Thiền Tông Việt Nam
Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải (1996)
Đối Cơ 3 (Trả Lời Người Hỏi)

Dịch:

Có vị hỏi:

- Kính bạch Thượng Sĩ, “xanh xanh trúc biếc thảy là Pháp thân”, phải chăng?

Thầy đáp:

Hôm qua Sa-di ăn măng bờ suối
Nào khác ngày nay Pháp thân của ông.

Lại hỏi:

- “Hoa vàng rợp rợp đều là Bát-nhã”, ý thế nào?

Thầy đáp:

Hoa đào đâu phải cội bồ-đề
Sao lại Linh Vân được nhập đạo?

Giảng:

Người hỏi dẫn câu “xanh xanh trúc biếc thảy là Pháp thân” của Thiền sư ngày xưa ra hỏi, Thượng Sĩ đáp:

Hôm qua Sa-di ăn măng bờ suối
Nào khác ngày nay Pháp thân của ông.

Nếu trúc xanh là Pháp thân thì người ta xắn măng luộc ăn cũng là ăn Pháp thân sao? Quí vị hiểu thế nào? Người hỏi dẫn thêm câu nữa: “Hoa vàng rợp rợp đều là Bát-nhã”, ý thế nào? Thượng Sĩ đáp:

Hoa đào đâu phải cội bồ-đề
Sao lại Linh Vân được nhập đạo?

Xưa có một Thiền sư nói: “Thanh thanh thúy trúc tổng thị Pháp thân, uất uất hoàng hoa vô phi Bát-nhã.” Nghĩa là trúc biếc xanh xanh là Pháp thân, hoa vàng rợp rợp là Bát-nhã. Thiền sư nói trúc biếc hoa vàng là Pháp thân là Bát-nhã. Ý nói Pháp thân, Bát-nhã đầy khắp trên tất cả mọi sự vật. Người tu khi ngộ đạo rồi, nhìn vật nào cũng thấy là Pháp thân, cũng thấy là Bát-nhã. Nhưng tại sao người hỏi đem câu đó ra hỏi, Thượng Sĩ nói: Nếu nói trúc biếc là Pháp thân thì ông Sa-di ăn măng là ăn Pháp thân sao? Và nói hoa vàng rợp rợp là Bát-nhã thì Thượng Sĩ nói hoa đào không phải là bồ-đề, tại sao Linh Vân thấy hoa đào lại ngộ đạo? Thượng Sĩ nêu lên hai ý này để cho chúng ta đừng lầm, nghe người xưa nói trúc biếc hoa vàng là Pháp thân là Bát-nhã, rồi chấp trúc biếc là Pháp thân, hoa vàng là Bát-nhã. Nếu trúc biếc là Pháp thân, hoa vàng là Bát-nhã thì Pháp thân và Bát-nhã là pháp hữu vi có hình tướng sao? Hiểu như thế là kẹt trong hình thức. Thế nên Thượng Sĩ dẫn câu chuyện của ngài Linh Vân. Ngài Linh Vân ở nơi Qui Sơn học đạo, một hôm đi ra đường bỗng thấy hoa đào nở rộ, ngay đó Ngài ngộ đạo, làm kệ:

Tam thập niên lai tầm kiếm khách
Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi
Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu
Trực đáo như kim cánh bất nghi.

Dịch:

Ba mươi năm qua tìm kiếm khách
Bao lần lá rụng lại đâm chồi
Từ khi thấy được hoa đào nở
Mãi đến bây giờ lại chẳng nghi.

