Thiền Tông Việt Nam
Thập Mục Ngưu Đồ - Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng
Tranh Số 1 - Tìm Trâu

CHÁNH VĂN:

Lời dẫn:

Từ trước đến giờ vốn chẳng mất, cần chi phải đuổi tìm, do trái với tánh giác mà thành xa cách, hướng theo trần lao mà thành khuất lấp. Đối với quê nhà càng xa xa dần, lối tẻ chợt sai lầm, được mất dấy lên, phải quấy đua nhau khởi.

GIẢNG:

Bức tranh đầu tiên là "Tìm Trâu". Vậy tìm trâu là tìm cái gì? Tức là tìm lại bản tâm mình chứ gì? Như thế phải chăng là tìm con trâu tâm của chính mình chớ không gì khác? Và nếu như thế thành ra mình mất bản tâm cho nên mới đi tìm, chứ không mất đi tìm làm chi? Tại sao bản tâm chính mình lại mất? Phải chăng mình mất chính mình? Đây là điều chúng ta thấy mâu thuẫn nhưng phải làm. Chúng ta thử tìm lại kỹ việc làm này, là việc làm gì? Nếu mà tìm bản tâm , lấy cái gì đi tìm bản tâm mình? Rõ ràng là đem tâm đi tìm tâm hay là đem chính mình đi tìm chính mình. Trong nhà Thiền các Thiền sư thường nhắc hình ảnh cỡi trâu đi tìm trâu là do vậy.

Nếu là người lanh lợi, khi gọi là đi tìm trâu, tìm bản tâm, tìm tánh giác, ngay đó tìm lại cái đang đi tìm mới là chính xác. Còn gọi là tìm bản tâm, tìm tánh giác mà tham cứu cái này cái kia, rồi quên mất cái đang đi tìm, quên soi tìm lại cái đang đi tìm thì tốn rất nhiều công phu. Chỉ cần ngay đó nhớ soi trở lại cái đang đi tìm đó là điều chính xác nhất, xem như đỡ công phu biết bao nhiêu.

Các Thiền sư không dạy chúng ta đi tìm chỗ này chỗ kia, khi chúng ta đến với các Ngài, các Ngài thường dạy: "Ta không có một pháp cho người thì tìm cái gì?" Nghĩa là các Ngài muốn nói: Ta chỉ nhổ đinh tháo chốt, phá các tình chấp cho các ông thôi, không có gì khác hết thì đến tìm cái gì?

Thiền sư Huệ Hải dạy: Thiền khách! Tôi không có hội Thiền, trọn không có một pháp chỉ dạy cho người, vậy thì không phiền các vị đứng lâu. Thôi hãy tự đi nghỉ đi. Hãy đi nghỉ đi, là vì Ngài không có gì để dạy cho các vị ấy. Tìm trâu là tìm như vậy.

Thiền sư Lâm Tế bảo: Vì tâm các Ông chạy khắp tất cả chỗ, tìm cầu không thể thôi dứt. Sau đó Ngài quát to, trách: Bậc trượng phu ôm đầu tìm đầu, các ông hãy ngay lời nói tự soi sáng trở lại chẳng tìm kiếm riêng gì nữa, thì biết rõ thân tâm cùng Phật Tổ không khác, Ngay đó vô sự mới gọi là được pháp. Tìm trâu là như vậy. Ngay đây dừng và quay trở lại, soi trở lại nơi mình, thì biết rõ thân tâm cùng Phật Tổ không khác, là thấy được trâu, chứ không phải tìm cái gì khác. Còn tìm thì Ngài bảo là: "Ôm đầu tìm đầu."

Thay vì nói chúng ta đi tìm cái này cái kia, các Ngài nhắc chúng ta tìm trở lại ngay cái đang đi tìm, đó là cái căn bản. Còn không biết cứ chạy ra ngoài tìm, càng tìm càng xa.

Một hôm, Thiền sư Địa Tạng thượng đường, có hai vị tăng bước ra làm lễ. Vừa mới bước ra lễ Ngài liền bảo:

- Cả hai đều lầm.

Hai vị tăng ấy lầm chỗ nào? Vừa mới bước ra chưa thưa hỏi thì lầm cái gì? Bởi vì bước ra làm lễ, lễ là định hỏi, hỏi tức hướng ra bên ngoài, cho nên Ngài nói là lầm. Đó là nhắc chúng ta trở về. Nghĩa là ngay khi vừa hỏi là mình phải soi trở lại hỏi cái đang hỏi là cái gì. Đó là xong việc. Tìm trâu là tìm ngay chỗ đó.

Ở đây nói: Từ trước đến giờ vốn chẳng mất, cần chi phải đuổi tìm, bởi do trái tánh giác mà thành xa cách, hướng theo trần lao mà thành khuất lấp. Như vậy, ở đây đi tìm là tìm cái chẳng mất, chứ không phải tìm cái đã mất. Vì bản tâm là cái của chính mình mà sao mình lại đi tìm nó? Nếu mà tìm được thì tâm của ai chứ không phải của mình.

Thiền sư Đơn Hà nhấn mạnh: Tất cả mọi người các ông đều có một chỗ đất ngồi, lại nghi cái gì? Thiền đâu phải là vật để cho các ông hiểu? Đâu có Phật mà khá thành. Nghĩa là mọi người đều có một chỗ ngồi vững vàng không ai động đến được, còn tìm cái gì nữa. Đây gọi là từ trước đến giờ vốn không mất, không phải đi tìm.

Bây giờ kiểm lại chúng ta mới thấy thật đáng thương cho chính mình. Đang có một chỗ sống vững vàng, vậy mà không hay biết rồi đi kiếm, gọi đó là cái mê của mỗi người. Ở đây gọi là bất giác. Do bất giác tự quên mình, tưởng đâu là mất mình, mất bản tâm cho nên đi tìm. Thành ra đang ở trong cái không hai mà biến thành ra có hai, tức có người đi tìm, có đối tượng đi tìm là con trâu. Như vậy là sao? Có tâm đi tìm, lại có thêm một cái tâm nữa bị tìm. Kinh Lăng Nghiêm có nói: "Trong chỗ không đồng khác mà biến thành đồng khác." Ban đầu không có hai, nhưng rồi biến thêm thành có cái nữa. Chúng ta ai cũng vậy, luôn luôn tưởng tượng có một bản tâm nào đó để mà hướng về, vậy là có thêm một cái bóng gì nữa, nên đã thành hai rồi, do đó gọi việc làm của chúng ta đây là sai khiến tâm đi tìm tâm.   

Như trong chiêm bao khi chúng ta đang nằm mơ mơ rồi ngủ, khi ngủ thì mơ màng có thêm một người thứ hai nữa. Người này cũng đi đây đi đó ..., có khi cũng lo buồn sợ hãi ..., có khi sống cả cuộc đời trong đó nữa. Nếu như thật có người đó, thì có người nào thấy lại người đó? Lại có khi trong chiêm bao chúng ta thấy bị giặc đuổi, chạy bán sống bán chết. Vậy ai thấy lại cái người đang chạy đó? Thành ra giống có hai người, (có thêm cái bóng của mình trong đó). Nếu không có người thấy lại, chỉ có một người thôi, thì ai thấy người bị rượt chạy? Thế nên, chúng ta thấy rõ từ một người biến thành hai. Đây cũng vậy, trong một biến thành hai, có người đi tìm và có người bị đi tìm. Và hiện giờ có phải mỗi người chúng ta đang sống với tình trạng đó không? Ai cũng có hai cái tôi: Một cái tôi đi tìm và một cái tôi bị đi tìm, do đó gọi là bất giác.

Do gốc bất giác, trái với tánh chân của mình mà thành xa cách, hướng theo trần lao mà thành khuất lấp. Vì đã chạy theo duyên trần, mà duyên trần luôn luôn thay đổi vì thế mà thành xa cách rồi bị khuất lấp. Duyên trần thay đổi, theo nó mình cũng thấy luôn luôn thay đổi theo, rồi chúng ta tưởng đâu mình thiếu cái gì và bắt đầu khởi sự đi tìm kiếm. Sự thật chúng ta không thiếu mà dư một cái tôi, rồi dư quá nhiều nữa, nếu kiểm lại thì việc đó rất nguy hiểm mà ít ai để ý.

Thiền sư Vân Môn nói rằng: Tại vì các ông gốc tin cạn mỏng, nghiệp ác quá sâu dày cho nên đột nhiên mọc quá nhiều sừng ở trên đầu, rồi quãy đãi bát đi ngàn dặm muôn dặm chịu khuất người. Vả lại các ông có chỗ nào chẳng đủ, kẻ trượng phu ai mà vô phần. Ngài dạy, vì do lòng tin của chúng ta quá cạn mỏng, không tự tin nên quảy đãy bát đi xa, chịu khuất phục người, gọi là mọc quá nhiều sừng ở trên đầu. Đầu mọc sừng là khởi đủ thứ niệm, mọc đủ thứ tâm, nào là buồn, thương, giận, ghét, được, mất, hơn, thua ..., mọc đủ thứ sừng là như thế. Ban đầu từ trong cái thể không hai, vốn không chân vọng, rồi chia ra gọi là có chân có vọng, có thức có trí, có mê có giác ..., có tâm tật đố, có tâm kiêu mạn, giận hờn ..., tức là đã chia ra quá nhiều, nên mới nói dần dần xa cách khuất lấp bản tâm. Thế nên, nhìn lại chúng ta thấy mình quá dư chứ không thiếu, mà ai cũng tưởng mình thiếu nên đi tìm.

Bây giờ tu là không thêm gì hết chỉ "buông" thôi, chúng ta dư quá nhiều rồi, buông hết những cái dư đó là xong việc, còn có thêm cái gì nữa là chưa phải. Ở đây nói rõ Do trái tánh giác mà trở thành xa cách, bởi theo vọng trần thành khuất lấp, nên sanh đủ thứ chuyện, đó là chỗ đau đớn cho mọi người tu chúng ta. Hiện mỗi người chúng ta đang ngồi đây mà ông chủ ở chỗ nào? Con trâu của chúng ta đâu? Thế nên gọi là chúng ta đang sống theo tình thức phân biệt, vì thế mà Đối với quê nhà càng xa dần, lối tẻ chợt sai lầm, phải quấy đua nhau khởi. Lối tẻ là theo tình phân biệt rồi đi mãi trong sáu trần, lúc thì ở sắc trần này, rồi qua thanh trần kia ..., cứ thế mà xa mất quê nhà, quên mất bản tâm mình, không còn thấy dấu trở về.

Bây giờ đây chợt tỉnh trở lại, muốn trở về nhưng không biết đâu là lối về, vì trâu đã đi hoang quá lâu, mất dấu trở về, nên trông quê nhà như còn xa xôi diệu vợi vậy. Do vì biến mất, phải tìm trở về, qua hình vẽ chúng ta thấy chú mục đồng đứng ngơ ngác, chơ vơ, ngó quanh không biết ở đâu! Nhưng nếu biết nhìn kỹ, thấy được "con mắt" trong đây là thấy được chỗ trở về chỗ nào? Nghĩa là muốn tìm lại là phải buông các niệm được mất, phải quấy ..., đó gọi là lối tẻ thì chợt sai lầm, phải quấy đua nhau khởi, thảy đều do thức tình phân biệt mà có. Tóm lại, người muốn trở về thì "con mắt" trở về đó là buông các niệm phải quấy, tốt xấu ..., đó là ngầm chỉ trở về. Người mà thấy được "con mắt" đó gọi là khéo thấy chỗ trở về.

 

CHÁNH VĂN

Tụng:

Mang mang bát thảo khứ truy tầm

Thủy khoát sơn diêu lộ cánh thâm

Lực tận thần bì vô mích xứ

Đản văn phong thụ vãn thiền ngâm.

Dịch:

Bôn ba vạch cỏ ruỗi rong tìm

Nước rộng non xa lối xa thêm

Đuối sức mệt đừ không chỗ kiếm

Phong chiều riêng chỉ tiếng ve ngâm. 

GIẢNG:

Bôn ba vạch cỏ ruỗi rong tìm: Biết mất trâu bây giờ bôn ba chạy tìm, cũng là điều hay. Còn hơn bao nhiêu người cứ để mặc nó mất, hoặc là không biết đến. Đây chỉ là hình ảnh Thiền giả có tâm tỉnh lại, lo đi tìm thầy hỏi đạo, để quyết tìm cho ra cái lẽ thực mà mình đã quên, tức cái bản tâm của mình xưa nay sẵn có.

Nước rộng non xa lối xa thêm: Càng tìm càng thấy xa, xa diệu vợi, phải làm sao đây? Lỗi tại chỗ nào? Nếu thấy được lỗi này là thấy được lối ra. Đó là vì rong ruỗi tìm nhưng mà hướng ngoài tìm kiếm, nên càng tìm càng xa. Bản tâm chúng ta đâu phải tìm ờ ngoài hay đâu đó. Con trâu thật không có ở trong ngôn ngữ hay sách vở, moi móc trong đó tìm thì không bao giờ thấy.

Thiền sư Lâm Tế có bảo rằng: Người học đạo hiện nay cốt phải tự tin chớ có tìm kiếm bên ngoài, thảy là lên trên cảnh trần rỗng của người khác thôi, đều chẳng nhận rõ tà chánh, chẳng hạn có Phật có Tổ chỉ là việc ở trên kinh giáo để lại thôi.

Ngài dạy: Người học đạo hôm nay cốt phải tự tin lại nơi mình đó là việc chính, không nên tìm cầu bên ngoài. Bên ngoài được xem như chạy lên cảnh trần rỗng của người khác để lại. Nếu tìm được đó là của ai chứ không phải của mình. Khi hiểu được đạo lý này, đạo lý nọ chúng ta tưởng rằng hay. Song cái lý đó cũng là cái lý bị hiểu thôi, là cái lý chết, không phải cái lý sống vì của người khác nói lại. Còn Phật Tổ cũng chỉ là danh từ. Vậy muốn tìm lại chính mình thì phải dừng lại, chớ hướng ra ngoài tìm, vì càng tìm càng xa.

Đuối sức mệt đừ không chỗ kiếm: Tìm mãi, mệt mỏi phí sức mà không thấy bóng dáng trâu, hết còn sức để đi tìm và không biết tìm đâu nữa, đuối sức mệt rồi.

Phong chiều riêng chỉ tiếng ve ngâm: Cuối cùng khi bóng chiều buông xuống (chúng ta giống như chú mục đồng), đứng bơ vơ một mình giữa cảnh rừng núi bao la, chỉ nghe giọng ve sầu kêu réo rắt trên cây phong. Cho thấy một cảnh thật cô đơn - Rất cô đơn. Buổi chiều buông xuống là đêm sắp về, trâu chẳng biết ở đâu, một mình cô đơn, giữa cảnh đất trời mênh mang. Song chính sự cô đơn này lại là hay. Tại sao? Nếu có thêm một chú chăn trâu nữa là có thêm bạn bè, sẽ rủ nhau đi chơi, hướng ra ngoài rong ruổi quên mất trời tối lại càng nguy hiểm hơn nữa. Chính sự cô đơn đó là chỗ tìm được trâu, nếu không có sự cô đơn, không bao giờ tìm được trâu. Phải ghi nhớ.

Bức tranh thứ nhất này nói lên tâm trạng của người đang ở trong vòng luân hồi tỉnh trở lại, phát tâm trở về, chạy nơi này nơi kia nhọc nhằn tìm thầy hỏi đạo. Do còn đang ở trong tình mê nên chạy tìm bên ngoài, càng tìm càng xa. Nhưng chính tiếng ve ngâm đó nhắc nhở cho người tìm phải soi trở lại mình. Ở buổi ban đầu này biết mình có bản tâm nhưng đã quên mất, bây giờ mới tìm trở lại, cần phải khao khát, thiết tha khổ nhọc đem hết tâm lực mà tìm. Ở đây gọi đuối sức mệt đừ là tìm hết sức mình, mệt nhọc chứ không phải dễ dàng, làm chơi chơi mà được. 

Thiền sư Lâm Tế có thuật lại tâm trạng của Ngài trong buổi đầu:

Này các Đại đức! Chớ có lần lựa qua ngày, sơn tăng trước kia khi chưa có chỗ thấy, còn tối tăm mù mịt thì chẳng dám để thời giờ luống qua, lòng bức rức nôn nao, lo chạy tìm hỏi đạo. Sau khi đắc lực mới đến ngày hôm nay cùng huynh đệ nói bàn như thế.

Ban đầu chưa có chỗ thấy, chưa tìm được trâu, còn tối tăm mù mịt nên không dám để thời gian luống qua. Lúc đó thì một giây một phút rất là quí, lòng luôn bức rức, nôn nao chạy đi tìm thầy hỏi đạo, tìm cho ra cái lẽ thật. Không phải để thời gian trôi qua suông gọi là lơ là, mãi cho đến khi được đắc lực, mới có ngày hôm nay nói chuyện với các ông. Điều đó cho chúng ta thấy người xưa đâu có được dễ dàng! Còn chúng ta ngày nay đôi khi nói là tu mà vẫn còn dễ dàng, chưa hết lòng, vẫn còn thời gian rảnh rỗi. Ở đây, nhắc mọi người phải dồn hết tâm lực, quyết tâm tìm cho ra lẽ thật này. Tuy biết rằng trâu vốn không ở đâu, nhưng bây giờ chưa rõ, giống như đã mất phải tìm cho ra. Mà có tìm thì ắt có gặp.

Thế nên, mục ban đầu này rất quan trọng. Trong đây con trâu là bản tâm của mình, nên trâu vừa là vọng cũng vừa là chân, vì bản tâm này còn lẫn trong vọng, cho nên đi tìm. Giống như, biến nó thành bóng (thứ hai), nhưng bóng không rời cái thật, nên gọi đây là cái tâm bị đi tìm. Còn mục đồng giống như cái tâm đi tìm. Tất cả cùng đều là tâm hết. Cái tâm bị đi tìm giống như cái thể, còn cái đi tìm giống như cái dụng. Đem cái dụng đi tìm cái thể, cho đến bức tranh số VIII mới gọi là người trâu đều quên. Sự thật không ai đi tìm ai, cũng chỉ là tâm thôi chớ tìm gì đâu. Tóm lại: Mới đầu giống như có đi tìm, cuối cùng quên hết chỉ còn cái thể tròn sáng.

Để chúng ta hiểu thêm, Hòa thượng Thạch Cổ Di có làm bài họa:

Tụng:

Chỉ quản khu khu hướng ngoại tầm

Bất tri cước để dĩ nê thâm

Kỷ hồi phương thảo tà dương lý

Nhất khúc Tân Phong không tự ngâm. 

Dịch:

Chỉ cứ một bề hướng ngoại tìm

Gót chân đâu biết lún bùn thêm

Cỏ thơm chiều nắng bao lần đấy

Một khúc Tân Phong luống tự ngâm.

GIẢNG:

Chỉ cứ một bề hướng ngoại tìm. Gót chân đâu biết lún bùn thêm. Hai câu này nói lên rằng chúng ta chỉ lo một bề hướng bên ngoài tìm, vì lo chạy bên ngoài nên càng tìm càng xa, gót chân bị lún bùm thêm nữa mà không hay. Vì thế các Ngài luôn luôn dạy cần tìm thật, nhưng mà dừng lại là hay hơn. Cỏ thơm chiều nắng bao lần đấy: Bao nhiêu lần cỏ thơm, bao nhiêu lần ánh chiều buông xuống mà chúng ta vẫn chưa tìm ra. Một khúc Tân Phong luống tự ngâm: Tân Phong là chỗ ở của Thiền sư Động Sơn Lương Giới. Ngài có làm một bài ngâm. Ở đây nếu chúng ta tìm chưa rõ bản tâm thì cũng chỉ luống ngâm thôi mà quên mất chính mình. Người khéo thì ngay tâm dừng lại, ngay đó là chỗ tìm của mình. Còn chạy ra ngoài thì càng xa. Đó cũng là một cách nhắc nhở chúng ta tìm mà không biết tìm thế nào.

Và Hòa thượng Thiên Nham Trường cũng có làm bài họa:

Tụng:

Tạm thời bất tại cấp tu tầm

Mạc đãi cừ nông nhập thảo thâm

Mãn mục thanh sơn vô biệt tích

Chỉ tiêu hồi thủ nhất trầm ngâm.

Dịch:

Tạm thời vắng bóng phải đi tìm

Chớ đợi y vào cỏ sâu thêm

Đầy mắt núi xanh không dấu khác

Chỉ có xoay đầu với trầm ngâm.

Tạm thời vắng bóng phải đi tìm: Biết rằng trâu không mất đi đâu nhưng bây giờ vắng bóng, không thấy nên phải đi tìm. Nếu xét kỹ bản tâm chúng ta cũng vậy, không có mất, nhưng bây giờ không biết nên được xem như mất. Chớ đợi y vào cỏ sâu thêm: Nếu không tìm thì cứ để cho nó vào sâu trong trần lao, mỗi ngày huân tập thêm những tập khí tham sân si ..., càng chôn sâu thêm, càng bị che nhiều hơn. Nay biết được một chút rồi phải tìm cho ra, không thể chạy theo y nữa. Đầy mắt núi xanh không dấu khác: Ở trước mắt núi xanh rõ ràng là nhắc chúng ta ngay trước mắt phải quay lại. Chỉ có xoay đầu với trầm ngâm: Chỉ cần quay đầu trở lại là xong chuyện. Tìm là tìm như thế đó, chớ không phải tìm là dạy chúng ta tìm bên ngoài. 

Mục Lục