Thiền Tông Việt Nam
Khánh Thọ Bách Tuế Hòa Thượng Tôn Sư
Thầy Tôi - Thông Tánh

Năm 2000, lần đầu tiên tôi được gặp Thầy và lần gặp gỡ đó đã làm thay đổi cuộc đời tôi. 

Tôi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống Phật giáo. Mẹ tôi đi tụng kinh hằng đêm và tôi thường lẽo đẽo theo mẹ khi còn tấm bé. Các cô, các bác thường gọi nhau là đạo hữu. Đã 70 năm qua, tôi vẫn như còn nghe văng vẳng tiếng các cô, các bác gọi nhau đi Tịnh độ mỗi khi đêm về.

Đường đời trôi về muôn lối, tôi cũng theo gia đình sống gần như trải dài từ miền Trung đến miền Nam. Đến đâu tôi cũng được sinh hoạt trong các chùa, được quý thầy hướng dẫn tu học, sinh hoạt gia đình Phật tử. Và như thế, anh em tôi được nuôi dưỡng và lớn lên trong suối nguồn Phật pháp. Mặc dầu luôn có ước vọng xuất gia, nhưng từ năm 1964 đến năm 1967 tôi đã bỏ lỡ hai cơ hội trong đời. Cuộc sống đẩy đưa với biết bao thăng trầm nhưng gia đình tôi, anh em tôi luôn là những Phật tử thuần thành. Xuôi theo dòng đời, gia đình tôi trôi giạt về Cà Mau, nơi vùng sông nước hiền hòa, vùng đất cuối cùng của đất nước. Chính nơi đây, cuộc đời tôi đã thay đổi.

Tôi được gặp Thầy ngày vía Bồ-tát Quán Thế Âm 19 tháng Hai năm Canh Thìn (2000).

Vì thường xuyên sinh hoạt tại Quan Âm cổ tự, Phật tử địa phương thường soi là chùa Phật Tổ, tôi được thông tin là HT Thích Thanh Từ sẽ về thuyết giảng tại đây hai ngày.

Đêm đầu tiên, Phật tử Cà Mau lũ lượt kéo nhau về chùa đông như trẩy hội. Mọi người đều náo nức được diện kiến một vị Hòa thượng đạo cao đức trọng. Hơn 1000 chiếc ghế nhựa đã được ngồi kín, chờ đợi giây phút được gặp gỡ ngài. 

Nhưng vì Hòa thượng mới di chuyển một đoạn đường dài nên cần được nghỉ ngơi và giao cho thầy Kiến Nguyệt thuyết giảng buổi đầu tiên. Mọi người cố gắng lắng nghe trong thấp thỏm đợi chờ sự xuất hiện của Hòa thượng.

Khi nghe thông báo chính thức là Hòa thượng đang mệt nên không gặp đại chúng tối nay thì mọi người đều vô cùng thất vọng và đồng loạt phản ứng, mong được gặp Hòa thượng. Trước sự tha thiết mong cầu của Phật tử, Ban tổ chức phải tức tốc trình lại Hòa thượng và cuối cùng, không để mọi người thất vọng, dù rất mỏi mệt sau một hành trình dài, ngài cũng đã xuất hiện cho mọi người diện kiến.

Với giọng nói chậm rãi, trầm ấm Hòa thượng đã thăm hỏi và động viên tăng ni Phật tử Cà Mau. Mặc dầu chỉ vài phút ngắn ngủi với những lời nói mộc mạc, chân thành, đại chúng đã vô cùng hoan hỷ vì sự trân trọng và lòng thương yêu của người đối với mọi người. 

Sáng hôm sau tại Văn phòng Ban Trị sự tỉnh, tôi được vào đảnh lễ Thầy lần đầu tiên. Danh tiếng của Thầy đã lan tỏa khắp nơi trong và ngoài nước, nhưng cho đến lúc ấy tôi vẫn mù tịt, không biết gì về Thầy.

Tối hôm đó, mọi người đổ xô về chùa Phật Tổ để được nghe pháp âm của một vị Tông sư, lượng người còn đông hơn hôm trước! Tôi còn nhớ như in bài thuyết giảng của Thầy: “Đi chùa là để cầu xin hay tu học theo Phật”. Giọng nói hiền hòa, chậm rãi đậm chất Nam Bộ như rót vào lòng người đang chăm chú lắng nghe.

Sau lần gặp gỡ này tôi đã tìm hiểu và nghe lại những bài giảng của Thầy. Nhờ những bài giảng ấy đã giải tỏa cho tôi thoát khỏi những ưu tư trăn trở.

Tôi đã biết về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được biết thêm về vua Trần Nhân Tông mà trước đây tôi chưa biết. Như đại đa số người Việt Nam, tôi chỉ biết ngài là một vị vua anh hùng của dân tộc mà không hề biết ngài là một chiến sư chứng đạo, khai sáng một dòng Thiền: dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử!

Tôi là một huynh trưởng GĐPT, đã luôn tắm mình trong suối nguồn Phật pháp, vẫn ôm ấp chí nguyện xuất gia sau hai lần bị bỏ lỡ. Tôi luôn trăn trở về việc tu tập của mình. Tu như thế nào mới đúng!

Từ khi được gặp Thầy, được nghe Thầy giảng giải, tôi biết rằng từ nay tôi đã tìm được cho mình một vị thầy đích thực. Nếu không gặp được Thầy tôi sẽ vẫn như một người đi trong mông muội, bế tắc mặc dầu tôi vẫn luôn ăn chay, niệm Phật, tụng kinh…

Tôi và những người con Phật ở Cà Mau luôn biết ơn hai Phật tử Chánh Huệ Tâm và Mãn Hiền Thiện, những người Cà Mau đầu tiên quy y với Hòa thượng, đã bỏ biết bao tâm huyết để có thể thỉnh mời Hòa thượng và chư tăng Trúc Lâm đặt chân đến vùng đất Mũi, vùng biên địa xa xôi này.

Sự hiện diện của Hòa thượng và chư tăng như một hồi chuông cảnh tỉnh những người con Phật tại nơi này, báo hiệu cho những đổi thay to lớn trong cách nhìn của mọi người đối với đạo Phật. 

Cùng với hai Phật tử Chánh Huệ Tâm và Mãn Hiền Thiện, chúng tôi đã thành lập một đạo tràng tu tập theo đường lối của Thiền phái Trúc Lâm do Hòa thượng chỉ dạy với số lượng khiêm tốn lúc ban đầu là 30 huynh đệ. 

Được Hòa thượng đặt tên là “Tinh Tấn”, huynh đệ chúng tôi quây quần tu tập dưới mái chùa Quan Âm - chùa Phật Tổ, dưới sự bảo bọc của Sư cô Diệu Chánh, trưởng ban Hoằng pháp của Giáo hội tỉnh.

Do sự thỉnh cầu của ban huynh trưởng, Đạo tràng thường xuyên được quý thầy quý cô trong các Thiền viện về tận Cà Mau để thuyết giảng và hướng dẫn tu tập. Những dịp như thế, chùa Phật Tổ đều như những ngày hội vì không chỉ có huynh đệ chúng tôi mà có cả các Phật tử đạo tràng Pháp Hoa và rất nhiều Phật tử các nơi về nghe giảng. 

Phật tử Cà Mau đã được nghe những điều chưa từng nghe, được thêm những điều mới mẻ.

Từ đó huynh đệ chúng tôi trong Đạo tràng Tinh Tấn thường xuyên về Trúc Lâm Đà Lạt tu tập, khi thì năm ba ngày, khi thì mươi ngày, nửa tháng... 

Rồi việc gì đến sẽ phải đến, sau lễ Vu-lan năm 2002 trong dịp đến Trúc Lâm tu tập, tôi lên thất đảnh lễ Thầy xin được xuất gia. Hạnh phúc dâng trào khi tôi được Thầy hứa khả và yêu cầu tôi thu xếp việc gia đình và phi có sự đồng thuận của người bạn đời... 

Mùng 08 tháng 12 năm Nhâm Ngọ (10/01/2003), tôi cùng 79 huynh đệ được Thầy làm lễ thế phát xuất gia.

Kính lạy Thầy, con tri ân Thầy đã cứu vớt cuộc đời con. Nếu không gặp Thầy con chỉ là một người Phật tử bình thường như muôn ngàn người khác không biết đi đâu, về đâu, không biết đã trôi giạt về đâu trong kiếp nhân sinh này!

Cuộc đời tôi đã bước sang một trang mới. Tôi như người được tái sinh trong hình hài cũ!

Hai mươi năm đã trôi qua, Thầy đã tròn trăm tuổi. Tôi viết những dòng này trong tâm thái xúc động vô cùng. Tôi biết ơn Thầy đã là ngọn đuốc soi sáng cuộc đời tôi, là hồi chuông cảnh tỉnh giúp tôi ra khỏi mê lầm.

Ơn Thầy cao cả thật khó đáp đền trong muôn một, con chỉ nguyện gắng công tu tập làm lợi ích cho chúng sinh như lời Thầy thường dạy bảo: “Đền ơn chư Phật là ơn chẳng đền, giáo hóa chúng sinh là đền ơn Phật!”

Mục Lục
Khánh Thọ Bách Tuế Hòa Thượng Tôn Sư
Danh sách chương: