Thiền Tông Việt Nam
Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải (1997)
Tổ thứ hai phái Trúc Lâm THIỀN SƯ PHÁP LOA - LỜI NGƯỜI KHẮC BẢN IN

Đến phần của người khắc bản in.

Vả lại, Sư là người tiếp mùi thơm bủa khắp của hai mươi tám vị Tổ Ấn Độ, mồi đèn trao đuốc của sáu vị Tổ Trung Hoa, noi dấu tông Dương Kỳ, được yếu chỉ ngài Viên Ngộ. Thường ngày bàn thiền nói pháp mà không có một pháp có thể được. Nơi nơi tiếp độ chúng sanh mà không phải chúng sanh, nhưng chẳng chúng sanh nào không được lợi. Ngài khi đi thì xem trâu đá rống trăng, đứng thì nghe ngựa gỗ hí gió, ngồi thì tựa gốc cây không bóng, nằm thì nghỉ trong tháp Vô phùng. Ai có thể dò xét được bờ mé của Ngài.

Kinh Chư Sơn Lâm nói: “Thiền tông ở nơi triều thị, nếu gặp được chỉ thú ngoài lời, chẳng dính nơi thấy nghe, chớ kẹt lý huyền trong ngôn cú, buông lỏng nghĩ bàn. Về sau ở trong Tông môn mới được một chuyển ngữ, quyết nhận ông nắm tay nhau cùng đi. Nếu không được vậy, ắt giống loài mọt đục sách chẳng khác.”

Tuy tôi có duyên kim cải, gặp được sách quí, hổ thẹn không có tài nhả phượng, lạm biên dấu vết Thánh Hiền, nhờ việc thiện nhỏ này, dâng lên đền đáp bốn ân. Dù cho nhiều đời nát xương, cũng khó đền được bốn ân như trời cao lồng lộng. Nghe một câu mà lặng thần có thể được thành Chánh giác.

Ôi!

Kiếm vì bất bình rời vỏ báu,
Thuốc do trị bịnh thoát bình vàng.

Kệ rằng:

Ma cường, pháp nhược, đạo sao côi,
Phật Tổ khuyên răn tạo bản đồ.
Chỉ có lời huyền làm mẫu mực,
Ai hay thức giả giải hạnh vô.

(Phạm Văn Vũ ở xã Thanh Liệu khắc bản in.)

Tôi giải thích cho quí vị thấy rõ đoạn này.

Phần trên là phần của ngài Pháp Loa dạy, phần này là phần kết thúc của người in sách. Ông cũng là người rất thâm hiểu Phật pháp, thâm hiểu thiền. Trước hết ông tán thán ngài Pháp Loa:

Vả lại, Sư (ngài Pháp Loa) là người tiếp mùi thơm bủa khắp của hai mươi tám vị Tổ Ấn Độ, mồi đèn trao đuốc của sáu vị Tổ Trung Hoa, noi dấu tông Dương Kỳ, được yếu chỉ ngài Viên Ngộ (Phật Quả). Đây là tán thán ngài Pháp Loa tiếp nối các vị Tổ Ấn Độ, các vị Tổ Trung Hoa cho đến những vị Tổ sau này. Phần này là nói về sự truyền thừa. Đến diệu dụng của Ngài trong sự giáo hóa:

Thường ngày bàn thiền nói pháp mà không một pháp có thể được. Khi Ngài còn sống thì luôn luôn bàn thiền nói pháp với đệ tử, với mọi người. Tuy bàn, tuy nói mà không một pháp có thể được, tức là không dính mắc một pháp nào.

Nơi nơi tiếp độ chúng sanh mà không phải chúng sanh, nghĩa là Ngài luôn luôn đi hoằng hóa, giảng dạy các nơi để tiếp độ chúng sanh mà không thấy có một chúng sanh thật.

Nhưng chẳng chúng sanh nào không được lợi, tuy không thấy một chúng sanh thật mà các chúng sanh đều được ơn giáo hóa của Ngài và được lợi lạc.

Đến sự sống của Ngài:

Ngài khi đi thì xem trâu đá rống trăng, đứng thì nghe ngựa gỗ hí gió, ngồi thì tựa gốc cây không bóng, nằm thì nghỉ trong tháp Vô phùng, ai có thể dò xét được bờ mé của Ngài?

Đây là nói các hành động của Ngài: đi, đứng, ngồi, nằm đều ở trong thể thanh tịnh như như, nhưng đầy đủ diệu dụng. Đi thì xem trâu đá rống trăng. Trâu đá có cử động không mà biết rống? Đó là để thấy trong thể bất động như như vẫn có diệu dụng. Đứng thì nghe ngựa gỗ hí gió, con ngựa gỗ hí theo các luồng gió lộng. Như vậy đi và đứng đều ở trong thể bất động mà đầy đủ diệu dụng. Ngồi thì tựa gốc cây không bóng. Có gốc cây nào không bóng, trừ trời râm, trời mát. Khi nằm thì nghỉ trong tháp Vô phùng. Tháp Vô phùng là tháp gì? Cũng có người dịch là không chăn chiếu, có người dịch là không khoác áo ca-sa. Nhưng sự thật tháp Vô phùng là do sự tích: Vào đời Đường, Quốc sư Huệ Trung được vua Đường Túc Tông thỉnh về giảng dạy ở kinh đô. Qua đến đời vua Đường Đại Tông, biết mình sắp tịch, Ngài báo tin cho vua Đường biết.

Vua hỏi: - Hòa thượng tịch, đệ tử sẽ làm gì để kỷ niệm?

Ngài nói: - Bệ hạ xây một ngôi tháp Vô phùng.

Vua Đường Đại Tông là một vị vua hiểu thiền, hỏi: - Xin Thầy cho kiểu tháp.

Ngài lặng thinh giây lâu hỏi: - Hiểu chăng?

Đáp: - Không hiểu.

Ngài dạy: - Tôi tịch rồi, có Thị giả tên là Đam Nguyên sẽ giải cho.

Sau khi Ngài tịch, vua Đại Tông mời Thiền sư Đam Nguyên tới, nói rằng: Hòa thượng nói tháp Vô phùng, nay nhờ Thầy giải thích. Đam Nguyên liền đọc bốn câu kệ:

Tương chi nam, đàm chi bắc,
Trung hữu huỳnh kim sung nhất quốc.
Vô ảnh thọ hạ hiệp đồng thuyền,
Lưu-ly điện thượng vô tri thức.

Dịch:

Bên nam sông Tương, bên bắc cái đầm,
Khoảng giữa vàng ròng đầy một nước.
Dưới cây không bóng nên đồng thuyền,
Trên điện lưu-ly không tri thức.

Đó là diễn tả tháp Vô phùng.

Nói rằng: “dưới cây không bóng nên đồng thuyền”, nên ở đây mới dùng câu: Ngồi thì tựa gốc cây không bóng. Cây không bóng là diễn tả tháp Vô phùng.

Nằm thì nghỉ trong tháp Vô phùng. Trong tháp Vô phùng, chỗ nằm nghỉ được diễn tả rất hay: “Lưu-ly điện thượng vô tri thức”, trên điện lưu-ly không tri thức. Ai không tri thức thì nằm được trên điện lưu-ly. Như vậy rõ ràng là diễn tả tháp Vô phùng.

Nhưng có người hiểu lầm, tưởng chữ phùng là vá, không ngờ Ngài muốn chỉ thể không sanh diệt, hằng trong sáng, không niệm phân biệt, đó là tháp Vô phùng của Ngài. Thế nên chúng ta đọc phải hiểu cội nguồn mới không kẹt trong lời dịch.

Như vậy lời của vị này cho thấy ngài Pháp Loa là con người đã ngộ và sống được với lý đạo, nên đi, đứng, ngồi, nằm đều ở trong thể không sanh không diệt, hằng sáng không bị một vết nhơ. Ở trong thể đó ai có thể dò xét được bờ mé của Ngài, nên không ai biết được hành tung của Ngài.

Tóm lại đây là lời khen: một là khen sự kế thừa, hai là khen sự truyền pháp, ba là khen trong bốn oai nghi, Ngài đều sống đúng với Thể chân thật đầy đủ diệu dụng.

Kinh Chư Sơn Lâm nói: Thiền tông ở nơi triều thị, nếu gặp được chỉ thú ngoài lời, chẳng dính nơi thấy nghe, chớ kẹt lý huyền trong ngôn cú, buông lỏng nghĩ bàn. Về sau ở trong Tông môn mới được một chuyển ngữ, quyết nhận ông nắm tay nhau cùng đi.

Ông nói trong kinh Chư Sơn Lâm dạy rằng: Thiền tông ở nơi triều thị, tức là ở nơi triều đình, thị tứ, nếu gặp được chỉ thú ngoài lời, tức là giáo ngoại biệt truyền, không dính, không mắc nơi thấy nghe, cũng không kẹt lý huyền trong ngôn cú, tức là không chấp những lý lẽ cao siêu trong lời, nên dừng hết những nghĩ bàn.

Về sau ở trong Tông môn mới được một chuyển ngữ, quyết nhận ông nắm tay nhau cùng đi, về sau ở trong nhà Thiền mới được một câu thông suốt. Như vậy quyết nắm tay ngài Pháp Loa cùng đi.

Nếu không được vậy ắt giống loài mọt đục sách chẳng khác. Nếu không được vậy, giống như con mọt đục sách, đọc mãi phủng sách không có lợi gì. Đó là lời tán thán và nhắc nhở.

Tiếp đến ông nói riêng về ông:

Tuy tôi có duyên kim cải. Trong kinh Nam Bản Niết-bàn có câu: “Giới tử đầu châm phong, Phật xuất nan ư thị”, nghĩa là như hạt cải ném trên mũi nhọn cây kim là việc khó, Phật ra đời cũng khó như vậy. Thế nên ông dẫn: Tuy tôi có duyên kim cải gặp được sách quí, hổ thẹn không có tài nhả phượng, lạm biên dấu vết Thánh Hiền, nhờ việc thiện nhỏ này, dâng lên đền đáp bốn ơn. Dù cho nhiều đời nát xương, cũng khó đền được bốn ơn như trời cao lồng lộng. Ông có duyên rất hiếm, mới gặp được những quyển sách của ngài Pháp Loa, nhưng ông không có tài nhả phượng phun châu nên khó nói hết được cái hay của kinh sách. Vì thế ông chỉ ghi lại để người sau noi theo dấu vết Thánh Hiền, lấy việc đó làm công đức để đền đáp bốn ơn. Đối với ông thì bốn ơn đó dầu cho nát xương nhiều đời cũng không thể đền đáp được, vì bốn ơn to lớn như trời cao lồng lộng. Chỉ có ai: nghe một câu mà lặng thần có thể được thành Chánh giác, như thế mới đền được bốn ơn. Ông dẫn:

Ôi!

Kiếm vì bất bình rời vỏ báu,
Thuốc do trị bịnh thoát bình vàng.

Cây kiếm vì những việc trái với đạo lý, với điều lành, nên ra khỏi vỏ báu để trừng trị kẻ xấu ác. Thuốc để trong bình vàng, nhưng muốn cứu người bệnh, nên trút ra khỏi bình vàng. Hai câu này nói rằng đạo lý chân thật, quí báu, nếu không có chuyện cần thiết thì nó nằm im. Đến khi vì cứu đời, vì đem lợi ích cho chúng sanh, nó mới có những diệu dụng. Thể chân thật vốn bất động, nhưng vì chúng sanh nên phải động để làm lợi ích cho người.

Kết thúc là bài kệ than vãn của ông:

Ma cường pháp nhược đạo sao côi, ma mạnh, pháp yếu, đạo thì cô đơn quá, ít có người lưu tâm để ý.

Phật Tổ khuyên răn tạo bản đồ. Phật Tổ luôn luôn nhắc nhở khuyên răn, ghi thành sách vở, cũng như vẽ bản đồ cho chúng ta theo.

Chỉ có lời huyền làm mẫu mực. Những lời nhiệm mầu, cao cả này là để làm mẫu mực cho đời sau nương theo tu hành.

Ai hay thức giả giải hạnh vô. Ai có biết đâu, gọi là thức giả mà giải và hạnh đều không có. Nếu thật là thức giả thì hạnh giải phải tương ưng. Giải là hiểu, hạnh là hành, hiểu và hành phải tương ưng nhau. Nếu cho mình là thức giả mà không giải, không hạnh, đó là thức giả hư dối.

Bốn câu kệ là lời cảnh tỉnh những người sau. Vì chúng ta sống trong thời ma cường pháp nhược, đạo đức suy kém, nên lời khuyên của Phật Tổ là bản đồ chúng ta phải noi theo. Nương theo những lời nhiệm mầu của Phật Tổ chúng ta tu hành mới được giải thoát. Đừng cho rằng mình là người trí thức mà không giải, không hạnh. Người tu Phật phải có đủ giải, hạnh thì sự tu hành mới có kết quả.

Trên đây là lời khắc bản in của ông Phạm Văn Vũ ở xã Thanh Liệu.

Đọc sách xưa, thấy được tâm mến đạo của người xưa, chúng ta rất là kính nể. Như vị khắc bản in những quyển sách của ngài Pháp Loa, ngài Huyền Quang, khi được các bản đó ông mừng rỡ, quí trọng, đem khắc lại cho người sau tu học, đó là tâm trạng của những người kính trọng chánh pháp và muốn duy trì chánh pháp. Còn chúng ta ngày nay khi được những quyển sách đó, chúng ta đọc, chúng ta hiểu rồi cần phải tu. Có tu mới gọi là giải hạnh tương ưng. Tổ Đạt-ma có nói: “Giải hạnh tương ưng, danh vi viết Tổ.” Nghĩa là học rồi hiểu, hiểu rồi thực hành, hai điều đó kịp với nhau là Tổ. Vì học mà không hiểu, thì cái học cũng chưa có lợi, học rồi hiểu, hiểu rồi hành, hành tức là hạnh. Như đoạn trước đã nói văn, tư rồi tu, đủ cả ba là gần được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thế nên học đạo đừng bao giờ nghĩ là chúng ta học hiểu để nói cho người khác nghe, mà phải nghĩ học hiểu để tu. Nếu học hiểu tu được rồi, thì lợi ích của chúng sanh sẽ đến. Nếu muốn học nhiều nhớ nhiều để nói cho thiên hạ nghe mà chính mình không tu thì việc lợi ích cho người rất là giới hạn. Tại sao? Ví dụ gặp Phật tử nào tôi cũng khuyên ráng tập tâm từ bi hỉ xả để tu theo hạnh Phật, hạnh Bồ-tát, như vậy cuộc sống sẽ an vui, tôi khuyên người như vậy nhưng có ai chọc tôi giận, tôi nhớ đời đời, gặp mặt tôi không thèm ngó, như vậy người ta đánh giá tôi như thế nào? Từ bi hỉ xả đến mức nào? Tức nhiên lời Phật Tổ nói mình thuộc và đem dạy người, mà chính mình chưa tu được thì khi gặp việc, hạnh của mình vẫn là phàm phu, tuy lời nói là lời Thánh giả. Lời nói Thánh trong con người phàm, thì người nghe sẽ nghĩ: Ông ấy học lóm của Phật rồi nói, chớ thật ông có được gì đâu! Như vậy điều gì mình học được, hiểu được, ứng dụng được, thì mới xứng đáng. Còn học được hiểu được mà không ứng dụng thì chưa xứng đáng. Cho nên chúng ta nhớ chư Phật, chư Tổ luôn luôn khuyên răn chúng ta ráng học, hiểu và cũng phải ráng tu, ba việc phải theo nhau, thì việc tu mới có giá trị.

Vì lẽ đó tôi chủ trương rằng tất cả Tăng Ni cũng như Phật tử chúng ta học vừa phải, nhưng những gì chúng ta học được, chúng ta phải thực hành, phải tu. Trong nhà Phật thường hay ví dụ, những đứa bé chưa biết lợi hại nên gặp những bữa cơm ngon, thức ăn ngon nó dồn vào đầy bụng, nhưng tiêu không nổi thành sanh bệnh. Trái lại nếu nó biết chừng mực, dầu ngon cũng ăn vừa phải để cho bao tử tiêu hóa, chế biến ra các chất bồi dưỡng cơ thể thì mới hữu ích. Cũng như thế, chúng ta nghe cho nhiều, học cho lắm mà không chịu tu, đó là bệnh, vì nói gì chúng ta cũng hiểu thì có ai nhắc mình được đâu! Vừa mở miệng nhắc, dẫn kinh nào chúng ta thuộc kinh nấy, thành ra đâu có nói được. Nhắc chúng ta không được, mà chúng ta không tu, đó là bệnh nặng. Thế nên học là việc đầu tiên, rồi suy gẫm cho thấm nhuần, rồi phải ứng dụng tu. Như vậy tất cả lời Phật Tổ dạy hữu ích vô cùng và đem lại cho đời tu chúng ta những điều mà người thế gian không thể lường nổi. Vì thế các ngài nói nếu được như vậy thì chúng ta cùng Tổ Phật nắm tay đồng đi, kề vai cùng đi chớ không kém.

Tóm lại tôi muốn nhắc Tăng Ni cũng như Phật tử, học kinh học đạo phải khéo ứng dụng cho được, dầu không hoàn toàn, nhưng học mười cũng ứng dụng được năm, đó mới là hữu ích. Còn nếu học cho có kiến thức để khoe với thiên hạ, thì chưa lợi ích bao nhiêu. Vậy mong tất cả học phải hành. Hành thì sẽ có lợi ích. Đó là lời tôi muốn nhắc nhở chung cho tất cả.

Mục Lục
Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải (1997)
Danh sách chương: