Thiền Tông Việt Nam
Thử Một Lần Nhìn Lại - Chân Hiền Tâm
3. Tỉnh

Không biết ai đã nói với tôi về việc bố thí cúng dường. Hình như dì Hoa, cũng có thể là chị Tý. Không nhớ được. Chỉ biết những ngày hàng ế tôi mới có thì giờ nói chuyện với người này người kia và làm quen với việc bố thí cúng dường, hy vọng thay đổi được chút gì đó trong giai đoạn ế ẩm.

Tôi không có thì giờ để đi, nhưng tôi có niềm tin và những người đáng tin để gởi tiền đưa cúng.

Ngày ấy, dì hay đi cúng dường cho miệt Long Thành Bà Rịa. Dì vào các chiếu của Hòa thượng, dì đội gạo lên tận núi Thị Vải, dì đến bệnh viện ung bướu. Mọi ngóc ngách đều có mặt dì. Có niềm tin nên dì nói gì tôi làm nấy. Song niềm tin ấy không nằm ở con người dì, chỉ một phần, mà cái chính là việc đưa ra của tôi luôn có cái quả để tôi gặt lại. Gặt hơn số mình đưa rất nhiều.

Tôi hoàn toàn yên tâm. Niệm Phật từng giúp tôi thoát khổ nhưng tôi không thể niệm Phật khi làm ăn. Giây thần kinh mắc cỡ vẫn còn. Song bây giờ tôi đã có chỗ tựa. Ngày nào tôi còn bố thí cúng dường, ngày đó tôi còn sang, không đói. Niềm tin càng được củng cố sau bao thăng trầm của cuộc đời. Cho đến lúc tôi đọc được cuốn kinh Thập Thiện giảng giải của Hòa thượng Trúc Lâm thì niềm tin ở cực điểm và về đúng vị trí của nó. Không còn là những gì ngoài da mà là máu huyết và hơi thở của chính mình. Khi đang sung túc người ta thường bố thí rộng rãi, nhưng khi khó khăn người ta thường rụt tay. Càng khó khăn tôi càng gắng bố thí. Đương nhiên việc bố thí ấy không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình. Tôi đã giải quyết nghiệp lực của mình theo kiểu như thế.

Mẹ mất, mọi thứ thay đổi ít nhiều. Chị bị bắt. Công việc của tôi đình trệ. Những ngày rảnh rỗi, tôi mới có dịp lang thang đây đó để nghiệm ra lý thật của cuộc đời. Một lần lên tận núi Châu Đốc cúng bà. Về, vốn chưa lấy lại đồng nào, mất trắng hết một mớ. Tôi từ luôn bà Chúa Xứ. Song cũng nhờ chuyến đi ấy mà tôi rút ra được một điều rất lý thú về những gì Phật Tổ đã nói.

Người ta tin bà Chúa Xứ rất mực. Những người dáng dấp trông rất thời đại cũng tin bà Chúa Xứ. Họ lên xin lộc làm ăn hoặc lên vay tiền trả chậm. Trong đền có cả bảng vàng đền ơn của những người giàu có và nổi danh thời bấy giờ. Nổi danh vì vướng vào tội lường gạt và đang ở tù. Không người buôn bán nào mà không tin bà Chúa Xứ. Có thể chỉ mình tôi là không tin. Người ta nói tại tôi không tin thành bà phạt. Ngày tôi đội quả lên đó cúng, tôi đến với cả lòng thành. Không tin, ai bỏ mấy ngày đường nhọc nhằn đi cho cực. Chỉ vì cúng xong, mất toi quá nhiều thành mới không tin. Đâu có chuyện lý luận ngược như thế để giữ uy tín cho bà. Nói chính xác là giữ uy cho chàng vọng tưởng nhà mình.

Nhưng vì sao người ta tin? Phải có nguyên do. Coi vậy chứ thiên hạ lầm thì có lầm nhưng ngu thì không ai ngu.

Lầm nói đây là lầm nhân này với quả kia. Như gà mẹ ấp một rổ trứng, trong đó cho vào một hột vịt. Ấp ra, một chú vịt con đi lững thững trong đàn gà. Người có trí, biết gà mẹ chỉ có công ấp chứ không có khả năng đẻ ra vịt. Người không biết thì cho gà mẹ có tài sinh ra vịt. Lầm là lầm như thế. Không phải không có mà mình vẫn tin. Không có mà mình vẫn tin mới nói mình ngu. Đằng này thấy có kết quả nên mình mới tin. Có điều mình không thấy được xuất xứ của cái hột vịt đó là từ ngoài bỏ vào. Lầm là lầm chỗ đó. Nên nói lầm thì có lầm, mà ngu thì không ngu.

Vì có hiện tượng gà mái ấp ra vịt, nên mình mới tin gà có khả năng đẻ ra vịt. Mình tin vì mình đi cúng đi vay về mình làm ăn được, tiền vô thoải mái. Chỉ có điều mình không hiểu việc tiền vô thoải mái đó không phải do bà Chúa Xứ ban cho, mà chính là từ sự bố thí cúng dường của mình. Mình không hiểu được như thế, cứ tưởng bà Chúa Xứ cũng như đức Phật có khả năng ban phát tiền bạc hạnh phúc cho mình. Không phải. Phú quí đều từ cái nhân bố thí mà ra. Cúng cho bà một mâm trái cây cũng là một hình thức bố thí. Cho ông địa một điều thuốc lá cũng là bố thí. Đó là bố thí cho những kẻ khuất mặt. Nhưng không phải chỉ có bố thí cho bà hay cho ông địa mà mình được nhiều lộc như thế. Còn rất nhiều duyên bố thí khác trong đời, giờ đủ duyên thì sinh quả. Đó có thể là cái quả từ một sự hiếu thuận với cha mẹ, một nắm cơm cho người nghèo khổ, một chiếc áo cũ cho người qua đường, một nắm xôi cho tăng khất thực. Chỉ là một hành động nhất thời nhỏ nhoi nhưng cái quả có khi ăn một đời không hết. Vì sao? Vì mình làm trong sự thương cảm thật lòng, không hề nghĩ đến quả báo hay cầu mong. Nó lớn vì không có sự ngả giá hơn thua trong đó. Bà Chúa Xứ hay đức Phật cô đơn chẳng qua cũng như nàng gà mái ấp trứng kia. Thấy thì như có khả năng đẻ ra vịt nhưng thực là không phải. Hiện tượng thấy như thế nhưng không phải là như thế.

Chính vì thế, những tay tỷ phú của Châu âu, không tay nào biết đến bà Chúa Xứ, chỉ biết tập trung bố thí thật nhiều. Nhờ vậy chúng giàu bạc tỷ. Mình thì lạy bà sói đầu nhưng nợ thì không bao giờ trả hết. Vì lạy thì nhiều nhưng cho thì chẳng cho ai. Nợ không trả mà chỉ tính chuyện mượn cho được, còn trả hay không để đó tính sau. Cái thói ấy, không thể khá được. Vì thế khó khăn này nối tiếp khó khăn kia. 9 cái nắp mà tới 10 cái lu, xoay tới xoay lui, tiền chợ tiền cơm, 10 cái lu còn 8 cái nắp. Cứ vậy mà cạn lần. Ngồi chơ vơ với 10 cái lu không cái nào có nắp. Chẳng qua vì không biết gì về nhân quả. Không biết bố thí là nhân, giàu sang là quả. Lấy của người là nhân, nghèo khó là quả. Không biết, nên gieo cái nhân không đúng chỗ, lộn nhân lộn duyên mà thành khổ nạn với lo âu.

Cái quả phú quí đã tới thì mình làm gì cũng trúng thời, trúng vụ. Thứ mà thiên hạ sập tiệm chính là thứ khiến mình phát tài phát lộc. Mình nói xuôi nói ngược gì thiên hạ cũng ừ. Mình chèn ép bao nhiêu, thiên hạ cũng chịu. Mình có làm hàng giả hàng xấu, thiên hạ cũng bu vào mua. Bởi bán cho mình đem tiền về hắn mua được hàng. Mua hàng mình đem về, hắn bán được nhanh cho thiên hạ. Bởi cớ sự đó mà nhiều khi thiên hạ làm hàng tốt bán không được, hắn chui đầu chờ mua của mình. Thiên hạ mua cao một chút hắn cũng chê, chờ bán hàng cho mình. Cái thời tranh sáng tranh tối lúc ấy là như thế.

Cái quả phú quí tới, nên lương lẹo bao nhiêu mình cũng cứ thành công. Chính nhờ cái PHƯỚC phú quí đó, lương lẹo mới thành công. Không có cái phước ấy, lương lẹo sẽ lòi mặt địa, sẽ khiến mình ở tù. Song cái NHÂN của sự phú quí là từ việc bố thí hay cúng dường, không phải do sự lương lẹo mà có. Lương lẹo sẽ có cái quả của lương lẹo. Không chóng thì chầy, đủ duyên cái quả ấy sẽ hiện. Nhân quả chi li rất rõ ràng. Nhân bố thí hay cúng dường cho ra cái quả giàu sang. Nhân lương lẹo sẽ cho ra cái quả bất hạnh. Thành đừng thắc mắc vì sao chúng lương lẹo như thế mà phú quí quanh năm. Phú quí có cái nhân của phú quí. Lương lẹo có cái quả của lương lẹo. Chẳng chạy đâu cho thoát. Thành phước tới mà không khéo, dễ gây tội lỗi vô vàn. Họa tới mà khéo một chút có khi lại thành phước.

Cái phước dễ sinh cái mầm họa hoạn như thế, lại cảm nhận sự trả vay nhân quả từ những người chung quanh và ngay chính bản thân mình, tôi cụt hứng với việc làm giàu, mất luôn phương hướng cho cuộc đời mình. Được cái này không chừng lại giẫm vào cái kia. Trả cái kia có khi còn đau khổ hơn được cái này. Trời trong xanh, mây nhè nhẹ mà không tránh được một tiếng thở dài rứt ruột. Đúng là “Khi ta thấy rõ vạn pháp trong thế giới này đều hạn cuộc và tương đối thì ta sẽ hài lòng trong mái nhà tranh đơn sơ nhất”.

Mục Lục