Thiền Tông Việt Nam
Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải (1996)
Đối Cơ 2 (Trả Lời Người Hỏi)

Dịch:

Lại hỏi:

- Tổ Qui Sơn nói “sau trăm năm, Lão tăng đến dưới núi làm con trâu”, ý chỉ thế nào?

Thầy đáp:

Nếp đỏ mổ thừa hạt anh võ,
Ngô đồng biếc đậu cành phượng hoàng.

Lại hỏi:

- Xưa Thái tử Tất-đạt-đa vào miếu thiên thần, tượng thần sụp lạy dưới chân việc ấy thế nào?

Thầy đáp:

Xòe nắm vẫn một bàn tay
Ấn mắt thấy ngàn sai khác.

Giảng:

Câu “Tổ Qui Sơn nói ‘sau trăm năm, Lão tăng đến dưới núi làm con trâu’ ý chỉ thế nào” được nói gọn từ câu bảo chúng của Tổ Qui Sơn: “Sau khi Lão tăng trăm tuổi đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái viết năm chữ ‘Qui Sơn tăng Linh Hựu’. Khi ấy gọi là Qui Sơn tăng hay gọi là con trâu? Gọi là con trâu hay gọi là Qui Sơn tăng? Gọi thế nào mới đúng?” Vị Tăng hỏi ý chỉ của câu nói này, được Thượng Sĩ đáp:

Nếp đỏ mổ thừa hạt anh võ,
Ngô đồng biếc đậu cành phượng hoàng.

Hai câu này là thơ của Đỗ Phủ. Đỗ Phủ muốn dùng lối thơ đổi ngược để diễn tả cái kỳ đặc của ông (Xem bản chữ Hán). Từ cái ý đổi ngược đó chúng ta thấy rõ ý nghĩa câu chuyện này. Câu nói xuôi là chim anh võ mổ hạt nếp đỏ, đây đổi ngược lại là nếp đỏ mổ thừa hạt anh võ. Và câu: Ngô đồng biếc đậu cành phượng hoàng, nói xuôi là: Chim phượng hoàng đậu cành ngô đồng biếc. Thượng Sĩ dẫn hai câu thơ của Đỗ Phủ để nói lên ý nghĩa gì? Tôi đọc lời dạy chúng của Thiền sư Bổn Tịch, thuộc tông Tào Động cho quí vị nghe để hiểu ý nghĩa này:

Ngài dạy chúng:

- Tình phàm kiến Thánh là khóa kín đường huyền, hẳn phải hồi hỗ.

Người lấy chánh mạng thật phải đủ ba thứ đọa: Một là phi mao đới giác. Hai là bất đoạn thanh sắc. Ba là bất thọ thực.

Khi ấy, Trù Bố Nạp hỏi:

- Phi mao đới giác là cái gì đọa?

Sư đáp:

- Là loại đọa (bản xưa chép Sa-môn đọa).

- Bất đoạn thanh sắc là cái gì đọa?

- Là tùy đọa (tùy loại đọa).

- Bất thọ thực là cái gì đọa?

- Là tôn quí đọa.

Sau, Ngài nói kệ dạy chúng, Vân Môn hỏi:

- Thế nào là hạnh Sa-môn?

Sư đáp:

- Ăn lúa mạ của thường trụ ấy vậy.

- Liền khi ấy đi thì sao?

- Ngươi lại chứa được chăng?

- Chứa được.

- Ngươi làm sao chứa?

- Mặc y ăn cơm có cái gì khó?

- Sao chẳng nói mang lông đội sừng?

Những câu đáp của ngài Tào Sơn cũng nhằm nói lên ý của Thiền sư Qui Sơn nói ở trước. Theo quan niệm thông thường của chúng ta, tu là phải đi lên, chết là phải làm tiên thánh. Khi nghe ngài Qui Sơn nói Ngài chết sẽ làm con trâu dưới núi, chúng ta nghĩ tu cả đời chết mà bị đọa làm con trâu dưới núi thì buồn, sợ, thắc mắc. Ngài nói không nhằm ý này, đây chỉ là một lối nói. Ngài Tào Sơn nói muốn được chánh mạng là phải đủ ba thứ đọa, đọa thứ nhất là phi mao đới giác đọa. Phi mao đới giác chỉ cho loài cầm thú, đó là con trâu dưới núi. Ý nói Sa-môn muốn đến tận chỗ cứu kính thì, phải sống như con trâu ăn cỏ lúa mà không nghĩ suy hơn thiệt, không phân biệt phải quấy. Tuy nói con trâu, nhưng ngầm ý nói sống hoạt động mà tâm không động, làm tất cả mà tâm không xao xuyến lo nghĩ. Nghe nói con trâu, chúng ta tưởng tu chết sanh làm con trâu nên lo. Vì vậy, Thượng Sĩ dùng hai câu thơ đảo ngữ để trả lời, đây là lối nói ngược chớ không phải nói theo lẽ thông thường.

Sau Vân Môn hỏi “thế nào là hạnh Sa-môn” tức là phi mao đới giác đọa thì Thiền sư Tào Sơn trả lời “ăn lúa mạ của thường trụ ấy vậy”.

Ăn lúa mạ của thường trụ là ăn cái gì? - Sáng đánh kiểng, Sa-môn tới quả đường thọ thực là ăn lúa mạ của thường trụ, ăn chỉ biết ăn, không khởi niệm khen chê hay mong cầu; ăn như trâu ăn cỏ không nghĩ suy tính toán.

Vân Môn hỏi tiếp:

- Liền khi ấy thì sao?

Thiền sư Tào Sơn trả lời:

- Ngươi lại chứa được chăng?

Vân Môn đáp:

- Chứa được.

Thiền sư Tào Sơn hỏi:

- Ngươi làm sao chứa?

Vân Môn đáp:

- Mặc y ăn cơm có cái gì khó?

Khi mặc y, ăn cơm, làm việc, đi, đứng... tâm không khởi niệm phân biệt so sánh mới chứa được “cái Sa-môn đọa” hay “phi mao đới giác đọa”.

Thiền sư Tào Sơn nói tiếp:

- Sao chẳng nói mang lông đội sừng?

Chúng ta thấy các Thiền sư không ngại không e dè nói lên những điều xấu. Chúng ta ngày nay tu, lúc gần tịch muốn nói cho oai, hoặc nói cho người ta thích thì nói tốt, không dám nói những cái xấu sợ người ta buồn. Các ngài thì không sợ, dám dùng lối nói ngược và xấu như vậy đó.

Người khi đã đạt đạo, thực hành hạnh Bồ-tát, sống trong các loài mà không có tâm niệm dính mắc trong các loài, đó là hạnh của các Thiền sư. Trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn, Bồ-tát Quán Thế Âm có nguyện: Nếu chúng sanh cần đồng nam độ, Ngài hiện đồng nam độ, nếu chúng sanh cần đồng nữ độ, Ngài hiện đồng nữ độ, chúng sanh cần tể quan độ, Ngài hiện tể quan độ... Tùy sở cầu của chúng sanh mà Bồ-tát hiện thân để hóa độ, chớ không cố định hiện ở cõi người hay cõi trời thôi.

Vị Tăng ấy nhắc lại câu chuyện: Thái tử Tất-đạt-đa vào miếu thiên thần, tượng thần sụp lạy dưới chân, hỏi Thượng Sĩ việc ấy như thế nào?

Trong sử có ghi một đoạn nói về việc này. Lúc Thái tử lên ba, được Di mẫu dẫn tới yết kiến thần Kỳ-bà thiên, khi Ngài bước vào đền thì tượng thần đứng dậy đảnh lễ Ngài. Thượng Sĩ đáp bằng hai câu kệ:

Xòe nắm vẫn một bàn tay
Ấn mắt thấy ngàn sai khác.

Nghĩa là xòe năm ngón tay ra hay co năm ngón tay lại, cũng chỉ là một bàn tay, chớ không có hai bàn tay một xòe một nắm. Cái thấy cũng vậy, đứng thấy hay ngồi thấy cũng chỉ là cái thấy thôi. Tại vì dụi mắt làm cho mắt lòa nên thấy có muôn ngàn thứ sai khác. Để thấy, những tướng lạ coi như mầu nhiệm, nhưng đối với Thiền sư, các ngài thấy đó chỉ là một việc thường, không có gì quan trọng.

Dịch:

Có vị hỏi:

- Ngài Nam Tuyền bán mình, ý chỉ thế nào?

Thầy đáp:

- Chính lúc chưa bán mạng, ý chỉ thế nào?

Vị Tăng lặng câm. Thầy nạt đuổi ra.

Giảng:

Một hôm, Thiền sư Nam Tuyền ở giữa chúng nói rằng:

- Lão tăng sẵn sàng bán thân này cho các ông, có ai mua không? Bán với giá không mắc không rẻ.

Đây là thuật khai ngộ của người xưa, vị Tăng này không thông, chỉ hiểu Thiền sư Nam Tuyền bán thân nên mới đem hỏi Thượng Sĩ. Thượng Sĩ hỏi lại:

Chính lúc chưa bán mạng, ý chỉ thế nào?

Phương tiện của người xưa nói ra, nhằm khai ngộ cho đệ tử nhận ra ý chỉ Thiền. Bán thân mà không bán mắc, không bán rẻ. Vậy bán giá nào? Ai biết được giá này để mua? Nếu bán giá cao thì mắc, bán giá thấp thì rẻ, giá nửa chừng cũng thuộc rẻ. Vậy ai mua được?

Dịch:

Có vị hỏi:

- Hòa thượng Thủy Lạo mới đến tham vấn Mã Tổ, hỏi về “ý Tổ sư từ Ấn Độ sang”. Mã Tổ đạp một đạp té nhào. Thủy Lạo đứng dậy liền đại ngộ, vỗ tay cười to: Hả! Hả! Là ý thế nào?

Thầy đáp:

Cái đạp của voi lớn
Không phải lừa chịu nổi.

Lại hỏi:

- Sau này Thủy Lạo dạy chúng, nói “từ khi ăn cái đạp của Mã Tổ đến ngày nay cười mãi chẳng thôi”, lại là sao?

Thầy đáp:

- Tiếng gầm rống của sư tử thật, đâu phải tiếng kêu rú của dã can.

Lại thưa:

- Tôi không hiểu.

Thầy dùng kệ chỉ dạy:

Một đạp ngã nhào
Ai hay tìm xét.
Đứng dậy cười to
Lại sanh buồn thảm.
Muốn hiểu Tây sang
Ngựa tơ ăn cỏ.

Vị Tăng lễ bái, lui ra.

Giảng:

Câu “thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang”, tất cả người tu Thiền ai cũng thắc mắc không biết Tổ Bồ-đề-đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa mang ý chỉ gì để dạy cho người? Bấy giờ ngài Thủy Lạo đem ra hỏi Mã Tổ, bị Mã Tổ đạp cho một đạp, ngài Thủy Lạo té nhào, khi đứng dậy thì đại ngộ, cười hả! hả! Vậy cái cười đó ý nghĩa thế nào? Thượng Sĩ nói cái đạp đó là cái đạp của voi lớn, hạng lừa nhỏ chịu không nổi, đừng có hỏi.

Vị Tăng ấy lại hỏi tiếp: Sau này ngài Thủy Lạo dạy chúng nói “từ khi ăn cái đạp của Mã Tổ cho đến ngày nay cười mãi không thôi” là sao? Thượng Sĩ nói tiếng gầm rống của sư tử to lớn vang dội cả núi rừng, tất cả thú rừng đều khiếp đảm, không giống tiếng kêu rú của dã can, chẳng thú rừng nào sợ cả đừng có bắt chước. Mã Tổ biết ngài Thủy Lạo có khả năng lãnh hội được ý chỉ Thiền, nên Ngài hỏi, Mã Tổ chỉ liền bằng cái đạp, Ngài nhận ra ngay và cười hả! hả! Nếu là kẻ tầm thường như bọn dã can chúng ta có hỏi câu ấy, chắc không được ăn đạp. Ngài Thủy Lạo được ăn đạp nên từ đó Ngài cười mãi không thôi. Theo Thượng Sĩ thì đó là tiếng gầm rống của sư tử, chớ không phải tiếng kêu của dã can.

Thượng Sĩ dạy như thế mà vị Tăng vẫn chưa hội, nên Ngài phải nói kệ dạy tiếp:

Một đạp ngã nhào
Ai hay tìm xét.

Vừa khởi niệm muốn biết ý Tổ sư từ Ấn Độ sang là đã trật rồi, huống gì đem ra hỏi. Hỏi là bị ăn đạp té nhào; ngay khi ăn đạp mà hội được ý Tổ sư như ngài Thủy Lạo thì cười suốt đời, còn nếu thắc mắc nghĩ ngợi thì đã lỗi lại thêm lỗi.

Đứng dậy cười to,
Lại sanh buồn thảm.

Ngài Thủy Lạo ăn đạp của Mã Tổ, liền hội được ý chỉ của Tổ sư, nên cười hả! hả! Thế mà người đời sau cứ thắc mắc nghi vấn nên buồn thảm; buồn ở chỗ thắc mắc nghi vấn đó.

Muốn hiểu Tây sang
Ngựa tơ ăn cỏ.

Hai câu này dẫn lời của Tổ Bát-nhã-đa-la huyền ký cho Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa, sau này dưới Ngài sẽ có con ngựa tơ ăn cỏ. Ý của câu này nói, sau Tổ Bồ-đề-đạt-ma sẽ có Mã Tổ ra đời làm hưng thạnh Thiền tông ở Trung Hoa. Ngựa là Mã, Mã Tổ họ Mã, hiệu Đạo Nhất, đây không gọi hiệu mà gọi họ. Mã Tổ là người mà Tổ Bát-nhã-đa-la thấy sau này sẽ làm hưng thạnh Thiền tông tại Trung Hoa, và Thiền tông Việt Nam chịu ảnh hưởng cũng lớn, vì dưới Mã Tổ có Bá Trượng Hoài Hải, dưới Bá Trượng có Vô Ngôn Thông, Vô Ngôn Thông đem Thiền tông từ Trung Hoa sang Việt Nam, lập ra phái thiền Vô Ngôn Thông sau phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Như vậy là Thiền tông Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng “ngựa tơ ăn cỏ”.

Mục Lục