Thiền Tông Việt Nam
Những Cánh Hoa Đàm (Tập 3)
Những Cánh Hoa Đàm (tt7)

HỎI: Kính bạch Hòa thượng xin Ngài giải thích cho con mối nghi như sau:

- Chú Đại Bi được các Hòa thượng tôn túc trì tụng có nhiều linh nghiệm, nhưng con lại thấy các thầy bùa lỗ ban cũng trì chú Đại Bi. Như vậy chú Đại Bi do đức Quán Âm chế ra không lẽ Ngài cũng hộ trì cho các thầy bùa sao?

- Kính bạch Hòa thượng cả ngày con phải vất vả trong cuộc sống, nên tối đến phải nghỉ, khoảng 12 giờ hoặc một giờ khuya con thức dậy để ngồi thiền; có khi ngồi yên ổn có khi vọng tưởng lăng xăng không thể dừng được, con chỉ còn cách lạy Phật thôi. Một hôm con nghe trong băng nhựa có một Phật tử thưa hỏi thời khóa ngồi thiền, Hòa thượng dạy tránh ngồi lúc 12 giờ khuya. Bạch Hòa thượng có phải ngồi vào giờ này khó dừng được vọng tưởng chăng?

ĐÁP: - Chú Đại Bi (Đại Bi Tâm Đà-la-ni) là chú Quán Âm nói về công dụng của Bồ-tát Quán Thế Âm. Người nào có lòng thành tín trì chú này sẽ thấy hiệu dụng. Có hiệu dụng là do lòng thành tín trì tụng; người tu mà có lòng thành tín trì tụng thì có hiệu dụng, thầy bùa có lòng thành tín trì tụng cũng có hiệu dụng, không phải Bồ-tát thương người này bỏ người kia. Đừng nghĩ Bồ-tát chỉ thương mấy ông thầy tu mà không thương thầy bùa. Cái giá trị ở tâm thành tín, ai thành tín trì tụng thì có hiệu nghiệm, ai không thành tín trì tụng thì không có hiệu nghiệm.

- Vì nhọc nhằn nên tới 12 giờ hay 1 giờ khuya mới ngồi thiền vọng tưởng nhiều, có phải giờ đó vọng tưởng nhiều không trị được chăng? Tôi giải thích cho Phật tử rõ, chúng ta tu không chọn giờ tốt giờ xấu, quan trọng giờ nào tâm mình được thảnh thơi nhẹ nhàng và khí hậu bên ngoài mát mẻ thì ngồi có lợi ích. 12 giờ khuya là giờ ngủ chưa đầy đủ, quý Phật tử ngồi một chút rồi ngủ lại chập chờn không tốt. Cho nên tôi thường khuyên Phật tử nên ngồi vào lúc từ 3 giờ khuya đến 5 giờ sáng, khoảng đó ngồi lúc nào cũng được, vì đức Phật Thích-ca thành đạo vào lúc sao mai mọc. Giờ này ngủ cũng đủ rồi, nên khỏe tỉnh cộng với khí trời thanh thản ngồi thiền tốt hơn. Còn buổi khuya một giờ hay 12 giờ lúc đó đang ngủ say, giật mình thức dậy ngồi một chút ngủ lại thì giấc ngủ không đầy đủ nên ngồi không tốt, chứ không phải ngồi giờ đó sanh ra những thứ vọng tưởng.


HỎI: 
Kính bạch thầy xin thầy từ bi chỉ dạy những thắc mắc của con sau đây:

1. Nhạc mẫu con đã lâm chung đến nay gần bốn mươi chín ngày, người thân có thỉnh mười vị thầy làm lễ trai Tăng và cúng cầu siêu. Vậy người chết có ảnh hưởng lợi ích gì không? Và có nên làm như vậy hay không?

2. Phật dạy tất cả việc ở thế gian đều là vô thường giả tạm, vậy sao làm việc thiện thì được phước làm ác thì có tội?

3. Mỗi người sống ở thế gian đều có số mạng, hay do nghiệp duyên tạo tác mà chết sớm hay muộn? 

4. Tu như thế nào trong một đời có thể thoát khỏi luân hồi?

5. Con có người thân rất thích ăn diện đua đòi, con đã khuyên đủ cách và thuyết phục đủ điều, nhưng không được. Không lẽ con để vậy khi hậu quả không tốt xảy ra, con đồng gánh chịu? Hay con bỏ người thân chịu một mình? Con có nên làm vậy không? Xin thầy từ bi chỉ dạy. 

ĐÁP: 

Tôi xin trả lời câu 1: Trong kinh Địa Tạng Phật dạy: Nếu cha mẹ Phật tử mất, thỉnh Tăng, Ni hay bạn bè tụng Kinh cầu nguyện thì mười phần phước người mất được có ba, còn người sống được bảy phần. Vì lễ cầu nguyện là do tâm của người con hay người trong gia đình hiếu thảo thỉnh Tăng, Ni tụng kinh cầu nguyện và cúng dường trai Tăng. Đó là phát tâm lớn của người sống; nên mười phần công đức thì người sống được bảy phần còn người chết thì được có ba phần. Nếu người chết chưa đi thọ sanh còn ở lại nhờ nghe Kinh mà tâm tỉnh giác được phần nào, gọi đó là lợi ích đôi ba phần, chứ không phải tất cả cho người chết hết. Người chết có lợi ích, nhưng một phần nhỏ thôi chứ không lớn.

2. Người đời nói Thế gian là vô thường, cuộc đời là giả tạm. Nhưng bây giờ quý vị có chửi ai thì người đó có đánh lại quý vị không? - Đánh. Vô cớ chửi người ta, người ta đánh, như vậy làm ác có tội không? - Có. Giả sử quý vị biết thế gian là vô thường tạm bợ, có ai đang đi đường họ té bất tỉnh, quý vị có phương tiện dìu chở họ vô bệnh viện, thuốc thang cho họ mạnh đưa họ về nhà, họ có cám ơn quý vị không? - Có. Vậy việc làm tạm bợ cũng có quả báo tạm bợ, làm thiện thì được quả báo thiện tạm bợ, làm ác cũng bị quả báo ác tạm bợ. Tuy tạm bợ nhưng thiện tốt hơn, nên tôi mới khuyên quý vị làm lành, đừng nói là không có quả báo. 

3. Từ lâu người đời cứ tin vào số mạng, số mạng không có thật, không phải là chân lý. Tại sao? Ví dụ có anh thanh niên giở sách số ra coi thấy mình sống được tám mươi tuổi. Nhưng anh ấy bị người ta rủ hút xì ke, nếu anh ghiền xì ke thì chắc năm mười năm sẽ chết, đâu sống tới tám mươi tuổi. Như vậy có cãi số không? Bởi mạng sống không phải do nơi số mạng, mà do nơi chúng sanh tạo nghiệp lành hay nghiệp dữ. Dù có được thân thể khỏe mạnh mà tạo nhiều nghiệp dữ, cũng không sống lâu, dầu cho thân thể yếu đuối nhưng tạo nghiệp lành có thể sống lâu hơn.

4. Trong một đời, người tu có thoát được luân hồi sanh tử không? Câu hỏi này chưa chính xác. Nói tu một đời mà tu lừng chừng hay tu quyết liệt? Giả sử cạo tóc ở chùa như chúng tôi mà tu lừng chừng qua ngày tháng thì một đời cũng không được giải thoát. Còn tóc như quý Phật tử, khi phát tâm tu thì tu mãnh liệt, quyết rời bỏ tất cả ái dục thế gian, không để sáu căn dính mắc với sáu trần thì người đó chắc chắn được giải thoát. Như vậy giải thoát hay không tùy theo quyết tâm của người tu. Một khi đã quyết tâm là dứt khoát không dính mắc gì cả thì người đó có thể giải thoát. Còn người không quyết tâm thì dầu mười đời chưa chắc được giải thoát.

5. Nếu người thân ăn diện quá, có niệm xấu, có hành động ác mình đem hết lòng chân thành khuyên, họ không nghe thì lỗi ở họ chứ đâu phải lỗi ở mình mà phải cùng chịu tội. Nếu thương người đó không nỡ để họ một mình chịu tội thì cùng chịu như nhau. Tại sao? Vì ái còn nặng quá nên sau khi chết gặp lại nhau nữa, người kia họ không biết tu, mình biết tu, nhưng vì ái họ quá tất nhiên họ khổ mình cũng khổ lây. Chứ không phải bị tội lây, khổ lây là bị niệm ái nó trói buộc. Nếu ngang đây không có niệm ái trói buộc thì không cùng chịu.


HỎI: 
Sau đây con có hai câu hỏi kính mong thầy hoan hỷ chỉ dạy giúp con:

1. Thưa thầy đứa nhỏ bảy tuổi có thể tập tọa thiền theo pháp môn của thầy dạy được không?

2. Thưa thầy vấn đề ngừa thai và phá thai theo Phật giáo có phạm tội không? Kính mong thầy từ bi chỉ dạy giúp con.

ĐÁP:

1. Dù năm tuổi hay bảy tuổi mà đứa bé chịu ngồi thì mình tập cho nó thở vô thở ra cho dài và đếm một tới mười bỏ, thì tốt chứ không sao hết.

2. Thời đức Phật không có chuyện phá thai ngừa thai, nhưng với đạo Phật lúc nào cũng nhìn hai mặt; nhìn về tình thương và nhìn về mầm sống. Trong luật Tỳ-kheo, một số Tỳ-kheo không được phá hoại mầm sống của các loài vật cây cối. Như hạt đâm mầm không được đập phá, không được hủy diệt. Đối với người tu thì quý trọng mầm sống, căn cứ vào đó thì phá thai chắc không hoan hỷ. Giả sử gia đình đó có hai vợ chồng bệnh hoạn làm ăn không ra tiền đã có ba bốn đứa con rồi bây giờ có nên ngừa không? Nếu không ngừa sanh ra nuôi không nổi thì khổ. Đó là lòng thương, phải thấy hoàn cảnh của họ, chứ không nên nhìn một mặt một chiều. Theo quan niệm của tôi thì ngừa thai tốt hơn là phá thai. Ngừa thì chưa có cái mầm sống không có hại nhiều. Khi đã có mầm sống rồi phá không tốt.


HỎI: Chúng con xem cuốn Xuân Trong Cửa Thiền tập 4 đến mục "Cuộc Đời Tu Của Tôi" thầy nói khi đó các thầy có cầu Phật gia hộ và được Phật thương, Tam Bảo gia hộ ưu đãi thầy. Cầu Phật gia hộ có phải thầy cầu tha lực không?

ĐÁP: Đối với việc tu tập chúng ta có quyết tâm tu hành nhưng không bao giờ dám xem thường Tam Bảo. Khi quyết tâm tu hành chúng ta kính trọng Tam Bảo là bậc quý. Chúng ta đi trên con đường giác ngộ nên lúc nào cũng cung kính Tam Bảo, đã cung kính nên tha thiết đảnh lễ nguyện Tam Bảo gia hộ thêm cho ý chí, sở nguyện của mình được thành tựu. Không phải không làm mà cầu xin, mình quyết tâm làm nhưng cũng tha thiết nguyện Tam Bảo gia hộ việc làm đó được thành tựu, vậy là không ỷ lại vào tha lực. Cũng như đứa học trò rất chăm nó học thuộc bài và kính trọng thầy giáo, kính thầy giáo không có nghĩa ỷ vào tha lực. Học thuộc bài, mà thầy giáo là người ơn vẫn kính trọng là tự lực. Còn cầu tha lực là nó cứ nịnh thầy giáo, cầu cho thầy cô giáo cho điểm cao mà bài không học thuộc thì rơi vào lỗi ỷ vào tha lực. Sở nguyện muốn làm thì cố gắng tha thiết làm, nhưng với tâm kính trọng Tam Bảo, lúc nào cũng kính trọng cho nên không phải là tha lực. 


HỎI: 
Từ khi con theo học thiền với thầy đến nay, vì sợ hướng tâm ra ngoài nên con không có tâm cầu Phật gia hộ hay Tam Bảo gia hộ, bây giờ sau khi xem xong cuốn Xuân Trong Cửa Thiền khiến con cảm thấy như mình bị thiệt thòi, vì con cũng muốn được Tam Bảo gia hộ. Xin thầy hoan hỷ chỉ dạy, khi cầu Tam Bảo gia hộ con phải để tâm ở đâu mới khỏi bị cái lỗi hướng tâm ra ngoài. Con xin tri ân thầy.

ĐÁP: Phật tử này lâu nay tu nặng về tự lực, cố gắng tu chứ không cầu Tam Bảo gia hộ, cái đó là hướng nội. Khi nãy tôi nói, một đứa học trò thầy giáo cho bài nó chăm chỉ học thuộc lòng, làm bài rất đầy đủ nó không cầu xin gì cả và thầy giáo cũng thương, nhưng thương chưa được tha thiết lắm. Nếu nó học bài thuộc và nó lễ phép quý kính thầy giáo thì thầy giáo thương nhiều hơn. Nó được hai cái lợi: Tự lực và được người có thẩm quyền thương nhiều thì kết quả tốt hơn. Cũng vậy người Phật tử tu đối với lời Phật Tổ dạy thực hiện tốt, đồng thời đối với Phật Tổ lúc nào cũng tha thiết đảnh lễ nguyện cầu các Ngài gia bị cho, để đường tu tiến tới mục đích cuối cùng. Tâm tha thiết cầu nguyện là tốt chứ không hại gì cả, đừng có kẹt một bên, nhiều khi Phật tử không kẹt ở chỗ ỷ lại thì kẹt ở chỗ tự lực, nên không kế tới ai cả. Không ỷ lại và cũng không xem thường Phật Tổ, như vậy là tốt, là quý.


HỎI: 
Tại sao niệm Phật mà tâm không được thanh tịnh?

ĐÁP: Khi niệm Phật lẽ ra phải chí thành quý kính, tưởng nhớ Phật nhưng thỉnh thoảng lại nhớ chuyện buồn hôm qua hôm kia, nhớ chuyện buồn thì lúc đó không thanh tịnh. Có khi lại còn muốn ăn thua với người ta nữa. Niệm Phật mà tâm không được thanh tịnh vì thiếu tâm tha thiết; niệm Phật tay lần chuỗi niệm mong cho rồi, niệm một hơi cho hết chuỗi. Niệm "Nam Mô A-di-đà Phật" phải tha thiết chí tâm lắng nghe từng tiếng niệm, nhờ chí tâm nghe từng tiếng niệm thì tâm bớt chạy theo cảnh. Còn nếu niệm tính số thì cứ lần cho hết chuỗi mà tâm nghĩ lung tung. Nhiều khi tôi thấy tội nghiệp, có nhiều người đang nói chuyện mà tay cứ lần chuỗi đều đều, không biết là lần chuỗi niệm Phật hay lần chuyện thế gian? Niệm Phật như thế thành thói quen, không có tâm tha thiết và không lắng nghe thì làm sao tâm thanh tịnh được?Cho nên niệm Phật muốn tâm thanh tịnh thì phải niệm với tâm chí thành chí thiết và lắng nghe từng câu một thì mới được thanh tịnh. 


HỎI: 
Con cúi đầu đảnh lễ thầy xin thầy giải cho con hai thắc mắc:

1. Con đọc trong trang sách của thầy và Tổ nói: Khi kiến tánh rồi thì phải vào nơi thanh vắng để trưởng dưỡng Thánh thai. Con không có điều kiện để vào nơi thanh vắng, thậm chí con cũng không có duyên để vào chùa tu, nên con quyết định ở nơi ồn náo mà hằng nhớ tánh Biết. Vậy quyết định này có sai lầm, hoặc làm chậm tiến trình giải thoát của con không?

2. Con hay đứng ở cái Biết nhìn niệm sanh diệt mà quên nhìn thân sanh diệt. Vậy khi thành thục con có rơi vào vọng tâm không và thân giả có không?

ĐÁP: 

1. Khi nhận ra bản tánh rồi thì phải tìm cảnh vắng vẻ để tiện tu nhưng Phật tử này không có điều kiện, kể cả đi chùa cũng không có điều kiện nữa. Nên quyết định ở chỗ ồn náo hằng nhớ Tánh giác. Quyết định như vậy không sai lầm. Thật ra người tu phải khôn ngoan sáng suốt, biết tùy duyên, tùy cảnh đừng nghe người ta làm như thế, mình cũng phải làm như thế trong khi hoàn cảnh của mình không cho phép. Thí dụ quý thầy tu nhận ra mình có Tánh giác rồi nhập thất một mình tu năm năm bảy năm. Còn Phật tử năm bảy đứa con nheo nhóc mười tuổi, tám tuổi, sáu tuổi, cũng nhận ra mình có Tánh giác, bây giờ muốn nhập thất tu được không? - Không. Nếu nhập thất tu mấy đứa nhỏ tới cửa thất khóc hết cả ngày, thì không thể được. Nếu cứ lấy việc của người tu làm việc của mình thì trật rồi, cho nên phải tùy duyên tùy cảnh. Ông thầy không có gì bận rộn, khi nhận ra Tánh giác rồi ngồi yên, có chư Tăng nuôi ông tu, còn Phật tử bây giờ lỡ chuyện nợ nần thế gian nhiều quá, phải ở tại chỗ làm ra tiền để nuôi mấy đứa nhỏ, vừa làm vừa tu là khôn chứ còn bỏ nó mà chạy trốn là không khôn. Nếu vô chùa xin tôi tu thì tôi đuổi về mau. Ở ngay trong hoàn cảnh mà tu được thì đáng khen, chứ không phải là sai lầm, tuy có chậm chút ít cũng không đáng buồn, chậm mà mạnh cũng thành nhanh.  

2. Còn đứng ở cái Biết nhìn các niệm sinh diệt mà quên nhìn thân sanh diệt như vậy khi thành thục có rơi vào vọng tâm không? Ở đây tôi nhắc lại cho Phật tử biết Tổ Lâm Tế có lập Tứ Liệu Giản là: Đoạt nhân chẳng đoạt cảnh, đoạt cảnh chẳng đoạt nhân, nhân cảnh đều đoạt, nhân cảnh đều chẳng đoạt. Thứ nhất là dẹp ở trong nội tâm mà không dẹp cảnh ở ngoài, nghĩa là nhìn từng niệm khởi không theo, còn cảnh ở ngoài thị kệ không dính dáng gì hết gọi là đoạt nhân chẳng đoạt cảnh. Thứ hai là người tu không nhìn nội tâm mà nhìn ra ngoài biết người vật hư huyễn giả dối, như kinh Kim Cang Phật dạy "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng..." thấy rõ nhớ rõ như vậy nên đối người đối cảnh không dính mắc là đoạt cảnh chẳng đoạt nhân. Thứ ba nhân cảnh huyễn hóa không dính mắc. Thứ tư nhân cảnh đều chẳng đoạt, là về thời gian và không gian tâm nhất như rồi thì nhân cảnh đều chẳng đoạt nó tự là nó, không gian vẫn là không, không còn gì để đuổi dẹp nữa. Đó là lối tu Thiền của Tổ Lâm Tế.


HỎI: 
Kính xin Hòa thượng giải giùm thắc mắc cho con: Trong kinh Lăng Nghiêm có đoạn nói ngài Nguyệt Quang khi còn là Tỳ-kheo tu tập pháp quán thủy, một hôm Ngài đang tọa thiền có người đệ tử nhìn qua cửa sổ thấy trong phòng nước đầy khắp, liền lượm hòn sỏi ném vào phòng. Sau khi xả thiền Ngài cảm thấy đau bụng. Nghe chú tiểu thuật lại chuyện như trên, Ngài dạy khi Ngài nhập định chú thấy nước hãy lượm hòn sỏi ra. Chú tiểu làm y như lời Ngài dạy, sau đó Ngài hết đau bụng. Thưa Hòa thượng nếu ngài Nguyệt Quang quán thủy thì chỉ một mình Ngài thấy nước tràn ngập gian phòng của Ngài, tại sao chú tiểu là người thứ hai lại thấy nước ở trong phòng Ngài? Nước đó có thật không mà chú tiểu ném hòn sỏi nghe cái bõm? Nếu nước có thật thì khi Ngài xả thiền nước đi về đâu? Xin Hòa thượng từ bi giải nghĩa cho chúng con được rõ.

ĐÁP: Đây là trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy ngài Văn Thù chọn lựa các căn, căn nào viên thông để chỉ cho người sau tu. Khi chọn các căn thì hai mươi lăm vị Thánh mới trình sở ngộ của mình. Ngài Nguyệt Quang thuật lại chỗ ngộ của Ngài là quán nước. Đây tôi nói cho cách quán nước. Người tu thiền để một chum nước nhỏ trước mặt, rồi quán nước tủa ra lần lần đầy cả phòng, rồi tiếp tục nước đầy khắp hư không thì thành công. Bấy giờ ngài Nguyệt Quang quán nước tràn đầy cả phòng. Chú tiểu ở ngoài thấy thầy ngồi lặng im, chú mới hé cửa nhìn vào sao thấy nước không thấy thầy, chú mới lượm cục sỏi chọi vô nước nghe cái bõm chú đóng cửa đi ra. Tới chừng ngài Nguyệt Quang xả thiền Ngài nghe đau bụng, Ngài nghĩ trong khi hành thiền đâu có gì sai sao lại đau? Thầy kêu chú đệ tử hỏi trong khi ta tọa thiền ngươi làm gì kể lại ta nghe thì chú kể lại việc chú đã làm. Ngài biết rồi, mới nói: Mai ta ngồi thiền ngươi cứ lại mở cửa xem nếu thấy nước thì ngươi lặn trong nước lấy cục sỏi lên. Bữa sau Ngài ngồi thiền chú lại hé cửa thấy nước không, chú lặn trong nước lấy cục sỏi đem ra, xả thiền Ngài hết đau bụng.

Phật tử này thắc mắc, nếu Ngài quán nước thì chỉ mình Ngài thấy nước tràn ngập gian phòng của Ngài thôi, tại sao chú tiểu là người thứ hai thấy nước ở trong phòng Ngài? Nước có thật hay không mà chú tiểu ném hòn sỏi nghe cái bõm. Nếu nước có thật, vậy sau khi Ngài xả thiền nước đó đi về đâu? Thông thường mình quán mình thấy chứ người khác không thấy, nhưng đây không phải vậy. Tại vì Phật tử chưa hiểu rõ, ban đầu mình quán mình thấy nhưng quán gần tới thành tựu thì mình thấy người khác cũng thấy nữa. Quý vị còn nhớ khi các Ngài sử dụng thần thông, quán tưởng lửa thì lửa hiện lên cháy, tưởng nước thì nước tràn ngập hết. Khi thành công rồi mình thấy người khác cũng thấy, còn lúc đang tập mình thấy người khác không thấy. Phật tử này chỉ biết lúc đang tập chứ không biết lúc thành công. Còn nước khi mình quán thì có nước khi mình ngưng quán thì hết, cho nên nói thâu thần thông, tức là không quán nữa thì hết. Như vậy nước không thật nhưng người tu nếu có sức quán mạnh thì thành thật. Nhưng nước đi về đâu? Tôi chỉ nói còn tưởng thì còn thấy, hết tưởng thì hết thấy, chứ không thể nói về đâu.  


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng từ bi giảng dạy cho con được hiểu rõ, trong kinh Đại Bát Niết-bàn Phật nói Tỳ-kheo Thiện Tinh giỏi về mười hai bộ kinh, chứng được tứ thiền rồi vì lý do gần bạc ác thối thất việc tu hành, Phật thọ ký cho Tỳ-kheo Thiện Tinh sẽ bị đọa. Trong kinh Phật nói trong tứ quả Thanh văn, người tin sâu lời Phật dạy, nghiêm trì giới luật tinh tấn tu hành thì được vào Thánh quả Tu-đà-hoàn còn sanh tử bảy lần, lần thứ bảy được chứng quả A-la-hán nhập Niết-bàn Phật nói Tỳ-kheo Thiện Tinh chứng được tứ thiền mà còn kiến chấp tà để cho Phật thọ ký sẽ bị đọa trở lại. Kính xin Hòa thượng từ bi giảng cho con hiểu.

ĐÁP: Trong cuốn Nguồn Thiền của ngài Tông Mật có chia ra năm thứ Thiền: Một là Phàm phu thiền, hai là Ngoại đạo thiền, ba là Tiểu thừa thiền, bốn là Đại thừa thiền, năm là Tối thượng thừa thiền. Phàm phu thiền là tứ thiền: Sơ thiền, Nhị Thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Người chứng Tứ thiền chưa được giác ngộ chỉ nhờ định sanh các cõi trời sắc giới, gọi là Phàm phu thiền. Phàm phu thiền chứng Tứ thiền chưa hoàn toàn giác ngộ nên hưởng hết phước phải đọa trở lại. Các vị tu chứng Tu-đà-hoàn là do ngộ được lý Tứ đế. Khi chứng được Tu-đà-hoàn bảy phen sanh tử thì chứng A-la-hán được vô sanh, được Niết-bàn. Vậy giá trị của người tu tập không phải ở chỗ được định nhiều mà ở chỗ giác ngộ, có trí tuệ mới dứt được sinh tử, còn được định, hưởng phước nhưng chưa hết sanh tử. Vì vậy Tỳ-kheo Thiện Tinh tuy chứng được Tứ thiền, tuy có tụng kinh Niết-bàn song gần bạn ác thối thất đối với cảnh giải thoát chấp trước chỗ không, không có Niết-bàn. Phát sanh tà kiến không tin nhân quả, khởi ác tâm với Phật, sau khi chết đọa địa ngục vô gián.


HỎI: 
Trong gia đình con có người chị thường bị ma nhập làm cho mọi người hoang mang, chúng con không biết gở rối bằng cách nào. Kính xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy, chúng con phải làm cách nào cho chị con được tỉnh tâm không bị ma mị mê hoặc nữa. Chúng con thành tâm biết ơn Hòa thượng.

ĐÁP: Diệt trừ ma, tôi thì không có thần chú không có bùa làm sao mà diệt? Thường người học đạo có hai tâm trạng: Một tâm trạng học đạo là tầm chân lý để giác ngộ lẽ thật, một tâm trạng muốn được những huyền bí để trị tà bắt quỷ. Tôi thuộc về hạng tìm chân lý, nên nói tới tà ma thì tôi bất lực không có quyền năng gì hết. Phật dạy đức trọng thì quỷ thần kinh, người nào có đức lớn thì quỷ thần sợ; không phải sợ vì có bùa có phép mà sợ đức hạnh của người tu. Vậy nên có những người tu không bùa phép gì mà ma quỷ vẫn sợ, có những người tu có bùa phép nhưng phạm trai giới ma quỷ cũng phá như thường. Với cái nhìn riêng tôi, Phật tử này gặp hoàn cảnh khó xử lo sợ, chỉ có hai cách để giúp cho gia đình tạm bớt sợ bớt lo. Nếu người bệnh còn tỉnh có thể khuyên đến chùa, tìm những thầy có phước đức cho quy y, thọ giới để chánh đến thì tà lui là trường hợp thứ nhất. Trường hợp thứ hai, nếu người đó không có tâm tỉnh táo để đi quy y thì Phật tử nên khuyên ở trong nhà đừng sợ sệt, mà chí thành trì tụng kinh Phật mỗi đêm để cầu nguyện cho người đó sớm tỉnh, ma quỷ tránh xa. 


HỎI: Kính bạch thầy con có hai điều thắc mắc kính xin thầy giải đáp giùm con để con hiểu rõ thêm trên đường tu học:

1. Ông Bàng Uẩn khi đã thấy đạo đem tất cả của cải đổ xuống sông. Tại sao không bố thí, vì hạnh bố thí là đứng đầu trong lục độ?  

2. Ngồi thiền để giữ gìn sức khỏe và để cột tâm nơi chóp mũi nhưng trường hợp con là không cột tâm nơi mũi mà chỉ ngồi yên theo dõi tâm, như thế có sai không? Kính xin thầy giải dùm.

ĐÁP:

1. Ông Bàn Uẩn là một nhà Nho, sau khi hiểu Phật rồi nhất là hiểu được lý Thiền, ông chở tiền của đồ đạc đổ hết xuống sông Tương, rồi ông cất am nhỏ để tu và con trai, con gái cũng cùng tu. Phật tử này nói rằng theo pháp Lục độ bố thí là số một, tại sao có của không bố thí mà đem đổ, như thế ông có lãng phí không? Điều này có nhiều người thắc mắc. Nhưng tôi đọc kỹ thì Bàng Uẩn có nói: Đồ đạc tiền của là vật thế gian tham, bây giờ mình biết những thứ này là nhân ham muốn mình bỏ, nếu đem cho người khác thì vô tình gieo nhân xấu cho họ, nên ông đem đổ xuống sông, mình hết tham người khác cũng hết tham. Đó là cái nhìn của ông. 

Bởi vì ông Bàn Uẩn ngộ đạo ở Mã Tổ và ngài Thạch Đầu. Đây là hai vị Thiền sư lớn trong thời đó nên ông ngộ rất sâu, ông thấy tất cả thế gian đều là hư ảo không có gì quan trọng, chỉ có Thể chân thật mới là tối thượng thôi. Vậy nên tiền của không quan trọng, kể cả phước bố thí vì phước bố thí (tài thí) là phước hữu lậu sinh diệt, nên ông thấy không quan trọng, bởi không quan trọng nên ông làm theo ý của ông. Phật tử còn muốn có phước, thích làm phước đời này lỡ tu chưa chứng đạo, đời sau sanh ra có của đỡ buồn, giàu sang đỡ khổ, thích có phước nên tiếc của ông đổ. Cái nhìn của ông khác với cái nhìn của Phật tử, phải xét kỹ coi việc làm của ông và việc làm của Phật tử ai hay hơn rồi tự giải quyết.

2. Phật tử nói ngồi thiền để giữ gìn sức khỏe và để cột tâm nơi chóp mũi điều này tôi không chấp nhận, vì tôi không dạy cách đó. Chủ yếu ngồi thiền là để buông xả vọng tưởng, chứ không phải cột tâm nơi chóp mũi để được sức khỏe; nếu có sức khỏe là cái phụ chứ không phải là chánh. Trọng tâm của ngồi thiền là buông xả vọng tưởng, làm chủ không chạy theo nó. Vọng tưởng là mê thấy biết không theo nó là giác, đó là trong định có huệ, trong huệ có định, chứ không phải chỉ cột tâm ở chóp mũi. Nếu Phật tử chỉ biết ứng dụng ngồi nhìn thấy niệm khởi không theo là đủ, là hợp với đạo lý chứ không sai.

HỎI: - Kính bạch Hòa thượng con thấy loài kiến rất nhiều, đâu đâu cũng có, con nghĩ đây là nghiệp xấu, mà nghiệp xấu này chúng sanh hay phạm, nhưng con không biết kiến do nghiệp gì mà thành. Kính xin Hòa thượng chỉ dạy để chúng con biết đường tránh.

- Có người nói rằng mình giết những con vật như heo, gà, chó... là giúp chúng thoát kiếp súc sanh sớm, có phải khi bị giết như vậy chúng bi thoát kiếp súc sanh không? Kính mong Hòa thượng chỉ dạy.

ĐÁP: - Kiến nhiều quá không biết nghiệp gì sinh ra kiến? Tôi giải thích theo ý tôi chứ tôi chưa thấy kinh nói nghiệp gì sanh kiến hết. Nghiệp nhỏ nhặt sanh ra kiến tức là tâm nhỏ mọn đó. Tâm mình mở rộng lớn thì hết sanh kiến. Quý vị mở tâm rộng lớn thương hết mọi người, mọi loài nhất định không sanh kiến, còn tâm ích kỷ nhỏ mọn quá e rằng nó có thể thành kiến.

- Giả sử mình đang khỏe mạnh chưa biết tu hành gì, chưa có đạo đức gì, có khi mình cũng làm tội nữa. Có ai đó cầm cây súng lại nói anh hay chị sống không có ích gì còn làm tội nữa, tôi bắn cho chết để để thoát kiếp cho khỏe. Tất cả quý vị có ai bằng lòng không? - Không. Như vậy, gà, vịt, heo, chó... khi người muốn cắt cổ, đâm họng, nó có bằng lòng không? - Nó giãy la. Tại mình mạnh muốn giết nó để ăn thịt lại nói cho nó thoát kiếp! Có người hỏi ngược lại: Anh hay giết gà, giết vịt, giết heo... đó là anh làm tội. Bây giờ tôi giết anh cho anh thoát kiếp tội, chịu không? Nếu chịu sẽ thoát kiếp, nếu không chịu chắc không phải thoát kiếp đâu! Ở đời có những lý luận để bảo vệ cái sai quấy của mình, mà không thấy được lẽ thật. Cái gì bất công, cái gì làm chúng sanh khổ thì cái đó là không tốt. Trên lý công bằng ai cũng sợ chết, ai cũng muốn sống, kể cả người bệnh tật cũng muốn sống. Bây giờ súc vật đang khỏe mạnh lôi đầu ra giết, mà nói giết cho thoát kiếp thật không công bình chút nào hết. Lý thoát kiếp không phải là lẽ thật, mà chỉ là lý của kẻ mạnh giết kẻ yếu.


HỎI: 
Kính bạch thầy, khi học kinh Pháp Hoa đến phẩm Hiện Bảo Tháp, con có cảm nhận thật sâu sắc và tự hứa rằng bằng mọi cách phải mở được tháp đa bảo của mình, nhưng đến nay con vẫn chưa làm được, con câu thầy dạy cho con cách mở tháp.

ĐÁP: Muốn mở Tháp thì đừng có thấy hai bên, đừng thấy nhơ sạch, đừng hơn thua, đừng phải quấy... thì mở được liền, đó là chìa khóa mở tháp rồi.

Mục Lục