Thiền Tông Việt Nam
Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải (1997)
Sơ tổ phái Trúc Lâm TRẦN NHÂN TÔNG - Tham Vấn (Giảng 2)

Có vị Tăng hỏi: Thế nào là Phật?

Ngài đáp: Nhận đến như xưa vẫn chẳng phải.

Hỏi: Thế nào là pháp?

Đáp: Nhận đến như xưa vẫn chẳng phải.

Hỏi: Thế nào là Tăng?

Đáp: Nhận đến như xưa vẫn chẳng phải.

Hỏi ba câu: thế nào là Phật, thế nào là pháp, thế nào là Tăng, Ngài chỉ dùng một câu đáp: Nhận đến như xưa vẫn chẳng phải. Hiện nay nếu ai hỏi chúng ta như thế, hẳn chúng ta định nghĩa rõ ràng và rất hay, không lẽ Ngài lại vụng hơn chúng ta? Vì cái nhìn của thiền thâm sâu, không phải như nghĩa rõ ràng của giáo. Thiền chỉ cho chúng ta nhận ra cái không thể dùng ngôn ngữ tầm thường diễn tả được.

Nhận đến như xưa vẫn chẳng phải nghĩa thế nào? Nếu có ai đem một chiếc đồng hồ tặng, chúng ta đưa tay nhận rồi cảm ơn. Như vậy có một vật để chúng ta nhận, thì đó là vật bên ngoài chớ không phải của mình. Còn Phật là ngay nơi mình hiển lộ chớ không phải cái gì bên ngoài đưa tới, nếu nói nhận được là không phải. Còn pháp tức kinh điển người đưa chúng ta nhận, sao cũng nói “không phải”? Câu hỏi về Tăng cũng trả lời giống như vậy là tại sao? Đối với giáo thì Phật là đấng giác ngộ, pháp là những lời dạy của Phật, Tăng là những người tu sau này, như vậy Phật Pháp Tăng là riêng. Đối với cái nhìn của Thiền tông, Lục Tổ dạy Phật là giác, Pháp là chánh, Tăng là tịnh. Giác, chánh, tịnh không rời nhau, một thể mà ba dụng, nói một tức đủ cả ba. Nếu không hiểu điều này chúng ta thấy Ngài không biết giải thích, chỉ lập lại câu nhận đến như xưa vẫn chẳng phải.

Vị Tăng hỏi thêm: Cứu kính thế nào?

Ngài dạy:

Bát tự đả khai phân phó liễu,
Cánh vô dư sự khả trình quân.

Dịch:

Chữ bát đã bày trao hết sạch,
Đâu còn có việc nói cùng ngươi.

Khi nghe Ngài trả lời về Phật Pháp Tăng, vị Tăng không hiểu nên hỏi thêm cứu kính thế nào?

Ngài bảo: Chữ bát đã mở ra trao hết sạch, đâu còn việc gì giấu giếm để nói với ngươi nữa. Đôi chân mày chúng ta giống hình chữ “bát” đã mở ra, lỗ mũi nằm ngay dưới chân mày lại không chịu nắm, còn gì nữa mà chỉ. Đôi chân mày chỉ cho phương tiện, mũi chỉ cho cái chân thật. Phương tiện đã vạch rồi, cái chân thật nằm sẵn ngay đó lại không nhận. Nói nhận đến như xưa vẫn chẳng phải là đã nói thẳng, nói chí tình rồi, còn hỏi cứu kính chi nữa.

Ông Tăng vẫn chưa hiểu nên lại hỏi: Thế nào là một việc hướng thượng?

Ngài đáp: Đầu gậy khêu nhật nguyệt.

Tăng nói: Dùng công án cũ làm gì?

Câu đó là câu người xưa nói, nay Ngài đem câu cũ nói với con làm gì?

Ngài đáp: Một lần nhắc lại một lần mới.

Tuy đó là việc cũ, nhưng mỗi lần nhắc lại là mỗi lần mới.

Tăng hỏi: Thế nào là giáo ngoại biệt truyền?

Ngài bảo: Ễnh ương nhảy không khỏi đấu.

Tăng hỏi tiếp: Sau khi ra khỏi đấu thì thế nào?

Ngài đáp: Lại theo con ếch nhảy xuống bùn.

Tăng nói: Vẫn là nhảy chẳng khỏi.

