Gương hạnh Thầy tôi
Gương hạnh Thầy tôi (p2)
Bây giờ, tôi xin nhắc lại đôi nét về đức hạnh của Hòa thượng để tăng ni Phật tử noi theo tu tập. 1 - HỌC HỎI THEO GƯƠNG NGƯỜI XƯA Năm 1966, Hòa thượng viết quyển Một sự nghiệp của đời tôi, ghi lại những lời lẽ rất trung thực từ bản nguyện tu hành của Thầy. Trong phần Những yếu tố để thành công trong việc sáng tác và phiên dịch, tôi chỉ nói đến phần thứ hai là Bền chí. Hòa thượng nói: "Bền chí là một yếu tố cần nhất trong mọi công việc. Nhất là việc sáng tác và phiên dịch. Công việc này đòi hỏi rất nhiều sự cần cù, rị mọ, ngồi cặm cụi suốt ngày đêm trên bàn viết, từ tháng này đến năm nọ. Người không bền chí không thể đeo đuổi được lâu dài. Nếu chỉ do hứng thú nhất thời thì chỉ viết hoặc dịch được một vài việc mà thôi. Chúng ta là người tu, không ai không có trách nhiệm là phải làm sao cho đàn hậu tấn hiểu đạo, biết được đường lối tu. Đó là bổn phận của người đi trước." Thời của Hòa thượng đặt nặng phần phiên dịch. Vì khi tu học, nếu không có kinh sách để đọc hiểu thì làm sao tu học được? Nhưng bấy giờ, trong khoảng tiền bán thế kỷ XX, hầu hết kinh sách Phật là chữ Hán hoặc chữ Pãli. Nếu không có người phiên dịch thì chúng ta không có tư liệu để học, cũng không biết đường lối tu hành. Hòa thượng tại thế chỉ 55 năm ngắn ngủi, nhưng trong ngần ấy thời gian, Thầy đã làm được rất nhiều việc. Trong thời gian làm Phật sự, ngoài công tác phiên dịch, Hòa thượng đã nhận nhiều trách nhiệm quan trọng. Năm 1953, vừa đặt chân lên chùa Ấn Quang, Hòa thượng đã được quý Hòa thượng trao cho trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp của Giáo hội Tăng già Nam Việt, kiêm Đốc giáo Phật học đường Nam Việt. Bên cạnh đó, Hòa thượng còn phải lo làm sao có tài liệu cho tăng ni học, có những bài pháp dễ hiểu cho Phật tử nghe liền nhận được con đường tu và phổ biến Phật pháp khắp nơi. Ngài đã cần cù ngồi cặm cụi suốt ngày đêm trên bàn, phiên dịch kinh sách. Mỗi lần chúng tôi thăm Thầy hoặc thưa hỏi chuyện gì thì luôn thấy Thầy ngồi trên bàn làm việc. Hòa thượng dạy: Bền chí thì phải cộng thêm đức tính siêng năng tinh tấn. Nếu người tu không tinh tấn thì không làm được gì lợi ích cho đạo. Tinh tấn là một bước thiết yếu để chúng ta tiến lên. Nhưng nếu tinh tấn chỉ có tính cách nhất thời, lúc hứng thú thì làm chết làm sống, làm ngày làm đêm, không hứng thì duỗi chân ngủ, như vậy cũng không làm được gì. Tuy Hòa thượng chỉ nhắc nhở chúng ta phải bền chí, nhưng sự thật đã ngầm có tinh tấn bên trong. Nếu không tinh tấn, làm sao Ngài có thể ngồi cặm cụi suốt ngày đêm trên bàn viết? Người học đạo đòi hỏi phải tinh tấn mãnh liệt và bền chí sắt đá thì việc gì làm cũng thành. Nếu thiếu một trong hai đức tính đó thì làm hoài cũng không đi tới đâu. Cho nên, chúng ta phải cố gắng học tập gương hạnh này của Hòa thượng. Ai dám cam đoan rằng mình sẽ sống đến tám chín mươi tuổi? Tôi chắc rằng không ai dám cam đoan hết. Chúng ta sống được đến đâu thì mừng đến đó. Ngày nay còn khỏe, còn làm được việc thì phải tận tâm tận lực. Đừng chờ tới ngày hấp hối rồi mới hối tiếc sao ta không làm được việc gì lợi ích cho đạo cho đời. Phải luôn luôn cố gắng, tinh tấn làm tất cả việc, không nên thả trôi một đời không có giá trị. Lại nữa, bên cạnh sự bền chí và tinh tấn, cần có một lập trường, một hướng đi đúng đắn. Chúng ta phải nhớ những điều này, học hỏi theo những gì người xưa đã làm, cố gắng thực hành cho được. 2. LÒNG HIẾU THẢO Trong phần tiểu sử của Hòa thượng ghi lại: "Hòa thượng Thiện Hoa là một tấm gương sáng cho hàng Tăng sĩ soi chung. Hòa thượng có những đức tánh cao quý, ai được sống gần Ngài đều cảm mến." Cho nên, tôi thấy mình thật có phước lớn khi được sống gần Hòa thượng suốt mười năm. Thế thường nghĩ rằng người đi tu là bỏ cha mẹ, là bất hiếu, nhưng Hòa thượng thì không quên chữ hiếu. Lúc Hòa thượng còn dạy học tại chùa Phật Quang, cụ bà thân mẫu của Ngài ở trong một cái thất gần đó. Mỗi khi cụ bà bệnh, đích thân Hòa thượng chích thuốc, hoặc chẩn mạch kê toa, hốt thuốc. Đôi ba hôm, Ngài lại đến thăm bà. Đến khi Ngài lên Sài Gòn, cụ bà về ở với người chị thứ hai của Hòa thượng gần chùa Phước Hậu. Phật sự tuy bề bộn, nhưng lúc rảnh việc, Ngài liền về thăm cụ bà. Đến khi cụ bà tịch, Hòa thượng lại gắng sức cúng dường tăng ni để cầu siêu cho mẹ. Quyển sách Bài học ngàn vàng chính là nguyện đem công đức hồi hướng cho cụ bà. Lược đọc bấy nhiêu đó cũng đủ chứng minh rằng lúc nào Hòa thượng cũng quý mến mẹ và cố độ cho mẹ được siêu thăng. Đó là tấm gương sáng để quý vị nhớ đến công ơn cha mẹ. Nhiều người thường hiểu lầm đi tu là phủi bỏ hết tất cả việc thế gian, kể cả cha mẹ cũng không đoái hoài, cho rằng như vậy là giải thoát, là ra khỏi nhà thế tục. Điều này dường như phải, mà thật không phải. Bởi vì thường đến Rằm tháng bảy, chúng ta đọc kinh Vu-lan. Bản kinh này là lời Phật dạy ngài Mục-kiền-liên, một vị A-la-hán vì thương mẹ mà tìm cách cứu độ mẹ ra khỏi địa ngục. Ngài Mục-kiền-liên đã chứng quả A-la-hán mà vẫn còn thương mẹ, huống nữa chúng ta là phàm tăng, phàm ni mà không thương cha mẹ thì có đúng hay không? Tuy vậy, quý vị phải chú ý, đừng cậy có chùa, có đệ tử mà rước cha mẹ về nuôi, bắt đệ tử phải cung phụng, đem của Tam bảo cho cha mẹ mà không kể tội phước. Đó không phải là thương cha mẹ. Chúng ta phải học theo gương hạnh của thiền sư Tông Diễn trong sử Thiền sư Việt Nam. Lúc tôi ra Bắc, được Hòa thượng Pháp chủ kể lại rành rẽ về thiền sư Tông Diễn, tức Hòa thượng Cua. Tại sao gọi ngài là Hòa thượng Cua? Là vì ngài sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, mẹ tảo tần buôn bán nuôi con. Năm ngài mười hai tuổi, một hôm bà mẹ chuẩn bị gánh hàng ra chợ bán, dặn con: "Mẹ có mua một giỏ cáy để sẵn trong ao, trưa nay con giã cáy nấu canh, trưa về mẹ con mình dùng." Khi mẹ gánh hàng đi rồi, gần đến giờ nấu cơm, ngài ra ao xách giỏ cua lên định đem giã nấu canh như lời mẹ dặn. Song, nhìn thấy bọn chúng tuôn những hạt bọt dường như khóc. Xót thương quá, ngài không nỡ đem giã, lại đem đến ao, giở nắp giỏ thả hết. Trưa hôm ấy, mẹ ngài đi bán về, lên mâm cơm không thấy canh, bà hỏi: "Sáng mẹ dặn con ở nhà nấu canh cua, sao lại không có?" Ngài đáp rằng: "Con định đem đi giã, thấy chúng nó khóc, con thương quá đem thả hết." Bà nổi giận, cầm roi rượt đánh. Ngài sợ quá, hốt hoảng bỏ chạy, không dám ngó lại. Bà đuổi theo không kịp, mệt lả trở về. Từ đó về sau, không còn nghe tin tức về ngài. Khoảng ba mươi năm sau, khi đã trở thành Hòa thượng trụ trì, ngài nhớ đến mẹ, liền về quê cũ tìm kiếm. Đến một ngã ba, thấy bà lão đầu tóc bạc phơ đang châm trà bán cho khách. Ngài nhìn thấy, nhận ra mẹ nhưng bà không biết ngài. Vì ngài ra đi lúc mười hai tuổi, bây giờ đã lớn nên bà không nhận ra. Ngài vào quán ngồi, chờ bà lão rảnh thì hỏi thăm. Bà thở dài than: - Chồng tôi mất sớm, có một đứa con trai mà nó bỏ đi mất từ khi được mười hai tuổi. Thân già hôm sớm không có ai, tôi phải lập quán bán nước trà kiếm chút ít tiền sống lây lất qua ngày. Nghe thấy, ngài xót xa trong lòng, hỏi: - Bà lão ưng ở chùa không? Chúng tôi đưa bà về chùa để nương bóng từ bi trong những ngày già yếu bệnh hoạn. Bà bảo: - Tôi già rồi, đâu làm gì nổi mà vào chùa công quả, không làm mà ăn cơm chùa, tội lắm! Ngài nói: - Bà đừng ngại, ở chùa có nhiều việc, người mạnh gánh nước bửa củi nấu cơm, người yếu quét sân nhổ cỏ, miễn có làm chút ít, còn thời giờ tụng kinh niệm Phật là tốt. Bà lão thấy ngài có lòng tốt bèn nói: - Nếu Thầy thương giúp kẻ cô quả này, tôi rất mang ơn. Ngài hẹn ít hôm sau sẽ có người đến đón bà về chùa. Khi về đến chùa, ngài họp tăng chúng hỏi ý kiến có thuận cho bà lão cô quả ấy ở chùa không. Toàn chúng đều động lòng từ bi, đồng ý mời bà về chùa. Như vậy ngài rước bà về là với tấm lòng của người con thương mẹ, muốn làm tròn bổn phận của mình, nhưng lại không nói với chúng tăng biết đó là mẹ mình. Ngài cho bà ở một am tranh gần chùa. Mỗi ngày, ngài phân công bà lão quét sân chùa hay nhổ cỏ, tùy sức khỏe của bà, lại luôn luôn nhắc nhở bà tu hành. Như vậy ngày nào bà cũng có việc làm, để ăn cơm chùa cho khỏi tội. Ngài thương mẹ nhưng không lạm dụng của Tam bảo để nuôi mẹ, lại còn giúp bà có thể làm công quả để không tổn phước. Tinh thần đó thật là cao thượng. Được mấy năm, mẹ bệnh, ngài biết bà không sống được bao lâu, song vì có duyên sự phải đi vắng năm bảy hôm. Trước khi đi, ngài dặn dò trong chúng: "Nếu bà lão có mệnh hệ gì thì chúng tăng nên để bà trong áo quan đừng đậy nắp, đợi tôi về sẽ đậy sau." Đúng như lời ngài đoán, bốn hôm sau bà mất, tăng chúng làm đúng như lời ngài dặn, chỉ để bà trong áo quan mà không đậy nắp. Vài hôm sau ngài về, nhìn mặt mẹ lần cuối rồi nói to: "Như lời Phật dạy, một người tu hành ngộ đạo, cha mẹ sanh thiên, nếu lời ấy không ngoa, xin cho quan tài bay lên hư không để chứng minh lời Phật." Ngài liền cầm tích trượng gõ ba cái, quan tài từ từ bay lên hư không rồi hạ xuống. Ngang đây mọi người mới biết bà lão là mẹ ngài. Người con thương cha thương mẹ thì phải giúp đỡ hợp đạo lý mới tròn bổn phận. Thầy tôi cho mẹ mình ở một cái am gần chùa, rồi tới lui chăm sóc. Về phần ăn uống thì anh em trong gia đình phụ giúp, Ngài chỉ lo về mặt tinh thần. Tôi được gần Thầy nên chứng kiến rất rõ mọi điều. Cả ngày bà cụ đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật. Khi nhổ cỏ thì một tay nhổ cỏ, một tay lần chuỗi. Khi quét nhà cũng một tay cầm chổi, một tay lần chuỗi. Lúc đó ở chùa Phước Hậu thường có những cô gái quê bị bệnh thần kinh, dân gian gọi là ma nhập. Gia đình họ dắt lên chùa nhờ quý thầy tụng kinh. Thầy trụ trì đánh mõ, tăng ni tụng chú Đại Bi liên tục, thì cô gái tỏ vẻ sợ hãi, khóc lóc. Nhưng có một lần, tụng chú hoài mà đương sự vẫn đấm đá tứ tung, thầy trò không biết làm sao. Một thầy bảo xuống mượn xâu chuỗi của bà cụ cho cô ta đeo thử xem có sợ không? Sau khi đeo xâu chuỗi rồi, cô gái ấy khóc nức nở, không đấm đá nữa. Bởi vì bà tu hành rất chí thành nên mới có công đức lớn như vậy. Đến hôm bà tịch, Thầy tôi và tất cả tăng ni đều có mặt tại thất. Hòa thượng đứng ở phía đầu, tăng đứng một bên, ni một bên, mấy đứa cháu nội thì ngồi dưới chân của bà. Bà tuy mệt, nhưng vẫn hay cười. Thấy vậy, mấy đứa cháu nội hỏi: - Bà nội! Bà thấy cái gì mà cười? Bà đáp: - Bà thấy Phật đến rước. - Cho tụi con theo được không, bà nội? - Không được, Phật rước một mình bà thôi. Bà cười ba lần rồi tắt thở. Hòa thượng và tất cả tăng ni cũng như thân quyến đều rất hoan hỷ, không ai khóc lóc. Dù bà chưa xuất gia, chỉ giữ năm giới và ăn chay một tháng mười ngày, nhưng do tâm thành mà việc tu có kết quả như vậy. Hòa thượng chúng tôi thương mẹ, nhưng không đem của Tam bảo lo cho mẹ, không bắt tăng ni phụng dưỡng mẹ. Nhờ tấm lòng cao thượng của Ngài nên mẹ Ngài mới có được phước đức ấy. Vì vậy, noi theo gương hạnh của Hòa thượng, chúng ta phải thương cha mẹ bằng cách giúp cho cha mẹ có điều kiện đến chùa và nhắc nhở họ tu hành. Chứ đừng vì thương cha mẹ rồi bắt tăng ni phục vụ, sẽ làm tổn phước mẹ cha, không được lợi ích. Mong quý vị hiểu cho tường tận chữ hiếu trong đạo Phật mà thực hiện cho đúng. Người tu hành biết hiếu kính cha mẹ thì việc tu mới có kết quả. Nếu ngang ngược bất hiếu thì không thể nào có kết quả tốt được. Bởi vì ơn cha mẹ lớn như trời bể mà còn bỏ quên, thì còn nhớ đến ơn nào để đền đáp? Thương quý cha mẹ là một đức tính rất tốt của người Đông phương. Cha mẹ sống thủy chung, cùng hy sinh, lo lắng trọn đời cho con cái thì con không thể nào quên ơn mà xem thường cha mẹ được. Ngược lại, một người thay vợ đổi chồng năm bảy lượt thì con cái thường không hiếu thảo vì chẳng biết nên hiếu thảo với ai. Vì thương con, cha mẹ luôn giữ gìn, để cho hai bên đủ lòng tin mà dưỡng nuôi con nên người. Cho nên, chúng ta có mặt trên cuộc đời này là nhờ cha mẹ trọn vẹn đức hạnh và nhờ ơn sinh thành, nuôi dưỡng của mẹ cha. Vậy nếu không thương cha mẹ thì thương ai? Đạo đức con người bắt nguồn từ việc biết trọng ơn nghĩa. Ơn nghĩa cha mẹ là tột cùng mà không nghĩ nhớ thì còn biết ơn ai? Chính tôi đã chứng kiến những hình ảnh Hòa thượng thương kính, chăm sóc mẹ nên tôi càng quý trọng Thầy nhiều hơn. Bởi vậy, tôi thường nói rằng trong đời tôi, cha mẹ là trên hết, không ai so sánh được. Một người con phải sống vì cha mẹ và cũng có thể chết vì cha mẹ. Tôi nói vậy, nhiều vị sẽ thắc mắc tại sao tôi lại bỏ cha mẹ mà đi tu? Thật ra trước khi đi tu, tôi có nói chuyện với em tôi là Kiến Chơn rằng: "Gia đình mình có hai anh em, bây giờ anh đi tu, giao lại phần nuôi cha mẹ cho em. Anh chịu trách nhiệm về tinh thần, em chịu trách nhiệm về vật chất, cùng lo cho cha mẹ." Em tôi đồng ý thì tôi mới đi tu. Gia đình tôi theo đạo Cao Đài, không biết gì về đạo Phật. Nhưng vì tôi ham tu nên cầu đạo xuất gia theo Phật. Cũng chính vì lẽ đó, tôi cho rằng bổn phận của mình là tạo điều kiện cho cha mẹ trở lại quy y Tam bảo. Đáng mừng nhất là khi ông thân tôi gần nhắm mắt, thấy những cảnh tượng an lành tốt đẹp. Tôi chỉ thương mẹ, vì chưa giúp bà được bao nhiêu. Tóm lại, hiếu thảo là bước đầu tiên trên nấc thang đạo đức. Những người tu hành được kết quả tốt đều là người có đạo đức, không ai ngang ngược bất hiếu. Cho nên, người tu phải có bổn phận hiếu kính mẹ cha, nhưng bổn phận phải có chừng mực và giới hạn như tấm gương của Hòa thượng Thầy tôi thì mới tròn đạo lý. Mục Lục
|
Gương hạnh Thầy tôi (p2)