Thiền Tông Việt Nam
Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20
Yếu Chỉ Thiền Tông - Yếu Chỉ Thiền Tông Hay Cốt Tủy Kinh Điển - C. Hiệu Dụng

Ứng dụng lối tu thiền của Thiền tông một cách đúng đắn, đạt hiệu quả không thể kể hết. Vì đây là lối tu siêu thoát tột đỉnh, thẳng tắt vô cùng. Nếu ứng dụng được viên mãn thì một đời giải thoát sanh tử, từ phàm phu tiến thẳng lên Phật quả, như nói: “Mê là chúng sanh, ngộ là Phật.” Bằng ứng dụng được phần nào thì đã vào hàng Bồ-tát, tuy chưa thoát khỏi sanh tử, song đi trong sanh tử coi như dạo hoa viên. Thiền sư Từ Minh nói: “Sanh như đắp chăn Đông, tử như cởi áo Hạ.” Dưới con mắt các Thiền sư, thật cuộc đời là mộng huyễn không hoa, không có gì là chướng ngại. Công dụng hữu hiệu tạm chia làm hai phần:

1. Tánh giác là hòn ngọc như ý:

Tất cả nhân loại không quí gì bằng sanh mạng, sanh mạng được coi trọng nhất trên nhân gian này. Bởi vì tất cả của cải sự nghiệp, danh vọng tài sắc… đều để tô điểm cho sanh mạng. Mất sanh mạng tất cả cái ấy trở thành vô nghĩa. Song sanh mạng con người thời nay, nếu kéo dài lắm chỉ trong vòng bảy tám mươi năm. Cái đau khổ nhất của con người là khi nghe mình sắp mất sanh mạng. Vì thế bất cứ sự cầu khẩn, van xin, quị lụy, lạy lục nào miễn là được kéo dài thêm sanh mạng thì họ sẵn sàng làm. Nhưng cuối cùng con người đành phải trói tay cúi đầu dưới nhát kiếm của con quỉ vô thường. Thật là mối đau khổ truyền kiếp không ai thoát được. Nếu có một phương pháp nào khiến con người thoát được cái chết thì trên nhân gian này còn gì quí bằng! Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu quí vị phương thuốc hi hữu duy nhất trên đời, nếu quí vị uống nó vào thì “bất tử”, chính là Tánh giác của quí vị đấy. Người giác ngộ Tánh giác là nhận ra được cái “bất tử”. Vì thế Tánh giác này được Phật dụ là hòn ngọc như ý. Được hòn ngọc này rồi, con người dứt sạch mọi đau khổ, mọi mong cầu đều toại nguyện. Nhưng rất tiếc, hòn ngọc quí để bên gói bánh kẹo, với đứa bé lên năm bao giờ cũng quí gói bánh kẹo, xem thường hòn ngọc. Cũng thế, Tánh giác thường hằng, đơn giản, hiện hữu nơi chúng ta, mà bị chúng ta lãng quên. Chúng ta cứ say mê theo cái tưởng tượng, cái nhớ nhung, cái suy tư, cái tính toán, cái so sánh… quên bẵng Tánh giác. Nếu có người chỉ thẳng Tánh giác ấy cho thấy, cũng vẫn xem thường. Vì thương đứa bé, muốn nó nhận hòn ngọc để sau này no ấm đời đời, người trí phải nói với nó: “Hòn ngọc này sẽ làm ra nhiều bánh kẹo, có nó thì muốn bánh kẹo lúc nào cũng có, chẳng những bánh kẹo mà mọi đồ chơi cũng đầy đủ nữa.” Do thích bánh kẹo, ham đồ chơi, đứa bé nhận hòn ngọc. Cũng vậy, đức Phật diễn tả trong kinh nào là Tam thân, Tứ trí, Ngũ nhãn, Lục thông, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng v.v… và v.v…, đều đầy đủ nếu người nào ngộ được Tánh giác. Vì thích thần thông tự tại biến hóa vô cùng, chúng ta phát tâm Bồ-đề hướng về Tánh giác. Hoặc vì tánh hiếu kỳ, ưa tưởng tượng quái dị, những người này không thích cái gì đơn giản bình dị, muốn chỉ Tánh giác thực hữu mà giản đơn cho họ, không sao tránh khỏi họ sẽ xem thường. Buộc lòng đức Phật phải nói một cách khó khăn, quá sức tưởng tượng của họ, có thế họ mới quí trọng kính nể và tìm tòi tu tập.

