Thiền Tông Việt Nam
Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải (1997)
Sơ tổ phái Trúc Lâm TRẦN NHÂN TÔNG - THI PHÚ HÁN NÔM 2

ÂM:             

SƠN PHÒNG MẠN HỨNG

I.

Thùy phược cánh tương cầu giải thoát,
Bất phàm hà tất mích thần tiên.
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,
Y cựu vân trang nhất tháp thiền.

II.

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

DỊCH:

PHÒNG NÚI KHỞI HỨNG

I.

Ai trói lại mong cầu giải thoát,
Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên.
Vượn nhàn, ngựa mỏi, người đã lão,
Như cũ vân trang một chõng thiền.

II.

Phải quấy niệm rơi hoa buổi sớm,
Lợi danh tâm lạnh với mưa đêm.
Mưa tạnh, hoa trơ non vắng lặng,
Chim kêu một tiếng lại xuân tàn.

GIẢNG:

Hai bài thơ này tôi cho là rất lý thú và thật thiết yếu đối với người tu.

Thùy phược cánh tương cầu giải thoát,

“Thùy phược” là ai trói buộc, “cánh” là lại, “tương cầu giải thoát” là tìm cầu giải thoát. Nghĩa là ai trói buộc, mình lại đi tìm cầu giải thoát. Quí vị tu có phải cầu giải thoát không? Chúng ta tu là để cầu giải thoát. Như vậy giải thoát là nghĩa gì? Giải là mở, thoát là ra khỏi trói buộc, cho nên giải thoát là mở trói cho mình. Vậy thì chúng ta bị ai trói mà mong cầu mở? Thí dụ như mắt thấy sắc đẹp, thích sắc đẹp bị sắc đẹp trói. Tai nghe tiếng hay, thích tiếng hay, bị tiếng hay trói, mũi ngửi mùi thơm thích mùi thơm, bị mùi thơm trói, lưỡi nếm vị ngon thích vị ngon, bị vị ngon trói, thân xúc chạm vật mềm mại ưa thích, bị cái mềm mại trói. Nghĩa là tất cả sáu căn bị sáu trần trói buộc. Như vậy sáu trần trói buộc mình hay mình tự trói buộc? Hầu hết mọi người thường nói: “Tôi bị nghiệp trói, nên tu để giải nghiệp.” Nghiệp trói bằng cách nào quí vị có thấy không? Nếu mắt thấy sắc đẹp không nhiễm thì nó có trói được không? Tai nghe tiếng hay không dính mắc, bận bịu nó có buộc được không? Đâu có gì trói buộc, trói buộc là do lòng mình nhiễm trước. Phật Tổ thì mở còn Ma vương trói chỉ là lối nói do tưởng tượng. Thực tế không ai trói mà mình tự trói nên ở đây nói: Ai trói lại mong cầu giải thoát. Như vậy chúng ta tu cầu giải thoát hay cầu không nhiễm? Cầu giải thoát là thực tế hay cầu không nhiễm là thực tế? Nghĩa là chính chúng ta nhiễm thì bị trói, không nhiễm thì ai trói? Vì vậy chúng ta không thể cầu bên ngoài cứu mình mà chỉ cầu sao mình thường tỉnh không bị nhiễm sáu trần, đó là gốc. Đây tôi dẫn câu chuyện Tổ Tăng Xán gặp một Sa-di mới mười bốn tuổi là ngài Đạo Tín. Ngài Đạo Tín biết Tổ là người đạt đạo liền chắp tay bạch:Bạch Hoà thượng dạy cho con pháp môn giải thoát. Tổ Tăng Xán nhìn thẳng vào mặt ngài Đạo Tín nói: Ai trói buộc ngươi? Câu hỏi của Tổ làm cho ngài Đạo Tín sửng sốt, tìm kỹ lại một lúc rồi Ngài thưa với Tổ: Không ai trói buộc con. Tổ bảo: Không ai trói buộc cầu giải thoát làm gì? Ngay câu nói đó ngài Đạo Tín ngộ đạo. Thật giản đơn làm sao! Quí vị thấy rõ chưa? Không ai trói buộc, mình không cầu giải thoát, có giải thoát được không? Nếu không nhiễm thì không cần cầu, còn nhiễm dù ít vẫn bị trói, vì vậy phải cầu giải thoát. Từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta cái nào nhiễm đều bị trói, nếu không nhiễm thì được giải thoát tự tại. Như vậy trọng tâm của giải thoát là do mình, không nhiễm, không bị trói buộc mà cầu giải thoát là dư, là thừa, nên nói: Ai trói buộc mong cầu giải thoát.

Bất phàm hà tất mích thần tiên.

Nghĩa là không phải phàm thì đâu cần tìm kiếm thần tiên làm gì? Như vậy quí vị nghĩ tất cả chúng ta có mặt ở đây là phàm hay Thánh? Ai cũng nói tôi là kẻ phàm phu, nếu tu thì nói là Phàm tăng, không ai dám nói là Thánh tăng cả. Mình đã nhận mình là phàm tại sao Ngài lại nói bất phàm tức là không phàm? Trên thực tế thấy mình là phàm nhưng xét kỹ đến chỗ cứu kính thì tất cả chúng ta không ai phàm hết. Nếu nói như thế quí vị sẽ thầm nghĩ mình là Thánh, nhưng nếu nói là Thánh ắt có tội vì mình còn nhiều xấu xa phiền não. Vậy tại sao Ngài nói “bất phàm hà tất mích thần tiên”? Phật dạy: Chỉ sạch phàm tình không cầu thánh giải. (Đản tận phàm tình bất cầu thánh giải.) Thế nên chúng ta tu chỉ dứt hết những cái xấu dở của tình phàm. Khi sạch hết rồi tức hết phàm là Thánh. Như vậy Thánh đâu ngoài con người phàm này. Đây tôi nói thực tế cho quí vị thấy như chúng ta hiện nay thấy cái gì tốt thì ham muốn gọi đó là tham. Ai nói trái tai nổi giận gọi đó là sân. Thấy ai hơn thì ganh tị, thấy ai có tài có đức hơn, mình không ưa v.v… Tất cả những thứ tham, sân, si, ganh tị, oán hờn… đó là phàm tình. Bây giờ quí vị chịu khó bỏ đi, bỏ từng cái, khi những cái đó hết sạch thì quí vị là Thánh rồi. Như vậy Thánh không ở ngoài đến với mình, Thánh là do hết tâm phàm trở thành Thánh. Thế nên đâu cần tìm thần tiên làm gì. Chính mình hãy gạt bỏ sạch hết những thứ xấu dở hư của con người hay của tâm niệm phàm tục thì cái sáng suốt trong lành của tâm Thánh hiện ra. Như vậy tâm Thánh đã có sẵn nơi mình. Do đó Ngài không nói Thánh mà nói bất phàm. Vì vậy chúng ta có thể tạm nói mình là nửa phàm nửa Thánh, nếu sống với nửa phàm thì Thánh ẩn, Thánh đã sẵn trong con người chúng ta chớ không phải từ nơi nào đến. Thế nên chúng ta tu không cần bên ngoài, bên ngoài không làm cho chúng ta thành Thánh, chính chúng ta bỏ được cái phàm thì chúng ta là Thánh chớ không tìm đâu xa. Trong nhà thiền không nói chúng ta tu phải cầu được cái này cái kia, nếu cầu mà được là không phải chúng ta rồi. Chỉ cần dẹp bỏ những cái phàm thì Thánh hiện, đó mới thật là chính mình. Như vậy quí vị có dám tự hào chúng ta là bất phàm hay vẫn cho mình là phàm phu không khác? Thật ra mỗi người đều có phàm Thánh lẫn lộn. Vì vậy người tu mà nói chờ ai điểm đạo cho mình mới thành Thánh là nói gạt. Nếu có người điểm đạo mà mình còn tham, sân, si, tật đố, kiêu mạn… mà được thành Thánh là chuyện vô lý vì không có ông Thánh nào còn tham, sân… chẳng lẽ điểm đạo cho mình hết tham, hết sân liền sao? Mà chính mình phải dẹp sạch những tham, sân, si, xấu dở của mình rồi thì tự cái Thánh sẽ hiện bày ra không cần tìm ở đâu. Như vậy chúng ta mới thật hiểu được Phật pháp, nếu khác đi là hiểu sai lầm. Vậy thì chỉ cần hai câu chúng ta thấy bao nhiêu đạo lý trong đó: Không ai trói buộc thì không cần cầu giải thoát, chẳng phải phàm thì tìm thần tiên làm gì?

Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,
Y cựu vân trang nhất tháp thiền.

“Viên nhàn” là vượn nhàn, “mã quyện” là ngựa mệt, “nhân ưng lão” là người đã già. Vượn nhàn đây tức là mỏi mệt được dừng nghỉ, ngựa thì nhọc, người thì già. Vượn, ngựa, người tất cả đều hiện tướng nhọc nhằn, mệt mỏi do sự biến chuyển đưa đến gần chỗ cuối cùng là tướng già. Nói tóm lại ba hình ảnh trên nói lên sự vô thường của cuộc đời. Tuy cuộc đời luôn luôn bị vô thường thúc bách con người đến chỗ già, chỗ chết, nhưng “y cựu” là như xưa, “vân trang” tức là cái nhà ở trên núi, “nhất tháp thiền” là một giường thiền, dù cho cuộc đời biến chuyển, dù cho con người bị đổi thay từ trẻ đến già, nhưng nơi vân trang người ngồi trên giường thiền như xưa không có gì đổi thay. Đó là để nói mặc cho cuộc đời có muôn ngàn biến chuyển, nhưng người đạt được Tâm chân thật thì trước sau như một không chút đổi thay, như xưa ở vân trang không có gì thay đổi. Đó là tinh thần của người tu.

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.

“Thị phi” là phải quấy, “niệm trục” là niệm đi theo, “triêu hoa lạc” là sáng sớm hoa rơi rụng. Nghĩa là sáng sớm nhìn ở ngoài sơn phòng thấy các đóa hoa rơi từng cánh xuống đất thì niệm thị phi của chúng ta cũng theo đó mà rụng. Tâm danh lợi cũng theo trận mưa đêm lạnh mà lạnh đi.

Như vậy hai câu này Ngài diễn tả ở trên sơn phòng tức là căn phòng trên núi để tu, khi sáng ra thấy hoa trước cửa thất rơi rụng thì tâm thị phi cũng theo đó mà rụng. Tối mưa đêm lạnh thì tâm danh lợi cũng lạnh theo mưa đêm.

Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

Hoa đã hết, mưa đã tạnh núi vẫn lặng lẽ. Một tiếng chim kêu mùa xuân đã qua. Hai câu này nghe khó hiểu nhưng ý nghĩa rất thâm trầm. Bởi vì khi niệm thị phi của chúng ta rơi rụng hết, tâm danh lợi của chúng ta tan nát rồi lúc đó cũng giống như là hoa hết, mưa tạnh chỉ còn ngọn núi lặng lẽ. Như vậy khi tâm thị phi hết, tâm danh lợi cạn thì lúc đó còn một Tâm thể nguyên vẹn lặng lẽ, cho nên dùng hình ảnh một ngọn núi lặng lẽ dường như vô tình, nhưng đây: Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn, trong ngọn núi tịch tĩnh đó lại có tiếng chim hót lên là mùa xuân đã qua. Như vậy để thấy niệm thị phi đã sạch, tâm danh lợi đã hết thì chúng ta còn một Tâm thể thanh tịnh, Tâm thể không phải vô tri, vô giác mà Tánh giác bừng khởi ở trong đó không còn bị chi phối bởi thời gian cho nên nói mùa xuân tàn. Đó là chỗ kỳ đặc của Ngài chỉ cho chúng ta thấy vậy. Nói tóm lại hai bài thơ này Ngài chỉ dạy thật thiết yếu cho người tu.

ÂM:

NGUYỆT

Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,
Lộ trích thu đình dạ khí hư.
Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ,
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.

DỊCH:

TRĂNG

Đèn song chếch bóng, sách đầy giường,
Đêm vắng sân thu lác đác sương.
Thức dậy tiếng chày đâu chẳng biết,
Trên cành hoa quế nguyệt lồng gương.

                            Đào Phương Bình

GIẢNG:

Bài này tả cảnh ban đêm có trăng, đêm vắng có sương mù lác đác rồi nghe có tiếng chày nện vải từ đâu đưa lại, nhìn ra thấy bóng trăng rọi sáng chung quanh. Như vậy bài này Ngài chỉ tả cảnh.

ÂM: 

ĐỀ PHỔ MINH TỰ THỦY TẠ

Huân tận thiên đầu mãn tọa hương,
Thủy lưu sơ khởi bất đa lương.
Lão dung ảnh lý tăng quan bế,
Đệ nhất thiền thanh thu tứ trường.

DỊCH: 

ĐỀ NHÀ THỦY TẠ, CHÙA PHỔ MINH

Nghìn hương thắp hết ngát đầy tòa,
Làn nước nhẹ nhàng gió lạnh qua.
Dưới bóng đa già chùa cửa đóng,
Ve ngâm dấy khởi tứ thu xa.

GIẢNG:

Khi ra Hà Nội chúng tôi có đến viếng chùa Phổ Minh. Ngày nay cảnh chùa còn nguyên vẹn kể cả tháp. Chùa nằm bên cạnh cánh đồng chớ không ở chỗ thị tứ. Đây Ngài diễn tả cảnh chùa ở phía trước có cây đa lớn và một cái hồ. Khi trong chùa đốt hương thì nghe mùi thơm tỏa ngát đầy tòa. Dưới mặt hồ gió thổi nhẹ nước gợn sóng rọi bóng cội đa già nằm cạnh bên tháp. Một tiếng ve ngâm, ý thu mênh mang.

ÂM:

THIÊN TRƯỜNG PHỦ

Lục ám hồng hi bội tịch liêu,
Tễ vân thôn vũ thổ hoa tiêu.
Trai đường giảng hậu tăng qui viện,
Giang quán canh sơ nguyệt thượng kiều.
Tam thập tiên cung hoành dạ tháp,
Bát thiên hương sát động xuân triều.
Phổ Minh phong cảnh hồn như tạc,
Phảng phất canh tường nhập mộng nhiêu.

DỊCH:

PHỦ THIÊN TRƯỜNG

Lục rậm, hồng thưa cảnh quạnh hiu,
Mây quang, mưa tạnh đất tan rêu.
Phòng trai giảng đoạn, sư về viện,
Cầu bến canh đầu, bóng nguyệt treo.
Ba chục cung tiên, giường ngủ đặt,
Tám nghìn bóng tháp, nước triều reo.
Phổ Minh phong cảnh chùa như cũ,
Trong giấc mơ màng Thuấn thấy Nghiêu.

                               Theo Ngô Tất Tố

GIẢNG:

Bài này Ngài tả cảnh phủ Thiên Trường. Phủ Thiên Trường là quê hương của nhà Trần, nơi đó các ngài làm hành cung. Chùa Phổ Minh cũng nằm trong vùng này. Bài này tôi y theo bản dịch của Ngô Tất Tố. Trong câu “phảng phất canh tường nhập mộng nhiêu” là lấy sự tích nói theo Hậu Hán Thư. Theo tục xưa vua Nghiêu mất, vua Thuấn để tang ba năm để tưởng nhớ, vì thế lúc ngồi thấy hình dáng vua Nghiêu trên tường, khi ăn thấy hình dáng vua Nghiêu trong bát canh. Ý nói khi về chùa Phổ Minh, Ngài luôn luôn nhớ đến các vị vua tiền triều Tổ phụ của Ngài thuở trước, các ngài thường về đây nghỉ ngơi. Vì vậy mỗi khi nhìn cảnh trí ngôi chùa gợi Ngài nhớ tưởng đến người xưa. Như vậy bài này Ngài chỉ tả cảnh.

ÂM:

THIÊN TRƯỜNG VÃN VỌNG

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý qui ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.

DỊCH:

NGẮM CẢNH CHIỀU Ở THIÊN TRƯỜNG

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều dường có lại dường không.
Mục đồng sáo vẳng, trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

                           Theo Ngô Tất Tố

GIẢNG:

Ở đây Ngài ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường, bên cạnh cánh đồng. Ngồi ở trong nhìn ra thấy mục đồng cỡi trâu về chuồng, thấy cò trắng từng đôi bay xuống đồng. Nhìn cảnh đẹp nên thơ, Ngài diễn tả bằng lời thơ. Sở dĩ những bài tả cảnh này được chúng tôi đưa lên đây là để cho quí vị thấy tâm hồn thơ của Ngài rất đặc biệt, rất sống động. Như vậy Ngài là con người có tài về võ lẫn văn thơ.

ÂM:

TẢO MAI

I

Ngũ xuất viên ba kim niễn tu,
San-hô trầm ảnh hải lân phù.
Cá tam đông bạch chi tiền diện,
Tá nhất biện hương xuân thượng đầu.
Cam lộ lưu phương si điệp tỉnh,
Dạ quang như thủy khát cầm sầu.
Hằng Nga nhược thức hoa giai xứ,
Quế lãnh thiềm hàn chỉ má hưu!

II

Ngũ nhật kinh hàn lãn xuất môn,
Đông phong tiên dĩ đáo cô côn (căn).
Ảnh hoành thủy diện băng sơ bạn,
Hoa áp chi đầu noãn vị phân.
Thúy vũ ca trầm sơn điếm nguyệt,
Họa long xuy thấp Ngọc quan vân.
Nhất chi mê nhập cố nhân mộng,
Giác hậu bất kham trì tặng quân.

DỊCH:

HOA MAI SỚM

I

Năm cánh hoa tròn, vàng nhị phô,
Nổi nênh vảy cá, chìm san-hô.
Đông ba tháng trải, cành khoe trắng,
Xuân một làn thơm, nhánh nhẹ đưa.
Đêm ngỡ nước trong, chim cháy cổ,
Sương lừng hương ngát, bướm tan mơ.
Hằng Nga như biết đây hoa đẹp,
Quế lạnh cung Thiềm, há mến ưa?

II

Năm ngày ngại rét, lười ra cửa,
Gốc lẻ nào ngờ đã gió xuân.
Mặt nước băng tan, cây bóng ngả,
Đầu cành hoa trĩu, ấm chưa phân.
Trăng chìm xóm núi, lời ca bổng,
Mây ướt quan hà, tiếng sáo ngân.
Lạc tới chiêm bao, hoa một nhánh,
Muốn đem tặng bạn, khó vô ngần!

                             Trần Lê Văn

GIẢNG:

Bài thơ thứ nhất nói về hoa mai buổi sớm. Ở đây Ngài diễn tả hoa mai buổi sớm ở Việt Nam hay ở thế gian này vừa đẹp, vừa thơm. Nếu Hằng Nga ở trên cung trăng biết nơi đây có hoa mai đẹp đẽ như thế, chắc cũng bỏ cung quế để xuống thăm. Đó là lối diễn tả khéo của Ngài.

Bài thứ hai cũng diễn tả hoa mai, nhưng vì mùa đông rét mướt nên năm ngày Ngài không ra khỏi cửa, lúc bước ra thì thấy một gốc mai đã có gió xuân đưa đến. Khi nước băng tan, trên cành có những cánh mai nở tròn đầy, kế là những tiếng ca trong xóm núi, những tiếng sáo ngâm, những bước đi quan hà. Rồi trong mộng thấy một cành hoa mai đẹp, muốn đem tặng bạn nhưng không sao tặng được.

ÂM:

LẠNG CHÂU VÃN CẢNH

Cổ tự thê lương thu ái ngoại,
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.
Thủy minh, sơn tĩnh bạch âu quá,
Phong định, vân nhàn, hồng thụ sơ.

