Thiền Tông Việt Nam
Tâm Xuân
XUÂN MẬU TUẤT 2018

Khi chúng tôi mới lên Chơn Không, Hòa thượng rất nghiêm cẩn trong việc để chư tăng tiếp xúc với những ngoại duyên. Nhất là trong việc tiếp khách, gặp gỡ người thân, bạn bè,... Bởi Hòa thượng mong mỏi một phen chúng tôi bỏ thành thị lên núi tu hành thì chỉ một lòng chuyên nhất tu, không để bất cứ ngoại duyên nào làm vướng bận, trở ngại con đường tu học.

Mỗi khi người thân, bạn bè đến thăm thì liên hệ với tri khách, tri khách báo lại cho chúng tôi. Tại nhà khách có bố trí một bộ bàn ghế đá để chư tăng ngồi tiếp khách và chỉ được phép nói chuyện trong mười lăm phút. Khi hai bên nói chuyện với nhau, thầy Chi khách luôn ngồi kế bên và không quên để cái đồng hồ trước mặt, hết mười lăm phút là thầy rung chuông.

Với mười lăm phút ngắn ngủi ấy, cùng với sự có mặt của thầy tri khách, chúng tôi chỉ có thể thăm hỏi nhau vài câu về sức khỏe, thêm đôi ba điều gì đó là hết giờ. Khi tri khách rung chuông, chúng tôi phải đứng dậy đi thẳng, theo con đường Tự Tại Tiến lên thiền đường, không được quay đầu nhìn lại. Mọi cử chỉ hành động của chúng tôi đều được thầy tri khách quan sát kỹ. Nếu vị nào đi lên mà nhìn qua ngó lại, tri khách sẽ trực tiếp nhắc nhở, chỉ dạy để chúng tôi thực hiện nghiêm chỉnh quy chế đã đề ra.

Những ngày mới lên núi, các quy định đó đối với chúng tôi đều mới mẻ, nhưng huynh đệ không có ý kiến gì, chỉ một lòng làm theo lời dạy của Thầy. Riêng đại huynh Đắc Pháp, mỗi khi có điều gì trăn trở đều thưa với Hòa thượng. Một trong những sự việc ấy là việc không cho đi tụng đám. Đại huynh nói từ xưa đến giờ Phật tử có mối liên hệ với chùa thông qua việc tụng đám cầu an cầu siêu. Bây giờ Hòa thượng bỏ hẳn, như thế Phật tử khó có cơ hội gặp chư tăng để thưa hỏi hay xin ý kiến về việc này việc kia. Nghe vậy, Hòa thượng chỉ cười và nói ngắn gọn: "Có thể vài mươi năm nữa mấy chú mới hiểu được sự sắp đặt này của Thầy." Nghe câu nói này của ngài, chúng tôi yên lòng tu hành không ý kiến gì thêm.

Tuy nhiên anh em chưa quen với hoàn cảnh Tịch liêu của núi rừng, nên thấy đời sống sơn tăng tẻ nhạt. Sau này mới hiểu những gì Hòa thượng chỉ bài, áp dụng ở Chơn Không thuở đó, không phải là điều mới mẻ đối với quy chế tùng lâm, nhưng đối với chúng tôi lúc mấy giờ thì rất mới. Như Phật tử nào muốn cầu an cầu siêu thì tới thiền viện, sau thời tụng kinh chư tăng sẽ hồi hướng cầu nguyện cho. Đáp ứng nguyện vọng của quý Phật tử giản dị như vậy, nhưng chúng tôi thấy rất có giá trị.

Hòa thượng nói: "Mấy mươi năm nữa mấy chú mới hiểu được việc làm của Thầy." Nhưng chỉ hai năm sau chúng tôi đã hiểu, khi được sống trên núi khép mình theo thanh quy, thời gian đầu con trâu hoang của chúng tôi còn cựa quậy, nhưng thời gian ngắn sau quả thật nó yên và thuần.

Thập mục ngưu đồ nói để đến được chỗ con trâu nằm yên và mục đồng tự tại, phải mất mấy mươi năm tu hành. Thực tế điều này không phụ thuộc vào thời gian mà tùy hoàn cảnh, ý chí, nhân duyên, công đức của bản thân mỗi hành giả, cùng với sự hướng dẫn chỉ bài trực tiếp của Thầy, sự tu tập của học nhân tiến bộ rất nhanh, chuyển hóa những tập nghiệp cũ đáng kể.

