Thiền Tông Việt Nam
Gương hạnh Thầy tôi
Gương hạnh Thầy tôi (p1)

Hôm nay, nhân ngày lễ kỷ niệm Hòa thượng thượng Thiện hạ Hoa thị tịch, chúng tôi nghĩ rằng: Nhớ ơn Thầy, chúng ta không làm được gì khác hơn là noi theo gương hạnh của Thầy, cố gắng thực hành theo những gì Thầy đã làm, để xứng đáng là đệ tử của một bậc thầy sáng suốt, chân thành dìu dắt mọi người trên con đường chánh pháp.

Tôi đã tận mắt chứng kiến hình ảnh Hòa thượng theo Phật nên rất xúc động mỗi khi nhắc đến. Vì lòng thương kính Hòa thượng, không gì hơn là nhớ mãi những cái hay cái quý mà Người đã làm. Để rồi noi theo chí hạnh của Thầy, chúng ta cố gắng tu học, làm lợi ích cho mọi người, nhất là tăng ni Phật tử. Được như vậy mới xứng đáng với bổn phận của hàng hậu học.

Năm 1949, tôi vào chùa Phật Quang. Sau đó được xuất gia với Hòa thượng Viện chủ thượng Thiện hạ Hoa. Bấy giờ chiến tranh chống Pháp đang diễn ra, hoàn cảnh sống khó khăn, chúng tôi phải làm rẫy, chăm sóc vườn, làm nấm rơm gửi sang Cần Thơ bán. Không những vậy, chúng tôi còn lãnh trách nhiệm dạy học cho con em đồng bào trong vùng.

Lúc này chùa chỉ là một mái nhà ba căn bằng lá tàu dừa. Trong xóm có hai trăm em nhỏ về học, cùng với khoảng hơn ba mươi tăng ni trong chùa. Một hôm đang giờ học, bất thần máy bay Pháp quần đến bắn. Hai chiếc bay qua lại trên không mấy vòng, bắn xuống. Tôi đang ngồi trên bục dạy học, thấy nó bắn vào mấy cây cột bằng gỗ, đạn bay chéo chéo trên đầu. Thầy trò sợ hãi, nằm nhào xuống đất. Có đứa bị đất văng lên mặt, hoảng quá thưa: "Thưa Thầy, con bị thương rồi." Lúc đó tôi cũng chẳng biết làm sao, nói: "Thôi ráng đi con, chờ qua cơn rồi sẽ tìm chỗ khác núp." Cứ như vậy, hai chiếc máy bay bay qua lại, bắn liên tiếp vào chùa hơn nửa tiếng đồng hồ.

Bây giờ nghĩ lại, mới thấy ngày đó còn sống được quả thật là việc hy hữu, vì lúc ấy không có chỗ nào để núp. Tôi nằm xuống bục giảng, mấy đứa nhỏ nằm xung quanh, chỉ còn thấy đạn và khói, không thấy người, cũng chẳng thấy gì nữa cả. Trận oanh kích qua rồi, chúng tôi kiểm lại tất cả đều bình an, chỉ có một cô ở nhà bếp trúng đạn vào tay và nhảy xuống mương. Một kỷ niệm chua xót, nhưng làm mình nhớ lâu.

Qua trận đó, nhận thấy ở đây không bình yên, nên thầy trò cùng nhau lên chùa Phước Hậu vào năm 1952. Năm đó, Hòa thượng giám đốc Ấn Quang là bạn học của Hòa thượng, đến mời Thầy về cùng dạy ở Phật học đường Ấn Quang. Thế là Hòa thượng giao chùa lại cho Hòa thượng Hoàn Tâm làm trụ trì chùa Phật Quang, thay Thầy giữ gìn ngôi Tam bảo này. Thầy cho tám anh em chúng tôi cùng về Ấn Quang tu học.

Năm 1953, thầy trò về Ấn Quang. Đến khi ra trường, đi giảng dạy thì tôi không về Phật Quang thường xuyên nữa, chỉ lâu lâu về thăm thôi. Mỗi lần thăm đến chỗ di tích này là nhớ hoài không quên. Bây giờ già rồi, không biết còn về thăm được mấy lần nữa. Cho nên hôm nay, trước đông đảo tăng ni Phật tử, tôi nhắc lại cho quý vị nhớ kỷ niệm xưa.

Sau khi từ Huế về Nam, Hòa thượng Viện trưởng cùng Hòa thượng Vạn Đức trụ lại chùa Phật Quang, mở trường dạy học. Lớp Phật học đầu tiên ở miền Nam bắt nguồn từ chùa Phật Quang, rồi mới lần lên Sài Gòn, cho đến mãi bây giờ. Năm xưa Hòa thượng đã chịu rất nhiều cực khổ để duy trì lớp học. Nơi này có gạo nhưng không có thức ăn, phải trồng rau thêm.

Chúng tôi lại còn một trách nhiệm là chăm sóc con cái của quý vị cán bộ làm công tác trong các chiến khu, con ở nhà không ai nuôi, họ gửi vào chùa đến ba mươi mấy đứa. Sáng nào quý thầy cũng chỉ dạy chúng làm việc này việc nọ, đến giờ học thì cho học. Chúng tôi vừa làm Phật sự, vừa làm công tác xã hội. Khi các vị cán bộ bệnh, Thầy tôi bắt mạch hốt thuốc bắc, hoặc chích thuốc cho họ qua cơn bệnh. Chỉ cần thấy việc nào có ích cho đời, lợi cho đạo thì Thầy đều sốt sắng. Vì ghi nhớ tinh thần đó, chúng tôi luôn cố gắng tu, cố gắng học, làm việc lợi ích cho quần chúng nhân dân.

Cuộc sống ở chùa Phật Quang khi xưa thật vất vả. Có khi chúng tôi thèm một miếng nước tương cũng không có, chỉ toàn dùng nước tương Quảng Bình. Tức là nấu nếp rồi đổ muối vào, quậy lên thành nước tương, không hề có đậu. Vậy mà lúc nào ăn cũng thấy ngon. Mỗi người cật lực làm việc, phụ chút ít công sức vào đời sống. Sư bà Bảo An ở Cần Thơ là chị của Thầy tôi, mỗi lần về thăm lại cho cái này cái nọ để giúp đỡ. Cuộc sống nơi đây phần lớn là tự lực, kế tiếp là được sự yểm trợ của Sư bà. Ngày rằm hay ngày ba mươi, Phật tử cúng nải chuối, đĩa trái cây hay một lít nếp cũng quý lắm, bởi họ không có tiền.

Bây giờ chùa được sửa sang như vậy, so với lúc trước thì gấp hai ba lần rồi. Hôm nay về lại đây tôi rất hoan hỷ, nhắc lại cho tất cả quý vị biết rõ gốc tích của chùa Phật Quang và gương hạnh của Hòa thượng. Mong rằng toàn thể tăng ni và Phật tử thành kính biết ơn những bậc gương mẫu cầm đuốc soi đường, nương theo tinh tấn tu học, dẹp sạch phiền não, để chúng ta trở thành những người tốt, xứng đáng là tăng ni và Phật tử dưới sự giáo dưỡng của Hòa thượng.

Hôm nay, nhân ngày húy kỵ của Thầy chúng tôi là cố Hòa thượng thượng Thiện hạ Hoa, chúng ta làm lễ long trọng cúng dường Hòa thượng. Điều này thể hiện lòng hiếu kính, tri ân công đức Ngài đã dạy dỗ chúng ta tu hành.

Tất cả những bậc tiên đức đều là người mộ đạo, vì thương xót chúng sanh mà đem hết khả năng và sức lực của mình, hướng dẫn chỉ dạy người tu hành. Với tâm tha thiết như vậy, nên các ngài làm việc không biết mệt nhọc, không hề chán nản. Dù ở hoàn cảnh nào, các ngài cũng cố gắng làm hết khả năng của mình, để người sau thấy được con đường, biết được hướng đi mà tiến đến nơi an lành tự tại.

Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây:

Thứ nhất là phải cố gắng học theo những hạnh đức cao đẹp của các bậc thầy đi trước để trở thành người hay người tốt.

Thứ hai là noi theo chí nguyện cao cả quý báu của quý ngài, để thấy đường lối tu hành và đạt phần nào kết quả như người xưa mong mỏi. Nếu chúng ta không biết tiếp nối, thì đành bỏ mặc những việc người trước đã làm hay sao? Đó là vô trách nhiệm. Tăng ni Phật tử phải thấy rõ những tấm gương, ý chí và bản nguyện của người đi trước, cố gắng làm theo. Vì không thể một đời mà có thể làm tròn bản nguyện của người xuất gia.

Các bậc thầy chỉ là người gầy dựng, hướng dẫn người sau; người sau lại tiếp tục hướng dẫn người sau nữa. Trên con đường người trước đã khai mở và dọn dẹp, cần có người tiếp nối mới có thể thành công. Cho nên, nối tiếp chí nguyện của người đi trước là một việc làm tối quan trọng của hàng đệ tử. Dù mến đạo thương thầy nhưng không nối được chí nguyện của thầy thì không có lợi ích gì. Chư tổ luôn luôn dạy phải "truyền đăng tục diệm", tức là mồi đèn nối đuốc. Ngọn đuốc của người xưa đã thắp lên cháy rực, chúng ta không thể để cho nó lụi tàn. Người trước là một ngọn đuốc, một cây đèn, thì chúng ta phải là trăm ngàn ngọn đuốc, trăm ngàn cây đèn sáng rực, để làm lợi ích cho nhiều người.

Thế gian là chốn mê lầm, biết bao chúng sanh vì mê lầm mà tạo khổ đau cho người, nhưng lại không biết sai lầm của chính mình. Phải nhờ ngọn đuốc chánh pháp soi sáng thì họ mới biết được. Từ đó, chúng sanh thương xót, cứu giúp lẫn nhau, cùng đưa nhau ra khỏi cảnh khốn khổ đau thương này. Cho nên, ngọn đuốc chánh pháp rất thiết yếu trong cuộc đời. Chúng ta phải thắp sáng lên để mọi người thấy được lối đi, không còn lầm lẫn, không còn giẫm đạp lên nhau trong khu rừng mê ám đó nữa. Bổn phận này quá lớn, người tu sĩ không thể thiếu sót.

Thứ ba là phải nhớ rằng công ơn huấn dục, chỉ dạy tu hành của các bậc thầy lớn lao vô kể. Nếu không có sự chỉ dạy đó thì chẳng những đời này mà vô số kiếp nữa, chúng ta cứ mãi lăn lộn trong biển khổ sanh tử, không thể ngoi đầu lên được. Người đi trước đã chỉ ra cho chúng ta thấy biết lối thoát khỏi khổ đau. Công ơn ấy không biết làm sao đền đáp cho vừa. Cho nên, chúng ta phải cố gắng chỉ dạy, giúp đỡ và hướng dẫn người sau đi đúng con đường chánh pháp, để họ thoát khỏi mê lầm.

Những lời Phật dạy đã giúp chúng ta thức tỉnh mê lầm. Trong kinh lại nói rằng muốn đền ơn chư Phật là đền ơn không đền, nghĩa là không thể đền ơn Phật bằng cách cúng dường, cất chùa... Tại sao vậy? Vì như thế không nối tiếp được chí nguyện truyền đăng tục diệm. Như tôi muốn đền ơn Thầy tôi, mà chẳng có gì để đền. Lúc Thầy tôi còn sinh tiền, tôi là một học tăng nghèo, không có gì để cúng dường. Tôi chỉ biết cố gắng học và hành những điều Thầy dạy cho thật kỹ, thật rõ, để sau này chỉ dạy cho người khác. Học theo chí nguyện của Thầy, tôi cố gắng đóng góp sức mình cho Phật pháp được tốt đẹp để Thầy an lòng, dù Thầy không còn có mặt trên cõi đời này nữa.

Tóm lại, nhớ ơn người đi trước không có nghĩa là tổ chức cúng kiến linh đình. Không phải chúng ta cất chùa to, làm lễ lớn là đền ơn. Sự phô trương đó không có ý nghĩa gì hết. Chúng ta phải làm sao cho chí nguyện của người trước luôn được tiếp nối, luôn được sáng tỏ, để người sau trông vào mà biết đường đi thoát khỏi đau khổ. Ghi nhớ và cố gắng thực hiện lời dạy của thầy, đó mới là biết ơn thầy. Chúng ta không thể trông đợi những người không biết ơn, không có ý chí, không có bản nguyện làm được lợi ích gì cho đạo. Chúng ta chỉ có thể trông đợi ở những người có ý chí, biết nhớ ơn những bậc tiền bối, mới đóng góp được chút ít công lao cho nền đạo pháp.

Mục Lục
Danh sách chương: