Thiền Tông Việt Nam
Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải (1996)
Hành Trạng Thượng Sĩ - Giảng 3

CÁC HÀNG MÔN ĐỆ TÁN TỤNG:

- Đệ tử nối pháp Trúc Lâm Đại Đầu-đà tán:

Trông đó càng cao
Dùi đó càng cứng.
Bỗng dưng ở sau
Nhìn đó ở trước.
Đây mới gọi là
Thiền của Thượng Sĩ.

Điều Ngự Giác Hoàng ca ngợi Thiền phong của Thượng Sĩ càng trông thấy càng cao, càng dùi thì càng cứng. Mới thấy như ở phía sau, nhìn lại thì ở phía trước. Không có cái gì cố định cả. Thiền của Thượng Sĩ là như thế. Ý này giống như ý trước. Qua hai bài tụng, chúng ta thấy lúc nào Điều Ngự Giác Hoàng cũng thấy Thượng Sĩ là bậc thầy cao quí, có đủ phong cách của một Thiền sư vượt bực, không ai có thể dùng cái gì để đo lường được, không ai có đủ khả năng nhận xét về Ngài chín chắn. Vì Ngài có đủ hiệu dụng lớn nhỏ, trước sau cao thấp... cho nên không thể lấy cái chừng mực thông thường mà đo lường được.

- Trúc Lâm đàn cháu nối pháp, đệ tử Pháp Loa cúi đầu kính cẩn tán:

Á!
Gang ròng nhồi lại
Sắt sống đúc thành.
Thước trời tấc đất
Gió mát trăng thanh.
Chao!

Đến đây Tôn giả Pháp Loa tán thán Thượng Sĩ, ví con người của Thượng Sĩ được nhồi lại bằng gang ròng, bằng sắt sống, cứng chắc vượt hơn tất cả. Đứng về thể chất mà nhìn thì Thượng Sĩ là con người cứng như đồng thép. Muốn đo lường phong cách của Thượng Sĩ, dù lấy thước bằng trời, tấc bằng đất cũng không đo lường được. Vì Thượng Sĩ ở khắp cùng, đâu có gió mát trăng thanh là có Thượng Sĩ. Thượng Sĩ vượt bực không ai bì nổi.

- Trúc Lâm đàn cháu nối pháp, đệ tử Bảo Phác cúi đầu kính cẩn tán:

Linh Sơn chính tai nghe
Nhai tủy lão Hồ trọc.
No rồi mớm cháu con
Chồn cáo hóa sư tử.
Gặp trường nói nín nhàn
Trăng tẩm nước sông thu.
Muốn biết toàn vị mặn
Trả con chuột kia đi.

Linh Sơn chính tai nghe.

Thiền sư Bảo Phác ăn nói to quá! Ngài sánh Thượng Sĩ ngang bằng với Tổ Ca-diếp.

Nhai tủy lão Hồ trọc:

Là tiếp thu cốt tủy Thiền của Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Tiếp thu Thiền tủy của Tổ Bồ-đề-đạt-ma “no rồi mớm cháu con”. Bây giờ quí vị có nhai nuốt được phần nào cốt tủy Thiền của Tổ Bồ-đề-đạt-ma chưa?

Chồn cáo hóa sư tử.

Con cháu của Thượng Sĩ ngày xưa thuộc hạng chồn cáo, nhờ Thượng Sĩ mớm Thiền tủy của Tổ Bồ-đề-đạt-ma, nên ngày nay đã hóa thành sư tử hết. Bốn câu kệ này, mới đọc qua thấy như Ngài ăn nói lỗ mãng, nhưng nó bộc lộ lòng biết ơn sâu sắc và diễn tả được hình ảnh kỳ đặc của Thượng Sĩ là người đã tiếp nhận được Thiền của Tổ Ma-ha Ca-diếp ở hội Linh Sơn và thấu suốt được cốt tủy Thiền của Tổ Bồ-đề-đạt-ma, Thượng Sĩ đem dạy cho con cháu là hạng phàm phu trở thành bậc Hiền Thánh.

Gặp trường nói nín nhàn
Trăng tẩm nước sông thu.

Tùy thời tùy cơ mà Thượng Sĩ nói hay nín. Ngài nói cũng không động mà nín cũng vẫn yên, lúc nào tâm Ngài cũng an nhiên tự tại. Giống như trăng mùa thu rọi bóng dưới nước rõ ràng; trăng là trăng, nước là nước; trăng nước không dính nhau.

Muốn biết toàn vị mặn
Trả con chuột kia đi.

Vị mặn là chỉ cho nước biển, tất cả nước biển đều có một vị mặn. Cũng vậy tất cả pháp Phật dạy chỉ có một vị là giải thoát. Muốn biết vị mặn của biển hay vị giải thoát thì phải “trả con chuột kia đi”. Muốn biết vị giải thoát phải trả chuột là sao? Trong kinh Đại Tập, Phật có kể một câu chuyện ẩn dụ: Có một anh chàng bị hai con voi say đuổi gấp, anh chạy trốn, gặp cái giếng, anh đu dây tuột xuống giếng. Thân anh đang đu đưa dưới sợi dây trong lòng giếng sâu, chẳng an ổn chút nào. Chung quanh thành giếng có bốn con rắn độc le lưỡi chực cắn anh. Đầu trên sợi dây anh đu có hai con chuột trắng và đen, chạy qua chạy lại cạp sợi dây sắp đứt. Ở dưới đáy giếng có ba con rồng dữ phun lửa lên. Tình huống của anh bấy giờ vô cùng bức ngặt, khó bề thoát thân! Sợi dây treo sanh mạng của anh chuột đang cạp sớm muộn gì cũng đứt. Nếu đứt dây thân anh rớt xuống đáy giếng, bị rồng phun lửa đốt cháy. Nếu anh ngả qua thành giếng thì bị rắn độc cắn chết.

Hai con voi say dụ cho sanh tử. Sợi dây dụ cho mạng sống con người. Chuột đen chuột trắng cạp dây dụ cho ngày đêm trôi qua. Ba con rồng phun lửa dụ cho tham, sân, si thiêu đốt thân tâm. Bốn con rắn độc le lưỡi chực cắn dụ cho sanh lão bệnh tử bức ngặt con người. Mỗi chúng ta ngày qua đêm lại mạng sống đi dần đến cái chết. Ở vị thế nào cũng đi đến chỗ tiêu tan. Vậy phải làm thế nào để thoát khỏi? - Theo Tôn giả Bảo Phác thì phải đuổi hai con chuột, không cho nó gặm nhấm dây sanh mạng nữa, con người mới được an toàn hết hiểm nguy, nên nói muốn hưởng được vị giải thoát của Phật thì phải trả chuột già đi. Ý câu này nói Thượng Sĩ đã nếm được vị giải thoát rồi nên không còn bị sanh tử trói buộc nữa. Đó là tán thán sự giải thoát của Thượng Sĩ.

- Đệ tử Tông Cảnh cúi đầu kính cẩn tán:

Thiền thầy ta con quì một chân
Bờ dốc buông tay tâm như như.
Trên đầu cột phướn nấu quả chùy
Bỗng nhiên cỡi ngược lừa ba cẳng.
Năm trước tặng ta trâu đất rống
Ngày nay ngựa gỗ hí trả Ngài.
Trâu sắt đầu nhỏ sừng co quắp
Đêm về húc vỡ núi Tu-di.
Thảnh thơi nhảy thẳng hang rồng dữ
Cướp được san-hô quí một cành.
Thần biển nâng lên sáng trời đất
Na-tra nổi giận uy đức mờ.
Ha! Ha! Ha! cũng rất kỳ
Dương Xuân Bạch Tuyết hòa rất ít
Một mức sau cùng hội thế nào?
Án tố rô, tố rô, tất rị, tất rị.

Thiền thầy ta con quì một chân.

Con quì là một loài thú rất kỳ đặc, rất mầu nhiệm, chỉ có một chân mà đi được. Ngài Tông Cảnh tán thán Thiền của Thượng Sĩ rất kỳ đặc rất mầu nhiệm, như con quì một chân mà đi được vậy.

Bờ dốc buông tay tâm như như.

Bờ dốc thẳng đứng mà buông tay đi một cách tự tại. Thiền của Thượng Sĩ thanh thoát tự tại cũng như thế.

Trên đầu cột phướn nấu quả chùy.

Việc tu hành nếu thành tựu kết quả thì diệu dụng không thể nghĩ bàn, giống như trên đầu cột phướn mà để được lò đúc nấu kim loại đúc thành quả chùy, là việc phi thường không ai có thể lường nổi.

Bỗng nhiên cỡi ngược lừa ba cẳng.

Con lừa có bốn chân, ở đây lại nói cỡi ngược lừa ba cẳng, thật là chuyện lạ lùng. Ngài Tông Cảnh tán dương Thượng Sĩ là người đạt đạo có được diệu dụng phi thường, giống như việc đặt lò đúc chùy trên đầu cột phướn, như cỡi ngược lừa ba chân leo lên chót núi. Đó là bốn câu kệ tán thán Thượng Sĩ là một Thiền sư phi thường.

Năm trước tặng ta trâu đất rống
Ngày nay ngựa gỗ hí trả Ngài.

Thiền sư Tông Cảnh nói năm trước Thượng Sĩ vô tâm vô phân biệt nói pháp dạy Ngài, giống như con trâu đất vô tri mà rống. Và, Ngài thừa hưởng giáo pháp ấy ứng dụng tu hành, ngày nay đáp lại giống như ngựa gỗ hí. Vậy, thầy là trâu đất rống, trò là ngựa gỗ hí; bên thầy rống bên trò hí, đối đáp rõ ràng. Trâu đất ngựa gỗ đều vô tri vô phân biệt, mà đối đáp nhau là ngầm ý nói thầy dạy trò nhận với tâm không loạn tưởng, không phân biệt, như như tự tại. Đó là chỗ thầy dạy trò, trò lãnh hội được tông chỉ của thầy.

Trâu sắt đầu nhỏ sừng co quắp
Đêm về húc vỡ núi Tu-di.

Khi nhận được lời dạy của thầy rồi, từ đó mới thấy công dụng giống như trâu sắt húc núi Tu-di tan vỡ.

Thảnh thơi nhảy thẳng hang rồng dữ
Cướp được san-hô quí một cành.

Trâu sắt lại nhảy thẳng xuống biển, vào hang rồng cướp lấy san-hô là vật quí ở Long cung.

Thần biển nâng lên sáng trời đất
Na-tra nổi giận uy đức mờ.

Trâu sắt vào Long cung lấy được san-hô thì Thần biển nâng lên tỏa sáng cả trời đất. Diệu dụng này quá phi thường, uy đức của Na-tra không thể sánh nên nổi giận. Theo kinh Tối Thượng Bí Mật Ma-noa Thiên, Na-tra là vị Thái tử thứ năm của Tỳ-sa-môn Thiên vương, ông thường cầm gậy kích quan sát một phương, ngày đêm gìn giữ Quốc vương, đại thần, bách quan, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, cư sĩ. Nếu người nào có ác tâm làm hại những vị này thì ông dùng gậy kim cang đập trên đầu hoặc đâm vào tim kẻ ấy. Có một lần Na-tra lóc hết thịt trả cho mẹ, gắp hết xương trả cho cha rồi hiện nguyên hình thuyết pháp. Dưới mắt người tu thấy thân này, từ da thịt cho tới xương tủy là do cha mẹ mà có không phải là của ta thì thân chân thật hiện ra, còn nếu chấp là của ta thì thân chân thật không hiện, khuất mất. Thế nên chúng ta tu là phải có gan, “lóc hết thịt gắp hết xương trả cho cha mẹ”, mới mong thân chân thật hiển bày sống đời tự tại giải thoát. Na-tra là vị thần trấn giữ một phương ủng hộ người lành dẹp trừ người dữ, uy đức lớn lao như thế mà khi san-hô được trâu sắt lấy từ Long cung, thần biển nâng lên tỏa ánh sáng cả trời đất, khiến cho Na-tra nổi giận vì uy đức của ông kém thua. Đây là nói cái diệu dụng của người tu khi tâm lặng lẽ không còn dấy động, giống như trâu sắt húc vỡ núi Tu-di và xuống biển vào Long cung lấy san-hô là một việc không thể nghĩ bàn. Ý này tán thán Thượng Sĩ không còn vọng niệm sanh diệt có được diệu dụng không thể nghĩ lường.

Ha! Ha! Ha! cũng rất kỳ
Dương Xuân Bạch Tuyết hòa rất ít.

Dương Xuân Bạch Tuyết lấy từ điển tích Tạ Hy Dật luận về đàn cầm nói: Lư Duyên Tử giỏi về đàn và trống, nên chế ra khúc nhạc Dương Xuân Bạch Tuyết. Ngài Tông Cảnh cười ha! ha! ha! Và nói rất là kỳ vì khúc nhạc Dương Xuân Bạch Tuyết, người cả nước mà chưa quá mười người hòa được khúc nhạc này, nên nói hòa rất ít.

Một mức sau cùng hội thế nào?
Án tố rô, tố rô, tất rị, tất rị.

Chỗ cuối cùng rốt sau làm thế nào để hiểu? Ngài nói muốn hiểu thì chỉ “án tố rô, tố rô, tất rị, tất rị”. Nhiều người không thấu suốt chỗ này cho rằng Thiền tông Việt Nam pha lẫn thần chú Mật tông. Mức sau cùng là chỗ không còn nghĩ bàn suy tính. Còn nghĩ bàn suy tính thì không phải là mức cuối cùng. Thần chú thì không thể nghĩ suy để hiểu, chỉ là câu để nói lên chỗ ngôn ngữ không thể diễn tả, ý niệm không thể nghĩ bàn. Chỗ này, có vị thì nói “đốt”, có vị thì hét, có vị thì làm thinh... Ở đây ngài Tông Cảnh thì đọc Án tố rô, tố rô, tất rị, tất rị.

- Đệ tử cư sĩ hiệu Thiên Nhiên, Vương Như Pháp cúi đầu kính cẩn tán:

Thật kỳ đặc! Thật kỳ đặc!
Trâu đất rống trăng không kẹt mắc
Viết ra sáu bảy trí tuệ môn
Chớ nói núi bút cùng biển mực.

Thật kỳ đặc! Thật kỳ đặc!

Cái đặc biệt của Thượng Sĩ là quá siêu thoát không thể diễn tả nổi, nên nói thật kỳ đặc.

Trâu đất rống trăng không kẹt mắc.

Trăng sáng và trâu đất rống không dính gì nhau; ý nói có hành động mà không dính mắc.

Viết ra sáu bảy trí tuệ môn.

Từ chỗ không dính mắc đó có đầy đủ tất cả cửa trí tuệ. Những cửa trí tuệ đó muốn diễn tả cũng khó mà diễn tả được, dù cho dùng viết nhiều như núi, dùng mực nhiều như biển, cũng không diễn tả ghi chép hết được những diệu dụng của cửa trí tuệ.

- Trúc Lâm Thị giả đệ tử Pháp Cổ cúi đầu kính cẩn tán:

Xưa Quốc sư, nay Thượng Sĩ
Cùng một trượng phu chia đây kia.
Tác giả Tỳ-da đứng dưới gió
Lão ngốc Bàng Công một trái cà.
Giáo giáp ba huyền phá lao quan
Trong khoảng chớp mắt thôi nghĩ suy.
Mí mắt che mất núi Tu-di
Trong miệng nuốt ngang nước biển cả.
Dưới hàm rồng dữ đục ly châu
Phóng sợi tơ sen cột cọp lớn.
Pháp vương vương pháp mặc tung hoành
Nắm tay chung đường quên mi tớ.
Rảnh rang đùa gẩy đàn không dây
Làng múa thôn ca câu: La lý!
Lý la la! La lý lý!
Chẳng thuộc cung thương giốc vũ chủy.
Thầy tôi nối tiếng ông Như Điệu
Phong thái khác thường lại đẹp thêm.
Tử Kỳ mất rồi tri âm ít
Bao điều cao rộng ở nơi nao?
Người sau tiếp vang nối lời rỗng
Nhận được như xưa lại chẳng phải.
Ôi!

Xưa Quốc sư nay Thượng Sĩ
Cùng một trượng phu chia đây kia.

Xưa Quốc sư là Quốc sư Huệ Trung đệ tử của Lục Tổ ở Trung Hoa đời nhà Đường. Nay Thượng Sĩ là Tuệ Trung Thượng Sĩ ở Việt Nam. Hai vị tuy cùng là trượng phu mà chia người ở Trung Quốc người ở Việt Nam.

Tác giả Tỳ-da đứng dưới gió
Lão ngốc Bàng Công một trái cà.

Hai câu này so sánh cư sĩ Duy-ma-cật (Tỳ-da) và cư sĩ Bàng Long Uẩn (Bàng Công) với Thượng Sĩ. Theo kinh Duy-ma-cật thì cư sĩ Duy-ma-cật bệnh, Phật sai các vị Bồ-tát và Thanh văn đến thăm. Giữa ông và các vị Bồ-tát Thanh văn nói chuyện đạo lý, được ghi lại thành một quyển kinh tên là Duy-ma-cật Sở Thuyết. Chính duyên sự này, coi ông như là tác giả của kinh Duy-ma-cật, nên đây nói tác giả Tỳ-da. Cư sĩ Duy-ma-cật ở thành Tỳ-da-ly, nói Tỳ-da là nói gọn. Theo ngài Pháp Cổ thì cư sĩ Duy-ma-cật so với Thượng Sĩ chỉ là người đứng dưới gió thôi. Ngài Pháp Cổ so sánh như thế, cho chúng ta thấy Ngài tự ái dân tộc hơi nhiều. Còn cư sĩ Bàng Long Uẩn sánh với Thượng Sĩ thì ông chỉ là một trái cà thôi. Ngài nói như thế cũng hơi quá đáng, đề cao mình mà xem thường người khác.

Giáo giáp ba huyền phá lao quan
Trong khoảng chớp mắt thôi nghĩ suy.

Ba huyền thuộc giáo nghĩa của tông Lâm Tế:

  1. Thể trung huyền là chỉ cho Thể.
  2. Cú trung huyền là chỉ cho Tướng.
  3. Huyền trung huyền là chỉ cho Dụng.

Một câu nói phải có đủ tam huyền tam yếu, ngày xưa Tổ Lâm Tế hay nói như vậy. Ngài nói ra câu nào cũng đều có đủ Thể Tướng Dụng, nói như thế mới đúng với tinh thần của người đạt đạo. Người đạt đạo không bao giờ nói suông. Tam huyền của tông Lâm Tế đối với các tông phái khác thấy nó như là giáo là giáp, phải mang nó để phá vượt qua ba cổng cứng chắc để vào ngôi nhà Pháp thân. Trong cái chớp mắt không có gì phải bàn tính phải suy gẫm, phải ngay nơi đó mà nhận biết.

Mí mắt che mất núi Tu-di
Trong miệng nuốt ngang nước biển cả.

Mí mắt Ngài che khuất núi Tu-di, miệng Ngài chỉ hớp là cạn hết biển cả. Đây ngài Pháp Cổ tán thán cái kỳ đặc của Thượng Sĩ.

Dưới hàm rồng dữ đục ly châu
Phóng sợi tơ sen cột cọp lớn.

Ý nói Thượng Sĩ có khả năng vào trong biển cả, đục dưới hàm con rồng dữ, lấy hạt minh châu mà không có gì nguy hiểm. Cũng như lấy sợi tơ của cọng sen mà cột con cọp, Ngài vẫn làm được không có gì trở ngại. Đó là tán thán cái diệu dụng phi thường của Thượng Sĩ sau khi đã đạt đạo.

Pháp vương vương pháp mặc tung hoành
Nắm tay chung đường quên mi tớ.

Pháp vương là Vua pháp, chỉ cho đức Phật. Vương pháp là pháp của Phật. Thượng Sĩ sống một cách tự tại mặc tình ngang dọc. Song, đối với pháp của Phật vẫn không sai không lạc. Cùng đi một đường mà không thấy ta không thấy người, không thấy kia không thấy đây.

Rảnh rang đùa gảy đàn không dây
Làng múa thôn ca câu: La lý!
Lý la la! La lý lý!
Chẳng thuộc cung thương giốc vũ chủy.

“La lý! Lý la la! La lý lý!” là điệu nhạc ngày xưa. Điệu nhạc này không thuộc năm điệu cung, thương, giốc, vũ, chủy. Thượng Sĩ mỗi khi nhàn rỗi, Ngài gảy đàn không dây. Đàn không dây làm sao gảy? Vậy mà Thượng Sĩ gảy đàn không dây, khi Ngài gảy thì cả làng múa cả thôn ca câu: La lý! Lý la la! La lý lý! Cả làng xóm đều nổi dậy những tiếng ca tiếng hát. Đây muốn nói Thượng Sĩ đã sống được với Thể chân thật rồi, việc làm của Ngài không có hình ảnh tướng mạo mà vẫn cảm hóa được người chung quanh, không có cái gì mà không cảm thông, không có cái gì là chướng ngại.

Thầy tôi nối tiếng ông Như Điệu
Phong thái khác thường lại đẹp thêm.

Chữ Như Điệu tôi tra không ra, nhưng theo tôi hiểu thì có lẽ là một hiệu khác của Thiền sư Tiêu Dao. Vì thường thường một Thiền sư có nhiều hiệu, hơn nữa Thượng Sĩ là người được pháp ở Thiền sư Tiêu Dao nên mới nói thầy tôi nối tiếng ông Như Điệu. Phong thái của Thượng Sĩ kỳ đặc khác thường mà lại tươi đẹp.

Tử Kỳ mất rồi tri âm ít
Bao điều cao rộng ở nơi nao?

Tử Kỳ và Bá Nha là đôi bạn tri âm, Bá Nha đàn chỉ có Tử Kỳ nghe mới cảm thông sâu sắc tâm trạng vui buồn của Bá Nha. Nhưng khi Tử Kỳ mất rồi thì Bá Nha chẳng biết đàn cho ai nghe, nên đập đàn. Cũng vậy, trò chỉ có thầy thông cảm, bây giờ thầy mất rồi, trò có nói cũng không ai biết được. Dù những lý cao sâu mà trò thấu suốt, chẳng biết diễn đạt trình bày cho ai cảm thông.

Người sau tiếp vang nối lời rỗng
Nhận được như xưa lại chẳng phải.

Thượng Sĩ là người tiếp nối tiếng của ngài Như Điệu. Người sau tiếp nối Thượng Sĩ là chỉ tiếp những tiếng vang lời rỗng; mà không nhận thấu được ý của người xưa, nên nói nhận được như xưa lại chẳng phải.

- Trúc Lâm Thị giả Tuệ Nghiêm kính cẩn tán:

Lò hồng điểm tuyết
Tháng chạp hoa sen.
Bút nào tả xiết
Lời nào nói cùng.
Chọi đá nháng lửa
Điện xẹt chớp sáng.
Sức đâu đuổi kịp
Nơi nào mà tìm.
Đó là Thượng Sĩ
Khó lường cơ Ngài
Hòa cùng ánh sáng
Đồng với tục tăng.
Tỳ-da nắm tay
Hoành Dương kết mày
Vòng vàng gai góc
Nuốt đó thấu đó.
Con trâu con khỉ
Đánh vào rừng Thiền
Ghìm đầu cọp dữ
Quỉ thần vườn pháp
Miệng trống vừa truyền
Xuân vào cành vàng
Cổ chùy! Cổ chùy!

Lò hồng điểm tuyết
Tháng chạp hoa sen.

Trong lò hồng lửa cháy rực làm gì có tuyết mà đây nói có một điểm tuyết trong lò hồng. Cũng như tháng chạp là tháng mùa Đông làm gì có hoa sen, nhưng mà vẫn có hoa sen mùa Đông. Ý câu này muốn nói lên cái kỳ đặc là ở trong thế gian không có những người có phong cách kỳ đặc như Thượng Sĩ, nhưng mà có, đó là Thượng Sĩ. Đây tán thán Thượng Sĩ là con người kỳ đặc ở trong thế gian mà người đời khó biết.

Bút nào tả xiết
Lời nào nói cùng.

Chẳng có bút mực nào có thể viết để diễn tả, cũng như không có lời nào để phô bày cho hết cái kỳ đặc của Ngài.

Chọi đá nháng lửa
Điện xẹt chớp sáng.
Sức đâu đuổi kịp
Nơi nào mà tìm.

Chọi đá thấy nháng lửa, song lửa nháng rồi tắt, hay như làn điện chớp, xẹt ánh sáng rồi mất, muốn tìm khó mà thấy được, vì nó không có chỗ nơi làm sao chúng ta tìm thấy được.

Đó là Thượng Sĩ
Khó lường cơ Ngài.

Cái kỳ đặc vừa nói khó tìm khó kiếm lại chính là phong cách của Thượng Sĩ, người đời khó mà lường được cơ phong của Ngài.

Hòa cùng ánh sáng
Đồng với tục tăng.

Thượng Sĩ sống trong đời cũng như ánh sáng hòa với bụi bặm, hình tướng của Thượng Sĩ đồng với người thế tục, mà tâm của Ngài như tăng sĩ xuất gia, hướng dẫn giáo hóa người xuất gia.

Tỳ-da nắm tay
Hoành Dương kết mày.

Tỳ-da chỉ cho cư sĩ Duy-ma-cật, còn Hoành Dương chỉ cho Bàng Long Uẩn, vì Bàng Long Uẩn sanh ở đất Hoành Dương. Đối với cư sĩ Duy-ma-cật ở thời đức Phật thì Thượng Sĩ là người tương đương, nên nắm tay đồng hành. Đối với cư sĩ Bàng Long Uẩn đời Đường ở Trung Hoa thì Thượng Sĩ là người có mày ngang với mày của Bàng Long Uẩn.

Vòng vàng gai góc
Nuốt đó thấu đó.

Dù là những công án khó khăn gai góc Ngài cũng thấu qua, không ngại, không kẹt.

Con trâu con khỉ
Đánh vào rừng Thiền.

Người tu Thiền thường nói chăn giữ con trâu (tâm) không cho chạy vào đồng cỏ. Hoặc nói phải giữ con khỉ (tâm ý) nằm yên, không cho nó chạy nhảy lung tung. Đó là cách điều phục tâm thông thường của người tu, nhưng đối với Thượng Sĩ thì khác. Ngài đánh đuổi nó chạy tuốt vào rừng Thiền, nó nằm ngủ yên trong đó.

Ghìm đầu cọp dữ
Quỉ thần vườn pháp
Miệng trống vừa truyền
Xuân vào cành vàng
Cổ chùy! Cổ chùy!

Cọp dữ thì tay Ngài ghìm nó biến thành quỉ thần ở trong vườn pháp. Một phen đánh trống pháp thì tất cả biến thành mùa xuân, mọi người biến thành pháp khí.

Cổ chùy! Cổ chùy!

Ngài Tuệ Nghiêm tán thán Thượng Sĩ là một con người kỳ đặc hiếm có trong đời.

Lúc dịch tôi bỏ bớt bài tán của điệu Pháp Đăng.

Mục Lục