Những Cánh Hoa Đàm (Tập 2)
Những Cánh Hoa Đàm (tt2)
HỎI: Kính bạch Hòa thượng, con nghe quí thầy thường nói được làm thân nam là người đó có phước đức, nhưng sao có người sanh vào gia đình nghèo, lại xấu xí bệnh tật, lại còn hung dữ. Trái lại người nữ thiếu phước tại sao sanh trong gia đình giàu sang, đẹp đẽ lại đức hạnh thuần hòa. Có thân nữ phải là nghiệp ái nặng không? Ngưỡng mong Hòa thượng giải cho chúng con biết. ĐÁP: Câu hỏi này thường mà thực tế. Có nhiều người nói làm thân nam là có phước, đó là nói một cách chủ quan, chắc là quý thầy nói. Nếu gặp quý cô chắc không nói vậy đâu. Nói được thân nam là phước thì lời nói đó chưa đúng sự thật, thân nam thân nữ là nghiệp riêng chớ không phải là phước. Nam cũng có người bị tật nguyền, có người cũng bị bệnh hủi, thọ thân nam hay nữ là do nghiệp duyên riêng. Có chủng tử về phái nam thì sanh nam, chủng tử về phái nữ thì sanh nữ, chớ không phải do phước hay không phước. Người nói đạo lý mà nói vậy là không đúng sự thật, dù thân nam hay nữ, nếu có phước thì được giàu sang, vô phước cũng khổ sở như ai thôi.
Trong sử có đoạn kể tôn giả Mục Kiền Liên xuống địa ngục để tìm mẹ, xin Hòa thượng cho con biết Tôn giả dùng cách gì để xuống địa ngục được? Xin đội ơn Hòa thượng. ĐÁP: Nếu trả lời cho đúng sự thật thì tôi phải hỏi ngài Mục Kiền Liên, Ngài dùng cách gì để đi, Ngài cách tôi hơn hai ngàn năm làm sao tôi biết được. Nói vậy thì phụ lòng Phật tử, nên tôi tạm giải thích: căn cứ vào sử chớ không phải căn cứ vào cái thấy của tôi. Sử ghi rằng ngài Mục Kiền Liên đã chứng A-la-hán đầy đủ lục thông, trong đó có thần túc thông, mà thần túc thông thì chỗ nào muốn đi cũng được; vào nước cũng được, vào đất cũng được... cho nên Ngài vận dụng thần thông mà đi chớ không phải đi bộ như chúng ta.
ĐÁP: Tục lệ mở cửa mả tôi xin nói đây là của nhà Nho chớ không phải nhà Phật, nhà Nho ngày xưa giàu tưởng tượng, tưởng rằng người chết rồi còn trở về với gia đình, mình chôn rồi mà không mở cửa sợ họ mắc kẹt về không được, nên tới đó làm lễ mở cửa mả rước về ở với con cháu, rồi bày ra lễ vật cúng tam sên... Bây giờ rất tiếc nhà Nho đã tàn rồi mà tục lệ vẫn còn, nên người đời không biết mời ai nên mời mấy thầy, mấy thầy cũng nể tình làm giùm vậy thôi chớ không phải chuyện của nhà Phật. Quí Phật tử hiểu rồi thì không thắc mắc sao nhà chùa đi cúng mà không giải thích được. Còn hỏi người chết đem thiêu, thân trung ấm có ảnh hưởng gì không? - Không. Chôn, thiêu đều không ảnh hưởng gì hết, vì chôn, thiêu thân tứ đại, chớ thân trung ấm là phần tinh thần, lửa không cháy, chôn cũng không mất nên không ảnh hưởng gì hết. Nếu có ảnh hưởng thì khi Phật nhập Niết-bàn Ngài đâu có dạy làm lễ trà tỳ cho Ngài.
ĐÁP: Phật tử này lo xa mà hỏi. Trong kinh A-Hàm đức Phật có nói đời mạt pháp có những người hình thức xuất gia mà không tu hành, thọ của đàn na tín thí mà không tu nên sau này họ bị đọa. Có câu chuyện kể ngài A-nan một hôm nằm mộng thấy một cái hố sâu, dưới hố toàn những người mặc y vàng, trên hố có một cây cầu bắc ngang qua, có những người thiện nam tín nữ đi thong thả trên cây cầu. Khi tỉnh giấc Ngài bạch Phật điềm mộng đó và hỏi ý nghĩa gì? Phật dạy sau này trong đời mạt pháp đệ tử của ta tuy là thọ tỳ kheo, hình thức xuất gia nhưng không giữ giới, không tu hành mà thọ của tín thí. Những thí chủ cúng dường được phước, sanh lên cõi trời, đó là những người đi trên cầu. Còn những người thọ mà không tu phải chịu đọa địa ngục đó là những người rớt xuống hố. Như vậy Phật tử cúng mà người thọ nhận không tu thì họ bị tội, còn Phật tử vẫn được phước như thường, Phật tử khỏi lo ngại điều đó.
ĐÁP: Quí Phật tử có nhớ trong nhà Phật nói tam huệ học là văn, tư, tu không? Bây giờ thấy được lý nhân quả tức là nghe hiểu rồi ứng dụng lý nhân quả thì đó là huệ học chớ gì.
ĐÁP: Câu này quí vị có thể thay tôi trả lời ý nào đúng. Nếu ý nào cũng đúng thì tôi sẽ trả lời ý nào cũng sai. Bởi vì nói đợi khá giả có tài vật nhiều chừng đó mới làm việc bố thí, thì nếu cả đời không khá giả thì không bao giờ bố thí phải không? Như vậy thì cả đời khó làm được việc thiện. Còn nói rằng tâm mình nghĩ bố thí thì liền có tài vật cho mình bố thí thì duy tâm quá phải không? Vậy cả hai phải dung hợp với nhau, vừa nghĩ bố thí, vừa làm cho có tài vật, khi tài vật có dư thì đem ra giúp người. Phải dung hợp hai mặt như thế mới cụ thể.
ĐÁP: Điều này không có gì lạ. Nếu tu chưa chứng quả A-la-hán, chưa đắc vô sanh thì còn tái sanh, điều đó không nghi ngờ gì hết. Tùy theo túc duyên của mình lành nhiều lành ít mà đến chỗ tốt hoặc chỗ xấu, không cố định. Phật tử này đừng lo khi chưa chứng vô sanh, ông Chủ mình có đi tái sanh hay không đi. Bảo đảm là ổng sẽ đi dài dài trong lục đạo! Tánh giác và giác linh khác nhau thế nào? Đây là từ ngữ thôi. Tánh giác là cái hiểu biết sáng suốt mà ai cũng có. Còn giác linh là người tu khi chết rồi người ta muốn tôn xưng một chút. Nếu nói hương linh, mỗi lần cúng về ăn nghe nó phàm tục quá nên gọi là giác linh, thì đó cũng là một danh từ thôi. Nói gọn lại, tánh giác là cái mất mà tất cả mọi người đều có, còn giác linh là danh từ chỉ cho người chết mà mình tin là người đó sáng suốt hơn người khác nên gọi là giác linh.
ĐÁP: Phật tử này lo giùm cho quí vị xuất gia rồi hoàn tục, sợ nợ đàn na tín thí bị đọa địa ngục. Tôi xin giải thích: Theo luật nhân quả thì có vay có trả nhưng hiểu một cách cố định như vậy thì không đúng. Vì luật nhân quả rất tế nhị, nếu hiểu được cái lý của đạo Phật thì nhân nào chưa hẳn là quả ấy, vì nhân quả nó có một chuỗi dài của thời gian. Ví dụ tôi ươm một hột xoài nhất định ba năm sau tôi có trái xoài, nhưng nếu chăm sóc giữ gìn không tốt thì ba năm sau có trái xoài không? - Không. Vậy phải cộng thêm sự chăm sóc giữ gìn giữ đúng mức thì mới có trái xoài. Luật nhân quả cũng không khẳng định vay thứ nào phải trả thứ ấy, mà có thể vay cái này trả bằng cái khác. Tôi thường ví dụ có một ông thầy giáo giỏi tiếng Anh nhưng vì nghèo ông vay tiền của một người khá giả, tới kỳ hẹn ông không có tiền trả. Người chủ nợ nói: thôi tới dạy giùm con tôi học một thời gian, khỏi phải trả tiền. Vậy ông thầy giáo không trả nợ bằng tiền mà trả nợ bằng sự dạy học. Nói vay nợ rồi sau này làm súc vật để trả thì chưa đúng, hồi vay thì vay tiền nhưng người có khả năng giáo dục thì có thể làm thầy để trả. Tôi cũng vậy, tôi thiếu nợ quí Phật tử nhiều, nếu đời này tôi trả bằng pháp chưa đủ thì sau gặp lại trả nữa, nhưng được làm thầy để trả. Ông thầy xuất gia này nếu vì nhân duyên không thể tu được nữa ông xả giới hoàn tục thì chặng xuất gia của ông tốt. Trong thời gian xuất gia ông được Phật tử cúng giúp, ông tu hành đàng hoàng thì lấy phước đức đó mà bù. Bây giờ làm cư sĩ tại gia mà không gây tạo tội lỗi thì chết không bị đọa địa ngục. Còn cái phước thừa xuất gia đời sau ông có thể xuất gia tu trọn vẹn hơn.
1. Người xuất gia là con Phật, vậy ông bà cha mẹ chết hoặc còn sống có được quỳ lạy không? 2. Có người nói cửu huyền lớn hơn Tam bảo, không có cửu huyền thì không có Tam bảo, vậy cái nào đúng cái nào sai? ĐÁP: 1. Câu hỏi này chưa xác đáng, phải hỏi lại thế này: Người xuất gia thọ giới Sa di hoặc giới Tỳ kheo rồi thì ông bà cha mẹ hoặc sống hoặc chết mình có lạy hay không? Hỏi như vậy là hợp lý hơn. Tôi giải thích: Người xuất gia trước khi thọ giới Sa di, thì chư Tăng thường dạy phải hướng về cha mẹ đảnh lễ trước, rồi sau đó mới làm lễ xuất gia. Tại sao vậy? - Vì sau khi xuất gia tối thiểu cũng thọ mười giới Sa di, còn cha mẹ nếu biết đạo chỉ thọ năm giới thôi. Cho nên căn cứ trên đạo hạnh giới luật thì người giới cao mà lễ bái người giới thấp làm cho người đó tổn phước. Do đó không lạy, vì sợ lạy làm giảm phước cha mẹ, chớ không phải tự cao, tôi đây xuất gia rồi, cao lắm, không lạy mấy người thế tục. Quý vị phải hiểu cho rõ có lỗi hay không lỗi không thành vấn đề, chẳng qua vì giới luật thôi. 2. Còn nói cửu huyền thất tổ lớn hơn Tam bảo vì có cửu huyền mới có Tam bảo. Câu này thông thường quá nhưng phải nói rõ vì có nhiều người không hiểu. Tam bảo khác với cửu huyền thất tổ, Tam bảo là Phật, Pháp và Tăng. Phật là bậc giác ngộ, Pháp là giáo lý dạy cho người thấy được lẽ thật trong cuộc sống để tu thoát khổ, hai cái đó là của báu vô giá. Còn cửu huyền thất tổ đối với con cháu dù lớn, nhưng lớn tromg phạm vi phàm tục chớ không phải lớn trong giải thoát giác ngộ, cho nên nói cửu huyền thất tổ lớn hơn Tam bảo là nói không đúng chân lý.
1. Nhất cử nhất động đều là duyên nghiệp phải thế không? Làm sao phân biệt được duyên và nghiệp. 2. Nếu một đời con niệm Phật mà chưa dứt được tham sân si, thì con sẽ được gì sau khi con mãn phần? 3. Nếu có chúng sanh nào đó phạm năm tội trọng, nhất tâm niệm Phật thì chúng sanh ấy có thoát được cả năm tội trọng ấy không? 4. Con rất mến mộ danh hiệu Phật Thích Ca, kế đến Phật Dược Sư và Địa Tạng Vương Bồ-tát, vậy có phải là ba vị Phật này mới độ được con không, vì con xem kinh sách chỉ bảo như thế. 5. Nếu một đời con niệm Phật Thích Ca thì sau khi mãn phần con ở cõi nào? Niệm Phật Thích Ca thì phải niệm Nam mô Ta bà giáo chủ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, vậy khi mãn phần con sẽ phải ở cõi Ta bà với Phật Thích Ca sao? ĐÁP: Câu hỏi này thấy cũng có cái vui. Tôi trả lời thứ tự: 1. Nhất cử nhất động đều là duyên nghiệp phải thế không? - Tôi xin hỏi lại, quý đạo hữu chú ý theo dõi: Phật tử hiểu duyên nghiệp của quá khứ hay của hiện tại? Nếu nói của quá khứ thì chưa thấu đáo. Bởi vì đời sống chúng ta một là trả nợ quá khứ, hai là tạo duyên vị lai. Đành rằng tất cả cử động đều là duyên nghiệp, nhưng nếu thuộc về quá khứ thì đa số người thấy như là một định nghiệp hoặc nói là số mạng. Nghĩa là bắt buộc mình phải như vậy, phải theo cái khuôn nhất định không chuyển đổi được. Nhà Phật thì không chấp nhận như vậy, nếu quá khứ có duyên nghiệp xấu, mà hiện tại mình chuyển tạo duyên nghiệp tốt thì những duyên nghiệp xấu quá khứ được giảm. Ví dụ năm ngoái quý Phật tử làm ăn thua lỗ có vay một số nợ, năm nay ráng làm ăn khá trả hết nợ cũ, như vậy không phải năm ngoái thiếu nợ rồi mình là kẻ nợ suốt đời. Theo Phật giáo thì nghiệp duyên có thể chuyển đổi được, dở thì làm hay để chuyển, xấu thì làm tốt để chuyển. Ví dụ có một Phật tử ít phước sanh ra đời ăn nói không thanh nhã nhẹ nhàng, nên nói chuyện ai cũng ghét. Nếu Phật tử này nghĩ số tôi như vậy đành phải chịu thì không sửa đổi. Còn nếu nghĩ mình phải sửa đổi cho ngôn ngữ thanh nhã nhẹ nhàng, và từ từ sửa được nên người ta thương. Chúng ta phải có sức mạnh vươn lên chớ không ù lì cam chịu. Hiểu như vậy mới đúng với ý nghĩa duyên nghiệp của nhà Phật. 2. Nếu Phật tử niệm Phật mà chưa hết tham sân si, không tội nặng thì khi mãn phần sẽ được trở lại cõi này gặp Phật pháp sớm làm cư sĩ tu tiếp. Vì niệm Phật tưởng nhớ Phật, có duyên với Phật thì được làm người gặp Phật pháp sớm. 3. Phạm năm tội trọng tức là tội ngũ nghịch, nếu người phạm tội ngũ nghịch mà n niệm Phật được nhất tâm bất loạn thì chuyển được tội, còn không được nhất tâm bất loạn thì chưa chuyển được nhưng dù sao cũng nhẹ đôi chút. 4. Niệm Phật Thích Ca hay Phật Di Đà, niệm danh hiệu nào cũng được. Vì kinh Di Đà do Phật Thích Ca nói, Ngài dạy cho chúng sanh nên niệm danh hiệu Phật A Di Đà để hết khổ. 5. Phật tử này lo sợ trở lại cõi Ta bà này nữa. Tôi xin hỏi quý Phật tử, đức Phật Thích Ca bây giờ ở đâu? - Ngài chỉ hiện thân ở cõi Ta bà một lần để giáo hóa, khi mãn duyên Ngài nhập Niết-bàn. Ngài nhập Niết-bàn thì chúng ta niệm danh hiệu Ngài đến nhất tâm bất loạn thì cũng nhập Niết-bàn như Ngài, không trở lại đây, vì Niết-bàn là chỗ cứu cánh, là vô sanh rồi, đâu còn sanh tử nữa.
