Thiền Tông Việt Nam
Khánh Thọ Bách Tuế Hòa Thượng Tôn Sư
Sự Phát Triển Của Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam - Trúc Lâm Chính Pháp

I. DẪN NHẬP 

Đạo Phật được xem là phát triển đỉnh cao ở Việt Nam dưới triều đại Lý - Trần. Đặc biệt dưới thời nhà Trần, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thành lập một tông phái thiền mang tinh thần của người Việt, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đó là niềm tự hào của cả dân tộc vì Thiền phái đã không chỉ góp phần gìn giữ mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa của đất nước. 

Tuy nhiên, thời kỳ hưng thịnh của Thiền phái không kéo dài, chỉ đến sau thời Tam tổ Huyền Quang. Cho đến thế kỷ XVII-XVIII, Thiền sư Hương Hải cùng với Thiền sư Chân Nguyên đã khôi phục lại Thiền phái trên, nhưng sau đó nó vẫn không thể tồn tại và phát triển theo thời gian. Khi nghiên cứu về những đóng góp của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong lịch sử với tâm trạng hoài cổ, nhà nghiên cứu Phật học Minh Chi đã chỉ ra hai việc mà Phật giáo Việt Nam cần thiết phải làm: (1) cung cấp cho người Việt những yếu tố tư tưởng để giúp họ siêu việt lên trên những giá trị thế tục tầm thường như tiền tài, danh vọng, sắc đẹp v.v... và (2) giúp cho mọi người thấy và khẳng định bản thân mình là Phật. Từ đó cho thấy việc làm sống dậy tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một nhu cầu có thật.

Vào những năm cuối thế kỷ XX, Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ (Hòa thượng) đã khôi phục lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với một hoài bão: “Nâng cao giá trị người tu Phật hiện nay, dẹp tan những kẻ hiểu lầm đánh giá đạo Phật quá thấp. Đồng thời vạch ra những giá trị cố hữu của đạo Phật, khiến mọi người hiểu rõ, nếu cần đem ứng dụng vào cuộc sống thì thật sự được an vui hạnh phúc. Cảnh giác những hiện tượng sai lầm đưa đạo Phật vào chỗ huyền bí vô nghĩa, khiến chánh pháp phải lu mờ, trả Phật giáo trở về với giá trị bản hữu của nó. Việc làm của chúng tôi mang tính cách khơi sáng ngọn đèn Phật giáo Việt Nam để những người có trách nhiệm trong Phật giáo thấy rõ lối đi cho nhịp nhàng với hoàn cảnh hiện tại của đất nước. Chúng tôi không ước mong gì khác hơn là được đóng góp một hòn gạch, một viên đá để xây dựng lại ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.” Ngày nay, công cuộc khôi phục và xây dựng lại Thiền phái của Hòa thượng đã được xã hội thừa nhận. Như tác giả Nguyễn Đức Quỳnh đã nhận xét: “... Hệ thống thiền viện Trúc Lâm đã được xây dựng và phát triển nhiều nơi trong nước và ở nước ngoài như: Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Ý... cho thấy sức sống mãnh liệt của Thiền phái khi đã đạt đến đỉnh cao giá trị văn hóa, khi đã hòa nhập với đời sống tinh thần của nhân loại.” 

Ở miền Bắc, cái nôi của Phật giáo nói chung và của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, do hậu quả của thời kỳ khủng hoảng Phật giáo nơi đây còn để lại, nhận thức của người Phật tử về đạo Phật còn hạn chế, nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo còn gặp nhiều khó khăn thì yếu tố nào để Thiền phái Trúc Lâm tồn tại và phát triển là cần phải được xem xét. Do đó, bằng phương pháp phân tích tài liệu, khảo sát điều tra xã hội học, phỏng vấn sâu đối với thanh thiếu niên và Phật tử ở một số đạo tràng, và ghi chép nhật ký, bài viết sẽ phân tích hai yếu tố cơ bản giúp cho Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam phát triển ở một số tỉnh thành phía Bắc. Hy vọng bài viết có thể đóng góp thêm cơ sở cho các thế hệ tiếp nối công cuộc xây dựng Thiền phái rút ra bài học kinh nghiệm cho mình. 

II. HAI YẾU TỐ CƠ BẢN 

Chắc chắn có nhiều yếu tố để làm cho Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam một số tỉnh thành phía Bắc được phát triển cho đến hôm nay. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, hai yếu tố cơ bản sau được xem xét, đó là con người và việc đáp ứng được nguyện vọng của xã hội.

1. Yếu tố con người 

Yếu tố then chốt đầu tiên đó là con người. Như Hòa thượng đã khẳng định “Ngày mai Phật pháp còn được hưng thịnh chính là nhờ sự tu của Tăng Ni”. Kể từ khi thiền viện đầu tiên đánh dấu sự khôi phục Thiền phái Trúc Lâm trên đất Bắc, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, vào năm 2002, cho đến nay Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam đã có thêm 13 thiền viện được hình thành: Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (tỉnh Vĩnh Phúc), Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc (thành phố Hà Nội), Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (tỉnh Quảng Ninh), Thiền viện Trúc Lâm An Tâm (tỉnh Vĩnh Phúc), Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức (tỉnh Vĩnh Phúc), Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa), Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (tỉnh Bắc Giang), Thiền viện Trúc Lâm Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành (tỉnh Nghệ An), Thiền viện Trúc Lâm Đại Giác (tỉnh Lào Cai), Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc (tỉnh Thái Nguyên), Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp (tỉnh Tuyên Quang) và Thiền viện Trúc Lâm Yên Lộ (tỉnh Thanh Hóa). Đây là kết quả nỗ lực không ngừng của tăng ni Phật tử, trong đó phải kể đến là chư tăng ni đã được Hòa thượng trực tiếp đào tạo.

Trải qua 20 năm, để có 13 ngôi thiền viện được xây dựng làm nơi tu học cho tăng ni và Phật tử, quý vị nhận trọng trách Phật sự từ Hòa thượng đã vượt qua nhiều thử thách và chính điều này lại minh chứng cho hiệu quả đào tạo và sự quyết tâm của người thầy. Hòa thượng đã từng chia sẻ với tăng ni rằng:

Có nhiều vị hỏi tôi: “Chư tăng, chư ni vào Thiền viện tu bao lâu thì ra?” Tôi nói: “Chừng nào có ai sáng đạo, đủ lòng tin đối với Tam bảo và có khả năng làm lợi ích chúng sanh, tôi sẽ cho ra. Trừ những trường hợp bất thường, có người xin rút lui vì không chịu đựng nổi khuôn phép Thiền viện, hay bệnh hoạn không thể trị hết thì ra lúc nào cũng được. Nếu tôi thấy xứng đáng lãnh trách nhiệm ở đâu, cho ra làm Phật sự là kết quả tốt, còn hai trường hợp kia là kết quả xấu.” 

Có một vị đã từng là lãnh đạo cấp cao về lĩnh vực tôn giáo nhận xét rằng: “Các thầy là đệ tử của cụ Thanh Từ ai cũng hiền hết, như thầy TT, thầy KN.” “Hiền” ở đây là thể hiện của đạo lực tu hành. Nhờ đạo lực tu hành nên cư xử hiền hòa với mọi người. Và chính sự hiền hòa lại nhận được sự ủng hộ của Phật tử nói riêng và của xã hội nói chung. Chẳng hạn như việc xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa được thành tựu, qua lời kể của Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt, trước hết là nhờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền đối với việc giải quyết các vướng mắc về thủ tục đất đai. Nếu một vị nhận lấy trách nhiệm Phật sự không hiền để hài hòa tất cả thì làm sao có được sự giúp đỡ quan trọng nêu trên. Sự hiền hòa có được cũng là kết quả đào tạo của bậc ân sư. Hòa thượng đã từng dạy: 

Chư tăng phải ráng thực hiện cho được hai điều. Thứ nhất, phải thực hiện nếp sống lục hòa. Tôi thường nói với mọi người, Tăng mà thiếu lục hòa thì không còn ý nghĩa Tăng. Vì vậy nên Thiền viện Trúc Lâm lấy lục hòa làm nền tảng đạo đức. Thứ hai là phải tu làm sao đối với đạo mình đủ lòng tin, thấy rõ ràng không còn ngờ vực.

Bên cạnh đó, tính nhẫn nại của quý vị cũng là chất liệu giúp cho công việc phát triển thiền phái được thành tựu. Tính nhẫn nại cũng đã từng được Hòa thượng giáo huấn: 

Chúng ta phải chuẩn bị trước rằng, khi quyết tâm làm Phật sự, chúng ta sẽ gặp nhiều trở ngại khó khăn và những điều bất như ý. Chúng ta phải chấp nhận, dầu khó khăn gian khổ mấy vẫn phải vượt qua, cương quyết đem thân này phụng thờ chánh pháp.

Buổi đầu xây dựng các Thiền viện bao giờ cũng gặp nhiều thử thách, mỗi Thiền viện có những khó khăn riêng. Nhưng với tính nhẫn nại, cộng thêm nhiều nhân duyên khác, cuối cùng cũng được thành tựu như nguyện.

Một yếu tố khác giúp cho công việc Phật sự được thành công chính là tinh thần đoàn kết. Hòa thượng đã từng nhắc nhở đệ tử của mình rằng: “Khôi phục Thiền tông của đất nước không phải là chuyện một cá nhân làm được, mà phải có sự đóng góp của nhiều bàn tay, nhiều công sức mới thực hiện được.” Nếu chỉ tính riêng Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, nó đã có sức lan tỏa và làm tiền đề để hình thành các thiền viện khác như Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa), Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (tỉnh Bắc Giang), Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc (tỉnh Thái Nguyên), Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp (tỉnh Tuyên Quang). Nhưng hợp lực cùng với Thượng tọa Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên chính là những vị đồng tu, cùng được Hòa thượng trực tiếp đào tạo. Trong một lần trả lời phỏng vấn về nhân duyên đến Tuyên Quang xây dựng thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp, Thượng tọa Thích Trúc Thông Phổ đã cho biết:

Thực ra ban đầu không phải chúng tôi có nguyện vọng về đây, tỉnh Tuyên Quang có nguyện vọng thỉnh mời thầy Kiến Nguyệt xây dựng Thiền viện Trúc Lâm tại tỉnh Tuyên Quang. Nhân duyên đầu tiên là chúng tôi được đi trong phái đoàn cùng với thầy Kiến Nguyệt để qua đây xem đất. Khi xem đất, lúc bấy giờ chúng tôi giữ vai trò là Phó trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nên mình đi có tính cách là đóng góp ý kiến với quý thầy trong phái đoàn. Nhưng sau khi chính quyền hướng dẫn mình đi các nơi để chọn đất và đã được mảnh đất mình vừa ý rồi thì sau đó tiến đến việc bàn giao. Lúc đó, thầy Kiến Nguyệt dự kiến mời một số quý thầy đảm trách công việc ở tại đây, nhưng cái duyên không thuận nên sau cùng các thầy không thể đến để nhận trách nhiệm được. Trước một tình cảnh như vậy, thường hay gắn bó công việc với thầy Kiến Nguyệt, chúng tôi cũng biết đây là một nỗi ưu tư của Thầy vì chưa có làm xong việc nên sau đó chúng tôi xin nhận.

Nếu không có tinh thần lục hòa thì không có sự chia sẻ khó khăn để hoàn thành công việc Phật sự chung của tông môn. 

Có thể ở quý vị là đệ tử được Hòa thượng trực tiếp đào tạo, đang đảm trách công việc Phật sự ở các tỉnh thành phía Bắc còn nhiều tính cách tốt đẹp khác, nhưng tính nhẫn nại, sống hài hòa và đoàn kết lẫn nhau đã góp phần vô cùng quan trọng trong quá trình quý vị phát triển Thiền phái.

2. Đáp ứng được nhu cầu của xã hội 

Sự phục hồi và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam ngay trên mảnh đất được xem là chiếc nôi của nó bởi không chỉ nhờ vào yếu tố con người như đã phân tích ở trên, mà còn là do nó đã đáp ứng được một số nhu cầu xã hội đương đại đặt ra. 

a. Thiền viện là môi trường giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ 

Không phải cho đến ngày nay, các thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam ở các tỉnh phía Bắc (các thiền viện) mới nắm bắt được nhu cầu là cùng chung tay với xã hội chăm lo giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Từ thế kỷ trước, Hòa thượng đã nhận định rằng đạo Phật là “đạo của tuổi thanh xuân” vì “thật tánh của đạo Phật rất thích hợp với tuổi hoa niên” ở những đặc tính thanh tịnh, chân thật, từ bi, tinh tấn và trí tuệ. Đào tạo thế hệ người tài cho Giáo hội nói riêng và đất nước nói chung, Hòa thượng không mong muốn những học trò của mình sống tu hành khép kín mà Người đã ân cần nhắc nhở:

“Hiện giờ khoa học tiến quá nhanh mà đạo đức con người theo không kịp. Bước vào thế kỷ XXI như vậy là tai họa về sau... Chúng ta phải ý thức điều đó, phải cố gắng nâng đỡ đạo đức cho tiến nhanh theo kịp, sao cho đến thế kỷ XXI đạo đức, khoa học và kỹ thuật quân bình thì đó là kế lâu dài.”

Trong những năm gần đây, đạo đức của một bộ phận giới trẻ xuống cấp nghiêm trọng. Đó không chỉ là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội mà đó còn là nhận định trong văn kiện của quý vị có trách nhiệm. Vì vậy, nâng cao đạo đức xã hội trong đó có đạo đức của giới trẻ là một trong những nhu cầu cấp bách của nhân loại. Việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó bao gồm các tự viện Phật giáo nói chung và các thiền viện nói riêng.

Trong thời gian qua, các thiền viện đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trên. Tùy vào điều kiện của mình, các thiền viện đã tổ chức giáo dục đạo đức cho giới trẻ bằng nhiều hình thức như khóa tu mùa hè, khóa tu mùa xuân sinh hoạt tu học hàng tuần vv... Năm 2018 có 7.780 thanh thiếu niên tham dự các khóa tu mùa hè tại các thiền viện. Con số này đã tăng lên 9.735 trong năm 2019.

Về chiều sâu, công việc trên của các thiền viện đã gặt hái được một số kết quả tích cực. Nhóm thiền sinh thực hiện nghiên cứu đã tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi đối với hai nhóm thanh thiếu niên (TTN) trong độ tuổi 12-18, tham gia sinh hoạt tu học tại Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp và Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng: nhóm tham gia sinh hoạt tu học vào mỗi chủ nhật hàng tuần (gọi là nhóm A, tổng số: 54 đoàn sinh) và nhóm đến hai thiền viện trên tham dự khóa tu mùa hè lần đầu tiên (gọi là nhóm B, tổng mẫu: 81 thiền sinh). Việc khảo sát tập trung vào mức độ thực hiện các hành vi thuộc dạng trái chuẩn tắc xã hội như: nói đối vì động cơ không tốt, đánh nhau, nói tục chửi thề, trộm cắp, chửi nhau, và có lời nói hoặc hành động gây tổn thương cho ông bà, cha mẹ. Thang đo mức độ thường xuyên thực hiện hành vi do Giáo sư Hing Keung Ma xây dựng gồm 7 mức độ (1: Không có thực hiện hành vi, 2: Một đến hai lần/năm, 3: Ba đến bốn lần/ năm, 4: Năm đến sáu lần/năm, 5: Bảy đến tám lần/năm, 6: Chín đến mười lần/năm, 7: Hơn 10 lần/năm). Kết quả phân tích số liệu bằng kiểm định Student's t-test (Phần mềm SPSS) thể hiện nhóm A thực hiện các hành vi trên ít thường xuyên hơn (M = 2,45, SD = 1,01 so với M = 2,86, SD = 1,20, p = 0,04). Một Đoàn sinh nữ, 18 tuổi đã chia sẻ:

Trước khi đi thiền viện, con cũng không biết luật Nhân quả. Lúc đi thiền viện, con được nghe pháp, con hiểu ra được một chút. Gieo nhân nào gặp quả đấy, dù nó không đến với mình luôn, nhưng đến một thời điểm nào đấy nó sẽ đến với mình ạ. Những lúc con dự tính làm một điều gì đấy thì nó (luật Nhân quả) bảo dừng lại đi, thế là con dừng lại. Trước khi đi thiền viện, con không có sự cân nhắc khi làm một việc gì đấy đâu ạ. Từ khi biết đến Phật pháp, luật Nhân quả, mỗi một hành động con làm nó đều nhắc nhở con. 

Như vậy, nhờ tham gia sinh hoạt tu học tại thiền viện, TTN được học giáo lý và từ đó biết áp dụng điều chỉnh hành vi của mình. Môi trường tu học tại các thiền viện đã thu hút được một bộ phận TTN. Một Đoàn sinh nam, l4 tuổi kể: 

Bây giờ con ngủ dậy sớm, kể cả không hẹn giờ con cũng tự thức dậy kể cả ngày đi sinh hoạt là vì cái ý muốn là mình phải đi sinh hoạt, mình phải học hỏi điều hay từ đạo Phật, mình còn rất nhiều điều chưa biết, mình phải tu cho nó tốt hơn. Trước đây đến ngày thứ bảy thì “a chủ nhật này ngủ nướng đấy”.

Kết quả khảo sát Phật tử đạo tràng tại năm thiền viện ở các tỉnh thành phía Bắc (được trình bày chi tiết ở phần sau) cho thấy độ tuổi của Phật tử đạo tràng có xu hướng già. Từ đó cho thấy việc tổ chức sinh hoạt tu học cho TTN của các thiền viện không chỉ góp phần cùng với xã hội chăm lo đời sống đạo đức cho thế hệ trẻ mà còn có khả năng tạo ra một thế hệ Phật tử trẻ kế thừa.

Qua phân tích một số nội dung trên cho thấy một số thiền viện ở các tỉnh thành phía Bắc trong thời gian vừa qua đã nỗ lực cùng với xã hội chăm lo giáo dục thế hệ trẻ và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực.

b. Thiền viện là nơi hướng dẫn Phật tử tu tập đúng chánh pháp 

Tác phẩm Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính và Hà Nội văn hóa và phong tục của tác giả Lý Khắc Cung cho thấy một số phong tục tập quán lâu đời của người Việt đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Trung Hoa: đốt vàng mã, xem bói, phong thủy, dâng sao giải hạn,v.v... Những hiện tượng mê tín này đã làm biến dạng Phật giáo Việt Nam. Việc giúp cho người dân nói chung và người Phật tử nói riêng có niềm tin chân chính là rất cần thiết. Đó cũng là mong mỏi của những nhà quản lý xã hội. Năm 2011, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Theo đó, những tệ nạn mê tín dị đoan và việc sử dụng vàng mã bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, thực tế một bộ phận không nhỏ người dân và cả Phật tử vẫn thực hiện những điều cấm đoán nêu trên. Vì vậy, các thiền viện phải có trách nhiệm hướng dẫn trước hết là Phật tử đạo tràng xây dựng cho mình đời sống chánh tín.

Việc giúp cho người dân vượt qua mê tín đã là một chủ trương có từ thời Sơ tổ Trúc Lâm. Năm 1304, Phật hoàng Trần Nhân Tông xuống núi và đi khắp trong dân để khuyên họ phá bỏ các miếu thờ thần không chính đáng. Tiếp nối tinh thần này, Hòa thượng đã giảng giải thật chi tiết để không chỉ giúp Phật tử nắm bắt tu tập theo đúng chánh pháp mà còn để cho đệ tử hiểu và hướng dẫn cho người khác tu tập vì nếu “người truyền đạo không thông lý đạo”, có thể sẽ “ghép những tập tục thế gian vào trong đạo”, và vì vậy “khiến người ta hiểu lầm đạo Phật mê tín”. Trong quyển Mê tín chánh tín, Hòa thượng đã dạy người Phật tử các hành vi như đồng cốt, dâng sao giải hạn, xem bói, đốt vàng mã là mê tín. Trong quyển Chúng ta đi chùa là để cầu xin hay tu theo Phật, Hòa thượng cũng dạy người Phật tử phải tin sâu nhân quả và thực hành Năm giới để có được cuộc sống an vui thay vì phải làm một việc không thiết thực là cầu xin Phật ban cho. Lời dạy của Hòa thượng được các thiền viện truyền đạt cho Phật tử trong quá trình tu học bằng phương pháp thuyết giảng kết hợp cung cấp tài liệu Phật pháp để phật tử nghiên cứu áp dụng.

Qua khảo sát năm nhóm Phật tử đang tham gia tu học tại năm thiền viện: Yên Tử, Tuệ Đức, Tây Thiên, Chính Pháp và Hàm Rồng (tổng số Phật tử tham gia khảo sát là 359), kết quả phân tích số liệu cho thấy Phật tử có sự chuyển hóa rất tích cực sau một thời gian tham gia tu học. Trước khi biết đến thiền viện để tham gia tu học, tỷ lệ Phật tử có thực hiện các hành vi mê tín chiếm tỷ lệ khá cao: dâng sao giải hạn (48,7%), đi xem bói (51,2%), đốt vàng mã (64,6%), và đi chùa lễ Phật cầu xin những điều may mắn như tiền tài, thi cử, địa vị v.v... (66,3%). Sau khi tham gia tu học ở các thiền viện, tỷ lệ Phật tử còn thực hiện các hành vi trên giảm đáng kể: dâng sao giải hạn (7,8%), đi xem bói (6,4%), đốt vàng mã (14,3%), và đi chùa lễ Phật cầu xin những điều may mắn như tiền tài, thi cử, địa vị v.v... (23,1%). Như vậy, các thiền viện có khả năng không chỉ giúp cho Phật tử tây dựng đời sống chánh tín theo đúng với tinh thần Phật pháp nói chung và theo đường lối tu học của Hòa thượng vạch ra nói riêng mà còn góp phần cùng với xã hội xây dựng nếp sống văn minh. 

Một nữ Phật tử đang tham gia tu học tại Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp chia sẻ: 

Từ ngày Thầy về đây giảng giải cho các bà hiểu, chứ trước đi mua tiền giả, mỗi cái rằm tháng bảy nhà bà phải bốn năm trăm nghìn, tiền thật đi mua cái đồ tế lễ về để cúng cho những người đã khuất. Từ ngày nghe Thầy giảng pháp như thế, nhà bà tuyệt đối không. Xung quanh đây Phật tử đi chùa đều không cúng vàng mã. Những người xung quanh nhà bà cũng thế bà bảo người ta, người ta cũng nghe theo. Đám hiếu cũng thế, cũng không dùng vàng mã nữa. Từ ngày có thiền viện, nhà bà thay đổi. Ngày xưa, giao thừa thì phải con gà, đĩa xôi, phải thế này phải thế kia. Bây giờ bà vẫn thắp hương ngoài trời, nhưng mà chỉ đĩa hoa quả thôi với lại bánh kẹo. 

Nhờ nghe pháp, thực hành nên Phật tử chấm dứt được hành vi mê tín. Không những thế, sự hiểu biết của Phật tử còn có khả năng ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh.

Tiến xa hơn nữa, Phật tử cảm nhận được niềm vui trong tu tập. Một nữ Phật tử tu học tại đạo tràng Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên kể về việc tu tập và lợi ích của việc tu tập như sau:

Mình cứ theo Sư ông giảng và Thầy chỉ dạy cho là mình tu mọi lúc mọi nơi, mình áp dụng trong cuộc sống, mình cứ lần lần tập theo, tâm mình rất an lạc. Buổi sáng thì 4 giờ mình dậy, đến 4 giờ 30 lên lễ Phật và ngồi thiền khoảng độ một tiếng. Đến tối khoảng 7 giờ hoặc 7 giờ 30 mình sám hối ba nghiệp và ngồi thiền, làm sao đến 9 giờ hoặc 9 giờ 30 là mình nghỉ ngơi. Khi mình hiểu được giáo lý của Phật, về nhà mình hành trì, cái tâm mình nó an, tất cả mọi cái tham sân nó giảm đi và gia đình mình bắt đầu hòa thuận. Trong cuộc sống, mình thấy nó an lạc từng phút từng giây. 

Việc tu học tinh tấn của Phật tử không chỉ mang lại niềm vui cho bản thân mà còn cho những người thân trong gia đình. Kết quả phân tích số liệu từ việc khảo sát cũng thể hiện tỷ lệ 91,4% Phật tử thường có được niềm an vui khi tu học tại các thiền viện.

Như vậy, các thiền viện không chỉ giúp cho người Phật tử xây dựng cho mình niềm tin chân chính mà còn từng bước hướng dẫn họ tu học có kết quả, góp phần xây dựng xã hội hạnh phúc.

III. KẾT LUẬN 

Để Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam có thể phát triển ở các tỉnh thành phía Bắc như trong thời gian qua, ắt hẳn có rất nhiều yếu tố. Nhưng chung quy lại yếu tố con người là yếu tố then chốt. Những con người mang trọng trách của thiền phái cũng có rất nhiều tố chất, trong đó tính nhẫn nại, biết cư xử hài hòa và biết đoàn kết với nhau là những chất liệu không thể thiếu được. Những chất liệu đó có được nhờ công phu tu tập và chắc chắn vai trò của người thầy là rất quan trọng. 

Yếu tố thứ hai là đáp ứng được nhu cầu xã hội. Nếu không làm gì có ích cho xã hội, chắc chắn xã hội không thể chấp nhận và thiền phái không thể tồn tại được. Thực tế, trong thời gian qua các thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm ở các tỉnh thành phía Bắc đã nỗ lực đóng góp cho xã hội trên một số mặt, trong đó có giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ và hướng dẫn cho Phật tử tu tập theo đúng chánh pháp. Điều này đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của xã hội nói chung và của những nhà quản lý xã hội nói riêng. Những việc làm của các thiền viện đều đi theo đường lối chủ trương của Hòa thượng và là sự tiếp bước sự nghiệp khôi phục Thiền phái của Hòa thượng tông chủ.

Mục Lục
Khánh Thọ Bách Tuế Hòa Thượng Tôn Sư
Danh sách chương: