Thiền Tông Việt Nam
Thử Một Lần Nhìn Lại - Chân Hiền Tâm
2. Nghề Là Nghiệp

Không ai còn thấy gì khi đang cắm đầu trong guồng máy danh lợi. Nghiệp là nghề. Sư Hưng đã nói như thế với tôi. NGHỀ thì tôi hiểu nhưng NGHIỆP thì không. Không hiểu nghiệp là gì nên tôi nhớ rất rõ 3 từ đó mà không thấy được hết những gì Sư muốn nói.

Không ai hiểu hết những gì mình đang làm. Cái đáng tội nhất của con người là ở đó.

Nghề là thứ mang lại miếng cơm manh áo cho mình. Ngày này sang ngày khác mình cứ thế mà cắm đầu cắm cổ chạy vạy miếng ăn cho bản thân và gia đình. Tiền bạc là thứ quí giá, bởi nó giải quyết được mọi thứ ở cuộc đời. Có tiền sẽ có tất cả. Người ta nghĩ như thế. Chỉ khi cái chết xuất hiện nó mới hết giá trị. Vì thế ai cũng muốn có một nghề, một nghề hái ra tiền thật nhiều, bất kể những gì phát sinh từ nó.

Không ai thấy được rằng cái nghề ấy đang được in hình rất sâu trong tâm thức của mỗi người. Nó đang giúp mình hình thành một thói quen. Người ta chỉ thực sự bỏ nghề khi tuổi đã xế chiều hoặc không còn cử động chân tay được nữa. Bỏ trong điều kiện bắt buộc (không phải tự ý thức) nên tuy không còn hiện diện, nó vẫn âm ỉ đâu đó trong tiềm thức, rồi vận hành tiếp tục vào những kiếp sau.

Nghề chính là nghiệp. Nghiệp chính là thói quen. Nghề tạo cho ta những thói quen. Một nghề lương thiện tạo cho ta những thói quen lương thiện. Một nghề bất thiện tạo cho ta những thói quen bất thiện. Song cũng có những nghề lương thiện mà lại nẩy sinh những thói quen bất thiện. Cái râu ria ấy phát sinh là do tham dục của con người. Cho nên, một việc làm để nuôi thân không có gì đáng sợ. Cái đáng sợ chính là những thứ râu ria quanh nó.

Cái râu ria ấy một khi đã thành thói quen thì nó có lực dẫn mình theo nó một cách mù quáng không thể nào cưỡng được. Mỗi thói quen đều có lực của riêng nó. Mình chỉ nhận ra được cái lực ấy khi mình muốn dứt bỏ hoặc ngăn chặn nghiệp lại. Sau mấy chục năm lăn lộn khổ não ở đời, tôi mới hiểu hết những gì Sư Hưng đã nói ...

Những ngày chồng ở tù, tôi tập quen với quầy thuốc lá và chiếc xe bánh trước nhà. Người phụ nữ làm nghề mưa mốc qua đường. Chị mộc mạc dễ thương nhưng cuộc đời thật tội nghiệp. Như trả ơn cho cái mộc mạc dễ thương đó, một người đàn ông đã đến, bỏ qua những chuyện mưa mốc, giúp chị có mái nhà ấm êm vui vẻ. Bẵng đi một thời gian, tôi lại thấy chị xuất hiện với cái nghề mưa mốc ngày nào. Chị nói chị buồn, không quen nhà êm cửa ấm. Cuộc đời lang bạt quen rồi. Chị bỏ chồng trở lại đường xưa. Chị muốn được tự do. Tôi ngao ngán cho cái muốn tự do của chị. Mưa mốc đã trở thành nghiệp dĩ và người ta bị cuốn phăng trong cái nghiệp dĩ ấy của mình. Không cần biết hậu quả thế nào và ngày mai sẽ ra sao.

Buôn bán không phải là nghề của tôi. Bởi tôi không thích nó chút nào. Tôi gánh nó chỉ vì chồng ở tù và chỉ có chị mới giúp tôi có đồng ra đồng vào trong hoàn cảnh khó khăn. Tôi theo chị bắt đầu nghiệp buôn bán. Tôi buôn bán nhưng hồn để tận đâu đâu. Bà chủ sạp đuổi mấy lần, bởi “khuôn mặt hãm tài không thể nào chịu nổi”. Buôn bán không xấu nhưng những cái râu ria như thế mà nó thành xấu. Tôi càng ghét cái nghề mua bán kinh khủng. Ghét những con người đầu môi chót lưỡi tráo trở điêu ngoa. Nhưng có đồng ra đồng vào tôi cũng thấy vui vui, rồi quen dần trong vòng xoáy đó. Cũng phải tập quen như dùng cơm bữa hằng ngày. Thiếu nó, bụng mình sẽ trống rỗng.

Những ngày chồng về là những ngày tôi thoát khỏi kiếp lang thang và trở thành bà chủ hẳn hòi. Bà chủ thì không phải là kẻ lang thang. Vì bà chủ có quyền lực và tiền bạc. Trong dòng xoáy mua bán, không có nhân quả và thất bại mình không có thời giờ nhìn lại con người mình. Không biết khi nào mình mới tỉnh để nhảy khỏi cái vòng xoáy kinh hoàng đó. Mở mắt ra là đếm tiền. Không có thì giờ để hưởng thụ. Ăn không được, ngủ không yên, luôn sống trong sợ hãi nhọc nhằn, nhưng cả chồng và tôi, không ai có ý buông bỏ dù chỉ một phút. Cứ cắm đầu cắm cổ như con thiêu thân va vào bóng đèn dù tiền bạc không biết để làm gì. Không phải vì thiếu ăn mà vì không thể dừng được. Thứ lực ấy cứ dí mình vào với tiền bạc và danh vọng. Chèn ép. Tàn nhẫn. Quên mất nụ cười thỏa mãn của mình là nước mắt đau khổ của người khác. Quên mất sự chèn ép của mình là nỗi uất ức của bao người. Không ai cho mình có thời gian để suy nghĩ mình cần nhiều tiền như thế để làm gì, mình còn đủ thời gian để tranh giành không, hay nửa đường lại chết thảm như bố? Mình không có thời gian để suy nghĩ, cứ cắm đầu cắm cổ làm theo một thói quen. Một lực nào đó đang cuốn chặt lấy mình và đẩy mình bươn tới trước, bất kể tất cả, chỉ có tiền...

Chỉ khi sự trả vay của nhân quả đủ duyên, cá lớn nuốt mình như mình từng nuốt cá bé, mình mới kịp nhận ra nỗi uất ức mà người ta phải chịu dưới tay mình. Chỉ đến khi tiền mình không cánh mà bay, mình mới thấy mọi thứ ở thế gian là vô thường. Mình mới biết nghĩ đến cái chết của bố và soi rọi những hiện tượng đang diễn ra chung quanh. Không ai thoát được nhân quả. Nhân quả trả vay không hề sai lọt. Thật rùng mình! Tiền không phải là thứ mà mình có thể ôm giữ suốt đời. Nó đến mau thì có thể ra đi cũng rất mau. Nhưng những gì mình đã tạo thì vẫn còn đó. Không đè lên đầu mình thì sẽ là con mình, người thân của mình, làm sao đó để mình trả thông cái quả đau đớn kia. Một cái nhân đã gieo, đủ duyên cái quả sẽ tròn đầy, không chóng thì chầy. Nỗi vui thì qua mau nhưng nỗi buồn thì nặng trĩu. Mình cảm được nỗi vui nhưng quên mất nỗi buồn.

Mua bán thương trường không phải là nghề tôi thích, nó không phải là loại nghiệp tôi phải nối tiếp từ kiếp trước. Nhưng giẫm chân vào đó rồi, mình cũng bị nó dẫn chạy như một con thiêu thân. Nghiệp lực thật kinh hoàng. Thất bại và đau khổ là động lực đưa mình đến vinh quang và thành công, cũng là thứ giúp mình thành cương quyết và tàn nhẫn. Chính nó, cũng là thứ giúp mình dừng đi những ác nghiệp trong thương trường. Phải biết cảm ơn thất bại và đau khổ. Không có nó, không ai có thời gian để suy nghĩ về những gì mình đã làm, không làm sao dừng được phần lực nghiệp mình đã tạo.

Thương trường không xấu nhưng kết hợp với lòng tham của con người mà mọi thứ thành xấu. Một cái nhân bất thiện đủ duyên sẽ cho ra cái quả bất hạnh. Cái quả bất hạnh đó chính là cái nhân trói mình vào những nỗi bất hạnh kế sau. Những người đánh cá sẽ làm gì khi sinh ra trên bãi biển mênh mông nghèo khó mà chung quanh chỉ toàn là người đánh cá? Sẽ lớn lên với một nghề đánh cá. Để rồi quay cuồng trong sóng dữ và những cơn thịnh nộ của đất trời. Cứ vậy mà in hằng vào những kiếp sau.

Không thử một lần ngẩn đầu nhìn lại. Sẽ theo dòng, mãi miết tận đâu đâu. 

Mục Lục