DỊCH:

CẢNH CHIỀU Ở LẠNG CHÂU

Chùa xưa lạnh lẽo khói thu mờ,
Chiều quạnh thuyền câu, chuông vẳng đưa.
Núi lặng, nước quang, âu trắng lượn,
Tạnh mây, im gió, đỏ cây thưa.

                             Trần Lê Văn

GIẢNG:

Lạng Châu là một tỉnh ngày xưa. Bài này tôi cũng theo bản dịch của ông Trần Lê Văn. Đây Ngài tả cảnh chiều ở Lạng Châu. Bài thơ chỉ tả cảnh nên tôi không thể giải thích theo đạo lý được.

ÂM:

VŨ LÂM THU VÃN

Họa kiều đảo ảnh trám khê hoành,
Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh.
Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc,
Thấp vân như mộng viễn chung thanh.

DỊCH:

CHIỀU THU Ở VŨ LÂM

Lòng khe in ngược bóng cầu hoa,
Hắt sáng bờ khe, vệt nắng tà.
Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ,
Mây giăng như mộng, tiếng chuông xa.

                                  Băng Thanh

GIẢNG:

Bài này Ngài tả cảnh chiều thu ở Vũ Lâm, cũng không có ý nghĩa đạo lý nên tôi không giảng giải rộng thêm.

Tóm lại buổi giảng hôm nay tôi có ít lời nhắc nhở Tăng Ni và Phật tử qua hai bài “Sơn Phòng Mạn Hứng”. Hai bài này Tăng Ni cần phải học thuộc lòng, bởi vì trong đó có hai đặc điểm mà tôi muốn nhắc cho quí vị nhớ.

Đặc điểm thứ nhất, trong bài đầu Ngài chỉ cho chúng ta thấy rõ trọng tâm giải thoát nằm ở chỗ nào.

Đặc điểm thứ hai, chỉ cho chúng ta thấy rõ tu cầu thành Phật, thành Thánh là cầu nơi mình hay cầu nơi ai khác?

Đó là hai đặc điểm mà Phật tử chúng ta hiện nay hay sai lầm.

Muốn được giải thoát sanh tử thì tâm sanh tử chúng ta phải dừng. Vậy tâm sanh tử là tâm nào quí vị có biết không? - Tâm là cái biết, cái giác, mà cái biết cái giác nào dấy động là nhân sanh diệt, còn cái giác biết không dấy động thì không sanh diệt. Khi chúng ta khởi nghĩ thương, ghét, buồn, giận v.v.. đó là những cái nghĩ động nên nó là nhân sanh tử. Như vậy chúng ta muốn giải thoát sanh tử hay không sanh tử thì phải dừng cái nhân sanh tử. Nhân sanh tử dừng lặng thì quả không sanh tử sẽ đến, không phải cầu, không phải tìm kiếm. Bởi giáo lý nhà Phật rất thâm sâu nên nhiều người học Phật không hiểu thấu đáo dễ bị mắc kẹt hoặc hiểu lầm, đi kiếm tìm, cầu xin ai khác bên ngoài cứu độ cho mình được giải thoát, đó là việc làm không hợp với Phật pháp. Muốn giải thoát là tự mình phải dừng những ý niệm dấy động tạo nghiệp, ý niệm dấy động tạo nghiệp dừng thì nghiệp quả đâu còn, vì không có nghiệp nhân làm gì có nghiệp quả, mà không có nghiệp cái gì lôi mình đi trong luân hồi sanh tử nữa, tức là tự mình đã giải thoát rồi. Thế nên bao nhiêu phương tiện tu hành của Phật Tổ dạy chúng ta đều cốt dừng tâm sanh tử, mà muốn dừng tâm sanh tử thì phải chịu khó ngày đêm ngồi thiền mấy thời, tận lực hạn chế không cho dấy động tạo nghiệp. Khi tâm đã dừng lặng thì mầm sanh tử không còn, do đó nhân không tạo thì quả không có. Đây là gốc của sự tu hành, chớ không phải tu là cầu xin.

Đa số chúng ta hiện nay nặng về cầu xin. Giả sử trong gia đình có chuyện gì sầu muộn buồn khổ, lại cầu Phật thương con, gia hộ cho con qua khỏi nghiệp chướng để được giải thoát sanh tử. Như vậy tất cả mọi việc đều trông cậy vào chư Phật, chư Tổ cứu giúp cho, nhưng nếu không dừng ý nghiệp thì không ai giúp cho chúng ta được. Chẳng hạn như tôi hiện nay, có vị Tăng hay Ni nào khởi tâm nghĩ rằng cha mẹ mình già, để cha mẹ ở nhà buồn, mình nên về nuôi dưỡng cho tròn bổn phận con hiếu. Khi khởi nghĩ như thế rồi cứ để tăng trưởng mãi trong lòng và có ý muốn rời khỏi Thiền viện. Vị Tăng ấy đến thưa với tôi hết sự tình và nhờ tôi gia hộ cho chú ở lại Thiền viện tu hành. Trong trường hợp này tôi phải làm sao? Nếu tôi không cho thì vị Tăng cũng lén trốn đi thôi. Cho nên việc này chỉ tự vị Tăng dừng cái tâm nghĩ tưởng của mình, chớ không có cách nào khác. Tôi đơn cử ví dụ trên để cho quí vị thấy liên hệ đến bao nhiêu việc khác cũng như vậy. Nếu chúng ta lặng sạch hết những tâm danh lợi, thị phi thì không muốn giải thoát, giải thoát cũng đến. Ngược lại, tâm danh lợi thị phi còn thì chúng ta muốn giải thoát bằng cách cầu xin Phật, Tổ, thiện hữu tri thức cứu giúp mình cũng không làm sao giải thoát được. Việc tu hành rõ ràng như vậy.

Thêm một điều nữa, chúng ta không nên tự khi mình nghiệp nặng, tu hành không thể thành Phật được. Hiện nay, đa số Tăng, Ni, Phật tử thường mặc cảm mình thấp kém, tội lỗi… làm sao thành Phật nổi. Chúng ta không nên nghĩ như vậy. Vì sao? Vì tất cả những thứ này là cái bên ngoài, tham sân si v.v… đều là những niệm bên ngoài, chớ không phải cái gốc. Cái gốc của chúng ta rất trong sạch. Như hình ảnh trong đây đã nói “hoa rụng, mưa tạnh”. Hoa thì có nở có rụng, mưa thì có tuôn có tạnh. Nhưng tất cả đều tạm có, đều ở bên ngoài, nó sẽ hết, sẽ qua đi, còn núi vẫn nguyên vẹn như xưa không đổi thay.

Tham sân si của chúng ta theo duyên dấy khởi, chợt đến chợt đi, không thật có. Riêng Tánh biết bình tĩnh sáng suốt an nhiên lúc nào cũng hiện tiền. Tại sao chúng ta quên, lại bỏ qua? Vì vậy, Tổ Lâm Tế có dạy: “Các ông muốn được biết Phật Tổ chăng? Chính trước mặt các ông hiện nghe pháp ấy vậy!” Tổ muốn chỉ cho chúng ta nhận ra cái chân thật nó đang hiện tiền không cần tìm cầu nơi khác. Thế nên, nếu chúng ta theo tham sân si, lệ thuộc vào nó thì chúng ta là phàm. Ngược lại, chúng ta thắng nó, không theo nó thì chúng ta là Thánh. Cái Thánh đã sẵn ngay nơi mình, chỉ tại chúng ta tự chối bỏ, tự quên mất mà thôi. Vì vậy, hình ảnh “hoa rụng, mưa tạnh” hiển bày một ngọn núi xanh thật đẹp vô cùng. Chớ bảo rằng ngọn núi chỉ là một hiện hữu vô tình mà ở đó còn có tiếng chim hót, lá reo… làm cho tất cả đều thức tỉnh. Việc tu hành theo đó cũng thật hay, thật quí báu nếu chúng ta rõ biết đâu là gốc, đâu là ngọn.

Mục Lục
Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải (1997)
Danh sách chương: