Những Cánh Hoa Đàm (Tập 2)
Những Cánh Hoa Đàm (tt7)
HỎI: Kính bạch Hòa thượng, con năm nay sáu mươi tuổi, hồi năm ba, bốn tuổi mỗi ngày mẹ con cho con ăn một con chim bồ câu. Vậy con có mắc tội sát sanh không? Khi lớn gia đình con chuyên nấu rượu nuôi heo, con phải làm việc đó từ năm mười lăm đến mười tám tuổi rồi lập gia đình. Khi vào Nam con không làm việc đó nữa, ở nhà buôn bán nuôi cha mẹ. Đến năm mươi bảy tuổi con thọ giới Bồ tát. Mỗi tháng đi thọ bát quan trai giới bốn lần. Vậy khi con chết được về cõi nào? Xin Hòa thượng chỉ dạy cho con được biết. ĐÁP: Trường hợp Phật tử này tôi xin trả lời: Trong kinh Phật dạy có hai thứ nghiệp là tích lũy nghiệp và cận tử nghiệp, đó là tôi nói đơn giản. Tích lũy nghiệp là nghiệp dồn chứa nhiều năm, nhiều tháng, nhiều đời. Còn cận tử nghiệp là khi gần chết mà nghĩ nói làm thiện hay nghĩ nói làm ác. Như vậy cận tử nghiệp là dồn chứa rất nhiều đời. Nếu hồi nhỏ mình làm những điều không tốt đó là tạo nghiệp ác, khi lớn lên biết tu tạo nghiệp thiện, nếu nghiệp thiện được tiếp tục mãi cho đến khi nhắm mắt thì chắc chắn được đi đường lành, vì sức mạnh của cận tử nghiệp dẫn đi chỗ tốt. Nói vậy không có nghĩa là hết tích lũy nghiệp. Tuy tái sanh chỗ tốt được làm người, nhưng vì hồi xưa đã ăn thịt giết hại sinh vật nhiều, nay làm người cứ bệnh hoạn hoài. Đó là do nghiệp tích lũy không tốt. Nghĩa là tuy được đến cõi lành mà nợ trước vẫn phải trả, trả cách nhẹ hơn là hay đau yếu thay vì bị giết hại. Hiểu như vậy rồi phải ráng tu, làm phước, phóng sanh cho nghiệp được tiêu mòn.
ĐÁP: Ở đây tôi xin giải thích đạo Bà la môn và giai cấp Bà la môn không phải hai mà cũng không phải một. Đạo Bà la môn thờ Phạm Thiên, dạy tu để trở về với Phạm Thiên. Người Ấn Độ thời bấy giờ chia làm bốn giai cấp mà giai cấp đầu là giai cấp Bà la môn, người trong giai cấp này được quyền cúng tế các buổi lễ lớn, là cúng tế Phạm Thiên. Như vậy đạo Bà la môn và giai cấp Bà la môn không phải hai. Giai cấp Bà la môn là giai cấp đứng đầu trong xã hội do chủ trương của bộ kinh Ma Nu. Kinh này cho rằng giai cấp Bà la môn sanh từ đảnh của Phạm Thiên, những giai cấp khác sanh từ miệng, bụng, chân rồi chia thành bốn giai cấp. Do đó giai cấp Bà la môn trên hết, là thượng đẳng của xã hội Ấn Độ. Nếu đứng về mặt giai cấp mà nói thì giai cấp Bà la môn là giai cấp cao trong xã hội Ấn Độ, còn đạo Bà la môn là đạo chung của toàn dân Ấn Độ. Lúc chưa có đạo Phật thì đạo Bà la môn là quốc giáo nên thấy đạo Bà la môn và giai cấp Bà la môn dường như là hai.
ĐÁP: Thế nào là tạp nghiệp? Vừa rồi có một Phật tử kể thuở nhỏ ăn chim bồ câu, về già biết tu, thọ giới Bồ tát tại gia, nghiệp của Phật tử này trước ác, sau thiện, hoặc có người trước thiện sau ác lẫn lộn không nhất định. Cho nên được thân tổng báo cũng không nhất định. Có người hồi trẻ sung sướng, tiền dư bạc thừa, đến già thì nghèo đói khốn khổ. Ngược lại có người hồi nhỏ nghèo cháy da tới lớn khá giả giàu có. Đó là tạp báo tức là quả báo lẫn lộn có tốt có xấu không nhất định. Tạp sanh tức là sanh lẫn lộn trong lục đạo, khi sanh chỗ này, khi sanh chỗ kia, khi làm người, khi làm thú v.v... không cố định chỗ nào gọi là tạp sanh. Sao gọi là tạp thọ? Trong cuộc sống có khi cảm thọ vui, có khi cảm thọ khổ, lẫn lộn không nhất định nên gọi là tạp thọ. Đó là nói nghiệp báo đời trước đời sau liên hệ lẫn lộn nhau.
ĐÁP: Trong trường hợp chứng quả Tu đà hoàn, A na hàm... sau khi nghe Phật thuyết pháp và đốn ngộ của Thiền tông có khác nhau. Vì chứng Tu đà hoàn là còn sanh trở lại bảy lần. Tuy sanh trở lại nhưng tâm không thối chuyển vẫn tiến trên Thánh đạo, Thánh quả Thanh văn. Còn đốn ngộ của Thiền tông không phải ngộ để đủ lòng tin tu chứng quả Thanh văn, mà ngộ ngay nơi mình có tâm Phật tức là Phật nhân, nếu tu tới chỗ viên mãn sẽ thành Phật quả chứ không qua tứ quả Thanh văn, nên có khác nhau.
1. Khổng Tử là chủ của tính mạng. Phật Thích Ca là khách của tính mạng, đó là lời của ông Ngô Thời Nhiệm. 2. Khổng Tử và Thích Ca là chủ và khách của tính mạng cho nên cái đạo dạy người nhất trí như nhau. ĐÁP: Ông Ngô Thời Nhiệm có lần tự xưng là con cháu của hệ phái Trúc Lâm, ông có viết quyển sách tựa là "Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh". Nhưng đọc tiểu sử và nghiên cứu về tinh thần của Ngô Thời Nhiệm thì thấy ông nặng nề về Nho hơn Phật mà chủ đích của ông là muốn dung hợp Nho Phật, hay nói cách khác là tam giáo đồng nguyên (Nho, Phật và Lão cùng một nguồn). Ông nói Khổng Tử là chủ của tính mạng, Phật Thích Ca là khách của tính mạng, theo quan niệm của ông thì tính mạng là cái mà mọi nơi, mọi người ở trong nước phải sống phải theo. Bởi vì nhà Nho dạy dân có một nếp sống trật tự đàng hoàng thích ứng với thời đại. Còn nhà Phật dạy người tu cái lý cao siêu giải thoát sanh tử, nhưng cũng liên hệ tới kiếp sống con người, cho nên ông nói Khổng Tử là chủ của tính mạng tức là cái gốc để dạy dân, còn Phật là khách. Ý nói cũng dạy dân nhưng mà là cái ngọn, bởi vì nhà Phật nói chuyện giải thoát xa quá, còn đạo Nho nói thực tế ngay đời sống của con người. Đó là ý thứ nhất. Còn ý thứ hai thì Khổng Tử nhắm vào cái tinh thần giáo dục tâm lý của người dân, phải sống đúng với nghĩa Quân - Sư - Phụ, nghĩa là từ quốc gia, xã hội, gia đình phải có trật tự trên dưới như vậy. Đó là cái tính mạng. Còn Phật dạy người đời thì chỉ có tam quy ngũ giới và cách tương giao với nhau, chớ không có tôn quân nên nói khách. Đoạn sau nói Khổng Tử và Thích Ca là chủ và khách của tính mạng cho nên cái đạo dạy người nhất trí với nhau. Ông lấy cớ đó để đưa tới chỗ dạy dân trong cuộc sống chủ khách hòa nhau đều có lợi, đều tốt. Về đạo Phật ông không nói sâu về tâm tánh con người mà chỉ nói cái sinh mạng của một nước, của tập thể nhiều hơn.
ĐÁP: Chỗ này quý Phật tử nên hiểu thật rõ. Đọc sử chúng ta thấy có đoạn nói đức Phật tuyên bố Ngài xả thọ mạng để nhập Niết-bàn. Tại sao Ngài có thể sống lâu hơn nữa mà lại xả bỏ mạng? - Trong kinh có nhiều chỗ Phật nói rất rõ là cái gì cần nói Ngài đã nói, đã dạy hết rồi. Ngài có mặt lâu là thừa, chúng sanh có cái bệnh cái gì dư quá thì xem thường. Giả sử Phật còn tại thế cho đến bây giờ chắc chúng ta xem thường lắm, chúng ta nghĩ Phật còn đó lo gì, để sắp đặt việc nhà xong xuôi rồi hãy tu. Nhưng biết chừng nào xong, tới già tới chết cũng chưa xong. Phật nhập diệt rồi ngày nay còn kinh điển, có quý thầy nhắc nhở quý Phật tử ráng học ráng tu. Nếu không quý thầy đi nữa không ai hướng dẫn, do đó nên mọi người cố gắng tu. Đó là tôi nói nghĩa thường, còn nghĩa sâu xa hơn là đức Phật lúc nào cũng thương chúng sanh, vì chúng sanh mê muội, thấy thân này thật nên quý nó, đến lúc gần chết mới sợ, tìm đủ mọi cách để sống thêm. Giả sử có Phật tử đã quy y thọ giới rồi mà khi bệnh, có ông thầy lang nào đưa cho lá bùa bảo uống cho qua khỏi bệnh mới sống được thì Phật tử đó nghĩ sao? - Mạng sống là trên hết, thôi ráng sống rồi sẽ tu sau phải không? Chuyện ông Trưởng Giả Uất Già ngày xưa có tám điều chưa từng có, trong đó có một điều là ông bạch Phật: Giả sử như con đau nặng sắp chết, có người đem tới một lá bùa của ngoại đạo nói rằng con uống lá bùa này sẽ sống, con thà chấp nhận chết chứ không uống bùa ngoại đạo. Đó là điều chưa từng có của ông Uất Già, ông quý chánh pháp chớ không quý thân mạng. Đức Phật xả bỏ thọ mạng sớm cũng là một tấm gương dạy chúng ta thấy rõ thân này không quan trọng, khi cần dùng nó để làm chuyện đạo đức thì Ngài làm, khi làm xong rồi nó hoại thì cho nó hoại không tiếc nuối giữ gìn chi nữa.
ĐÁP: Kinh Pháp Cú Phật dạy được thân người là khó như con rùa mù tìm bọng cây. Rùa mù một trăm năm mới trồi lên một lần, còn bọng cây nổi trên mặt biển theo sống gió trôi giạt sang đông sang tây chẳng biết chừng nào rùa mù mới tìm được bọng cây. Khó vô cùng! Cũng vậy, đối với thân này người học đạo phải hiểu cho thật kỹ, nó không quí mà nó cũng rất quí. Ví dụ như chúng ta đi biển, bị gió bão dập chìm thuyền, bất chợt chúng ta vớ được một khúc cây mục, nhờ bám vào khúc cây mục mà chúng ta vào bờ. Lúc đó gốc cây mục rất quí đối với chúng ta. Còn khi đã vào đến bờ rồi thì có ai vác gốc cây mục lên vai mà đi không? - Không. Như vậy nó quí ở giai đoạn nào và không quí ở giai đoạn nào? Lúc đang tu, chúng ta vừa mới tỉnh mới hiểu đạo mà thân này hoại thì tu không kịp cho nên lúc đó phải quí nó để mượn phương tiện tu hành. Nhưng khi đã đạt đạo rồi thì thân này không còn quí nữa. Cho nên trong kinh Lăng Nghiêm nói thân này như hòn bọt trong biển cả, như hạt bụi trong hư không, đó là vì đã ngộ đạo rồi nên thấy nó không ra gì. Đó là hai trường hợp đối với thân quí và không quí.
ĐÁP: Câu hỏi này trúng bệnh của người tu hiện nay cũng nhiều. Nếu Phật tử tin sâu nhân quả thì vấn đề bói toán, tử vi, địa lý không quan trọng. Vì nhân quả là cội nguồn của khổ đau an lạc; nếu chúng ta tạo nhân xấu thì chừa tránh và có làm điều gì tốt thì cố gắng làm thêm. Bấy nhiêu quá đủ rồi, bói toán, tử vi nếu nói đúng cũng chỉ là trò chơi, quan trọng là ở hành vi tạo tác của chúng ta. Ví dụ tử vi nói hai năm hay ba năm nữa chúng ta sẽ có điềm lành, nhưng từ đây tới đó chúng ta lại giết người thì ở tù, lúc đó có tốt không? - Không. Việc tốt xấu sắp tới đổi theo cái nhân tạo tác của chúng ta. Vậy nên tin nhân quả hay tin bói toán? Người Phật tử chân chính tin sâu lý nhân quả thì không tốn tiền vô ích trong việc bói toán, thay vì đi xem tử vi tốn một ngàn đồng, chúng ta đem số tiền ấy giúp cho người nghèo, người bệnh được phước hơn, lại không phí thì giờ vào những việc làm vô ích ấy nữa.
ĐÁP: Chữ "hiển" là hiện bày ra, "mật" là ẩn kín. Phật dạy không có gì là mật hết, nhưng lời dạy nào chúng ta nghe hiểu được thì gọi là hiển, lời nào nghe không hiểu thì nói là mật. Ví dụ người ta nói điều gì mình nghe hiểu liền thì nói điều đó rõ ràng, còn người ta nói mình nghe không hiểu thì nói bí mật quá không thể hiểu. Phật giảng dạy không giấu điều gì cả, tại trình độ chúng ta chưa tới nên chưa hiểu rồi nói là mật, mà Phật nói là nói về đạo cho nên nói đạo có hiển có mật. Phật dạy cốt cho chúng ta hiểu để tu, nhưng khi thực hành, những điều không hiểu chúng ta cho là mật. Tu một thời gian, chúng ta thông suốt thì hết mật thành hiển, nên đạo thì không cố định hiển hay cố định mật. Còn danh từ mật giáo, hiển giáo trong nhà Phật quí Phật tử cũng nên hiểu rõ. Mật giáo là chỉ cho những người chuyên trì chú, tu theo Mật tông. Vì câu chú không giải thích được nên gọi là mật. Còn giáo lý là kinh Phật dạy quí thầy giảng rõ cho chúng ta hiểu để ứng dụng tu, đó là hiển giáo.
ĐÁP: Phật Tỳ Lô Giá Na là Phật mà quí vị thường đọc tụng danh hiệu. Trong nhà Phật có chia ra Phật pháp thân, Phật báo thân và Phật hóa thân. Phật pháp thân gọi là Tỳ Lô Giá Na, Phật báo thân là Lô Xá Na. Tỳ Lô Giá Na là danh từ chữ Phạn chỉ cho Phật pháp thân mà ai cũng có, chớ không phải như ông Phật Thích Ca hay Phật Di Đà. Phật pháp thân này không hình, không tướng nên không chỉ được, chỉ ai nhận ra nơi mình có Phật pháp thân thì đó gọi là Phật Tỳ Lô Giá Na.
ĐÁP: Chữ pháp có hai phần: Sự và lý. Sự: Chữ pháp là vật này vật nọ, vật kia hay cái này, cái nọ, cái kia có tên gọi đều là pháp. Ví dụ cái bàn là một pháp cho tới cái tâm cũng là một pháp, đó là nghĩa chữ pháp về phần sự. Lý: Chữ pháp chỉ cho thể tánh trùm khắp không giới hạn, cho nên nói tất cả pháp đều là Phật pháp. Đó là chỉ cái thể trùm khắp nên thuộc phần lý tánh.
ĐÁP: Chỗ này trong nhà Phật có nói rất rõ mà các Thầy cũng thường nhắc quí Phật tử, đó là câu: "Phước huệ lưỡng toàn phương tác Phật". Phước là tất cả phước báu, huệ là trí huệ, cả hai đầy đủ mới làm Phật sự được và làm không bị lệch một bên. Có một số Phật tử mắc cái bệnh là làm từ thiện xã hội, bố thí cúng dường, cứ ham làm hoài, tâm cứ tính toán lo toan, không có thì giờ để ngồi thiền, tụng kinh, thậm chí không nghĩ đến nữa. Vì thấy làm được việc lợi ích cho nhiều người, nên say sưa làm. Tổ Bá Trượng có dạy: Nếu phước nhiều huệ kém thì cái phước nó chở cái huệ đi hưởng cảnh sang giàu, không tiến được trên đường giác ngộ. Lại cũng có người tu huệ rồi chấp vào đó chê tu phước là pháp hữu vi, không giải thoát, nên dồn hết tâm lực vào việc tu huệ, không làm gì lợi ích cho ai cả. Nhờ vậy mà huệ được tăng trưởng, phước thì thiếu. Hồi Phật còn tại thế, có một thầy Tỳ-kheo đệ tử của tôn giả Xá Lợi Phất chứng A-la-hán rồi, mà đi khất thực không ai cúng dường cả, mỗi ngày đều ôm bình bát không về thường bị đói khát. Cho nên phước và huệ phải song hành thì đường tu mới được hanh thông. Song, làm phước phải làm như thế nào? - Thường người làm phước hay có quan niệm: Bố thí, cúng dường để đời sau hưởng phước lành, vì nghĩ "mình được" cho nên dễ đưa tới chỗ thụ hưởng. Nếu bố thí cúng dường mà nguyện cho sau này đủ duyên để tiến tu trên đường giác ngộ, viên mãn đạo quả Bồ đề tu phước với tâm nguyện như thế thì không trở ngại trên đường tu.
