Thiền Tông Việt Nam
Tham Vấn 2
Tham Vấn HT. Thích Thanh Từ - Câu 27
 
Phật Tử hỏi:
Kính bạch thầy khi ngồi thiền để dừng bớt vọng tưởng thì con quán sổ tức theo hơi thở ra vô, con còn niệm bài kệ trong kinh Kim Cang “Lục Như” 
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán” 

Xét như vậy để không quên… con hành thiền vậy có được chăng, đúng sai kính xin thầy từ bi chỉ dạy, con đội ơn thầy.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.


Sư Ông đáp:
Ngồi thiền sổ tức là đếm hơi thở theo hơi thở ra vô, nhưng vị muốn bổ túc thêm nữa bài kệ:
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán” 

Xét suy vậy cho không quên. Trong lúc thiền vừa đếm theo hơi thở vừa đọc bài kệ đó đúng hay sai?

Như hồi nãy tôi nói quý vị thấy rõ ngồi thiền là phương tiện nuôi dưỡng tâm mình an trú 1 nơi, khi an trú 1 nơi thì bớt cái xao xuyến. Cho nên thiền chia ra 2 cách: chỉ và quán.
 
Mình theo hơi thở đếm hơi thở thuộc về "chỉ" gọi là quán sổ tức, là xem xét theo hơi thở. Còn nếu mình dùng câu kệ “tất cả pháp hữu vi…” thì đó là "quán", cái nào cũng thiền hết nhưng mà làm cái này thì xin miễn làm cái kia, làm 2-3 cái rồi mệt, mà mệt rồi yếu trở lại như thường, cho nên ở đây vì muốn nó mạnh, mình dồn nó trong 1 cái thôi, nhiều quá thì nó yếu. Khi nào quán thì quán hẳn, khi nào sổ tức thì sổ tức hẳn, mình làm 2 cái thì nó yếu. Quán có lợi trong lúc mình đi, đứng, nằm, ngồi thí dụ như mình vừa thấy một cái gì đó đẹp, thích thì nhớ câu “nhất thiết hữu vi pháp....” thì biết cái này nó có đó cũng như mộng huyển ảo ảnh có gì đâu thích, quán như vậy thì có lợi, làm tâm mình không nhiễm không dính. Còn ngồi thiền thì phải nuôi dưỡng nó mạnh, mạnh thì phải cho an ổn 1 chỗ trong 1 vấn đề nhỏ thôi chứ đừng nhiều vấn đề chen vô, hiểu vậy thì quý vị mới ứng dụng đúng.
 
Trích từ “Sử 33 vị Tổ Thiền Tông Ấn Hoa & Tham Vấn”
H.T thiền sư Thích Thanh Từ
 
Mục Lục