Thiền Tông Việt Nam
Tông Môn Cảnh Huấn 2
16. Con đường phía trước

Buổi nói chuyện hôm nay không mang tính cách một bài giảng, chỉ là những lời nhắc nhở, chia sẻ cùng Tăng Ni về kinh nghiệm tu hành. Đồng thời thông qua các bài thơ kệ của chư vị Tổ sư, tôi nói lên cảm nhận sâu sắc của mình đối với con đường Phật đạo. 

Trước hết nói về thực trạng tu hành phổ biến trong tùng lâm. Phần nhiều người tu mắc phải hai căn bệnh lớn, thứ nhất là lười biếng, thứ hai là tinh tấn quyết tử.

Triệu chứng của bệnh lười biếng là tu lơ mơ. Ngày ăn hai ba bữa, tu hành qua loa, làm việc Tam bảo vừa chừng. Hình như tu để trả nợ chứ không tính tới giải thoát. Đó là bệnh thật đáng trách. Triệu chứng của bệnh tinh tấn quyết tử là dụng công quá sức đến mức ngã quỵ, sanh ra thối tâm Bồ-đề. Tu chưa được gì hết mà muốn chết tới nơi.

Trong hai trường hợp, một là thả trôi, hai là quyết tử đều không đưa đến kết quả. Cho nên đức Phật dạy, người tu phải áp dụng lý trung đạo. Như người lên dây đàn, không quá căng cũng không quá dùn thì tiếng đàn mới hay. 

Chúng ta tu luôn luôn phải chuẩn bị cho mình tư Iương. Ngoài vốn liếng đủ trả nợ đàn-na thí chủ, phải có chút ít công đức cho bản thân mình. Lúc nào cũng thấy đường trước sáng rỡ để lạc quan tiến tới chứ đừng thấy tối mò dễ sanh bi quan chán nản. Đau khổ của con người từ vọng tưởng điên đảo mà ra. Vọng tưởng điên đảo nhiều thì khổ đau nhiều, vọng tưởng điên đảo ít thì khổ đau ít. Chúng ta tu là đang cố gắng giảm vọng tưởng điên đảo. Cố gắng không có nghĩa là chạy cho mau, mà phải đi đều đặn bước nào vững bước nấy, không nên bỏ nửa chừng hoặc cách quãng. 

Tôi cảm nhận rõ một điều rằng, trên đường tu mình luôn được Phật tổ gia hộ. Cho nên những việc tôi làm dường như ít công phu mà kết quả lại tốt. Do đó tôi mong tất cả Tăng Ni ý thức mình là người nhiều nghiệp chướng phải ráng thành tâm sám hối, tinh tấn tu hành thì nghiệp sẽ nhẹ dần. Đừng tự khoe khoang, ỷ lại mình có sẵn Phật tánh rồi nghênh ngang. Tu như vậy lâu ngày tổn phước không có lợi.

Sự thật trên đường tu nếu quyết tâm sẽ tiến không nghi ngờ, nhưng quyết tâm cũng phải đúng cách đúng hướng. Chúng ta rất có phước nên mới được xuất gia tu hành trong thời đại ngày nay, được an ổn yên tu, khỏi cần lo thiếu thốn khó khăn. Con đường phía trước quá tốt mà không ráng đi thì chẳng biết nói sao. Những ai có tinh thần tu hành phải ý thức bổn phận của mình, đừng đi lệch lạc sai hướng uổng phí một đời.

Cuộc sống thế gian đầy dẫy cạm bẫy nhưng ít người biết đến, chỉ lo cho cái sống, tới chừng ngã ra chết đành phó thác cho số phận. Số phận đi theo nghiệp mình đã tạo. Do vì không biết điều này nên người ta tạo nghiệp xấu, lúc sắp chết kinh hoàng sợ hãi. Người tu dù chưa tiến tới chỗ giải thoát trọn vẹn, ít ra cũng chọn con đường sáng. Được vậy khi sắp nhắm mắt, chúng ta yên lòng vì biết rằng con đường phía trước tốt đẹp hơn hiện tại.

Người biết tu là bước đi trên con đường cao đẹp. Đức Phật đã chỉ dạy chúng ta phương pháp đi tới chỗ an lành muôn thuở, chứ không phải tạm bợ sơ sài. Chúng ta được duyên lành đi trên con đường tu tập giải thoát. Đó là lối đi sáng sủa, an lạc chứ không phải con đường đen tối, mù mịt.

Đa số người thế gian cho rằng tu là bất hạnh, vì không được hưởng thú vui ngũ dục, hạnh phúc trần gian. Họ không ngờ chính vì theo đuổi hạnh phúc trần gian mà con người phải chau mày nhăn mặt. Nhìn bên ngoài thấy người nào cũng tỏ ra tươi tắn, vui vẻ, nhưng đi sâu vào từng hoàn cảnh mới thấy họ khóc nhiều hơn cười. Cuộc đời không có gì đảm bảo hạnh phúc, một khi lỡ bước chân vào chỉ còn cách cắn răng chịu đựng, chứ khó bề thoát ra.

Người tu không đua đòi, không đuổi theo dục lạc thế gian tưởng như thiệt thòi, không ngờ đó là con đường thanh thản nhẹ nhàng an vui. Tuy nhiên muốn đến được chỗ an vui miên viễn, phải cật lực công phu, trải qua biết bao điều bất như ý, mới có thể hoàn thành tâm nguyện.

Bức tranh thứ nhất trong Mười Bức Tranh Chăn Trâu chú mục đồng không hề thảnh thơi. Trâu hoang cắm đầu chạy, trong khi sức thằng chăn chỉ bằng một phần mười sức con trâu. Muốn chinh phục trâu hoang, kềm giữ nó lại là một việc hết sức cực khổ. Thằng chăn phải dùng trí khôn ngoan, sử dụng mọi phương tiện nào roi, dây dàm... để xỏ mũi, quất mông sẽ điều phục được nó. Nếu thằng chăn khờ khạo, tay không mà đuổi theo trâu chắc chắn không thể điều phục nổi. 

Người đời vui sướng thả tâm theo dục lạc, mãn nguyện vì đang được hưởng hạnh phúc. Người tu không hưởng thụ dục lạc, mà xoay lại chăn con trâu hoang của mình. Đó là hai quan niệm khác xa nhau. Người mới chăn trâu giai đoạn đầu tuy khó khăn, nhọc nhằn, nhưng khi xỏ được mũi trâu, lôi cổ nó theo mình thì từ đó về sau sẽ nhẹ nhàng, thảnh thơi.

Bức tranh thứ sáu trong Mười Bức Tranh Chăn Trâu là giai đoạn hơn phân nửa trên đường tu. Tới đây, hành giả đã điều phục được con trâu hoang, thong thả thảnh thơi trở về nhà:

Kỵ ngưu dĩ lệ dục hoàn gia,

Khương địch thanh thanh tống vãn hà,

Nhất phách nhất ca vô hạn ý,

Tri âm hà tất cổ thần nha.

Cưỡi trâu thong thả trở về nhà,

Tiếng sáo vi vu tiễn vãn hà,

Một nhịp một ca vô hạn ý,

Tri âm nào phải động môi à.

Tri âm ở đây là biết mình. Chúng ta chịu khó nỗ lực chăn con trâu cho thuần thục, nhất định mai kia được thảnh thơi, an nhàn. Trên đường về cố hương chỉ toàn an vui hạnh phúc, không còn chút khổ đau của kiếp người.

Nội dung bức tranh chăn trâu thứ sáu bên Đại thừa khác hơn:

Lộ địa an miên ý tự như,

Bất lao tiên sách vĩnh vô câu,

Sơn đồng ổn tọa thanh tùng hạ,

Nhất khúc thăng bình lạc hữu dư.

Đất trống ngủ yên ý tự an,

Chẳng cần roi mũi mãi thành nhàn,

Tùng xanh dưới cội mục đồng nghỉ,

Một bản thanh bình rất hân hoan.

Giờ đây trâu nằm yên ổn trên đất bằng, mục đồng thảnh thơi ngồi chơi dưới cội tùng, ngắm trời mây, nghe gió thổi mát mẻ và hát bản nhạc thanh bình. Thật an ổn! Muốn được vậy, chúng ta phải nỗ lực trải qua rất nhiều giai đoạn khó khổ. Ban đầu vất vả trăm phần, dần dần còn hai ba chục phần, cuối cùng tự tại thong dong. Con đường tu hành sáng sủa và đầy ý nghĩa, thế nhưng nhiều người đi hơi mỏi chân đã muốn rẽ qua lối khác. Đáng tiếc thay!

Tuy nhiên sự tu không đơn giản, để được thành công phải trả giá bằng mồ hôi nước mắt và tâm huyết cao tột. Nhiều lúc ngồi thiền đau chân phát khóc, bị quở rầy buồn tủi, đó chỉ là những thử thách ban đầu. Nếu chúng ta cố gắng nỗ lực, mai kia nhất định an hưởng cảnh thanh nhàn, tự tại. Dù trong đạo hay ngoài thế gian, muốn có quả vui trước phải ra công khó nhọc. Thích ăn trái mít ngon, đầu tiên đem hạt mít ươm trồng, kế đến cung cấp đầy đủ phân nước và chịu khó nhổ sạch cỏ tạp. Người đời lầm tưởng bước chân vào đạo sẽ được sống trong cảnh Cực Lạc, thiên đường tại thế. Không ngờ, tu hành phải ra sức công phu dày dặn cực khổ mới được an lạc. Con đường xuất gia cao thượng đầy ý nghĩa, đòi hỏi chúng ta phải cần mẫn, không lười trễ hay thối chí. 

Tác phẩm Tuyết Đậu Tụng Cổ bao gồm một trăm công án do thiền sư Tuyết Đậu Trùng Hiển tuyển tập. Công án thứ năm, thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn dạy chúng: “Cả quả đất vo lại lớn bằng hạt lúa hạt gạo, ném đến trước mặt. Chẳng hiểu, thùng sơn, đánh trống phổ thỉnh xem”. 

Thiền sư Tuyết Đậu tụng: 

Ngưu đầu một,

Mã đầu hồi,

Tào Khê cảnh lý tuyệt trần ai,

Đả cổ khán lai quân bất kiến,

Bách hoa xuân chí vị thùy khai?

Dịch:

Đầu trâu mất,

Đầu ngựa về,

Trong vắt Tào Khê gương chẳng nhơ,

Đánh trống đến xem, anh chẳng thấy,

Trăm hoa xuân đến nở vì ai?

Thiền sư Tuyết Phong nói, cả đại địa vo lại bằng một hạt gạo, ném ra trước mặt. Ngài đã thoát khỏi mọi đối đãi lớn nhỏ của thế gian, tâm không dính chút bụi trần. Sở dĩ chúng ta chưa được như ngài vì còn nặng hơn thua, phải quấy, được mất. Phiền não theo đó dấy khởi khiến tâm bị nhiễm ô.

Thiền sư Tuyết Đậu hạ cú: Đầu trâu mất, đầu ngựa về. Thật là một câu vô nghĩa! Tuy nhiên ẩn sâu trong đó hàm ý tâm không còn dính mắc trần cảnh, không khởi ý niệm và tình thức duyên theo pháp trần. Tào Khê cảnh lý tuyệt trần ai, nghĩa là trong cái gương của Tào Khê không dính một mảy bụi. Gương này dụ cho tâm trong sáng dứt sạch đối đãi, hơn thua, phải quấy. Nó luôn sẵn có trong mỗi chúng ta. 

Đả cổ khán lai quân bất kiến, đánh trống mời thiên hạ đến xem, nhìn trong gương không ai thấy một mảy bụi, cũng không thấy gương như thế nào. Bách hoa xuân chí vị thùy khai, trăm thứ hoa trên núi đua nhau nở vào mùa xuân một cách tự nhiên, chứ không nở vì ai. Cũng thế, khi tâm chúng ta thanh tịnh, muôn vật đều hiện tiền rõ ràng trước mắt. Công án này nhấn mạnh điểm cốt yếu trong sự tu, không kẹt hai bên, được tự tại.

Qua công án thứ sáu. Một hôm thiền sư Vân Môn bảo đại chúng: “Ngày 15 về trước chẳng hỏi, ngày 15 về sau nói cho một câu xem?”. Ngài tự đáp thế: “Mỗi ngày đều là ngày tốt”. Công án này hay ở chỗ nào? Hiện tại chúng ta sống đây nhưng luôn để tâm chạy về quá khứ hoặc hướng tới tương lai, thành thử sống như không sống. Bởi vậy ngài Vân Môn phải lên tiếng nhắc nhở. Nhân đây, thiền sư Tuyết Đậu tụng:

Khứ khước nhất,

Niêm đắc thất,

Thượng hạ tứ duy vô đẳng thất,

Từ hành đạp đoạn lưu thủy thanh,

Túng quan tả xuất phi cầm tích.

Thảo nhung nhung,

Yên mịch mịch,

Không Sanh nham bạn hoa lan tịch,

Đàn chỉ kham bi Thuấn-nhã-đa.

Dịch:

Bỏ đi một,

Nắm được bảy,

Trên dưới bốn phương không đồng bậc,

Thong dong đạp bặt tiếng suối reo,

Phỏng xem vẽ được chim bay dấu.

Cỏ xanh rì,

Khói trắng bạc,

Không Sanh bên núi hoa rơi loạn,

Khảy tay làm thảm thần Hư không. 

