Thiền Tông Việt Nam
Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải (1997)
Tổ thứ ba phái Trúc Lâm THIỀN SƯ HUYỀN QUANG - THƠ PHÚ CÒN SÓT LẠI 3

ÂM:

TẢO THU

Dạ khí phân lương nhập họa bình,
Tiêu tiêu đình thụ báo thu thanh.
Trúc đường vong thích hương sơ tẫn,
Nhất nhất tùng chi võng nguyệt minh.

DỊCH:

THU SỚM

Hơi mát đêm thâu lọt tới mành,
Cây sân xào xạc báo thu thanh.
Bên lều quên bẵng hương vừa tắt,
Lưới bủa vầng trăng, mấy khóm cành.

Nguyễn Đổng Chi

GIẢNG:

Bài dịch rất hay.

Hơi mát đêm thâu lọt tới mành. Hơi lạnh của đêm thu thổi vào tận bên tấm sáo của chiếc lều.

Cây sân xào xạc báo thu thanh. Gió thổi cây trước sân nghe xào xạc, đó là tiếng báo hiệu mùa thu trở về.

Bên lều quên bẵng hương vừa tắt. Nằm bên lều quên bẵng cây hương thắp trên bàn Phật tắt từ bao giờ. Nhìn ra ngoài trời:

Lưới bủa vầng trăng mấy khóm cành. Các cành lá xao động, ánh sáng trăng rọi qua giống như lưới phủ ánh trăng. Nguyên văn chữ Hán rất hay: Nhất nhất tùng chi võng nguyệt minh, các cành cây đan vào nhau làm cho ánh trăng rọi xuống giống như xuyên qua những mắt lưới.

Qua bài thơ trên, chúng ta thấy lối tả cảnh của Ngài thật tuyệt diệu, ngoài ra Ngài có nói đạo lý gì không? Bên lều quên bẵng hương vừa tắt, bên cạnh thất, người nằm lặng lẽ quên tất cả, mặc cảnh chung quanh thay đổi, cho đến cây hương tàn lụn cũng không hay. Như vậy gió mát lọt tới mành, tiếng xào xạc báo mùa thu tới, ông Tăng nằm bên lều quên cả hương tàn, ánh trăng rọi xuống những cành cây như phủ lưới, các hành động này dường như có hành động nhưng người và cảnh đều vô tâm. Đó là điểm đặc biệt, giữa người và cảnh không còn riêng rẽ cách biệt mà đều đồng một trạng thái vô tâm.

ÂM:

ĐỊA LÔ TỨC SỰ

Ôi dư cốt đốt độc phần hương,
Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương.
Thủ bả xuy thương hòa mộc đạc,
Tùng giao nhân tiếu Lão tăng mang.

DỊCH:

LÒ SƯỞI TỨC CẢNH

Củi hết lò còn vương khói nhẹ,
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh.
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo,
Thiên hạ cười ta, cứ mặc tình.

Nguyễn Lang

GIẢNG:

Củi hết lò còn vương khói nhẹ, đây là hình ảnh một lò hương tàn. Ngài diễn tả lúc ở núi có một vài chú đệ tử con con, mùa đông lạnh thầy trò hơ lửa bên lò sưởi, lửa tàn rồi chỉ còn một chút khói nhẹ. “Độc phần hương” là còn một chút hơi thơm nhè nhẹ. Tựa bài là lò sưởi nhưng có sách dịch là bát hương, các cây hương tàn rồi cong lại gọi là cốt đốt.

Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh, những đệ tử nhỏ học kinh có vài đoạn chưa hiểu, đem ra hỏi, thầy dạy, đó là bổn phận của vị thầy.

Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo. Một tay cầm dùi gõ mõ tụng kinh, một tay nâng sáo thổi. Tụng kinh thổi sáo là hai hiện tượng khác nhau. Với người thế gian khi tụng kinh thì nghiêm trang không thổi sáo, khi thổi sáo thì không tụng kinh, hay nói cách khác khi tu thì không vui chơi, khi vui chơi thì quên tu. Ngài Huyền Quang thật là một nghệ sĩ, tay cầm mõ, tay nâng sáo.

Thiên hạ cười ta cứ mặc tình. Ai cười mặc tình, Ngài không quan tâm, không bận lòng trước lời phê phán.

Tóm lại qua bài này chúng ta thấy được tư cách một nghệ sĩ nơi ngài Huyền Quang, vừa tu vừa thổi sáo vừa làm thơ, không thiếu phần nào cả.

ÂM:

CHU TRUNG

Nhất diệp biển chu hồ hải khách,
Xanh xuất vi hàng phong thích thích.
Vi mang tứ cố vãn triều sinh,
Giang thủy liên thiên nhất âu bạch.

DỊCH:

TRONG THUYỀN

Dấu khách giang hồ thuyền một lá,
Hàng lau lách gió chèo thong thả.
Bốn bề trông quạnh ngọn triều lên,
Nước biếc liền trời âu trắng xóa.

Đinh Văn Chấp

GIẢNG:

Dấu khách giang hồ thuyền một lá. Một khách giang hồ ngồi trong chiếc thuyền nhỏ bơi đi.

Hàng lau lách gió chèo thong thả, lách gió bên cạnh hàng lau, chèo thuyền thong thả.

Bốn bề trông quạnh ngọn triều lên. Bốn bên đều vắng vẻ chỉ thấy dòng nước lớn đang lên cao.

Nước biếc liền trời âu trắng xóa là dịch câu: Giang thủy liên thiên nhất âu bạch. Câu này rất hay. Giang thủy là nước sông, liên thiên là liền với trời, và một con chim âu trắng bay.

Người thấu triệt lý thiền, nhìn hình ảnh này thấy có một chỗ rất đặc biệt. Chiếc thuyền, bờ lau, con sông, dòng nước, bầu trời và cả con chim âu, tất cả đều hòa nhập vào nhau không ranh giới, không chia cách. Như vậy để thấy rằng muôn sự, muôn vật trong thế gian này đều hòa quyện vào nhau không chia cách, đó là điểm đặc biệt của người tu thiền nhìn ngoại cảnh.

ÂM:

THỨ BẢO KHÁNH TỰ BÍCH GIAN ĐỀ

Hoang thảo tàn yên dã tứ đa,
Nam lâu bắc quán tịch dương tà.
Xuân vô chủ tích thi vô liệu,
Sầu tuyệt đông phong kỷ thụ hoa.

DỊCH:

HỌA BÀI THƠ ĐỀ TRÊN VÁCH ĐÁ

CHÙA BẢO KHÁNH

Khói nhạt đồng hoang quê lắm vẻ,
Lầu nam quán bắc, xế vừng hồng.
Thơ không thi liệu, xuân không chủ,
Mấy cội hoa sầu nhớ gió đông.

Nguyễn Đổng Chi

GIẢNG:

Vì là bài họa nên không mang tính cách đặc biệt của Ngài. Ngài cảm hứng họa lại bài thơ cũ đề trên vách, nên ý nghĩa chỉ là nói lên cảnh đồng quê nào lầu nam, nào quán bắc và vầng mặt trời. Đứng về thơ thì không có thi liệu tức là không có tài liệu làm thơ, nói về mùa xuân thì mùa xuân không có chủ, chỉ có mấy cội hoa buồn nhớ gió đông.

ÂM:

MAI HOA

Dục hướng thương thương vấn sở tòng,
Lẫm nhiên cô trĩ tuyết sơn trung.
Chiết lai bất vị già thanh nhãn,
Nguyện tá xuân tư ủy bệnh ông.

DỊCH:

HOA MAI

Muốn hỏi trời xanh: hoa tự đâu,
Một mình gội tuyết chốn non sâu.
Bẻ về, đâu muốn lừa tri kỷ,
Chỉ mượn tình hoa giải bệnh sầu.

Băng Thanh

GIẢNG:

Trong bài này Ngài diễn tả hoa mai nở vào cuối đông đầu xuân.

Muốn hỏi trời xanh hoa tự đâu. Từ đâu mà có hoa này?

Một mình gội tuyết chốn non sâu. Mùa đông ở trong rừng núi, hoa mai vẫn nở rực, không sợ sương tuyết.

Bẻ về đâu muốn lừa tri kỷ. Chữ “tri kỷ” dịch chữ “thanh nhãn” nghĩa là mắt xanh. Trong sách Nho thường dùng chữ thanh nhãn, mắt xanh để chỉ người trí thức, nhìn thấu được sự vật. Bẻ hoa mai về không phải vì muốn lừa người trí thức.

Chỉ mượn tình hoa giải bệnh sầu. Chỉ đem hoa về chưng cho đẹp, làm cho người bớt buồn thôi.

ÂM:

TRÚ MIÊN

Tổ phụ điền viên nhậm tự sừ,
Thiên thanh bàn khuất nhiễu ngô lư.
Mộc tê song ngoại thiên cưu tịch,
Nhất chẩm thanh phong trú mộng dư.

DỊCH:

NGỦ NGÀY

Vườn tược cha ông mặc sức cày,
Quanh nhà xanh nượp mấy ngàn cây.
Ngoài song, cành quế chim cưu vắng,
Gió mát, triền miên giấc ngủ ngày.

Kiều Thu Hoạch

GIẢNG:

Ngủ ngày là ngủ trưa nhưng trong bài ngủ ngày chắc là giờ nào ngủ cũng được chớ không phải là giờ trưa. Đọc bài thơ này nhiều người có vẻ bằng lòng lắm. Nhưng quí vị nên hiểu:

Vườn tược cha ông mặc sức cày, đó là vườn nào? Thường chúng ta nghĩ là vườn của gia đình, của tổ tiên để lại cho con cháu. Nhưng vườn tược cha ông là chỉ cho tất cả chúng ta sẵn có cái kho tâm địa. Trong kho đất tâm đó đủ các thứ cây cỏ mọc chằng chịt. Nay chúng ta phải làm sao? Ráng cày và lượm sạch cỏ để trồng các loại cây tốt có hoa quả hữu ích. Như vậy ai cũng có một thửa vườn, mỗi người phải ráng chăm sóc, cày bừa trồng trọt cho tốt.

Quanh nhà xanh nượp mấy ngàn cây. Vì khéo trồng nên chung quanh nhà cây lên xanh mượt.

Ngoài song, cành quế chim cưu vắng. Ngoài cửa sổ, chim cưu không đến đậu trên cành quế.

Gió mát, triền miên giấc ngủ ngày. Thật đẹp làm sao! Vườn tược quanh nhà dọn dẹp sạch, cây trồng lên xanh mượt, không có chim kêu, chỉ có gió mát nên nằm ngủ một giấc thật ngon, không biết lúc đó là sáng hay trưa hay chiều.

Quí vị có được ngủ một giấc ngon như thế này không? Khi nào vườn tược của mình sạch gai góc, cỏ dại, chỉ là một vườn cây hữu ích xanh mướt, không có chim chóc côn trùng phá hại, lúc đó gặp cơn gió mát thì tha hồ ngủ. Trái lại nếu vườn của ai còn gai góc thì phải nỗ lực cuốc cày, nhổ bỏ cho sạch chớ không có quyền ngủ.

Bài này dạy chúng ta tu, kiểm lại xem vườn của mình còn gai góc một vài bụi hay đầy cả vườn? Phải ráng dọn sạch gai góc, khi nào vườn sạch, lại trồng các cây từ bi, trí tuệ xanh mượt, khi đó gặp cơn gió mát thì ngủ chớ không còn gì phải làm. Bài này rất là thích thú!

ÂM:

AI PHÙ LỖ

Khóa huyết thư thành dục ký âm,
Cô phi hàn nhạn tái vân thâm.
Kỷ gia sầu đối kim tiêu nguyệt,
Lưỡng xứ mang nhiên nhất chủng tâm.

DỊCH:

THƯƠNG TÊN GIẶC BỊ BẮT

Chích máu thành thư muốn gởi lời,
Lẻ loi nhạn lạnh, ải mù khơi.
Đêm nay mấy kẻ sầu trăng nhỉ?
Xa cách, nhưng lòng chỉ một thôi.

Huệ Chi

GIẢNG:

Tên giặc bị bắt dẫn đi, Ngài thấy xót xa mới làm bài thơ này.

Chích máu thành thư muốn gởi lời. Chích máu viết thành lá thư muốn gởi đi, nhưng:

Lẻ loi nhạn lạnh ải mù khơi. Chim nhạn lẻ loi lại gặp mùa lạnh nó không bay, nên không gởi thơ được. Thường ngày xưa người ta hay dùng nhạn đưa thơ nên gọi là tin nhạn, tức là thơ cột trong chân chim nhạn, nó bay đến nơi rồi đáp xuống trao thơ. Nhưng nay gặp mùa đông lạnh nó không bay mà chỗ quan ải lại xa xôi mù mịt.

Đêm nay mấy kẻ sầu trăng nhỉ? Cùng là mặt trăng mà đêm nay có bao nhiêu người buồn, bao nhiêu người nhớ. Khi một người con trong gia đình đi đánh giặcbị bắt, cha mẹ ở nhà nghe tin thì xót xa làm sao. Tuy trời trong trăng sáng nhưng càng nhìn cảnh càng đau lòng, nên mới đặt câu hỏi đêm nay mấy kẻ sầu trăng nhỉ?

Xa cách nhưng lòng chỉ một thôi. Chữ xa cách là dịch chữ lưỡng xứ, tức là hai nơi, nước bắt được giặc và nước của người giặc. Hai nơi cách xa nhau nhưng thật tình nỗi đau lòng cũng là một thôi. Ý Ngài muốn nói người ở nơi này, người ở nơi kia nhưng tâm trạng cũng là giống nhau.

ÂM:

QUÁ VẠN KIẾP

Lạng Châu nhân vật thủy lưu đông,
Bách tuế quang âm niễn chỉ trung.
Hồi thủ cố sơn ngưng vọng xứ,
Sổ hàng qui nhạn thiếp tình không.

DỊCH:

QUA VẠN KIẾP

Về đông, nước chảy, người châu Lạng,
Ngày tháng, trăm năm một thoáng nhanh.
Núi cũ ngoảnh đầu đăm đắm ngóng,
Nhạn về in bóng giữa tầng xanh.

Hoàng Trung Thông - Băng Thanh

GIẢNG:

Vạn Kiếp là nơi xảy ra chiến trận, bao nhiêu người đánh giết nhau…

Về đông nước chảy, người châu Lạng. Châu Lạng là Lạng Sơn. Lạng Sơn ở trên vùng cao nguyên, nước trên núi tuôn chảy xuống biển ở phía đông, vì thế nói dòng nước chảy về đông.

Ngày tháng trăm năm một thoáng nhanh, nguyên văn chữ Hán là bách tuế quang âm niễn chỉ trung, trăm năm dường như búng ngón tay, tức chỉ thời gian trôi nhanh.

Núi cũ ngoảnh đầu đăm đắm ngóng, là dịch câu hồi thủ cố sơn ngưng vọng xứ.

Nhạn về in bóng giữa tầng xanh là dịch câu sổ hàng qui nhạn thiếp tình không. Sổ hàng qui nhạn là mấy hàng chim nhạn bay trở về.

Đây là Ngài diễn tả cảnh ở Vạn Kiếp, cạnh dòng sông nước trôi về biển. Nhớ lại những chuyện cả trăm năm về trước dường như một chớp thoáng qua, nhìn ngắm ngọn núi thấy bầy chim nhạn bay trên từng hư không. Như vậy để thấy tất cả tâm tình người ôn lại những sự đã qua thì chỉ là một cái rỗng, không có gì thật, qua rồi là mất.

ÂM:

ĐỀ ĐẠM THỦY TỰ

Đạm Thủy đình biên dã thảo đa,
Không sơn vũ tễ tịch dương tà.
Nhân qua liễn lộ đầu thiền thất,
Ủng phạn xao chung giản lạc hoa.

DỊCH:

ĐỀ CHÙA ĐẠM THỦY

Bên đình Đạm Thủy cỏ đua tươi,
Mưa tạnh non quang, bóng ngả dài.
Tiện lối xe vua vào vãng Phật,
Thỉnh chuông, giúp sãi nhặt hoa rơi.

                     Huệ Chi

GIẢNG:

Đây là bài thơ viết về chùa Đạm Thủy. Cảnh rất đẹp, chùa Đạm Thủy có nhiều hoa cỏ tươi tốt, qua một cơn mưa tạnh, nhìn thấy ngọn núi sáng và bóng chiều đã xế. Tiện đường đi ngang, xe Vua ghé vào chùa lễ Phật, nhưng ông thầy đi đâu vắng, có lẽ ông đang đi lượm hoa ở ngoài, nên quan hộ giá phải đánh chuông giùm cho Vua lạy: Thỉnh chuông, giúp sãi nhặt hoa rơi.

Đây là diễn tả cảnh chùa vắng vẻ yên tĩnh, Vua đến không gặp thầy, không gặp Điệu, chỉ trong đoàn tùy tùng đánh chuông lễ Phật.

ÂM:

DIÊN HỰU TỰ

Thượng phương thu dạ nhất chung lan,
Nguyệt sắc như ba phong thụ đan.
Xi vẫn đảo miên phương kính lãnh,
Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn.
Vạn duyên bất nhiễu thành già tục,
Bán điểm vô ưu nhãn phóng khoan.
Tham thấu thị phi bình đẳng tướng,
Ma cung Phật quốc hảo sinh quan.

DỊCH:

CHÙA DIÊN HỰU

Đêm thu chùa gióng tiếng chuông vang,
Sóng gợn ánh trăng, phong lá vàng.
Chim ngủ ngược hình, gương nước lạnh,
Bóng hai ngôi tháp, chót ngọc hàn.
Muôn duyên chẳng rối nào ngăn ngại,
Nửa điểm không phiền mắt rộng thang.
Tham tột thị phi tướng bình đẳng,
Cung ma, cõi Phật đẹp ngang hàng.

LỜI DẪN.- Diên là kéo dài, Hựu là lành tốt tức là tuổi thọ. Diên Hựu là muốn kéo dài tuổi thọ nên lập chùa này để cầu nguyện. Chùa Diên Hựu cũng tên là chùa Một Cột nhưng tên Diên Hựu là chùa lớn ở trên đất, còn Một Cột là chùa ở dưới hồ. Vua Lý Thái Tông một hôm nằm mộng thấy Bồ-tát Quán Thế Âm đứng trên tòa sen đưa tay muốn dắt nhà vua lên tòa. Nhà vua vừa bước lên, chợt giật mình thức dậy, mới mời các vị Tăng đến để bàn điềm mộng. Thiền sư Thiền Tuệ khuyên nhà vua nên cất một ngôi chùa giống như cảnh đã thấy trong mộng. Nhà vua liền ra lệnh cho đào một cái hồ lớn, xây một trụ đá ở giữa hồ, trong trụ đá có mấy cánh để dựng ngôi chùa lên trên. Tháng 10 năm Kỷ Dậu tức 1049 vua Lý Thái Tông cho dựng chùa và để tên là chùa Diên Hựu, dùng làm nơi cúng dường trai tăng cầu nguyện cho nhà vua sống lâu. Chùa Một Cột còn mãi tới ngày nay (khoảng tám thế kỷ qua) là ngôi chùa rất xưa, đầy đủ tinh thần dân tộc Việt Nam nên rất được quí trọng. Chùa đã được sửa sang lại mấy lần, nên hiện nay không còn giữ nguyên hình dáng như xưa nữa.

GIẢNG:

Đêm thu chùa gióng tiếng chuông vang. Đêm mùa thu trong chùa giọng chuông, tiếng vang ra xa.

Sóng gợn ánh trăng, phong lá vàng. Gió thổi mặt hồ gợn sóng, ánh trăng rọi xuống, nhìn thấy sóng gợn ánh trăng. Bên bờ hồ những cây phong lá đã ngả vàng. Hai câu này tả cảnh mùa thu tiếng chuông chùa vang, mặt hồ sóng gợn làm ánh trăng xao động, bên cạnh bờ hồ có những cây phong lá vàng.

Chim ngủ ngược hình gương nước lạnh,
Bóng hai ngôi tháp, chót ngọc hàn.

Hai câu này thật là giàu tưởng tượng. “Gương nước lạnh”, nước mặt hồ lạnh giống như gương. Chim đậu ngủ trên cây phong khi rọi bóng xuống hồ, nhìn thấy như chim ngủ đảo ngược. Hai ngôi tháp ở hai bên hồ nước trong, rọi bóng xuống hồ, chót ngọc trên ngôi tháp ngâm dưới nước nên lạnh. Chim ngủ ngược, chót tháp lạnh là hai hình ảnh tưởng tượng.

Muôn duyên chẳng rối nào ngăn ngại,
Nửa điểm không phiền mắt rộng thang.

Đây là đến phần đạo lý. Nếu tu hành mà tất cả duyên, tức là cảnh bên ngoài, khi tiếp xúc tâm chúng ta không dính mắc, không rối loạn phiền nhiễu thì nội tâm ta được thảnh thơi nhẹ nhàng, không có chút gì ngăn ngại. Trái lại đối với các duyên bên ngoài nếu chúng ta dính mắc, đương nhiên chúng ta phải bị che mờ, phải phiền não. Thế nên bước đầu của người tu là muôn duyên chẳng rối thì không có gì ngăn ngại. Tôi thường nói tất cả cảnh bên ngoài không có cảnh nào khuấy nhiễu, phá rối sự tu hành của chúng ta. Tỉ dụ như vị trưởng ban hoa chăm sóc ở ngoài viện, nơi đó nhiều người tới lui qua lại, cũng có nhiều hình ảnh nhưng mình chỉ chăm sóc hoa, không bị những hình ảnh chung quanh làm rối loạn thì có trở ngại gì không? Trái lại hình ảnh tới, chúng ta quên hoa nhớ ảnh đó là rối. Thế nên nhiều khi chúng ta cứ đổ cho ngoại cảnh làm chướng mình, nhưng không ngờ vì mình còn nhiều nhựa sống quá nên dính với cảnh rồi thấy có trở ngại.

Nửa điểm không phiền mắt rộng thang, là không còn nửa điểm để phiền thì con mắt thênh thang, không có gì ngăn trở.

Tóm lại chỉ có hai điều: thứ nhất là muôn duyên không dính, thứ hai là nửa điểm không phiền, được như thế thì con người tự do, tự tại. Đó là hai việc tu của chúng ta.

Tham tột thị phi tướng bình đẳng. Tham là tra cứu, tìm kiếm đi sâu vào trong đạo lý. Khi chúng ta tham cứu tột cùng thì thấy tướng thị phi tức là phải quấy đều bình đẳng như nhau. Nếu chưa bình đẳng là tham chưa tột. Nếu tham tột thì thấy tướng phải tướng quấy đều hư dối không thật tức là bình đẳng. Khi ấy:

Cung ma, cõi Phật đẹp ngang hàng. Cung ma, cõi Phật đều đẹp như nhau. Chúng ta hiện nay sợ cung ma và mến cõi Phật. Như trong kinh diễn tả cõi đức Phật Di-đà nào là thất trùng la võng, thất trùng hàng thọ v.v… đẹp làm sao, nên ai cũng mơ ước. Còn nghe nói cung ma thì bị bỏ trong vạc dầu sôi, bị bắt trèo lên cây kiếm v.v… rất khổ sở, nên ai cũng sợ. Như vậy chúng ta sợ cung ma, thích cõi Phật vì chưa thấy tột tướng thị phi là bình đẳng. Nếu thấy tột thì cung ma cõi Phật đều đẹp như nhau không khác. Đó là để chỉ cho thấy khi mê thì cung ma là khổ, cõi Phật là vui, khi ngộ rồi thì cung ma cõi Phật, nơi nào cũng đẹp. Nói gần nhất là vì mê nên khi được khen thì chúng ta vui, bị chê thì chúng ta buồn, đó là tâm trạng của người mê. Trái lại nếu tỉnh ngộ rồi chúng ta thấy rõ lời khen lời chê chỉ là giả dối tạm bợ không thật, thì không có gì đáng mừng cũng không có gì đáng buồn, đó là thấy được tướng bình đẳng. Thấy tướng bình đẳng thì cung ma cõi Phật cũng bình đẳng, vì cũng đều là giả tướng không thật, chỉ cái không kẹt thị phi, cái đó mới thật. Còn thị phi là còn có cung ma cõi Phật, mà thị phi đã là giả thì cung ma cõi Phật cũng là tướng giả, nên cũng như nhau. Như vậy quí vị mới hiểu rõ tinh thần tu hành.

Trong những bài trước Ngài diễn tả cảnh nhiều hơn, đến bài này Ngài vừa tả cảnh vừa chỉ cho chúng ta cách tu hành rất rõ ràng, đó là tinh thần người đi trước nhắc nhở kẻ đi sau.

Mục Lục
Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải (1997)
Danh sách chương: