh trăng cổ, gió trời, ánh sáng mùa thu, hoa sen nở, tất cả những thứ đó đều không có phân biệt so sánh gần xa, cao thấp, trắng đen và thơm hôi. Nghĩa là nó không bị sự so sánh làm cho mất đi tính chất bình đẳng. Thượng Sĩ mượn cái bình đẳng để nói lên Thể sáng ngời của chúng ta nó cũng không phân biệt xa gần, cao thấp, trắng đen hay thơm hôi. Sở dĩ có những cái phân biệt đó là do tùy duyên bên ngoài như thế nào thấy như thế ấy. Ý Thượng Sĩ nói: nơi mọi người chúng ta có sẵn cái Thể tánh bình đẳng trong sáng, chưa bao giờ có niệm phân biệt so sánh. Nếu khởi niệm phân biệt so sánh là thiếu bình đẳng tự nhiên.

Diệu khúc xưa nay cần cứ hát
Chớ tìm nam bắc với đông tê.

Diệu khúc là bản nhạc nhiệm mầu có sẵn từ xưa tới nay, nếu cần thì cứ hát, chớ đừng tìm tới phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Theo Thượng Sĩ bản nhạc nhiệm mầu này chỉ cho Thể tánh sáng ngời hằng hữu nơi mỗi chúng ta. Cứ sống với Thể tánh ấy đừng chạy nơi này nơi nọ tìm kiếm vô ích.

Bài thơ này Thượng Sĩ dạy chúng ta, là người học đạo muốn sáng được đạo thì phải nhận nơi mình có Thể tánh sáng suốt bình đẳng, không bị cái so sánh phân biệt che lấp. Nó đã có sẵn cứ ngay đó mà sống, đừng tìm kiếm phí công.

Vậy quí vị đã hát được bản nhạc nhiệm mầu mà Thượng Sĩ nói chưa, hay chỉ hát những bài ca thế tục? Những bản nhạc thế tục thì dễ nhớ, còn diệu khúc này thì mau quên! Tại chúng ta chạy theo sáu trần mà quên nó chớ nó đâu có mất.

Tóm lại, bài này Thượng Sĩ khuyên người tu Phật, phải trực nhận nơi mình có sẵn cái Thể tánh sáng suốt không bao giờ mê mờ, tại chúng ta chạy theo vọng tưởng quên nó mà thôi. Biết rồi thì đừng thắc mắc rằng mình ở đây tu lâu ngộ, phải tới Thiếu Lâm hay Tào Khê tu mới mau ngộ. Đừng có khao khát ước mơ tìm kiếm đâu xa, mà phải quay lại nơi mình nhận ra tánh sáng suốt của mình và hằng sống với nó. Nếu khởi niệm phân biệt so sánh thì Thể tánh sáng suốt bị che khuất, Thượng Sĩ muốn cụ thể hóa cho nên nói bản nhạc xưa có sẵn, muốn hát lúc nào thì hát, đừng tìm kiếm ở đâu xa. Đó là lời nhắc nhở của Thượng Sĩ, ai là người học đạo phải mau hiểu lấy.

Dịch:

BẢO CHÚNG (2)

Người đời ưa vọng chẳng ưa chân
Chân vọng tâm kia cũng là trần.
Cốt muốn nhảy thẳng lên bờ ấy
Hãy tham đồng tử đang có đây.

Giảng:

Người đời ưa vọng chẳng ưa chân.

Người đời ưa vọng chẳng ưa chân là phải rồi, còn người tu thì ưa chân chẳng ưa vọng hay như người đời ưa vọng không ưa chân? Nhưng Thượng Sĩ nói:

Chân vọng tâm kia cũng là trần.

Tâm chân tâm vọng cả hai thuộc về trần, tức là thuộc về sanh diệt. Cái vọng thuộc về trần, nó sanh diệt là phải, nhưng sao cái chân cũng thuộc sanh diệt? - Thể tánh bất sanh bất diệt, tự nó không nói là chân hay vọng. Vì tâm chúng ta còn nhiều vọng niệm lăng xăng nên gọi là vọng, khi chúng ta buông những vọng niệm, tâm yên lặng tạm gọi là chân. Nói chân là do có vọng mà nói, nếu vọng hết rồi thì chân cũng không còn. Cũng như cái nhà này chúng ta nói sáng vì không có bóng tối, nói tối là do không có ánh sáng. Song, ai cũng ưa sáng mà không ưa tối, nhưng nếu không có tối thì có sáng không? Ngược lại cũng vậy. Giả sử ở nơi nào đó chưa bao giờ có đêm thì có ngày không? Sở dĩ có tối có sáng là do đối đãi nhau mà lập không phải thật. Cũng như nói vọng là đối với chân mà nói, nói chân là đối với vọng mà nói. Thể tánh sáng suốt không thuộc chân vọng vì chân vọng là hai cái giả lập.

Cốt muốn nhảy thẳng lên bờ ấy.

Bờ ấy là chỉ cho bờ giác hay là Niết-bàn. Muốn nhảy thẳng đến bờ giác thì phải:

Hãy tham đồng tử đang có đây.

Phải tham vấn chú bé đang ở đây. Chú bé đang ở đây là chú bé nào? Chữ này có hai cách giải. Trong kinh Hoa Nghiêm thường gọi Bồ-tát là đồng tử. Đồng tử là chỉ cho những đứa bé, tại sao gọi Bồ-tát là đồng tử? Bồ-tát gọi là giác mà cái giác của Bồ-tát đối với cái giác của Phật thì chưa viên mãn, Bồ-tát thì từng phần giác chớ chưa giác ngộ viên mãn như Phật. Như người đứng tuổi thì các bộ phận trong cơ thể và sự khôn ngoan sáng suốt phát triển đầy đủ, còn đứa bé thì các bộ phận trong cơ thể tuy đủ, nhưng chưa phát triển toàn diện, nên đối với người lớn thì nó là đứa bé. Cũng vậy đứng về mặt giác ngộ thì đức Phật đã viên mãn nên coi như người lớn, Bồ-tát mới giác ngộ từng phần nên đối với Phật coi như là đứa bé, cho nên các kinh Đại thừa thường gọi Bồ-tát là đồng tử. Nhưng đồng tử đối với Phật chớ không phải đối với chúng ta. Chúng ta thì thấy Bồ-tát là những vị trưởng thượng, chỉ có Phật mới coi Bồ-tát như đứa bé thôi. Đó là nói theo kinh. Nhưng ở đây thì khác, Thượng Sĩ nói người tu muốn nhảy thẳng tới bờ giác ngộ thì phải tham vấn đồng tử đang có đây, tức là muốn giác ngộ thì phải nhận ra cái Tánh giác sẵn có nơi mình, chớ đừng tìm đâu xa hết. Tại sao gọi Tánh giác là đồng tử? Vì Tánh giác là viên mãn trùm khắp mà người mới nhận ra thì chỉ giác từng phần chưa viên mãn, ví như đứa bé nên gọi là đồng tử.

Bốn câu kệ này Thượng Sĩ dạy chúng ta, vọng chân gì cũng phải buông và muốn giác ngộ thì phải nhận ra cái Thể tánh sáng suốt sẵn có nơi mình, chớ không tìm đâu xa.

Dịch:

BẢO HỌC GIẢ

Học giả rối bời biết là sao
Luống đem gạch ngói uổng công mài.
Bảo anh thôi chớ nương cửa khác
Một điểm ánh xuân chốn chốn hoa.

Giảng:

Bảo học giả là khuyên người trí thức chớ nghiên cứu tìm tòi.

Học giả rối bời biết là sao
Luống đem gạch ngói uổng công mài.

Học giả là người chuyên nghiên cứu sách vở, để tìm tòi những điều hay đẹp ở trong ấy, nên tâm họ luôn rối bời, do đó mà không đạt được chỗ chân thật cứu kính, giống như người đem gạch ngói mài để làm gương. Câu này Thượng Sĩ dẫn chuyện mài gạch của Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng. Sau khi đắc pháp nơi Lục Tổ, Thiền sư Hoài Nhượng đến trụ ở dãy Hoành Nhạc. Một hôm đi dạo núi thấy một vị Tăng tên Đạo Nhất ngồi thiền trên phiến đá, Ngài đi đến hỏi:

- Đại đức ngồi thiền để làm gì?

Đạo Nhất thưa:

- Để làm Phật.

Sau đó Ngài lấy một cục gạch đến trên phiến đá trước am Đạo Nhất ngồi mài, Đạo Nhất thấy lạ hỏi:

- Hòa thượng mài gạch để làm gì?

- Mài để làm gương.    

- Mài gạch đâu có thể thành gương được?

- Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được?

- Vậy làm thế nào mới phải?

- Như trâu kéo xe, xe không đi, vậy đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?

Dốt nát như chúng ta, ai cũng biết đánh trâu là phải. Thí dụ này rất hay, con trâu kéo xe, xe là cái bị động, trâu là cái chủ động, muốn cái bị động di chuyển thì phải điều khiển cái chủ động.

Đạo Nhất lặng thinh. Ngài nói tiếp:

- Ông học ngồi Thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định, đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả, ông nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi chẳng đạt ý kia.

Hằng ngày Phật không những ngồi mà còn đi khất thực, tối còn nằm nghỉ. Vậy lúc đi lúc nằm gọi là gì? Ngồi cũng Phật mà đi cũng Phật, nói nín đều là Phật. Như quí thầy tu lúc ngồi là thầy tu hay đi đứng là thầy tu? Nếu vô chùa thấy quí thầy quí cô ngồi thiền nói quí thầy quí cô tu, một lát quí thầy quí cô xả thiền có tu không? Dầu ngồi hay đi bất cứ ở hành động nào cũng là thầy tu. Cũng vậy Phật ở trong hành động nào cũng là Phật. Tóm lại, ý Thượng Sĩ muốn nhắc chúng ta rằng, khi tu đừng chấp vào hình thức nào cố định, hình thức chỉ là phương tiện chớ không phải cứu kính. Phương tiện nào thích hợp và giúp cho chúng ta tiến đạo thì chúng ta ứng dụng. Ví dụ chúng ta muốn tâm được yên tịnh mà nằm ngủ mãi ngáy pho pho thì tâm không an định. Đi dạo chơi với huynh này huynh kia, nói chuyện năm trước năm sau thì tâm không an định. Tốt hơn hết là ngồi lại nghiêm chỉnh ngó xuống, không có chuyện gì rối rắm, nhưng phải biết ngồi là phương tiện chớ không phải cứu kính, nếu nói ngồi thiền là cứu kính ấy là sai. Cho nên chư Tổ sau này nói tu trong bốn oai nghi, chớ không hạn cuộc vào một oai nghi nào. Nhưng trong bốn oai nghi, ngồi là thù thắng hơn hết, nên chúng ta lấy phương tiện thù thắng mà ứng dụng. Phải nói rõ cho quí vị hiểu, chớ không khéo mai kia một vài Sư nào đó hỏi rằng: “Tại sao Tổ quở ngồi thiền, mà ở đây Thầy chủ trương ngồi, vậy là đã trái ý Tổ.” Nói nghe hay lắm nhưng nếu không ngồi thiền thì làm gì? Đi tới đi lui nói chuyện tạp tâm loạn tưởng, thêm phiền não chớ không lợi ích gì, nên tôi bắt ngồi. Thượng Sĩ nói “luống đem gạch ngói uổng công mài”. Mài gạch ngói để làm gương là việc làm phí công vô ích.

Bảo anh thôi chớ nương cửa khác
Một điểm ánh xuân chốn chốn hoa.

Thôi anh đừng tới nhà người mà trông cậy người ta chỉ dạy, chỉ cần một điểm sáng của mùa Xuân thì tất cả hoa đều đua nhau nở rộ. Nghĩa là hoa đã có sẵn cái mầm ở trong thân cây, chỉ cần ánh nắng mùa Xuân chiếu tới thì nó nở, chớ không cần tìm kiếm đâu xa. Cũng vậy ở nơi mỗi chúng ta đều có sẵn cái mầm giác ngộ, chỉ cần nhân duyên thuận tiện thì nó bừng sáng, chớ nên tìm kiếm trông chờ ở bên ngoài.

Dịch:

CHỢT HỨNG (1)

Trong nhà ngồi thẳng lặng không lời
Nhàn ngắm Côn Luân mảnh khói trôi.
Đến khi nghe nhọc tâm liền bặt
Chẳng cần nhiếp niệm chẳng cần thiền.

Giảng:

Trong nhà ngồi thẳng lặng không lời
Nhàn ngắm Côn Luân mảnh khói trôi.

Một hôm ở trong nhà, Thượng Sĩ ngồi thẳng lưng yên lặng nhìn ngọn núi Côn Luân. Núi này nối dài từ ngọn Côn Luân ở Trung Quốc, chạy qua Cao Bằng đến tỉnh Thái Nguyên ở Việt Nam mới dứt. Núi Côn Luân có lẽ là nơi quê hương của Thượng Sĩ, quê Ngài ở gần vùng Thái Nguyên Cao Bằng, Ngài ngồi thấy trên ngọn núi Côn Luân có vài mảnh khói bay. Ngắm mãi một hồi thì:

Đến khi nghe nhọc tâm liền bặt
Chẳng cần nhiếp niệm chẳng cần thiền.

Thượng Sĩ ngồi trong nhà ngắm núi Côn Luân bỗng dưng tâm lặng lẽ không còn niệm khởi. Ngài ngồi chơi không dụng công tu, thế mà tâm không khởi niệm, nên nói không cần nhiếp niệm chẳng cần thiền. Chúng ta ngồi thiền trong tư thế kiết-già, niệm dấy khởi, chúng ta buông, không theo, gọi là nhiếp niệm. Cũng có lúc chúng ta ngồi nhìn trời nhìn mây, mà tâm dứt bặt không khởi một niệm, dứt hết niệm ngồi thản nhiên tự tại, nên không nói là ngồi thiền, Thượng Sĩ nói chẳng phiền dứt niệm chẳng cần thiền mà tâm vẫn im bặt.

Dịch:

CỘI TÙNG ĐÁY KHE

Rất thích tùng xanh trồng mấy niên
Chớ than thế đất khiến tùng nghiêng.
Cột rường chưa dụng người đừng lạ
Cỏ nội hoa ngàn mắt hiện tiền.

Giảng:

Rất thích tùng xanh trồng mấy niên.

Thượng Sĩ vừa nói cây tùng mà cũng vừa ám chỉ Ngài. Thượng Sĩ rất thích tùng và trồng mấy năm rồi mới được một cây.

Chớ than thế đất khiến tùng nghiêng.

Đừng buồn trách vì thế đất nghiêng cho nên trồng tùng cũng nghiêng. Cây tùng là hiện thân của Thượng Sĩ, thế đất chỉ cho hoàn cảnh xã hội Thượng Sĩ đang sống.

Cột rường chưa dụng người đừng lạ.

Thường thường cây tùng cây thông khi già, người ta cưa làm gỗ hoặc làm rường làm cột. Nhưng cây tùng này chưa cưa để làm cột làm kèo thì đừng thấy nó là vô ích. Vì sao? Vì:

Cỏ nội hoa ngàn mắt hiện tiền.

Tuy cây tùng chưa dùng được nhưng cỏ nội hoa ngàn đầy dẫy ở trước mắt. Thượng Sĩ nói rằng, ở trong hoàn cảnh Ngài chưa thi thố được tài năng để giúp đời, nhưng đối với Ngài, trước mắt đều là cảnh chân thật hiện tiền.

Dịch:

XUẤT TRẦN

Đã từng vật dục khiến lao đao
Buông hết trần ai thoát khỏi nào.
Bên ấy thõng tay siêu Phật, Tổ
Một lần phủi giũ trắng phau phau.

Giảng:

Người đời thường nói thế gian là cõi hồng trần. Xuất trần là ra khỏi thế gian. Muốn ra khỏi phải làm sao? Mở đầu Thượng Sĩ nói:

Đã từng vật dục khiến lao đao
Buông hết trần ai thoát khỏi nào.

Đã từng theo đuổi những vật dục ở thế gian, nên khiến cho thân này phải nhọc nhằn lận đận, tâm này phải bối rối khổ sở. Muốn hết khổ Thượng Sĩ nói phải buông hết những vật dục để thoát ra khỏi cõi trần.

Bên ấy thõng tay siêu Phật, Tổ
Một lần phủi giũ trắng phau phau.

Buông bỏ hết vật dục thế gian, nhảy một nhảy là đến bờ giác ngộ, một lần phủi là sạch thì trắng tinh. Tóm lại, Thượng Sĩ dạy chúng ta sống ở thế gian vì theo đuổi vật dục, nên phải lao thân khổ tâm. Bây giờ muốn hết khổ thì phải buông để thoát ra. Khi buông hết rồi thì nhảy một nhảy lên bờ Phật Tổ, tức là bờ giác. Bao nhiêu năm nhiễm nhơ phiền não chỉ cần một lần phủi giũ là hết sạch. Quí vị phủi một lần sạch chưa? Hay sạch rồi một lát lại dơ, phải tốn công phủi nữa, phủi nhiều lần? Ý bài này Thượng Sĩ nói đến sức mạnh của những người quyết tâm “chém một đao không ngó lại”; khi đã quyết tâm thì phải làm cho kỳ được. Khi buông là buông sạch, chớ không phải tay buông tay nắm như chúng ta, nên nói một bước nhảy thẳng vào đất Phật Tổ là vậy.

Dịch:

ĐẠO LỚN KHÔNG KHÓ

Đạo lớn không khó đừng bảo khó
Quay đầu chuyển não càng mịt mờ.
Đem tâm lại nhắm cầu tâm ấy,
Giống như cá ngát nhảy ngọn tre.

Giảng:

“Đạo lớn không khó” là lấy ý của câu “chí đạo vô nan” trong bài Tín Tâm Minh của Tam tổ Tăng Xán.

Đạo lớn không khó đừng bảo khó
Quay đầu chuyển não càng mịt mờ.

Nghĩa là đạo lớn không khó, vì lúc nào cũng hiện tiền trước mắt, nếu chúng ta quay đầu tìm kiếm thì càng tìm càng mờ mịt. Nói nghe thì đơn giản, nhưng ứng dụng tu thì rất là khó khăn. Bởi vì ai nghe nói mình có Tánh giác cũng muốn tìm kiếm cho được. Nhưng càng tìm càng xa và càng muốn thấy thì không thấy, như vậy có khó không? Như chúng ta có con mắt sáng, muốn thấy được con mắt sáng của mình. Thấy được không? Muốn biết mình có con mắt sáng thì đơn giản quá, khi nhìn thấy người này vật kia là biết mình có con mắt sáng. Như người mù không thấy gì cả nên mắt họ tối, còn chúng ta thấy được cảnh vật nên biết mình có mắt sáng, hết sức đơn giản không khó khăn chút nào hết. Nếu không biết như vậy thì càng tìm càng xa và phăng tìm suốt kiếp cũng không ra. Đó là cái lý đặc biệt, nên nói quay đầu chuyển não càng mịt mờ.

Đem tâm lại nhắm cầu tâm ấy,
Giống như cá ngát nhảy ngọn tre.

Đem tâm tìm tâm làm sao tìm? Việc làm này giống như cá ngát muốn nhảy lên đầu ngọn tre, không bao giờ nhảy nổi. Ý này Thượng Sĩ nhắc chúng ta, tu phải khéo nhận ra thì thấy, nếu không nhận ra thì càng tìm càng nhọc chớ không có ích gì cả.

Dịch:

TÂM VƯƠNG

Tâm vương không tướng cũng không hình
Mắt tợ ly châu vẫn chẳng minh.
Muốn biết loại này chân diện mục
Ha! ha! giữa ngọ là canh ba.

Giảng:

Tâm vương là Tâm vua, Tâm vương này khác với Tâm vương của Duy thức học. Duy thức học chia tâm làm hai thứ là Tâm vương và Tâm sở. Tâm vương có tám thứ, Tâm sở có năm mươi mốt thứ (muốn hiểu rõ hơn xin xem lại Duy thức học). Tâm vương như chủ, Tâm sở như những thuộc hạ. Ví dụ như con mắt thấy sắc khởi niệm ưa thích gọi là Tham tâm sở, tai nghe tiếng trái ý sanh tâm giận ghét gọi là Hận tâm sở v.v... tùy trường hợp mà có tên riêng. Nhưng Tâm vương này khác với Tâm vương của Duy thức học.

Tâm vương không tướng cũng không hình
Mắt tợ ly châu vẫn chẳng minh.

Tâm vương này là Tâm chúa không tướng không hình. Lục Tổ gọi là “Bản lai vô nhất vật” (xưa nay không một vật) cho nên nói không tướng không hình. Dù cho người có mắt sáng như hạt châu của con rồng vẫn không thể thấy được tâm này. Nhưng:

Muốn biết loại này chân diện mục
Ha! ha! giữa ngọ là canh ba.

Muốn biết mặt thật của Tâm vương thì cười ha! ha! đúng lúc trưa là canh ba. Thật là lạ lùng! Lâu nay chúng ta quen nhìn sự vật trên hình tướng, nên cứ đuổi theo những cảnh sắc bên ngoài không bao giờ dừng. Tâm vương Thượng Sĩ nói đây không có hình tướng mắt không thể thấy, tay không thể sờ mó được. Là Thể chân thật hằng hữu mà không tướng mạo, nên muốn nhận ra thì phải quay ngược trở lại không kẹt nơi hình tướng. Song, muốn xoay trở lại thì đang giữa ngọ là mười hai giờ trưa mà thấy là mười hai giờ đêm, nghĩa là ngay nơi cái sáng mà thấy được cái tối, ngay nơi cái có mà đạt được lý không. Ý Thượng Sĩ nói rằng: chúng ta muốn nhận ra Tâm chân thật thì phải có khả năng nhìn ngược lại, nên nói đang trưa mà thấy là canh ba. Bây giờ chúng ta thấy ngược hay thấy xuôi? Thường thấy xuôi nên không nhận ra Thể chân thật.

Mục Lục