Những Cánh Hoa Đàm (Tập 2)
Những Cánh Hoa Đàm (tt9)
HỎI: Trong kinh Kim Cang, Phật nói: "Nếu nói Như Lai nói pháp tức là phỉ báng Phật, không thể hiểu nghĩa ta đã nói". Thầy giảng đức Phật có ngũ nhãn, dùng thiên nhãn thấy trong bát nước có vô số vi trùng, nhìn những ngôi sao biết đó là những thế giới nên Ngài nói hằng hà sa thế giới. Phật nói là thấy từ lẽ thật mới nói ra, muôn đời là thực, không ai chối cãi được. Luận cũng nói lời Phật nói cả ba thời đều chân thật không hư dối. Con chưa hiểu rõ hai ý này. Xin Hòa thượng chỉ dạy. ĐÁP: Lời Phật nói là lời chân thật. Tại sao dám xác định đó là lời chân thật? - Vì Phật tu tâm thanh tịnh, trí tuệ sáng thấy sự việc rõ ràng, không nghi ngờ Ngài mới nói ra. Nghe lời Phật dạy, hằng ngày chúng ta tư duy nghiệm lại mọi sự việc chung quanh, chúng ta thấy nó diễn biến đúng như lời Phật dạy. Thí dụ Phật nói các pháp là vô thường. Nhìn sự vật chúng ta thấy nó sanh diệt đổi thay không dừng, không có vật nào cố định hằng hữu, trước sau như một. Rõ ràng các pháp là vô thường. Phật nói các pháp do duyên sanh. Nhìn cái nhà đang xây cất, chúng ta thấy thợ dùng đá, cát, xi măng, sắt, gạch v.v... xây thành cái nhà. Rõ ràng cái nhà do các duyên vừa kể mà thành, chớ không tự có. Đó là lẽ thật do Phật thấy biết nói ra được ghi thành tạng kinh. Nhưng kinh Kim Cang lại nói: Nếu nói Phật nói pháp là phỉ báng Phật. Vì vậy mà Phật tử này thắc mắc. Đây tôi giảng trạch cho quí vị hiểu. Tinh thần kinh Kim Cang là tinh thần phá chấp, nghĩa là Phật dạy tu mà không dính mắc một pháp nào. Phá chấp mà Phật nói lời nói của ta là chân lý, thì đó là dạy người ta chấp rồi, cho nên Phật dạy tất cả tướng từ thân tứ đại cho đến tất cả các pháp, không có một pháp nào thật kể cả lời nói của Phật cũng không thật luôn. Vì nếu chấp lời nói của Phật là kẹt trên ngôn ngữ rồi. Còn nếu nghe Phật nói những lời đó không thật, mình tin có được không? Chỗ này phải hiểu cho rõ! Ví dụ, như đêm mồng ba mồng bốn có trăng non lưỡi liềm, người mắt tỏ nhìn thấy, người mắt mờ nhìn không thấy. Người mắt tỏ lấy tay chỉ về hướng có trăng lưỡi liềm, người mắt mờ nhìn theo ngón tay, cố nhướng mắt lên và thấy được trăng. Vậy ngón tay chỉ đó có phải mặt trăng không? - Không. Nếu không có ngón tay chỉ thì có thấy mặt trăng không? - Không. Nếu chưa thấy mặt trăng mà bỏ ngón tay chỉ được không? Thấy mặt trăng rồi mà chấp ngón tay là mặt trăng được không? - Không. Lời Phật nói dụ cho ngón tay chỉ mặt trăng chớ không phải mặt trăng. Cũng vậy, chân lý không phải nhờ ngôn ngữ mới thấy chân lý.
ĐÁP: Câu hỏi này rất hợp lý, bởi vì hai chỗ dạy: Phàm phu không rõ tự tánh, không biết tự tâm tịnh độ, nguyện đông nguyện tây, người ở chỗ nào cũng vậy. Kinh Di Đà dạy niệm Phật về Cực lạc có cõi thanh tịnh, còn Lục Tổ thì nói tánh mình thanh tịnh, trở về tự tánh thì đủ hết, khỏi nguyện đi đâu xa. Hai ý đó mới nghe dường như mâu thuẫn, vì chúng ta không thông phương tiện của Phật, Tổ. Phật, Tổ khi giảng kinh thuyết pháp là tùy theo căn cơ của chúng sanh. Đối với những người không có khả năng ngộ được tự tánh thì đức Phật dạy niệm Phật, Ngài diễn tả cảnh Cực lạc đẹp lắm, về đó tất cả đều như ý cho mình ham thích mà cố gắng niệm. Nhưng cái trọng tâm Phật dạy là niệm đến chỗ nhất tâm bất loạn ít nhất là một ngày mà nhất tâm bất loạn là trở về tự tánh rồi. Phật diễn tả cõi Tây phương Cực lạc là phương tiện dẫn dụ người căn cơ yếu cho họ tiến tu. Còn Tổ nói tâm mình tịnh thì cõi nước đó tịnh, mà tâm mình thanh tịnh thì sanh đâu cũng thanh tịnh, đó là Cực lạc rồi. Như vậy hai bên trọng tâm không khác, nhưng phương tiện có khác.
ĐÁP: Tôi lấy ví dụ trong chùa cho dễ hiểu. Thí dụ, có ông thầy tu ở Thường Chiếu, tu được năm mười năm tích công bồi đức cũng khá, nhưng hôm nào đó, thầy trụ trì hay thầy tri sự rầy la ổng một trận, ổng nổi sân lên, bỏ chùa hoàn tục, trả y áo lại trở về nhà thì công đức còn không? Bao nhiêu công đức bồi đắp lâu nay tiêu tan hết. Và một thí dụ ngoài đời. Có một Phật tử làm việc từ thiện được nhiều người mến thương. Một hôm, trong ban tổ chức từ thiện có người làm phật ý, Phật tử này nổi sân nói năng thô lỗ làm mích lòng mọi người rồi bỏ không đi làm từ thiện nữa. Bao nhiêu công đức vun bồi lâu nay tiêu tan hết. Sân giận là tai họa lớn làm tan hoang hết mọi công đức lành, nên Phật dạy tu phải dè dặt đừng để sân giận nổi lên.
ĐÁP: Chỗ này tôi xin giải thích rõ. Quí vị có biết chư Tổ hướng về cái gì để dạy chúng ta không? - Hướng về tâm. Tâm là cái thân thiết nhất, cụ thể nhất mà mình quên, tất cả những việc bố thí làm lợi ích cho mọi người, về mặt hình thức thì được phước, bảo đảm được phước một trăm phần trăm, nhưng mà phước đó nằm trong sanh diệt. Vì hình tướng sanh diệt nên nó không quý, không quan trọng bằng cái tâm chân thật bất sanh bất diệt có sẵn nơi mình. Tất cả những hành động bên ngoài như tu khổ hạnh, bố thí của cải v.v... cũng chỉ là cái phước, mà phước là cái tùy theo thời biến đổi vô thường, còn cái tâm chân thật thì không vô thường, không biến đổi. Cho nên Tổ nhắm vào cái chân thật mà nói, hướng chúng ta trở về cái chân thật. Còn Phật tu hạnh Bồ-tát đủ tất cả công đức để viên mãn đạo hạnh và Ngài thành Phật. Vì vậy nên Tổ ngộ được tâm chớ chưa thành Phật, còn Phật thì vừa ngộ được tâm, vừa làm được lợi ích cho tất cả nên gọi Ngài là tự giác giác tha viên mãn. Chỗ khác nhau giữa Phật và Tổ là một bên thì đủ hết các hạnh rộng rãi để cho mọi người hành theo, còn một bên là thuộc về chuyên môn.
ĐÁP: Tín là tin, vị trí đó chỉ có ở lòng tin chớ chưa đạt đến trí tuệ viên mãn, cho nên gọi là tín vị. Còn nhân vị là chỉ chỗ mình đạt được, mình đến được nên gọi là nhân vị. Tín vị là mới đủ lòng tin đối với cảnh thấy được, mà cảnh là còn ở bên ngoài, vì còn bên ngoài nên thuộc lòng tin. Khi nào đến cái thực là cái của chính mình thì gọi là nhân vị. Phần đoạn sanh tử là chết từng phần từng đoạn, vì nó sanh từng phần từng đoạn nên nó chết từng phần từng đoạn. Trong kinh nói nếu hàng Nhị thừa chưa chứng quả A-la-hán thì còn tái sanh tức còn phần đoạn sanh tử, còn Bồ-tát đang hành đạo thì Bồ-tát vẫn mang thân phần đoạn sanh tử để làm đủ công hạnh Bồ-tát của mình cho đến khi nào chứng Phật quả mới hết phần đoạn sanh tử. Còn hai bên phàm phu và Thanh văn, Bồ-tát thân phần đoạn sanh tử khác nhau chỗ nào? - Khác nhau ở chỗ phàm phu mang thân này do nghiệp dẫn, Bồ-tát cũng mang thân nhưng Bồ-tát do nguyện lực dẫn, còn Thanh văn nhờ đã đủ lòng tin nên sanh ra để tiến tu thêm. Tức là tu từ Tu-đà-hoàn đến quả A-la-hán. Trong thời gian tu chưa viên mãn thì tái sanh để tiếp tục tu thêm chớ không thối chuyển nên không phải do nghiệp dẫn như chúng ta.
1. Y bát từ Tổ A-nan truyền trao đến sau này có phải là y bát của tổ Ca Diếp không? Sau khi truyền y bát cho ngài A-nan thì tổ Ca Diếp vào núi Kê Túc nhập định chờ đến khi đức Phật Di Lặc ra đời mới xả định để giao y bát của đức Phật Thích Ca. Bạch Thầy có phải vậy chăng? Nếu tổ Ca Diếp tịch thì sao không thấy đệ tử thờ nhục thân Ngài như Lục Tổ Huệ Năng? 2. Trong thời Tổ thứ mười lăm là ngài Ca-na-đề-bà, có một vị Tỳ-kheo luân hồi thành cây nấm để trả nợ cho một vị thí chủ. Con chỉ hiểu luân hồi trong lục đạo là hữu tình chúng sanh có Phật tánh. Vậy vô tình chúng sanh cũng có Phật tánh nữa sao? ĐÁP: 1. Đây là cái nghi của người nghiên cứu kinh, hỏi y bát sau này chư Tổ truyền trao từ ngài A-nan có phải của tổ Ca Diếp chăng? - Chỗ này cũng có nhiều người nghi, bởi vì tổ Ca Diếp được Phật dạy giữ y bát đợi đức Di Lặc ra đời truyền lại, như vậy y bát ngài A-nan nhận đó có phải của tổ Ca Diếp không? Trong kinh có lời di chúc của Phật nhưng có chỗ nói ngài Ca Diếp tịch chớ không nói Ngài nhập định ở núi Kê Túc chờ. Hiện tại, chúng ta không có bằng chứng nào cụ thể để khẳng định tổ Ca Diếp đang ngồi chờ đức Phật Di Lặc ra đời để trao y bát. Trong sử chư Tổ thì nói tổ Ca Diếp truyền y bát lại cho tổ A-nan. Phật tử này lại còn nghi nếu tổ Ca Diếp tịch thì được người sau thờ nhục thân như nhục thân của tổ Huệ Năng, tại sao không thấy? Điều này chúng ta chỉ thấy ghi trong kinh thôi, chớ các Tổ ở Ấn Độ tịch rồi phần nhiều thiêu chớ không để xác, cho nên nhục thân để thờ không có. 2. Trong đời Tổ thứ mười lăm ngài Ca-na-đề-bà, có một Tỳ-kheo luân hồi tái sanh thành cây nấm để trả nợ cho thí chủ. Vị Tỳ-kheo này tu hành tương đối cũng tốt nhưng ông thọ của thí chủ nhiều mà tu không sáng đạo, đến chừng ông tịch, ông mọc thành cây nấm cho vị thí chủ kia ăn, đến khi vị thí chủ đó chết thì nấm không mọc nữa vì đã trả hết nợ rồi. Vị Tỳ-kheo này nợ thí chủ nhưng có tu hành đàng hoàng, trong nhà Phật gọi đó là hoa báo chớ không phải quả báo. Hoa báo là quả báo tạm trong thời gian ngắn chớ không phải làm loài này loài kia cho tới mãn kiếp. Trong kinh cũng thường nói tất cả chúng sanh hữu tình thì có Phật tánh nhưng có chỗ nói "tình dữ vô tình tề thành Phật đạo". Tức là hữu tình vô tình đều có Phật tánh hết. Phật tánh tức là cái biết. Vậy chúng ta thấy cây cỏ nó có biết không? - Có chứ, nếu không thì làm sao nó kiếm chỗ có phân có nước nó hút, chỗ nào rập che nó tránh và kiếm chỗ qua. chứng tỏ loài vô tình có biết nhưng cái biết rất sơ sài, cái biết đó là hình ảnh chúng ta thấy nó cũng có tâm tánh chớ chẳng phải không? Nhưng vì quá sơ sài nên tưởng như không biết.
ĐÁP: Nếu chiếu tận gốc thì vô minh hết, chưa tận gốc thì còn, cũng như đốn cây chặt phần trên của cây thì tàng cây ngã mà gốc chưa sạch. Vô minh cũng vậy, gốc vô minh là vi tế vô minh, phải cho sạch chỗ đó mới hết được.
ĐÁP: Câu hỏi này có ba ý: Ý thứ nhất: Phật tử tại gia tu hành có đạt đạo như người xuất gia không? Đây tôi trả lời hai mặt: Đứng về mặt giáo lý nguyên thủy mà nói thì người tại gia tu hành không chứng A-la-hán, chỉ chứng được đến quả A-na-hàm thôi. Còn đứng về mặt giáo lý Đại thừa hay Thiền tông thì tại gia hay xuất gia, nếu kiến tánh thì đạt đạo chứ không nhất thiết phải là người xuất gia. Ý thứ hai: Phật tử tại gia hay xuất gia đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì là con Phật, phải nguyện thành Phật chớ không nguyện thành cái gì khác. Còn cư sĩ cũng phát nguyện thành Phật, nhưng tu chậm, muộn hơn người xuất gia. Hướng về Phật là đích nhắm cuối cùng của người xuất gia lẫn cư sĩ. Ý thứ ba: Xin cho lời khuyên để vững niềm tin đầy nghị lực mà hành trì theo bản tâm. Tôi chưa biết bệnh thì làm sao cho thuốc, cho thuốc phỏng chừng e không trúng bệnh, nên tôi khuyên chung thôi. Tôi nghĩ quí Phật tử cũng có duyên lành khá sâu rồi, nên sớm thức tỉnh về nương Phật pháp mà tu hành. Biết thân này là cái không thể giữ được, tức là phải chết, mà chết rồi có hết hay không? - Lúc đó theo nghiệp dẫn mà sinh nơi này nơi nọ. Đời người chỉ có mấy mươi năm thôi, còn thời gian chuyển kiếp dài lê thê không biết bao lâu. Nếu chúng ta chỉ biết lo cho mấy chục năm sống mà không lo cho thời gian dài kia là không sáng suốt. Tôi khuyên quí Phật tử biết tu nên nghĩ tới ngày mai mình phải tiến như thế nào chớ không dừng lại tại đây. Sống thì lo đã đành rồi, nhưng phải nhớ cái sống ngắn ngủi lắm, còn chuỗi thời gian dài kia chúng ta phải lo làm sao cho được sáng sủa. Tu là tạo cho mình điều kiện tốt để tâm hồn thanh thản, trí huệ sáng suốt. Biết rõ con đường đi của mình, đó là cái thiết yếu mà quí Phật tử phải thực hiện.
ĐÁP: Ông Ngọa Luân nói: " Đối cảnh tâm không khởi, Bồ-đề càng tăng trưởng" hay quá mà sao Lục Tổ lại nói: "Đối cảnh tâm thường khởi, Bồ-đề không tăng trưởng"? - Nếu chúng ta không hiểu ý Tổ thì cho rằng Lục Tổ thua ông Ngọa Luân. Nếu hiểu ý Tổ thì không chê! Quí vị còn nhớ Tổ dạy ba mươi sáu pháp đối không? Ngài dạy: Người ta nói sáng thì lấy tối mà đáp, người ta hỏi trắng thì lấy đen mà đáp v.v... Cho người thấy tất cả pháp đối đãi là không thật, lấy cái này đáp cái kia để biết cả hai đều không thật. Ở đây Tổ lấy cái "thường khởi" đáp lại cái "không khởi" để chỉ cho ông Ngọa Luân thấy cái "không khởi" cũng là cái không thiệt. Còn thấy có thấy không đều là chưa đạt được lý đạo, cho nên lấy cái có mà đáp cái không để phá cái chấp "có, không". Ông Ngọa Luân nói Bồ-đề thường tăng trưởng thì Ngài nói Bồ-đề không tăng trưởng, đó cũng là một vấn đề đối đãi để phá chấp. Vì thường tăng trưởng là có tăng trưởng, Tổ nói không tăng trưởng để phá cái có tăng trưởng, nhưng chỗ này sâu hơn. Tăng Ni và Phật tử thường chúc nhau: Bồ-đề tâm tăng trưởng. Nhưng Lục Tổ thì nói: Bồ-đề không tăng trưởng. Nếu Bồ-đề tăng trưởng thì Bồ-đề sanh diệt, mà sanh diệt thì chưa thật sự giác. Mới nghe qua thấy như đúng, nhưng mà sai! Vì chúng ta nói theo đối đãi. Tâm thể thanh tịnh sáng suốt là Bồ-đề, mà Bồ-đề thì bất sanh bất diệt. Bất sanh bất diệt thì làm gì có tăng trưởng? Chẳng qua chúng ta chúc tụng nhau là chúc trên ngôn ngữ do trí hữu sư hằng ngày học được từ thầy bạn sách vở mà tăng trưởng dần. Còn vô sư trí thì sẵn có, không tăng không giảm, Tổ chỉ thẳng trí vô sư là thể bất sanh bất diệt, cho nên Ngài nói không tăng trưởng. Ngọa Luân thấy chưa tới nguồn gốc nên nói tăng trưởng. Cũng như chúng ta chưa thấu suốt nguồn gốc cho nên chúc nhau Bồ-đề tâm tăng trưởng hoài!
ĐÁP: Phật tử này quên ý nghĩa chữ ngã trong đạo Phật. Nó không phải là cái biết mà chúng ta thường biết. Theo Phật tử này không chấp ngã là không thấy, không biết, không nghe v.v... vì có thấy, biết... là có ta hiện diện. Phật tử này hiểu vô ngã sai rồi. Vô ngã là chỉ cho thân tâm này do tứ đại, ngũ uẩn hợp thành, nó không có chủ thể chỉ do duyên kết hợp tạm có. Vì do duyên kết hợp nên gọi là vô ngã, chớ không phải không có cái biết. Cái biết đó nó không phải là ta như mọi người tưởng. Người đời hay nghĩ nơi mình có cái linh hồn làm chủ, khi chết rồi cái linh hồn đó tiếp tục làm chủ đời sau v.v... Như vậy gọi là chấp ngã. Nếu quan niệm linh hồn cố định đời này thế nào đời sau thế ấy, không đổi thay thì tu làm chi? Sở dĩ tu là biết cái đó nó đổi thay nên tu để chuyển xấu thành tốt. Cái tâm xấu tốt, thiện ác, phải quấy v.v... đó trong nhà Phật gọi là tâm thức, cho nên tu để gạn lọc cái nào nên giữ, cái nào nên bỏ để hoàn thành tốt. Phật tử này hiểu cái Ta là thân này, tâm này không có chủ thể đó là đứng về mặt tương đối. Khi tu tới chỗ cứu kính tuyệt đối thì bản thể hằng hiện hữu không có hình tướng. Thân này có hình tướng, tâm dấy khởi cũng có hình tướng, hai cái đó đều là vô ngã tức là không có chủ thể, vì nó do nhiều thứ hợp lại. Thân này nói đơn giản là do đất, nước, gió, lửa hợp lại. Vậy cái nào là chủ? Còn tâm dấy khởi cũng cả trăm ngàn thứ buồn vui thương ghét v.v... cái nào là chủ? Không cái nào là chủ nên gọi là vô ngã. Chúng ta tu, không chấp ngã về thân, không chấp ngã về tâm, buông xả không dính mắc tất cả, chừng đó chủ thể chân thật hiện ra. Không chấp ngã là không chấp thân tứ đại này, không chấp cái tâm buồn vui giận ghét v.v... là ngã. Chớ không phải không chấp ngã là không có cái thấy, cái nghe, cái biết.
ĐÁP: Phật tử này đọc kinh Bát-nhã, kinh Kim Cang thấy nói kinh này là mẹ của chư Phật không hiểu nên hỏi. Quí vị có biết ai nói kinh Bát-nhã không? - Dạ Phật nói. Phật nói kinh Bát-nhã sao lại nói Bát-nhã là mẹ của chư Phật? - Quí vị chú ý trả lời câu tôi hỏi: Đức Phật dạy các pháp là vô thường. Vậy khi đức Phật nói kinh rồi các pháp mới vô thường hay trước khi Phật nói kinh các pháp vẫn vô thường? - Các pháp đã có từ thủy chí chung. Thái tử Tất-đạt-đa ra đời tu giác ngộ thành Phật thấy rõ các pháp là vô thường, cho nên Ngài nói các pháp là vô thường. Mà các pháp vô thường đã có trước Phật, Phật nhờ giác ngộ mà thấy rõ được lý vô thường. Như vậy có phải pháp vô thường có trước (là mẹ) Phật không? - Dạ phải. Cũng vậy, Bát-nhã là trí tuệ, trí tuệ thấy các pháp duyên hợp không thật, mà các pháp duyên hợp không thật đó đã có trước khi Phật nói, chớ đâu phải đợi Phật nói các pháp mới thành duyên hợp nên nói Bát-nhã là mẹ ba đời chư Phật là vậy. Từ trí đó mà Phật giác ngộ cho nên nói là mẹ Phật, cũng như nhờ mẹ mình mà có mình vậy.
ĐÁP: Câu này do ngài Quy Sơn Linh Hựu dẫn. Thực tế lý địa là cái chỗ chân thật, lý chân thật đó không dính một mảy bụi. Đó là chỗ mà Lục Tổ nói: "Bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai" (Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi bặm). Vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp là trong muôn hạnh không bỏ một cái gì hết. Nghĩa là chỗ cứu kính thì không dính một mảy bụi, nhưng trên phương tiện tùy duyên ứng dụng giáo hóa chúng sanh không bỏ một pháp nào cả. Tôi nói thí dụ trên cái thể chân thật thì không nói thiện ác, không có khổ không có vui, nhưng trên phương tiện có thiện có ác không, có khổ có vui không? - Có. Trên phương tiện đối đãi thì có khổ có vui, do đó thấy ai khổ mình giúp. Có tốt có xấu, xấu thì bỏ, tốt thì phát huy thêm. Cho nên đừng chấp lý mà bỏ sự ("thực tế lý địa" là lý, "vạn hạnh môn trung" là sự). Có nhiều người tu nghe lý đạo cao siêu hay quá, nghĩ thiện ác đều không có, không thật rồi cứ ăn chơi không làm gì hết. Hiểu như thế là sai. Quí Phật tử phải hiểu rõ ý câu này là dạy chúng ta đừng chấp lý bỏ sự và cũng đừng chấp sự bỏ lý, lý sự phải viên dung, hiểu lý mà hành sự.
ĐÁP: Câu hỏi này đa số Phật tử thắc mắc, tôi xin giải thích cho quí vị hiểu. Tha lực nó tùy thuộc vào tự lực chớ không có tha lực trọn vẹn. Ví dụ quí Phật tử tới nghe giảng rồi hiểu đạo, như vậy là tôi cho quí Phật tử hiểu hay là quí Phật tử tự hiểu? - Hòa thượng cho không được. Ở đây hai trăm người mà có người hiểu cạn, có người hiểu sâu? Vậy sự hiểu biết là do quí Phật tử. Nếu vị nào chú ý nghe thì hiểu rõ, không chú ý thì không hiểu, tôi không cho quí vị được. Hiểu biết là tự lực, nhưng nhờ tha lực mà hiểu. Cho nên Phật dạy thắp đuốc lên mà đi, nhưng phải thắp lên bằng chánh pháp. Chánh pháp là ngọn đuốc của Phật còn truyền lại, bây giờ phải phát huy trí tuệ của mình để mồi cho cây đuốc của mình sáng, nhờ mồi đuốc Phật mà sáng. Như vậy tự lực không rời tha lực. Trường hợp bà Thanh Đề, quí vị phải hiểu: Khởi niệm ác thì hiện cảnh khổ, khởi niệm thiện thì sanh cõi lành. Bà đói, nhận được bát cơm mà không dùng được, thấy bát cơm bốc lửa cháy là vì bà khởi niệm tham lam bỏn xẻn lấy tay che sợ quỷ đói khác cướp lấy bát cơm của bà. Quí vị nhớ, chư tăng mà ngài Mục Kiền Liên thỉnh tụng kinh cầu nguyện là những vị đã chứng A-la-hán, đức hạnh đạo lực cao. Các Ngài tụng bà nghe cảm được và nhận ra cái tâm xấu ác của mình là tội lỗi, bà phát tâm lành liền sanh cõi lành. Như vậy tự lực là do bà chuyển tâm, nhưng nhờ ở tha lực của chư tăng mà chuyển, hiểu được chỗ này quí Phật tử mới hết thắc mắc.
ĐÁP: Điều này thì thật là khó, bởi vì Bồ-tát thị hiện thì không ai biết mà khi biết thì Bồ-tát đi mất. Do đó các Ngài thị hiện mình không biết là Bồ-tát, mình chưa có tha tâm thông, thiên nhãn thông làm sao biết người đó là phàm hay Thánh, thôi mình kính các Ngài cho khỏi tội. Tôi thường hay kể ngài Hàn Sơn, Thập Đắc. Khi người đời phát giác các Ngài là Bồ-tát thì các Ngài chạy mất. Các Ngài không cho biết mình là Bồ-tát, vì các Ngài muốn đi trong cõi trần tục để thử tâm niệm của chúng sanh, lòng thiện lòng ác của họ thế nào để tùy cách cứu độ. Nếu biết các Ngài là Bồ-tát ai ai cũng bái lạy thì sao thấy bệnh của họ mà cứu. Cho nên ai mà tự xưng là Bồ-tát thì chưa phải Bồ-tát, quí Phật tử phải kinh nghiệm kỹ. Một vị tăng, một cư sĩ nào tự nhận là Bồ-tát thì xá mà tránh xa, đó là giả hiệu. Còn ai tu hành mà phá trai phạm giới, đó là việc của người ta, chúng ta không phê phán chỉ trích mà phải lo phần mình, cứ lo bàn việc thiên hạ, lỗi của mình y nguyên, không sửa đổi không tiến chút nào lại thêm tội lỗi. Mục Lục
|