Thiền Tông Việt Nam
Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải (1996)
Thi Ca 10

Dịch:

VUI THÍCH GIANG HỒ

Tâm xưa hồ hải chửa từng khuây
Ngày tháng như tên dường tợ thoi.
Gió mát trăng thanh sanh kế đủ
Non xanh nước biếc nếp sống đầy.
Sáng sớm giương buồm băng nước thẳm
Chiều nâng sáo thổi cợt khói mây.
Tạ Tam nay đã không tin tức
Để chiếc thuyền trơ bãi cát này.

Giảng:

Bài thơ này diễn tả cái thú giang hồ của những người có tinh thần hào phóng, tâm hồn thích tự do rày đây mai đó.

Tâm xưa hồ hải chửa từng khuây.

Hồ hải chỉ cho ngũ hồ tứ hải. Lúc nhỏ đã có tâm hào phóng, nay tuy già mà vẫn còn thích đi đây đi kia chớ không chịu ở một nơi.

Ngày tháng như tên dường tợ thoi.

Ngày tháng trôi qua nhanh như tên bắn như thoi đưa, không chờ đợi ai cả. Hai câu này ý nói tâm hồn của Thượng Sĩ lúc nào cũng muốn dạo chơi hồ hải, nhưng bây giờ nhìn lại thì ngày tháng trôi qua nhanh và tuổi đã già. Tuy nhiên:

Gió mát trăng thanh sanh kế đủ
Non xanh nước biếc nếp sống đầy.

Sanh kế của Thượng Sĩ là gió mát trăng thanh. Có gió mát trăng thanh là đủ sống rồi, không cần phải ăn ngon mặc đẹp. Nếp sống của Ngài là phải gần gũi thiên nhiên, cho nên non xanh nước biếc làm cho đời sống của Thượng Sĩ thêm đầy đủ. Đó là phong độ sống của Ngài. Chúng ta bây giờ ở Thiền viện Trúc Lâm có đủ những điều kiện về sanh kế như Ngài nói chưa? Ở đây cũng có rừng thông xanh mướt, gió thổi vi vu, hồ nước Tuyền Lâm trong vắt, mỗi đêm trăng sáng soi bóng xuống hồ... Chúng ta có đủ cả, có thể nói là dư thừa. Vậy có ai là người có tâm hồn giang hồ muốn tìm non xanh nước biếc gió mát trăng thanh nữa không? Hay đã an lòng ở đây vừa tu vừa thưởng thức cảnh đẹp?

Sáng sớm giương buồm băng nước thẳm
Chiều nâng sáo thổi cợt khói mây.

Sáng thả buồm rong chơi, chiều nâng sáo thổi cợt đùa với mây gió. Thượng Sĩ là một cư sĩ thì sống như thế được. Chúng ta là Thiền sinh thì phải sửa hai câu này lại cho phù hợp: “Sáng sớm vác cuốc ra làm cỏ, chiều ôm tọa cụ đến Thiền đường.”

Tạ Tam nay đã không tin tức
Để chiếc thuyền trơ bãi cát này.

Tạ Tam là Tạ Tam Lang, tức Thiền sư Huyền Sa Sư Bị, lúc còn cư sĩ ông là một người thả thuyền câu dưới sông, vui thú giang hồ nay đầu ghềnh mai cuối bãi. Đến ba mươi tuổi ông đem thuyền lên bãi để, rồi bỏ đi tu, sau trở thành một Thiền sư nổi tiếng. Do đó nên Thượng Sĩ so sánh Tạ Tam trước là một chú chèo thuyền câu cá, bây giờ không còn nghe tin tức, mà chỉ thấy chiếc thuyền nằm trơ trên bãi cát cạn. Ý muốn nói tuy tâm hồn hồ hải, là tâm hồn của những người thích phóng khoáng tự do, nhưng không phải chỉ thỏa mãn cái tâm yêu thích non xanh nước biếc, gió mát trăng thanh của thi sĩ, hoặc của kẻ thường tình hướng về cõi hồng trần để lụy thân, mà là tinh thần tự do phóng khoáng của người hướng về với đạo. Vì người ưa thích thiên nhiên tâm hồn phóng khoáng dễ phù hợp với Thiền, nên Thượng Sĩ nói “Tạ Tam nay đã không tin tức, để chiếc thuyền trơ bãi cát này”. Ai là chàng Tạ Tam Lang bỏ thuyền trên bãi cát đi tu? Ai có tâm hồn hồ hải thì hãy bắt chước Tạ Tam Lang!

Dịch:  

VẬT KHÔNG TÙY NGƯỜI

Ở xứ lõa thân cởi áo đi
Phải đâu bỏ lễ, chỉ tùy nghi.
Trâm vàng mụ sói treo làm móc
Gương báu lão mù lấy đậy ly.
Trâu chẳng thèm nghe đàn ngọc tháo
Hoa trang anh lạc, voi biết gì.
Hỡi ôi! Một khúc đàn huyền diệu
Nên lấy vàng ròng đúc Tử Kỳ.

Giảng:

Đồ vật nếu người dùng đúng nhu cầu thì vật đó có ích, ngược lại tuy có vật quí trong tay mà dùng không đúng chỗ thì nó trở thành vô nghĩa, nên vật không tùy người mà chính nhu cầu người sử dụng vật. Vật trở thành quí là do người cần dùng nó, rồi cho nó là quí, chớ nó không quí đối với tất cả.

Ở xứ lõa thân cởi áo đi
Phải đâu bỏ lễ chỉ tùy nghi.

Nếu chúng ta đến nước lõa thể thì họ sao mình vậy, họ ở trần thì chúng ta cũng phải cởi áo, như vậy mới hợp với họ. Cởi áo để hòa hợp với họ chớ không phải bỏ lễ phép, mà chỉ tùy nghi, sống ở đâu thì phải thích hợp với phong tục tập quán ở đó. Cũng vậy, người tu muốn làm lợi ích cho người thì phải biết thích ứng với thời cơ. Chữ “kinh” trong nhà Phật hàm chứa nghĩa khế lý và khế cơ. Người tu muốn đem giáo lý của Phật dạy cho người khác tu thì phải có đủ hai điều kiện: một là đúng với chân lý, hai là hợp với căn cơ người nghe. Dù lời nói của chúng ta phù hợp với chân lý mà không hợp với căn cơ người nghe, họ không lãnh hội được thì lời nói của chúng ta trở thành vô ích. Ngược lại hợp với căn cơ mà sai chân lý thì cũng thành vô nghĩa. Ví dụ người thích tu bố thí để cầu phước mà chúng ta đem lý Thiền nói với họ, họ chẳng hiểu gì, hoặc người căn cơ thích hợp với pháp tu Thiền mà chúng ta dạy họ pháp tu của ngoại đạo thì sai với chân lý của Phật dạy. Thế nên chúng ta muốn làm lợi ích cho người thì người đang ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta phải tùy theo hoàn cảnh nấy của họ mà giúp đỡ. Có khi việc làm thấy như trái với nghi quĩ của người tu, nhưng vì người nên chúng ta phải làm để người được lợi ích. Đó là khế lý và khế cơ.

Trâm vàng mụ sói treo làm móc
Gương báu lão mù lấy đậy ly.

Người sói đầu có cây trâm vàng họ không biết làm gì, nên gắn trên tường làm cái móc treo đồ. Với Ni cô thì trâm vàng cũng treo làm móc luôn! Có tóc đâu mà cài? Cái gương dù có quí báu, nhưng đối với người mù, gương xài không được. Vì mù có thấy đâu mà soi gương, nên dùng cái gương đậy ly. Ý Thượng Sĩ muốn nói, dù vật quí nhưng với người không cần thì nó trở thành vô dụng.

Trâu chẳng thèm nghe đàn ngọc tháo
Hoa trang anh lạc voi biết gì.

Đối với trâu dù chúng ta có đem đàn khảy lên tiếng thanh tao bên tai nó cũng chẳng biết gì. Hoặc đem đồ trang sức bằng anh lạc máng vô cổ con voi nó cũng không biết quí. Những vật quí mà không thích hợp với con vật thì cũng trở thành vô dụng. Ý Thượng Sĩ nói, phàm làm việc gì không hợp thời, không thích nghi với hoàn cảnh, không đúng với căn cơ của người thì dù có cố gắng làm cho nó đẹp cũng trở thành vô nghĩa, không có kết quả.

Hỡi ôi! Một khúc đàn huyền diệu
Nên lấy vàng ròng đúc Tử Kỳ.

Khúc đàn hay của Bá Nha nếu không có người tri kỷ như Tử Kỳ nghe thì có ai biết thưởng thức? Cho nên có khúc đàn hay thì phải có người tri kỷ biết nghe đàn thì khúc đàn mới có giá trị. Vì có giá trị nên quí. “Nên lấy vàng ròng đúc Tử Kỳ”. Phải đúc tượng Tử Kỳ bằng vàng mới xứng đáng, vì là người tri kỷ biết được khúc đàn hay. Đó là Thượng Sĩ lấy việc thế gian để nói việc trong đạo. Pháp của Phật rất là cao siêu, pháp tu Thiền rất là đơn giản nhưng giúp người được giải thoát. Song, không phải ai nghe cũng hiểu cũng thấm nhuần. Chỉ có người đủ duyên nghe, mới biết được những điều Phật dạy là cao siêu mầu nhiệm, đưa con người đến chỗ an vui giải thoát. Người nhận được lý sâu xa của Thiền thì người đó mới quí. Thượng Sĩ bảo Tử Kỳ nghe được khúc đàn hay của Bá Nha, nếu Tử Kỳ chết nên lấy vàng đúc tượng để thờ. Như vậy đứng trước người hiểu được Phật pháp, nhận được lý Thiền, chúng ta nên trân trọng họ. Đó là nói về ý nghĩa vật không tùy người.

Dịch:

VIẾNG ĐẠI SƯ TĂNG ĐIỀN

Chẳng cần cửa tía, chẳng cần rừng
Rốt cuộc chỗ nào chẳng an tâm.
Thế nhân trọn thấy ngàn non sáng
Mấy kẻ lắng nghe tiếng vượn trầm.

Giảng:

Chữ viếng khác chữ thăm, người Nam thì dùng chữ thăm, còn người Bắc thì dùng chữ viếng. Nếu là người bình thường thì người Bắc nói đi thăm, nếu là người lớn hơn hay quí hơn thì nói đi viếng. Ví dụ như nói đi viếng đền Hùng chớ không nói đi thăm.

Chẳng cần cửa tía chẳng cần rừng.

Cửa tía là chỉ cho những nơi thành thị giàu sang, “chẳng cần rừng” là chẳng cần vào nơi rừng rậm xa vắng. Vậy chỗ thành thị ồn náo và nơi rừng vắng đều không cần.

Rốt cuộc chỗ nào chẳng an tâm.

Nếu tâm chúng ta không động không rong ruổi theo ngoại cảnh thì ở giữa thành thị hay trong rừng vắng đều như nhau. Nếu tâm còn dính mắc với cảnh thì ở thành thị thua ở rừng. Vậy Tăng Ni và Phật tử hiện có mặt cần cái nào? Chẳng cần cửa tía chẳng cần rừng hay chẳng cần cửa tía mà rất cần rừng? Vì ở ngoài cửa tía lộn xộn quá bất an khó tu, ở rừng vắng vẻ dễ tu hơn. Người tu nếu tâm nhất như thì không cần chọn cảnh tịnh hay cảnh động, nếu chưa nhất như thì phải tránh chỗ động tìm chỗ tịnh.

Thế nhân trọn thấy ngàn non sáng
Mấy kẻ lắng nghe tiếng vượn trầm.

Người đời chỉ thích nhìn cảnh trời mây non nước đẹp đẽ, mà ít ai chịu lắng nghe tiếng vượn trầm. Ý Ngài muốn nói người đời thích chạy theo ngoại cảnh mà ít chịu quay về lắng nghe tiếng dấy động của nội tâm. Tiếng con vượn là chỉ cho tâm viên ý mã của mình, ít ai để ý nhìn lại nội tâm mình, nghe tiếng đang réo gọi trong tầng sâu thẳm nhất, mà chỉ hướng ra ngoài khen cái này, chê cái nọ v.v... Chỉ có những ai ngồi lặng yên gạt bỏ sáu trần, mới nghe được tiếng con vượn của mình kêu, nghe nó nói đủ thứ, nào chuyện của mình của người, chuyện năm trước năm sau. Chuyện không ra gì nó cứ kể hoài không chịu dừng.

Tóm lại, Thượng Sĩ muốn nói rằng: Nếu người tu tâm thuần thục rồi thì không cần tránh cảnh, ở chốn phồn hoa hay nơi rừng vắng đều là chỗ an tâm. Đa số người thế tục thì chỉ hướng ra ngoài chạy theo trần cảnh, mà không chịu quay về nhìn kỹ mình để lắng nghe những dấy động của nội tâm mình. Chỉ bốn câu thơ mà Thượng Sĩ diễn tả được người tu thoát tục không vướng mắc và người thế tục không tu nên luôn luôn bị vướng mắc với sáu trần.

Dịch:  

THĂM BỆNH

ĐẠI SƯ PHƯỚC ĐƯỜNG

Gió, nước gặp nhau sóng dấy lên
Lửa, cây chạm phải chùm lửa bùng.
Mới hay bốn đại không ranh giới
Núi kiếm mặc tình men theo dòng.

Giảng:

Phước Đường là tên Tinh xá, Đại sư là chỉ cho Thiền sư Tiêu Dao, Ngài ở Tinh xá Phước Đường, vì kính trọng thầy nên Thượng Sĩ không dám gọi tên mà chỉ gọi hiệu của Tinh xá.

Gió nước gặp nhau sóng dấy lên.

Gió, nước là phong đại và thủy đại, hai đại đó mà không hòa thì chống nhau làm dấy động khiến cho thân sanh ra bệnh hoạn. Khi nào thân chúng ta khỏe mạnh thì lúc đó bốn đại hòa thuận. Lúc nào gió mạnh nước yếu thì nghe trong mình ê ẩm nhức nhối khó chịu.

Lửa, cây chạm phải chùm lửa bùng.

Lửa và cây gặp nhau thì lửa bùng cháy. Cây thuộc về đất là địa đại, lửa là hỏa đại. Hai đại đó bất hòa thì làm cho lửa trong người của chúng ta tăng thêm. Khi nào trong người chúng ta nóng, mà ăn uống những thứ nóng thì nó hừng hừng nổi nóng lên. Khi đó muốn kiếm thứ gì mát uống vô cho hạ nhiệt xuống. Như vậy đất nước gió lửa bốn đại chống chọi nhau làm cho chúng ta sanh bệnh. Thượng Sĩ đi thăm bệnh nên phải truy nguyên bệnh từ đâu ra? - Bệnh là do bốn đại bất hòa. Nếu gió nhiều nước ít thì sanh ra đau nhức, lửa nhiều thì nóng hừng hực đỏ cả mặt mày...

Mới hay bốn đại không ranh giới
Núi kiếm mặc tình men theo dòng.

Nếu chúng ta nhìn cho tột cùng thì bốn đại vốn không có ranh giới. Thủy đại giới hạn của nó ở đâu? Lâu nay hễ nói tới nước là chúng ta nghĩ nước chỉ ở trong ao, hồ, sông, biển chớ đâu nghĩ trong hư không có nước. Nếu hư không không nước thì làm gì có mưa? Như vậy thủy đại không có giới hạn, nước không chỉ có ở ao, hồ, sông, biển... mà nước còn ở trong hư không. Lửa cũng không có giới hạn, nếu đủ duyên thì nó xẹt ra, gió cũng vậy đủ duyên thì gió nổi lên. Còn đất? Lâu nay chúng ta cứ tưởng cái gì cứng ở trên quả địa cầu này là đất, chớ đâu nghĩ rằng trong hư không cũng có đất. Mỗi sáng mặt trời vừa lên tia nắng rọi qua cửa sổ, chúng ta thấy bụi bay lăng xăng đầy trong hư không. Vậy, bụi cũng là đất; đất cứng chúng ta đạp dưới chân và đất nhỏ thành bụi bay trong hư không không có giới hạn. Đất nước gió lửa không giới hạn, khi nó hợp lại thành thân này thì thân này đâu có thường còn. Thân này bại hoại đâu phải là mất, nó luôn luôn mênh mông cùng khắp.

Biết được như vậy thì “núi kiếm mặc tình men theo dòng”. Chữ “núi kiếm” dịch từ chữ “Kiếm Các” là tên dãy núi ở huyện Kiếm Các tỉnh Tứ Xuyên bên Trung Hoa, còn gọi là Đại Kiếm Sơn và Tiểu Kiếm Sơn, vì núi có nhiều đá bén nhọn nên gọi là núi kiếm. Ở đây dùng chữ núi kiếm hàm ý diễn tả những cảnh hiểm nguy trong địa ngục, như ngục tốt bắt trèo lên cây có đao nhọn, leo lên núi có kiếm bén làm cho thân người tội phải tan nát. Khi biết rõ thân này do bốn đại hợp thành, bốn đại không giới hạn ở trong thân mà trùm khắp, thế thì thân mình là một bộ phận nhỏ của cái trùm khắp, khi tan rã nó trở về bốn đại. Vậy thân này mất nhưng bốn đại không mất! Nói chết mà có chết đâu! Sanh là bốn đại tạm hợp; hợp thì thấy có thân. Chết là bốn đại tan; tan thì thấy như mất thân, nhưng bốn đại có mất bao giờ? Vậy chúng ta còn sợ chết không? Nếu ai hiểu tường tận như vậy thì dù cho đứng trước cảnh núi kiếm rừng đao nguy hiểm cũng không lo sợ. Chúng ta thường sợ chết, sợ chết là sợ mất thân, mà thân là bốn đại; bốn đại nơi thân tan rã hòa cùng bốn đại bên ngoài đầy khắp hư không; thân mất mà thể của bốn đại không mất thì sợ cái gì? Nếu bốn đại tan rã mất hết thì chúng ta tiếc công mình nuôi dưỡng mấy chục năm bây giờ không còn. Sự thật thể nó không mất vậy mà sợ chết, vô lý làm sao! Đây là chỗ mà chúng ta phải để ý cho kỹ! Giá trị của người tu không phải ở ngoài hình thức làm việc này việc nọ, mà phải tu cho giác ngộ, dùng trí tuệ quán sát tường tận bản chất của bốn đại. Khi thấy được bản chất của bốn đại trùm khắp và không mất thì, đối với sự còn mất của thân này không nghĩa lý gì hết, nên chúng ta không còn sợ chết, sợ khổ. Thường khi thân này đau thì chúng ta sợ chết; vì đau rồi tới chết. Nhưng chết không sợ vậy đau có sợ không? Nếu nhớ đau là do bốn đại bất hòa nó xô xát lẫn nhau không phải mình. Thấy vậy chỉ cười thôi! Bây giờ tứ đại đang nóng chăng, đang lạnh chăng? Đó là tứ đại nóng tứ đại lạnh chớ tôi đâu có nóng có lạnh; nóng lạnh là do bốn đại bất hòa!

Giả sử chúng ta là người lớn ngồi thấy mấy đứa nhỏ múa võ vật lộn với nhau đứa này quật đứa kia ngã, đứa kia quật đứa nọ ngã, chúng ta chỉ cười thôi. Bọn nó giỡn với nhau chớ đâu phải chúng ta. Thế nên chúng ta thản nhiên cười trước cái thắng bại của chúng. Cũng vậy bốn đại bất hòa thì nó lộn xộn, chớ Tâm thể đâu có lộn xộn. Quí vị có thấy như vậy không? Hay khi thân suy yếu cũng ảo não theo, bốn đại bất hòa sanh ra đau bệnh mình cũng nhăn nhó theo? Có khi còn thối tâm Bồ-đề. Nghĩ: tu gì mà bệnh hoài về nhà dưỡng cho khỏe, có người thân lo lắng chu đáo hơn ở chùa! Bệnh quá tu không được v.v... Song, quí vị không phải là con nít, sao thấy chúng giỡn chơi đứa này đuổi đứa kia té, lại nhăn nhó khổ sở theo nó làm gì? Như vậy quí vị đồng hóa mình là mấy đứa con nít rồi! Chúng ta phải là người lớn có trí nhìn bọn con nít đùa, chớ không phải là con nít. Tóm lại người thấy bốn đại không ranh giới thì, dù có núi kiếm rừng đao cũng mặc tình leo lên chơi không sợ sệt gì cả, đó mới là người thật hiểu đạo.

Mục Lục