Thật sự Tánh giác lồng sẵn nơi con người xác thịt của chúng ta, nó lộ liễu từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta, song nó không phải mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Vì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là phần vật chất do tứ đại hòa hợp mà thành; tứ đại thể nó vô tri nên không phải Tánh giác. Ý là cái tâm vọng tưởng quấy động bám vào bóng dáng của trần cảnh, biến động sanh diệt, chợt có chợt không, chẳng phải Tánh giác. Bởi vì Tánh giác là liễu tri thường hằng, không tướng mạo, không sanh diệt. Cho nên năm căn tiếp xúc với năm trần, liễu tri mà không so sánh phân biệt, đó là hiện tướng của Tánh giác. Nhẫn đến khi không có năm trần, Tánh giác cũng hằng lộ liễu như vậy. Bên trong ý thức dấy động hay dừng nghỉ, biết rõ mọi động tác của ý là Tánh giác. Nếu không Tánh giác, cái gì biết ý thức có động hay không động? Vì Tánh giác không động, không tướng mạo nên không sanh diệt. Sống được với Tánh giác là đi vào bất tử (vô sanh), sống với vọng tưởng là đi vào sanh tử. Bất tử là Niết-bàn giải thoát, sanh tử là luân hồi đau khổ. Vọng tưởng là cái động của Tánh giác, vọng tưởng lặng xuống là Tánh giác tròn đầy. Chúng tôi mượn bài kệ của Thiền sư Thanh Hồng để kết thúc đoạn này:

Chân không trạm tịch duy thường tại
Bất giác lương điền vọng sở mông
Chân tánh hà tằng ly vọng hữu
Hoa khai hoa lạc tự xuân phong.

Chân không lặng lẽ thường còn mãi
Chẳng biết lương điền vọng che lồng
Chân tánh đâu từng lìa vọng có
Hoa khai hoa rụng tự gió xuân.

2. Tự tại khi chết:

Người tu thiền cốt yếu được sanh tử tự tại, khi sống cũng như khi chết mình hoàn toàn làm chủ. Muốn làm chủ khi chết, chính lúc còn sống này mình phải làm chủ cả thể xác lẫn tâm hồn. Như Thiền sư Đạo Giai nói: “Muốn biết khi chết được tự tại (hay) không tự tại, chỉ xem hiện tiền tự do (hay) chẳng tự do.” Tự do đây có nghĩa là mình làm chủ mình hoàn toàn, không phải tự do đối với xã hội. Đối với danh vọng tài sắc… không quấy nhiễu được ta, đối với khổ vui sống chết… không phiền lụy đến ta, ta sống trong cuộc đời phồn tạp mà vẫn không vướng bận, như cây bá hiên ngang đứng sừng sững giữa trời. Trong khi sống tự tại như vậy, đến lúc chết làm gì chẳng tự do. Tại sao được như vậy? Bởi vì chúng ta đã thấy rõ cái không sanh tử ở trong cái sanh tử, có cái chân thật nằm trong cái giả dối. Các Thiền sư vì sống với cái chân thật nên không màng đến cái giả dối, sống với cái không sanh tử nên làm chủ được cái sanh tử. Chúng ta hãy xem cái chết của Thiền sư:

Trước khi sắp tịch, Thiền sư Đặng Ẩn Phong hỏi chúng: “Tôi thường thấy các vị tiền bối khi tịch hoặc ngồi, hoặc nằm, có vị nào đứng tịch chăng?” Chúng thưa: “Có.” Sư hỏi: “Có vị nào lộn ngược tịch chăng?” Chúng thưa: “Chưa từng thấy.” Sư bèn lộn ngược mà tịch, nhưng y phục vẫn nguyên vẹn như đứng… (Đặng Ẩn Phong là đệ tử Mã Tổ).

Vua Đường Mục Tông sai Lưỡng nhai tăng lục là Linh Phụ đến thỉnh Thiền sư Vô Nghiệp về triều. Linh Phụ đến làm lễ thưa: “Hoàng Thượng ân chỉ phen này chẳng giống lúc thường, xin Hòa thượng hãy thuận thiên tâm, không nên nói bệnh.” Sư cười chúm chím nói: “Bần đạo có đức gì làm phiền thế chủ. Mời các Ngài đi trước, tôi sẽ đi đường riêng.” Sư bèn tắm gội, đến giữa đêm bảo đệ tử Huệ Âm v.v…: “Các ngươi! Tánh thấy nghe hiểu biết cùng hư không đồng tuổi, chẳng sanh, chẳng diệt, tất cả cảnh giới vốn tự không lặng, không một pháp có thật, người mê không hiểu bị cảnh làm lầm, trôi lăn không cùng…” Nói xong Sư ngồi yên thị tịch. (Cũng là đệ tử Mã Tổ.)

Ông Bàng Uẩn sắp tịch, bảo con gái là Linh Chiếu ra xem mặt trời đúng ngọ vô cho ông hay. Linh Chiếu ra xem, vào thưa: “Mặt trời đã đúng ngọ mà có nhật thực.” Ông ra cửa xem. Linh Chiếu lên tòa của ông, ngồi kiết-già chấp tay thị tịch. Ông vào xem thấy cười, nói: “Con gái ta lanh lợi quá!” Ông bèn chậm lại bảy ngày sau. Đến ngày thứ bảy Châu mục Vu Công đến thăm, ông bảo: “Chỉ mong các cái có đều không, dè dặt các cái không đều thật, khéo ở thế gian đều như bóng vang.” Nói xong ông nằm gác đầu trên đầu gối Vu Công mà tịch.

Thiền sư Lương Giới Động Sơn cạo tóc tắm gội xong, đắp y bảo chúng đánh chuông, giã từ chúng ngồi yên mà tịch. Đại chúng khóc lóc mãi không dứt, Sư mở mắt bảo: “Người xuất gia tâm chẳng dính mắc nơi vật là tu hành chân chánh. Sống nhọc thích chết, thương xót có lợi ích gì?” Sư bảo Chủ sự sắm trai ngu si để cúng dường. Chúng vẫn quyến luyến quá, kéo dài đến ngày thứ bảy. Khi thọ trai Sư cũng theo chúng thọ. Thọ trai xong, Sư bảo chúng: “Tăng già vô sự, sắp đến giờ ta ra đi, chớ làm ồn náo.” Sư vào trượng thất ngồi yên mà tịch. (Sư là đệ tử Vân Nham.)

Chỉ Y Đạo Giả đến tham vấn Tào Sơn Bổn Tịch. Tào Sơn hỏi: “Đâu chẳng phải Chỉ Y Đạo Giả ư?” Đạo Giả thưa: “Chả dám.” Tào Sơn hỏi: “Thế nào là việc của Chỉ Y?” Đạo Giả thưa: “Chiếc áo cừu vừa khoác ngoài thân, muôn pháp thảy đều như.” Tào Sơn hỏi: “Thế nào là dụng của Chỉ Y?” Đạo Giả lại gần: “Dạ!” Liền đứng tịch. Tào Sơn bảo: “Ngươi chỉ giỏi đi thế ấy, sao chẳng giỏi đến thế ấy?” Đạo Giả mở mắt hỏi: “Một Chân tánh linh khi chẳng nương bào thai thì thế nào?” Tào Sơn bảo: “Chưa phải diệu.” Đạo Giả hỏi: “Thế nào là diệu?” Tào Sơn bảo: “Chẳng mượn! Mượn!” Đạo Giả trân trọng liền tịch. (Đệ tử Động Sơn.)

Một hôm Phổ Hóa ở trong chợ đến mọi người xin chiếc áo dài, mọi người đều cho, Phổ Hóa đều chẳng nhận. Lâm Tế dạy Viện chủ mua chiếc quan tài, Phổ Hóa về đến, Lâm Tế bảo: “Tôi đã vì ông sắm chiếc áo dài rồi!” Phổ Hóa liền tự vác đi. Phổ Hóa đi quanh phố chợ rao: “Lâm Tế cho tôi chiếc áo dài rồi, tôi sang cửa Đông tịch.” Người trong chợ đua nhau đến xem. Phổ Hóa bảo: “Tôi ngày nay chưa tịch, ngày mai sang cửa Nam mới tịch.” Như thế đến ba ngày, mọi người đều chẳng tin. Đến ngày thứ tư không ai theo xem, một mình Phổ Hóa tự chun vào quan tài, nhờ người đi đường đậy nắp lại. Tin truyền đi, mọi người trong chợ đua nhau đến giở quan tài xem, không thấy thi hài Phổ Hóa đâu, chỉ nghe trong hư không tiếng mõ xa dần, xa dần rồi mất. (Đệ tử Bàn Sơn.)

Thiền sư Thiện Chiêu bị Y Lý Hầu ba phen thỉnh trụ trì chùa Thừa Thiên mà Sư không đi. Sứ giả bị phạt. Y Lý Hầu lại sai sứ đi phen nữa. Sứ giả đến thưa: “Quyết thỉnh Thầy đồng đi, nếu Thầy không đi tôi liều chết mà thôi.” Sư cười bảo: “Bởi nghiệp già bệnh không thể xuống núi, giả sử đi có trước có sau, tại sao quyết đồng?” Sứ giả thưa: “Thầy chịu đi thì trước sau tùy lựa chọn.” Bảo chúng sửa soạn hành lý xong, Sư gọi chúng lại nói: “Lão tăng đi, có người nào theo được?” Có vị Tăng ra thưa: “Con theo được.” Sư hỏi: “Một ngày ngươi đi được bao nhiêu dặm?” Tăng thưa: “Năm mươi dặm.” Sư bảo: “Ngươi theo ta chẳng được.” Lại có vị Tăng ra thưa: “Con theo được.” Sư hỏi: “Một ngày ngươi đi được bao nhiêu dặm?” Tăng thưa: “Bảy mươi dặm.” Sư bảo: “Ngươi theo ta cũng chẳng được.” Thị giả ra thưa: “Con theo được, Hòa thượng đến đâu thì con đến đó.” Sư bảo: “Ngươi theo Lão tăng được.” Nói xong, Sư bảo Thị giả: “Ta đi trước nghe!” Sư dừng lại rồi tịch. Thị giả đứng khoanh tay tịch theo. (Sư là đệ tử Thiền sư Tỉnh Niệm dòng Lâm Tế.)

Tạm dẫn bấy nhiêu cũng khá rườm lắm rồi, chúng tôi làm sao kể hết sự ra đi tự tại của các ngài. Tuy nhiên đối với các Thiền sư có những cái kỳ đặc, song đấy chẳng phải quan trọng, vì đều là diệu dụng. Cái quan trọng nhất trong nhà Thiền là sống được Tánh giác của mình, nó mới là Bản thể. Bản thể là cái gốc, diệu dụng là cái ngọn. Chỉ lo không bám được gốc, đừng sợ mất ngọn. Khi sống được với Thể giác rồi thì mỗi hành động nào cũng là thần thông diệu dụng cả. Ông Bàng Long Uẩn nói kệ:

Nhật dụng vô biệt sự
Duy ngô tự ngẫu hài
Đầu đầu phi thủ xả
Xứ xứ vật trương quai
Châu tử thùy vi hiệu
Khưu sơn tuyệt điểm ai
Thần thông tịnh diệu dụng
Vận thủy cập ban sài.

Hằng ngày không việc khác
Chỉ tôi tự biết hay
Vật vật chẳng lấy bỏ
Chỗ chỗ nào trái bày
Đỏ tía gì làm hiệu
Núi gò bặt trần ai
Thần thông cùng diệu dụng
Gánh nước bửa củi tài.

Thần thông ở đây là gánh nước bửa củi, vì mọi hành động ấy đều từ Thể giác phát xuất. Chúng ta lại nghe một bà già trình thần thông:

Thiền sư Nam Tuyền, Qui Tông, Ma Cốc đi hành cước đến một cái quán của bà lão. Quí vị kêu bà đem trà, bà bảo: “Quí Thầy trình thần thông rồi sẽ uống trà.” Quí vị đưa mắt nhìn nhau. Bà bảo: “Quí Thầy xem già này trình thần thông đây.” Bà liền tay cầm bình trà, tay bưng chung trà, nghiêng rót vào chung để xuống.

Quả là thần thông trong hành động, đừng nghĩ thăng thiên độn thổ mới là thần thông. Bởi bất cứ một tác động nào lưu xuất từ Bản thể đều là diệu dụng. Khổ nỗi, người tu hiện giờ chỉ trọng thần thông diệu dụng mà quên Bản thể. Vì thế nên dễ lạc vào đường tà, chính quỉ thần vẫn được Ngũ thông, làm sao giản trạch được đâu tà đâu chánh. Chỉ một bề trở về Tánh giác là muôn đời không lầm.

Tóm lại, hiệu dụng của người tu Thiền tông là nhận ra Tánh giác của chính mình, Tánh giác này không sanh diệt, không tướng mạo mà hằng giác. Bởi hằng giác nên chẳng phải không, không tướng mạo nên chẳng phải có. Sống được với Tánh giác là thoát ly sanh tử, tuổi thọ của Tánh giác đồng với hư không. Cho nên trong kinh nói tuổi thọ của Phật không biết bao nhiêu tính kể. Đạt được tuổi thọ vô lượng vô biên ấy, còn gì hạnh phúc bằng, còn gì quí báu bằng. Sống với cái vĩnh cửu chẳng sanh chẳng diệt này mới thật là đến chỗ chân thật tuyệt đối. Còn cái gì ở thế gian có thể so sánh với Tánh giác? Tánh giác này mới thật là ta (chân ngã), Tánh giác không bao giờ mất (chân thường), Tánh giác là chân thật hạnh phúc (chân lạc), Tánh giác không có gì nhiễm ô được (chân tịnh). Sống đến chỗ chân ngã, chân thường, chân lạc, chân tịnh này mới là điểm cứu kính Thiền tông.

Trong khi trở về cái chân thật thì mọi cái giả dối giảm thiểu khả năng lôi cuốn chúng ta. Từ từ ta làm chủ lại chúng, ta điều khiển chúng theo chỗ muốn của chúng ta. Mọi khổ đau buồn thảm tự suy thối, không còn là điều quan trọng đối với chúng ta nữa. Với cái thân giả tạm, cái vọng tưởng hư ảo, sắc trần không hoa này, còn sức mạnh gì trói buộc chúng ta được. Bởi thấy được Ông chủ thật của mình, mọi khách trần đều là trò đùa nên Thiền sư tự tại khi ra đi.

Mục Lục