Những Cánh Hoa Đàm (Tập 3)
Những Cánh Hoa Đàm (tt2)
HỎI: Kính bạch Hòa thượng, khi tu đến quả vị A-la-hán hoàn toàn giải thoát, nhưng gần đây quý Thầy giảng có đề cập đến những vị đại A-la-hán và tiểu A-la-hán. Như vậy quả vị A-la-hán có cao thấp sao? Xin thầy hoan hỷ giản trạch cho chúng con được rõ. ĐÁP: Trong kinh thường nói đại A-la-hán, vậy thì A-la-hán có đại có tiểu sao? Phật dạy khi chứng A-la-hán rồi các Ngài không thích độ sanh, vì độ sanh là còn đi trong sanh tử mới độ được, các Ngài không muốn trở lại trong sanh tử nữa, các Ngài nhập Niết-bàn, nên gọi là tiểu A-la-hán. Còn chứng A-la-hán rồi hồi tâm tu hạnh Bồ-tát nguyện độ tất cả chúng sanh thì gọi là hồi tâm đại A-la-hán tức là A-la-hán hướng tâm về hạnh đại thừa Bồ-tát. A-la-hán không cao không thấp, nhưng mà ngang đó dừng lại thì gọi là tiểu A-la-hán, ngang đó hướng về đại thừa Bồ-tát hạnh để độ chúng sanh thì gọi là đại A-la-hán.
ĐÁP: Tôi thường nói chúng ta sanh làm người có phước hơn sanh làm thú. Thế mà có nhiều người bần cùng khổ sở không đủ ăn, ngược lại có những con chó của ông nhà giàu nuôi cho ăn thịt bò, bệnh thì đưa đi bác sĩ. Như vậy chó có phước hơn những người nghèo thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc thang. Đứng về nghiệp thì làm chó là có tội hơn làm người. Phật dạy thân này là tổng báo. Nếu người đó hách dịch đàn áp người ta thì có tội, còn cúng dường, làm việc thiện là phước. Nhiều khi hung hăng hách dịch thì họ bị đọa, nhưng phước thì họ hưởng, như những con vật được chủ chăm lo, sung sướng, nó trả nghiệp phải đọa làm thú mà hưởng phước là được sung sướng.
ĐÁP: Căn cứ theo nhà Phật và phong tục Á Đông thì họ phạm tội sát sanh và bất hiếu, nhưng mà theo tập tục của bộ lạc đó, họ đâu có biết phạm hay không phạm. Chỉ khi nào họ biết: Họ rung cha mẹ họ, thì sau này con họ rung họ, và chính họ bãi bỏ tập tục lạc hậu đó thì mới tốt.
ĐÁP: Các Ngài phải trả quả đời trước, nhưng người có ác tâm hại các Ngài thì cũng không tránh khỏi quả báo. Quả không phải do các Ngài trả mà là người khác trả. Cho nên Phật dạy: Oan gia nên giải chớ không nên kết. Giả sử trước đây có ai đó đã làm khổ mình, bây giờ mình có thế lực mình nghĩ phải trả lại cho đã giận thì đó là họ gây nhân mình trả quả, rồi trở lại tạo nhân tiếp. Vì vậy cho nên ngang đây chúng ta dứt hẳn thì nghiệp quả được cởi mở.
ĐÁP: Nếu người tham lam trộm cắp bị bắt ở tù ba năm bảy năm mãn tù ra, ngang đó họ hối cãi làm lành thì dứt quả, còn nếu họ tiếp tục thì trả liên miên.
ĐÁP: Người có lòng tham lường gạt của công, của tư, đều có tội; có tội thì phải trả hoặc trả trong trường hợp công hoặc tư, tùy theo duyên nghiệp của họ mà trả.
ĐÁP: Câu hỏi này quy định không hợp lý, hỏi tại sao người sanh nước này người sanh nước khác thì đó là tùy duyên nghiệp của mỗi người chớ không tại sao hết. Trong kinh nói chỗ biên địa hạ tiện là chỗ thiếu phước. Chữ biên địa trong kinh dùng là để chỉ ở những chỗ ít gặp được thiện hữu tri thức. Như bây giờ chúng ta thấy ở thành phố thì học đạo dễ hơn ở vùng xa vùng sâu; nói ít phước là không học đạo hiểu đạo chớ không hẳn ít phước là nghèo. Có những người ở biên địa người ta cũng giàu có, hoặc xứ này chưa giàu họ đến xứ khác làm giàu, nhưng chưa chắc họ hiểu đạo bao nhiêu, chưa được gần thiện hữu tri thức chưa hiểu đạo thì đó là thiếu phước chớ không hẳn thiếu phước là nghèo.
Sanh từ đâu đến? Khi chết sẽ về đâu? ĐÁP: Câu hỏi này tôi theo lý kinh mà trả lời chớ không phải cái biết riêng tôi. Trong kinh Phật có dạy rằng: Con người ở trong lục đạo luân hồi. Nếu ở cõi trời xuống thì người đó vừa đẹp vừa hiền lành đức hạnh, vì hết phước ở cõi trời nhưng còn cái phước dư được sanh làm người. Nếu từ A-tu-la đến thì người đó cũng sang cả, vì A-tu-la cũng có phước khá nhưng mà nóng giận nhiều. Người nào có tư cách tốt, không có tâm ác hại người, không có tâm tham lam trộm cắp, không tà dâm, không ưa nói dối cũng không thích say sưa thì đó là đời trước làm người trở lại làm người. Nếu từ súc sanh hết tội đến thì tuy được làm người nhưng còn si mê, không được thông minh sáng suốt. Nếu ở ngạ quỷ hết tội lên thì họ bỏn xẻn lắm, có tiền không dám xài, không dám làm việc tốt vì cái tâm bỏn xẻn còn thừa. Nếu ở địa ngục hết tội được sanh lên cõi người thì thân bệnh hoạn, xấu xa tật nguyền. Chết đi về đâu thì cũng tùy theo duyên nghiệp. Tu thập thiện thì chết về cõi trời, giữ năm giới thì trở lại làm người, hoặc trong thập thiện tu được bảy tám giới còn sân thì sanh vào A-tu-la. Người nào làm trọn mười điều ác thì đọa địa ngục, bảy tám điều ác thì vào ngạ quỷ, ba bốn điều ác thì làm súc sanh. Đó là sáu đường luân hồi qua lại, tôi theo kinh Phật mà nói cho quý vị tự nghiệm chớ không thể nói riêng ai được.
ĐÁP: Nói cách khác chúng sanh làm tội bị đọa địa ngục, Phật tánh có xuống địa ngục không? - Chúng sanh đọa địa ngục Phật tánh cũng ở địa ngục nhưng Phật tánh không có khổ, không có khổ tức là không tội. Bởi vì tội là do nghiệp chiêu cảm, mà nghiệp là tướng sanh diệt, Phật tánh thì không sanh diệt. Ví dụ nơi chúng ta đang sống đây có nhà cửa cây cối và bao bọc chúng ta là bầu hư không, có người đốt cỏ khô làm cháy cây, cháy nhà, cháy người mà hư không thì không cháy. Cũng vậy nghiệp là tướng sanh diệt có tướng thì có khổ có vui. Còn Phật tánh không có tướng sanh diệt nên không vui không khổ, ngay cả địa ngục cũng không khổ. Chúng ta theo nghiệp xuống địa ngục, Phật tánh không theo nghiệp nhưng vẫn luôn có.
ĐÁP: Câu hỏi này rất thiết yếu đối với Phật tử. Trong nhà Phật có dạy rõ: Người sơ cơ cúng dường cầu phước thì tốt, vì họ mới phát tâm làm lành, nếu không phước thì họ không làm lành, nhờ cầu phước mà họ làm việc thiện, như vậy họ cũng tạo được nghiệp quả tốt. Nếu người hiểu biết Phật pháp khá thì cúng dường với cái tâm gieo duyên với Tam Bảo, để đời đời gặp Phật pháp mà tu chớ không cầu phước. Còn đối với người hiểu được lý tột của Phật pháp thì bố thí mà tam luân không tịch, tức là không thấy có mình, không thấy có người, không thấy có người, không thấy có vật bố thí đó mới là siêu xuất.
