Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20
Lời Đầu Sách
Đây là quyển sách đầu tiên chúng tôi viết về Thiền. Nó đã thai nghén nhiều năm, nay mới ra mắt độc giả. Chúng tôi cho nó ra đời nhằm vào những điểm sau đây: Để bổ cứu phần nào lối học Phật mất gốc của Phật giáo đồ Việt Nam. Để giúp cho những người có thiện chí tu thiền biết được lối tu và phân biệt tà chánh. Để trả lời các học giả nghiên cứu đạo Phật, thấy Thiền tông kỳ quái không liên hệ đến kinh điển. Nói Thiền tông Việt Nam là nói Phật giáo Việt Nam. Và những bậc Cao tăng làm sáng cho Phật giáo, làm lợi ích cho dân tộc từ thế kỷ thứ 6 mãi đến nay đều là các Thiền sư. Cho đến hiện nay (1991) chư Hòa thượng tịch, bài vị đều để câu “Từ Lâm Tế chánh tông đệ tam đệ tứ thập… thế…”. Thế thì có Hòa thượng nào không thừa nhận mình là con cháu nhà Thiền. Hầu hết chùa Phật hiện có ở Việt Nam, chùa nào trên chánh điện cũng thờ Phật Thích-ca, phía sau thờ Tổ Bồ-đề-đạt-ma hoặc Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Những lá phái của các chùa phát cho tín đồ trước kia đều để Lâm Tế chánh tông, Lâm Tế gia phổ hay tông Tào Động. Thử hỏi đức Phật Thích-ca thuở xưa tu pháp gì được thành Phật? Chư Tổ tu pháp gì được thành Tổ? Tông Lâm Tế xuất xứ từ tông phái nào? Đức Thích-ca đâu không do tọa thiền dưới cội bồ-đề giác ngộ thành Phật. Chư Tổ đâu không do tu thiền mà thành Tổ. Tông Lâm Tế là một hệ phái của năm hệ phái Thiền tông ở Trung Quốc. Thế mà hiện nay nghe ai nói tu thiền, đa số Tăng Ni cực lực phản đối. Quả là chúng ta đã bỏ gốc theo ngọn, quên Phật, Tổ mình đang thờ đang kính lễ, quên cả hệ phái của Tông Tổ nhà mình. Đích thực mình đã phản bội với Tổ Tông của mình. Riêng trên đất Việt Nam, Phật giáo từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê và Nguyễn là Phật giáo của hệ phái nào? Gần nhất, phái Nguyên Thiều, Liễu Quán ở Trung, chúng ta đang chịu ảnh hưởng là tông phái nào? Còn ai không biết Phật giáo qua các đời, cho đến hai vị Tổ Nguyên Thiều và Liễu Quán đều là hệ phái Thiền tông. Tại sao chúng ta hiện nay lại sợ hãi chống đối Thiền tông? Nếu vì không hiểu, chúng ta cần phải tìm hiểu cho thấu đáo. Vì không hiểu mà trở lại chống đối thì thật là vô lý. Chúng ta là Tăng sĩ Việt Nam mà không hiểu Thiền tông thật là một điều đáng hổ thẹn, huống nữa là có quan niệm chống đối. Chúng ta có quyền nghi ngờ về sự truyền bá Thiền, song không có quyền chống đối. Bởi nghi nên chúng ta phải theo dõi tìm hiểu cho tường tận, nếu lối dạy Thiền ấy là đúng đường hướng Phật Tổ, chúng ta tùy hỉ tán dương; bằng trái lại là Thiền tà ngoại, cần phải chỉ trích cho Tăng Ni, Phật tử biết để tránh. Đó là thái độ của người tu chân chánh biết tồi tà phụ chánh. Không cần biết đúng hay sai, chỉ nghe nói tu Thiền là một bề phản đối, thử hỏi đây là thái độ thế nào? Và đang làm gì cho Phật giáo? Chính vì để bổ cứu cho sự học Phật thiếu cơ bản, chúng tôi cho quyển sách này ra đời. Có lắm người Phật tử hâm mộ tu Thiền, song sự có mặt của nhiều lối tu Thiền ở Việt Nam làm họ không biết đâu tà đâu chánh. Nếu người dè dặt đành chịu chùn chân không biết theo ai. Nếu người nhiệt tình nóng bỏng nghe đâu theo đó, họ dễ bị lạc vào thiền tà ngoại. Đây là một khuyết điểm lớn lao do không có người giản trạch chánh tà cho họ biết. Người chịu trách nhiệm này chính là Tăng Ni. Tăng Ni là người có bổn phận dẫn đường chỉ lối cho tín đồ tu học. Nếu chỗ sở mộ của Phật tử khác với đường lối hiện tu của mình, bổn phận mình phải chỉ cho họ nơi nào phù hợp với sở mộ mà đúng chánh pháp. Có thế Phật giáo mới trùm hết căn cơ, lợi ích khắp quần sanh. Chúng ta đừng chủ quan, tu theo tôi thì tôi dạy, không ưng theo tùy ý đi đâu thì đi. Phật giáo là tùy bệnh cho thuốc, thứ thuốc của chúng ta không hợp với người bệnh, chúng ta cần giới thiệu nơi nào có thuốc hợp với họ, đừng bắt họ một bề phải uống thuốc của mình. Làm thế, vô tình khiến người ham tu phải thối Bồ-đề tâm. Chính đây là một trong những mục tiêu chúng tôi nhắm để viết quyển sách này. Một ít học giả cho Thiền tông là quái thai của Phật giáo. Đó là kẻ đứng ở cổng ngoài Thiền tông, nếu là người vào trong nhà Thiền sẽ nói khác, Thiền tông là cốt tủy của Phật giáo. Bởi vì muốn chỉ chân lý hiện hữu nơi con người, song ngại người ta khinh thường và dễ quên, nên kinh Đại thừa nói bằng cách diễn giảng trên trời dưới đất đâu đâu, còn Thiền sư dùng thuật xuất quỉ nhập thần khiến người ta mờ mịt không hiểu. Nếu ai tháo gỡ được cây chốt bí mật đó rồi, tự nhiên thấy nó chân thật bình dị vô cùng. Chừng đó mới thấy Kinh và Thiền không có hai lối. Tuy nhiên Thiền tông luôn luôn tuyên bố giáo ngoại biệt truyền, cốt dẫn hành giả thấy đến nơi sống chân thật, không mắc kẹt trên văn tự ngữ ngôn, không chết chìm trong suy tư lý luận. Nếu Thiền tông khác với kinh Phật tức không phải đạo Phật rồi. Chính vì lẽ đó, chúng tôi mới đối chiếu Thiền và Kinh để độc giả khỏi nghi ngại. Vạch trần bộ mặt thật của Thiền tông cho độc giả thấy, chúng tôi đã phá vỡ cánh cửa bí mật của nhà Thiền. Việc làm này là có tội với những bậc căn cơ bén nhậy, nhưng có công với những kẻ căn cơ tầm thường như chúng tôi. Thời đại của chúng ta là thời đại khoa học, nặng về lý trí và chân thật, nếu dùng những ngôn từ huyền ảo, những hành động quái dị thì không bao giờ dân chúng chấp nhận. Buộc lòng chúng tôi phải nói thật, chỉ thẳng, khả dĩ nhiều người thấy rõ được tinh thần Thiền tông. Có thế Thiền tông mới sống lại trên đất nước Việt Nam. Với tinh thần khôi phục Thiền tông chúng tôi phải làm như thế, không còn cách nào khác hơn được. Tập sách này chúng tôi gom những bài viết và giảng về Thiền chung hợp lại. Đầu tiên bài viết về Cội Nguồn Thiền Tông để độc giả biết rõ nguồn gốc Thiền tông. Kế bài viết về Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20 là nói lên chỗ y cứ và chủ trương tu Thiền trong các Thiền viện. Tiếp bài viết về Yếu Chỉ Thiền Tông để thấy rõ chi tiết về lối tu Thiền tông qua sự hướng dẫn của chúng tôi. Sau cùng ba bài giảng về thiền, từ Vào Cửa Thiền đến Thấy Ông Chủ để độc giả cảm nhận con đường tiến từ bậc đầu đến viên mãn. Đã là tổng hợp các bài chung lại, về hình thức chắc hẳn thiếu sự mạch lạc, nhưng về tinh thần vẫn nhất quán. Mong độc giả khéo nhìn tường tận tinh thần của quyển sách sẽ có lợi ích trong việc tu hành. Viết tại Thiền viện Thường Chiếu ngày cuối Đông năm 1991 THÍCH THANH TỪ
Mục Lục
|
Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20
|
Lời Đầu Sách
Yếu Chỉ Thiền Tông - Yếu Chỉ Thiền Tông Hay Cốt Tủy Kinh Điển - A. Kiến Tánh
Yếu Chỉ Thiền Tông - Yếu Chỉ Thiền Tông Hay Cốt Tủy Kinh Điển - B. Khởi Tu
Yếu Chỉ Thiền Tông - Yếu Chỉ Thiền Tông Hay Cốt Tủy Kinh Điển - C. Hiệu Dụng
Yếu Chỉ Thiền Tông - Thiền Tông Với Các Kinh Đại Thừa - A. Kinh Lăng Già
Yếu Chỉ Thiền Tông - Thiền Tông Với Các Kinh Đại Thừa - B. Kinh Kim Cang
Yếu Chỉ Thiền Tông - Thiền Tông Với Các Kinh Đại Thừa - C. Kinh Lăng Nghiêm
Yếu Chỉ Thiền Tông - Thiền Tông Với Các Kinh Đại Thừa - D. Kinh Pháp Hoa