Thiền Tông Việt Nam
Thập Mục Ngưu Đồ - Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng
Tranh Số 9 - Trở Về Nguồn Cội

CHÁNH VĂN

Lời Dẫn:

Xưa nay vốn thanh tịnh chẳng nhận mảy bụi, xem sự tươi khô của có tướng, ở nơi ngưng lặng của vô vi. Chẳng đồng với huyễn hóa đâu nhờ tu trì. Nước biếc non xanh ngồi xem sự thành bại.

Tranh số IX này vẽ chim bay về tổ, nước chảy về nguồn và những chiếc lá rụng về gốc cội.

Theo lời tựa ban đầu, thiền sư Quách Am đã nói rõ cho chúng ta thấy bộ tranh này đầu tiên chỉ có tám bức, đến vòng tròn là hết, tức trâu và người đều mất, tưởng đâu như thế là xong việc. Song lại có người nghi ngờ, hoang mang không biết đến đó rồi sẽ ra sao? Thành không ngơ không biết gì hết hay sao? Thế nên, thiền sư Tắc Công mới vẽ thêm bức IX này, là Trở Về Nguồn Cội, tức đến đây trả về nguyên vẹn cái thuở ban sơ như lúc chưa tu. Cho nên gọi núi vẫn là núi, mây vẫn là mây, hoa vẫn là hoa, chim vẫn là chim, mai vàng vẫn là mai vàng, hồng đỏ vẫn là hồng đỏ, xem như nguyên vẹn nó như vậy.

Trong Bát-nhã Tâm Kinh chúng ta được chỉ rất rõ: Sắc tức là không, không tức là sắc, nhưng đến đây sắc là sắc, không là không, do đó ở đây gọi là "Trở về nguồn cội" là như vậy. Thiền sư Duy Tín nói: "Sau ba mươi năm thấy núi sông vẫn là núi sông", nhưng núi sông bây giờ không giống núi sông lúc chưa tu. Tại sao? Vì khi chưa tu chúng ta thấy núi sông là núi sông, nhưng thấy trong cái vô minh chấp trước, nên thấy núi sông thật, người vật thật, cái gì cũng thật cả do theo tình chấp của mình. Thế nên có yêu ghét lấy bỏ, khen chê ..., có niệm phân biệt trong đó. Nói cho rõ hơn thấy cái gì đều xen cái TA vào, tức là có vô minh trong đó.

Bây giờ cũng thấy núi sông là núi sông nhưng đều sáng ngời, bặt dứt các tình chấp trước, tất cả muôn pháp đều hiển bày toàn vẹn bộ mặt thật của chúng. Không có thêm bớt hoặc có chút bóng dáng nào của cái TA xen vào, thấy cái gì cũng đều sáng ngời, gọi là thấy đúng như thật.

Còn khi chưa tu thấy núi sông là núi sông, không thấy đúng như thật. Vì trước thấy có núi sông cạn. Sự thật núi không có cao thấp, sông không có sâu cạn, do chúng ta xen cái TÔI vào mới có cao thấp, sâu cạn. Ví dụ: Núi Yên Tử này và núi Hoàng Liên Sơn cái nào cao cái nào thấp? Nếu chúng ta thấy núi Hoàng Liên Sơn trước thì thấy núi này cao, núi Yên Tử thấp. Nếu có người nào đi Tây Tạng về thì sẽ nói núi Hoàng Liên Sơn thấp, Hy Mã Lạp Sơn cao. Như vậy núi Hoàng Liên Sơn đâu có cố định cao, cao là do cái TÔI của chúng ta, còn theo cái TÔI của người khác thì thấp. Rõ ràng cao thấp là do cái TÔI xen vào, còn núi vẫn là núi không có cao thấp. Thế nên, khi bặt hết tình chấp, mắt đã mở sáng thì thấy núi sông đúng như thật là núi sông. Chỗ này tông Lâm Tế gọi là Nhân Cảnh Đều Chẳng Đoạt, nguyên vẹn cái nào trả về vị trí của cái đó, trong nhà thiền gọi là Nhập Phật Giới, tức là vào cảnh giới Phật. Mọi thứ đều chân thật sáng ngời, cái gì đúng như thật cái đó, tức ánh sáng Phật đầy khắp, gọi là chạm mắt đều Bồ đề thì tìm đâu kẻ hở để mê?

Xưa nay vốn thanh tịnh chẳng nhận mảy bụi: Tức là trả về cái tự tánh ban đầu của nó vốn thanh tịnh. Trong tự tánh thanh tịnh không có một mảy bụi mảy trần, nên không có gì tạo tác trong đó được. Trong Tín Tâm Minh, Tổ Tăng Xán nói: "Tròn đồng thái hư. Không thiếu không dư", nghĩa là nó vốn tròn đủ như hư không, không thiếu không dư, không thêm không bớt gì ở trong đó. Thấy như là thấy, biết như là biết. Thấy cái hoa như là cái hoa, không thêm cái tôi vào trong đó.

Xem sự tươi khô của có tướng, ở nơi ngưng lặng của vô vi: Nhìn thấy cái có tướng thì có tươi có khô, còn ở nơi vô vi là ngưng lặng. Sanh diệt tự nó sanh diệt, vô sanh tự nó vô sanh, gọi là Xưa Nay Sanh Tử Vốn Chẳng Tương Can, sanh tử không đến được chỗ này, các niệm sanh diệt bặt dứt nơi đây. 

Chẳng đồng với huyễn hóa đâu nhờ tu trì: Cái tự tánh chân thật này tự nó là chân thật, không phải do tu, do làm mà thành được. Nó như vậy là như vậy, không giống như huyễn hóa, không do công phu tạo tác mà thành, chỉ cần buông hết sống bình thường trở lại. Chính đó là chỗ sống rất bình thường.

Có vị tăng hỏi Điều Ngự Giác Hoàng:

- Thế nào là gia phong của Hòa thượng?

- Áo rách che mây sáng ăn cháo

Bình xưa tưới nguyệt tối uống trà.

Sáng ăn cháo, tối uống trà là chuyện bình thường. Cũng như chúng ta sáng ăn cháo, trưa ăn cơm, tối uống trà. Nhưng lại không giống với chúng ta, vì chúng ta còn mê lầm, dính mắc, còn xen cái tôi vào. Còn Ngài bình thường như vậy là như vậy thôi.

Nước biếc non xanh ngồi xem sự thành bại: Rõ ràng trả về đúng vị trí của mỗi pháp, nước biếc là nước biếc, non xanh là non xanh, đúng như nó là nó. Chỉ ngồi yên xem sự thành bại của thế gian trôi qua, không vướng một niệm nào cả. Thành cũng được, bại cũng được, thế gian cứ trôi qua trôi qua, sự vô thường đến rồi đi, cứ ngồi yên không bị nó chi phối. Như thế mới thật là chỗ Mùa Xuân Miên Viễn trong nhà Thiền. Như Điều Ngự Giác Hoàng nói: Thiền bảng bồ đoàn ngắm trụy hồng, ngồi yên trên bồ đoàn, ngắm từng cánh hồng rơi nhẹ nhàng, mặc cho sự vô thường trôi qua, mà tâm vẫn hằng như như. Sống được như thế là đã trở về nguồn.

 

CHÁNH VĂN

Tụng:

Phản bổn hoàn nguyên dĩ phí công

Tranh như trực hạ nhược manh lung

Am trung bất kiến am tiền vật

Thủy tự mang mang hoa tự hồng.

Dịch:

Trở về nguồn cội đã phí công

Như mù như điếc đấy hơn không?

Trong am chẳng thấy ngoài am vật

Nước tự mênh mông hoa tự hồng.

GIẢNG

Khi trở về nguồn cội rồi mới thấy việc làm của mình từ số I đến số VIII chỉ là phí công. Tại sao? Vì nhìn lại công phu đã qua của chúng ta giống như giấc mộng, do đó cần phải quên hết, không còn chấp giữ gì cả. Chúng ta phải thấy trong nhà Đạo tu không giống như ngoài đời, ngoài đời làm được việc kỳ tích như thế sẽ nhớ đời đời, phải được ca tụng, gắn huy chương, đề cao lên ..., còn ở đây các thiền sư bảo phải quên hết đi. Tổ Hoàng Bá đã từng bảo: Chỗ này giả sử có người tinh tấn tu hành trải qua vô số kiếp, qua hết các địa vị (Thập Tín...) cùng với người do một niệm mà chứng được, cũng chỉ là chứng cái sẵn có. Kỳ thật, trên cái thật của chính mình không có thêm một cái gì khác, xem lại công phu nhiều kiếp thảy đều là việc làm trong mộng.

Như vậy cuối cùng chúng ta chỉ sống lại với chính mình là cứu cánh. Hòa thượng Trúc Lâm khi dạy tu, Ngài dạy chỉ cần một chữ "buông" thôi, thật là chính xác. Chúng ta chỉ cần thực hành cho miên mật là thành công, nhưng vì chúng ta hay quên, nên không tin. Chỉ cần "buông" cho sạch, không thêm gì khác nữa là xong việc. Nhưng chúng ta không buông mà cứ thu vào nên còn phải tu hoài. Nếu cứ buông, buông sạch hết, không còn cái gì để buông nữa, bấy giờ còn lại cái gì đó, cái đó chính là mình vậy. Khi đã là chính mình chân thật rồi thì làm sao buông! Buông là buông cái hư dối thôi, còn cái chân thật muốn buông cũng không được, vì nó luôn luôn hiện tiền. Chỉ một chữ "buông" mà nhiều người không chịu làm triệt để vì không tin. Họ cứ tìm những pháp cao siêu để tu, song sự thật dù có pháp nào nữa cũng phải "buông" luôn, mới là pháp thật, còn không, chỉ thêm cái vọng thôi.

Có một đoạn kinh Phật ví dụ: "Như có người nằm mộng, thấy mình bị giặt cướp rượt, cọp beo rượt chạy xuống sông, bơi qua đến bờ sông rồi giựt mình thức dậy". Khi thức dậy có kể công là nhờ tôi nỗ lực cố gắng bơi qua sông, bơi mệt đừ mới qua đến bờ sông, nhờ thế mới thoát nạn cướp rượt, cọp beo rượt. Hay giật mình thức dậy biết đó là mộng, bị cướp, bị cọp rượt cũng là mộng, qua sông cũng là mộng, thức rồi thân mình vẫn còn nằm ngay trên giường chưa chạy đi đâu cả. Cũng vậy, khi đến được đây rồi, tức là giác ngộ hoàn toàn, thiền giả quên hết công phu tu hành của mình được từ bao lâu, quên hết không còn nhớ rằng do công phu tu hành nên mới được đến đây. Thế nên:

Trở về nguồn cội đã phí công, phải được hiểu như thế.

Như mù như điếc đấy hơn không: Đối trước cảnh, cảnh là cảnh tâm là tâm, tâm cảnh không đến nhau gọi là như mù như điếc, chứ không phải mù điếc. Cái nào ra cái đó, thấy ra thấy, nghe ra nghe, sắc đặt đúng vị trí của sắc, thanh đặt đúng vị trí của thanh; khi ấy thấy nghe mới thật sự sáng ngời, không còn bị sắc thanh che mờ. Dù thấy hầm phân, dù nghe lời chửi mắng vẫn sáng ngời không hề bị che tối, nên được gọi là chỗ nào cũng là cảnh giới Phật.

Trong am chẳng thấy ngoài am vật: Trong am không thấy vật ngoài am, cái nào ra cái đó, cái nào ở vị trí cái đó, không có ra vào thêm bớt.

Nước tự mênh mông hoa tự hồng: Núi là núi, sông là sông, nước tự là nước, hoa tự là hoa. Kinh Pháp Hoa nói: Chư pháp trụ pháp vị. Tướng thế gian thường trụ. Nghĩa là các pháp trụ ở ngôi pháp của chính nó, đó là tướng thường trụ của thế gian. Ở đây không gọi là phá hoại tướng thế gian, mà ngay tướng sai biệt của thế gian thật tướng vẫn hiện tiền.

Khi ấy gọi là thấy biết khắp cả, không chỗ nào không thấy. Cái thấy này lại khác cái thấy của bức tranh số III. Cái thấy của bức tranh số III là nhận ra trâu, còn đây là trở về nguồn cội, tuy cũng là thấy cả, nhưng cái thấy này là do thân chứng nghiệm, vì mình đã sống được trong đó rồi, còn cái kia chỉ mới thấy nên tưởng giống nhưng không giống. Như em bé mới sinh ra, cũng có đầy đủ tai mắt mũi lưỡi ..., nhưng chưa hoạt động tự do như người lớn được, chỉ nằm trong nôi thôi. Muốn như người lớn cần phải có thời gian nuôi dưỡng, lớn lên thành người lớn, bấy giờ mới hoạt động, gánh vác tự do như người lớn.

Tóm lại, cái thấy ở bức tranh số III là thấy trâu cũng giống như cái thấy ở bức thứ IX này nhưng chỉ khác là chưa có sức sống, chưa có kinh nghiệm sống. Vì vậy, khi thiền giả tu đến đây phải khéo, đừng có chấp theo thứ tự cho mình tới bức IX rồi đứng dừng ở đó cho là xong việc. Cần phải thường kiểm lại, trở tới trở lui từ trước tới sau, từ tranh số I, II, III... đến IX, (trở tới trở lui) làm sao càng lúc càng thấm sâu cho đến quên các niệm thứ lớp, thẳng suốt tận cội nguồn bản tâm, không còn thấy mình ở tranh nào cả. Nếu còn thấy mình ở tranh này tranh kia, còn "niệm cao thấp" trong đây là còn nguy lắm, vì có "tướng ngã" hiện ra, nên phải coi chừng, phải khéo là như vậy.

Thiền sư Mộng Am Cách có làm bài tụng:

Tụng:

Hưu tiếu tùng tiền uổng dụng công

Thông minh truất tận loại manh lung

Nham tiền bất kiếm am trung chủ

Điểu nhậm đề hề hoa nhậm hồng.

Dịch:

Thôi cười từ trước uổng dụng công

Hết cả thông minh mù điếc đồng

Trước núi, trong am chẳng thấy chủ

Chim hót mặc chim hoa mặc hồng.

Thôi cười từ trước uổng dụng công. Hết cả thông minh mù điếc đồng: Thiền giả đến chỗ này mới chợt cười vì nhìn lại thấy công phu từ trước mình dụng công bây giờ giống như giấc mộng, không còn thấy do công phu mình được thế này thế kia. Tất cả đều sạch hết, tức là trả lại bình thường, không thấy ta đây là thông minh, là trí tuệ, là chứng ngộ, là đặc biệt chi cả, mà giống như mù như điếc.

Trước núi, trong am chẳng thấy chủ: Trong cái am ở trước núi, mình đứng ngoài không thấy người chủ am đó được, đến đây phải tự kinh nghiệm, trong đó tự biết thôi.

Chim hót mặc chim hoa mặc hồng: Nghĩa là núi là núi, nước là nước, sông là sông, tất cả tự như như. Cái nào ở yên vị trí cái đó, chim hót mặc chim, mặc hoa hồng. Không cái nào lẫn lộn, không cái nào xen lẫn nhau, và cũng không có xen cái tôi cũng như có niệm phân chia vào trong đó.

Thiền sư Thiên Nham Trường có làm bài họa:

Tụng:

Hiện thành công án thục thi công

Nhĩ bất manh hề nhãn bất lung

Nhất nhất âm thanh chư sắc tướng

Phân minh hắc bạch gián thanh hồng.

Dịch:

Công án hiện thành ai ra công?

Mắt chẳng điếc mà tai chẳng mù

Mỗi mỗi âm thanh các sắc tướng

Rõ ràng đen trắng với thanh hồng.

Công án hiện thành ai ra công: Công án hiện thành là nói cái tự tánh sẵn thanh tịnh như vậy rồi, có gì mà phải làm gia công chi thêm nữa. Đây cũng chỉ cho ý nghĩa là quên công phu.

Mắt chẳng điếc mà tai chẳng mù: Ở trước nói như mù như điếc, còn đây nói mắt chẳng điếc tai chẳng mù, tức là mắt thấy tai nghe nhưng cũng đồng như ý nghĩa trên, vạn pháp cái nào để nguyên cái đó. Ngoài ra còn có ý nghĩa là dùng mắt nghe tai thấy.

Mỗi mỗi âm thanh các sắc tướng. Rõ ràng đen trắng với thanh hồng: Đến đây thấy là thấy, nghe là nghe vì mỗi mỗi âm thanh cùng sắc tướng đều rõ ràng cái nào ở vị trí cái đó không có xen lộn, không thêm niệm gì khác.

Bức tranh số IX này còn gọi là Nhập Phật Giới, thấy chỗ nào cũng cảnh giới Phật. Nhưng như thế vẫn chưa xong. Còn phải nhảy qua một cái nữa là Thỏng Tay Vào Chợ.

Mục Lục