Thiền Tông Việt Nam
Thập Mục Ngưu Đồ - Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng
Tranh Số 7 - Quên Trâu Còn Người

CHÁNH VĂN

Lời dẫn:

Pháp không có hai pháp, trâu gọi là tâm. Dụ tên khác của thỏ bẫy, bày sai biệt của cá nơm. Như vàng ra khỏi khoáng, tợ trăng ra khỏi mây. Một đường ánh sáng lạnh, ngoài kiếp Oai âm.

GIẢNG:

Đến đây xem như trâu đã mất chỉ còn có người, nên trong bức tranh chỉ còn chú mục đồng ngồi bên cạnh mái nhà cỏ, được rảnh rang. Nhưng mất ở đây không giống cái mất ban đầu. Ban đầu cũng mất trâu rồi đi tìm trâu, đến đây cũng mất trâu nhưng lại khác. Vì ban đầu do bất giác, bởi bất giác nên quên mất mới đi tìm. Còn trâu bây giờ đang hợp về với người, trâu với người giống như là một, nên không còn thấy trâu nữa thì còn gì phải chăn giữ, dòm ngó. Đến đây xem như vọng đã lặng, đã không, đã trở về với bản tâm xưa nay của mình, không còn chia đây là chân kia là vọng. Chỉ riêng còn cái bản tâm thầm hợp thôi, nên cũng còn dấu vết là còn người (Tranh VII) tức đây là còn cái thường giác.

Trong công phu tu hành của thiền giả trước đây xem như có hai, bây giờ thì quên, gọi là pháp không hai pháp. Có trâu, có người chăn trâu là hai pháp, do có hai pháp nên có tu, rồi có chăn có giữ. Còn đến cái lý thật, sự thật thì tâm thể hay bản tâm của mình không có hai thứ. Trong bản tâm không có chân, không có vọng hay là đây kia ... Như vậy trong đó không có một pháp thật nào ngoài tâm mà có. Nhưng ở đây lập ra có con trâu, tức ngoài tâm có thêm con trâu, như thế trâu đây cũng chỉ là phương tiện thôi. Vì là phương tiện nên gọi là dụ tên khác của thỏ bẫy, bày sai biệt của cá nơm. Tức con trâu là phương tiện lập ra để nhắc lại cho chúng ta nhớ. Sự thật vốn chỉ có một tâm chứ không phải riêng có cái pháp thứ hai nào khác, hay có một cái tâm nữa để cho mình tìm hay mình chăn giữ. Ví dụ như cái bẫy lập ra để bẫy con thỏ, khi bắt được thỏ rồi phải bỏ cái bẫy. Dùng cái nơm để bắt cá, bắt được cá thì quên nơm. Con thỏ không phải là cái bẫy, con cá không phải là cái nơm. Nếu nhận cái bẫy là thỏ, cái nơm là cá đó gọi là lầm mê. Cũng vậy, ngay khi nhận được lẽ thật rồi phải quên đi phương tiện.

Đến đây chúng ta thấy rõ con trâu là phương tiện ban đầu lập ra để nhắc nhở mình trong lúc còn mê, nhân đó mà tìm nhớ lại bản tâm của mình, hay là tìm lại chính mình. Chúng ta không thể lầm cho là thật có trâu để tìm, rồi cứ giữ hoài giữ mãi, lúc nào cũng lo giữ con trâu thành ra chướng ngại.

Bây giờ tâm đã trở về cái gốc thuần chân ban đầu tức đã vượt ra khỏi phương tiện. Ví như vàng ra khỏi khoáng hay tợ trăng ra khỏi mây. Vàng bây giờ đã được lọc ra, lấy ra khỏi khoáng, đã thành vàng tinh ròng, không còn lẫn lộn trong khoáng. Cũng tợ như trăng đã ra khỏi mây, không còn bị che tức phương tiện không còn che đậy được nữa. Chú mục đồng thật an nhàn, Chân tâm mới thật lộ ra rõ ràng.

Thiền giả tu đến khi Chân tâm hiện tiền phải trải qua quá trình rất dài chứ không phải đơn giản. Nếu có người tu nào mới hiểu loáng thoáng một chút ít mà nói chân tâm trước mặt rồi, nhiều khi đó là vọng ngữ. Vì trăng ra khỏi mây, tức mây vọng niệm hết rồi thì chân tâm lộ ra khỏi đám mây vọng niệm. Tâm thiền giả thanh tịnh rõ ràng không cần dụng công nữa, gọi là quên công phu chăn giữ nhưng vẫn có mặt.

Một đường ánh sáng lạnh vượt ngoài kiếp Oai Âm. Oai Âm là chỉ cho một vị Phật ở trong kinh Pháp Hoa có nhắc đến. Vị Phật này sống rất lâu xa, Ngài sống trước cả Không Kiếp tức Không Kiếp về trước lúc đó chưa có tên Phật và chúng sinh, ở đây muốn nói là vượt ra ngoài phương tiện dựng lập, chặt đứt hết mọi niệm phân biệt đối đãi, vượt ngoài những tình thức sanh diệt, mà thẳng trở lại nguồn chân. Tới đây là thẳng trở về nhà, công phu chăn giữ cũng phải buông. Người tu khi này mới gọi là an nhàn, niềm tin vững chắc, không còn thoái chuyển, hết cả nhọc nhằn.

Thiền sư Nghĩa Thanh đến chỗ thiền sư Viên Thông Tú, Ngài đi thẳng đến tăng đường, không thưa hỏi, cũng không tu hành gì cả. Chỉ ăn xong rồi nằm ngủ. Vị tri sự thấy vậy, không chịu nổi, mới lên bạch với ngài Viên Thông Tú:

- Trong tăng đường có vị tăng cả ngày cứ lo ăn rồi ngủ, vậy xin bạch Hòa thượng bây giờ cứ theo qui chế của thiền môn mà phạt.

Thiền sư Viên Thông Tú nghe xong, liền hỏi:

- Đó là người nào?

- Dạ thưa là Thượng tọa Thanh.

- Thôi hãy khoan, đợi ta đến khám phá, xét qua cái đã.

Ngài liền cầm cây gậy vào trong tăng đường, gặp ngài Nghĩa Thanh đang nằm ngủ. Ngài mới dùng gậy gỏ vào cái giường mà thiền sư Nghĩa Thanh đang nằm và bảo:

- Ở trong đây tôi không có cơm dư canh thừa để cho Thượng tọa ăn xong rồi ngủ.

- Vậy thì Hòa thượng dạy tôi làm cái gì?

- Sao không lo tham thiền?

- Món ăn ngon không cần với người đã no bụng.

Sau đó hai ngài cười và nắm tay nhau đi về phương trượng.

Đến được chỗ như thế mới thật sự nhẹ nhàng. Tức là xong việc rồi, giống như bụng no rồi thì dù là món ăn ngon cũng không cần thêm nữa. Nếu chúng ta chưa gì hết, nghe cái lý này cũng bắt chước nói vậy, nhưng sự thật là chưa đến, đó là vọng ngữ. Nghĩa là mình chưa no bụng mà bỏ cơm ngon sẽ bị đói, thật là nguy hiểm - Vì chưa phải thật no bụng.

 

CHÁNH VĂN

Tụng:

Kỵ ngưu dĩ đắc đáo gia san

Ngưu dã không hề nhân dã nhàn

Hồng nhật tam can du tác mộng

Tiên thằng không đốn thảo đường gian.

Dịch:

Cỡi trâu về đến tận nhà rồi

Trâu không người cũng thật thảnh thơi

Trời đã lên cao còn say giấc

Ném trong nhà cỏ bỏ dây roi.

GIẢNG:

Khi trở lại cái nguồn tâm lặng lẽ ban đầu, là cội nguồn bất sanh bất diệt nên gọi là:

Cỡi trâu về đến tận nhà rồi - Nhà là nguồn tâm lặng lẽ ban đầu hay gọi là chỗ trước khi niệm khởi. Trở về đến nhà là sống được trong đó rồi, chứ không phải chỉ mới hiểu mới ngộ thôi. Hiểu và ngộ thì chưa gọi là sống được chỉ khi đến nhà mới gọi là sống được.

Trâu không người cũng thật thảnh thơi: Trâu đã không rồi không cần phải chăn gì nữa, nên người cũng nhẹ nhàng thảnh thơi tức là quên đi sự công phu - Nghĩa là hết có chỗ để chiếu soi hay là giữ gìn, vì niệm đã lặng bây giờ chiếu soi cái gì đây! Thế nên cái Ngộ cũng mất luôn vì không còn trâu để cho mình ngộ, mình chiếu soi.

Trời đã lên cao còn say giấc: Bên ngoài mặt trời đã lên cao, trong này chú mục đồng vẫn còn ngủ say, không hề biết mặt trời đã lên cao. Đây là thảnh thơi vô sự, không cần biết chuyện bên ngoài.

Ném trong nhà cỏ bỏ dây roi: Dây mũi, roi đến đây ném bỏ không cần dùng nữa, tức là buông hết công phu, chỗ này trong nhà thiền có nói: TU LÀ HỌA. Bởi vì trâu đã mất rồi, tu cái gì? Chỉ còn một tâm thanh tịnh không thêm gì khác, đó gọi là:

Tùy duyên tiêu nghiệp cũ

Hồn nhiên mặc áo xiêm. 

Nghĩa là thuận với tánh mà mình sống, cho dứt hết các nghiệp cũ, nhưng không tạo thêm nghiệp mới. Đó là chỗ sống ở đây.

Thiền sư Duy Nghiễm Dược Sơn một hôm đang ngồi trên tảng đá, Hòa thượng Thạch Đầu đến hỏi thăm:

- Ở đây ông làm gì?

- Tất cả chẳng làm. (Tức là buông hết, không tạo tác không thêm gì hết)

- Tại sao ngồi yên?

- Nếu ngồi yên tức là làm. (Chính ngay chỗ vô sự là chỗ sống)

- Ông nói chẳng làm là chẳng làm cái gì?

- Ngàn Thánh cũng không biết.

Gọi là buông, là vô sự, là ngồi yên mà chẳng làm đó là chỗ sống ở đây. Nhưng còn phải tiến thêm một bước nữa, phải tiến đến chỗ ngàn Thánh cũng chẳng biết. Nếu dừng ở chỗ đó thì cũng còn chỗ ngàn Thánh ngó được. Ở bức tranh thứ VII này gọi là Còn Người là còn có chỗ dòm thấy. Thiền giả khi tu đến đây không khéo lại tưởng mình như là Phật, thật là nguy. Bởi vì quên trâu rồi còn người, là chỉ còn lại một tâm thanh tịnh, nên tưởng mình giống như Phật. Vì vậy cần phải bước qua bức tranh thứ VIII là Người Trâu Đều Quên.

Ngài Sở Thạch Kỳ có làm bài họa:

Tụng:

Vạn trùng vân thọ vạn trùng san

Đảo ngọa hoành miên nhậm ngã nhàn

Thử cảnh họa đồ thu bất đắc

Thùy ngôn thân tại họa đồ gian.

Dịch:

Ngàn lớp rừng mây ngàn lớp non

Ngã thân nằm ngủ thật an nhàn

Cảnh này tranh vẽ thu chẳng được

Ai bảo thân nằm trong bức tranh.

Ngàn lớp rừng mây ngàn lớp non. Ngã thân nằm ngủ thật an nhàn: Dù cho rừng mây non núi trùng trùng, nhưng vẫn mặc kệ nó, thân vẫn nằm ngang ngủ, thật an nhàn vô sự. Cảnh này tranh vẽ thu chẳng được. Ai bảo thân nằm trong bức tranh: Đây là chỗ thoát ra mọi phương tiện, nghĩa là không nằm trong tranh vẽ. Vẽ không được tả không xong. Phải là người thật sống trong đây thôi, vượt qua ngoài những phương tiện.

Cu sĩ Nạp Duẫn Am cũng có làm bài họa:

Tụng:

Tiên thằng phao hạ nọa đăng san

Vô liễu ngưu nhi tâm tự nhàn

Thùy túc bất tri song ngoại sự 

Tịch dương dĩ sạ thảo đường gian.

Dịch:

Dây roi ném bỏ biếng lên non

Trâu đã không rồi tâm tự nhàn

Ngủ say chẳng biết ngoài song việc

Nhà cỏ nắng chiều đã rọi sang.

Bỏ hết dây roi rồi cũng làm biếng lên non lên núi. Khi không còn trâu nữa nên các công phu đã buông bỏ, tâm được an nhàn rảnh rang. Vì thế mà chú mục đồng ở trong này cứ nằm ngủ say, công việc bên ngoài không cần biết đến. Chú ngủ say mãi đến chiều nắng rọi sang cũng không hay, tức khi này chú quên hết tất cả duyên bên ngoài.  

Mục Lục