ĐÁP: Chúng ta là người biết đạo tức là có tâm từ bi nên thương người khổ. Dù người đó trước đã tạo tội nên bây giờ họ chịu khổ, chúng ta thương họ khổ thì chúng ta giúp, đó là lòng từ bi của người Phật tử. Còn nói mặc kệ để cho họ trả hết cái nghiệp của họ thì đâu gọi là từ bi. Cho nên dù biết rằng họ đã tạo nghiệp không may phải chịu khổ, nhưng thấy ai khổ chúng ta thương giúp là vì lòng từ bi.
ĐÁP: Muốn phân biệt được người tu chơn hay tu giả tôi khuyên quý Phật tử hỏi bằng cách này. Nếu thấy họ mang hình thức xuất gia thì chỉ cần hỏi: Thưa thầy hoặc thưa cô: "Xuất gia có mấy nghĩa?". Nếu là người tu thật thì họ biết trả lời, còn tu giả thì không trả lời được. Phật dạy xuất gia có mấy nghĩa quý vị biết không? - Xuất gia trong nhà Phật có ba nghĩa: Một là xuất thế tục gia, hai là xuất phiền não gia, ba là xuất tam giới gia. Xuất thế tục gia là ra khỏi nhà thế tục, xuất phiền não gia là ra khỏi nhà phiền não, xuất tam giới gia là không còn bị rơi trong tam giới, tức được giải thoát mới gọi là xuất gia. Hỏi một câu đó thôi là biết tu thật hay tu giả liền. Nếu biết họ tu giả thì quý vị nên khuyên thế này: Thường tôi nghe quý thầy quý cô dạy Phật tử tránh tội làm phước, mà không biết quý thầy quý cô có nhớ làm sao để tránh tội làm phước không? Chỉ nhắc như vậy họ sẽ tự ý thức được việc họ phải tránh, không nên nói nặng nhẹ họ nhiều thêm tội.
ĐÁP: Có nhiều người khi đến chùa lễ Phật hoặc khi nghe chư Tăng Ni tụng kinh xúc động rơi nước mắt, đó là duyên lành lâu đời. Như chúng ta có người thân đi xa quá lâu, nay bất chợt gặp mừng rơi nước mắt - Rơi nước mắt vì mừng, vì tủi. Cũng vậy, vì chúng ta có duyên lành với Phật pháp cho nên bây giờ nghe kinh khơi lại duyên lành đã có, chúng ta xúc động rơi nước mắt. HỎI: Kính bạch Hòa thượng, con có chút thắc mắc kính nhờ thầy giải đáp: Có phải Phật giáo chính thống không nhìn nhận một đấng Thượng đế tối cao, trong khi đó thì các tôn giáo khác chẳng hạn như Thiên chúa giáo và Cao đài giáo lại nhìn nhận có một đấng tối cao cầm đầu vũ trụ. Như vậy Phật giáo nói chung, Thiền tông nói riêng, chúng ta giải thích như thế nào là ngày phán xét sau cùng và Long Hoa hội? ĐÁP: Tôi xin trả lời tóm tắt, tôi không dám nói qua tôn giáo bạn, mà tôi chỉ nói riêng bên Phật giáo thôi. Phật giáo không thừa nhận có một đấng tối cao cai quản và thưởng phạt, vì Phật giáo chủ trương nhân duyên, tạo nhân lành thì được quả lành, tạo nhân ác gây quả ác, nhân quả theo chúng ta như hình với bóng, có nhân thì có quả, nếu nhân duyên hội đủ thì quả đủ, chớ không ai đứng ra xét công luận tội chúng ta. Chính mình là chủ chịu trách nhiệm cái tốt, cái xấu của mình. Còn nói chuyện ngày phán xét sau cùng thì bên Công giáo chớ Phật giáo không có nên tôi không bàn. Lại nói về Long Hoa hội tôi xin giải thích. Từ Long Hoa hội của đạo Phật những tôn giáo khác mượn nói. Trong đạo Phật có hai quyển kinh nói về vấn đề này là kinh Di-lặc Thượng Sanh tức là sanh lên cõi trời và kinh Di-lặc Hạ Sanh tức là sanh vào cõi này. Đức Phật Thích-ca nói rằng: Giáo pháp của Ngài có ba thời kỳ: Thời chánh pháp, thời tượng pháp và thời mạt pháp. Thời chánh pháp là thời đức Phật còn tại thế thì mười người tu mười người ngộ, vì Phật trực tiếp giảng và dạy tu nên ai cũng ngộ được. Thời tượng pháp là thời Phật Niết-bàn thì chư Tỳ-kheo là những vị chứng A-la-hán dạy mười người tu chỉ sáu bảy người ngộ thôi. Hiện nay chúng ta đang ở thời mạt pháp, không có Phật, không có A-la-hán, những người truyền dạy chỉ là phàm Tăng vì vậy mà muôn người tu chưa được một người ngộ. Gọi mạt pháp là tu nhiều mà ngộ ít chớ không phải mạt là dứt hết. Đức Phật dạy đến khi nào ở thế gian không còn ai biết tới danh từ Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng, lúc đó là thời cuối của giáo pháp đức Phật Thích-ca thì đức Di-lặc ra đời. Hai vị Phật không cùng ra đời, khi giáo pháp của đức Phật trước còn phổ cập trong nhân gian thì vị Phật sau không ra đời, vì Phật trước và Phật sau dạy không khác nhau. Khi đức Phật Di-lặc ra đời Ngài ngộ đạo ở dưới cây Long hoa, nói pháp tại đó nên gọi là hội Long Hoa. Như vậy còn lâu lắm, thôi thì chúng ta cứ lo tu chứ chờ hội Long Hoa làm chi.
ĐÁP: Phật tử này muốn hỏi khi ngồi thiền buông vọng tưởng, tối ngủ không còn mộng mị có phải do tu đúng không? Danh từ tiềm thức với danh từ tàng thức tôi xin giải thích. Theo Phân tâm học cái gì có hiểu biết mà thầm kín ở trong thì gọi là tiềm thức. Theo Duy thức học của Phật giáo thì ngoài sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý có sáu thức do sáu căn duyên sáu trần mà có sáu thức đó ở bên ngoài; bên trong còn có thức thứ bảy là mạt na thức và thức thứ tám là tàng thức, hai thức đó tiềm tàng ở trong không thể thấy được. Như vậy bên Phân tâm học nói tiềm thức có thể là mạt na cũng có thể là tàng thức, vì bên này nói hai mà bên kia có một tên nên không biết nó thuộc phần nào. Theo tôi phân tích thì như vậy.
ĐÁP: Nếu nuôi gà vịt để lấy trứng thì không có lỗi gì hết, nhưng mà khi nó hết trứng rồi thì sao? Đó là cái khó xử! Hết trứng rồi thì tới phiên nó, vậy giải quyết thế nào để tránh được nghiệp sát? Bán cho người ta thì cũng tội nghiệp nó. Thôi thì trong cuộc sống tương đối không thế nào muốn được phước trọn vẹn, nếu tôi bảo bỏ nghề chăn nuôi thì đâu có nghề khác mà làm. Vậy thôi có phước chút chút rồi lỡ phạm tội chút chút thì sám hối chớ biết sao!
- Tu theo đạo Phật có lợi ích gì cho bản thân gia đình và xã hội? - Tu là cốt yếu điều phục thân khẩu ý vậy tại sao phải xuất gia. Tu tại gia và xuất gia có ưu khuyết chỗ nào? - Nhập thất có những ưu điểm nào, có phải lúc nhập thất là chuyên điều phục sáu căn hay chỉ niệm Phật thôi? - Làm thế nào để điều phục sáu căn, xin cho thí dụ? - Phiền não là bệnh của chúng sanh, làm thế nào để hết phiền não? ĐÁP: Năm câu hỏi này rất là phổ thông, tôi tuần tự giải đáp. Câu thứ nhất: Hỏi tu theo đạo Phật có lợi ích gì cho bản thân, gia đình và xã hội? Đầu tiên tu theo đạo Phật quý vị phải làm gì? - Quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới phải không? Căn bản của người Phật tử là giữ năm giới, nên tôi thường dạy rằng ăn chay nhiều, niệm Phật giỏi mà không giữ năm giới là chưa có tu. Nếu Phật tử thực hiện được trọn năm giới thì bản thân mình không bị tù về tội giết người, tội trộm cướp, tham lam của công, không bị khinh miệt về lỗi ngoại tình, không bị chê bai là người xảo trá, không say sưa chè chén. Bao nhiêu đó đã thành người tốt rồi. Trong gia đình mà cả hai vợ chồng đều giữ tròn năm giới, chắc chắn không có gì nghi ngờ nhau, không nghi ngờ thì gia đình không xào xáo, cuộc sống được an ổn. Trong một thôn ấp mà mọi người đều giữ tròn năm giới thì thôn ấp đó được an bình. Người đến thôn ấp đó không phải lo sợ? Đến chỗ lạ chúng ta thường lo sợ, sợ bị cướp giật, móc túi, lừa gạt... nhưng nếu nơi đó mọi người đều là Phật tử giữ gìn năm giới thì không còn gì phải lo sợ nữa. Như vậy chỉ giữ tròn năm giới thôi thì bản thân mình là người tốt, gia đình được hạnh phúc, xóm làng được yên ổn, đời sống được vui hòa. Phật tử nếu muốn tu thì năm giới là căn bản, giữ được năm giới thì những cái sau mình tiến không khó. Câu hỏi thứ hai: Tu cốt điều phục thân khẩu ý vậy tại sao phải xuất gia. Tu tại gia và xuất gia có ưu khuyết chỗ nào? - Phật tử nên hiểu người tại gia có cái hay của tại gia, người xuất gia có cái tốt của xuất gia. Đứng về mặt xã hội người tại gia sống trong gia đình giữ gìn năm giới, làm việc thiện, giúp người nghèo khổ... Đó là cái tốt của người tại gia, nhưng nó giới hạn trong phạm vi nhỏ, vì người tại gia còn trách nhiệm với con cái, với xóm giềng nên tu học và truyền bá Phật Pháp không được rộng rãi. Còn người xuất gia có cái ưu của người xuất gia. Người xuất gia là rời khỏi gia đình, dứt hết mọi ràng buộc với thân bằng quyến thuộc, chỉ một việc lo tu, phát huy trí tuệ và đức hạnh để sau này có đủ khả năng giáo hóa. Như vậy nhờ dứt hết mọi ràng buộc với thế sự mà người xuất gia có thời gian chuyên tâm tu học để mở mang chánh pháp rộng, truyền dạy cho mọi người, đó là cái ưu của người xuất gia. Câu thứ ba: Hỏi nhập thất có những ưu điểm nào, nhập thất là điều phục sáu căn hay chỉ niệm Phật thôi? - Nói đến nhập thất thường thì đặt nặng cho người xuất gia hơn tại gia. Nhập thất là thời gian ở riêng một nơi thanh tịnh không tiếp xúc với ngoại duyên, chỉ còn một việc là tu thôi. Lúc đó dồn hết lực tu để điều phục sáu căn, nhất là ý căn chớ không phải nhập thất chỉ niệm Phật thôi. Nếu người tu Tịnh độ thì mượn câu niệm Phật để điều phục, còn người tu thiền thì buông bỏ vọng tưởng. Hai cách khác nhau nhưng trong tâm chỉ có một việc là điều phục sáu căn không dính mắc với sáu trần cho tâm được an ổn. Câu hỏi thứ tư: Làm thế nào để điều phục sáu căn, cho ví dụ? - Trong kinh Kim Cang đức Phật dạy: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tất cả sáu trần đều là tướng duyên hợp giả có không phải thật. Thí dụ như cái đồng hồ này, tự nó không có cái đồng hồ mà do nhiều bộ phận ráp lại có hình dáng cái đồng hồ, nếu gỡ từng bộ phận ra thì có còn là cái đồng hồ không? - Không. Như vậy nếu nhìn đồng hồ mà cho là đẹp xấu, là dính với sắc trần, vì dính sắc trần nên cho nó là đẹp; ngược lại biết nó duyên hợp giả có không thật, tâm không dính nhiễm, đó là điều phục được nhãn căn đối với sắc trần. Đến thanh, hương, vị, xúc, pháp trần cũng như vậy. Nói tóm lại tất cả các xúc chạm của sáu căn với sáu trần đều không thật nên không chấp trước, không cầu, không đòi phải thế này thế nọ thế kia, đó là điều phục sáu căn. Còn một lối tu nữa là khi mắt vừa thấy cảnh chưa nghĩ đẹp xấu liền dừng ngay đó không khởi niệm, tai nghe tiếng, lưỡi nếm vị, mũi ngửi mùi cũng vậy. Có thấy, có nghe, có nếm mà không khởi niệm, đó cũng là điều phục sáu căn. Vậy nhà Thiền điều phục sáu căn hoặc dùng pháp quán đúng như thật sáu trần là hư dối không thật để đừng dính nhiễm, hoặc khi căn tiếp xúc với trần không khởi niệm là chân tâm hiện tiền. Câu hỏi thứ năm: Phiền não là bệnh của chúng sanh, làm thế nào để hết phiền não? Tôi xin hỏi: Phiền não là bệnh mà hiện giờ ngồi đây nghe pháp quý vị có phiền não không? - Bây giờ không có nhưng một chút ra về lên xe kẻ ngồi trước người ngồi sau thì có! Vậy khi bình thản thì không có phiền não, quý vị thử tìm xem phiền não do đâu mà ra? Do hai cái chấp: một là chấp thân, hai là chấp tâm. Ví dụ không biết mình đẹp hay xấu, mà có ai nói chị đó xấu quá thì phiền não. Đó là chấp thân này tốt đẹp nên nghe ai chê là phiền não. Vậy gốc của phiền não từ chấp thân mà ra. Kế đến là chấp tâm, cho cái nghĩ của mình là đúng, nếu có ai nói anh nghĩ bậy thì nổi giận liền. Thật ra cái suy nghĩ của mình có khi cũng sai lầm chớ đâu phải hoàn toàn đúng hết vậy mà nghe chê cũng giận. Vì chấp cái sai lầm của mình cho là đúng, rồi cãi lộn đánh lộn ầm ầm, thường trong gia đình bất an là do chấp cái suy nghĩ của mình là đúng. Như vậy gốc của phiền não là do chấp thân, chấp tâm mà ra. Biết vậy rồi chúng ta phải thấy thân này không thật, tâm này không thật thì mới hết phiền não. Quý vị thử nghĩ nếu thân này thật thì tại sao sống mấy mươi năm rồi lại chết, đem chôn xuống hố lấp đất hoặc đem thiêu còn một hủ xương tro! Đó là việc xảy ra hằng ngày, vậy mà đối với thân này chúng ta vẫn thấy nó thật. Đó là điều hết sức lầm lẫn mê muội. Tâm vọng tưởng cũng vậy, đâu phải sự suy nghĩ của mình là chân lý. Hôm nay mình nghĩ và sắp đặt thế này cho là đúng, nhưng đến ngày mai lại thấy nó sai, nên sửa sai. Vậy cái nghĩ đó không thật, nếu chấp cho là thật càng thêm lỗi. Vì vậy muốn hết phiền não thì đừng cố chấp, vì chấp là gốc của khổ đau. Phật dạy chúng ta tu muốn hết khổ phải phá chấp thân, chấp tâm, phá được hai cái chấp đó là hết khổ được vui. Quý vị tu cứ thấy cõi Ta-bà này là khổ, đòi về Cực Lạc cho an vui chớ không biết rằng khổ là do mình chấp. Nếu chúng ta bỏ hết chấp thì cõi Ta-bà này biến thành Cực Lạc, tạo dựng Cực Lạc ngay nơi Ta-bà này, chứ ôm cái chấp mà đòi về bên kia cho hết khổ thì không chắc, bởi vì chấp nặng như núi Thái sơn thì làm sao về bên kia được. Cho nên tu người biết tu phải thực tế, ngay trong cõi đời này, trong cuộc sống này, chúng ta xả bỏ cố chấp thì sạch phiền não, hết khổ đau. Đó là Phật dạy chúng ta tu để hết khổ. Mục Lục
|