Ngài bèn lớn tiếng nạt: Kẻ mù! Thấy cái gì?

Tăng nói: Đại tôn đức lừa người làm gì?

Đây là câu lanh lợi.

Ngài liền hừ hừ hai tiếng. Vị Tăng suy nghĩ.

Lẽ ra nghe hừ hừ thì lễ nhưng không lễ mà còn suy nghĩ nên Ngài liền đánh. Vị Tăng lại suy nghĩ để hỏi, Ngài liền hét, vị Tăng cũng hét. Ra vẻ rồi đấy.

Ngài hỏi: Lão tăng bị một cái hét, hai cái hét của ngươi, rốt cuộc thế nào? Nói mau, nói mau! Vị Tăng suy nghĩ. Ngài lại hét một tiếng, nói: Con chồn hoang quỉ quái, vừa rồi tinh lanh, giờ ở chỗ nào? Nghĩa là trước dám nói Đại tôn đức lừa người làm gì, đó là tinh lanh, rồi sau dám hét, đó là tinh lanh, nhưng bây giờ lại suy nghĩ để đi tới đâu? Ông Tăng không biết nên lễ bái rồi lui.

Đây chúng tôi nhắc lại cho quí vị rõ. Thiền tông là giáo ngoại biệt truyền, nghĩa là truyền riêng ngoài giáo lý. Ngài trả lời: Ễnh ương nhảy không khỏi đấu, câu này là nói để cho chúng ta không có gì phải suy gẫm, không có chỗ để bám víu nghĩ suy, nếu ngay đó lãnh hội được thì đúng, không lãnh hội được thì sai. Vì chưa lãnh hội được nên vị Tăng hỏi thêm: Sau khi ra khỏi đấu thì thế nào?

Ngài nói dễ dàng: Lại theo con ếch nhảy xuống bùn. Ra khỏi đấu thì nhảy xuống bùn chớ đi đâu nữa! Câu nói như lời nói đùa nhưng thật ra đã nói lên việc bắt buộc chúng ta phải thấy ở bên kia, chớ không phải ngay trong ngôn ngữ.

Vị Tăng còn chấp ngôn ngữ nên nói: Vẫn là nhảy chẳng khỏi. Nhảy xuống bùn tức là nhảy chưa khỏi.

Ngài bèn lớn tiếng nạt: Kẻ mù! Thấy cái gì? Nếu nói như thế là ngươi không thấy gì cả.

Vị Tăng trở lại nói: Đại tôn đức lừa người làm gì? Ngài nói như thế là một cách lừa người, chớ không nói lẽ thật. Thấy vị Tăng có vẻ hơi thấm nên Ngài liền hừ hừ tức là hư hư. Nhưng vị Tăng lại suy nghĩ, Ngài liền đánh. Vị Tăng lại suy nghĩ để hỏi, Ngài liền hét. Đến đây vị Tăng nhạy bén một chút liền hét lại.

Ngài hỏi: Lão tăng bị một cái hét, hai cái hét của ngươi, rốt cuộc thế nào? Nói mau, nói mau! Ngay đó nếu biết thì trả lời bằng một hành động, nhưng vì không biết, đứng suy nghĩ, nên Ngài mới hét nói: Con chồn hoang quỉ quái vừa rồi tinh lanh, giờ ở chỗ nào? Cái tinh lanh khi nãy giờ đâu mất rồi. Vị Tăng không đáp được phải đảnh lễ rồi lui. Đây là lối đối đáp hoàn toàn là thiền, không có giáo.

*

Một vị Tăng khác hỏi: Đại tôn đức khổ nhọc tu hành, đã trải qua nhiều năm đối với sáu thông của Phật, Ngài đã được mấy thông? Câu hỏi này hơi khó trả lời, nghĩa là chịu cực khổ tu hành, Phật được sáu thông, nay Ngài được mấy thông rồi?

Ngài đáp: Cũng được sáu thông. Nghĩa là Phật được sáu thông, tôi cũng được sáu thông.

Vị Tăng mới thử: Năm thông kia gác qua, thế nào là tha tâm thông? Năm thông thì bỏ qua, hỏi thế nào là tha tâm thông.

Ngài liền đáp: Đầy cả quốc độ, có bao nhiêu thứ tâm Như Lai đều biết, Như Lai đều thấy. Ngài không nói thẳng mà dẫn trong kinh Kim Cang, Phật nói: “Đầy cả quốc độ chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm Như Lai đều biết.” Như vậy Ngài có sáu thông như Phật thì Ngài cũng biết, cũng thấy.

Vị Tăng liền đưa nắm tay lên nói: Đã biết hết, thấy hết, vậy biết cái này có vật gì? Tức là trong nắm tay tôi có vật gì. Vị Tăng này thử đến nơi chớ không chịu thua. Khi dẫn kinh Phật để đáp, nếu người hỏi lại theo cách này thì chúng ta cũng khó trả lời.

Ngài khéo nói: Như có như không, chẳng phải không chẳng phải sắc. Thế nào là như có như không? Tất cả sự vật duyên hợp tạm thấy như có, nhưng Thể tánh là không, nên thấy như có mà là như không, nhưng nó cũng không phải không, cũng không phải sắc. Trả lời như thế nên không làm sao bẻ được Ngài.

Vị Tăng liền hỏi: Xưa Tăng hỏi Hòa thượng Lang Gia: “Thanh tịnh bản nhiên, vì sao chợt sanh sơn hà đại địa?” Ý chỉ thế nào?

Ngài đáp: Thật giống thuyền chài ra biển.

Vị Tăng hỏi thêm: Ý này thế nào?

Ngài đáp: Ai biết nơi chốn khói sóng xa khơi kia, riêng có chỗ nên suy nghĩ.

Hòa thượng Lang Gia là Thiền sư Huệ Giác ở núi Lang Gia, thuộc hệ phái Lâm Tế, vào đời Tống ở Trung Quốc(1).

Khi hỏi thanh tịnh bản nhiên vì sao chợt sanh sơn hà đại địa, ngài Trúc Lâm Đầu-đà đáp: Thật giống thuyền chài ra biển. Thuyền đậu trong bờ rất bình yên, mở neo dong thuyền ra biển là vào chỗ hiểm nguy. Nghĩa là Thể thanh tịnh bản nhiên là thanh tịnh như vậy, khởi nghĩ hỏi là giống như thuyền chài đang đậu bình yên trong bờ chợt dong thuyền ra biển khơi. Chúng ta thích như thế nào? Có sóng gió mới vui, ở yên lâu thì buồn phải không? Như vậy thật giống thuyền chài ra biển.

Vị Tăng chưa hiểu nên hỏi: Ý này thế nào?

Ngài giải thích thêm: Ai biết nơi chốn khói sóng xa khơi kia, riêng có chỗ nên suy nghĩ. Đó là ra ngoài nơi sóng gió thì chỗ đó suy nghĩ tùy ý.

*

Đến vị Tăng khác hỏi: Thế nào là gia phong Phật quá khứ?

Ngài đáp:

Viên lâm tịch mịch vô nhân quản,
Lý bạch đào hồng tự tại hoa.

Dịch:

Vườn rừng vắng vẻ ai xem sóc,
Lý trắng đào hồng hoa tự nhiên.

Vị Tăng hỏi thêm: Thế nào là gia phong Phật hiện tại?

Ngài đáp:

Bạch thủy gia phong mê hiểu yến,
Hồng đào tiên uyển túy xuân phong.

Dịch:

Gia phong sóng bạc mê yến sớm,
Tiên uyển đào hồng say gió xuân.

Vị Tăng hỏi tiếp: Thế nào là gia phong Phật vị lai?

Ngài đáp:

Hải phố đãi triều thiên dục nguyệt,
Ngư thôn văn địch khách tư gia.

Dịch:

Bãi biển chờ triều, trời đợi nguyệt,
Xóm chài nghe sáo, khách nhớ nhà.

Hỏi: Gia phong Hòa thượng thế nào?

Ngài đáp:

Phá nạp ủng vân triêu khiết chúc,
Cổ bình tả nguyệt dạ tiên trà.

Dịch:

Áo rách che mây, sáng ăn cháo,
Bình xưa tưới nguyệt, tối uống trà.

Lời đối đáp trong đoạn này rất thi vị. Hỏi thế nào là gia phong Phật quá khứ, tức là phong thái của Phật quá khứ như thế nào?

Phật quá khứ là Phật không còn những hoạt động hiện tại ở thế gian, nên Ngài diễn tả:

Vườn rừng vắng vẻ ai xem sóc,
Lý trắng đào hồng hoa tự nhiên.

Nghĩa là không còn người chú ý, chăm sóc vườn rừng nữa, nhưng cây lý vẫn trổ hoa trắng, cây đào vẫn trổ hoa hồng một cách tự nhiên, chớ không phải là chẳng có gì.

Đến câu hỏi: Thế nào là gia phong Phật hiện tại?

Ngài đáp:

Gia phong sóng bạc mê yến sớm,
Tiên uyển đào hồng say gió xuân.

Nghĩa là gia phong của Phật hiện tại là hình ảnh một mặt trăng tròn sáng trong hư không, soi khắp cả bầu trời. Dưới mặt biển những lượn sóng do ánh trăng rọi chiếu, dường như tô bạc trên đầu sóng, làm cho chim yến (chim én) tưởng là trời sáng nên đua nhau bay đi kiếm mồi. Trong vườn tiên, cây đào trổ hoa đỏ làm gió xuân say mê. Như vậy gia phong Phật hiện tại giống như mặt trăng sáng vằng vặc trên bầu trời, nhưng chúng sanh như chim én mê lầm tưởng là trời sáng; cũng như trong vườn tiên hoa đào hồng nở báo hiệu mùa xuân thì gió xuân lại mê say thổi quyện bên hoa hồng. Đó là chỉ gia phong Phật hiện tại là những hình ảnh đẹp đẽ tươi sáng, lúc nào cũng hiện tại như ánh trăng trong, như hoa đào hồng, không thiếu vắng, nhưng chúng sanh như chim én, như gió xuân mê say là vì chúng sanh không biết được lẽ thật.

Khi hỏi gia phong Phật vị lai, Ngài đáp:

Bãi biển chờ triều, trời đợi nguyệt,
Xóm chài nghe sáo, khách nhớ nhà.

Triều là nước lớn, nước ròng.

Vị lai là chưa đến là chỉ sự mơ ước sự trông chờ, nên nói bãi biển chờ nước triều lên, bầu trời đợi trăng mọc. Những người thuyền chài đánh lưới ngoài biển nghe tiếng sáo thổi liền nhớ nhà. Như thế nói đến Phật vị lai là nói đến sự mong chờ, vì hiện tại chưa có, nên Ngài dùng những hình ảnh đẹp vô cùng, như bãi biển chờ nước triều lên, bầu trời đợi trăng mọc, xóm chài nghe tiếng sáo thổi liền nhớ nhà. Đó là nói gia phong ba đời chư Phật.

Lại hỏi gia phong Hòa thượng thế nào?

Ngài đáp:

Áo rách che mây, sáng ăn cháo,
Bình xưa tưới nguyệt, tối uống trà.

Thật đẹp làm sao! Khi mặt trời lên cao, những gợn mây che chỗ dày chỗ trống nhìn thấy lỗ chỗ giống như chúng ta mặc chiếc áo rách. Như vậy có thích không? Mình và trời đất không có khác! Vậy gia phong của tôi là tôi mặc áo rách giống như mây che bầu trời và sáng tôi ăn cháo.

Bình xưa tưới nguyệt, tối uống trà. Bình tưới trăng là tưới thế nào? Nếu cầm thùng nước có vòi tưới thì nhìn thấy trên nước có mặt trăng.

Áo che mây, bình tưới trăng, thật là đẹp kỳ diệu. Nói đơn giản là sáng tôi mặc áo rách ăn cháo, chiều tối tôi cầm bình tưới cây rồi uống trà, đó là gia phong của tôi, tức là những cái hiện tại, chớ không có gì xa xôi. Chúng ta thấy người xưa nói đến gia phong là nói đến nếp sống giản đơn, mặc áo rách, ăn cháo, đi tưới kiểng, tưới hoa và uống trà. Như vậy đúng với câu “bình thường tâm thị đạo”, nghĩa là trong tất cả sự ăn mặc, lao động, uống trà, chư Tổ vẫn giữ tâm bình thường, đó là gia phong của các ngài chớ không có gì khác lạ.

(1) Sử của Ngài có ghi trong Cổ Tôn Túc Ngữ Lục, quyển bốn mươi sáu.

Mục Lục
Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải (1997)
Danh sách chương: