Thiền Tông Việt Nam
Kinh Thắng Man phu nhân hội - Chân Hiền Tâm
Phu Nhân Thắng Man Phát 3 Đại Nguyện

Lúc ấy phu nhân đối trước Phật phát thêm 3 đại nguyện. Dùng nguyện lực ấy làm lợi ích vô lượng vô biên cho loài hữu tình :

1. Nguyện dùng thiện căn này đời đời sanh được chánh pháp trí.

2. Được chánh pháp trí rồi, con nguyện sẽ vì chúng sanh giảng nói không nhàm mỏi.

3. Vì nhiếp thọ chánh pháp, con nguyện chẳng tiếc thân mạng mình.

Đợi hội chúng phát nguyện xong, bà mới khởi xướng tiếp 3 đại nguyện. 3 đại nguyện này rất quan trọng, nhất là đại nguyện đầu tiên. Không có đại nguyện này thì các hoằng thệ trên khó thành tựu. Vì không có CHÁNH PHÁP TRÍ thì không thể hàng phục 3 nghiệp đến chỗ rốt ráo. Không có CHÁNH PHÁP TRÍ thì việc lợi ích cho tha nhân cũng bị hạn chế. Vì sao? Vì lòng nhiệt tình không chưa đủ, cần phải có trí tuệ thì trên SỰ mới được hanh thông. Ngược lại không có 10 hoằng thệ làm phương tiện thì việc nguyện cầu CHÁNH PHÁP TRÍ đây cũng khó mà thành tựu.

1. Nguyện đời đời sanh được chánh pháp trí.

NGUYỆN là mong ước. Bà mong ước khi nào sanh ra cũng đều có chánh pháp trí. CHÁNH PHÁP TRÍ là cái trí thuộc về chánh pháp chứ không phải là tà pháp. Thấy đúng được thực chất của vạn pháp là mình đang có CHÁNH PHÁP TRÍ. Tuy là nguyện nhưng điều nguyện ấy phải thành sự thật. Vì thế, nó được đổi bằng phước đức và trí tuệ mà bà đang có, đang làm và sẽ làm, thông qua 10 hoằng thệ trên, nên nói NGUYỆN DÙNG THIỆN CĂN ấy. Không phải chỉ trong hiện tại hay một vài kiếp mà với tất cả mọi kiếp cho đến khi thành Phật, nên nói ĐỜI ĐỜI.

DUYÊN KHỞI là qui luật chi phối tất cả vạn pháp ở thế gian suốt cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, được biểu hiện thông qua NHÂN DUYÊN và NHÂN QUẢ. Nếu ta thực sự nhìn vạn pháp ở thế gian bằng cái nhìn đó, là ta đang sở hữu được CHÁNH PHÁP TRÍ. Tùy theo mức độ nhận biết thô hay tế mà mình có CHÁNH PHÁP TRÍ cạn hay sâu, toàn bộ hay từng phần. Đây là do mức độ thanh tịnh của tâm.

Như nói về LÝ NHÂN QUẢ, gọi là nắm được nhân quả là khi ta có niềm tin và trực nghiệm được nó trong cuộc sống của chính mình. Như nghe dạy bố thí cúng dường thì được đầy đủ. Thực hiện nó, mình thấy đúng như vậy. Vì thế, mình tin và tiếp tục sống với niềm tin đó. Việc này bồi tiếp việc kia, niềm tin được củng cố bằng hiện thực, hiện thực làm tăng trưởng niềm tin. Song đó chỉ là ngay nơi quả mà nghiệm quả. Còn thấy ngược trở lại cội nguồn của những thứ đó, thấy cho được cái nào là nhân của cái nào, vì sao biết bố thí là nhân của sự giàu sang thì chỉ có Phật và các bậc thánh mới thấu được. Nên cũng cùng là cái nhìn Nhân Quả, nhưng mức độ cạn sâu đã có khác nhau. Duyên Khởi cũng vậy …

Có CHÁNH PHÁP TRÍ thì mình có cái nhìn đúng đắn đối với vạn pháp ở thế gian. Đó là yếu tố giúp mình có cuộc sống thái bình, an lạc. Thế giới ngày nay tranh tàn, gây hấn là do không nắm được qui luật đang chi phối sâu xa thế giới và mọi loài chúng sanh đây. Muốn cái quả là hoa nhưng lại gieo cái nhân cỏ. Muốn giàu sang nhưng không gieo nhân bố thí, cúng dường, lại gieo cái nhân trộm cướp, tham nhũng, lừa gạt v.v... Ngược lại nhờ biết ứng dụng NHÂN DUYÊN rộng rãi mà các ngành khoa học, kỹ thuật v.v… phát triển vượt bực.

Theo kinh Lăng Nghiêm và luận Đại Thừa Khởi Tín, cội nguồn tâm thể của một chúng hữu tình vốn thanh tịnh trùm khắp, nhưng vì không tánh nên không tự giữ, bất giác mà sinh cái thấy hư vọng cùng cảnh giới hư vọng như hiện nay. CÁI THẤY HƯ VỌNG, chỉ cho cái thấy của mình đây, thuộc về tâm. CẢNH GIỚI HƯ VỌNG là chỉ cho thân căn và thế giới mà mình đang thọ nhận. Gọi là HƯ VỌNG vì nó có tướng mà không có tánh. Như người tỉnh mà mê rồi thấy hiện ra mọi thứ trong mộng. Hoặc như đi trong sa mạc khát qua mà thấy nước. Tuy hư vọng nhưng vì không biết là hư vọng, nên trên cảnh hư vọng ấy lại sinh phân biệt ta, người, tốt, xấu … rồi tạo nghiệp luân chuyển trong 6 đường. Hành động nào được huân tập nhiều, đủ duyên sẽ có sức mạnh biến hiện ra cảnh giới đó để mình thọ nhận. Như huân tập những chủng nhân tham lam, đố kỵ, sân giận thì tự tâm sẽ biến hiện ra thân tướng cùng các cảnh giới đau khổ như địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ hay những loại ‘địa ngục trần gian’ mà mình đang thấy hiện nay. Không có thói quen tạo ra những chủng nhân đó thì không có các cảnh giới đó. Đây là lý do vì sao trong Phật pháp không lấy tứ cú ấn định cho thực tánh của vạn pháp. Bởi vạn pháp không tánh, chỉ tùy duyên mà thấy có, thấy không v.v…

Như vấn đề địa ngục, không thể khẳng định là có hay không. Nếu mình từng gây nhân địa ngục thì đủ duyên, mình sẽ có cảnh giới địa ngục để mà thọ nhận. Nếu mình không gây chủng nhân địa ngục thì không bao giờ mình có cảnh giới địa ngục. CÓ với người có chủng nhân đó, KHÔNG với người không có chủng nhân đó. Gặp được nhau là vì cùng có chủng nhân nào đó với nhau. Mọi thứ đều từ tâm, theo thức mà có sai khác, nên nói TAM GIỚI DUY TÂM, VẠN PHÁP DUY THỨC.

Do cái thấy trên mà thế gian dưới mắt Phật Tổ chỉ là một trường đại mộng. Mộng, thành đủ duyên thì thấy có TƯỚNG nhưng TÁNH thì không. Vì thế mới có khái niệm DUYÊN KHỞI - KHÔNG TÁNH. Pháp không tánh mới duyên khởi được. Thấy pháp duyên khởi thì biết là pháp không tánh.

Cái nhìn DUYÊN KHỞI - TÁNH KHÔNG thâm sâu hơn cái nhìn NHÂN DUYÊN - NHÂN QUẢ nói trước. Đây là lý do vì sao trí tuệ của Nhị thừa không sánh được với trí tuệ của các vị Bồ tát đăng địa và chư Phật. Nhị thừa chỉ mới thấy được NHÂN DUYÊN - NHÂN QUẢ nhưng chưa thấu được THỰC TƯỚNG của NHÂN DUYÊN - NHÂN QUẢ, chưa thấy được mặt huyễn hóa của vạn pháp. Đó là do chưa thấu được TÂM THỂ thanh tịnh trùm khắp, là cội nguồn chân thật của mọi loài chúng sanh cũng như cảnh giới thế gian và niết bàn mà các vị đang thọ nhận. Phần sau của kinh này gọi CỘI NGUỒN ấy là TRÍ TÁNH KHÔNG, chỉ cho nhân Phật tánh mà cái quả chính là niết bàn Như Lai Tạng.

Loại CHÁNH PHÁP TRÍ thâm sâu nhất, gọi là Nhất Thiết Chủng Trí, chỉ cho trí tuệ Phật. Chính là TRÍ TÁNH KHÔNG đó thôi, nhưng bây giờ TƯỚNG và DỤNG của cái THỂ ấy đã hiển bày đầy đủ. Loại CHÁNH PHÁP TRÍ này, chư vị Bồ tát ở các địa trên đã có, nhưng không được viên mãn và đầy đủ như ở Phật. Nó là cái trí chiếu soi thẩm thấu tất cả dù là chỗ vi tế nhất.

Trong tất cả SỰ từ việc tu hành, làm lợi ích cho tha nhân, cho đến các việc trong đời sống thường nhật đây, CHÁNH PHÁP TRÍ càng thâm sâu thì trên SỰ mình càng ít lầm lẫn, việc lợi ích cho tha nhân dễ có kết quả. Như với việc tu hành, nắm được NHÂN QUẢ tức biết nhân nào quả nấy thì mình không gieo lộn nhân để trơ mắt chờ cái quả không bao giờ có. Như giáo lý của một ngoại đạo ngày xưa nói “Muốn hết tội lỗi đã gây trước đây thì phải vùi mình trong cát nóng”. Nắm được nhân quả, mình hiểu vùi mình trong cát nóng chỉ là cái nhân của phỏng da ngứa ngáy chứ tội lỗi không thể hết. Muốn hết tội lỗi, phải sám hối ở tự tâm, tức “Sám lỗi trước, chừa lỗi sau” thì tội nghiệp mới tiêu trừ. Nhân quả trước sau rất rõ ràng. Dù không biết đạo chăng nữa, mình cũng thấy được tính hợp lý và bất hợp lý trong mỗi lời nói.

Hoặc như việc tu Phật. Phật chính là cái KHÔNG thanh tịnh trùm khắp của tâm. Phật với 32 tướng tốt chỉ là sở hiện của tự tâm. Nói cách khác, Phật chính là cái tâm không sanh không diệt của chính mình. Nhưng vì không tỉnh, mình đã nhận những cái sanh diệt như buồn, vui, suy nghĩ v.v… là mình mà bỏ mất cái tâm chân thật. Vì vậy, muốn làm Phật thì việc tiên quyết là làm sao LY cho được những tâm niệm sanh diệt. Nghĩa là, cái sanh diệt ở tâm phải hết, cái không sanh diệt của tâm mới hiển bày. Nhân là vô sanh thì quả mới vô sanh. Nhân là Phật tánh thì quả mới là niết bàn Phật. Những thứ như học hỏi, kiến thức, việc phước thiện, dịch kinh, giải luận chỉ là phương tiện để mình có điều kiện làm lợi ích cho tha nhân, là phương tiện giúp mình LY dần những sanh diệt của tâm phàm phu để đi lần về cái không sanh diệt. Chỉ là nhân duyên gián tiếp giúp mình qua đò được dễ dàng, không phải là điều kiện tiên quyết cho việc làm Phật. Muốn làm Phật phải quét đi những tâm niệm sanh diệt, phải nhận cho ra TÁNH thật của những thứ đó. Thành làm việc phúc thiện nhiều bao nhiêu mà cái sanh diệt của tâm không chịu LY thì không thể thành Phật. Cũng như muốn thành A La Hán mà lấy một mớ chữ nghĩa rậm như rừng Phi châu làm nhân, còn việc thiền định lại bỏ mặc thì quả A La Hán không bao giờ với tới.

Việc làm lợi ích cho tha nhân cũng vậy. Nắm được NHÂN DUYÊN - NHÂN QUẢ, việc làm của mình sẽ có hiệu quả và ít vướng vào những chuyện không đâu. Như việc nhiếp hóa tha nhân. Nắm được Nhân Duyên, mình sẽ hiểu có duyên mới độ được người, không duyên thì đầy đủ lực dụng thần thông như Phật cũng chịu. Đức Phật không độ được bà già nhưng vị đệ tử nhỏ nhất Tăng đoàn lại độ được bà già. Huệ Minh dưới trướng Ngũ Tổ bao năm cũng chỉ là kẻ đứng ngoài cửa. Lục Tổ Huệ Năng chỉ đến nhà trù 8 tháng, đã là kẻ nắm được huyết mạch của Tổ Thầy, cũng chính là người khiến Huệ Minh sáng tâm. Có cái nhìn NHÂN DUYÊN rồi, mọi sự ở đời không có gì để thắc mắc. Đủ nhân đủ duyên thì pháp hiện hình. Không đủ nhân đủ duyên thì pháp liền không. Công hạnh của một vị Bồ tát chỉ là gieo cái nhân, giúp thêm cái duyên để hy vọng sự việc được tiến triển tốt đẹp. Chư vị không phải là yếu tố quyết định để người này được hạnh phúc hay người kia phải đau khổ. Hạnh phúc hay đau khổ còn lệ thuộc vào bản thân của chúng hữu tình đó.

Hoặc như lời nguyện của phu nhân Thắng Man “Nếu gặp những ai không nơi nương tựa, bị các thứ tối tăm ràng buộc, bịnh tật, ưu não, nguy ách thì con chẳng bao giờ bỏ rơi họ, nguyện sẽ làm cho họ được an ổn, dùng nhiều điều lợi ích khiến họ hết khổ”. Song người ta chỉ thật sự hết khổ khi và chỉ khi suy nghĩ và hành động của họ hướng thiện. “Có phước nắm gạch thành vàng. Không phước nắm vàng thành gạch”. Nắm được nhân như thế mới cho ra quả như thế thì việc làm của mình mới có đầu đuôi rõ ràng, mình mới làm tròn những điều mà mình đã nguyện. Giúp đỡ tiền bạc chỉ là phương tiện ban đầu. Chủ yếu là làm sao để người hướng thiện và làm thiện. Nếu cho việc giúp đỡ tiền bạc vật chất là việc làm rốt ráo có thể mang lại hạnh phúc lâu dài cho người thì chưa chắc. Vì sao? Vì pháp không có xấu tốt, nhưng lòng tham của con người là vô hạn nên tiền bạc vật chất trở thành con dao hai lưỡi. Không khéo, mình lại đẩy họ loanh quanh mãi trong bể khổ trầm luân túng thiếu chứ không hẳn đã “Làm cho họ được an ổn, dùng nhiều điều lợi ích khiến họ hết khổ”.

Do một tai nạn, cô gái bị chấn thương cột sống và nằm luôn một chỗ. Phường khóm giúp đỡ bằng cách cho một mảnh đất dựng tạm cái chòi để hai mẹ con có chỗ che nắng che mưa. Bà con làng xóm thì chăm sóc công không và bưng cơm đổ cứt cho cô gái thay người mẹ già. Việc đó được lan truyền, các nhà mạnh thường quân tới lui nhộn nhịp. Trong đó có người thân của tôi. Cái kết cuộc mà tôi nghe được từ người thân là “Bây giờ những kẻ tốt bụng trước kia đã thành những tay chủ thầu. Tiền của những mạnh thường quân chính là động lực khiến sự việc trở nên tồi tệ. Luôn có một người đàn ông lấp ló canh giữ để thu giữ những đồng tiền ấy. Cô gái không còn như xưa, bây giờ đã có những biểu hiện đòi hỏi, than van và những giọt nước mắt không thành thật”. Cái đáng tội ấy có lẽ là do áp lực của những người chung quanh. Tiền bạc cũng bắt đầu vơi bớt vì không ai thích lòng tốt của mình bị lợi dụng.

Kể ra đây, không phải để mình hạn chế đi sự giúp đỡ người khác mà để thấy, thương người bằng cách đó thôi chưa hẳn đã làm lợi ích thiết thực cho người. Có thực mới vực được đạo nên bố thí tài vật hay tiền bạc luôn là bước đầu cần thiết để người người có nhân duyên với nhau, nhưng nó chưa hẳn là thứ quyết định để mọi việc trở thành tốt đẹp. Đây là điều đòi hỏi mình phải có CHÁNH PHÁP TRÍ để nhìn sự việc cho đúng đắn.

Sau là nói về vấn đề DUYÊN KHỞI - KHÔNG TÁNH.

Như trên đã nói, mọi thứ ở thế gian đều do huân tập mà thành. Nghĩa là mọi thứ từ sự vật cho đến con người và luôn cả vũ trụ đây, không thứ nào có tánh. Cái mình gọi là TÁNH chẳng qua chỉ là những thứ được huân tập nhiều thành thói quen, rồi gọi cái thói quen ấy là tánh. Hoặc do một duyên nào đó pháp hiện tướng rồi mình tưởng cái tướng ấy là tánh của pháp. Nắm được cái không tánh này, mình mới dám kiên trì chuyển hóa chính mình và giúp người chuyển hóa. Việc tu hành mới không bị dở dang.

Như người hay la hét, vì la hét đã thành thói nên đụng chuyện là la hét nổi lên. Giống như người nghiện ma túy hay nghiện rượu, tới cơn là phê. Vì nó được lặp đi lặp lại trường kỳ, lại là thứ tưởng chừng như không thể bỏ, nên mình cho những thứ được huân tập ấy là TÁNH của pháp. Gọi là TÁNH vì nó mang tính không đổi.

Thật ra thứ gì cũng bỏ được, vì tất cả đều không tánh. Không tánh thì không có cái “không đổi”. Chỉ cần ý thức và có biện pháp để dừng đi thói quen, thì thói quen ấy sẽ hết. Song đã là thói quen thì cần rất nhiều thời gian để thay đổi. Không thể ngày một ngày hai mà có kết quả liền được. Nắm vững mặt không tánh cũng như tính huân tập của vạn pháp như vậy, mình mới có đủ niềm tin và nhẫn lực khi nhiếp hóa chính mình, mới bình thản với những khó khăn khi cần chuyển hóa một lối sống hay một tư tưởng của tha nhân.

Trường học, tùng lâm hoặc các trại cải tạo nhân phẩm được lập ra đều do ứng dụng cái DUYÊN KHỞI - KHÔNG TÁNH này của vạn pháp. KHÔNG TÁNH nên không có gì không thay đổi được. DUYÊN KHỞI thì cùng một nhân nhưng nếu duyên khác đi thì quả cũng sẽ khác. Dù bản tánh xấu xa bao nhiêu mà thay đổi đi các duyên chung quanh như môi trường, con người, phương cách sống v.v… thì cái quả nhận được cũng sẽ khác. Vấn đề là ở ý chí và thời gian.

Với những người không biết đạo, việc ứng dụng này là kết quả của nhiều thử nghiệm trước đó. Với người hiểu đạo, lập định mọi thứ là do nắm được mặt NHÂN DUYÊN và KHÔNG TÁNH này của vạn pháp. Dạy người tránh ác làm lành, tu hành v.v… đều là căn cứ vào tính HUÂN TẬP và KHÔNG TÁNH của vạn pháp mà lập để đời sống của người được an lạc hạnh phúc, xã hội được yên bình, thiên tai hoạn nạn đỡ xảy ra. Căn tánh của chúng sanh vô vàn sai biệt nên hóa thân và phương tiện của chư vị Bồ tát cũng có nhiều sai biệt.

Là pháp DUYÊN KHỞI nên pháp nào cũng có mặt đối đãi của nó. Có khi cùng một nội dung mà có hai hình tướng hoặc cùng một hình tướng mà có hai nội dung. Như đều là biểu hiện của VIỆC LỢI ÍCH CHÚNG SANH nhưng không phải chỉ có hình thức nhẹ nhàng mới biểu hiện được điều đó, còn la rầy thì không. Không phải chỉ có những hình thức mang lại niềm vui cho người trong hiện tại mới là làm lợi ích cho người, còn những hình thức gây đau khổ cho người không phải là làm lợi ích cho người. Ngược lại, hình tướng la rầy cũng có thể biểu hiện cho tình thương mà cũng có thể biểu hiện cho sự oán ghét. Do tính đa dạng như vậy của pháp mà ngay nơi cách nhìn của mình đối với vạn sự vạn vật, đã cần đến CHÁNH PHÁP TRÍ, huống là việc nhiếp thọ chúng sanh với vô vàn hình thức và chủng duyên sai biệt. Song sai biệt đa đạng bao nhiêu, chỉ cần có CHÁNH PHÁP TRÍ thì mọi việc liền xong. Trí phân biệt càng giảm thì CHÁNH PHÁP TRÍ càng thâm sâu. Ứng duyên liền cảm. Có cảm liền ứng. Những hình thức có khi mình thấy xấu nhưng vô tâm và sử dụng đúng duyên thì mọi thứ vẫn thành tốt đẹp.

Thiền sư Sengai một đêm đi giám thị phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt. Ông bắt gặp chiếc ghế đã giúp cậu ta leo qua tường ra ngoài. Ông cất ghế và đứng vào đó. Trở về, cậu đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Cậu hoảng sợ khi thấy mọi việc bị bại lộ. Nhưng Sengai nhỏ nhẹ bảo “Sáng sớm nay trời rất lạnh, con cẩn thận kẻo bị cảm”. Từ đó, người đệ tử không bao giờ ra đường vào ban đêm.

Ngược lại, thiền sư Ekido lại giống như một bạo chúa. Do bận tâm theo dõi một cô nàng ở cổng đền nên đệ tử ông đã đánh sai chuông báo thức lúc trời sáng. Ekido xuất hiện và phan cho cậu một gậy khiến cậu lăn quay. Cái chết của vị đệ tử chẳng khiến Ekido bận lòng, nhưng 10 vị đệ tử còn lại thì đều đắc đạo vì quá khiếp đảm.

Đây chỉ dùng tạm vài luận giải và ví dụ để ta hiểu mức quan trọng của CHÁNH PHÁP TRÍ, để hiểu vì sao phu nhân Thắng Man nguyện đời đời sanh ra chỗ nào cũng có CHÁNH PHÁP TRÍ. Còn CHÁNH PHÁP TRÍ không phải chỉ là những kiến thức lụn vụn đó. Thứ gì từ cửa vào thì không phải là của báu trong nhà. CHÁNH PHÁP TRÍ là phần trí có được do sự tu tập từ bản thân. Tâm thanh tịnh thì bản trí xuất hiện.

Biết rõ ràng và chính xác về những ưu cũng như khuyết điểm của chính mình, biết cái gì là tốt cho mình, cái gì không cần thiết với mình, biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm, cái gì nên nghe, cái gì cần giữ vững lập trường ... chính là bước đầu của cái gọi là có CHÁNH PHÁP TRÍ.

2. Giảng nói không biết mệt mỏi.

GIẢNG NÓI đây có 2 cách : Một là bằng ngôn ngữ và chữ nghĩa. Hai là bằng chính hành động và cách sống của mình. Tùy duyên mà sử dụng các phương thức ấy. Với người thích nghe thì nói. Với người thích tham khảo sách báo thì viết. Với người chỉ có hành động cụ thể mới có thể nhiếp hóa được họ thì dùng cách sống của mình để mà nhiếp hóa.

Nói KHÔNG BIẾT MỆT MỎI là nói đến khi nào hết nói được thì thôi. Kiếp này hết duyên chưa kịp nói thì sang kiếp sau nói tiếp. Cứ có miệng là có nói, có tay là có viết. Nói đến khi nào thiên hạ chịu hướng thiện và làm thiện. Hướng thiện làm thiện rồi nói tiếp cho đến khi thiên hạ thành Phật. Nói không biết mệt mỏi, nói không có thời hạn … nhưng đúng lúc, đúng thời, đúng duyên và vừa đủ. Người muốn nghe mà mình nói, là nhân duyên quá tốt. Nhưng người không muốn nghe mà đúng lúc cần nói thì cũng cứ nói. Tổ Ấn Quang, tông Tịnh Độ nói “Phàm người đáng nói thì dù cho đối nghịch với ta cũng phải vì người mà nói, khiến người gặp được điều lành, tránh xa điều dữ, lìa khổ được lạc”.

GIẢNG NÓI không phải vì nhiều chuyện, không phải vì tịnh không được, mà nói để mong được chút lợi ích nào đó cho mọi người, nên việc GIẢNG NÓI KHÔNG BIẾT MỆT MỎI đây chỉ được thực hiện sau khi đã có chánh pháp trí. Vì phải có chánh pháp trí thì lời nói của mình mới “không bạ đâu nói đó”. Nói theo kiểu “Cúng quýt sẽ làm cho người chết không siêu thoát được” hay “Phật tánh biết đi” là nói mà không có chánh pháp trí. Dạy người lầm nhân lộn quả như thế là dạy người trực chỉ 3 đường dữ. Mình thê thảm mà người cũng thê thảm theo. Nói chung, chưa có chánh pháp trí thì im lặng khi nào cũng là vàng.

3. Chẳng tiếc thân mạng để nhiếp thọ chánh pháp.

Lời nguyện thứ 3 là dù phải hy sinh thân mạng này để nhiếp thọ chánh pháp thì cũng phải hy sinh. Như đã nói, CHÁNH PHÁP là chỉ cho Đại thừa. Chính xác hơn là chỉ cho ông Phật của chính mình. NHIẾP THỌ là nhận lãnh, giữ gìn. Sống được với tâm Phật ấy chính là NHIẾP THỌ CHÁNH PHÁP. Muốn sống được với tâm Phật rộng lớn của mình thì phải buông đi cái tôi vị kỷ nhỏ hẹp. Không coi trọng thân bên ngoài thì cái tinh túy bên trong mới phát ra được. Nhưng… không coi trọng và giữ thân để có phương tiện tu hành là 2 thứ hoàn toàn khác nhau.

Hồi mới đến với đạo, tuy đã hành thiền nhưng cái tật hay soi gương thì tôi không bỏ. Rất thích soi gương dù thân tướng không có gì đẹp đẽ. Một đêm, đang mơ mơ màng màng thì tôi nghe có người nói bên tai: “Thân đó mà không để nó lụi tàn đi thì cái tinh túy bên trong không bao giờ phát được”. Suốt ngày cứ soi tới soi lui như thế là do mình yêu thích cái thân. Tu mà còn thích thân thì gặp khó sẽ nản, thấy bịnh sẽ lùi. Song không có tâm dám bỏ thân trên bồ đoàn thì cái tinh ba của chính mình không bao giờ hiển lộ. Vì thế, muốn nhiếp thọ chánh pháp thì đừng tiếc thân mạng.

Tâm Phật đã hiển bày thì trí tuệ và từ bi phải xuất hiện. “Nguyện hóa độ chúng sanh đến tận vi lai chẳng sót một ai khiến họ đều được vô dư niết bàn” là việc mà một vị Bồ tát phải làm để hoàn thành con đường Phật đạo của mình, để trí tuệ được viên mãn. Chánh pháp là thứ đi ngược lại với tánh dục của chúng sanh, nhiếp hóa họ về vô dư niết bàn không phải là việc làm trong một sớm một chiều, không phải là việc làm dễ dàng hay vui sướng. Rất nhiều chướng ngại và gian nan. Tiếc thân mạng thì thấy khó sẽ bỏ, thấy chướng đành buông v.v… Vì thế, muốn nhiếp hóa chúng sanh thì không thể coi trọng thân này. Không trọng thân thì mới dám nói và dám làm.

Xưa đại sư Trí Khải nghe kinh Lăng Nghiêm là một bí truyền rất quí ở Ấn Độ, nên sớm chiều Sư xoay mặt về hướng tây thành lễ bái, nguyện kinh sớm được truyền bá đến nước Sư. Hơn 100 năm sau, có Sa môn Bát Thích Mật Đế mang kinh đến. Nhưng vì lệnh cấm ở Ấn Độ quá nghiêm ngặt, nên muốn mang kinh đến, Bát Thích Mật Đế đã phải xẻ thịt bắp đùi nhét kinh bằng lụa mỏng vào rồi băng lại, vượt biển mà đến đất Huệ Thành.

Kinh luận là phương tiện lưu truyền của chư Phật, là thứ giúp chúng sanh nghĩ thiện và làm thiện, cũng là thứ dùng để ấn chứng cho việc tu hành. Lưu truyền kinh rộng rãi là tạo cơ hội để người hết khổ và có phương tiện nhập đạo. Nếu ngài Bát Thích Mật Đế quí thân mạng thì kinh không có điều kiện để lưu truyền rộng rãi, việc lợi ích tha nhân bị hạn chế. Vì thế, muốn nhiếp thọ chánh pháp thì không thể lẫn tiếc thân mạng.

Thế Tôn nghe lời nguyện ấy xong, bèn nói với phu nhân “Như tất cả sắc đều nằm trong không giới. Cũng vậy, các nguyện nhiều như cát sông Hằng của chư Bồ tát đều nằm trong nguyện này. 3 nguyện này là chân thật quảng đại”.

Đây là lời ấn chứng của Thế Tôn, xác định chỉ cần phát 3 đại nguyện này là đủ tất cả các đại nguyện khác. Nói CHÂN THẬT vì với 3 đại nguyện ấy, Bồ tát sẽ đạt được chỗ cứu cánh viên mãn. Nói QUẢNG ĐẠI vì nó rộng lớn và bao trùm tất cả.

Mục Lục