Thiền Tông Việt Nam
Những Cánh Hoa Đàm (Tập 2)
Những Cánh Hoa Đàm (tt4)

HỎI: Kính bạch Hòa thượng từ bi giảng giải cho con ba điều:

1. Vị nào đứng ra thành lập đạo Phật?

2. Tại sao phải ăn tết nửa năm đúng vào ngày mùng năm tháng năm mà không ăn vào ngày khác?

3. Vị nào thành lập Tuệ Tĩnh đường? Con chân thành cảm niệm công đức Hòa thượng.

ĐÁP:

1. Hỏi vị nào thành lập đạo Phật thì dễ quá - Ông Phật chớ vị nào, tức là đức Thích Ca Mâu Ni chớ đâu có vị nào khác. Ngài ngộ đạo dưới cội Bồ đề, sau đó Ngài đến vườn Lộc Uyển giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như, từ đó mới có tăng đoàn. Khởi thủy của đạo Phật là do đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

2. Tại sao phải ăn tết nửa năm? Điều này hỏi ngoài đạo Phật một chút. Chuyện ăn tết mồng năm tháng năm là chuyện ở Trung Hoa chớ không phải ở Việt Nam, cho nên câu này hỏi các vị người Trung Hoa chắc rành hơn tôi.

3. Vị nào thành lập Tuệ Tĩnh đường? - Thật ra thành lập Tuệ Tĩnh đường không phải vị nào, mà sau này nhiều chùa muốn có chỗ để giúp đỡ người bệnh theo thuốc dân tộc Việt Nam, nên thành lập cơ sở để trị bệnh bằng thuốc dân tộc. Ngài Tuệ Tĩnh là Tăng sĩ giỏi về thuốc dân tộc ở đời nhà Lê, cho nên khi lập nhà thuốc để trị bệnh cho đồng bào, các chùa lấy tên Ngài, chúng ta thấy có nhiều Tuệ Tĩnh đường là vậy.


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng, lúc Phật còn tại thế mỗi khi đệ tử đến thưa hỏi việc gì thì bày vai bên hữu và đi nhiễu ba vòng là ý nghĩa thế nào?

ĐÁP: Đây là ý nghĩa theo hình thức nghi lễ, phong tục của Ấn Độ. Mỗi khi muốn thưa hỏi điều gì quan trọng thì các vị Tỳ-kheo trịch vai áo xuống để bày vai mặt ra, quỳ gối chắp tay thưa hỏi xong rồi đi nhiễu ba vòng, đó là tập tục của Ấn Độ. Về ý nghĩa thì trong Kinh giải thích bày vai hữu là để nói lên sự gánh vác của người hỏi đạo. Đức Phật hoặc thầy trả lời, người trò nhận và đảm trách gánh vác. Hành động này chứng tỏ nhận lãnh gánh vác việc lớn. Đi nhiễu ba vòng là tỏ lòng cung kính. Bây giờ chúng ta cũng hay đi nhiễu Phật nhiễu tháp để tỏ lòng cung kính.


HỎI: 
Những người tu hành đắc đạo sẽ được Phật thọ ký thành Phật, còn những người tu hành đắc đạo mà không được Phật thọ ký thì như thế nào?

ĐÁP: Nghe câu này quý vị có hồi hộp không? E rằng mai kia mình đắc đạo mà Phật không còn ở đây để thọ ký thì sao đây? - Sự thật không có gì phải lo hết, chúng ta sẵn có tánh giác được gọi là Phật tánh. Khi chúng ta dẹp hết phiền não vô minh thì tánh giác hiện ra thành Phật, có Phật thì Phật thọ ký, còn không có Phật thì mình đã thành Phật, Phật thọ ký chớ gì. Bởi vì từ ở trong ra chớ không phải ở ngoài vào, vì ở trong ra nên tới đó mình biết liền khỏi phải lo, chỉ lo phiền não vô minh chưa sạch thôi.


HỎI: 
Kính bạch Thầy, nếu người xuất gia tu hành gặp phải vị thầy ham mê ngũ dục, không lo dạy dỗ và cũng không biết dạy dỗ đệ tử. Vậy người đệ tử ấy bỏ đi nơi khác thì có lỗi phản thầy không?

ĐÁP: Câu hỏi này rõ lắm, trong hệ A Hàm có một bài kinh Phật dạy thế này: Người đi cầu thầy học đạo đến một nơi thiếu ăn thiếu mặc và ông thầy không dạy đạo lý gì cả thì nên ra đi sớm khỏi phải thưa trình với ông thầy. Và, nếu tới một nơi ăn mặc vật chất đầy đủ mà ông thầy không dạy đạo lý cũng phải ra đi không nên ở. Ngược lại tới nơi thiếu ăn thiếu mặc mà ông thầy đức độ, thường xuyên dạy đạo lý, thì phải ráng ở lại để được học và tu. Và nếu tới nơi đủ ăn đủ mặc vật chất đầy đủ ông thầy thường xuyên dạy tu học, dù có bị đuổi đi, các ông cũng xin ở lại để được học tu. Phật dạy quá rõ, quý vị không sợ phản thầy. Ngày xưa đức Phật đi tu, đầu tiên đến học với mấy vị tiên như A-La-Lam, Uất-Đầu-Lam Phất, nhưng khi thấy không đúng sở nguyện, Ngài ra đi. Vậy Phật bị lỗi phản thầy sao? Đó là lẽ thật, trừ ra mình tu thầy dạy đàng hoàng, đạo lý đầy đủ mà mình cứ mong ngóng chỗ này chỗ kia, kiếm danh kiếm lợi thì đó là phản thầy. Còn vì đạo mà tìm chỗ khác để học thì không có tội phản thầy.


HỎI: 
Ngài Địa Tạng nguyện chúng sanh trong địa ngục chưa hết thì Ngài chưa thành Phật, vậy thì Ngài cứ làm Bồ-tát hoài biết bao giờ mới được làm Phật? Xin Hòa thượng hoan hỉ giải đáp cho con.

ĐÁP: Phật tử này chưa thấu được lý Kinh. Trong Kinh nói: nếu còn một chúng sanh ở địa ngục thì Bồ-tát Địa tạng chưa thành Phật. Tôi xin hỏi bao giờ mới hết chúng sanh trong địa ngục? Cũng kinh Địa tạng nói: Chúng sanh vào địa ngục, được Bồ-tát độ ra, vừa độ xong ra ít hôm lại rớt xuống nữa. Giống như bắt cóc bỏ dĩa thì biết chừng nào mới hết chúng sanh trong địa ngục? Quý Phật tử đừng lo, thành Phật khi nào chúng sanh nơi tâm mình sạch chớ không nói chúng sanh ở ngoài. Chúng sanh còn mười điều ác đó là chúng sanh ở trong địa ngục. Như vậy xem lại tâm mình còn mười điều ác là lúc đó chúng sanh còn trong địa ngục, tâm mình hết mười điều ác thì chúng sanh ra khỏi địa ngục. Lúc đó mình thành Phật chớ gì! Tại vì quý Phật tử hiểu theo sự nên thấy khó.


HỎI: 
Bạch Thầy, nhờ Thầy chỉ bảo giùm con, khi linh hồn rời khỏi xác vô cùng đau đớn, lúc đó nếu không làm chủ được bản thân thì đi không đúng đường đã chọn. Sau đó thức tỉnh quay về có được không thưa Thầy?

ĐÁP: Tôi xin nhắc nghiệp có hiệu dụng khi lâm chung là tích lũy nghiệp và cận tử nghiệp. Tích lũy nghiệp là nghiệp chất chứa lâu ngày nên nó rất sâu dày. Thí dụ mỗi ngày tụng một thời Kinh hay ngồi thiền nửa giờ đều đặn hàng ngày như vậy cho đến già gọi là tích lũy nghiệp lành. Hoặc người thế gian không biết tu, mỗi ngày làm điều tội, điều ác cho đến già, nghiệp ác dồn lại nhiều gọi là tích lũy nghiệp ác. Như vậy nghiệp chất chứa từ khi biết tạo tác cho đến già hoặc tốt hoặc xấu, dồn lại thành sức mạnh rất lớn nó sẽ hướng mình đi tái sanh. Phật dạy, hằng ngày chúng ta tạo nghiệp lành hay nghiệp dữ tích lũy nhiều, khi gần chết tâm thức cứ nhớ nghiệp cũ. Vì mắt tai lúc đó không còn duyên với cảnh ngoài, mà chỉ còn tâm thức đang chuẩn bị chuyển thân, cho nên nghiệp nào mạnh nó hướng mình về cõi tương ưng với nghiệp đó.

Còn cận tử nghiệp là cái nghiệp lúc gần chết nó cũng mạnh như vậy. Ví dụ một người bình thường tạo nghiệp ác, nhưng lúc già bệnh gần chết nghe được một hai câu Kinh họ thức tỉnh, biết được lỗi lầm ăn năn sám hối. Hoặc nhờ thiện tri thức dạy dỗ nhắc nhở họ dẹp bỏ thói quen cũ, nhớ được những điều tốt mới thì lúc nhắm mắt những điều tốt mới tác dụng mạnh, họ đi theo cái mới đó là cận tử nghiệp.

Như vậy cả hai đều có tác dụng. Vì vậy người tu nghiệp lành cho đến khi gần nhắm mắt cũng nghĩ lành, lúc đó không nhớ điều ác, không thù, không giận, không oán trách ai, chỉ thuần một tâm lành thì nhất định đi đường lành không nghi ngờ. Còn nếu có giận hờn sống dậy trong lòng thì cái nghiệp đó có thể dẫn đi đường khác; mà dẫn đi đường khác chắc lâu lắm mới tỉnh, khó mà kéo lại. Vì vậy mà người lúc gần lâm chung phải nhờ thầy, nhờ bạn tới nhắc nhở cho hướng thiện, không cho niệm ác khởi, đó là cái cần thiết trong hộ niệm.


HỎI: 
Bạch Thầy, mỗi người chúng ta sinh ra là đã có tội, hoặc nặng hoặc nhẹ. Nhưng trước phút lâm chung người đó hối hận, tuy hối hận đã muộn màng. Vậy bạch Thầy hãy dạy cho con biết tội lỗi đó có hết không, khi chết tâm hồn có thanh thản không?

ĐÁP: Phật tử này quan niệm rằng ai sinh ra cũng đều có tội, nói như vậy e chưa đúng. Vì có người sanh ra thì có tội, có người sanh ra lại có phước. Thí dụ có người sanh ra mới tập ăn không ăn mặn được nên ăn chay luôn, rồi lớn lên đi tu thì có phước chớ đâu có tội. Hoặc giả có người sanh ra làm con các bậc vua chúa, tổng thống, vật chất đầy đủ đó là phước báo thế gian, đâu gọi là tội được. Có phước thì họ gặp duyên lành tốt, có tội thì gặp những chuyện xấu, chớ đừng nghĩ rằng sanh ra là đã có tội.

Nếu người có tội, giờ biết ăn năn hối hận buông bỏ hết mọi lỗi lầm, không chấp nê, tâm trong sạch thì người đó sẽ thanh thản. Còn chấp nê, còn giận hờn thì chưa thanh thản. Cho nên quý Phật tử khi trong nhà có người sắp lâm chung quý thầy thường dặn thân quyến không nên khóc, không nên tranh cãi nhau e cha mẹ buồn. Đó là sợ người bệnh biết được việc bất bình trong gia đình rồi nổi sân, đó là cận tử nghiệp rất nguy hiểm. 