Bỏ đi một, nắm được bảy nghĩa là tâm không còn mắc kẹt quá khứ vị lai, sống ngay với hiện tại. Trên dưới bốn phương không đồng bậc, đối với thời gian và không gian, tâm không một niệm phân biệt là bình đẳng nhất như. Được vậy thì thong dong đạp bặt tiếng suối reo. Nghe tiếng suối reo ầm ầm bên sườn núi, mình có thể thong thả đạp bặt âm thanh đó. Tiếng suối có hình dáng gì mà đạp bặt? Ngay đây nếu tâm chúng ta vô niệm, không còn hướng về quá khứ vị lai, sẽ có diệu dụng không lường. Đó là điều đặc biệt của bản tâm. 

Phỏng xem vẽ được chim bay dấu, thấy chim bay trong hư không, có thể vẽ được dấu chân của nó. Câu này ngầm chỉ khi tâm dứt sạch niệm tưởng sẽ có diệu dụng vi tế vô cùng. Đẹp hơn nữa là hình ảnh cỏ xanh rì, khói trắng bạc. Cỏ xanh như nhung, khói trắng như bạc dụ cho tâm thể trong sáng thanh tịnh, sạch hẳn phiền não tối tăm. 

Không Sanh bên núi hoa rơi loạn, câu này xuất phát từ tích truyện ngài Tu-bồ-đề ngồi yên trong núi được Thiên Đế Thích rải hoa tán thán cúng dường. Chừng nào tâm tới được chỗ nhất như rỗng không, không cần nói không cần làm nhưng mọi thứ xung quanh vẫn cảm thông và thấy được.

Khảy tay làm thảm thần Hư không, Thuấn-nhã-đa là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là thần Hư không. Dùng hư không làm thể, thân tâm không vướng mắc, hào quang Phật mới hiện. Ngài Tu-bồ-đề là vị đệ tử giải không bậc nhất của đức Phật. Khi tâm an nhiên tự tại, mọi diệu dụng tràn đầy trước mắt. Những hình ảnh trong các bài kệ tụng hàm chứa ý nghĩa một tương lai tươi sáng trên con đường tu hành. Đến đây tôi dẫn lời dạy của chư vị thiền sư Việt Nam. Có vị Tăng hỏi thiền sư Chân Không:

- Khi sắc thân bại hoại thì thế nào?

Ngài liền đáp:

- Xuân khứ xuân lai nghi xuân tận,

Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân. 

Xuân đến xuân đi ngỡ xuân hết, 

Hoa nở hoa tàn vẫn là xuân. 

Đẹp làm sao! Dù mùa xuân có đến đi nhưng tâm xuân không bao giờ thay đổi. Người hỏi băn khoăn khi sắc thân này bại hoại sẽ như thế nào? Với thiền sư Chân Không, sống đẹp chết cũng đẹp, sanh tử như hòn bọt còn mất trong biển cả. Dù hợp hay tan nó vẫn nằm trong biển. Cũng thế, sanh tử không hai, như mùa xuân miên viễn. Khi chúng ta có mặt trên trần gian hay lúc vắng bóng, tâm chân thật vẫn hiện hữu không thiếu vắng. 

Một vị Tăng hỏi thiền sư Viên Chiếu:

- Kiến tánh thành Phật nghĩa thế nào? 

Ngài trả lời: 

- Khô mộc phùng xuân hoa cạnh phát,

Phong xuy thiên lý phức thần hương. 

Cây héo xuân về hoa nở rộ,

Gió đưa ngàn dặm nực hương mầu. 

Mùa xuân tươi sáng, trong thanh đầy dẫy khắp hư không. Người chưa nhận ra Phật tánh mới thấy thân này có sanh diệt khổ đau. Người kiến tánh rồi thấy thân này tàn hoại giống cây khô, gặp thời tiết nhân duyên đến lại nở hoa thơm ngát. Cũng vậy, tuy thân tầm thường nhớp nhúa không ra gì, nhưng nếu biết tu tập vẫn có thể ngộ đạo. Đó là con đường chúng ta phải tiến tới.

Vị Tăng khác hỏi thiền sư Viên Chiếu:

- Thế nào là bản ý của chư Phật?

Ngài đáp:

- Xuân chức hoa như cẩm,

Thu lai diệp tự hoàng.

Xuân dệt hoa như gấm,

Thu sang lá tự vàng. 

Quá đẹp! Mùa xuân đến hoa nở rực như vải gấm thêu bông. Mùa thu sang lá vàng rụng, lẽ tất nhiên. Cũng vậy, bản tâm của chư Phật là như như, không còn một niệm trần len lỏi trong ấy. 

Chúng ta đang bước trên lộ trình giải thoát đầy an lạc và hạnh phúc. Hãy mau mau cất bước đừng chần chờ. Một ngày sống là một ngày giá trị và ý nghĩa. Làm sao hoàn thành tâm nguyện tự lợi lợi tha, xứng đáng là đệ tử của đức Phật. Mong tất cả cùng cố gắng.

Mục Lục