Ngài Linh Vân nói ba mươi năm trở lại đây tìm trang kiếm khách, từ ngày thấy hoa đào nở, Ngài bừng ngộ không còn nghi ngờ nữa. Ngài nói lên bài kệ ngộ đạo này. Hoa đào có phải là cái cớ làm cho Ngài ngộ đạo không? Giả sử không thấy hoa đào mà thấy hoa khác Ngài ngộ thì nói sao? - Ngộ đạo không phải tại hoa, mà do thời tiết nhân duyên chín muồi, nội tâm thanh tịnh thuần thục rồi, bất chợt một hình ảnh hay âm thanh nào đó kích thích vào mắt vào tai, chúng ta liền bừng ngộ. Ở ngài Linh Vân thì kích thích nơi mắt là hoa đào, còn ở ngài Hương Nghiêm thì tiếng vang của gạch chọi vào cây trúc kích thích vào tai Ngài ngộ. Hoa đào không phải là Bồ-đề, tiếng vang của cục gạch chạm vào cây trúc cũng không phải Bồ-đề, nhưng mà ngộ là ngộ Bồ-đề. Như vậy, ngộ là ở nơi người chớ không phải từ nơi cảnh, nhưng khi tâm người tu đã thuần thục đã chín muồi rồi, bất chợt gặp một duyên nào bên ngoài, ngay đó liền ngộ. Không phải riêng ở nơi hoa hay nơi tiếng nhất định, mà bất cứ cái gì xảy ra ngay lúc tâm thuần thục chín muồi đều ngộ được. Nên biết, chư Tổ thấy trúc biếc nói là Pháp thân, thấy hoa vàng nói là Bát-nhã, là vì sau khi ngộ đạo, các ngài nhìn ở đâu, cảnh nào cũng là Pháp thân hiện, cảnh nào cũng là đạo. Tôi thường nói lúc chúng ta mê thì thấy cảnh nào cũng phàm tục cả và khi chúng ta đã ngộ thì thấy cảnh nào cũng là cảnh giải thoát Niết-bàn. Vậy, cảnh không phải là Niết-bàn giải thoát mà do người ngộ mới thấy cảnh là Niết-bàn giải thoát. Người ngộ đạo mới thấy cảnh là Niết-bàn giải thoát, người còn mê chưa ngộ, chớ chấp cảnh là Niết-bàn giải thoát, chấp là sai lầm.

Trong bài hồi hướng có câu “Tình dữ vô tình tề thành Phật đạo”, Tăng Ni và Phật tử thường đem câu này hỏi tôi: Tình là chúng hữu tình như người, trời, súc vật, còn vô tình là loài vô tri như cây đá. Nguyện cho loài hữu tình thành Phật thì có lý, còn loài vô tình làm sao thành Phật? Như Tăng Ni Phật tử là loài hữu tình tu thì có ngày thành Phật, chớ cục đá cục sỏi làm sao tu để thành Phật, mà nguyện “tình dữ vô tình, tề thành Phật đạo”? Vấn đề này nếu nghiên cứu trên lý thuyết thì thấy rắc rối, còn nếu đã có thực hành thì chẳng có gì rắc rối. Ví dụ người bị mờ mắt nhìn thấy cái gì cũng mờ mờ, người sáng mắt nhìn thấy cái gì cũng sáng rõ ràng. Cũng vậy, khi chúng ta mê thì nhìn mọi vật chung quanh đều mê. Khi chúng ta ngộ thấy người vật đều ngộ, tức là loài hữu tình và vô tình đều ở trong cái thấy giác ngộ của chúng ta. Hoặc nói chúng ta giác ngộ thấy tất cả đều là Phật đạo; thấy người thấy súc vật (hữu tình), thấy cây cỏ, thấy đá sỏi (vô tình), thấy tất cả đều là Phật đạo, nên nói hữu tình vô tình tề thành Phật đạo, chớ không phải chúng ta tu thành Phật rồi cây cỏ đá sỏi cũng thành Phật theo. Do mê nên thấy tất cả đều mê, do giác nên thấy tất cả đều giác, gọi là tề thành Phật đạo. Hiểu như thế mới thông suốt, bằng không thì thấy kẹt thấy rắc rối.

Dịch:

Lại hỏi:

- Có ba Thiền sư đi hành cước, trên đường gặp một con cọp, mỗi vị tránh một bên đi qua, khi ấy là thế nào?

Thầy đáp:

Gió thổi ngại gì đám hoa rậm,
Trăng rơi nào quản đáy khe sâu.

Lại hỏi:

- Qui Tông nói “giống như con mèo”, ý chỉ thế nào?

Thầy đáp:

- Miệng nói chẳng phải mình gặp.

Lại hỏi:

- Trí Kiên nói “giống như con chó”, ý chỉ thế nào?

Thầy đáp:

- Lão này dùng được thời cơ, gom hết quét sạch, nhưng lại đáng tiếc!

Lại hỏi:

- Thầy thì thế nào?

Thầy đáp:

- Con chó.

Lại hỏi:

- Nam Tuyền nói “đây là con cọp”, ý chỉ thế nào?

Thầy đáp:

- Gót chân không chấm đất.

Giảng:

Có một vị Tăng đem câu chuyện của ngài Qui Tông, Trí Kiên, Nam Tuyền đi hành cước gặp cọp, mỗi người tránh mỗi bên đi qua, hỏi Thượng Sĩ khi ấy là thế nào? Thượng Sĩ đáp:

Gió thổi ngại gì đám hoa rậm,
Trăng rơi nào quản đáy khe sâu.

Ba vị thiện tri thức Qui Tông, Trí Kiên, Nam Tuyền ở chỗ Mã Tổ đã thông đạo lý rồi, tâm thanh tịnh, các Ngài đối duyên xúc cảnh tâm không khởi niệm phân biệt suy lường hay lo sợ, việc đến hay đi các Ngài vẫn bình thản an nhiên. Cũng giống như gió thổi dù cho đám hoa rậm hay đám cỏ gai, gió vẫn cứ thổi không ngại, hay như trăng hiện bóng trong nước, chỗ nào có nước là trăng hiện bóng, trăng không nghĩ đáy khe này sâu, ngộp, không hiện, suối kia cạn thoải mái mới hiện. Trăng cứ hiện bóng trong nước mà không suy lường cân nhắc nên hiện chỗ này không hiện chỗ kia. Hai câu thơ của Thượng Sĩ ý nói ngài Qui Tông, Trí Kiên, Nam Tuyền tránh cọp để mà đi một cách tự nhiên, chớ không dấy niệm phân biệt gì cả, giống như gió thổi, như trăng hiện bóng vậy.

Qui Tông nói: “Giống như con mèo.”

Con mèo sánh với con cọp thì quá nhỏ, thế mà ngài Qui Tông nói con cọp giống như con mèo, nên vị Thiền tăng này thắc mắc hỏi ý chỉ thế nào, Thượng Sĩ đáp:

- Miệng nói không phải mình gặp.

Tuy miệng ngài Qui Tông nói cọp lớn như mèo, nhưng không phải thật tâm nghĩ như vậy. Đó chỉ là một lối nói, nên đáp “miệng nói không phải mình gặp”. Lời nói của ngài Qui Tông là lời nói bên ngoài chơi, không phải thật tâm của Ngài nghĩ như thế.

Trí Kiên nói: “Giống như con chó.”

Con chó sánh với con cọp đâu có giống nhau, thế mà ngài Trí Kiên nói cọp giống như chó, vị Thiền tăng thắc mắc nên hỏi ý chỉ thế nào, Thượng Sĩ đáp:

- Lão này dùng được thời cơ, gom hết quét sạch, nhưng lại đáng tiếc!

Qui Tông nói cọp giống như con mèo, Trí Kiên nói phá cọp giống như con chó. Thượng Sĩ nói ngài Trí Kiên khéo dùng được thời cơ, gom hết quét sạch, nhưng tiếc một chút là còn nói chó, là còn kẹt chút ít. Vị Thiền tăng hỏi “theo Thượng Sĩ thì thế nào” Ngài đáp:

- Con chó.

Đây là lối nói để cho người hỏi không còn chấp nữa.

Nam Tuyền nói: “Đây là con cọp.”

Trước ngài Qui Tông nói cọp giống như mèo, kế đó ngài Trí Kiên nói cọp giống chó, bây giờ ngài Nam Tuyền nói đây là con cọp. Vị Thiền tăng ấy thắc mắc ngài Nam Tuyền nói như thế ý chỉ thế nào, Thượng Sĩ đáp:

- Gót chân không chấm đất.

Ngài khen Nam Tuyền hay chê? Nói như vậy mới là Thiền sư, cây gậy nói là cây gậy, con cọp nói là con cọp, không nói như con mèo, như con chó. Còn nói chó nói mèo là còn so sánh. Đối với Thiền sư thì không khởi niệm so sánh mà cũng không quán, cái gì nói cái ấy, con cọp nói con cọp. Đó là gót chân không chấm đất.

Tại sao người thế tục thấy cái gì nói cái ấy thì chê, Thiền sư thấy cái gì nói cái ấy lại khen? - Tôi nói cho quí vị hiểu cái nhìn của Thiền sư và cái nhìn của người thế tục. Người thế tục thì nhìn với cái nhìn so sánh, chẳng hạn nhìn thấy người này đẹp là do nhớ lại người kia có những nét xấu hơn người này, hoặc nhìn thấy hoa này đẹp là do đã thấy hoa kia xấu nên mới nói cái hoa này đẹp. Lúc nào chúng ta nhìn cũng đem cái khuôn cũ đã thấy ra so sánh đối chiếu rồi khen đẹp chê xấu v.v... Vậy nói đẹp xấu là đã mang cái quá khứ lại, để so sánh với cái hiện tại mới có khen chê. Các Thiền sư thấy thì cứ thấy, thấy cái hoa là cái hoa không khởi thêm một niệm nào thì đâu có khen đẹp chê xấu. Vì vậy mà Thiền sư Nam Tuyền thấy con cọp nói là con cọp. Thượng Sĩ khen: “Gót chân không chấm đất.” Gót chân chấm đất thì dính đất, gót chân không chấm đất thì không có dính gì cả. Ý khen Nam Tuyền không còn phân biệt chấp trước.

Dịch:

Có vị hỏi:

- Ngài Hương Nghiêm thông ba tạng kinh, vì sao việc ấy chẳng hiện tiền?

Thầy đáp:

- Trường Phòng cầm gậy tre.

Lại hỏi:

- “Chọi trúc quên sở tri”, ý nghĩa thế nào?

Thầy đáp:

- Lão chài mất cây ghim đan lưới.

Lại hỏi:

- Thế nào là Pháp thân?

Thầy đáp:

Bên ao thấy hai kẻ
Dưới trăng vui ba người.

Lại hỏi:

- Pháp thân cùng Sắc thân là đồng hay khác?

Thầy đáp:

Gươm mang hiệu Long Tuyền
Ngọc xưng tên Hổ Phách.

Giảng:

Có vị thắc mắc ngài Hương Nghiêm thông suốt ba tạng giáo điển, hỏi đâu nói đó, hỏi một đáp mười, vậy tại sao Thể chân thật không hiện tiền? Thượng Sĩ đáp:

- Trường Phòng cầm gậy tre.

Chúng ta thấy như Ngài trả lời lạc đề, không dính dáng gì tới câu hỏi. Phí Trường Phòng người đời Hậu Hán được thuật thần tiên, có cây gậy tre, người đời gọi là cây gậy thâu đường dài trở thành ngắn. Thế nên ông tha hồ đi, dù đường dài muôn dặm, ông chỉ đi chừng ít phút. Ý Thượng Sĩ nói dù cho thông suốt ba tạng giáo điển, mà cái chân thật chưa hiện tiền thì chẳng khác nào Phí Trường Phòng có phép lạ thâu đường. Song phép lạ đó là nhờ cây gậy tre, nếu bỏ gậy tre mà thâu được đường dài thành ngắn mới hay, còn cầm gậy tre là còn có chỗ tựa nương. Cũng thế, ngài Hương Nghiêm tuy thông suốt tam tạng giáo điển, nhưng vẫn còn nương tựa nơi giáo điển nên Thể chân thật chưa hiện tiền.

- “Chọi trúc quên sở tri” ý nghĩa thế nào?

Ngài Hương Nghiêm ở chỗ Tổ Qui Sơn, một hôm Tổ hỏi:

- Ta nghe ngươi ở chỗ Tiên sư Bá Trượng hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm, đó là ngươi thông minh lanh lợi, ý hiểu thức tưởng là cội gốc sanh tử. Giờ đây thử nói một câu khi cha mẹ chưa sanh xem?

Ngài bị một câu hỏi này mờ mịt không đáp được. Trở về liêu, soạn hết sách vở đã học tìm một câu đáp trọn không thể có. Ngài than “bánh vẽ chẳng no bụng đói”, đến cầu xin Tổ nói phá. Tổ Qui Sơn bảo:

- Nếu ta nói cho ngươi, về sau ngươi sẽ chửi ta; ta nói là việc của ta đâu can hệ gì đến ngươi.

Ngài bèn đem những sách vở đã thu thập được đồng thời đốt hết. Ngài nói:

- Đời này chẳng học Phật pháp nữa chỉ làm Tăng thường làm việc cơm cháo, khỏi nhọc tâm thần.

Ngài khóc, từ giã Tổ Qui Sơn ra đi thẳng đến Nam Dương, chỗ di tích Quốc sư Huệ Trung, Ngài trụ tại đây. Một hôm nhân cuốc cỏ trên núi, lượm hòn gạch ném trúng cây tre vang tiếng, Ngài chợt tỉnh ngộ phá lên cười, nên nói “chọi trúc quên sở tri”. Tiếng “cốc” của hòn gạch chạm vào bụi tre dội lại, khiến Ngài quên sở tri. Đoạn sau sẽ giải rõ ý nghĩa câu này.

Thượng Sĩ đáp:

Lão chài mất cây ghim đan lưới.

Cây ghim đan lưới đối với lão chài là một vật quí, phải hết sức gìn giữ bảo tồn, thế mà lão đã để mất nó. Thượng Sĩ nêu sự việc này ý muốn nói gì? Nếu chúng ta tu tới chỗ cứu kính, mà ngơ ngơ không biết gì cả thì có đúng tinh thần Thiền không? Nếu lấy “cái quên sở tri” làm chỗ cứu kính thì như lão chài đã đánh mất cây ghim đan lưới vậy! Theo ngài Hương Nghiêm thì khi ngộ đạo rồi, tất cả những hiểu biết thông thường không còn nữa, nên nói quên sở tri. Nhưng nếu nói quên sở tri, e người đời hiểu lầm rằng “tất cả người ngộ đạo tới chỗ cứu kính không còn biết gì nữa” là sai lầm lớn, nên Thượng Sĩ nói “lão chài mất cây ghim đan lưới”. Vì “Biết” đối với con người là của báu quí như vàng, nếu tu mà không còn “Biết” nữa thì vấp phải cái lỗi rất lớn. Tôi dẫn nguyên bài kệ cho quí vị rõ.

Nhất kích vong sở tri
Cánh bất giả tu trì.
Động dung dương cổ lộ
Bất đọa thiểu nhiên ki.
Xứ xứ vô tung tích
Thanh sắc ngoại oai nghi.
Chư nhân đạt đạo giả
Hàm ngôn thượng thượng ki.

“Nhất kích vong sở tri.” Ngài Hương Nghiêm nói, Ngài nghe tiếng vang của hòn gạch chạm vào cây tre, ngay đó Ngài bặt dứt mọi vọng niệm nghĩ suy.

“Cánh bất giả tu trì.” Không nhờ tu hành mà tự nó tan hết, không phải cố gắng tu mới dẹp được nó.

“Động dung dương cổ lộ, bất đọa thiểu nhiên ki.” Dung là gương mặt, động dung là nhướng mày chớp mắt hay thay mặt đổi mày, tức là hiện tượng vui buồn thoát ra trên gương mặt, nghĩa là vẻ mặt đang buồn nghe người nói một câu vừa ý, liền đổi gương mặt buồn thành vui, hoặc vẻ mặt đang vui nghe người nói một câu bất như ý, liền đổi vẻ mặt vui thành buồn, đó là động dung. “Dương cổ lộ” là tỏ rõ đường xưa. Cái đổi thay của gương mặt làm tỏ rõ đường xưa; “đường xưa” chỉ cho Thể chân thật có sẵn nơi mỗi người. Nó hiển lộ nơi nhướng mày chớp mắt; nó không ở nơi bộ não trên đầu, không ở nơi quả tim trong lồng ngực, mà tất cả mọi động dụng của con người đều có mặt “đường xưa”. Thế nên có người được quạt mát liền ngộ, quạt mát là xúc chạm, đó là do xúc chạm ngộ; có người do nghe ngộ, có người do thấy ngộ, có người do ngửi ngộ, có người do nếm ngộ. Mỗi căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều có “đường xưa” hiện, nhưng vì chúng ta mê lầm nên chạy theo cái vui buồn ưa thích mà quên, nên không biết “đường xưa” lúc nào cũng hiện nơi sáu căn. “Bất đọa thiểu nhiên ki.” Nên biết mỗi động dụng nhướng mày chớp mắt đều hiện bày “đường xưa”, không rơi vào lối nhỏ.

“Xứ xứ vô tung tích.” “Đường xưa” ở mỗi nơi mỗi nơi không có tung tích.

“Thanh sắc ngoại oai nghi.” Oai nghi của “đường xưa” ở ngoài thanh sắc. Tại sao nói chỗ nào, cũng bày ra “đường xưa”, mà lại nói chỗ nào cũng không có tung tích của nó? - Vì “đường xưa” không thuộc về pháp hữu vi có hình tướng, nên tìm tung tích không được. Tuy “đường xưa” có hiện ra, mà hiện ra ngoài thanh sắc, chớ không hiện trong thanh sắc.

“Chư nhân đạt đạo giả, hàm ngôn thượng thượng ki (cơ).” Những người đạt đạo đều gọi là bậc thượng thượng cơ (ki). Ngài Hương Nghiêm nhận ra Thể chân thật (đường xưa) hiện đủ nơi sáu căn, không thiếu.