HỎI: 
Xin Hòa thượng giảng giải cho con hiểu về những danh từ sắc thân, báo thân, pháp thân và hóa thân.

ĐÁP: Trong nhà Phật có những danh từ sắc thân, báo thân, pháp thân và hóa thân. Sắc thân là chỉ cho thân năm uẩn có hình tướng. Báo thân là thân do quả báo đời trước mà có. Người đời trước do tu nhiều phước lành nên sanh ra thân tốt đẹp, trang nghiêm ít bệnh. Đó là báo thân hiện. Người đời trước làm ác, ăn ở hung dữ, đời này thân xấu xí tật nguyền đó là báo thân ác. Còn pháp thân là thân bằng tinh thần, không có hình tướng nhưng hằng hữu không vắng thiếu, chỉ khi nào ngộ mới nhận ra. Hóa thân là thân do các vị tu đắc đạo rồi, muốn giáo hóa người nào đó, các Ngài hiện thân để độ. Nhưng trong kinh Phổ Môn Bồ-tát Quán Thế Âm cần độ người nữ thì hiện thân nữ, cần độ người nam thì hiện thân nam...  


HỎI: 
Kính xin Hòa thượng chỉ dạy cho con cách đặt các tượng Phật cho đúng vị trí. Hiện tại nhà con có một tượng Di Đà ở giữa bàn, bên trái đặt đức Quán Thế Âm, con muốn thờ thêm đức Phật Thích Ca và sẽ định đặt bên phải đức Di Đà. Như vậy về hình thức thì đẹp và trang nghiêm, nhưng theo lời chỉ dạy của Hòa thượng hồi ngày hai mươi chín tháng năm thì con thỉnh tượng Đại Thế Chí thờ nữa mới đúng. Kính bạch Hòa thượng con muốn thờ đức Phật Thích Ca để nhắc nhở con đừng đi lệch con đường mà Ngài đã vạch. Con cũng muốn duy trì đức Phật A-di-đà vì xưa nay ông bà con thờ vị Phật này, con cũng muốn thờ Bồ-tát Quán Thế Âm để có người mẹ hiền bên cạnh. Xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy.

ĐÁP: Phật tử này muốn thờ cho trang nghiêm mà muốn Phật Di Đà để lại, Phật Thích Ca thỉnh về, muốn thờ Bồ-tát Quán Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí nữa. Bây giờ tôi giải thích về cách thờ phượng đại khái cho nhớ rồi tùy sở nguyện mà thờ chớ tôi không bắt buộc. Đúng ra ở chùa hay nhà Phật tử chúng ta thờ một đức Phật là đủ, nếu tu căn bản theo Phật Thích Ca thì thờ Phật Thích Ca, nếu tu pháp môn Tịnh Độ cầu sanh cực lạc thì thờ Phật A-di-đà. Còn nếu thấy một vị chưa đủ thì tôi đề nghị theo nguyên tắc thờ, nếu là Phật Thích Ca ở giữa thì bên phải là Bồ-tát Văn Thù, bên trái là Bồ-tát Phổ Hiền, gọi là hai vị trợ hóa giúp cho Phật Thích Ca giáo hóa. Còn nếu thờ Phật A-di-đà ở giữa thì bên phải thờ Bồ-tát Quán Thế Âm, bên trái thờ Bồ-tát Đại Thế Chí cũng là hai vị Bồ-tát trợ hóa. Vậy tùy Phật tử chọn mà thờ.


HỎI: 
Tụng Sám Hối Sáu Căn có những câu con chưa hiểu: "Chợt mắt dối sanh mờ đường chánh kiến... Lòa mắt chưa sanh bản lai diện mục... Khổ tứ lao thần, đều từ tham nghiệp...". Xin Hòa thượng từ bi giảng dạy.

ĐÁP: 

1. "Chợt mắt dối sanh mờ đường chánh kiến" nghĩa là khi chúng ta dấy niệm chạy theo cảnh thì lúc đó con mắt của mình giống như mắt bịnh thấy hoa đốm trong hư không, nhưng hoa đốm không có thật. Do thấy hoa đốm mà không thấy được bầu hư không trong lặng. Cũng vậy vừa dấy niệm chạy theo cảnh thì chánh kiến của mình bị lu mờ.

2. "Lòa mắt chưa sanh bản lai diện mục", bản lai diện mục sẵn có nơi mỗi người nhưng vì mắt lòa không thấy nên gọi là chưa sanh. Vì mắt lòa, vì mê lầm còn nhiều nên chưa nhận ra bản lai diện mục.

3. "Khổ tứ lao thần, đều từ tham nghiệp", chữ Tứ là nói theo tiếng Việt, chữ Hán là Tư như tâm tư. Khổ tứ là chỉ cho khổ tâm, khổ về những cái suy nghĩ của tâm. Chữ Tứ là Tư, nhưng quen đọc tứ để ăn vận trong câu văn; lao thần là nhọc nhằn. Khổ tứ lao thần là tâm tư nhọc nhằn về những cái lo nghĩ do lòng tham dấy khởi.


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng, những người bạn lối xóm con có thói quen cúng sao, cúng hạn, giải tam tai, cúng cô hồn, đem muối gạo rãi ra đường cho người khuất mặt và chim chóc ăn. Từ lâu bản thân con đã bỏ hẳn thói quen này. Họ hỏi tại sao? Con nói vì tin vào luật nhân quả, nghiệp tốt xấu đến là do hành động thiện ác của mình đã tạo. Hôm nay các bạn này lần đầu đến Thiền viện Thường Chiếu và thành tâm xin Thầy từ bi chỉ dạy làm như vậy có đúng không?

ĐÁP: Phật tử này hỏi giùm một số bạn mà hôm nay có mặt nên tôi trả lời trước. Có một số Phật tử lâu nay có thói quen là cái gì cũng tin hết mà tin rất sâu.

Bây giờ tôi nói về cúng sao, cúng hạn, cúng tam tai, ba cái đó từ đâu mà có quý vị có biết không? Đạo Phật không dạy mà những tập tục này phát xuất từ lịch sách của người Trung Hoa. Ngày xưa mấy ông Đồ coi lịch rồi cúng giùm cho dân. Ngày nay mấy ông Đồ không còn hoạt động nữa, không ai biết chữ Hán, nên Phật tử muốn cất nhà, muốn định vợ gả chồng, muốn được một năm bình yên, không biết làm sao, nên đem cuốn lịch vô chùa nhờ thầy coi giùm rồi nhờ thầy cúng luôn. Lâu ngày thành thói quen cho nên mỗi năm tới ngày mồng tám tháng giêng thì có cúng sao.

Bây giờ tôi hỏi, quý Phật tử mỗi năm đều cúng sao, vậy năm nào cũng bình yên hết hay là khi thì an, khi thì bất an? - Khi an khi bất an như vậy thì đâu phải cúng mà được an. Tôi thường nói nếu cúng mà bình an suốt năm thì quí Thầy quí Cô sẽ ghi tên mình trước lá sớ để cầu cho mình được an. Nhưng quí Phật tử có thấy quí Thầy quí Cô để tên mình vào lá sớ không? Không, như vậy là quí Phật tử nghiệm lại coi, cái gì người ta không tin mà làm thì có kết quả không? Không có kết quả, vậy thì làm chi cho mất công.

Còn việc cúng gạo muối ngoài đường cũng là thói quen thôi chớ không phải sự thật, nói cúng cho người khuất mặt, mà người khuất mặt là người đã chết rồi. Như vậy mình quăng gạo muối ra đường người ta có ăn được không? Cúng cơm trong nhà đàng hoàng thì còn có thể hưởng được chớ gạo muối làm sao mà ăn. Còn cô hồn là gì? - Cô là lang thang cô độc, hồn là những vong hồn. Cô hồn là những vong hồn lang thang cô độc. Đạo Phật gọi là ngạ quỷ tức là quỷ đói. Thường ở chùa mỗi buổi chiều có cúng thí cô hồn bằng cháo muối, tụng chú để biến thực biến thủy tưởng nó nhiều ra cho cô hồn ăn, đó là lòng từ bi. Còn Phật tử cho gạo muối làm sao họ ăn được, đó là việc làm không hợp lý mà là vì thói quen thôi.

Tôi chủ trương làm việc thì phải có ý nghĩa và thực tế. Trong cuộc sống của chúng ta, xung quanh mình kẻ có phước thì được ấm no sang trọng, kẻ vô phước thì đói thiếu cơ hàn. Với người cơ hàn chúng ta giúp đỡ cho họ được no ấm, việc làm này thực tế hơn và lòng mình an ổn hơn. 


HỎI: Kính nhờ Hòa thượng giảng giải cho con vài điều sau đây: Thế gian thường nói ông bà cha mẹ làm lành để đức cho con cháu, hoặc con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ. Theo Phật giáo việc đó như thế nào? Có phải cha mẹ làm điều lành nên được con hiền dâu thảo, và người con này có sẵn nhân lành nên mới vào làm con, hoặc con không có sẵn nhân lành, nhờ ân đức của ông bà cha mẹ nên hưởng được phước lành?

ĐÁP: Kinh sách nhà Phật nói điều này rõ lắm, Phật dạy chúng ta tùy theo nghiệp duyên lành dữ mà có sự cảm ứng khi tái sanh, nhưng cũng có trường hợp cá biệt là nợ nần gặp nhau để trả. Thí dụ người đó dữ nhưng ngày xưa mình thọ ơn họ nên bây giờ gặp để trả... Trường hợp cha mẹ lành sanh con lành người ta tưởng do cái nhân lành của đứa con trước đã có, nên chiêu cảm được cái nhân tốt của cha mẹ, gọi là đồng nghiệp cảm ứng. Chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Trong sách có câu thế này: "Tử tôn tự hữu tử tôn phước, bất vị tử tôn tác mã ngưu". Con cháu nó có phước riêng của con cháu, đừng vì con cháu mà làm trâu làm ngựa. Câu này quí vị nhớ giùm. Có nhiều người bảy tám mươi tuổi vẫn còn lo cho con cháu, lo chưa tới đã ngã ra chết. Họ không hiểu được ai ra đời cũng có cái phước riêng. Có nhiều người con cha mẹ mất sớm vẫn làm nên sự nghiệp, cho nên đừng vì con cháu mà lo cho nó hoài tới ngày chết không làm được gì cho mình rồi phải bị đọa.


HỎI: 
Kính thưa Thầy, con thấy đời nay có nhiều người giàu có, nhưng keo kiệt bỏn xẻn, không bố thí cho người nghèo, không đi chùa, không cúng dường. Như vậy quả có lẽ đời trước họ hay cúng dường bố thí nên quả lành đã trổ là được giàu có, sao tập khí lành không có?

ĐÁP: Điều này chắc quý Phật tử có nghe tôi giảng kinh A Hàm mấy năm về trước, đức Phật dạy có bốn hạng người: Người từ tối đến sáng, người từ sáng đến sáng, người từ sáng đến tối, người từ tối đến tối.

1. Người từ tối đến sáng là người sanh ra trong cảnh khổ đau nghèo thiếu (tối) nhưng bây giờ họ lại phát tâm tốt cứu giúp người khổ hơn họ, hoặc người bị tai nạn. Tuy họ ở trong cảnh tối nhưng tâm họ sáng suốt, về sau họ sẽ được quả tốt, đó là từ tối đến sáng.

2. Người từ sáng đến sáng là những người khi sanh ra đời có phước ở trong hoàn cảnh tốt đẹp, từ trong hoàn cảnh tốt đẹp họ lại phát tâm từ thiện giúp đỡ mọi người, đó là hạng người từ sáng đến sáng.

3. Người từ sáng đến tối là họ đang ở trong cảnh sung sướng có phước, song họ lại keo kiệt bỏn xẻn, trong đời này tuy họ sáng nhưng sẽ trở lại tối.

4. Người đang ở trong cảnh xấu xa khổ sở mà lại hung dữ, làm nhiều điều tội ác. Đời nay đã tối, đời sau lại càng tối hơn, đó là từ tối đến tối.

Trường hợp Phật tử hỏi là người đang sung sướng có của mà tâm bỏn xẻn thì đó là từ sáng trở đi vào tối.


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng, ví như có người chức quyền giàu sang nhưng họ hống hách với dân chúng, chẳng hạn giám đốc đè ép người dưới quyền, nhưng họ lại biết đi chùa, biết cúng dường hoặc làm từ thiện xã hội v.v... Như vậy đời sau họ lại hưởng phước được giàu sang quyền thế, rồi lại quen tánh hách dịch cửa quyền nữa sao? 

ĐÁP: Phật tử này hỏi kỹ quá! Quý vị nhớ tôi thường nói rằng sanh làm người là có phước hơn sanh làm con thú. Nhưng có nhiều người mà bần cùng khổ sở, không đủ ăn, không đủ mặc. Ngược lại, những con thú như chó Bẹc-giê mấy ông nhà giàu nuôi thì ăn thịt bò, bệnh thì đi bác sĩ. Như vậy là có phước hơn người nghèo khó phải không? - Đứng về mặt ăn uống thì nó có phước hơn, nhưng cái nghiệp làm thú thì có tội hơn. Như vậy ai làm phước vẫn được phước mà làm tội vẫn bị tội, cho nên Phật dạy thân này là tổng báo, tức là quả báo chung. Nếu người đó hung hăng hách dịch đàn áp người ta thì là tội phải bị đọa, nhưng mà cúng chùa, làm từ thiện thì có phước họ vẫn được hưởng. Như con vật được vào gia đình giàu có no đủ hơn con người. Phần nào có nhân quả riêng của phần đó chớ không mất. 


HỎI: 
Người cha người mẹ kiếp trước thiếu nợ, nên đời này chủ nợ đầu thai làm con để đòi nợ, vì đòi nợ nên người con phá của, chơi bời lêu lổng. Như vậy người con vốn là người đòi nợ có phạm tội bất hiếu không?

ĐÁP: Quý vị trả lời giùm tôi coi có phạm tội không? - Tôi khẳng định là phạm. Vì sao? Biết rằng nợ đời trước gặp lại là trả, nhưng mình có nhớ đâu phải không? Nếu nhớ là mình đã chứng thiên nhãn thông, túc mạng thông. Vì mình không nhớ nên bây giờ mình chỉ biết mình là con; là con mà phá của thì có tội bất hiếu ngay. Chỉ khi nào mình nhớ mà mình đòi thì không có tội bất hiếu.


HỎI: 
Kính thưa Hòa thượng: Có người cúng dường Phật và các vị Thánh tăng, khi mất người đó được sanh thiên. Có người tu tập thiền khi mất được sanh thiên hưởng phước báo, còn có người tu thiền định đắc từ sơ thiền trở lên khi mất sau cũng được sanh thiên và được phước báo thù thắng hơn?

ĐÁP: Tu thiền có nhiều lối tu, thường thường tu thiền chứng từ sơ thiền đến tứ thiền thì gọi là phàm phu thiền. Vì phàm phu thiền nên kết quả được sanh cõi trời sắc giới. Người làm lành làm phước kết quả cũng được sanh cõi trời dục giới. Cõi sắc giới thì thù thắng hơn, sống lâu hơn vì nhờ sức thiền định nhưng vẫn còn ở trong cõi phàm phu thiền. Còn thiền đi tới giải thoát phải đi qua tới các thiền Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Cho nên chứng sơ thiền, nhị thiền tới tứ thiền phải dùng trí tuệ, quán tứ đế, quán tứ niệm xứ v.v... mới tới giải thoát, nếu dừng ngang đó thì thuộc phàm phu thiền.


HỎI: 
Ngài Ương Quật Ma La và Mục Kiền Liên do tạo nghiệp sát hại nên sau bị người ném đá và giết chết, nhưng kẻ xúc phạm đến hai vị thánh tăng đó là do nghiệp lực xui khiến họ làm như vậy, thế họ có bị quả báo không?

ĐÁP: Đây là trường hợp quả báo đời này đời nọ liên tục. Tuy các Ngài phải trả quả trước cho hết, nhưng người có ác tâm hại các Ngài thì vẫn phải trả quả. Quả đó không phải do các Ngài đòi mà do ác tâm của người kia đã tạo. Phật dạy chúng ta tu, ân oán nên giải chớ không nên kết. Kết thì ân oán chồng chất muôn đời không hết. Ví dụ ai đó trước làm khổ mình, bây giờ mình có thế lực, muốn trả lại cho đã giận thì đó là kết, vì họ gây nhơn mình trả quả, mà khi trả quả thì tạo nhơn mới, nó không cùng, cho nên ngang đây xả bỏ thì sẽ dứt.


HỎI: Có người tham lam trộm cắp bị bắt bỏ tù. Vậy sau này người đó có còn trả quả nữa không?

ĐÁP: Nếu người tham lam trộm cắp bị tù phạt ba năm, bảy năm, hết tù ra, ngang đó họ hối cải làm lành thì hết trả. Còn nếu tiếp tục thì trả quả liên miên.


HỎI: Người thâm lạm công quỹ (tham nhũng) sau này họ bị quả báo ra sao, nếu như họ trốn khỏi hay qua mặt pháp luật thế gian?

ĐÁP: Người thâm lạm công quỹ thì quả báo không tốt, ra sao thì tới đó biết, bây giờ không thể nói trước, chỉ biết có lòng tham lường gạt của công của tư đều là có tội, mà có tội thì phải trả, hoặc trả trong trường hợp công hoặc trả trong trường hợp tư tùy theo duyên nghiệp của họ. 


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng, tất cả chúng sanh sao người sanh nước này người sanh nước khác? Như người sanh vùng biên địa hạ tiện thì cho rằng đó là thiếu phước, nhưng nếu có dịp nào đó họ được sang nước ngoài sống đầy đủ vật chất như vậy làm sao khẳng định người đó thiếu phước?

ĐÁP: Câu hỏi này quy định không được hợp lý. Hỏi tại sao người sanh nước này người sanh nước khác thì đó là tùy duyên, ai có duyên đâu thì đến đó. Còn nói người ở biên địa có dịp ra nước ngoài họ sống sung sướng như vậy họ có phước hay vô phước? - Chữ biên địa hạ tiện trong Kinh dùng là để chỉ những người ở vùng ranh giới, hoặc ở chỗ bờ biển, hoặc chỗ rừng sâu là chỗ ít gặp thiện hữu tri thức. Như hiện giờ quý Phật tử thấy người ở thành phố học đạo dễ hơn người ở miền quê. Vì ít phước sanh nhằm nơi đó không gặp được thiện hữu tri thức chớ không phải ít phước là nghèo. Trong nhà Phật nói ít phước là khó gặp thiện hữu tri thức, khó có cơ hội gặp đạo, hiểu đạo. Vì vậy ở biên địa có người vẫn giàu, mà nếu ở xứ mình chưa giàu, mà nếu ở xứ mình chưa giàu, họ qua xứ khác để làm giàu, tuy giàu nhưng chưa chắc họ hiểu đạo bao nhiêu.

Mục Lục