Thiền Tông Việt Nam
Thử Một Lần Nhìn Lại - Chân Hiền Tâm
7. Con Bé Có Duyên

Đến với Phật pháp bạn sẽ được nghe về từ DUYÊN này rất nhiều. Nó là toàn bộ giáo pháp mà đức Phật muốn nói với chúng ta, được sử dụng dưới nhiều tên khác nhau. Hoặc là TÁNH KHÔNG DUYÊN KHỞI, là muốn nói về thực tánh của Nhân Duyên, cũng chính là thực tánh của vạn pháp ở thế gian. Hoặc là NHÂN QUẢ, là mặt triển khai của Nhân Duyên, nhấn mạnh đến hai đầu mút nhân và quả. Hoặc chính NHÂN DUYÊN, là muốn nói quá trình đi từ nhân đến quả còn bị sự chi phối của duyên.

Toàn bộ giáo pháp của Phật đều nói về nó. Mọi pháp môn tu hành của chư Tổ cũng để giúp người đời nhận ra nó. Bởi nó chính là toàn bộ đời sống của con người, là qui luật chi phối mọi thứ ở thế gian, từ vật nhỏ nhất cho đến vật lớn nhất, dù là một sự kiện hay một vật thể, tất cả đều chịu ảnh hưởng của NHÂN DUYÊN. Không thứ nào không có nhân duyên hiện diện trong đó. Nhưng “Chúng sanh đi cùng với nhân duyên mà không biết gì về nhân duyên”. Phật đã nói như thế. Chính vì cái không biết đó mà cuộc sống của ta không mấy hạnh phúc.

Ngày còn nhỏ, mỗi lần mẹ dẫn đến nhà ai, tôi đều được người ta ban tặng một câu “Con bé có duyên”. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, người ta không nỡ chê mình xấu. Một que củi nhầy nhụa vì nắng, với chiếc mũi tẹt và hai cái răng cửa lệch, chỉ có thể là biểu tượng của sắc đẹp nếu chung quanh chỉ còn lũ heo rừng. Song lớn một chút, qua ánh mắt người khác phái, tôi bắt đầu hình dung ra cái duyên thiên hạ nói đó. Không hẳn như mình đã nghĩ. Ngoài cái đẹp vẫn còn có cái duyên. Cái duyên coi bộ lợi hại còn hơn cái đẹp.

Hơn nửa đời người, mới biết cái duyên ấy không phải là thứ chỉ thuộc về mình như người ta đã ca ngợi. Bởi nó không mang ý nghĩa hình thức bên ngoài như cái đẹp, cũng không mang ý nghĩa nội dung bên trong như đức hạnh. Nó không có hình tướng, chỉ là một mối liên hệ giữa mình và người như chút tằm xe của ông tơ bà nguyệt. Là một loại mối mang ràng buộc từ bao đời. Có duyên vì bạn từng có nhiều liên hệ thuận chiều với người khác phái. Đời nay gặp lại, bạn thành người có duyên. Đương nhiên, chỉ những người có duyên với bạn, họ mới thấy bạn có duyên. Cũng chính vì cái duyên đó mà bạn dễ “duyên” với họ hơn với người khác. Ngoài những người đó ra bạn không một chút duyên, thậm chí rất vô duyên. Ta thành kẻ vô duyên vì cái duyên ràng buộc giữa mình và người không có.

Vì thế, ta và người chỉ mới lần đầu gặp mặt, mọi thứ như đã thân quen từ thuở nào. Hiểu được chỗ này mình sẽ chẳng lấy làm lạ về cái gọi là tiếng sét ái tình. Chẳng qua chỉ vì nhân duyên từ nhiều đời trước, kiếp này gặp lại mọi chuyện mới nổ tung. Ma đăng già cũng vì nhân duyên vợ chồng nhiều đời với A Nan nên vừa thấy chàng, nàng đã điêu đứng. A Nan cũng mơ mơ màng như vướng phải bùa mê. Song nhờ thần lực của đức Phật, chính là phần giác tánh trong mỗi chúng sanh, A Nan vượt cạn, Ma đăng già cũng chứng quả. Người đời không được như vậy, là do không sử dụng được phần giác tánh của mình. Không tỉnh nên chạy theo duyên mà sanh tử khổ đau trói buộc.      

DUYÊN là thứ ràng buộc con người lại với nhau. Cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái đều ràng rịt trong những mối nhân duyên. Đời trước giúp đỡ thương yêu nhau, đời này mọi thứ đều thuận lợi. Ngày trước tàn sát ghét bỏ nhau, đời này con giết cha, vợ oán chồng, mọi thứ thành rắc rối. Chỉ là cái QUẢ của một cái NHÂN được gieo từ muôn kiếp trước. Hoặc thuận hoặc nghịch mà thành như vậy.

DUYÊN, bản thân nó không xấu. Phật muốn độ người cũng phải có duyên. Mình muốn nhận lãnh pháp của Hòa thượng, cũng phải có duyên. Cúng dường chính là gieo duyên với Phật pháp. Bố thí chính là gieo duyên với người đời. Duyên chỉ trở thành xấu khi mình vận dụng nó với tính cách qui ngã. QUI NGÃ là thứ gì cũng tập trung cho mình. Thứ gì cũng chỉ có mình, mình mới là trọng tâm thì phiền não không thể tránh khỏi. Tơ dù nhiều thì xe cũng chỉ một. Một mà vương hai, vướng ba thì trách gì chẳng phiền toái. Cho nên, muốn không khổ thì khi nhận không nên vướng, khi cho cố quên đi.

Tổ Đạt Ma nói :  

Ngoài dứt các duyên

Trong tâm không động

Tâm như tường vách

Khả dĩ nhập đạo

Duyên nói đây không phải chỉ ám chỉ cho loại duyên cột chéo tình đời giữa cha mẹ, anh em, nhân ngãi, vợ chồng, bà con quyến thuộc … mà nó còn chỉ cho tất cả những gì quanh mình như tiền bạc, công việc, danh vọng v.v... Thứ gì vừa đến tai, đến mắt, nói tổng quát là lọt vào 5 giác quan của mình, mà mình thấy có sự ưa thích hay ghét bỏ là biết mình đã duyên với nó rồi đó. Ngoài mà duyên tức trong tâm đang động. Trong tâm phải động thì ngoài mới thành duyên. Thuận lòng mà duyên thì vui vẻ hạnh phúc. Nghịch lòng mà duyên thì bất hạnh khổ đau. Cứ vậy, duyên này nối tiếp duyên kia, liên tu bất tận mà thành số phận một con người.

Đạo ngay trong mình, Phật chính tâm ta, nhưng mọi thứ trở thành ngăn cách, chỉ bởi một chữ ĐỘNG hay KHÔNG ĐỘNG, một chữ DUYÊN hay KHÔNG DUYÊN. Con bé có duyên! Duyên như thế mà đừng duyên. Lỡ một lần, ngàn kiếp khó không vương.

Mục Lục