Trường hợp ngài Lâm Tế bị Tổ Hoàng Bá đánh, rồi tới ngài Đại Ngu, nghe ngài Đại Ngu nói “bà già Hoàng Bá đã vì ngươi chỉ chỗ tột khổ, lại đến trong ấy hỏi có lỗi không lỗi”, ngay đó Ngài ngộ đạo. Ngài Lâm Tế nhận ra “đường xưa” từ nơi ý biết lỗi và không lỗi; ngài Linh Vân thấy hoa đào nở ngộ đạo, ngài Linh Vân nhận ra “đường xưa” từ nơi mắt thấy; ngài Hương Nghiêm nghe tiếng cục gạch chạm vào cây tre ngộ đạo, ngài Hương Nghiêm nhận ra “đường xưa” từ nơi tai nghe tiếng. Đó là chỗ ngộ đạo của người xưa từ nơi mỗi giác quan khác nhau; giác quan nào “đường xưa” cũng hiện sẵn, tùy theo duyên tu mà mỗi vị nhận ra đường xưa ở mỗi giác quan khác nhau.

Câu “chọi trúc quên sở tri” mà vị Tăng dẫn ra để hỏi Thượng Sĩ chỉ là câu đầu trong tám câu kệ ngộ đạo của ngài Hương Nghiêm. Nếu lấy đó làm chỗ cứu kính thì bị Thượng Sĩ quở “mất cây ghim đan lưới”. Hiểu cho rõ mới hiểu được ý nghĩa Thượng Sĩ dạy.

Tăng hỏi:

- Thế nào là Pháp thân?

Thượng Sĩ đáp:

Bên ao thấy hai kẻ
Dưới trăng vui ba người.

Trên hồ nước trong, nếu chúng ta đi trên bờ hồ thì thấy bóng mình hiện dưới nước, mình đi đâu bóng đi theo đó, giống như có hai người cùng đi. Và, trong đêm trăng sáng, chúng ta đứng trên sân thì thấy bóng mình, mình và chú cuội trên mặt trăng, gồm ba người. Hỏi “thế nào là Pháp thân”, Thượng Sĩ dùng hai câu thơ “bên ao thấy hai kẻ, dưới trăng vui ba người”. Vì khi nói tới Pháp thân thì người ta nghĩ tới Báo thân; Pháp thân và Báo thân là hai thân. Hoặc nói tới Pháp thân, người ta nhớ tới Hóa thân, Báo thân; Hóa thân, Báo thân, Pháp thân là ba thân. Đó là mượn hình ảnh bên ao, dưới trăng để nói Pháp thân có Báo thân và Hóa thân. Hỏi một, Thượng Sĩ đáp ba.

Tăng hỏi:

- Pháp thân cùng Sắc thân là đồng hay khác?

Thượng Sĩ đáp:

Gươm mang hiệu Long Tuyền
Ngọc xưng tên Hổ Phách.

Pháp thân cùng Sắc thân nếu đồng thì là một, nếu khác thì là hai. Thượng Sĩ nói cây gươm được khắc hiệu Long Tuyền. Cây gươm và hiệu Long Tuyền là một hay là hai? Cây gươm không rời hiệu Long Tuyền và hiệu Long Tuyền không ngoài cây gươm. Và, hòn ngọc tên Hổ Phách; hòn ngọc và Hổ Phách là một hay là khác? - Không phải một cũng không phải khác, vì hòn ngọc không rời tên Hổ Phách và tên Hổ Phách không ngoài hòn ngọc. Cây gươm hòn ngọc và hiệu Long Tuyền tên Hổ Phách gắn liền nhau, nhưng cây gươm và hòn ngọc thì thật, còn hiệu Long Tuyền và tên Hổ Phách là giả danh. Giả sử bây giờ đem thanh gươm và hòn ngọc bán cho người khác, người ta không gọi thanh gươm là Long Tuyền, mà khắc trên thanh gươm một cái hiệu khác và cũng không gọi hòn ngọc là Hổ Phách, mà gọi bằng một cái tên khác có được không? - Vẫn được. Cũng vậy, Pháp thân là thật thể, Sắc thân là giả tướng; Pháp thân cùng với Sắc thân không phải đồng cũng không phải khác, hay không phải một cũng không phải hai. Thế mà người đời cứ thấy hai bên hoặc là đồng hoặc là khác. Vì vậy khi hỏi về Pháp thân, Thượng Sĩ trả lời “gươm mang hiệu Long Tuyền, ngọc xưng tên Hổ Phách”, rất khéo, không kẹt không dính.

Mục Lục