Thiền Tông Việt Nam
Thử Một Lần Nhìn Lại - Chân Hiền Tâm
10. Sở Duyên Duyên

Ở đời, tôi không phải là đứa có phước. Từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ tôi được như ý thứ gì. Tính cái gì cũng sai. Mơ cái gì cũng trật. Thứ gì không nghĩ tới thì thôi, nghĩ tới nó liền ra ngược. Cũng được vài lần như ý, nhưng phiền não cũng liền sau. Như ý kiểu đó, nên không mấy buồn về những thứ không như ý. Cũng không cầu được như ý nữa. Không như ý có khi là cái may của mình cũng nên.

Đời thì bạc nhưng đạo thì không. Thường Chiếu, thầy trồng cây rất nhiều, hoa cũng không phải ít. Tôi xuống Thường Chiếu không phải để ngoạn cảnh hay ngắm hoa, nhưng Thường Chiếu đãi tôi rất mực. Tôi muốn thứ gì nó hiện ra thứ đó. Thích giấy đỏ, ở Thường Chiếu hoa kết mảng thành bồn. Thích hoa vàng, về Thường Chiếu hoa vàng giăng đầy lối. Thầy nói kiểng Bằng lăng chắc không ra hoa, nhưng nó tím một vùng trời. Đất Thường Chiếu, với tôi rất mặn tình.

Ai trong ta cũng có những cảnh ngộ như thế, người được cái này, người được cái kia. Người hạnh phúc ngoài đời, người may mắn trong đạo. Mỗi người ai cũng có cảnh giới của riêng mình. Cảnh giới riêng đó Phật gọi là SỞ DUYÊN. Gọi là SỞ DUYÊN vì nó là đối tượng của một cái NĂNG DUYÊN, chính là phần tâm thức của mình. Do nhân duyên đời trước mà đời này xuất hiện một tên NĂNG DUYÊN cùng với thế giới SỞ DUYÊN của hắn. Anh có năng duyên và sở duyên của anh. Tôi có năng duyên và sở duyên của tôi. SỞ DUYÊN cùng NĂNG DUYÊN là kết quả của một chuỗi nhân duyên từ đời trước. Nhân như thế, gặp duyên như thế thì hiện ra con người và hoàn cảnh như thế. Nó bao gồm tất cả những gì mà 5 giác quan của mình cảm nhận được.

Nhân duyên của tôi với đời không mấy thuận chiều, nên tôi chỉ có thể lượm lặt những thứ bất toàn. Cảnh bất toàn ấy là quả sở duyên của một cái nhân từ bao kiếp trước. Nhân như vậy thì quả như vậy. Nó như thế nào mình cứ y nguyên thế ấy mà chiêm nghiệm thì cảnh giới ấy Phật gọi là SỞ DUYÊN. Hoa rụng vì đến lúc nó rụng. Hoa nở vì đến lúc nó nở. Cứ vậy mà chiêm nghiệm, đừng thấy tốt, xấu, vui, buồn thì nó là cảnh sở duyên. Nhưng một khi hoa nở làm mình vui, lá rụng khiến mình sầu thì nó không còn là cảnh SỞ DUYÊN nữa, mà gọi là SỞ DUYÊN DUYÊN. Có đến 2 chữ duyên. Vì trên cảnh SỞ DUYÊN mà duyên một nấc nữa nên gọi là SỞ DUYÊN DUYÊN. Vì duyên với nó nên mình mới thấy buồn hay vui, xấu hay tốt. Không duyên với cảnh thì cảnh chỉ là cảnh, nào phải cảnh có vui hay buồn, tốt hay xấu.

Tâm ai cũng chất đầy tình cảm và quan niệm, nên đa phần đều không sống được với cảnh SỞ DUYÊN của mình, chỉ sống được với cảnh SỞ DUYÊN DUYÊN. Thi sĩ Nguyễn Du có một câu thơ khá bất hủ “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nó nói lên hiện cảnh đã bị tâm thức của mình làm biến thể. Buồn thấy cảnh buồn. Vui thấy cảnh vui. Bác sĩ nhìn cô thiếu nữ theo góc độ của chàng bác sĩ. Anh họa sĩ nhìn cô thiếu nữ theo góc độ của anh họa sĩ. Anh có cái nhìn của anh. Tôi có cái nhìn của tôi. Ngoại cảnh tuy một mà trở thành muôn vàn sai khác là do bị chi phối bởi quan niệm và tình cảm của con người. Nếu quan niệm và tình cảm của ta giống nhau, ta sẽ có cảnh DUYÊN DUYÊN như nhau.

Thiền sư Hữu Tâm, trụ trì chùa Tịch Tướng, có người sư đệ tên là Hữu Đắc. Hữu Đắc căn cơ chậm lụt lại chột hết một mắt, bình thường chỉ giúp sư huynh làm việc ở nhà sau, chưa bao giờ tiếp khách.

Một lần, thiền sư Hữu Tâm đi vắng, vừa ra khỏi cửa thì một thầy tăng đến tham vấn. Sư Hữu Đắc bất đắc dĩ phải dùng tay tiếp khách, còn miệng thì câm như hến để khỏi lộ cái sở đoản của mình.

Sư Hữu Tâm trở về cũng vừa lúc gặp thầy tăng đến đầu ngõ. Thầy vui vẻ khen ngợi “Sư đệ của Thầy đúng là bậc pháp khí không ai sánh được. Trước tiên con đưa 1 ngón tay muốn biểu thị Phật là đấng duy nhất trong cõi trời người, thầy ấy liền đưa 2 ngón tay biểu thị Phật Pháp tuy 2 mà không phải 2. Sau đó con đưa 3 ngón tay muốn hiển thị Phật - Pháp - Tăng hòa hợp không thể thiếu. Sư thầy liền cung tay vào mặt con biểu thị 3 cái đó đều do một cú ngộ mà được”. Nói rồi tăng đắc chí lễ bái mà đi.

Sư Hữu Tâm về đến cổng chùa, Hữu Đắc đã ấm ức chạy ra “Vừa rồi có một thầy tăng chẳng ra làm sao. Vừa đến cổng, đã chỉa ngay ngón tay vào con mắt chột của đệ mà chế giễu. Đệ bỏ qua, đưa 2 ngón tay biểu thị đủ 2 con là may mắn. Không ngờ hắn vẫn chưa hết cái tật đó, đưa 3 ngón tay ám chỉ hắn và đệ cộng lại cũng chỉ mới 3. Đệ chẳng nể nang gì nữa, cung tay đánh vào mặt hắn một cú. Không ngờ hắn cũng biết lỗi, quì xuống lạy, rồi chạy mất”.

Cùng một cảnh ngộ mà tăng thấy theo đường tăng, sư thấy theo đường sư. Chỉ có sư Hữu Tâm ở giữa là cười đắc chí. Chẳng qua vì tư tưởng của mỗi người mỗi khác. Cảnh SỞ DUYÊN chỉ gồm 3 ngón tay và 1 cú đấm nhưng trở thành cảnh DUYÊN DUYÊN để mình nghiền ngẫm, là nhờ dòng vọng tưởng phong phú của mỗi người. Dòng vọng tưởng này có thứ cứu người mà cũng có thứ giết người. CỨU NGƯỜI là khi sự vật hay cảnh ngộ ấy qua tâm thức của mình, nó trở thành thứ giúp mình học đạo sáng tâm, việc tu hành của mình tăng trưởng. Cú đấm rốt sau ấy là cú đấm “tàn sát” nhưng do cái duyên giáo hóa của sư Hữu Đắc và phước lành của thầy tăng mà nó thành pháp cứu người. Trở thành GIẾT NGƯỜI, là qua tâm thức của mình, cảnh vật hay sự việc ấy khiến mình tăng thêm tham lam và sân hận. Người ta nói chuyện thiên hạ đâu đâu, mình cũng tưởng người ta nói mình, rồi tìm cách gây gổ trả thù, đó là pháp giết người.

SỞ DUYÊN DUYÊN là một trong 4 loại duyên chi phối toàn bộ đời sống con người đây. Vì SỞ DUYÊN đã biến thành SỞ DUYÊN DUYÊN nên thế gian này mới lắm chuyện nực cười. Hạnh phúc cũng nhiều mà đau thương không ít. THIỀN, chính là để tâm thức của mình không còn bị sai sử bởi những quan niệm định kiến hay tình cảm riêng tư khiến cái nhìn của mình đối với muôn sự muôn vật ở thế gian trở thành méo mó. Nó giúp mình nhìn đúng thực tướng của vạn pháp ở thế gian.

Mục Lục