Thiền Tông Việt Nam
Khánh Thọ Bách Tuế Hòa Thượng Tôn Sư
Pháp Nhũ Thâm Ân - Thái Hỷ

Chúng con xin hướng vọng về tổ đình Thường Chiếu, thành tâm đảnh lễ cảm niệm thâm ân Hòa thượng Tôn sư. Sư ông một đời dày công tu tập, âm thầm vượt qua bao gian khó để phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Ngày nay, vô vàn chúng sinh trong đó có chúng con mới có đủ phúc duyên lành được gội nhuần trong suối nguồn ấy. Từ đó, ai nấy đều được pháp hỷ lợi lạc, nội tâm thức tỉnh, chuyển mê khai ngộ, pháp thân huệ mạng từ đây mà thành.

MẦM BỒ-ĐỀ NẢY CHỒI, CHÍ XUẤT TRẦN PHÁT KHỞI 

Cõi thế vô thường. Muôn sự muôn vật do duyên hợp thành, hợp rồi lại tan như mây đầu núi. Kiếp người mong manh, sống nay chết mai nào ai lường trước. Ấy vậy mà tâm tưởng con người lại xoay vần ngược xuôi không dừng. Ngài Tuệ Trung thượng sĩ nói: “Cuộc mưu sinh, con rối kéo lôi. Hằng ngày đùa, đưa tay bắt bóng.” Vì cuộc sống mưu sinh tạo tác đủ thứ quên cả chính mình... Nhưng những thứ chúng ta theo đuổi đó chỉ như cái bóng, không thật, qua rồi mất. Mấy ai nhìn ra sự thật này? Đến khi tử thần gõ cửa mới thấy mọi thứ trong đời được mất, bại thành, nhục vinh, vui khổ... đều trở nên vô nghĩa, mất hết giá trị; phải theo nghiệp thọ sanh, luân hồi trong ba cõi.

Nhờ chủng duyên tu hành đã khiến mỗi người chúng con thấy ra một cách sâu sắc nỗi khổ của kiếp nhân sinh. Tự thân muốn tìm con đường vượt thoát vươn lên. Rồi duyên lành cho chúng con biết đến pháp môn tu Thiền Sư ông chỉ dạy. Chúng con như nắng hạn gặp mưa, vỡ òa trong niềm vui ngập tràn vì đã sáng tỏ được nhiều vấn đề. Thì ra lâu nay chúng con cũng như bao chúng sanh bỏ sót tự tánh, con người chân thật nơi chính mình, lầm nhận vọng duyên làm kế sống cho nên các khổ từ đây có ra. Muốn được an vui thực sự, chúng con phải quay lại cái gốc chính mình, hằng sống với tự tánh. Chỉ có năng lực tự tánh mới có đủ định lực, tuệ lực, vô biên lực giúp cho chúng con vượt thoát tất cả, không bị vô thường chi phối, được tự tại và mãi an vui. Thế là từ đây mầm Bồ-đề đâm chồi, chí nguyện xuất gia phát khởi, thúc giục chúng con tìm đường xuất gia, quyết chí tu đạo giải thoát.

Huynh đệ chúng con đến với đạo tràng Trúc Lâm Bạch Mã từ nhiều địa phương. Gia cảnh, môi trường sống, sự huân tập của mỗi người khác nhau nên động lực xuất gia cũng không đồng. Tuy nhiên, tất cả chúng con cùng chung một nhân duyên, đó là nhân duyên nhiều đời đã tu tập, có duyên với Thiền tông và đã được làm con cháu dự trong pháp hội Sư ông.

GIA PHONG, NẾP NHÀ 

Duyên thầy trò hội ngộ, chúng con đã được xuất gia, tu học tại Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã dưới sự hướng dẫn của thầy chúng con. Thiền viện tọa lạc trên một bán đảo rợp cây xanh, nằm gối đầu vào dãy núi Bạch Mã sừng sững uy nghiêm, bao quanh là hồ nước trong xanh. Cảnh non xanh nước biếc, đất trời thênh thang khiến người hữu duyên mới đến thấy thanh thoát, nhẹ nhàng. Cõi lòng như được rũ bỏ bao lo toan muộn phiền. Với hành giả đang trên đường tu tập, chốn thâm sơn cùng cốc, tách biệt xóm làng, thanh vắng như Bạch Mã quả thật là nơi lý tưởng trợ duyên đắc lực cho việc hạ thủ công phu tu thiền. Như lời Cổ đức nói: “Thâm sơn tịch tịch đạo tâm sanh” (Ở nơi núi sâu rừng vắng thì tâm đạo dễ sanh). 

Do cách trở về mặt địa lý, chúng con không được sống gần Sư ông. Tuy nhiên, chúng con có nhân lành được nương trên thầy chúng con; người có duyên được gần gũi tu hành và làm việc bên Sư ông nhiều năm nên Thầy thấm nhuần lời Sư ông chỉ dạy, nắm vững đường hướng chủ trương của Tông môn. Chúng con cũng nhờ đó mà được thầy hướng dẫn tu học rất cặn kẽ kỹ lưỡng.

VỀ MẶT TỔ CHỨC

Huynh đệ chúng con sống theo tinh thần lục hòa, không giữ tiền riêng, không dùng điện thoại, không tiếp khách, không xem báo đài hay tiếp cận bất kỳ thông tin gì bên ngoài. Tất cả công việc trong tự viện từ may vá, bửa củi, nấu cơm, trồng rau, làm vườn, bảo trì máy móc... đều do thiền sinh tự làm, hạn chế nhờ người bên ngoài. 

Trong tự viện có Ngoại viện dành riêng cho khách đến tham quan, lễ Phật, nghiên cứu tham học. Riêng khu Nội viện tách biệt với thế giới bên ngoài, tạo điều kiện cho đại chúng yên tu. Ngoài ra có khu thiền thất dành cho thiền sinh thay phiên nhau nhập thất. Trước khi vào thất, chúng con được thầy chỉ dạy công phu rất kỹ, tùy theo căn cơ từng người để chúng được tu tiến, không bị trở ngại. Nhập thất là duyên lành quý báu để chúng con tập đối diện, thấy rõ chính mình hơn. Sức sống thiền hiển hiện giúp chúng con thể hội sâu sắc, suốt thông diệu chỉ Phật tổ qua lời dạy của Sư ông, chư vị Tôn đức và của thầy chúng con. Nhập thất ra thất đều đặn giúp chúng con hàm dưỡng nội lực công phu, có sự làm chủ trong đời sống. Nhờ đó ngoại duyên bớt chi phối dù trong cảnh động hay tịnh.

Những điều lệ trở thành nếp sống quy củ thiền môn. Bất cứ thiền sinh nào muốn sống yên ổn tu tiến, nhất nhất đều phải tuân theo nội quy của Thiền viện. Như lời Sư ông dạy: “Nội quy không phải ép buộc thiền sinh sống trong cảnh cơ cực vô lý, mà do thiền sinh tự nguyện ép mình trong khuôn khổ để phù hợp với đạo giải thoát. Nói đúng hơn nội quy là hộ pháp đắc lực để giúp thiền sinh chóng đạt được sở nguyện của chính mình."

VỀ MẶT ĐÀO TẠO

Thiền sinh vào thiền viện dốc lòng tu học theo lời Sư ông chỉ dạy “Lao động như ăn cơm, học như uống nước và tu như hít thở”. Một con người muốn tồn tại được thì cần phải hội đủ ba điều kiện: ăn, uống và hít thở. Thiền sinh cũng vậy, phải có đầy đủ ba điều kiện: lao động, học hiểu và tu tập; điều này đã trở thành kim chỉ nam cho thiền sinh tu tập trong các thiền viện. Tại Bạch Mã, chúng con được thầy chúng con triển khai ba điều trên thành chương trình đào tạo cụ thể.

Với việc học: thầy chúng con sắp xếp cho đại chúng học giáo trình từ căn bản đến nâng cao và chuyên sâu. Có lịch học rõ ràng, trong đó có những buổi chúng con được nghe băng giảng của Sư ông, chư vị Tôn đức trong tông môn về kinh, luận, ngữ lục, hành trạng thiền sư... Ngoài ra có những buổi học do Thầy chúng con trực tiếp giảng dạy cho đại chúng. Trọng tâm việc học nhắm hướng đến chỗ phát minh sáng tạo, không dừng trên văn tự chữ nghĩa, mỗi mỗi xoay lại tự tánh chính mình, suốt thông diệu chỉ của Phật tổ, nắm vững phương pháp hành trì của Thiền phái. Việc học giúp chúng con hoàn bị chính mình, công phu không bị sai lệch, có phương tiện để giúp cho người hữu duyên về sau. Sau cùng việc học phải nhằm đạt đến đích Thuyết thông.

Với việc tu: Theo chủ trương của Sư ông, thiền sinh vào thiền viện lấy thiền làm mạng sống, lấy tọa thiền làm chính. Ngoài ra, trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi hằng tỉnh giác, xoay lại chính mình. Trong sự tu hành, Thiền sinh phải có đủ ba đức tính: quả cảm, kiên quyết và trường viễn.

Đối với con đường Thiền tông, có hai cách thâm nhập: Một là, hành giả lợi căn ngay một cơ một cảnh liền đó đốn ngộ tự tâm không qua phương tiện thứ lớp. Hai là hành giả chưa ngộ phải dụng công đúng pháp: áp sát, hướng thẳng tự tánh tu tập; khéo mất hút tất cả tướng, không một vết mê, lặng lẽ sáng biết; ngay đó chân tâm hiện tiền. Rốt ráo sau cùng, sự tu tập giúp chúng con đạt đến Tông thông.

Với lao động (rèn luyện): là lúc chúng con vận dụng công phu tu tập vào thực tiễn cuộc sống sinh hoạt. Mục đích chính của lao động (rèn luyện) giúp chúng con điều hòa sức khỏe, trang nghiêm thiền môn, tu tạo công đức lành để dễ bề tu tiến. Điều quan trọng hơn cả thông qua lao động giúp chúng con mài luyện thân tâm, dẹp trừ ngã chấp, vượt thoát phàm tình hai bên: nóng - lạnh, đúng - sai, phải - quấy... khiến thiền sinh chúng con như được hoán cốt đổi hình, đạt đến Dụng thông.

Tóm lại, chương trình đào tạo chính Tu - Học - Lao động trong tự viện đúng theo tinh thần nhà thiền. Nhờ có học đạt đến thuyết thông, nhờ có tu đạt đến tâm thông, nhờ lao động đạt đến dụng thông. Người mà tâm thông, thuyết thông (đủ khả năng chống đỡ tông thừa) có nanh vuốt hướng thượng: tùy thời nhổ đinh tháo chốt, đích thực là giáo hóa độ sanh. 

THIỀN DUYỆT, PHÁP HỶ

Có sống trong môi trường thực học chuyên tu, chúng con mới thấy giá trị thiết thực của việc tu thiền như Sư ông từng khẳng định: “Thiền dạy người tu một cách thực tế, tìm lại “bản lai diện mục của mình”. Bởi quá thực tế cho nên người ta không hiểu nổi. Con người là hướng ngoại, con người là cầu xin, con người là ỷ lại. Ở đây, thiền đập tan ba tập tính ươn hèn ấy. Ba tập tính ấy đã chôn vùi chúng ta từ vô lượng kiếp. Chúng ta phải kiên quyết quả cảm đạp nát chúng, để rồi chúng ta tìm lại cái mặt thật của chúng ta, chúng ta là chủ nhân ông của chúng ta từ vô lượng kiếp. Chúng ta phải khôi phục lại quyền năng của ông chủ bản hữu nơi chính mình. Đó là chúng ta tu Thiền.” Tu tập Thiền giúp chúng con gầy dựng niềm tin có khả năng thành Phật, hướng thẳng tự tánh công phu; ngộ tánh, sống lại con người chân thật nơi chính mình. Không phải tìm cầu bên ngoài, không phải cầu xin hay ỷ lại vào thế lực nào đó làm thay cho mình được. Ngay cả Phật tổ, thiện tri thức cũng chỉ kích phát, còn việc tu có tiến hay không là do sự nỗ lực công phu nơi chính mỗi người.

Bất cứ việc gì dù đơn giản như quét nhà, nấu cơm cũng cần có phải dốc tâm để ý mới thành tựu. Huống nữa việc tu hành, làm Phật tác Tổ há lại dễ dàng hay sao? Ngài Hoàng Bá nói: “Vượt thoát trần lao việc chẳng thường, Nắm chặt đầu dây giữ lập trường. Chẳng phải một phen xương lạnh buốt, Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.” Dù gặp chướng duyên nào chúng con cũng giữ vững lập trường tu hành.

Thực tế cho thấy, nhờ nương trên phúc trí và ân đức pháp hóa của Sư ông, cùng sự chỉ dạy của Thầy, huynh đệ chúng con cố gắng tu nên hầu hết đều có kết quả khả quan. Với những huynh đệ mới đến, buổi đầu còn gặp khó khăn trong lúc tọa thiền: như bị đau chân nhức mỏi, hôn trầm, vọng tưởng nhiều... nhưng nhờ tinh tấn công phu nên vẫn có niềm an lạc trong sự tu tiến. Có vị lấy thiền duyệt làm vui, ham tu dù có mệt cách mấy cũng ráng tranh thủ nhiếp tâm tọa thiền khi rảnh. Có người lại ham học, luôn để tâm nghe pháp, đọc học kinh điển, tư duy bài đã học, tìm được niềm vui trong pháp lạc. Có huynh đệ bận công việc được giao, tuy vất vả vẫn lặng lẽ công phu, sức sống thiền rạng ngời! Có vị thầm nhận ra con người bất tử mà Sư ông đã chỉ thẳng cho chúng con. Tùy theo hoàn cảnh mà mỗi người khéo uyển chuyển hòa nhập vào sự tu tập chung của đại chúng, tạo nên sinh khí tu tập phấn khởi vui vẻ lạ thường!

ÂN LỚN KHÓ ĐỀN 

“Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng 

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền.”

Thật là ngàn may, vạn may! Chúng con được trên ân đức Sư ông, thầy tổ mở đường dẫn lối, soi sáng tâm Thiền, cho chúng con liền đó thân tâm hoát nhiên bừng tỉnh thông thống, thôi làm gã cùng tử “chấp bóng quên đầu”, dừng bước lang thang, nhanh chân rảo bước về nhà, có gì vui hơn!

Như không khi trùm khắp muôn nơi, nhưng phải nhờ có quạt mới mát. Cũng vậy, chân tâm Phật tánh vốn sẵn đủ nơi mọi người, song nhờ thiện tri thức chỉ dạy mới hiển lộ, nhận ra. Có nếm được mới nhận ra hết giá trị, không phải qua lý thuyết. Có tu tập thực sự mới nhận ra diệu chỉ của Phật tổ hãy còn đây, bây giờ, chưa từng thiếu vắng. Càng tu tập tiến bộ, chúng con càng cảm bội niệm ân sâu sắc trên Sư ông...

Nhớ lời Sư ông chỉ dạy: “Người tu cần đem hết khả năng, nghị lực để thực hiện cho được điều chúng ta nhắm đến, tìm cho ra kho báu nhà mình. Như vậy mới đền được những công ơn to lớn.” Chúng con nguyện xin khắc cốt ghi tâm, làm tròn bổn phận của mình; tinh tấn tu hành, nối nắm mạng mạch Phật pháp, gìn giữ tông phong, lợi đạo ích đời. Có như vậy, chúng con mới đền đáp được phần nào công ơn đối với Sư ông trong muôn một. Xin cho chúng con được làm con cháu trong nhà Thiền, làm con cháu Sư ông cho đến ngày tu hành viên mãn.

Chúng con nguyện ơn trên Tam bảo gia hộ Sư ông được tứ đại nhu hòa, thân tâm thường lạc, pháp thể khinh an, phúc trí vô biên, sống lâu nơi đời cho chúng con nương về tu hành được tiến bộ, viên mãn.

Mục Lục
Khánh Thọ Bách Tuế Hòa Thượng Tôn Sư
Danh sách chương: