Thiền Tông Việt Nam
Thập Mục Ngưu Đồ - Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng
Tranh Số 4 - Được Trâu

CHÁNH VĂN

Lời dẫn:

Từ lâu vùi lấp ở ngoài đồng. Hôm nay mới gặp được y. Bởi do cảnh đẹp khó đuổi xua, luyến đắm cỏ thơm chẳng thôi. Tâm ngang ngạnh còn mạnh, tánh hoang dã vẫn còn. Muốn cho được thuần hòa hẳn phải thêm roi vọt.

GIẢNG:

Từ lâu vùi lấp ở ngoài đồng. Hôm nay mới gặp được y. Bởi do cảnh đẹp khó đuổi xua, luyến đắm cỏ thơm chẳng thôi. Người thực hành đến đây nắm được dây mũi, xỏ được mũi trâu, nhưng chưa phải dễ dàng, an ổn, vì con trâu bị thói ngông cuồng huân tập từ lâu. Đây gọi là bị vùi lấp ở ngoài đồng hoang đã lâu, bây giờ chỉ mới bắt được nên nó còn xem như người xa lạ, chưa chịu tuân phục theo, vì còn đang mãi thích cỏ thơm, cỏ non tức còn thích cảnh thích duyên, quen theo duyên trần, đuổi theo phân biệt phải trái, hơn thua ..., chưa chịu buông. Trên tranh chúng ta thấy trâu muốn giựt dây chạy nên gọi là Tâm ngang ngạnh còn mạnh, tánh hoang dã vẫn còn, nên vẫn còn muốn giựt dây chạy tuôn vào lúa mạ hoài. Hình ảnh chú mục đồng nắm dây kéo giựt mạnh lại, vì trâu chưa chịu tuân phục, rõ ràng như vậy.

Chúng ta đã thể nhận được tâm mình, như là chúng ta nắm một vật trong tay, không còn nghi ngờ, không còn sợ mất. Nhưng các phiền não sân si vẫn còn dấy khởi, chưa chịu yên, chưa sạch hết. Do đó mà cây roi tỉnh giác phải cầm trong tay, để khi nó bất giác thì phải quất nó liền. Gọi là thấy sắc, nghe tiếng đúng là trâu luôn luôn hiện đấy, nhưng bây giờ thấy sắc nghe tiếng trâu thỉnh thoảng khởi phân biệt, thế nên ngay đó phải phản tỉnh lại, phải tự nhắc mình. Tranh số III ở trước xem như thấy được tâm, còn đây là bắt đầu sống với nó, để mà chuyển hóa tập khí lâu đời của mình. Xỏ mũi là thấy được đầu mối mê và ngộ của tâm, chính ngay đầu mối này chúng ta phải đưa nó trở về chỗ vô sanh, đó là chỗ xỏ mũi, nắm được dây mũi trâu. Nhưng dây mũi trâu là gì? 

Một hôm, thiền sư Nam Tuyền đi qua phòng tắm, thấy vị tăng trưởng phòng tắm đang nấu nước cho đại chúng tắm. Bởi vì ngày xưa, trong thiền viện có cả ngàn hoặc hai ngàn vị tăng, mà khí hậu Trung Hoa lại lạnh, cho nên tăng chúng cần nước nóng tắm, phải tắm theo thứ tự, do đó phải có một người đứng ra trông coi nấu nước đàng hoàng. Thế nên, khi thiền sư Nam Tuyền thấy vị tăng trưởng phòng tắm nấu nước, Ngài bèn hỏi:

- Ông đang làm gì?

- Bạch Hòa thượng con nấu nước tắm.

- Nhớ kêu con trâu đực đi tắm nghe.

- Dạ.

Đến chiều ông tăng ấy mới đi vào phương trượng. Thiền sư Nam Tuyền hỏi:

- Làm gì?

- Dạ mời con trâu đực đi tắm.

Ngài Nam Tuyền nghe vậy liền bảo:

- Nhưng mà ông có đem dây mũi theo không?

Ông tăng trưởng phòng tắm không đáp được.

Mời đi tắm mà không đem theo dây mũi. Vậy chúng ta có biết dây mũi ở đâu không?

Sau đó thiền sư Triệu Châu đến. Ngài Nam Tuyền mới thuật lại việc đó. Thiền sư Triệu Châu thưa:

- Con có câu đáp.

Thiền sư Nam Tuyền mới hỏi lại ngài Triệu Châu:

- Có đem được dây mũi theo không?

Thiền sư Triệu Châu tiến tới gần, Ngài nắm lỗ mũi của ngài Nam Tuyền kéo mạnh một cái. Ngài Nam Tuyền bảo:

- Phải thì phải đó nhưng mà cũng rất thô.

Đó là dây mũi - Nắm mũi kéo mạnh một cái biết đau liền, chính ngay chỗ "biết đó" là dây mũi. Nắm được chỗ đó là nắm được dây mũi trâu, xỏ mũi được trâu.

  

CHÁNH VĂN

Tụng:

Kiệt tận thần thông hoạch đắc cừ

Tâm cường lực tráng tốt nan trừ

Hữu thời tài đáo cao nguyên thượng

Hựu nhập yên vân thâm xứ cư.

Dịch:

Đem hết thần thông bắt được rồi

Bao nhiêu tâm sức vẫn bị lôi

Có khi vừa đến cao nguyên đứng

Lại chạy sâu vào chốn khói mây.

GIẢNG:

Đem hết thần thông bắt được rồi. Bao nhiêu tâm sức vẫn bị lôi: Chúng ta đã dùng hết công phu qua phần kiến đạo (phần III Thấy Trâu), đến đây là phần thực hành (tu đạo). Xỏ mũi được con trâu tức là thấy được chỗ nó sanh mà kéo mũi lại, ngay chỗ niệm khởi đó xỏ mũi nó liền, không để chậm trể đi theo sau đuôi nó. Gọi là chân ngay đầu trâu ăn cỏ, đó là chỗ chúng ta sống, chúng ta nắm bắt được trâu, cũng gọi nắm mũi là được trâu. Bây giờ thấy được tâm rồi, có thể sống với nó, nhưng lâu lâu vẫn còn tập khí niệm khởi tình phân biệt xen vào, chưa có xong việc, thế nên gọi là dùng bao nhiêu công sức vẫn bị nó lôi. Có khi vừa đến cao nguyên đứng. Lại chạy sâu vào chốn khói mây. Mới thấy nó đứng an ổn trên cao nguyên đó, chợt lại chạy vào trong khói mây mờ tối. Thật là đúng với tâm trạng của chúng ta. Bây giờ chúng ta chưa đến chỗ này mà cũng giống như vậy. Lâu lâu ngồi thiền yên yên được một chút, vừa mới yên yên là thấy chạy tuốt vào khói mây tức bị che mờ. Đây là trâu chưa chịu phục, vẫn còn ở trong giai đoạn gọi là giai đoạn dằn co. Niệm khởi lên thì mình buông, buông rồi nó lại khởi, khởi rồi buông, cứ dằn co như vậy.

Thật vậy, chúng ta muốn nắm được trâu không phải chuyện dễ dàng, nói lý suông ở trên môi. Ở đây cho thấy là cả một công phu, đừng có vội nói lý rằng: "Xưa nay không một vật, còn tu hành gì nữa". Trên sự thật cái thể nó là như vậy, nhưng còn sống được như thế chưa phải dễ dàng, vì tập khí hung hăng của chúng ta vẫn còn sâu dầy. Phải có một sức gọi là sức định tuệ sâu mới thắng được, mới có sức làm chủ trở lại tâm mình. Do đó, ở đây nhắc nhở chúng ta không nên tự mãn, phải sống cho đầy đủ. Nhìn lại hình ảnh trong tranh thứ IV này, diễn tả con trâu bị mục đồng nắm dây lôi trở lại, còn con trâu chạy lôi tới trước, còn rất khó khăn chưa được dễ dàng.

Thiền sư Dũng Tuyền Hân bảo rằng: "Ta bốn mươi chín năm ở chỗ này có có lúc bị chạy lọt, bọn các ông chớ có vội ăn to nói lớn. Kẻ kiến giải thì nhiều, người hạnh giải thì ít, trong muôn người mới có một". Ngài Dũng Tuyền nói hạnh giải là hiểu và hành chưa có được một người trong muôn người, muốn nhắc nhở chúng ta phải thấy rõ như thế, để xoay nhìn lại mình, sách tiến mình tiến lên. Còn không, khi thấy mình học hiểu được đến đó rồi hài lòng, có thể lơi lỏng công phu, không hết lòng cố gắng tiến tu. Chỉ khi hiểu được, thấy còn cách xa chưa có tiến được bao nhiêu, cần phải gia công nhiều hơn nữa, mới có thể đắc lực.

Ở bức tranh thứ tư này, thiền giả xem như công phu đến đây bắt đầu có đắc lực. Được trâu là có đắc lực rồi, có sức làm chủ trở lại mình, nhưng sức làm chủ ấy chưa được hoàn toàn. Sức làm chủ còn yếu, có khi cũng bị trâu kéo lôi đi, rồi làm chủ trở lại, xong lại tiếp tục như thế. Nghĩa là chúng ta thấy được, nhận được ngay chỗ đầu của niệm khởi để kéo lại, nhưng rồi cũng có lúc niệm vẫn khởi, tức là nó chưa chịu phục. Vì thế mục đồng chưa thể buông roi để mà ngồi yên. Đúng như ngài Trần Tôn Túc nói: "Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ, việc lớn đã sáng cũng như đưa ma mẹ". Lúc chưa thấy trâu, chưa được trâu là việc lớn đó, thì chúng ta phải hết lòng thiết tha giống như đưa đám ma mẹ mình, mình buồn khổ thiết tha, hết lòng tận lực mà lo toan đám. Việc của người tu cũng như vậy, chưa sáng được việc lớn, phải làm cho sáng không thể lơ là. Khi việc lớn đã sáng rồi cũng phải giống như đưa đám ma mẹ, phải cố gắng hết lòng mà sống cho được cái đó, nếu còn chưa được thì không nên hài lòng. Mỗi người chúng ta phải ghi nhận kỹ như vậy mới không uổng công phu của mình.

Thiền sư Thạch Cổ Di có làm bài họa để làm sáng tỏ bức tranh thứ IV này.

Tụng:

Lao bả thằng đầu mạc phóng cừ

Kỷ đa mao bệnh vị tằng trừ

Từ từ mạch tỷ thiên tương khứ

Thả yếu hồi đầu thức cựu cư.

Dịch:

Nắm chặt đầu dây chớ thả y

Bao nhiêu bệnh xấu vẫn chưa trừ

Từ từ nắm mũi mà dẫn dắt

Cốt phải xoay đầu nhận chỗ xưa.

Nắm chặt đầu dây chớ thả y. Bao nhiêu bệnh xấu vẫn chưa trừ: Vì trâu chưa được thuần thục, nên mục đồng không dám lơi lỏng, do tập khí vẫn chưa trừ hết cần phải từ từ dẫn dắt trâu quay đầu về chỗ xưa. Từ từ nắm mũi mà dẫn dắt. Cốt phải xoay đầu nhận chỗ xưa: Muốn trở về chỗ xưa là phải lìa các cảnh duyên bên ngoài, xoay đầu trở lại, không thể để cho chạy theo duyên trần. Chỗ xưa này không phải là chỗ quen thuộc với mình lâu nay, là chỗ sống thật mà chúng ta đã quên, đã bỏ qua tự lúc nào, nay phải quay đầu trở lại chỗ đó.

Và cư sĩ Nạp Duẫn Am có làm bài họa:

Tụng:

Thủy tận sơn cùng thỉ đắc cừ

Thử thời dã tánh thượng nan trừ

Nhất điều man sách lao xuyên trụ

Bất hứa cuồng bôn hướng ngoại cư.

Dịch:

Cùng tột nước non mới được y

Tánh hoang đây vẫn khó trừ đi

Một sợi dây thừng xỏ buộc chặt

Chẳng cho tung chạy hướng ra ngoài.

Cùng tột nước non mới được y: Phải hết sức tận lực công phu mới bắt gặp được trâu, cho nên gọi là cùng tột nước non, chớ không phải là chuyện dễ. Tánh hoang đây vẫn khó trừ đi: Tuy đã bắt được trâu rồi mà tánh hoang cuồng của tập khí cũ vẫn còn, trâu cứ muốn giựt dây chạy trở lại, chưa chịu yên, chưa chịu phục. Một sợi dây thừng xỏ buộc chặt. Chẳng cho tung chạy hướng ra ngoài: Thế nên cần phải nắm giữ kỹ, đừng để trâu theo thói quen cũ tung vó chạy ra ngoài. Cũng vậy, người tu tuy nắm được tâm rồi, còn phải công phu nhiều nữa, chưa phải xong. Mục này gọi là Được Trâu, qua từng mục như vậy để cho chúng ta thấy bước đi của mình còn xa lắm chưa phải dễ dàng, không có gì để mình tự hào, cần phải nỗ lực công phu nhiều hơn.

Mục Lục