Theo con biết đức A Di Đà là một vị Phật ra đời trước đức Thích Ca mà sao ở đây lại nói Ngài là Bồ tát. Vậy có phải nói về tiền thân của Ngài chăng? Rồi sao lại có câu trả lời là: không biết. Như vậy câu này là của Suzuki hay là của Trúc Thiên? ĐÁP: Theo lời hỏi của đạo hữu, nếu ông Suzuki trả lời "bí mật" thì tôi cũng không có quyền nói, vì đã là bí mật mà còn nói thì bật mí rồi. Nhưng mà đây tôi giải thích như vầy: Không phải chỉ đức A Di Đà mà Bồ tát Địa tạng cũng từng nguyện: "Địa ngục mà chưa trống không thì Ngài chưa thành Phật, chừng nào độ hết chúng sanh, Ngài mới chứng bồ đề", nhưng hiện tại chúng sanh vẫn còn quá nhiều thì sao? - Đa số Tăng Ni Phật tử hoang mang về lời nguyện của chư Bồ tát hoặc chư Phật, vì các Ngài nguyện độ tất cả chúng sanh thành Phật rồi các Ngài mới thành Phật. Vậy hiện giờ chúng sanh còn đây mà các Ngài đã thành Phật mất rồi. Như vậy là sao? Điều này không có gì lạ, tâm nguyện của chư Phật, Bồ tát lúc nào cũng độ tất cả chúng sanh, đó là tâm từ bi rộng lớn, lúc nào cũng nghĩ đến chúng sanh, vì chúng sanh mà tế độ. Đức Phật Thích Ca cũng nguyện độ tất cả chúng sanh được giác ngộ thì Ngài mới an lòng. Nhưng bây giờ chúng sanh còn mê muội quá nhiều mà Ngài đã nhập diệt rồi, như vậy là sao? - Tôi xin hỏi, theo quí Phật tử thì đức Phật Thích Ca còn tế độ, còn giáo hóa không? - Dạ còn. Còn ở đâu? - Khi đức Phật còn tại thế, Ngài giáo hóa đệ tử tu hành, có dạy phải cứu độ chúng sanh để đền ơn chư Phật. Rồi từ đó đến giờ biết bao nhiêu vị Tổ tiếp nối bổn nguyện của Ngài độ chúng sanh. Ngày nay chúng tôi là hàng đệ tử Phật, hàng thứ mấy trăm mấy ngàn cũng tiếp tục hướng dẫn Phật tử tu hành, tức là chúng tôi cũng tiếp nối hạnh nguyện độ chúng sanh của Ngài. Và Phật tử cũng vâng lời Phật, dạy lại huynh đệ khác. Tuy Phật đã nhập Niết-bàn rồi mà giáo pháp của Ngài vẫn tiếp tục giáo hóa chúng sanh không dứt. Nói "độ tận" hoặc "độ hết" là một lối nói, ngầm nói lên tinh thần rộng độ cùng tột, chứ không phải độ hết không còn một người nào. Trong kinh Phật thường nói Phật hóa hữu duyên nhân, có người Phật hóa được, có người Phật hóa cũng không được. Chúng ta nên biết Ngài nguyện độ tất cả chúng sanh là Ngài đã độ hết tâm chúng sanh của Ngài nên Ngài mới thành Phật. Nếu không giác thì không có nguyện độ, mà đã giác tức là đã thành Phật. Ý nghĩa đó là như vậy chớ không phải đợi độ cho hết chúng sanh ở ngoài mới thành Phật thì không đúng với chánh pháp.
ĐÁP: Phật nói pháp là tùy cơ, cơ thấp thì Phật nói thấp, cơ cao thì Phật nói cao, tuy hai pháp thấp cao nghe khác nhau, nhưng Phật thì không có hai. Nói về pháp tu hoặc là đi thẳng vào tâm tánh hoặc là dùng tưởng để dẹp vọng tưởng tức dẹp cái tâm viên ý mã của mình, như quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ v.v... quán cũng thuộc về tưởng. Quán Phật Tam Muội là mượn hình ảnh Phật tưởng tượng ra cho tâm không còn động, và tưởng lâu thành định, mà định là tam muội. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật có nói nếu tình nhiều tưởng ít là đi xuống, tưởng nhiều tình ít là đi lên. Còn tưởng là còn lên, mà còn lên là còn sanh tử, cho nên tu về tưởng kết quả sanh lên các cõi trời sắc giới, vô sắc giới. Nếu muốn giải thoát khỏi sanh tử thì tình tưởng phải buông hết. Nhưng nhờ ứng dụng pháp thấp cho tâm được định, để đến chỗ vô niệm không nghĩ thiện không nghĩ ác. Mới nghe thấy như chống trái nhau nhưng hiểu rồi thì không trái nhau.
ĐÁP: Đây là câu hỏi của người tập tu và đang tu, tôi xin giải thích: Chấp và giữ khác nhau, giữ giới không có nghĩa là chấp, chúng ta giữ giới là ngừa tội lỗi mà mình có thể vấp phải. Thí dụ giữ giới không nói dối để ngừa cái lỗi nói dối. Có khi vì danh vì lợi mà mình nói dối, đó là bảo tồn tính chơn thật của người Phật tử. Như vậy giữ không có nghĩa là chấp mà là bảo vệ đạo đức của người tu hành. Cao hơn là giới Bồ tát, đó là tư cách của người tiến tới chỗ quên mình để giúp đỡ chúng sanh, đó cũng không phải là chấp. Còn chỗ tôi nói: "Chấp là gốc khổ đau", đó là chấp thân này thật của mình, rồi chấp ngôn ngữ là thật, chấp hành động là thật. Cho nên một lời nói trái tai là nổi giận, một hành động không vừa ý là tức lên, bất cứ cái gì xảy ra không hợp với tâm niệm riêng tư của mình là mình bất mãn phiền não, chúng ta xả tất cả những cái chấp đó thì không còn phiền não. Còn giữ giới là tốt, càng giữ giới nghiêm mật chừng nào đạo đức càng tăng trưởng chừng ấy, giữ giới không có nghĩa là chấp, đạo hữu nên hiểu rõ chỗ này.
ĐÁP: Đó là mười danh hiệu của đức Phật, mỗi đức Phật thường có đủ mười hiệu. Như lai: Như là chân như, được đạo chân như mà thành tựu chánh giác nên gọi Như Lai. Ứng cúng là Phật, một đấng đáng cho nhân thiên cúng dường. Chánh biến tri: Chánh là chơn chánh, biến là cùng khắp, tri là hiểu biết đúng đắn mà trùm khắp không giới hạn, nên nói là Chánh biến tri. Minh hạnh túc: Minh là tam minh tức là thiên nhãn minh, túc mạng minh và lậu tận minh, hạnh tam minh được đầy đủ gọi là Minh hạnh túc. Thiện thệ là người khéo vượt qua khỏi các cõi ở thế gian và cõi trời (thệ là qua, thiện là khéo). Thế gian giải: Ngài là người hiểu thấu tất cả các pháp ở thế gian. Điều ngự trượng phu là một đấng điều phục, chinh phục được những người trí thức và những kẻ ngoại đạo nên gọi là Điều ngự trượng phu. Thiên nhơn sư: Phật là thầy của trời và người. Phật: Ngài là đấng giác ngộ. Thế tôn là cả trời người đều cung kính tôn trọng. Đó là mười hiệu của Phật. Chúng ta đọc câu đó là tán thán đức Phật có đầy đủ mười công đức, mà mỗi công đức là một tên một hiệu gọi là mười hiệu. Mục Lục
|