Đến năm thứ ba khi chúng tôi sắp hoàn tất chương trình, mỗi chiều thầy trò cùng nhau ngồi trên gộp đá lớn trước thất Hòa thượng. Thầy kể chuyện đạo lý cho đệ tử nghe, có những buổi nói chuyện giống như tọa đàm, Thầy chỉ dạy hết việc này đến việc khác. Anh em chúng tôi thường xuyên trao đổi công phu tu tập, huynh đệ có những bước tiến hay trở ngại đều chân tình chia sẻ để hỗ trợ cho nhau.

Sư huynh Phước Hảo nói rằng: "cách làm của Thầy ban đầu chúng ta cảm thấy bị khống chế, nhưng bây giờ mới thấy đó là tấm lòng đại từ đại bi của ngài. Nếu không theo Thầy có lẽ hôm nay chúng ta còn điên đảo bôn ba nơi phố thị, lăng xăng chạy tới chạy lui, qua hết một đời tăng sĩ. Làm sao phát triển đạo tâm, đạo lực, trí tuệ? Đệ tử Phật mà không phát triển được trí tuệ thì đâu dám nói đến việc chuyển hóa nghiệp tập, cũng không dám nói giải thoát giác ngộ gì.

Hòa thượng dạy: Trong bài Bát-nhã Tâm Kinh mà thiền sinh áp dụng tu học có câu "Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách." Gần ba năm rồi, các chú nhận và hiểu như thế nào về chiếu kiến ngũ uẩn giai không? Chỉ khi nào các chú nhận hiểu, thể nhập được mới vượt hết khổ ách. Nếu các chú vẫn còn bộ mặt hình sự, cứng nhắc là chưa nhận ra Đại thừa Phật giáo. Chư Phật chư Bồ-tát dạy tất cả các pháp đều không thật. Khi nào các chú nhận được ý tư đó, chưa nói thể nhập mà chỉ cần nhận ra thì chắc chắn sẽ vững niềm tin. Đó là niềm tin Đại thừa Phật giáo.

Chư Phật chư Bồ-tát cũng chỉ cho chúng ta thấy các pháp không thật. Cảnh không thật, thân tâm không thật. Con người do năm uẩn kết hợp thành, nói cách khác con người là một hợp thể của năm yếu tố: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc uẩn là yếu tố sinh lý, vật lý. Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là yếu tố tâm lý.

Thân tứ đại thuộc sắc uẩn, do đất nước gió lửa hợp thành. Xương, thịt, da, lông, tóc,... là chất rắn của đất. Máu, mủ, dịch,... là chất lỏng của nước. Hơi thở lưu thông là chất khí của gió. Thân nhiệt là hơi ấm của lửa. Bốn yếu tố này có thể tan rã bất cứ lúc nào, chỉ cần một yếu tố hoại diệt thì ba yếu tố còn lại cũng hoại theo. Thọ, tưởng, hành, thức thuộc về tâm, là cảm thọ, tưởng tượng, phân biệt, suy nghĩ,... cũng không thật.

Khi nào chúng ta nhận hiểu thể nhập, mới bỏ hết được những tố chất cứng nhắc. Tin tâm mình là tin mình có cái bất sanh bất diệt, tin mình có bản thể, có khả năng thành Phật. Vì chúng ta mê nên lầm nhận những thứ lăng xăng bên ngoài là thật, nên con đường trở về quê hương mới xa vời vợi.

Hòa thượng chỉ dạy khô môi đắng miệng, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng thực hành được, mà khi tỉnh khi mê. Có khi Hòa thượng dạy chúng ta nhận hiểu và sử dụng được, nhưng có khi ngài nói hết lời mình nghe xong vẫn như cũ, đâu lại vào đó. Như thế là ta còn lăng xăng, vướng mắc, còn ngược xuôi chưa dám tin mình.

Bây giờ trong hoàn cảnh của thời đại mới, tăng ni có nhân viên được xuất gia, thọ giới cao quý của đức Phật, được tu học tại thiền viện quy củ như thế này là một nhân duyên tối thắng. Thế nhưng đôi khi chúng ta lại không nhận thấu nên cảm thấy chán nản, tu học trì trệ. vì vậy người đi trước phải có phương tiện chia sẻ động viên người sau, giúp họ tiến lên, vững niềm tin với chánh pháp, tin mình có thể thành Phật.

Chúng ta học Bát-nhã Tâm Kinh, Pháp Hoa, Niết-bàn, Phật tánh, đức tướng Như Lai,... được nghe Hòa thượng dạy mỗi người đều có cái bất sanh bất diệt. Nhưng vì chúng ta giác không liên tục nên khi biết thì sống được với cái bất sanh bất diệt, quên thì lăng xăng điên đảo. Đang biết đây, nhưng vừa bước ra thấy múa lân, hội chợ, ca nhạc,... thì quên liền. Cho nên phải có thầy tổ chỉ dạy, hỗ trợ, chia sẻ những kinh nghiệm tu hành.

Thầy trò huynh đệ chúng ta gặp nhau trong cái chân tình. Chân tình như cha mẹ, anh em một gia đình. Như thế thầy hiểu trò, người đi trước hiểu người đi sau. Vị nào vừa có sơ suất nhỏ liền được thiện hữu hỗ trợ bằng cách này hay cách khác, nhằm giúp vị ấy bảo toàn được con đường tu tập. Đời sống tu hành của chúng ta rất cần những chân tình đó.

Thiền sinh được hướng dẫn kỹ, được huấn luyện trong điều kiện thực tế của thiền viện, tôi tin rằng không bao lâu nữa quý vị sẽ trưởng thành. Đường lối chủ trương đã có sẵn nên người đi trước cứ theo đó làm và chỉ bày lại cho đàn em theo sau.

Hòa thượng Trúc Lâm nói tu là việc không ai thay thế cho chúng ta được, nên phải biết thương mình ráng tu. Nếu y theo lời Hòa thượng Trúc Lâm dạy mà tu hành thì không khó. Ngài dạy đừng chạy theo vọng tưởng, đi đứng nằm ngồi gì cũng đừng chạy theo nó, vọng tưởng là huyễn hóa, ma mỵ,... nếu không chạy theo thì nó không thể kéo lôi mình được. Như thế mới có thể quay về nhận lại và phát huy nội lực của chính mình, định tuệ mới hiện tiền.

Thái tử Sĩ-Đạt-Ta sau khi vượt thành xuất gia, ngài đến học đạo với các vị tu khổ hạnh. Những vị này sống kham khổ, nhịn ăn nhịn uống, dãi nắng dầm sương, hành hạ thân đủ mọi cách. Thái tử nhận thấy cách tu này không đưa đến giải thoát. Ngài tìm đến tu học với các đạo sĩ danh tiếng nhất Ấn Độ thời bấy giờ và nhanh chóng đạt được trình độ tu chứng như các bậc thầy ấy, nhưng đó cũng chưa phải con đường giải thoát. Ngài quyết định lên dãy Tuyết sơn một mình tu tập, sau sáu năm tu khổ hạnh, thân thể tiều tụy chỉ còn da bọc xương, Thái tử vẫn chưa tìm ra con đường giải thoát sanh tử.

Ngài quyết định bỏ lối tu khổ hạnh ép xác, đến bên bờ sông Ni-liên-thiền, sau khi tắm rửa và thọ bát sữa của mục nữ Sujata, Thái tử đến dưới cội cây tất-bát-la toạ thiền với lời kiên thệ: "Nếu không thành đạo, dù thịt nát xương tan cũng quyết không rời chỗ này."

Lời thề đó chính là con đường phát huy trí tuệ Bát-nhã, là ý chí cao tột và quyết liệt để chuẩn bị mở ra cánh cửa giác ngộ hoàn toàn. Sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định, Thái tử thành tựu đạo quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Sau khi giác ngộ, đức Phật đã chỉ cho chúng sanh con đường tu tập giải thoát sinh tử. Ngài là bậc thầy dạy chúng ta biết, từ thân tâm không thật này chúng ta còn có cái bất sanh bất diệt. Nhận được cái bất sanh bất diệt đó là trở về chính mình, giải thoát sanh tử.

Con đường chúng ta đi cũng như thế, bước theo dấu chân Phật, thực hành lời Phật dạy. Nói khó thì thật có vô cùng, nhưng nói dễ cũng không sai. Bởi tỉnh hay mê là do chúng ta, mê thì mê suốt kiếp, tỉnh thì tỉnh trong từng phút giây, từng sự việc.

Nhân những ngày sắp tết, tôi chia sẻ cùng đại chúng những kinh nghiệm tu hành. Hôm nay chuẩn bị bước sang năm mới, mong đại chúng nhận được sinh khí của mùa xuân, ngày mới, nắng mới, hương vị mới. Từ đó mở ra một cánh cửa mới, đi trên một con đường thông thống, con đường sống với trí tuệ Bát-nhã.

Mong rằng chúng ta là những bậc thượng sĩ bước lên nấc thang xuất trần, là những người tu hành chân chánh, học Phật chân chánh, thâm đắc được Phật lý.

Xuân say xuân tỉnh mấy mùa xuân,

Xuân đến xuân đi xuân vẫn tươi.

Xuân tâm xuân Bụt hồn xuân thắm,

Nô nức mừng xuân xuân xuân cười.

Mục Lục