Thiền Tông Việt Nam
Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải (1996)
Thi Ca 13

Dịch:

THẢ TRÂU

Chợt hứng non Qui được bạn thân
Đồng hoang cam nhận kẻ mục đồng.
Quốc vương ân đức rộng như bể
Tùy phận đôi phần nước cỏ xuân.

Giảng:

Chợt hứng non Qui được bạn thân
Đồng hoang cam nhận kẻ mục đồng.

Làm bạn thân với non Qui tức là làm bạn thân với Thiền sư Đại An, để chăn trâu ngoài đồng hoang. Ý Thượng Sĩ nói Ngài thích làm bạn với Thiền sư Đại An ở núi Qui để chăn trâu. Vậy, bạn đó là một đại Thiền sư chớ không phải bạn thường. Sử ghi rằng: Một hôm nhân buổi thượng đường Thiền sư Đại An bảo chúng: “Sở dĩ, Đại An này ở tại núi Qui ba mươi năm, ăn cơm núi Qui, đại tiện núi Qui, mà không học Thiền núi Qui, chỉ coi chừng con trâu. Nếu nó lạc đường hay vào trong cỏ, liền lôi nó lại. Nếu nó ăn lúa mạ của người, liền đánh đập điều phục nó. Đáng thương đã lâu chịu người rầy rà, hiện giờ nó đổi thành con trâu trắng đứng trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi.” Thượng Sĩ tự nói mình là bạn thân với ngài Đại An thì chắc rằng hai vị không thua không kém nhau.

Quốc vương ân đức rộng như bể
Tùy phận đôi phần nước cỏ xuân.

Đất nước của Quốc vương lớn rộng như biển, nhưng trâu chỉ hưởng đôi phần đủ để nuôi sống thôi. Ý Thượng Sĩ muốn nói rằng Quốc vương đối với Ngài rất mến mộ và ban ân huệ cho Ngài rất nhiều, nhưng Thượng Sĩ chỉ nhận đôi phần đủ nuôi mạng sống, chớ không tham lam thụ hưởng của cải vật chất nhiều. Thật là đúng với tinh thần của người chăn trâu! Còn chúng ta bây giờ chăn trâu mà nay thả đồng này mai thả đồng nọ, bao nhiêu lúa mạ xanh mướt của người, chúng ta đều muốn lùa trâu thả ăn hết. Như vậy, chúng ta chăn trâu mà tham lam quá! Thế nên tôi chủ trương bắt ở một chỗ sống đạm bạc tức là ăn ít ít, để lo chăn trâu thì rất phù hợp với tinh thần của Thượng Sĩ dạy. Có như thế, chúng ta mới có cơ hội chăn trâu kỹ, và trâu mới thuần. Hiểu rồi chúng ta mới thấy giá trị của việc chăn trâu.

Dịch:

ĐỀ TINH XÁ

Bước đến cổng chùa chửa phút giây
Dọc ngang kệ tụng viết xong ngay.
Năm sang ngọn bút sao sắc lắm
Ba cõi Như Lai chẳng thế này.

Giảng:

Bước đến cổng chùa chửa phút giây
Dọc ngang kệ tụng viết xong ngay.

Đây là ngày Tết, Thượng Sĩ đến Tinh xá Phước Đường, mới tới cổng chưa bao lâu mà Ngài đã viết xong bài thơ khai bút Tết, cho nên nói:

Năm sang ngọn bút sao sắc lắm.

Sang năm mới, ngọn bút sao mà sắc quá, vừa khởi niệm liền viết thành bài thơ. Nhưng:

Ba cõi Như Lai chẳng thế này.

Ngài nói chư Phật không giống như vậy, nghĩa là Phật ba đời không làm thơ làm kệ liên miên như chúng ta, vì chư Phật không thích làm thơ. Bây giờ chúng ta thích làm thơ làm kệ lắm, và cho mình lanh lẹ xuất khẩu thành thơ v.v... Nhưng kỳ thật bị Phật Tổ quở. Có những vị lóe sáng được chút ít, làm thơ làm kệ hết bài này tới bài kia, đâu biết rằng đó là điều không thích hợp với Phật Tổ.

Dịch:

CHỢT HỨNG (2)

Mộng dậy cần nên xét kỹ xem
Gặp thời chạm mắt chớ tối mèm.
Dầu cho ngũ nhãn thông minh đấy
Chưa khỏi gọi chuông là hũ xem.

Giảng:

Chợt hứng là nơi tâm dấy lên niềm hứng khởi nên làm thơ.

Mộng dậy cần nên xét kỹ xem
Gặp thời chạm mắt chớ tối mèm.

Mộng là mê, thức là tỉnh, tỉnh rồi thì phải quán xét để khi gặp duyên đối cảnh không còn tối nữa. Khi gặp duyên cảnh dính mắc đó là mê, khi tỉnh gặp duyên cảnh không dính mắc là không tối.

Dầu cho ngũ nhãn thông minh đấy
Chưa khỏi gọi chuông là hũ xem.

Ngũ nhãn là Nhục nhãn, Thiên nhãn, Tuệ nhãn, Pháp nhãn và Phật nhãn. Dù cho người tu chứng được Ngũ nhãn, mà không nhận ra Thể chân thật của mình thì vẫn còn lầm mê, nên Thượng Sĩ dụ như người gọi cái chuông là cái hũ.

Dịch:

CÂY GẬY

Ngày một trong tay nương gậy rong
Bỗng dưng như cọp cũng như rồng.
Nắm lên lại ngại núi sông nát
Quơ gậy e rằng trời, trăng mờ.
Ba thước Song Lâm chỗ nào có
Sáu khoen Địa Tạng ưa khó tầm.
Dù cho thế đạo gai chông lắm
Chẳng nệ từ xưa lão chập chùng.

Giảng:

Ngày một trong tay nương gậy rong
Bỗng dưng như cọp cũng như rồng.

Mỗi ngày mỗi ngày cầm cây gậy rong chơi, nhưng cây gậy này nó có muôn ngàn diệu dụng không thể nghĩ lường nên nói:

Nắm lên lại ngại núi sông nát
Quơ gậy e rằng trời, trăng mờ.

Đây là diệu dụng của cây gậy, hễ Ngài nắm đưa lên thì núi sông tan nát, nếu quơ một cái e trời đất trăng sao đều mờ. Đó là diệu dụng quá mức của cây gậy.

Ba thước Song Lâm chỗ nào có
Sáu khoen Địa Tạng ưa khó tầm.

Song Lâm có người hiểu lầm là chỗ của Phật nhập Niết-bàn, nhưng Song Lâm đây là chỉ cho chỗ của ngài Phó Đại Sĩ ở Trung Hoa. Ngài Phó Đại Sĩ tự là Huyền Phong hiệu là Thiện Huệ sanh năm 497 tịch năm 569 Dương lịch, quê ở Đông Dương huyện Ô Thương tỉnh Chiết Giang. Ngài tự xưng là Thiện Huệ Đại Sĩ hay là Phó Đại Sĩ hay Song Lâm Đại Sĩ (Song Lâm là chỗ Ngài ở). Năm mười sáu tuổi lập gia đình với bà Lưu Diệu Quang. Sanh được hai người con đặt tên Phổ Kiến và Phổ Thành. Đến năm hai mươi bốn tuổi Ngài đi thả lưới ở sông Chiết Giang, gặp một vị Tăng người Ấn hiệu là Đạt-ma hay Tung Đầu-đà nhắc lại tiền kiếp của Ngài. Vị Tăng bảo: “Ngài cùng tôi lúc xưa tu ở trên cung trời Đâu-suất, bây giờ xuống đây Ngài quên rồi sao?” Nói rồi dẫn Ngài tới một bờ hồ bảo Ngài nhìn xuống dòng nước thì thấy rõ hình ảnh của Ngài là vị Tăng. Khi đó Ngài thức tỉnh xin xuất gia tu hành. Rồi đến huyện Ô Thương ở Tùng Sơn dưới hai cây tùng cất am tu nên để hiệu là Song Lâm am. Sau này thành chùa cũng là Song Lâm. Ngài tu rất đắc lực và có nhiều sự kỳ bí (xem trong Tục Cao Tăng truyện quyển thứ 25, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển thứ 27 - 30, Thánh Tăng Truyện quyển 4 kể lại sự tích đời Ngài). Ngài có làm bài kệ “đêm đêm ôm Phật ngủ…” Sau đây là bài kệ Pháp Thân của Ngài:

Không thủ bả sừ đầu
Bộ hành kỵ thủy ngưu.
Nhân tùng kiều thượng quá
Kiều lưu thủy bất lưu.

Tạm dịch:

Tay không cầm cán cuốc
Đi bộ cỡi lưng trâu.
Người trên cầu đi lại
Cầu trôi nước chẳng trôi.

Đây là lối nói ngược: tay không lại cầm cán cuốc, đi bộ mà cỡi lưng trâu, cầu trôi nước không trôi v.v.. toàn là chuyện nói ngược, nghĩa là ai muốn nhận ra Pháp thân thì phải có cái nhìn ngược lại. Chúng ta quen đuổi theo ngoại cảnh dính mắc các duyên cho nên không nhận được cái chân thật của mình. Bây giờ muốn nhận ra cái chân thật thì phải xoay trở lại, đừng chạy ra ngoài. Đó là ý nghĩa của hai chữ Song Lâm. Hơn nữa, Phó Đại Sĩ đi đâu cũng cầm cây gậy Song Lâm ba thước (một thước bằng bốn tấc tây). Bây giờ muốn thấy cái diệu dụng của Ngài qua cây gậy phải làm sao? “Sáu khoen Địa Tạng ưa khó tầm.” Quí vị thấy tượng Bồ-tát Địa Tạng cầm cây tích trượng, trên đầu tích trượng có gắn sáu khoen tượng trưng cho Lục độ. Ngài Địa Tạng cầm cây gậy sáu khoen chúng ta thích lắm, nhưng cũng khó tầm ra.

Dù cho thế đạo gai chông lắm
Chẳng nệ từ xưa lão chập chùng.

Dù cho đường đời có gai chông, nhưng mà không ngại, vì lão già đi chập chững đã có cây gậy tùy thân, nên vượt qua hết, thật là diệu dụng của cây gậy khôn lường. Thượng Sĩ nói rằng cây gậy là chỗ nương thân của người yếu đuối. Cũng vậy người tu khi nhận ra Thể chân thật, đó mới chính là chỗ của mình nương tựa. Nó có diệu dụng khôn lường nên ở đây Thượng Sĩ dẫn cây gậy của ngài Phó Đại Sĩ và cây tích trượng của Bồ-tát Địa Tạng, ở đời ít ai có, hoặc có mà không nhận ra, nhưng nếu nhận ra thì dù cho đường đời nhiều chông gai, dù cho thân này già yếu cũng vẫn xông pha một cách nhẹ nhàng. Cho nên các Thiền sư nói: “Ông không có cây gậy thì ta cướp cây gậy của ông, còn ông có cây gậy thì ta sẽ cho ông cây gậy.” Các ngài nói nghe ngược đời, không có lấy gì mà cướp, đã có rồi cho làm gì? Mới nghe dường như ngược, nhưng mà đúng vậy, mình nhận mình có cây gậy thì cho mình mới dùng, còn không nhận mình có cây gậy thì bỏ luôn đâu có dùng. Cho nên nói không có thì cướp, mà có thì cho. Cây gậy đó không phải là cây gậy tầm thường, mà là cây gậy để chúng ta nương thân qua bờ bên kia; đó là chỉ Pháp thân của mỗi người vậy.

Dịch:

CHIẾU THÂN

Cháy đầu dập trán mặc kim bào
Năm bảy năm qua kiếp ngựa mao.
Ví thực siêu quần cùng xuất chúng
Một lần buông xuống một lần cao.

Giảng:

Chiếu thân là soi lại thân mình, xét lại để thấy rõ cuộc sống của đời mình như thế nào. Soi lại đời mình Thượng Sĩ thấy:

Cháy đầu dập trán mặc kim bào
Năm bảy năm qua kiếp ngựa mao.

Kim bào là cái áo giáp của mấy ông quan nhà tướng. Theo Thượng Sĩ, mặc áo giáp của mấy ông quan nhà tướng, tức là làm tướng làm quan năm bảy năm, nhớ lại như là kiếp trâu ngựa, đó là nỗi buồn của Ngài. Nỗi buồn này không phải là nỗi buồn của một nhà Nho bị thất sủng, rồi chán đời về ở nơi hoang dã hay chỗ điền viên, làm thơ để chế giễu cuộc đời. Đối với Thượng Sĩ thì khác; bao nhiêu năm làm quan tuy luôn luôn được hưởng ân sủng của nhà Vua, nhưng Ngài nhớ lại thấy chỉ là một kiếp trâu ngựa không có gì quan trọng.

Ví thực siêu quần cùng xuất chúng
Một lần buông xuống một lần cao.

Qua hai câu này chúng ta thấy Thượng Sĩ là người tu theo đạo Phật có quan niệm khác hơn những nhà Nho. Nhà Nho khi mất địa vị mất quyền lợi thì về vườn than thân trách phận đủ thứ, còn ở đây Thượng Sĩ nhìn thấy giá trị của quyền tước danh vọng không đáng kể, nó chỉ là một kiếp tôi đòi. Thấy rõ như vậy nên buông quách nó và nhảy vọt lên một bình diện cao hơn, chớ không phải buông ra rồi than thân trách phận. Đó là điểm đặc biệt của Thượng Sĩ, vì Ngài đã hiểu đạo và sống được với đạo. Quan niệm của Ngài rất hợp với quan niệm của người xuất gia. Ở trong pháp hội này cũng có những người có chút ít địa vị và sự nghiệp trong xã hội, nhưng thức tỉnh nhớ lại những thứ ấy thấy như bọt nước, như hoa đốm không bền chắc rồi buông bỏ hết để đi tu. Tuy nhiên, chúng ta phải học theo Thượng Sĩ một lần buông là một lần nhảy lên cao, chớ đừng nuối tiếc, buông rồi nắm lại, tuột xuống chỗ thấp kém, như vậy không xứng đáng là người xuất gia.

Dịch:

TỰ ĐỀ

Ánh thu có bút khó hình dung
Mắt ngắm núi sông chốn chốn đồng.
Một mạch Tào Khê lạnh ngăn ngắt
Ngàn năm Hùng Nhĩ biêng biếc tùng.
Lồng đèn đập phá Kim cang khóa
Cột cái nuốt ngon gai góc trong.
Muốn biết trong đây ý đích thực
Tân La đêm giữa mặt trời hồng.

Giảng:

Ánh thu có bút khó hình dung
Mắt ngắm núi sông chốn chốn đồng.

“Ánh thu” biểu trưng cho Tánh giác có sẵn nơi mỗi người. Tánh giác trong sáng như ánh sáng mùa Thu, nó sáng trong mát dịu, dù chúng ta có bút cũng không thể nào tả được, vì nó không có tướng mạo nên không thể diễn tả, nên nói khó hình dung. Nhưng nhờ ánh sáng của mùa Thu mà chúng ta nhìn khắp hết núi sông, nơi nơi đều nhìn thấy suốt một cách rõ ràng không mờ tối.

Một mạch Tào Khê lạnh ngăn ngắt
Ngàn năm Hùng Nhĩ biêng biếc tùng.

Mạch Tào Khê tức là dòng suối Tào Khê chỗ ở Lục Tổ nơi đó lạnh ngắt. Và, những cây thông cây tùng trên núi Hùng Nhĩ sau lưng chùa Thiếu Lâm trồng cả ngàn năm mà vẫn xanh biêng biếc. Nhờ có “ánh thu” mà chúng ta cảm nhận được dòng nước Tào Khê lạnh ngăn ngắt, nhờ có “ánh thu” chúng ta mới thấy được màu xanh biêng biếc của những cây tùng ở núi Hùng Nhĩ. Ý Thượng Sĩ nói rằng nếu nhận ra nơi chúng ta có Tâm thể không sanh không diệt thì sẽ nhận được ý chỉ của Tổ Bồ-đề-đạt-ma và Lục Tổ ở Tào Khê.

Lồng đèn đập phá Kim cang khóa
Cột cái nuốt ngon gai góc trong.

Cái khóa Kim cang quá cứng mà lồng đèn đập phá làm cho nát cái khóa đó. Cây cột cái lại nuốt hết những lùm gai góc. Ở đây ý Thượng Sĩ muốn nói gì? Thiền sử có ghi ngài Vân Môn khi thượng đường chỉ cây cột cái nói: “Cây cột cái này với chư Phật tương quan.” Có khi chỉ cây cột cái nói: “Sao không nói Thiền đi?” Thượng Sĩ dùng hình ảnh lồng đèn đập khóa Kim cang, cột cái nuốt hết gai góc là muốn nói rằng: Thiền sư khi muốn chỉ cho người học đạo nhận ra cái chân thật thì không cho suy gẫm phân biệt, vì suy gẫm phân biệt là hư dối và còn nằm trong sự đối đãi. Muốn nhận ra cái chân thật thì phải buông hết ý nghĩ suy gẫm phân biệt, nên các ngài hay nói những câu vô lý như “lồng đèn đập nát khóa Kim cang”... để chúng ta không còn suy nghĩ gì nữa. Cả ngày các ngài nói mà không động lưỡi, cả ngày nhai mà không nát hạt cơm, các ngài nói đông nói tây mà không có cái gì để chúng ta suy nghĩ hết. Đó là cái thuật khéo của các Thiền sư. Bây giờ chúng ta chưa có gì kỳ đặc nên nói ra thì phải phân tích để suy gẫm đúng sai v.v... Còn các ngài nói không cho suy gẫm, mà không suy gẫm thì mới thấy được lý chân thật. Hai câu này ý nói muốn nhận ra cái chân thật thì phải buông tất cả những suy gẫm của ý và phân biệt của trí, hai cái đó buông hết thì mới nhận ra “ánh thu” là Tâm thể chân thật nơi mình.

Muốn biết trong đây ý đích thực
Tân La đêm giữa mặt trời hồng.

Tân La là nước Triều Tiên. Nước Triều Tiên ở về phía Đông nước Trung Hoa, mỗi sáng mặt trời lên ở phương Đông, như vậy ở Tân La thấy mặt trời trước nhất. Ở đây Thượng Sĩ lại nói: “muốn biết trong đây ý đích thực, Tân La đêm giữa mặt trời hồng” là muốn biết ý đích thực thì phải thấy ngược lại nửa đêm mà thấy mặt trời mọc, thấy như vậy là không còn gì để suy gẫm, nếu thấy mà còn suy gẫm để phân biệt thì chưa thấy ý đích thực; tức là chưa hưởng được “ánh thu” mà Ngài nói ở đây.

Mục Lục