1. Chúng sanh sau khi chết, phải qua bốn mươi chín ngày mới đi tái sanh phải không? 2. Thần thức khi tái sanh chuyển vào bụng mẹ trước hay sau khi lọt lòng mẹ? 3. Có người nói rằng ăn chay không được ăn trứng gà trứng vịt, có người lại nói ăn được nhưng phải ăn trứng không trống, vấn đề này thế nào mong Hòa thượng chỉ dạy. ĐÁP: Bây giờ tôi trả lời từng câu: 1. Việc tái sanh không cố định, có khi nhắm mắt đi tái sanh liền, có khi phải chờ bốn mươi chín ngày. Đây là nói phạm vi con người tùy duyên nghiệp. Ví dụ người đó có duyên phải trở lại làm người trong một gia đình nào đó, thì phải đợi cái duyên cha mẹ thuận tiện họ mới tới được. Nếu họ vừa nhắm mắt gặp cái duyên đó thì họ tới liền, nếu chưa gặp duyên họ phải chờ. Vì vậy điều này không thể trả lời dứt khoát một bên. 2. Trong Kinh nói thần thức vào bụng mẹ trước chớ không tới sau. Nhưng có trường hợp đặc biệt khác mà nhà thiền gọi là "đoạt xá" nghĩa là cướp nhà. Lịch sử thiền ở Việt Nam có thiền sư Từ Đạo Hạnh, khi vợ của Sùng Hiền Hầu mang thai, Ngài bảo chừng nào gần sanh báo tin cho Ngài biết. Khi được tin bà chuyển bụng thì Ngài đập đầu vô đá mà tịch, rồi thác sanh vào đó gọi là đoạt xá, tức là cướp nhà, người ta đang ở mình đuổi đi. Như vậy trước trong bào thai đã có thần thức một vị nào đó, Ngài vì muốn tới đó để làm Phật sự. Thần thức Ngài mạnh hơn thần thức kia nên cướp đoạt chỗ của người ta. Đó là trường hợp đặc biệt khi sanh mới đến, còn thông thường có tinh cha huyết mẹ liền có thần thức đến. 3. Ăn chay có nên ăn trứng hay không? Vấn đề này ai cũng có cái lý riêng, nhưng với cái nhìn của tôi, không bắt buộc ai phải theo vì người tu nhất là tu Phật khác với tu tiên. Tiên thì dùng cái nghĩa thanh và trược, ăn thứ gì có máu thịt là trược, rau cải là thanh. Nhưng với con mắt nhà Phật thì chỉ tránh tội sát sanh là gốc, không ăn thịt chúng sanh vì không muốn giết hại nó, cũng không để cho người vì mình mà giết hại, đó là chủ yếu. Thế nên những vị tu theo Phật giáo Nguyên thủy chẳng những ăn trứng mà ăn thịt công khai, cái gì người ta làm sẵn dâng cúng thì các ngài thọ dụng không ngại gì hết, có nghĩa là các ngài không sát sanh. Như vậy những người nói ăn trứng không trống được đối với nhà Phật thì không có lỗi. Còn theo Đại thừa thì bảo mình không ăn thịt thôi chớ không nói gì đến trứng, mà trứng ngày xưa khác bây giờ khác. Trong luật dạy một Tỳ-kheo không được làm cho những hạt giống chết, tức là cái gì có mầm sống mình không được giết.
ĐÁP: Thí dụ này không đúng lắm, bởi vì nước chảy cạn thì dòng nước sẽ khô chớ đâu còn dòng nước trong. Trong nhà Phật dạy gốc đau khổ của con người từ chấp mà ra, chấp là từ si mê mà có. Ví dụ như mình chấp cái này phải cái kia quấy, mình thấy ai làm theo tâm chấp phải của mình thì mình cho là phải, ai làm theo tâm chấp quấy của mình thì mình cho là quấy. Và cứ thấy như vậy hoài, nhất là thấy người thân của mình cứ làm những chuyện mà mình cho là quấy thì mình khổ dài dài. Như vậy chấp chừng nào là khổ chừng ấy. Càng chấp càng chồng chất phiền não. Vì chấp thì không sáng suốt, nếu sáng suốt thì không chấp. Hết chấp thì hết khổ chớ không thể ví dụ như con đê vỡ sẽ có dòng nước trong được.
ĐÁP: Phật tử này nghĩ thiện tri thức nghịch hạnh giống như là mình muốn leo lên những bậc thang hay qua những dòng thác, nhờ những nghịch hạnh đó mà mình vượt qua được những cái khó khăn như vậy nghịch hạnh cũng là cái tốt, tu như vậy là hợp lý.
ĐÁP: Trường hợp Phật tử này đã ăn chay trường, giả sử như cha mẹ ở quê bảo mình cắt cổ gà hay đập đầu cá thì Phật tử này phải làm sao cho hợp lý? Tôi đề ra hai cách: Một là vì thương cha mẹ thì mình làm, mình chấp nhận chịu tội để cho cha mẹ được vui, vì lòng hiếu thảo mình chịu tội để cho cha mẹ được bữa ăn ngon thì tốt. Đừng đòi mình được hiếu mà lại không có tội nữa thì điều đó tham quá! Ngày xưa có vị Hòa thượng ở chùa Từ Hiếu, Ngài có bà mẹ già nên phải đi chợ mua cá về làm cho mẹ ăn, chấp nhận mình có tội để đền công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ. Trường hợp này đừng đòi hỏi làm mà không có tội thì không được. Hai là nếu Phật tử này có khả năng khuyên cha mẹ lần lần ăn chay luôn để mình khỏi phạm tội sát sanh thì tốt.
ĐÁP: Phật tử này chưa hiểu đạo lý nhiều nếu hiểu nhiều thì không có sợ. Trẻ nít sanh ra có ba vá giống như mấy ông đạo ở chùa. Đó là hiện tượng tốt, coi như mình có duyên với Phật pháp nếu nó khỏe mạnh thì lớn lên nó đi tu tiếp tục con đường của nó đã đi. Còn nếu nó ươn yếu bệnh hoạn khó nuôi, lỡ nó có đi thì cái duyên của nó không phải ở với mình. Thật ra người có duyên với mình dù cho bỏ lăn bỏ lóc nó cũng không đi. Bấy giờ muốn xác quyết được niềm tin phải làm thế nào để nó dễ nuôi thì tôi xác quyết thế này: Nếu đứa bé đó đối với người mẹ người cha thật là cái duyên cha mẹ của nó thì nó ở với quí vị. Còn nếu không phải duyên lâu dài thì nó có quyền đi đừng tiếc.
ĐÁP: Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật hoặc Nam mô Dược Sư Lưu Ly Phật v.v... bao nhiêu danh hiệu Phật trong Kinh nói, mỗi vị Phật giáo hóa mỗi nơi, mỗi vị có cái nguyện giáo hóa ở cõi đó chớ không phải tượng trưng. Còn chữ Nam mô là chữ Phạn, Trung Hoa dịch là Nẵng mồ, có chỗ dịch là Nạp mồ. Chữ này nguyên chữ Phạn mà Trung Hoa không dịch, nó có nhiều nghĩa như cung kính, kính lễ, thành tâm. Nếu dịch nghĩa này thì thiếu nghĩa kia, cho nên để nguyên chữ Nam mô. Đó là một từ nói lên lòng thành kính và hình thức cung kính của người đệ tử đối với các Ngài. Còn mỗi danh hiệu Phật là chỉ cho mỗi vị Phật truyền bá mỗi cõi chớ không phải tượng trưng.
ĐÁP: Điều này chỉ liên hệ với đạo Phật có vài từ ngữ là hội Long Hoa và Phật Di Lặc, còn hội Long Vân thì trong kinh Phật không có nói. Nhưng tôi xin nói cho quý Phật tử biết, những người nói hội Long Vân, hội Long Hoa là những người học đạo không chân chánh, họ dùng từ Long Hoa trong đạo Phật để kêu gọi người ta ráng tu gấp, hoặc nói chỗ này có Phật ra đời, chỗ kia có Phật ra đời, đó là lối thúc người ta tu thôi chớ không thật. Trong kinh Phật nói rằng sau khi giáo pháp đức Phật Thích Ca diệt rồi, không còn ai biết đến danh từ Phật, Pháp, Tăng là gì nữa thì đức Phật Di Lặc ra đời ở dưới cây Long Hoa, giống như Phật Thích Ca thành đạo ở dưới cây Bồ-đề vậy. Đó gọi là hội Long Hoa. Phải hiểu rằng khi nào chúng sanh không còn biết danh từ Phật, Pháp, Tăng, nghĩa là giáo pháp của Phật Thích Ca không còn lưu truyền nữa thì mới có Phật Di Lặc, vì không có hai vị Phật cùng một lúc ở một cõi. Tại sao vậy? Vì nếu ông Phật thứ nhất còn thì ông Phật thứ hai nói cái gì? - Nói chi cho dư. Thế nên giáo pháp đức Phật Thích Ca vẫn còn đang lưu truyền, mà ai đó xưng Phật thì không phải là Phật thật, quý Phật tử hiểu cho thật rõ chỗ đó thì khỏi sợ lầm. Xưng Phật, xưng Bồ-tát thì dễ mà thực hành hạnh Phật và Bồ-tát thì khó. Còn nói hội đồng Tam giáo xử phân thì tôi không tin điều đó, chỉ có nghiệp lành nghiệp dữ xử phân mình thôi chớ không có hội đồng nào xử hết. Mục Lục
|