Thiền Tông Việt Nam
Kinh Thắng Man phu nhân hội - Chân Hiền Tâm
Như Lai Tạng Hữu Tác Thánh Đế & Vô Tác Thánh Đế

- NHƯ LAI TẠNG là cảnh giới của chư Phật, chẳng phải là chỗ hành của Thanh văn và Độc giác. Đối với Như Lai Tạng mà nói về nghĩa của thánh đế.

Như Lai Tạng chính là pháp thân của chư Phật nên nói “Như Lai Tạng là cảnh giới của chư Phật”. Chữ TẠNG này có 2 nghĩa. Một là nghĩa tích chứa, gọi là TẠNG. Hai là nghĩa ẩn tàng, gọi là TÀNG. Nghĩa mà kinh này muốn nói là nghĩa ẨN TÀNG. (Thành dịch đúng phải là Như Lai Tàng). Như Lai luôn sẵn đủ trong mỗi chúng sanh, nhưng vì bị vô minh che phủ nên nó chưa hiển lộ được mà gọi là Như Lai Tàng. Thánh đế được nói trong kinh này y chỉ nơi Như Lai Tàng mà nói nên tuy cũng là thánh đế nhưng không phải là loại thánh đế Phật đã nói cho hàng Nhị thừa.

- Như Lai Tàng này thậm thâm vi diệu. Thánh đế được nói cũng thậm thâm vi diệu, khó thấy, khó biết, chẳng thể phân biệt, chẳng phải cảnh giới có thể suy lường, là chỗ mà hết thảy thế gian chẳng thể tin. Chỉ có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mới hay biết.

Vì là cảnh giới của chư Phật nên khi chưa phải là Phật thì chưa thể thấu suốt được nó. Có thấu suốt thì chỉ nhờ niềm tin hoặc thấy được ít phần.

- Nếu đối với Như Lai Tàng đang bị ràng bọc trong vô lượng phiền não mà chẳng nghi hoặc, thì với Như Lai Tàng đã xuất khỏi mọi phiền não - là pháp thân Như Lai - cũng không có nghi hoặc.

Song, dù chưa thấu suốt được Như Lai Tàng mà vẫn có niềm tin đối với Như Lai Tàng thì sẽ có niềm tin đối với pháp thân (Như Lai tạng). Như Lai Tàng khác pháp thân chỗ nào? Như Lai Tàng là pháp thân còn đang bị phiền não che đậy. Vô minh phiền não hết thì thể, tướng và dụng của Như Lai hiển bày, gọi là pháp thân.

- Bạch Thế Tôn ! Nếu có người đối với Như Lai Tàng và pháp thân Phật - là cảnh giới bí mật chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật - mà được tâm tối cùng, thì đối với nghĩa của 2 THÁNH ĐẾ được nói đây có thể tin, có thể hiểu, có thể sanh thắng giải. Thế nào là nghĩa của 2 thánh đế. Đó là Hữu tác thánh đế và Vô tác thánh đế.

NHƯ LAI TÀNG một khi không còn TÀNG nữa, gọi là pháp thân. Vì có chỗ khác đó nên tuy cùng một thứ mà có 2 tên là Như Lai Tàng và pháp thân. Với cảnh giới bí mật chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật mà ĐƯỢC TÂM TỐI CÙNG là chỉ cho chỗ chứng của hàng Thập địa mà địa đầu là Sơ Địa. Chứng được tánh thể này thì đối với 2 thánh đế nói đây có thể tin nhận và hiểu rõ.

THẮNG GIẢI là chỉ cho sự hiểu biết thâm sâu. Tùy địa vị sâu cạn trong hàng Thập địa mà hoặc là tin, hoặc là hiểu, hoặc có sự hiểu biết thâm sâu về Như Lai Tạng. TIN là chưa thấy mà biết là có. HIỂU là hiểu được những gì Như Lai nói về Như Lai Tàng. SANH THẮNG GIẢI vì đã trực nghiệm được Như Lai Tàng ít nhiều.

Sau là nói về nghĩa của 2 thánh đế.

- TÁC THÁNH ĐẾ là nghĩa của 4 thánh đế chưa viên mãn. Vì sao? Vì THA HỘ TRÌ nên chẳng thể biết được tất cả khổ, đoạn tất cả tập, chứng tất cả diệt, tu tất cả đạo. Cho nên chẳng biết hữu vi, vô vi cho đến niết bàn.

TÁC THÁNH ĐẾ là loại thánh đế có liên quan đến sự tạo tác, là chỉ cho 4 thánh đế của Thanh văn. Sự tác ý này chỉ có tác dụng với những phiền não thô chứ không có tác dụng đối với những phiền não vi tế.

THA HỘ TRÌ là sự hộ trì bên ngoài. THA HỘ TRÌ vì còn thấy ngoài tâm có pháp, chưa thấu được lý Duy tâm. Còn thấy có Phật 32 tướng, 80 vẽ đẹp để nương tựa, có niết bàn khác sanh tử để bước vào. Thấy như vậy là chưa thấy được cội nguồn của KHỔ và TẬP. Vì chưa thấy được cội nguồn nhất tâm nên phần DIỆT chứng được chưa phải là chỗ rốt ráo. Đó là do phần tu ĐẠO chưa rốt ráo.

“Chẳng biết hữu vi, vô vi cho đến niết bàn” là chẳng biết cội nguồn thật của những thứ đó. Chẳng biết tất cả đều lấy tâm chân thật làm tánh.

- Bạch Thế Tôn ! VÔ TÁC THÁNH ĐẾ là nói về nghĩa thánh đế viên mãn. Vì sao? Vì có thể TỰ HỘ TRÌ nên biết tất cả khổ, đoạn tất cả tập, chứng tất cả diệt, tu tất cả đạo.

VÔ TÁC THÁNH ĐẾ là loại thánh đế không do tạo tác. Vì sao? Vì không có sự tác ý đoạn trừ các TẬP như của Nhị thừa. Phần này sẽ được phu nhân Thắng Man giải thích rõ ở các phần sau.

TỰ HỘ TRÌ vì biết không có gì ngoài tâm dù đó là Phật. Là biết “Tâm sanh thì tất cả pháp sanh. Tâm diệt thì tất cả pháp diệt”. Vì thế, chỉ quay về nương lấy tự tâm của chính mình, gọi là tự hộ trì.

BIẾT TẤT CẢ KHỔ là biết được ngoài cái khổ phần đoạn sanh tử còn có cái khổ biến dịch. ĐOẠN TẤT CẢ TẬP là đoạn phần tập ngọn mà đoạn cả phần tập gốc. Tuy nói là đoạn nhưng thật không phải đoạn. Phần kinh sau sẽ đề cập đến. Ngọn là nghiệp tập của chúng sanh, tức 4 trụ địa và khởi phiền não. Gốc là phần tập khí từ thời vô thủy, tức vô minh trụ địa. CHỨNG TẤT CẢ DIỆT là chứng được pháp thân thường trụ. TU TẤT CẢ ĐẠO là chỉ cho pháp Đại thừa.

THÁNH ĐẾ VIÊN MÃN là chỉ cho loại thánh đế đưa đến quả vị Phật, không phải loại thánh đế đưa đến quả vị La Hán hay Bích Chi Phật của hàng Nhị thừa.

- Như vậy, có đến 8 thánh đế nhưng Như Lai chỉ nói 4 thánh đế. Với nghĩa Vô tác thánh đế này chỉ có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mới làm được việc rốt ráo, chẳng phải là chỗ mà lực của A La Hán và Bích Chi Phật có thể đến. Vì sao? Vì chẳng phải các pháp như thắng, liệt, thượng, trung, hạ mà có thể chứng được niết bàn.

Đây là lời tổng kết. Có đến 8 thánh đế chứ không phải là 4 như Phật đã nói với chư vị Nhị thừa. Đó là do biết khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo có thô và tế. Thô là 4 Tác thánh đế. Tế là 4 Vô tác thánh đế. Bởi Vô tác thánh đế chỉ có Như Lai mới hoàn thành được trọn vẹn nên Như Lai không nói với chư vị Nhị thừa.

Pháp vốn không có thắng, liệt, trung, hạ … Thắng, liệt, trung, hạ là do trí phân biệt của mình mà ra. Vì sao phân biệt? Vì thấy vạn pháp là thật. Vì thấy thật có khổ, tập, diệt đạo nên mới đoạn tập mà chứng diệt. Một khi biết được khổ, tập, diệt, đạo chỉ là cái bóng rỗng thì không có gì để phải đoạn trừ nữa. Đoạn trừ đó gọi là TÁC, không đoạn trừ gọi là VÔ TÁC.

Như việc hàng phục vọng tưởng của mình. Khi mới thực tập, dù không muốn, cái BIẾT của mình vẫn có tác dụng đè đi các vọng niệm chứ không phải chỉ có biết rồi thôi. Vì sao? Vì sự tương tục của dòng vọng niệm quá mạnh. Dù biết chúng là vọng, nhưng hở một cái là nó đầy dẫy, cái chủ của mình không còn. Một khi nó vẫn sai sử cuốn hút mình như vậy thì nó chưa phải là vọng đối với mình. Không trừ bỏ đè nén là không được. Vì thế sự dụng công lúc này là cần thiết. Đây là giai đoạn TÁC.

Một khi sự tương tục của dòng vọng niệm không còn, mình không còn bị lực tương tục ấy cuốn hút, vọng có hay không không can hệ gì đến mình thì không cần trừ bỏ nữa. Vì sao? Vì lúc đó vọng đã hiện đúng bản chất của nó. Do đã liễu tri được bản chất của dòng vọng tưởng mà không cần dụng công trừ khử. Đó gọi là VÔ TÁC. Tạm lấy tạm ví dụ này để hiểu sơ về nghĩa tác và vô tác.

