Thiền Tông Việt Nam
Tông Môn Cảnh Huấn 2
27. Giác ngộ và mê lầm

Hôm nay nhân mùa An cư kiết hạ, quý Phật tử trở về thiền viện phát tâm cúng dường và xin được nghe một thời pháp. Tôi sẽ nói về ý nghĩa giác ngộ và mê lầm để nhắc nhở, sách tấn tất cả quý vị.

Nói đến đạo Phật tức là nói đến sự giác ngộ. Trong các sách xưa của người Việt Nam cũng như các sử liệu từ đời Trần trở về trước, tổ tiên mình đều gọi đức Phật là Bụt. Hiện nay hầu hết chúng ta đều gọi ngài là Phật. Vậy cách gọi nào đúng? Tôi sẽ giảng để quý vị nắm vững nguồn gốc các danh xưng về đức Phật, đồng thời hiểu được ý nghĩa rõ ràng về mê và giác.

Ngày xưa các vị sư từ Ấn Độ theo tàu buôn của người Ấn đến vùng Luy Lâu thuộc miền Bắc Việt Nam để truyền đạo. Do người Ấn trực tiếp truyền cho người Việt nên những từ trong nhà Phật phần nhiều phát âm theo tiếng Ấn đúng với nghĩa của nó. Chữ Phật nguyên tiếng Phạn là Buddha, theo tiếng Hán của người Trung Hoa đọc là Phật-đà. Như vậy chữ Bụt phát âm theo chữ “Bud” gần hơn. Còn chữ “dha” là người, chúng ta tôn trọng nên gọi là ông, do đó Buddha là ông Bụt. Vì vậy phát âm Phật xa hơn so với chữ Bụt, nhưng tại sao ngày nay chỉ dùng chữ Phật mà không dùng chữ Bụt như ngày xưa.

Nguyên chữ Buddha, người Trung Hoa dịch là Giác giả. Giác là giác ngộ, giả là người, Giác giả là người giác ngộ. Nhưng sang tới Việt Nam, chúng ta lại phát âm là Phật-đà. Vì vậy chữ Phật-đà là phiên âm chứ không phải dịch nghĩa. Phật là gọi tắt chữ Phật-đà, muốn nói lên ý nghĩa giác ngộ của đạo Phật. Tại sao chữ Bud là giác, chữ dha là người, người giác ngộ dễ quá mà chúng ta không chịu dịch ra chữ Việt, cũng như người Trung Hoa không chịu dịch ra chữ Hán, mà lại để nguyên âm? Vì dịch ra sẽ không nói hết ý nghĩa của nó.

Ở đây tôi nói về chủ đề giác và mê nên phải giải rõ lý do này. Nhắc tới đạo Phật hay đức Phật tức là nói tới sự giác ngộ. Chúng ta tự xưng mình là Phật tử nghĩa là con của bậc giác ngộ. Vì vậy gọi Phật tử cũng chính là nhắc tới sự giác ngộ. Từ “giác ngộ” nếu hiểu quá cạn sẽ không đúng với chỗ giác ngộ của đức Phật. Giả sử thấy ai đó trước đi ăn trộm, ăn cắp, uống rượu, làm đủ thứ xấu. Sau họ được người khác giáo dục, dạy bảo nên bỏ trộm cướp rượu chè, chúng ta liền bảo người đó giác ngộ rồi. Giác ngộ ấy còn cách rất xa với sự giác ngộ của Phật, chỉ là biết chừa bỏ lỗi lầm thôi. Giác ngộ như vậy là quá cạn cợt. Cho nên đức Phật giác ngộ ra sao, giác ngộ tái gì là điều chúng ta phải tìm hiểu kỹ.

Khi đức Phật ngồi tu dưới cội bồ-đề, vào đêm thứ 49 từ đầu hôm tới canh hai Ngài chứng được Túc mạng minh. Nghĩa là nhớ rõ tất cả dòng sanh tử từ vô lượng kiếp như mới ngày hôm qua, biết vô số kiếp về trước của mình một cách rõ ràng. Phật kể lại trong kinh rằng: “Ta nhớ vô số kiếp về trước rõ ràng như nhớ việc mới xảy ra hôm qua”. Đó là giác ngộ về số phận con người từ vô lượng kiếp trở lại đây như thế nào. Thấu suốt được kiếp quá khứ của con người, giải quyết được nghi vấn con người có mặt ở đây không chỉ một lần mà đã vô số kiếp. 

Từ canh hai tới canh ba, Ngài chứng được Thiên nhãn minh thấy rõ ràng tường tận những cái vi tế, những thứ xa xôi và nhân duyên nghiệp báo của chúng sanh. Ngài nhận rõ con người sau khi chết bị nghiệp lành, nghiệp dữ do mình tạo dẫn đi trong luân hồi lục đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi người, a-tu-la, cõi trời. Chết rồi theo nghiệp mà đi chứ không phải chết là hết. Trong kinh Phật kể lại: “Ta nhìn thấy chúng sanh luân hồi trong lục đạo, như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ đi qua người đi lại một cách rõ ràng, không có nghi ngờ gì hết”.

Đức Phật thấy tường tận nghiệp sẽ dẫn chúng sanh đi luân hồi nơi này nơi nọ, không chút nghi ngờ. Ngay cả những chúng sanh rất nhỏ như vi trùng Ngài cũng có thể thấy được. Cho nên khi nhìn vào bát nước thấy tám muôn bốn ngàn vi trùng, Phật dạy chư Tăng Ni nếu không có đãy lọc nước thì khi uống phải đọc bài kệ:

Phật quán nhất bát thủy,

Bát vạn tứ thiên trùng,

Nhược bất trì thử chú,

Như thực chúng sanh nhục. 

Phật lại thấy trong hư không có vô số thế giới thông thể kể hết. Vì thế trong kinh thường nói “hằng hà sa số thế giới” tức là thế giới nhiều như cát sông Hằng ở Ấn Độ. Bây giờ tôi nói thế giới nhiều như cát sông Đồng Nai. Sông Đồng Nai chưa bằng một phần ba sông Hằng, thử tưởng tượng cát sông Đồng Nai chừng bao nhiêu? Không thể tưởng tượng nổi. Vậy mà Phật thấy tường tận trong hư không này thế giới nhiều không thể đếm hết. Như vậy cách đây hơn 25 thế kỷ, đức Phật đã thấy tường tận nghiệp chúng sanh, vi trùng và cả thế giới vô số. Cái thấy đó gọi là Thiên nhãn minh, chứng thực không phải suy luận mà thấy.

Đến canh năm khi sao mai vừa mọc, ngài chứng được Lậu tận minh, thấy tường tận nguyên nhân con người tại sao phải chịu luân hồi sanh tử, làm sao dứt được luân hồi sanh tử. Vì thế sau khi thành đạo, Ngài thuyết bài pháp đầu tiên là Tứ diệu đế. Trong đó Khổ đế là quả hiện tại, khổ này không tự có, do nhân Tập đế gây nên. Muốn hết quả khổ phải tiêu diệt nguyên nhân, tiến đến Niết-bàn an lạc thanh tịnh tức là Diệt đế. Phương pháp tu tập để hết khổ được vui là Đạo đế. Cho nên Đạo đế nhân tiêu diệt mầm sanh tử. Mầm sanh tử hết thì được giải thoát.

Sự giác ngộ của đức Phật thật siêu việt, vượt lên trên tất cả. Ngài thấu suốt được mầm sanh tử của chúng sanh do đâu mà có. Tiêu diệt mầm sanh tử thì được giải thoát. Nếu còn mê muội tạo nghiệp sẽ bị dẫn đi trong các đường xấu. Nếu tỉnh giác tu hành sẽ được sanh trong các đường lành. Đó là cái thấy tường tận của Phật chứ không phải do suy luận tưởng tượng.

Khi đức Phật thành đạo, Ngài thấy chúng sanh trên thế gian này do nguyên nhân nào phải đi trên đường khổ, do nguyên nhân nào tiến được trên đường lành. Thấy rõ ràng như vậy nên Ngài mới dạy chúng ta tu. Nếu tạo duyên tốt nghiệp tốt được đi đường lành. Nếu tạo duyên ác nghiệp ác sẽ bị đi đường khổ. Ngày nay quý vị biết chọn đường đường lành tránh đường dữ là giác chút chút rồi, không còn mê hoàn toàn. Đó là thức tỉnh thứ nhất. 

Đức Phật dạy, tất cả chúng sanh trên thế gian đều bị luật vô thường chi phối. Khi còn làm thái tử, Ngài dạo bốn cửa thành thấy cảnh sanh, già, bệnh, chết liền thức tỉnh đi tu. Ngày nay quý vị cũng thấy cảnh sanh, già, bệnh, chết; tuy không thức tỉnh mạnh như Phật nhưng cũng thức tỉnh đôi chút. Vì vậy không còn đắm mê chuyện danh lợi thế gian, bớt lăn xả trong chỗ làm giàu cầu danh cầu lợi mà giành thời giờ tu tập, làm lành lánh dữ. Đó là thức tỉnh thứ hai.

Thứ ba, quý Phật tử biết ăn trộm ăn cướp làm khổ người khác là tạo nhân đau khổ, thấy người nghèo thiếu chúng ta giúp đỡ là tạo nhân an vui. Làm cho người vui mình sẽ được vui. Làm cho người khổ mình phải chịu khổ. Thấy rõ nhân tốt nhân xấu, tránh làm dữ siêng làm lành là cũng tỉnh phần nào rồi. Như vậy chúng ta đều có tỉnh, tuy không nhiều nhưng cũng được ít phần. Nếu không phân tích chỗ này, chúng ta cứ nghĩ mình còn mê chưa giác. Đó là thững bước tiến đầu tiên trong sự tu hành.

Bây giờ tới sự thức tỉnh lớn hơn một chút. Tại sao Phật tử lại ngồi thiền? Bởi vì biết nội tâm mình có những thứ hư giả, lâu nay nó chi phối và che phủ, khuất lấp cái chân thật. Chúng ta ngồi lại để dẹp bớt cái giả thì cái thật hiện ra. Biết rõ như vậy hên mỗi ngày giành nửa giờ hoặc một giờ ngồi nhìn lại thấy tâm hư dối dấy lên, bỏ không theo. Biết cái hư giả là dối tức có tỉnh, dối tưởng là thật tức đang mê. Như vậy quý Phật tử đang làm việc tỉnh giác chứ không phải chuyện thường.

Đứng về mặt thế gian, đối với luật vô thường của cuộc đời, với nhân quả khổ vui quý vị đều tỉnh được một phần. Đứng về nội tâm, những dấy niệm hư giả không thật trước đây mê lầm tưởng là thật nên chạy theo nó tạo nghiệp. Bây giờ biết nhìn lại trong từng phút giây, thấy chúng không thật thì không theo, đó là tỉnh. Tất cả chúng ta tu theo đạo Phật là đang đi trên con đường giác. Giác ít gọi là Phật tử, giác nhiều gọi là Bồ-tát. Bồ-tát dịch Hữu tình giác, cũng gọi Phần giác, tức là giác từng phần. Sự giác ngộ của các Ngài cao hơn chúng sanh phàm phu. Cho nên nói tới Phật tử là nói tới giác ngộ, hoặc nhiều hoặc ít chứ không phải mê. 

Tuy nhiên kiểm lại thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy mình còn mê. Thứ nhất, điều vô lý không đúng lẽ thật mà tin là mê. Giả sử đầu năm Phật tử đi cúng sao, có vô lý không? Sao là cái gì mà phải cúng? Chúng ta đều biết hành tinh là một ngôi sao, hành tinh cũng là một thế giới. Nếu người ở thế giới khác hướng về thế giới chúng ta lạy cúng, quý vị có cười họ không? Thế giới là vật vô tri đang quay mà lạy cúng làm gì.

Tại sao cúng sao lại hết tai nạn? Rõ ràng, nếu mình chửi người khác, họ sẽ chửi lại hoặc đánh mình. Nếu mình giúp người khác, họ sẽ thương và giúp lại. Nhân quả theo nhau, làm lành được quả lành, tạo ác chịu quả ác. Vậy mà hướng về một cái không biết lành hay dữ để cúng, có phải mê tín không? Tin một cách không đúng lẽ thật gọi là mê. Phật tử chấp nhận giác thì phải bỏ cái mê này. Đó điều thứ nhất.

Thứ hai, chẳng những Phật tử trong Nam mà ngoài Bắc nữa, thường đi cúng hoặc vay tiền bạc chỗ mấy người được cho là linh thiêng. Thử đặt câu hỏi lại, người đó có bao nhiêu khả năng để chúng ta vay về làm ăn được phát tài? Họ là người tu hành đức hạnh hay gian tà? Nếu cho người khác vay làm ăn khá, rồi quay lại cúng mình thì có gì hay mà tới cầu xin. Họ chỉ là người tầm thường thế gian, không phải Phật hay thánh. Phật là bậc đã giải thoát, chúng ta nên học sự giác ngộ của Ngài mới là điều cần thiết. Nếu mình làm việc phước thì quả tốt sẽ tới, chứ nó không đến một cách ngẫu nhiên. Vì thế chuyện đi vay từ một người nào đó cho là linh thiêng, để làm ăn được phát tài là mê tín. Ðây là điều thứ hai.

Mê tín thứ ba là coi ngày, coi tuổi. Khi cất nhà muốn được khá giả, bình an lâu dài hoặc đến dịp cưới gả, quý vị phải coi ngày coi tháng thật tốt, chọn tuổi thật kỹ mới dám làm. Nhưng chỉ cần một cơn bão lốc đi qua thì nhà mình và nhà gần bên chưa từng coi ngày cũng sập như nhau thôi. Vậy thì việc coi bói đó đâu chắc gì. Nhiều khi dựng vợ gả chồng phải lựa ngày cho thật tốt, để gia đình sống vui vẻ suốt đời với nhau, nhưng vẫn có nhiều trường hợp không hạnh phúc dẫn đến ly dị. Tại sao người lựa trúng, người lựa trật? Một ông thầy coi cho chừng chục đám thỉnh thoảng vẫn có một hai đám xảy ra như vậy. Nếu ông coi đúng trăm phần trăm thì không có chuyện lôi thôi. Vì thế coi bói không bảo đảm đúng hoàn toàn, chỉ là chuyện “phước chủ may thầy” thôi, không phải lẽ thật. Vậy mà đa số người đời vẫn cứ tin theo.

Năm nay đủ tiền lẽ ra cất được cái nhà mới thay thế nhà cũ hư nát. Nhưng đi coi bói thấy tuổi xấu quá, cất nhà sẽ gặp năm sát chủ nên không dám làm. Tôi dám nói với quý vị rằng tôi cất chùa không coi ngày, nhưng tôi biết nó sát chủ. Bởi vì chùa cất xong năm chục năm sau chùa hư, còn tôi hiện đã già chừng vài chục năm nữa đi mất rồi, không sát chủ là gì. Vậy mà quý vị lúc nào cũng lo lắng, sợ những cái xung quanh không thật, mà cái thật làm mình vui buồn lại không chịu sợ. 

Mỗi khi mình nổi nóng la rầy khiến trong nhà mọi người đều khổ, mặt ai cũng buồn hiu. Khi nổi nóng thường chúng ta không làm chủ được mình thành ra nói bậy làm bậy. Bây giờ biết nó sẽ làm mình và người xung quanh khổ thì chúng ta phải tránh. Tôi thường nhắc quý Phật tử, mỗi khi cơn sân giận nổi lên phải lấy nhẫn nhục trị. Bằng cách nhắc đi nhắc lại trong đầu câu “Nói là dại, nín là khôn” như đọc thần chú vậy. Im lặng một hồi cơn nóng sẽ qua, khỏe vô cùng. Đây là một lẽ thật, quý vị cố gắng thực hành theo.

Cũng như trong hàng xóm có người gặp tai nạn khổ sở, mình đủ phương tiện nên giúp họ qua cơn khổ. Mỗi lần đi ngang thấy mình họ sẽ vui vẻ chào hỏi. Đó là nhân lành chúng ta nên phát huy. Phật tử là người có trí tuệ, nhớ tập sống tỉnh giác, dù giác ngộ chưa nhiều cũng được ít phần. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút đừng cho mê. Được như vậy là biết tu theo Phật, biết đi trên con đường giác. Đừng đợi đến lúc hấp hối mới chịu tu, mà luôn luôn trong từng phút giây lúc nào cũng tỉnh giác. Như vậy mới xứng đáng con của đức Phật. Nếu mê tạo nghiệp đã đời rồi chạy về sám hối thì lôi thôi quá. Cho nên đã là Phật tử thì không có quyền mê mà phải giác. Giác ít hay nhiều tùy khả năng mỗi vị.

Hôm nay nhân ngày quý Phật tử cúng dường trong mùa An cư, tôi có ít lời nhắc nhở, để quý vị phân biệt rõ ràng giác và mê. Từ đó có hướng đi tốt đẹp, làm việc gì cũng đúng nghĩa Phật tử. Cố gắng đừng làm sai để người ta chê cười và đánh giá đạo Phật là đạo mê tín dị đoan, vô tình làm thương tổn tới đạo mình đang tôn thờ là điều không hay. Mong tất cả quý Phật tử ghi nhận và thực hành đạt được kết quả tốt. 

Mục Lục