Thiền Tông Việt Nam
Thập Mục Ngưu Đồ - Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng
Phần Giảng Lời Tựa

CHÁNH VĂN:

Nguồn chân của chư Phật và chúng sinh vốn sẵn có, nhân mê mới chìm đắm trong ba cõi, nhân ngộ chóng ra khỏi bốn loài. Do đó, có chư Phật có thể thành, có chúng sinh có thể làm.

GIẢNG:

Cái gốc chân thật của chư Phật, cũng là cái tâm thể nguyên vẹn tinh khôi của chúng ta ban đầu trước khi động niệm, là chỗ mình và chư Phật đồng có, cho nên gọi là sẵn có. Đây là chỗ gặp nhau của tất cả, người đã nhận ra chỗ đó xem như đồng cảm với nhau. Thế nên, đây nói rằng nhân ngộ chỗ đó mà chóng ra khỏi bốn loài, tức là thai sinh, thấp sinh, hóa sinh và noãn sinh. Còn  chỗ đó là chìm đắm trong ba cõi, thật là chỗ quan trọng. Bởi vì do sự sai biệt giữa mê và ngộ nên có chư Phật có thể thành và chúng sinh có thể làm. Mê thì chìm đắm trong ba cõi làm chúng sinh, giác ngộ được hoàn toàn thì ra khỏi ba cõi và thành Phật. Cho nên sai biệt là chỗ mê và ngộ.

 

CHÁNH VĂN:

Vì vậy, bậc tiên hiền thương xót mới rộng lập bày nhiều lối. Lý có ra thiên viên, giáo lập thành đốn tiệm, từ thô đến tế, từ cạn đến sâu. 

GIẢNG:

Vì do chỗ này nên những bậc tiên hiền, tức các bậc Thánh đời trước thương xót mới rộng lập bày ra nhiều đường, nhiều lối. Do mê không phải chỉ một hạng mà có nhiều loại, có người mê sâu, có người mê cạn, trình độ không đồng, căn cơ sai khác. Vì vậy các bậc Thánh hiền muốn hướng dẫn họ trở về phải lập bày ra nhiều phương tiện, nhiều lối, không phải một lối như nhau được. Do đó, mà phải lập bày giáo lý có ra thiên viên. Thiên có nghĩa là còn nghiêng một bên, cái lý chưa được viên mãn. Viên là lý đã được tròn đầy viên mãn. Ví dụ kinh Hoa Nghiêm thuộc về lý viên đốn, các kinh A-Hàm còn thiên về một bên chưa có tròn vẹn. Cũng vậy, về giáo lập thành đốn, tiệm. Đốn là nhanh chóng, người nhận ra chóng giác ngộ. Ngộ có khi thì chóng ngộ, song cần phải tu dần dần, huân tập từ từ mới tỏ suốt được. Tiệm là dần dần, từ từ huân tập mới ngộ được. Thế nên, không thể chấp một bên. Nếu chấp một bên kẹt một chiều, không thể đi đến nơi được. Nên đây nói rõ, tùy theo trình độ căn cơ dẫn dắt từ từ, từ thô đến tế, từ cạn đến sâu. 

 

CHÁNH VĂN:

Cuối cùng thì chớp mắt với hoa sen xanh, khiến được Đầu-đà Ca-Diếp mỉm cười. Kho tàng con mắt chánh pháp từ đây lưu thông trên trời, cõi người, nơi này cõi nọ. Người thấu được lý thì vượt khỏi khuôn phép thông thường, như đường chim không dấu vết. Người nhận ở sự thì kẹt câu mê lời, như rùa linh lê đuôi.

GIẢNG: 

Cuối cùng khi ở trên hội Linh Sơn, Phật đưa cành hoa sen xanh lên, ngài Ca-Diếp mỉm cười. Đây là trích câu chuyện trong kinh Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi. Vị Phạm Thiên Vương cúng dường Phật cành hoa sen xanh khi Phật đang ngồi giữa đại chúng thuyết pháp. Phật cầm cành hoa sen đưa lên, và đưa mắt nhìn khắp đại chúng, toàn chúng đều yên lặng, chỉ khi Phật nhìn đến ngài Đại Ca-Diếp thì Ngài mỉm cười, tức là Ngài thông cảm với Phật, cho nên Phật mới gọi là "Trao Phó". Trao phó cái gì? Trao Phó Chánh Pháp Nhãn Tạng tức là trao kho tàng con mắt chánh pháp cho ngài Ca-Diếp và bảo phải Khéo Giữ Gìn Truyền Bá Không Khiến Cho Đoạn Dứt.

Ban đầu thuyết pháp nói giáo lý, cuối cùng đưa cành hoa sen xanh lên im lặng không nói gì, nhưng ngài Ca-Diếp cảm thông được và mỉm cười. Việc này không có trong giáo lý, không ở trong kinh điển, nên đầu mối của Thiền Tông bắt đầu từ đây.

Sau này Thiền sư Chân Nguyên cũng tỏ ngộ được chỗ này, nên Ngài gọi đây là chỗ BỐN MẮT NHÌN NHAU (Tứ Mục Tương Cố). Hai mắt Phật nhìn ngài Ca-Diếp, hai mắt Ngài nhìn lại Phật, rồi cảm thông trong đó, trực tiếp mà không qua lời nói, không qua kinh sách. Đó chính là mạch sống của Thiền Tông vậy.

Nên ở đây nói rằng: Người đạt lý thì vượt khỏi khuôn phép thông thường, vì các mẫu mực thông thường được gọi là làm đắm chết người trong chữ nghĩa. Còn người này giống như đường chim bay qua không để lại dấu vết. Trái lại, người nhận nơi sự thì kẹt câu mê lời, mắc kẹt trên chữ nghĩa, chạy theo ngôn ngữ không ra khỏi, giống như rùa linh lê đuôi. Nghĩa là rùa bò ở chỗ đất sình, đuôi nó kéo bết dưới đất, đi tới đâu cũng kéo một lằn, không thoát khỏi dấu vết.

 

CHÁNH VĂN:

Trong đây có Thiền sư Thanh Cư, xem xét căn khí của chúng sinh hợp bệnh mà cho thuốc. Đem việc chăn trâu giả họa thành tranh, tùy cơ lập giáo. Ban đầu từ đen dần dần trắng, hiển bày sức mạnh chưa đủ, kế dần dần thuần chân, biểu hiện căn cơ từ từ soi sáng. Đến người trâu đều chẳng thấy, nêu rõ tâm pháp cùng quên, lý đã tột hết cội nguồn, mà pháp vẫn còn che đậy. Khiến cho kẻ căn cơ cạn phải nghi lầm, hàng trung hạ không khỏi phân vân hoặc nghi ngờ là rơi vào không ngơ, hoặc cho là rớt vào thường kiến.

GIẢNG:

Nói về Tranh Chăn Trâu.

Ban đầu do Thiền sư Thanh Cư vẽ thành tranh chỉ có tám bức. Từ đầu là trắng, rồi trắng dần lên, để nêu bày cho thấy sức mạnh ban đầu chưa đầy đủ, dần dần mới có sức mạnh. Cho đến được thuần chân, có sức làm chủ trở lại, dần dần được chiếu sáng và cuối cùng người và trâu cả hai đều mất, năng sở đều quên. Như vậy là chỉ có tám bức thôi.

Về lý thì đây đã tột đến cội nguồn, nhưng đúng pháp vẫn còn có một chút gì chưa ổn, giống như còn hơi che đậy một chút, nên những người căn cơ cạn vẫn chưa qua khỏi, còn nghi ngờ ..., cho là hoặc rơi vào không ngơ, hoặc rớt vào thường kiến. Vì đến đây cả hai người và trâu, năng và sở đều quên, giống như còn có cái vòng tròn không. Và nếu chỉ ngưng ngang đây thôi, có người sẽ nghi và tu đến đây rồi thành trống không hay sao? Vậy là đoạn diệt hết sao? Thế nên nghi ngờ. Năng sở đều quên, không có gì để làm nữa sao? Ra làm sao đây?

 

CHÁNH VĂN:

Nay Thiền sư Tắc Công nghĩ đến khuôn phép của bậc hiền đời trước, phát ra từ hông ngực của chính mình, làm những bài tụng hay, khiến rọi sáng lẫn nhau. Ban đầu từ chỗ mất trâu, sau cùng là chỗ trở về cội nguồn, khéo ứng hợp với quần cơ, như cứu người đói khát. 

GIẢNG:

Như vậy Thiền sư Tắc Công vẽ thêm tranh số IX là Trở Về Nguồn Cội. Nghĩa là vượt qua hai bên năng sở, trả lại nguyên vị của các pháp, các pháp như thế nào đó, nó như thế thì như thế. Đến đây đâu đâu cũng sáng ngời, chỉ hiện bày cái chân thật ở khắp nơi, như ánh sáng Phật hiện bày đều hết, chứ không phải cuối cùng là thành không ngơ. Nên người tu không phải lo sợ. Nhưng như thế cũng chưa được đầy đủ.

 

CHÁNH VĂN:

Rồi Từ Viễn mới theo đó xét tìm diệu nghĩa, chọn lấy chỗ sâu mầu, như con thủy mẫu muốn đi tìm thức ăn phải nương theo con tôm biển làm mắt. Ban đầu từ tìm trâu, sau cùng đến vào chợ.

Gượng làm dậy sóng, mọc ngang đầu sừng, còn không tâm có thể tìm, nào có trâu có thể kiếm? Rồi đến thõng tay vào chợ, đó là ma mị gì?

Huống là cha ông chẳng tỏ rõ, làm họa ương đến con cháu, chẳng ngại hoang đường, thử vì đề xướng.

GIẢNG: 

Đến đây Ngài Từ Viễn vẽ thêm mục thứ X là Thõng Tay Vào Chợ, tức là hòa mình vào trần lao hóa độ chúng sinh. Vì đâu thể khi xong việc rồi chúng ta thọ hưởng cái vui của riêng mình thôi, còn bao người đang mê mình bỏ họ sao? Thế nên, phải thêm mục thứ X này nữa là Thõng Tay Vào Chợ, hòa bùn hợp nước, hòa mình trong trần lao hóa độ chúng sinh, như thế mới đầy đủ ý nghĩa. Do đó, đây được gọi là mười bức tranh của Thiền Tông.

- Trong tranh Thiền Tông, vòng tròn ở tranh thứ VIII, còn bên tranh Đại Thừa thì vòng tròn thứ X. Như vậy, tranh bên Thiền Tông thêm hai bức là Trở Về Nguồn Cội và Thõng Tay Vào Chợ.

- Về con trâu, tranh bên Đại thừa vẽ lúc mới ban đầu trâu đen rồi từ từ trắng dần, đến sau cùng mất trâu mất người. Còn tranh bên Thiền Tông, trước sau trâu vẫn là trâu đen, đây được gọi là con đường Nhất Thừa, vì hoặc là Phật hoặc là chúng sinh, không có chỗ làm Phật từ từ, nên gọi là đi thẳng.

 Hòa Thượng Quách Am dạy: Nếu xét cho tột lý, vẽ thành mười bức tranh cũng là chỗ không gió mà làm dậy sóng hay mọc ngang đầu sừng. Giống như con cọp không có sừng mà làm cho nó mọc sừng. Vì sao? Trong tự tánh của chúng ta vốn thanh tịnh, là một thể sáng ngời, đâu có thứ lớp để chia ra thành VIII hay X. Chia ra như vậy càng làm lờ mờ thêm, giống như chia xẻ hư không vậy. Bản tâm mình vốn sẵn có nơi mình nên không tâm có thể tìm thì đâu có trâu để kiếm, như thế còn có cái tâm nào nữa để đi kiếm, mà bày đặt ra Tìm Trâu, rồi Mang Bầu Vào Chợ. Ở mục thứ VIII người trâu đều mất, đã sạch hết chỉ còn vòng tròn, đến đây lấy đâu ra mà có mang bầu vào chợ, vậy là dệt thêm một cái nữa hay sao? Ở đây ngài Quách Am mới bảo là ma mị gì là như thế.

Rốt ráo cũng chỉ là phương tiện từ bi của các bậc Thánh Hiền, muốn cứu giúp mọi người quên đi niệm lấy bỏ, không chấp cũng không bỏ, để sống trọn vẹn trong bản tâm thanh tịnh của mình, rồi tự có lối đi riêng, không mắc kẹt ở khuôn phép dấu vết nào. Đây chính là tinh thần vô trụ của kinh Kim Cang, nghĩa là lập rồi liền phá, không cho chúng ta mắc kẹt. Không phải lập ra mười bức Tranh Chăn Trâu để cho chúng ta dính mắc thứ lớp trong đó. Hiện nay cũng có nhiều người tu mắc kẹt trong thứ lớp của tranh. Cứ tu được ít lâu rồi nhìn xem đang ở bức tranh nào? Được tới được bức thứ VII thứ VIII gì chưa? Nếu xét đang ở bức thứ VI hay VII gì đó thì sanh kiêu mạn. Như thế là mắc kẹt rồi, mắc kẹt theo thứ lớp.

Thế nên, các Ngài lập ra rồi các Ngài phá không cho chúng ta mắc kẹt, là phương tiện không cho người tu tự mãn. Các Ngài e ngại người tu được chút gì đó cho là đủ, là mình đã xong việc rồi. Nhưng ở đây cho thấy rõ chưa xong việc, còn phải qua mục này mục kia nữa mới trọn vẹn, đó chính là ý nghĩa của mười bức Tranh Chăn Trâu, trong lời tựa đã nêu lên rất rõ.

Mục Lục