Nhị thừa còn thấy có sanh tử khác niết bàn, tức chưa thoát được trí phân biệt, chưa liễu tri được tính bình đẳng và như huyễn của vạn pháp, nên nói “Chẳng phải các pháp thắng, liệt, thượng, trung, hạ mà có thể chứng được niết bàn”. Hàng Bồ tát Bát Địa trở lên, do đã chứng nhập được tánh bình đẳng chân như, mới nhận ra được hoàn toàn tánh như huyễn của vạn pháp. Sở hành của chư vị mới thật là Vô tác thánh đế. Song phải đến địa vị Phật mới hoàn tất tận cùng nên nói “Vô tác thánh đế này chỉ có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mới LÀM ĐƯỢC VIỆC RỐT RÁO”.

- Vì sao với Vô tác thánh đế, Như Lai đạt được chỗ tối cùng?

Hỏi để giải thích vì sao chỉ có Vô tác thánh đế mới có thể đạt được cội nguồn tận cùng. Qua đó hiển bày Vô tác thánh đế là gì.

- Vì chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết hết các KHỔ, đoạn các phiền não và khởi phiền não, nhiếp được TẬP khổ, chứng được DIỆT khổ của tất cả ý sanh thân, tu tất cả ĐẠO diệt khổ.

Đây là nêu bày vì sao Tác thánh đế không đạt được niết bàn pháp thân mà chỉ có Vô tác thánh đế mới đạt được. La Hán đoạn phiền não để có niết bàn, cái đoạn ấy gọi là TÁC. Chư Như Lai cũng qua giai đoạn đoạn phiền não như vậy, nhưng không dừng ở đó mà tiếp tục phá sâu vào phần vi tế bên trong để thấy được cội nguồn của khổ và tập. Tuy nói là phá nhưng cái phá ấy không mang tính đoạn trừ mà mang tính liễu tri nên nói NHIẾP TẬP KHỔ.

“Chứng được diệt khổ của tất cả ý sanh thân” là chỉ cho việc thể nhập được hoàn toàn pháp thân, là cội nguồn chân thật của tất cả pháp, trong đó có phần ý sanh thân. Sau là nói về phần DIỆT mà chư Như Lai đã chứng.

- Bạch Thế Tôn ! Chẳng phải pháp hoại đi mà gọi là diệt khổ. Vì sao? Nói DIỆT khổ là vô thủy, vô tác, vô khởi, vô tận, thường trụ, bất động, bản tánh thanh tịnh, ra khỏi vỏ phiền não. Bạch Thế Tôn! Như Lai thành tựu hằng hà sa số pháp đầy đủ trí giải thoát chẳng thể nghĩ bàn, gọi là pháp thân.

Phần DIỆT của Vô tác thánh đế khác với phần DIỆT của Tác thánh đế ở chỗ : La Hán diệt phiền não để có niết bàn. Còn DIỆT của Vô tác thánh đế là nói về pháp thân thường trụ. Không phải diệt cái gì mới có niết bàn mà là nhận ra được cội nguồn của những thứ đó nên có niết bàn. Đó là trở về với pháp thân của mình, gọi là được niết bàn. Vô thủy, vô tác … là bản chất của pháp thân thường trụ. Vì VÔ TÁC nên không thể dùng Tác thánh đế mà thể nhập nó được.

Cho nên, hành giả tu hành lúc đầu dùng pháp đối trị mang tính tạo tác rất nhiều, nhưng càng về sau càng phải đi dần đến chỗ vô tác, mới thể nhập được pháp thân thanh tịnh của mình. Đây là lý do vì sao Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy ngài Trần Nhân Tông “Trì giới và nhẫn nhục, chuốc tội chẳng chuốc phước, Muốn biết không tội phước, đừng trì giới nhẫn nhục. Như khi người leo cây. Trong an tự cầu nguy. Như người không leo cây, trăng gió có làm gì”. Rồi dặn nhỏ một câu “Chớ bảo cho ngươi không ra gì biết”.

NGƯỜI KHÔNG RA GÌ là người mà còn cần đến pháp đối trị nhiều. Như người có tánh sân thì cần phải tập nhẫn nhục. Nói là tánh vì cái sân ấy đã được huân tập thành thói quen. Là thói quen rồi thì mình sẽ mê mờ theo nó mà tạo nghiệp vô vàn, quả khổ không biết bao nhiêu mà kể, càng đi xa cội nguồn pháp tánh chân như. Vì thế, cần phải dùng đến pháp đối trị là nhẫn nhục để dừng đi thói quen sân giận.

Bản tâm vốn thanh tịnh không có sân. Một khi sân không còn là thói quen, tức không còn bị nó sai sử tạo nghiệp, ta sẽ nhận dần ra thực tánh của sân, nhận được tánh của sân thì không cần dùng pháp đối trị nữa. Nếu vẫn dùng pháp đối trị thì không khác gì người đang an ổn dưới mặt đất bỗng leo lên cây tìm sự nguy hiểm. Lúc đó cái nhẫn ấy không khác gì cái sân. Như có bệnh thì uống thuốc, hết bệnh thì thuốc phải bỏ. Hết bệnh mà vẫn uống thuốc thì sẽ sanh bệnh mới.

Mục Lục