Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải (1996)
Tóm Tắt
Tóm lại, quyển Lục này chia làm bốn phần: Lịch sử, Đối cơ, Tụng cổ, Thi tụng. 1. Lịch sử: Nói sơ lược về lịch sử của Tuệ Trung Thượng Sĩ. 2. Đối cơ: Người hỏi đạo lý, Ngài tùy theo căn cơ mà trả lời. 3. Tụng cổ: Dẫn những lời đối đáp bí hiểm của người xưa rồi tụng lại cho mọi người hiểu. 4. Thi tụng: Từ những cảm hứng mà Thượng Sĩ làm thành những bài thơ dài hay ngắn. Học qua quyển Ngữ lục của Thượng Sĩ, chúng ta phải nắm vững những điều cốt lõi Ngài dạy thì sự tu của chúng ta mới dễ tiến. Qua bốn phần trên chúng ta thấy rõ phần thi ca có những bài như: Bài Ca Tâm Phật, Bài Ngâm Phóng Cuồng, Sống Chết Nhàn Mà Thôi, Phàm Thánh Không Hai, đã nói lên tâm huyết của Ngài. Ngài còn chỉ cho chúng ta chỗ rốt ráo là Tâm và Phật không hai, Phàm và Thánh không hai. Kế đó là hai vấn đề then chốt của người tu là sống và chết. Con người có mặt trên thế gian này, ai cũng băn khoăn lo sợ ngày mai mình sẽ chết, như vậy là quí cái sống, sợ cái chết gọi là tham sanh úy tử. Nhưng với con mắt Thiền sư thì thấy sống chết nhàn mà thôi, không có gì quan trọng. Tuy nhiên, đọc qua thơ của Thượng Sĩ thấy Ngài nói vậy, nhưng chúng ta không tin là Ngài nói được làm được, nếu chúng ta không học sử của Ngài. Vì vậy mà chúng ta phải học sử của Ngài trước, mới rõ rằng những điều Thượng Sĩ nói ra, để dạy cho người sau là điều Ngài đã ứng dụng ngay trong cuộc sống của Ngài. Sử ghi rằng: Khi sắp tắt thở Ngài nằm theo dáng kiết tường sửa soạn đi, thê thiếp thấy vậy khóc rống lên. Ngài mở mắt ngồi dậy quở vài câu rồi nằm xuống đi. Vậy có nhàn không? Ngài là người có địa vị, có gia đình có thê thiếp, biết bao sự trói buộc, mà học đạo rồi ngộ đạo và hằng sống với đạo, nên đối với sự sanh tử Ngài tự tại, đó là điều rất hiếm có. Ở Trung Hoa ai cũng tán thán gia đình cư sĩ Bàng Long Uẩn, ở Việt Nam cũng có Thượng Sĩ là một cư sĩ ngộ đạo, mà chúng ta ít nghe người đời nhắc nhở tán thán. Ở các chùa thường đọc bài sám có nhắc tới câu “in như Thiền định họ Bàng thuở xưa” tức là nhắc tới gia đình ông Bàng Long Uẩn. Thế mà không ai nhắc tới tên Tuệ Trung Thượng Sĩ. Như vậy cái nhìn của người Việt Nam là cái nhìn hướng ngoại, cái gì của nước ngoài là hay là tốt, còn cái gì của nước nhà là tầm thường là xấu. Đó là bệnh của chúng ta. Chúng ta học lịch sử và sự truyền bá của Phật Tổ từ Ấn Độ, Trung Hoa chúng ta đều biết hết. Thế mà những bậc thầy ở Việt Nam gần gũi nhất, mà chúng ta không biết gì cả, đó là một thiếu sót lớn. Giả sử quí vị biết sự nghiệp ông nội, ông cố, ông sơ, mà cha mẹ quí vị không biết, có được không? Cả ngày chúng ta cứ ca tụng ông sơ, ông cố, ông nội, cha mẹ gần mình mà không đoái hoài tới, có lỗi đạo làm con hay không? Thế nên học, chúng ta phải học cho thấu suốt ngọn nguồn. Phải hiểu Phật giáo ở Ấn Độ truyền bá thế nào, sang Trung Hoa truyền bá ra sao, đến Việt Nam truyền bá như thế nào, người Việt Nam tiếp nhận Phật giáo ra sao? Ai là người có công làm cho Phật giáo Việt Nam hưng thạnh và phổ cập trong quần chúng? Nếu chúng ta biết các Tổ nước ngoài mà không biết đến công lao của những vị Tổ nước nhà, đó là việc đáng trách. Khi đem quyển Ngữ lục này dạy cho quí vị học, là tôi có ý mong quí vị biết được những điều kỳ đặc cao quí của các Tổ Việt Nam rồi ứng dụng tu theo, để sau này đem ra chỉ dạy cho đàn hậu học biết tìm về nguồn Phật giáo Việt Nam, như vậy mới xứng đáng là tu sĩ của Phật giáo Việt Nam. Mục Lục
|
Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải (1996)
|
Tóm Tắt