Thiền Tông Việt Nam
Phụng Hoàng Sách Tấn Tập 1 (2005)
Lời Đầu

Hơn mười năm Hòa thượng hướng dẫn Tăng, Ni tu học tại Thiền viện Trúc Lâm. Những năm tháng đầu, vì chúng tôi là một nhóm hợp chủng Tăng Ni từ tứ phương qui tụ về, nên Hòa thượng phải luôn răn nhắc, quở rầy để khép chúng tôi vào khuôn khổ lục hòa. Vì vậy, những lời Hòa thượng dạy Tăng, Ni trong thời gian đó, chúng tôi góp nhặt để tựa là Phụng Hoàng Cảnh Sách.

Những năm về sau, “trâu” khá thuần thục, chúng tôi đã dần đi vào nề nếp, Hòa thượng chỉ cần có mặt để đinh ninh dặn dò chớ không cần “dây, roi”. Thời gian không còn dài, ông lái đò sau những năm trường đưa khách sang sông cần phải gác chèo ngơi nghỉ, làm cái việc “tạo kế sống lâu dài cho con cháu”, nên Người luôn ân cần sách tấn chúng tôi. Vì vậy, lời dạy trong những năm này, chúng tôi để tựa là Phụng Hoàng Sách Tấn.

Xâu suốt trong những quyển Phụng Hoàng Sách Tấn, Hòa thượng đã gợi nhắc chúng tôi biết bổn phận gìn giữ kho báu nhà mình và hướng dẫn đường đi cho người học thiền. Nhất là Người luôn mong mỏi chúng tôi phải sống đúng lục hòa, thành một đoàn thể Tăng thanh tịnh.

Giống như đàn ngỗng cùng bay về phương nam(*), Người dạy chúng tôi phải biết chia sẻ những khó khăn, những gánh nặng với người đang ở đầu con sóng, luôn tin tưởng, dìu dắt lẫn nhau cùng bước theo một nhịp tiến.

Không có bước chân nào không gây tiếng động, không có việc làm nào không kết quả. Sau những năm tháng miệt mài chăn dắt, mớm mồi cho đàn chim non, đã có không ít những chú chim trưởng thành tung cánh bay xa, thực hiện hoài bão “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”.

Ngôn từ bút mực không thể diễn tả hết tâm lão bà của Hòa thượng đối với Tăng, Ni chúng tôi, chỉ có “lòng tàn xin giữ chút lòng son” chúng con xin cung kính dâng Người. Và dù phước mỏng nghiệp dày chúng con cũng nguyện hứa gìn giữ lý tưởng tối hậu của đời Người.

Kính ghi

Mùa an cư PL. 2549 - DL. 2005

Ni chúng Thiền viện Trúc Lâm


(*) Vào mùa thu, bầy ngỗng bay về phương nam để tránh đông theo hình chữ V. Mỗi khi một con vỗ đôi cánh của mình, tạo một lực đẩy cho con ngỗng bay ngay sau nó. Bằng cách này chúng tiết kiệm được bảy mươi mốt phần trăm sức lực so với khi chúng bay từng con.

Khi con ngỗng đầu đàn mỏi mệt nó sẽ chuyển sang vị trí bên cạnh và một con ngỗng khác sẽ dẫn đầu. Tiếng kêu của bầy ngỗng đằng sau sẽ động viên những con đi đầu giữ được tốc độ của chúng.

Cuối cùng, khi một con ngỗng bị bệnh hay bị thương rơi xuống, hai con ngỗng khác sẽ rời khỏi bầy cùng xuống để bảo vệ ngỗng bị thương. Chúng sẽ ở lại cho đến chừng nào con bị thương có thể bay hoặc chết, khi đó chúng sẽ nhập vào một đàn khác để tiếp tục bay về phương nam.

Mục Lục