Thiền Tông Việt Nam
Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải (1999)
Phần I - Nói Thẳng Về Mới Điều Phục (Giảng 3)

Nên biết, ba cõi chỉ có tâm, kẻ mê thì ngoài tâm chạy tìm pháp, người trí thì thấy cảnh chính là tâm.

Những câu này rất khó hiểu, nhưng thật ra đó là cái căn bản.

Nên biết, ba cõi chỉ có tâm.

Nghĩa là tam giới duy tâm, tại sao vậy? Vì tâm là cái biết. Thí dụ như núi rừng, cây cối, nhà cửa v.v... nó có, nhưng nếu không có tâm mình thì nó có, có nghĩa gì không? Nó có, không ai biết nó thì nó có cũng như không có. Chỉ có tâm mới có thể biết được tất cả, mà biết được tất cả nên nó mới thành tất cả, đặt tên là núi, là rừng, là sông, là biển... Còn nếu không có tâm thì tất cả những cái đó có cũng như không có, là không có nghĩa lý gì hết. Cho nên từ tâm mà tạo thành nghiệp có ba cõi, cũng từ tâm mà biết ba cõi, không có tâm thì không biết. Vì vậy nên nói ba cõi chỉ có tâm.

Kẻ mê thì ngoài tâm chạy tìm pháp.

Người mê không biết quay về tâm mình cứ chạy ra ngoài tìm pháp này pháp kia.

Người trí thì thấy cảnh chính là tâm.

Cho nên nói kiến sắc minh tâm, là thấy cảnh tức là tâm. Vì sao thấy cảnh tức là tâm? Như chúng ta đang ngồi đây nhìn ra kia thấy có cây thông, cây thông có phải tâm mình không? Nếu cây thông là tâm mình, có ai bẻ một nhánh mình có đau không? Những người ngoại cuộc không đau, chớ tôi đau, vì tôi trồng nên ai bẻ tôi đau. Vậy thấy được cây thông, biết được cây thông, nếu không có tâm thì thấy được, biết được không? Như vậy biết cây thông đó là tâm, nên nói thấy sắc tức là biết được tâm, chớ không có gì khác. Nếu không tâm thì làm sao thấy sắc, biết sắc, vì vậy nên nói kiến sắc là minh tâm. Nghĩa là thấy được hình tướng liền rõ được tâm, nếu không có tâm làm sao biết được hình tướng, thấy được hình tướng. Đó là những câu rất khó hiểu, nhưng khéo tu rồi sẽ nhận ra được lẽ đó. Nếu thấy sắc biết được tâm thì mình còn thấy sắc nào quan trọng không, vì cái nào cũng từ tâm mình hết thì còn gì nữa mà quan trọng. Cho nên ở đây nói “người trí thấy cảnh chính là tâm”. Cảnh nào cũng không ngoài tâm mình, nếu ngoài tâm mình thì mình không biết, mà mình biết thì không thể ngoài tâm mình được. Thế nên chỗ này đôi khi tôi nói có nhiều người thấy khó hiểu. Đây tôi nói như tôi thấy được cái ly thì cái ly có ngoài phạm vi cái thấy của tôi không? Nếu ngoài phạm vi cái thấy, tôi có thấy nó không? Nó cùng cái sức thấy của tôi, nếu ngoài sức thấy của tôi thì tôi đâu thấy nó, mà tôi thấy nó thì nó ở trong cái thấy của tôi. Vậy tôi thấy cái ly thì cái ly đó chính là tôi thấy, cái thấy của tôi trùm cả cái ly rồi. Đó là thấy sắc tức là thấy tâm, nghĩa là cái ly là sắc nhưng biết rằng cái sắc này không ngoài tâm mình, nếu ngoài tâm mình thì mình không thấy. Như vậy cả bầu trời, cả núi non mình đều thấy tới, không có cái nào ngoài mình hết, nếu ngoài mình thì mình không thấy, mình thấy thì không phải ngoài mình. Đó là cái thấy, còn cái biết nữa. Như chúng ta biết đến cung trăng, thì cung trăng có ngoài cái biết của mình không? Rồi tất cả những chỗ khác mình biết, thì cái gì mình biết được nó, nó không ngoài tâm mình. Thế nên cái thấy cái biết của mình đến đâu thì cảnh vật đó đều không ngoài tâm mình hết. Vì vậy nên hiểu tất cả sự vật không có gì ngoài tâm.

Cảnh tức là cảnh của tâm, tâm tức là tâm của cảnh.

Như vậy cảnh không ngoài tâm nên cảnh tức là tâm, mà từ tâm mình biết được cảnh cho nên tâm cũng tức là cảnh. Cảnh với tâm không rời nhau.

Đối cảnh chẳng mê, gặp duyên chẳng động, năng sở làm thành lẫn nhau, một thể không khác.

Đây là chỗ đặc biệt của người tu. “Đối cảnh chẳng mê” là sao? Tức là gặp cảnh mà mình không quên. Vậy không quên cái gì? Biết cảnh không ngoài tâm là không mê, còn thấy cảnh ở ngoài tâm đó là mê. Mà nếu thấy cảnh không ngoài tâm thì “gặp duyên chẳng động”, vì có cảnh nào, đẹp xấu gì cũng không ngoài tâm, thì dù đẹp cũng không dấy động, xấu cũng không dấy động, nên “gặp duyên chẳng động”.

Năng sở làm thành lẫn nhau.

Năng là mình, là tâm, sở là cảnh, hai cái đó làm thành lẫn nhau.

Một thể không khác.

Tâm cảnh không hai. Tôi thấy cái ly thì cái ly và cái thấy của tôi không hai phải không? Nếu là hai thì tách rời, mà tách rời thì không thấy, không biết. Như vậy là lối nhìn tường tận.

Nếu hay đạt cảnh chỉ là tâm, liền đó ngộ tâm thành đạo.

Nếu người thấu suốt được cảnh chỉ là tâm, không có cảnh ngoài tâm, liền đó ngộ tâm thành đạo. Khi đó mới thấy tâm mình trùm khắp, nó không còn giới hạn như cái tâm suy nghĩ lăng xăng, như thân tứ đại này nữa. Như vậy thấy cảnh và tâm không hai là đạt đạo.

Giác tột vọng niệm từ vô thủy, nhiếp thu cảnh trở về tâm, chân như ra khỏi trói cột (xuất triền), lìa cấu nhiễm được giải thoát.

“Giác tột vọng niệm từ vô thủy.” Giác ngộ tột cùng tất cả vọng niệm từ vô thủy.

Nhiếp thu cảnh trở về tâm.

Nghĩa là tất cả cảnh đều thấy không ngoài tâm, tức là gom nó trở về tâm.

Chân như ra khỏi trói cột.

Như vậy tâm chân như không bị trói cột nữa.

Lìa cấu nhiễm được giải thoát.

Sở dĩ chúng ta ngày nay nhiễm là nhiễm cái gì? Nhiễm tâm hay nhiễm cảnh? Hầu hết là nhiễm cảnh vì thấy cảnh có ngoài tâm, nên nói cảnh này đẹp, cảnh kia xấu, cảnh này mình ưa thích, cảnh kia mình không ưa v.v... Tất cả cái ưa thích hay không ưa thích đó gọi là cấu nhiễm, mà những cấu nhiễm mình biết không ngoài mình mà có, thì tự nhiên ưa cảnh là ưa tâm phải không? Vì nó không ngoài mình có, cảnh tức là tâm mà tâm cũng tức là cảnh, thì còn gì nữa mà phải theo cảnh, mê cảnh. Không theo cảnh, không mê cảnh thì cảnh làm gì trói buộc mình được, nên không bị sáu trần lôi kéo, mà sáu trần không lôi kéo thì mình được giải thoát sanh tử. Thật đơn giản! Như vậy cũng một cái nhìn, nhưng nếu nhìn thấy cảnh có ngoài mình, ngoài tâm thì dễ bị cảnh lôi cuốn. Còn thấy cảnh không ngoài tâm thì cảnh không lôi cuốn mình được. Nếu cảnh lôi cuốn thì dẫn mình đi luân hồi sanh tử, nếu thu nhiếp được cảnh là mình thoát ly sanh tử.

Hằng hợp với thanh tịnh bản nhiên, thì chẳng còn sanh trở lại.

Nếu mình hợp với tâm thanh tịnh sẵn vậy thì chẳng còn trở lại sanh tử hay trần lao này nữa.

Và núi sông, quả đất, mọi tướng hữu vi, như vàng ra khỏi quặng, trọn chẳng còn dính bụi đất.

Nếu thấy tất cả cảnh đều không ngoài tâm, thì cảnh không còn gì để quyến rũ lôi cuốn tâm, mà không quyến rũ lôi cuốn tâm thì mọi cảnh không có gì làm dính bận hay làm mình rối loạn. Do đó cũng giống như vàng ra khỏi quặng là vàng ròng nên không còn dính bụi đất.

Dường như cây đã cháy thành tro, đâu có mọc cành lá lại nữa.

Được như vậy cũng giống như cây đã cháy thành tro thì không còn mọc lên cành lá nữa được.

Một phen được là được mãi, tột đến mé vị lai thoát hẳn cảnh giam giữ, ở mãi nơi cõi Thánh vậy.

Nếu ai nhìn người, nhìn vật đều biết không ngoài mình, không ngoài tâm mình mà có, thì người đó không bị cảnh lôi kéo, người đó sẽ được tự tại, được giải thoát. Và khi được một lần là được mãi không mất. Đó là lời giải thích rất sâu xa của Ngài.

Song đại đạo Nhất thừa tối thượng này, nếu người căn khí lanh lợi, một nhảy liền thẳng vào đất Như Lai.

Chỗ đại đạo Nhất thừa tối thượng này tức là Thiền tông. Nếu người căn khí lanh lợi thì chỉ một cái nhảy là thẳng vào đất Như Lai, chớ không có cái nửa chừng.

Nếu người căn khí chậm lụt thì phải làm thế nào? Hẳn phải do công phu học từ dưới lên trên, thứ lớp dẫn vào pháp môn, mới có thể được.

Những người chậm lụt thì phải do công phu học từ dưới lần lần lên trên, cứ thứ tự mà vào pháp môn mới có thể được.

Khiến cho họ đi một bước tự có hiệu nghiệm một bước, lên một cấp tự có khuôn khổ một cấp. Đó cũng chính là ý đi xa thì từ gần, lên cao thì từ thấp.

Đây chính là chỗ mà hiện giờ tôi có trách nhiệm phải hướng dẫn. Như nói về Thiền tông có dạy chúng ta tu đếm hơi thở không? Đâu có, chỉ cần nhảy một nhảy liền thẳng vào đất Như Lai rồi. Còn bây giờ tôi dạy đếm hơi thở chỉ là phương tiện để đi từ thấp lên cao. Chỗ nhảy một nhảy liền vào, đó là trường hợp như ngài Huệ Khả khi được Tổ Bồ-đề-đạt-ma bảo “đem tâm ra ta an cho”. Ngài xoay lại tìm tột cùng không thấy, thưa “con tìm tâm không được”. Tổ Đạt-ma bảo “ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Ngay đó Ngài biết được đường vào. Đó là chỗ nhảy một nhảy được vào, không cần dùng phương tiện. Nhưng chúng ta ngày nay, người đến học tu thiền mà nói như thế họ đâu biết sao mà tu. Vì vậy phải bắt họ ngồi nghiêm chỉnh đếm hơi thở, hít vô thở ra đếm một, hít vô thở ra đếm hai... lâu dần tâm họ mới yên. Rồi từ từ tiến lên bỏ pháp này chuyển sang pháp khác cho đến lúc nào đó niệm khởi không theo. Như vậy đi từ bậc từ bậc, nhưng trong đây có nói mỗi bậc đều có khuôn khổ của nó, có hiệu nghiệm của nó. Thí dụ như đếm hơi thở phải làm đúng phép đếm hơi thở, từ đếm hơi thở lúc ban đầu còn loạn, còn lăng xăng, nhưng lần lần được an định, hết loạn, khi ấy có hiệu nghiệm là không quên số nữa, tức là có kết quả, từ có kết quả đó mới bước qua pháp khác. Như vậy từng bước từng bước đều có hiệu nghiệm, đều có kết quả, rồi đi thẳng vào mới được, chớ không phải ai cũng đều nhảy một cái là tới nơi hết. Cho nên phương pháp dạy đó cũng như chính là ý muốn đi xa thì phải từ gần, muốn lên cao phải từ thấp. Không có thần thông mà muốn leo lên chót núi thì phải từ dưới đất bằng đi từ từ lên, lên mãi rồi sẽ đến chót núi. Còn người có thần thông chỉ cần nhảy một cái đã đến chót núi, tỉ dụ như Tôn Ngộ Không chẳng hạn. Mình không thể bì khi thấy người ta nhảy một cái đã tới núi, còn mình phải đi từng bước từng bước dưới chân núi đi lên có tủi thân không? Tuy mình đi từng bước từng bước lên nhưng cuối cùng cũng lên đến chót núi, còn người nhảy một nhảy tới nơi thì cũng đến chót núi vậy thôi, khác nhau chỉ có nhanh và chậm. Dù cho chậm mà cố gắng đi cũng tới nơi, chớ đừng thấy người ta nhảy một cái, còn mình đi lâu quá rồi buồn khổ, thất chí không nên. Phải tự hiểu, à anh có thần thông cứ nhảy lên trước, tôi không thần thông cứ đi từ từ rồi cũng tới. Như vậy ai cũng làm được, chớ đừng thấy người ta thế ấy mình bì không nổi rồi thất chí, thối lui là không hay, không phải.

 Nếu chẳng biết ra tay thực hành công phu vào cửa thì đâu hay chóng đến địa vị xong xuôi tột bậc.

Nếu chúng ta không biết cách tu để tiến vào cửa, mà không vào cửa được thì làm sao đến được địa vị cứu kính.

Nếu chưa thể tận tâm, thì đâu hay rõ tánh.

Tận tâm nghĩa là sao? Thường chúng ta hay nói tận tâm tận lực, nghĩa là mình dùng hết sức, nhưng ở đây không phải vậy. Tận tâm là tột của tâm, tức là tất cả những tâm lăng xăng vọng tưởng hết sạch, khi đó mình mới rõ được Tánh chân thật của mình. Nếu tâm lăng xăng chưa sạch, chưa tột thì tánh mình cũng không thấu rõ được.

Chưa thể minh tâm, thì đâu hay kiến tánh.

Chữ tận tâm là một lối nói khác với minh tâm. Nếu mình chưa sáng được tâm thì đâu có thể thấy được tánh. Như chúng ta tu, nếu chưa biết cái nghĩ suy, cái tâm vọng lự là hư dối, thì chúng ta có thể nhận ra được Bản tánh chân thật không? Cái hư dối, không biết nó hư dối thì không bao giờ nhận được cái thật. Vì vậy trước mình phải thấy rõ tâm hư dối, không lầm, không theo thì từ từ nó mới yên lặng, khi nó lặng thì Tánh chân thật mới hiển bày. Cho nên nói “chưa thể minh tâm, thì đâu hay kiến tánh”. Kiến tánh là phải thấy rõ được tâm rồi sau mới biết được tánh, chớ không phải bước vào là liền thấy tánh. Thật ra nói tâm, nói tánh dường như hai mà không phải hai. Tâm có khi nó trùm cả tâm vọng và tâm chân, nên nói tâm mang cả hai mặt vọng và chân. Còn tánh là chỉ cho cái chân thật bất di bất dịch. Nếu nói thật trắng ra thì tâm là cái biết của mình, cái biết do suy nghĩ và cái biết tự nhiên, vì vậy nên nói tâm lẫn cả vọng và chân. Cái biết do suy nghĩ là cái biết do lăng xăng trong đầu, còn cái biết tự nhiên là thấy người biết người, nghe tiếng đàn biết tiếng đàn, tiếng trống biết tiếng trống, cái biết đó không có suy nghĩ. Như vậy sáu căn mình đều có cái biết tự nhiên, rồi trong đó có cái biết suy nghĩ. Cái biết suy nghĩ đó gọi là vọng thức hay vọng tâm, cái biết này có lăng xăng, còn cái biết tự nhiên không lăng xăng. Có ai thấy cái biết tự nhiên này ra làm sao không? Nó có bóng có hình gì không? Nó không có bóng hình, còn cái biết suy nghĩ thì có bóng. Suy nghĩ về cái cây thì có bóng cái cây, suy nghĩ về con người thì có bóng con người. Cái biết tự nhiên không có bóng dáng nào hết, tự nó hiện tiền sẵn vậy. Cái biết suy nghĩ là cái bóng sanh diệt, vậy mà khi nói tâm là mình nhận cái suy nghĩ theo bóng đó, chớ không nhận ra cái biết tự nhiên. Vì vậy mà cái biết suy nghĩ là cái biết hư dối, không thật, còn cái biết chân thật không có bóng, bởi không có bóng nên nó thật, bởi không suy nghĩ nên nó không sanh diệt. Nếu nhận ra thì cái biết này là tánh, còn cái biết lăng xăng là cái biết trùm cả tâm và tánh hay là tâm chân tâm vọng ở trong đó. Cho nên nói tâm là kiêm cả chân vọng, nói tánh là chỉ cho cái Tâm chân thật.

Tóm lại, đoạn này Ngài muốn nói cho tất cả chúng ta hiểu rằng người tu thiền, đúng ra những bậc túc duyên đầy đủ, nghe một câu, một hành động của các Thiền sư liền ngộ, liền thấy, cho nên nói “một nhảy liền thẳng vào đất Như Lai”. Còn chúng ta ngày nay vì không đủ duyên nhiều đời nên phải đi thứ tự từ thấp lần lên. Nếu chúng ta có ý chí, có quyết tâm, thì chúng ta cũng đến nơi đến chốn được vậy.

Nên biết, minh tâm chính là mái chèo trí tuệ trong biển sanh tử, kiến tánh chính là thuốc hay trong bệnh phiền não.

Hai câu này hết sức quan trọng.

Minh tâm chính là mái chèo trí tuệ trong biển sanh tử.

Con thuyền đi trong biển sanh tử nếu không có mái chèo, đó là nói theo ngày xưa, còn bây giờ phải nói là nếu không có máy nổ thì sẽ bị sóng gió dồn dập, chắc không bao giờ đến được đích cả. Muốn đến được đích phải có mái chèo, mới chèo con thuyền đưa mình đi đến nơi tức là ra khỏi sanh tử. Như vậy minh tâm là thấy tột được lẽ thật của tâm mình, biết cái nào vọng cái nào chân, đó là cái gốc để đưa mình vượt ra khỏi biển sanh tử.

Kiến tánh chính là thuốc hay trong bệnh phiền não.

Ở trên là trong biển sanh tử, ở dưới là trong bệnh phiền não, lý đáng phải nói trong rừng phiền não, vì nói bệnh phiền não nó không hợp với chữ biển sanh tử. Kiến tánh chính là thuốc hay trong rừng phiền não. Bởi phiền não đối với chúng ta quá nhiều, nếu mình không kiến tánh thì không biết chừng nào mới sạch hết rừng phiền não này. Nếu phiền não không sạch thì không bao giờ chúng ta thoát khỏi sanh tử. Như vậy muốn trị bệnh phiền não phải nhờ kiến tánh, muốn ra khỏi biển sanh tử phải nhờ minh tâm. Nhưng tại sao kiến tánh trị bệnh phiền não? Nếu tất cả buồn thương giận ghét là chúng ta, thì chúng ta sống với tâm nào? Nghĩa là nếu không có nghĩ tưởng suy tính thì đâu có buồn thương giận ghét. Buồn thương giận ghét là do cái nghĩ tưởng suy tính, đó là sống với tâm vọng. Bởi sống với tâm vọng nên chúng ta sanh ra tất cả các thứ phiền não. Ngày nay chúng ta kiến tánh tức là nhận ra được Bản tánh hay nhận ra được Tâm chân thật trùm khắp, thì chúng ta đâu có suy tính nghĩ tưởng nữa mà còn phiền não, cho nên mới trị được bệnh phiền não. Như vậy người tu muốn ra khỏi sanh tử thì nhờ minh tâm, muốn sạch hết phiền não phải nhờ kiến tánh.

Nếu như sau khi được minh tâm kiến tánh rồi, lúc đó mới dùng cảnh giới trị sạch tự tâm, dùng tinh tấn làm cho tự tâm kiên cố, dùng nhẫn nhục làm cho tự tâm phẳng lặng, dùng giác chiếu làm cho tự tâm trong sạch, dùng trí tuệ làm cho tự tâm bén nhạy sáng suốt, dùng Tri kiến Phật làm cho tự tâm mở bày, dùng bình đẳng Phật làm cho tự tâm rộng lớn.

Ngài dạy sau khi chúng ta tu được minh tâm kiến tánh rồi, đừng nghĩ ngang đó là xong, mà còn phải dùng cảnh giới trị sạch tự tâm. Dùng cảnh giới trị sạch tự tâm là sao? Như ở trên đã nói, không có cảnh ở ngoài tâm, cũng như không có tâm nào ngoài cảnh, cảnh tức là tâm nên thấy cảnh tức là thấy tâm. Lúc đó tâm mình đâu có duyên lự mà làm cho phiền não, cho nên nói “dùng cảnh giới trị sạch tự tâm”.

Dùng tinh tấn làm cho tự tâm kiên cố.

Tuy rằng đã minh tâm kiến tánh mà vẫn phải tinh tấn để cho tâm càng kiên cố, chớ không phải nói minh tâm kiến tánh rồi đi nói dóc cho nhiều, thấy đó là tốt, là đủ rồi, mà phải luôn luôn tinh tấn, nhưng tinh tấn không cũng chưa được mà phải “dùng nhẫn nhục làm cho tự tâm phẳng lặng”. Nghĩa là dù cho mình có minh tâm kiến tánh nhưng nếu có ai biết, họ muốn chọc phá chơi nên nói: Thầy đó nói dóc chớ minh tâm kiến tánh gì, nói để lòe thiên hạ, lừa bịp thiên hạ vậy thôi. Nghe họ nói như vậy rồi mình dấy phiền não lên, tâm mình bị xáo động. Cho nên mặc kệ họ nói gì, chê gì mình vẫn nhẫn nhục bỏ qua hết thì tâm mình mới phẳng lặng, mới yên ổn. Nếu không khéo, tâm mình cũng sôi động lên rồi cũng phiền não. Như vậy tuy minh tâm kiến tánh mà vẫn phải “dùng nhẫn nhục làm cho tự tâm phẳng lặng”.

Dùng giác chiếu làm cho tự tâm trong sạch.

Như thấy cảnh, thấy người mà có những gì làm cho mình hơi bận rộn thì phải giác chiếu rõ ràng cảnh không thật, người không thật, không ngoài tâm mình có, luôn luôn nhắc như vậy khiến cho tự tâm mình trong sạch, không nhiễm, không nhơ.

Dùng trí tuệ làm cho tự tâm bén nhạy sáng suốt.

Lúc nào cũng dùng trí để quán chiếu, nhìn sự vật, không nên bỏ cho nó lu mờ.

Dùng Tri kiến Phật làm cho tự tâm mở bày.

Phải nhận ra nơi mình có Tri kiến Phật, mà thấy được mình có Tri kiến Phật thì tâm mình càng mở bày, càng rộng.

Dùng bình đẳng Phật làm cho tự tâm rộng lớn.

Tâm Phật là tâm bình đẳng rộng khắp, cho nên nhờ tâm bình đẳng này mà lần lần tâm mình càng mở rộng, không bị hạn cuộc.

Nếu sáng tỏ được tâm này, thì chóng vượt khỏi sanh tử, viên chứng Niết-bàn.

Nếu người nào sáng tỏ được tâm này tức là tâm thênh thang rộng lớn bất sanh bất diệt, thì người đó chóng vượt khỏi sanh tử, đều viên chứng Niết-bàn, tức là tròn chứng được quả vị Niết-bàn.

Nếu mê mờ tâm này thì luân hồi mãi mãi, bỏ mất tánh chân.

Nếu người nào đối với Tâm chân thật của mình mà mê mờ không biết, thì người đó phải luân hồi mãi mãi, người đó bỏ mất Tánh chân thật của chính mình.

Cho nên trọn chẳng ra ngoài tâm này.

 Rốt cuộc chẳng ra ngoài tâm này.

Nếu lìa tâm này thì không riêng có huyền diệu vậy. Về sau, dù có công phu thứ lớp, chẳng qua chính là thành tựu “cái ấy” mà thôi.

Nếu rời Tâm chân thật của chính mình thì không có cái gì gọi là huyền diệu hết. Về sau dù công phu thứ lớp mình tu để tiến, nhưng rốt cuộc tiến đến chỗ cuối cùng chỉ là cái tâm này thôi chớ không có gì khác. Đó là chỗ rõ ràng.

Những lời trên đây chính là phương pháp tu hành, là yếu thuật thành tiên chứng Thánh, là cửa tròn đủ vào đạo, vào đức.

Đây tôi thấy ngài Quảng Trí nói rất rõ, nhưng lâu lâu Ngài cũng thích tiên một chút, chớ lẽ ra thì thành Phật chứng Thánh hay thành Bồ-tát chứng Thánh, còn Ngài nói thành tiên chứng Thánh. Bởi ngày xưa ảnh hưởng đạo Nho, đạo Lão nhiều. Như vậy những lời trên đây tức là lời chỉ thẳng cho chúng ta đường lối tu thấu suốt tâm tánh, đó là yếu thuật cho mình thành Phật, thành Tổ, là cửa tròn đủ vào đạo đức.

Xưa ngài A-nan nhớ giỏi không sót điều gì (đa văn tổng trì) nhưng trải nhiều năm mà chẳng lên được Thánh quả. Khi dừng duyên chiếu soi trở lại, liền chứng vô sanh. Bởi tâm phàm phu trọn ngày cứ chạy ra ngoài, thì mỗi lúc càng xa, càng trái đó thôi.

Đến đây Ngài nhắc chúng ta biết tu là phải quay lại, phải nhìn sâu tận ở nơi mình, chớ không nên chạy ra ngoài. Vì vậy Ngài mới dẫn:

Xưa ngài A-nan nhớ giỏi không sót điều gì (đa văn tổng trì).

Như trong kinh diễn tả Phật thuyết pháp ngài A-nan nghe, giống như nước trong bình này rót qua bình kia, không rơi ra ngoài một giọt. Rót bình này bao nhiêu qua bình kia đủ bấy nhiêu không mất một giọt. Như vậy sức nhớ của Ngài thế nào? Nghĩa là Phật nói bao nhiêu Ngài nghe hết bấy nhiêu không sót một chữ nào. Vậy mà nhiều năm cũng không chứng được quả A-la-hán. Ngài thông minh thế ấy mà cũng không chứng quả là tại sao? Bởi vì cái đó chỉ nhận bên ngoài chớ không quay về mình. Đến khi Phật nhập Niết-bàn, ngài Ca-diếp mới đứng ra triệu tập năm trăm vị chứng quả A-la-hán đến, để đọc những lời Phật dạy kết tập kinh điển lần thứ nhất. Khi triệu tập lại, các ngài đồng ý cử A-nan để nói lại những bài pháp của Phật. Chỗ này có người đã nghi, bởi vì nói rằng ngài A-nan thuyết lại những lời của Phật dạy từ đầu đến cuối, nhưng thật tình khi Phật thành đạo thì ngài A-nan mới sanh, tên là Khánh Hỉ, nghĩa là mừng. Vậy Phật thành đạo rồi đi thuyết pháp đã lâu ngài A-nan mới được theo, như vậy khoảng trước đó ngài A-nan không có mặt làm sao Ngài nghe được. Nhưng trong kinh có câu chuyện thế này. Khi chọn người làm Thị giả thì lúc đó Phật đã yếu rồi, nên các vị đệ tử lớn mới đề nghị, nay Thế Tôn đã lớn tuổi, đi đứng một mình cũng khó khăn, phải có người giúp đỡ. Vậy phải chọn người làm Thị giả. Khi ấy ngài Mục-kiền-liên, ngài Xá-lợi-phất đều xin Phật làm Thị giả, nhưng Phật đều từ chối nói các ông có thể còn yếu hơn tôi nữa. Cuối cùng các vị đề nghị ngài A-nan làm Thị giả thì Phật chịu. Phật chọn ngài A-nan làm Thị giả, vì lúc đó Ngài mới hai mươi lăm tuổi. Nhưng khi hỏi A-nan thì Ngài không chịu vì Ngài bảo tôi chưa thông suốt những gì Phật dạy. Nếu Phật muốn dùng tôi làm Thị giả thì xin cho tôi năm điều thỏa mãn tôi mới làm. Trong năm điều đó có một điều là những bài kinh đức Phật đã nói trước mà tôi chưa được nghe, nay xin Phật nói lại cho tôi nghe, tôi mới chịu làm Thị giả. Vì vậy sau này những lời kinh mà Phật đã nói trước đều nhắc lại cho ngài A-nan nghe, nên khi kết tập mới đầy đủ, chớ mỗi người nhớ một ít thì làm sao gom lại hết được. Bởi lẽ đó là phương tiện ngài A-nan nghĩ đến việc kết tập kinh điển sau này nên Ngài xin Phật có điều kiện. Chúng ta thấy đối với ngài A-nan là một con người thông minh mà tu đến khi Phật nhập Niết-bàn Ngài chưa chứng quả A-la-hán. Như vậy chỉ nhớ lời Phật không, không phải được chứng đạo, vì lời Phật ở ngoài mà mình nhớ, thì cái nhớ đó chỉ giỏi về văn tự chớ không thể chứng đạo. Khi các vị trong buổi họp đề cử ngài A-nan phải kết tập kinh tức là thuật lại các bài kinh Phật đã nói Ngài nghe và thuộc, nhưng có một số vị trong đó có ngài Ca-diếp không đồng ý. Bởi vì ngài A-nan lúc đó chưa chứng quả A-la-hán, nên không cho vào trong hội. Khi ấy ngài A-nan tủi quá, vì Ngài thuộc hết kinh Phật nói mà không được dự kết tập. Buồn quá, Ngài đi vào núi trong một động ngồi thiền suốt đêm, đến khuya Ngài chứng quả A-la-hán. Sáng ra tất cả những vị được dự họp vào trong hang núi Kỳ-xà-quật rồi đóng cửa hang lại. Ngài A-nan đến sau gõ cửa xin cho vào, ngài Ca-diếp trở ra nói, nếu ông chứng được A-la-hán thì ông tự vào cần gì phải mở cửa. Lúc bấy giờ ngài A-nan mới dùng thần thông để qua được cửa hang. Như vậy chúng ta thấy rõ trong hội kết tập lần đầu chỉ toàn là bậc A-la-hán, không có người phàm phu nào chen vào. Ở đây dẫn để thấy rằng dù bao nhiêu năm ngài A-nan theo Phật, học nhớ hết mà không chứng quả, chỉ một ngày đêm ngồi quay lại liền chứng A-la-hán. Như vậy mình thấy giá trị của người học và của người tu khác nhau chỗ nào. Bởi vì học là cái mình lượm lặt ở ngoài, mà tôi thường gọi là Hữu sư trí, còn ngồi lại định tâm để Trí vô sư phát ra, mà Trí vô sư là trí chân thật cho nên chứng quả chớ không có gì lạ. Thế nên người ngồi tu cảm thấy như mình dốt, mà thật có dốt không? Nếu chứng quả thì đâu có dốt. Có ông Phật, hay A-la-hán nào không biết thuyết pháp không? Chỉ sợ tu không thành Phật, không chứng quả A-la-hán thôi. Nếu chứng quả A-la-hán thành Phật thì nói cái gì cũng thành pháp hết. Còn đi học, học mãi không biết bao giờ xong, học ông này rồi học ông kia, học triết đông lại sang triết tây, học đủ thứ, học suốt đời cũng không rồi, mà không chứng gì hết. Còn ở đây ngồi tu, chỉ cần quay lại tìm cho ra cái gì thật mình, tìm ra được cái đó thì chứng quả, mà chứng quả rồi nói cái gì cũng thành pháp cả. Như vậy cái nào gần hơn. Nói thế không có nghĩa là xúi đừng đi học.

Khi dừng duyên chiếu soi trở lại, liền chứng vô sanh.

Chứng vô sanh là chứng A-la-hán. Ngài A-nan chỉ dừng duyên chiếu soi trở lại trong một đêm là chứng được A-la-hán.

Bởi tâm phàm phu trọn ngày cứ chạy ra ngoài, thì mỗi lúc càng xa, càng trái đó thôi.

Đó là điều đáng thương. Tâm phàm phu trọn ngày cứ chạy ra ngoài, còn chúng ta trọn ngày có chạy ra ngoài hay trọn ngày xoay vô trong. Nếu Tăng Ni thời nay không bắt ngồi thiền thì cũng khó mà xoay trở lại phải không? Vì vậy ở đây khắt khe một chút là bắt ngày đêm phải sáu giờ xoay lại. Giờ đó muốn thấy cũng không thấy gì, muốn nghe cũng không nghe được gì, buộc phải xoay lại để phản chiếu. Nếu còn chạy ra ngoài thì càng chạy càng xa, càng xa càng trái mất cái chân thật của mình, rồi không biết chừng nào biết quay lại, chừng nào thấy được chính mình mới là quan trọng.

Là bậc học đạo, chẳng lo gì không thành tựu, chỉ lo chẳng siêng năng.

Câu này Ngài khuyến khích người học đạo. Học đạo chẳng lo gì không thành tựu, mà lo chẳng siêng năng. Ở đây có cái bệnh muốn cho thành tựu, muốn làm sao được ngộ đạo, làm sao được chứng quả mà không chịu cố gắng tu. Như vậy mong muốn đó có hão huyền không? Cho nên điều căn bản là phải siêng năng, cần mẫn là trên hết. Phải siêng năng cần mẫn thì tất cả công phu tu hành để đạt đạo sẽ đến. Không siêng năng cần mẫn dù cho có mong mỏi cũng vô ích.

Nếu hay ròng rặc và siêng năng, thì chưa có ai tham thiền mà chẳng ngộ.

Chúng ta phải nhớ câu này cho kỹ.

Giả sử lập chí chẳng vững, niềm tin đạo chẳng mạnh, sớm làm chiều lại đổi thay, mới đầu siêng năng đến giữa chừng thì buông nghỉ, thích trong chốc lát, lại chán với thời gian lâu dài.

Đây là nói bệnh của những người tu hiện nay. Lập chí thì chông chênh chưa vững, niềm tin đạo thì chẳng mạnh, chí không vững, tin không mạnh.

Sớm làm chiều lại đổi thay.

Sáng làm ra vẻ hăng hái lắm, tính ngày nay mình tu thật hay, tu thật giỏi. Nhưng sáng tính như vậy mà chiều ôm bồ đoàn lên rồi thôi kệ tu từ từ có gấp gì phải không?

Mới đầu siêng năng đến giữa chừng thì buông nghỉ.

Ban đầu thì siêng lắm, đến nửa chừng thì thả trôi.

Thích trong chốc lát, lại chán với thời gian lâu dài.

Nếu tu chừng ba bữa đạt đạo thì hăng lắm, nhưng nói mười năm, hai mươi năm thì ngán quá, nên đó là một bệnh. Như vậy trên đường tu muốn thành công chúng ta phải ngược lại những điều này. Nghĩa là phải lập chí cho vững, niềm tin đạo phải cho mạnh, sớm chiều đều như một không đổi thay, mới đầu siêng cuối cùng cũng vẫn siêng, dù nói thời gian bao lâu cũng không chán. Được như vậy chúng ta sẽ thành công.

Như thế mà mong mỏi được cùng làm bạn với chư Tổ, thật là ngông cuồng thay!

Lời nhắc nhở này thật là quí giá để cho chúng ta tu. Muốn sánh vai với chư Tổ thì chúng ta phải làm những điều ngược lại bệnh ở trên. Nếu mang bệnh đó mà đòi ngang hàng với chư Tổ là điều ngông cuồng không bao giờ có.

Một pháp mới điều phục này, tạm trình bày ít lời, để lại cho người đồng chí hướng soi rọi.

Đây Ngài nói pháp mới điều phục này Ngài tạm trình bày chút ít để người đồng chí hướng tu hành ráng soi lại cho kỹ.

Được vậy mới mong chẳng rơi vào không, kẹt theo tà kiến, thì pháp môn rất là may lắm! Mà tôi cũng may lắm!

Nếu người nghe những lời trình bày này mà soi rọi được sáng tỏ, tu hành được tiến bộ thì mới không rơi vào không, không kẹt vào tà kiến. Không rơi vào không, không kẹt vào tà kiến thì pháp môn này rất là may lắm, mà tôi (ngài Quảng Trí) cũng may lắm, vì đã giúp đỡ và chỉ bảo cho người khỏi lạc lầm.

Chỉ một bài điều phục trâu này, đại khái là như vậy, học giả cần biết rõ. Nói xong!

Như vậy bài này chưa nói gì đến trâu, Ngài chỉ phác họa cho chúng ta biết việc chuẩn bị điều phục trâu phải có những tư cách như thế này.

Mục Lục
Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải (1999)
Danh sách chương: