Thiền Tông Việt Nam
Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải (1997)
Lời Đầu Sách

 

Phật giáo đời Trần mang đậm nét siêu thoát và quần chúng của Phật giáo Nguyên thủy ở Ấn Độ. Xưa kia tại Ấn Độ, một ông Hoàng thái tử chứng kiến nỗi khổ đau muôn thuở của con người, Ngài quyết chí đi tu để tìm phương giải phóng con người ra khỏi vòng trầm luân khổ ải. Ngài đã thực hiện được chí nguyện, sau khi chứng đạo thành Phật dưới cội bồ-đề, và tiếp tục đi rao giảng phương pháp giải thoát hơn bốn mươi năm. Sau trên mười chín thế kỷ, ở Việt Nam đời Trần, vua Trần Nhân Tông cũng thấm thiết nỗi đau khổ của con người, Ngài từ bỏ ngai vàng vào núi Yên Tử tu hành được ngộ đạo thành Tổ, và ngót hai mươi năm đi truyền bá khắp nơi, lập thành hệ phái Trúc Lâm Yên Tử. Tiếp theo sau, một vị Trạng nguyên cũng cùng một tâm tư ấy, từ quan đi tu đuợc ngộ đạo thành Tổ thứ ba của phái Trúc Lâm Yên Tử. Đức Phật và chư Tổ Trúc Lâm Yên Tử cùng một nguyện vọng một tâm tư vì giải thoát sanh tử cho chính mình và độ chúng sanh thoát khỏi trầm luân muôn kiếp nên đi tu. Đây là giá trị chân thật cũng là danh dự lớn lao của Phật giáo Việt Nam, khiến chúng ta không hổ thẹn với các nước Phật giáo bạn.

Với tinh thần khôi phục lại Phật giáo đời Trần, chúng tôi cho xuất bản quyển Tam Tổ Trúc Lâm để giới thiệu cùng Phật tử Việt Nam có cơ hội nghiên cứu và học tập. Lý đáng chúng tôi phải căn cứ một nguyên bản chữ Hán và cho in đầy đủ ở phần sau, song vì những quyển Tam Tổ Thực Lục, Tam Tổ Hành Trạng… còn nhiều thiếu sót, nên chúng tôi không thể căn cứ vào một bản được, mà cần phải góp nhặt tra cứu những bản liên hệ như: Thánh Đăng Lục, Thiền Tông Bản Hạnh… để bổ túc. Sau này những tập Văn Học Đời Lý, Văn Học Đời Trần của ông Ngô Tất Tố, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang và Thơ Văn Lý Trần của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội giúp tư liệu khá nhiều cho chúng tôi, cọng thêm các bộ Quốc sử càng làm sáng tỏ hơn. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa hài lòng về vị Tổ thứ ba (Huyền Quang), vì quyển Tổ Gia Thực Lục do người trong thân tộc ghi chép đời Ngài, không phải một đệ tử xuất gia thân tín ghi, cho nên những việc tạp thì ghi đủ, còn việc truyền pháp, đắc pháp, vấn đáp, giảng đạo thì ghi quá đơn lược. Vì vậy phần sử của Ngài có nhiều điểm vẫn còn nghi vấn chưa được sáng tỏ.

Quyển Tam Tổ Trúc Lâm ra đời chắc chắn còn nhiều thiếu sót, vì khả năng chúng tôi có hạn không thể hơn nữa được. Chúng tôi chân thành tri ân tất cả những vị đã có công sưu tập phiên dịch in ấn những tập sách liên hệ đến Phật giáo đời Trần, nhờ công khó nhọc của quí vị giúp chúng tôi được dễ dàng nhiều khi biên soạn quyển sách này.

Kính ghi

THÍCH THANH TỪ

Thiền viện Thường Chiếu

Mùa Đông năm 1996


 

Mục Lục
Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải (1997)
Danh sách chương: